Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Tổ chức xã hội

06/01/201206:49(Xem: 6836)
2. Tổ chức xã hội

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG IV
ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG 

II. TỔ CHỨC XÃ HỘI

Chế độ quân chủ - Luật pháp – Luật Manou – Sự biến chuyển của chế độ tập cấp – Tập cấp Bà La Môn thăng tiến – Đặc quyền và uy thế của họ - Bổn phận của họ - Bênh vực chế độ tập cấp

Vì đường xá xấu, sự giao thông khó khăn nên hồi xưa chiếm được Ấn Độ là việc dễ, cai trị Ấn Độ mới khó. Trước khi có những đường xe lửa, do địa thế, Ấn Độ không thống nhất được, chỉ là một đám tiểu quốc rời rạc, cách biệt nhau, hỗn độn. Trong hoàn cảnh đó, một chính quyền muốn đứng vững phải có một đạo quân mạnh và trong những thời khủng hoảng – rất thường xảy ra – phải có một thủ lãnh chuyên chế. Vì vậy Ấn Độ chỉ biết có chế độ quân chủ. Nhưng dưới triều đại các vua bản xứ, dân chúng được hưởng nhiều tự do, một phần nhờ chế độ cộng đồng trong các làng xóm và chế độ phường trong các châu thành; một phần nữa nhờ giới quí tộc Bà La Môn ngăn cản bớt sự lộng hành của nhà vua. Luật Manoucó tính cách luân lí hơn là pháp luật, vạch rõ bổn phận của nhà cầm quyền Ấn: nhà vua phải nghiêm khắc đồng đều với mọi người mà đồng thời phải coi dân như con, lo cái lợi chung cho dân. Các vua Hồi không quan tâm tới những qui tắc trị dân đó bằng các vua Ấn mà họ thay thế; họ là một thiểu số xâm lăng, thẳng tay dùng sức mạnh của khí giới mà bắt dân chúng phải theo. Một sử gia Hồi nói thẳng, không úp mở rằng: “Chính quyền do quân đội tạo nên và đứng nổi là nhờ quân đội”. Vua Akbar là một ngoại lệ vì uy quyền ông dựa vào lòng trung thành của dân, ông độc đoán nhưng hiền hậu, nhân từ và quốc gia nhờ ông mà thịnh vượng. Ta có thể nói không một chính quyền nào có thể tốt hơn chính quyền của ông trong những hoàn cảnh của ông. Cái nhược điểm lớn nhất của một chế độ như vậy, như tôi đã nói, là hay dở gì đều hoàn toàn tuỳ tư cách của mỗi một người: nhà vua; uy quyền tối cao đó dưới triều đại Akbar tốt bao nhiêu thì dưới triều Aureng-Zeb tai hại bấy nhiêu. Các vua A Phú Hãn và Mông Cổ dùng bạo lực để chiếm ngôi, rốt cuộc luôn luôn bị ám sát và các chiến tranh để cướp ngôi bao giờ cũng tốn kém bằng một cuộc bầu cử Tống thống ở Mĩ[14] – mặc dầu là không bất tiện cho đời sống kinh tế bằng.

Dưới triều các vua Hồi, luật pháp chỉ biểu lộ ý muốn của nhà vua; còn dưới triều các vua Ấn, luật pháp phức tạp, hỗn độn hơn, gồm các sắc lệnh của nhà vua, các tục lệ trong xóm làng và các qui tắc về tập cấp. Quyền tài phán ở trong nhà thì thuộc về cha; ở trong làng thì thuộc về xã trưởng, cấp trưởng (người đứng đầu các tập cấp), về toà án của các phường; ở trong nước thì thuộc về tỉnh trưởng, viên thượng thư bộ hình hoặc chính nhà vua. Cuộc xử kiện xảy ra rất mau, bàn bạc một chút rồi tuyên án liền; chỉ khi người Anh tới mới có các luật sư. Triều đại nào cũng dùng cực hình để tra tấn, chỉ trừ triều vua Firoz. Có vô số tội bị xử tử: bẻ rào, đào ngạch để ăn trộm, làm huỷ hoại tài sản của nhà vua, hoặc ăn cắp đại qui mô tới cái mức ở thời đại chúng ta kẻ ăn cắp thành ân nhân, cột trụ của xã hội[15]. Hình phạt rất tàn khốc: chặt chân, chặt tay, xẻo mũi hoặc tai, móc tròng con mắt, hoặc nấu chì đổ vào miệng, hoặc cầm búa đập bể xương bàn tay bàn chân, đốt da, đóng đinh vào bàn tay, bàn chân hoặc bụng, cắt gân, cưa tội nhân làm hai khúc, hoặc banh thây ra, đóng nõ vào đít, hoặc thiêu sống, cho voi giày, hoặc liệng cho chó rừng đói xé thây.

Không có một bộ luật nào áp dụng cho toàn thể Ấn Độ. Trong đời sống hằng ngày, người ta dùng bộ Dharma-Shastras, những cuốn viết tay trong đó các luật lệ và bổn phận của tập cấp được đặt thành vè, và do các Bà La Môn soạn thảo hoàn toàn theo chủ trương Bà La Môn. Bộ cổ nhất trong loại đó là bộ Luật Manou. Theo thần thoại, Manou là tổ của phái Bà La Môn ở Manava, gần Delhi; người ta coi ông là con một vị thần và đã được thần Brahma trao tận tay bộ luật mang tên ông gồm 2.685 câu thơ. Xưa kia người ta bảo bộ luật xuất hiện vào khoảng 1200 trước Công nguyên, nhưng hiện nay người ta cho rằng chỉ vào mấy thế kỉ đầu Công nguyên thôi. Mới đầu, theo nguyên tắc, bộ luật chỉ để hướng dẫn các người Bà La Môn ở Manava, sau lần lần nó được nhận là dạy đạo làm người cho toàn thể dân Ấn; và mặc dầu nó không được các vua Hồi chính thức công nhận, trong thực tế, nó được coi là luật về hệ thống các tập cấp. Tính cách của nó chịu ảnh hưởng phần nào của xã hội và luân lí Ấn Độ. Xét chung thì nó chấp nhận phép thử tội[16], phép báo thù (talion) được áp dụng đúng [nghĩa là giết người thì bị tội chết, chặt tay người thì bị chặt tay lại]; và luôn luôn người ta nhắc nhở hoài dân chúng có một ý niệm về đạo đức, quyền hạn và uy lực của tập cấp Bà La Môn. Một phần lớn, nhờ bộ luật đó mà chế độ tập cấp thắng thế trong xã hội Ấn Độ.

Chế độ này càng ngày càng thêm rắc rối, phức tạp, cứng ngắc từ thời Veda, không những vì chế độ nào thì cũng vậy, càng lâu càng cứng ngắc lại, mà còn vì lẽ Ấn Độ, quyền uy chính trị bấp bênh, lại bị các giống người ngoại quốc xâm lăng, các tín ngưỡng ngoại lai uy hiếp, nên cần phải có một chế độ tập cấp cho thật nghiêm thì dân Ấn mới bớt lai Hồi. Ở thời Veda, tập cấp tuỳ thuộc màu da; tới thời Trung cổ, nó tuỳ thuộc dòng máu tổ tiên. Có hai điều căn bản: tập cấp di truyền từ đời cha tới đời con [cha ở trong tập cấp nào thì con phải ở trong tập cấp đó, không đổi được]; và phải thừa nhận dharma, tức những công việc và bổn phận thuộc về tập cấp của mình.

Ở trên đỉnh hệ thống đó có tám triệu nam Bà La Môn được hưởng nhiều quyền lợi nhất. Dưới triều Açoka, vì sự phát triển của Phật giáo, tu sĩ Bà La Môn mất một phần quyền hành, uy tín nhưng như mọi tăng lữ khác, họ kiên nhẫn chờ thời và tới triều đại Gupta, họ lại phục hưng được mọi đặc quyền của họ. Từ thế kỉ thứ II sau Công nguyên, họ được hưởng rất nhiều tặng vật, đặc biệt là đất đai. Cho tới khi Ấn bị Anh thống trị, những đất cát đó cũng như mọi tư hữu khác của Bà La Môn đều được miễn thuế. Luật Manou khuyên các vua chúa đừng bắt các Bà La Môn đóng thuế dù các nguồn lợi khác của quốc gia có cạn kiệt hết rồi chăng nữa, vì một người Bà La Môn nổi điên lên, chỉ cần đọc vài lời thần chú nguyền rủa nào đó là có thể làm cho nhà vua và tất cả đạo quân của triều đình tiêu diệt tức khắc. Người Ấn không có tục lập di chúc, vì theo tục, gia sản của người mất tự nhiên thuộc về các người con trai còn sống[17], nhưng chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân của phương Tây, người Ấn sau này cũng lập di chúc và tập cấp Bà La Môn ủng hộ tục lệ mới đó vì thấy nó có lợi cho họ, làm cho tài sản của giáo hội tăng lên. Khi cúng tế, muốn dâng Thần cái gì thì dâng, trước hết phải nhớ nộp tiền cúng cho thầy tư tế - như thầy cúng – đã; nộp càng nhiều thì càng được khen là mộ đạo, càng được Thần phù hộ. Dân chúng tin các phép màu, tin mọi thứ dị đoan lại càng làm cho bọn tu sĩ Bà La Môn giàu xụ. Họ làm tiền dân chúng bằng mọi cách: người đàn bà nào muốn cầu tự phải nộp trước một số tiền lớn; có khi họ còn bịa ra những lời sấm để vét túi dân; hoặc xúi một kẻ tay chân của họ làm bộ điên, rồi tuyên bố rằng mình bị Thần thánh trừng trị vì cái tội keo kiệt với các tu sĩ. Đau ốm, kiện tụng, nằm mộng thấy điềm gở hoặc có điều gì lo ngại là chạy lại hỏi một thầy Bà La Môn và dĩ nhiên phải nộp tiền cho thầy.

Sở dĩ bọn Bà La Môn có quyền hành như vậy vì họ nắm độc quyền tri thức. Họ bảo vệ tục lệ - nhưng nếu có lợi cho họ thì họ không quên sửa đổi tục lệ - họ dạy dỗ thanh niên, họ viết lách và chỉ họ mới là những nhà chuyên môn giải thích các kinh Vedachứa những lời mặc khải, nhất định là đúng không khi nào sai. Theo luật Bà La Môn, một người shudra[tức tập cấp công nhân] mà nghe Thánh kinh thì tai sẽ điếc, bị đổ chì vào; nếu tụng Thánh kinh thì lưỡi sẽ bị cắt đứt ra; nếu lại muốn học thuộc lòng thì thân thể sẽ bị chặt làm hai; đó, họ doạ như vậy đó để giữ độc quyền truyền đạo, dạy dỗ. Đạo Bà La Môn thành một đạo riêng của một tập cấp, không cho quần chúng len lỏi vào. Cũng theo luật Manou thì người Bà La Môn được Thượng Đế ban riêng cho cái quyền đứng trên các người khác. Nhưng muốn được hưởng đặc quyền của tập cấp, một người Bà La Môn phải chuẩn bị trong nhiều năm, sau đó được “tái sinh” và phong chức một cách long trọng. Từ đó họ thành một nhân vật linh thiêng, không ai được xâm phạm tới thân thể và của cải của họ nữa; nào phải chỉ có vậy mà thôi, theo luật Manou thì “hết thảy cái gì ở trong vũ trụ đều là vật sở hữu của các người Bà La Môn cả”. Dân chúng phải nuôi họ, hoặc riêng biệt từng người, hoặc góp sức nhau cúng dường họ; công việc đó không phải là chuyện bố thí mà là một bổn phận thiêng liêng. Đón một thầy Bà La Môn về nhà hầu hạ tức là kính Thần; nếu sơ suất với thầy, không cung phụng đàng hoàng thì khi thầy bước ra khỏi nhà, bao nhiêu việc thiện trước kia chủ nhà đã làm, thầy sẽ mang theo hết, xoá bỏ hết[18]. Người Bà La Môn mà bị một tội nặng thì nhà vua cũng không có quyền xử tử, chỉ có quyền đày đi một nơi khác thôi mà vẫn được giữ mọi tài sản. Kẻ nào mới có ý đánh đập Bà La Môn thôi thì sẽ bị đày xuống địa ngục trăm năm; nếu thực sự đánh đập rồi thì phải xuống địa ngục ngàn năm. Một shudra mà thông dâm với vợ một Bà La Môn thì bị hoạn và tịch thu hết tài sản. Một shudra mà giết một shudra thì có thể được tha tội nếu nộp cho một Bà La Môn mười con bò cái; giết một vaisya[tập cấp thương nhân] thì phải nộp một trăm con bò cái; giết một kshatriya[tập cấp chiến sĩ] thì ít nhất phải nộp một ngàn con bò cái; nhưng nếu giết một Bà La Môn thì không có cách gì chuộc tội được, thế nào cũng bị xử tử, chỉ giết Bà La Môn mới thực sự là giết người.

Được những đặc quyền đó thì bù lại, bọn Bà La Môn cũng phải lãnh nhiều nhiệm vụ và bổn phận. Người Bà La Môn không phải chỉ là một tu sĩ[19], còn phải làm những việc văn phòng, phải dạy học và viết sách. Dĩ nhiên, phải học luật và các kinh Veda; đó là bổn phận chính; nội cái việc đọc các kinh đó thôi cũng đã được đại phúc rồi, chứ đừng nói là làm lễ và các việc thiện nữa; nếu học thuộc lòng được Rig-Vedathì có thể phá tan tành vũ trụ mà cũng không bị Thượng Đế quở. Không được phép cưới vợ ở ngoài tập cấp, nếu cưới một người vợ là shudra thì con cái sẽ thuộc tập cấp paria[20][ti tiện], và Manou bảo “một người đàn ông thượng lưu mà ái ân với những người đàn bà hạ lưu thì là tự hạ mình xuống; nhưng một người đàn ông hạ lưu ái ân với những người đàn bà thượng lưu thì không thể nâng cao thân phận của mình được”. Người Bà La Môn phải tắm mỗi ngày, và mỗi khi bị một người thợ cạo hạ đẳng cạo mặt cho thì về nhà phải tắm lại; muốn ngủ ở chỗ nào thì trước hết phải đốt phân bò cái[21] để tẩy uế chỗ đó đã; đại tiểu tiện xong thì phải theo đúng nhiều nghi thức tỉ mỉ có tính cách vệ sinh. Không được ăn thịt, trứng, hành, nấm và tỏi tây. Chỉ được uống nước lã thôi, mà nước cũng phải do một Bà La Môn múc, gánh mới được. Không được bôi sáp thơm, dầu thơm, phải tránh những thú vui có tính cách nhục dục quá, không được ganh tị, nổi giận. Nếu đụng nhầm một vật “ô uế”, hay chỉ lại gần một người ngoại quốc (dù người đó là vị Toàn quyền Ấn Độ) thì về nhà cũng phải tắm gội theo nghi lễ để tẩy uế. Nếu phạm tội thì bị trừng trị nghiêm hơn những người các tập cấp khác: chẳng hạn một shudra ăn cắp thì phải thường tám lần giá tiền vật đánh cắp; một vaisya phải phạt vạ mười sáu lần giá tiền vật đánh cắp; một kshatriya phải phạt vạ gấp đôi: ba mươi hai lần; và một Bà La Môn: sáu mươi bốn lần. Một[22]Bà La Môn phải thận trọng, đừng bao giờ làm huỷ thương, đau đớn một sinh vật nào.

Nếu ta nhận rằng những qui tắc nghiêm khắc đó thường thường được giữ đúng, nếu ta lại nghĩ rằng dân chúng Ấn Độ làm ruộng thực cực khổ, chịu biết bao thiên tai cho nên lúc nào cũng lo lắng, cúng vái, không sao thoát ra khỏi các dị đoan vô lí nhất, thì ta hiểu được tại sao quyền hành của tăng lữ Bà La Môn mỗi ngày một tăng, và họ thành một tập cấp quí phái bền vững nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ ở Ấn Độ chúng ta mới thấy hiện tượng lạ lùng này là một tập cấp giữ được trọn uy tín và đặc quyền suốt hai ngàn rưỡi năm, mặc dầu trải qua bao cảnh thay ngôi đổi chúa, chính quyền này lên, chính quyền khác xuống. Chỉ bọn Chandala, ti tiện, ngoài tập cấp mới vĩnh tồn như vậy. Tập cấp kshatriya thời Phật tổ, làm chủ Ấn Độ, vừa về trí tuệ vừa về chính trị, tới thời đại Gupta đã không còn nữa; và mặc dầu các Bà La Môn nhận rằng các chiến sĩ thời trước là tương đương[23], khi Radjputana bị diệt thì tập cấp kshatriya cũng mất luôn. Lúc đó thực sự chỉ còn hai giai cấp lớn trong xã hội Ấn Độ: giai cấp Bà La Môn làm chủ Ấn Độ về phương diện tâm lí và xã hội; và dưới bọn đó là ba ngàn phường nghề nghiệp thôi[24].

Người ta có nhiều lí do để bênh vực chế độ tập cấp đó, mặc dầu nó bị mạt sát, đả kích nhiều nhất, cũng như chế độ nhất phu nhất thê. Ít nhất về phương diện ưu sinh [giữ cho nòi giống mỗi ngày tốt hơn] nó cũng có cái lợi là giữ huyết thống khỏi bị lai bậy bạ; nó chỉ cho người Ấn cách ăn uống, những qui tắc giữ thân thể được thanh khiết, và phép giữ vệ sinh. Nó lập được một trật tự trong cảnh hỗn độn do sự bất bình đẳng và sự dị biệt giữa các cá nhân, nó tránh cho hằng triệu người khỏi bị cái tham vọng phú quí ám ảnh; nó qui định đời sống của cá nhân, cho mỗi người một dharma, tức kĩ luật của tập cấp để theo; nó lập trật tự cho các nghề nghiệp, mỗi nghề cần có một thiên tư, không ai nghĩ tới chuyện khinh suất đổi nghề; và làm cho mỗi nghề thành một tập cấp, nó giúp cho người trong nghề đoàn kết với nhau chống sự bóc lột và sự chuyên hoành[25]. Nó cho giới quí tộc những phương tiện chống với thế lực của bọn phú hào và giới quân nhân, nhờ nó mà một xứ bấp bênh về chính trị, vì luôn luôn bị ngoại xâm hoặc có cách mạng, duy trì được một trật tự xã hội, luân lí, văn hóa và một sự liên tục mà các dân tộc khác không có, trừ dân tộc Trung Hoa. Trong các thời hỗn loạn, quốc gia chuyển biến, nhờ chế độ tập cấp mà các tu sĩ Bà La Môn duy trì được một sự ổn định thực sự, để có thể bảo vệ, phát triển rồi truyền lại cho các thế hệ sau nền văn minh của tổ tiên. Dân tộc Ấn kiên nhẫn, có thể nói là hãnh diện nữa, đeo cái ách tập cấp Bà La Môn tròng vào cổ họ vì họ biết rằng uy quyền của Bà La Môn mới thật là uy quyền duy nhất cần thiết cho xứ sở.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/08/2021(Xem: 2994)
Ví dụ Liên bang Nga độc đáo về một quốc gia, nơi trong những thay đổi bầu không khí văn hóa xã hội, và ý thức tôn giáo phụ thuộc nhiều hơn, vào sự cưỡng bức di cư hơn là bên trong những thay đổi tự nhiên.
26/08/2021(Xem: 3120)
Cộng đồng Tăng thân Làng Mai tại Hàn Quốc đã tổ chức khóa tu học Thiền Từ bi (자비명상), sẽ khai giảng vào tuần lễ đầu tháng 9 tới, từ Viện Đại học Dongguk, 30 Pildong-ro 1-gil, Jangchung-dong, Jung-gu, Seoul, Hàn Quốc, với thời gian 15 tuần.
26/08/2021(Xem: 4436)
Vào sau tuần lễ đầu tháng 4 năm 2013, chuyến công du của ngài Tổng thống Vladimir Putin đến Cộng hòa Buryatia là một chủ thể liên bang của Nga, viếng thăm Tu viện Ivilga Datsan, tu viện chính của Tăng đoàn Truyền thống Phật giáo tại Nga.
24/08/2021(Xem: 3505)
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Lễ kỷ niệm 100 năm (1921-2021) ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) https://www.nytimes.com/live/2021/06/30/world/china-communist-party-anniversary, đã được tổ chức tại quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Trong hầu hết những thập kỷ đó, ĐCSTQ đã tìm cách hạn chế hoặc xóa sạch các thực hành tôn giáo truyền thống, vốn được coi là một phần trong quá khứ "phong kiến" của Trung Hoa.
24/08/2021(Xem: 2796)
Hôm thứ Năm, ngày 19 tháng 8, có sự tham dự của 10.000 người được chọn. Ông Uông Dương (汪洋), Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc cho biết rằng cần "nỗ lực toàn diện" để đảm bảo người Tây Tạng nói và viết chuẩn tiếng Hán và chia sẻ rằng: "Các biểu tượng và hình ảnh văn hóa của đất nước Trung Quốc".
24/08/2021(Xem: 4144)
Một pho tượng Phật khổng lồ được cho là lớn nhất ở thế giới phương Tây, dự kiến sẽ được Khánh thành tại nước Cộng hòa Liên bang Brazil vào cuối tháng này, với một nghi lễ chính thức tại Thiền viện Morro da Vargem, thành phố Ibiraçu, thuộc bang Espírito Santo, Brazil.
22/08/2021(Xem: 4382)
Bắc Kinh đánh dấu Kỷ niệm 70 năm thành lập Khu tự trị Tây Tạng, với lời kêu gọi chấp nhận sự cai trị của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
22/08/2021(Xem: 3040)
Từ bao đời, đạo Phật đã song hành cùng nhịp bước vinh nhục, thăng trầm, thịnh suy của Đạo pháp Dân tộc Nhật Bản, và là điểm tựa về tinh thần cho nhân dân khi gặp cơn hoạn nạn, khủng hoảng, như thiên tai, dịch bệnh.
22/08/2021(Xem: 4801)
Gần đây, 13 cổ vật Phật giáo trị giá khoảng 16,5 triệu baht đã được chuyển từ Hoa Kỳ về Thái Lan. Cục Mỹ thuật Văn hóa Thái (FAD) có kế hoạch tổ chức một cuộc triển lãm, nhằm giới thiệu các bảo vật Phật giáo trong tương lai.
21/08/2021(Xem: 4530)
Vương quốc Phật giáo Thái Lan là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có thể tự sản xuất vaccine AstraZeneca từ đầu tháng 6-2021. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt và sẽ đạt con số 1 triệu vào cuối tuần này. Tình thế cấp bách buộc nước này phải vay mượn 150.000 liều AstraZeneca từ Vương quốc Phật giáo Bhutan và có thể ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine, ảnh hưởng đến đơn mua 30 triệu liều AstraZeneca của Việt Nam và nhiều nước khác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]