Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Những tích Phật miền sông Hằng

20/03/201110:34(Xem: 6497)
8. Những tích Phật miền sông Hằng

VĂN MiNH NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Những tích Phật miền sông Hằng

Từ Khắc-thập-mễ-nhĩ đi lần xuống, trước hết ngài Huyền Trang ghé thành Xá-kiệt-la. Đó là kinh đô cổ của một nhà vua có danh tiếng là Di-lan-đà trong quyển kinh Mi-lan-đà Bản-na. Trải qua bao lần thành bại, đất nước có thay đổi, tên vua Di-lan-đà và bộ kinh Mi-lanh-đà Bản-na vẫn còn. Bộ kinh này rất có giá trị, nhưng xuất hiện về sau, không thuộc trong Tam tạng kinh điển. Tương truyền là của đức Long thọ Bồ-tát soạn.

Kinh ghi lại một cuộc vấn đáp giữa vua Di-lan-đà với vị tỳ-kheo là Na-tiên, trình bày được đầy đủ những chỗ yếu lý đạo Phật, luận rõ về bản ngã. Những người học Phật đánh giá rất cao bộ kinh này.

Chẳng những thành Xá-kiệt-la có danh từ trước với nhà đại đế anh hùng Di-lan-đà, mà trước Ngài Huyền Trang 200 năm, thành này còn là nơi học đạo của Bồ-tát Thế Thân. Ban đầu ngài học theo Tiểu thừa, nhưng sau chuyển sang Đại thừa và được chứng ngộ, làm Tổ sư thứ 21, là người đã trước tác nhiều bộ luận Đại thừa, làm cho đạo pháp được hiển bày rực rỡ hơn.

Bồ-tát Thế Thân vẫn thường tu học và tham thiền ở xứ Xá-kiệt-la, có rất nhiều đệ tử. Sau khi Ngài tịch, Xá-kiệt-la cũng bị tàn hại như các vùng khác. Hồi đầu thế kỷ thứ sáu, quân Hung nô phá hoại gần hết cõi Ấn Độ. Trong một thời gian rất lâu, chúng cứ chuyên việc cướp phá hoài, đến đâu cũng làm nghiêng ngã thành trì. Viên tổng lãnh của chúng là Mihirakula có nói rằng: Ngựa ta qua chỗ nào thì không cho cỏ chỗ đó mọc lên được nữa. Chúng chiếm Xá-kiệt-la làm kinh đô, rồi đánh ra quanh các tỉnh thành. Nơi nơi đều khiếp sợ vì sự tàn hại của chúng.

Bọn Hung nô hung bạo ấy có tài chinh chiến, trăm trận trăm thắng. Bởi chúng giết người chiếm đất dễ dàng nên muốn đánh đâu thì đánh. Trong các vua ở Ấn Độ, chỉ có bậc hoàng đế mới dám chống cự với chúng. Hung nô rất ghét đạo Phật, đến đâu có chùa thì chúng phá nát, gặp tăng thì chúng giết đi. Đến đời vua Bát-la-đi-ty-a, hoàng đế nước Ma-kiệt-đà, là người quy y Phật, thấy bọn ấy phá chùa, giết tăng thì hận lắm nên không chịu nạp lễ cống. Hung nô giận, bèn kéo binh đến phạt. Chúng có tài đánh trận, vua Ma-kiệt-đà và đình thần đều thua phải chạy trốn. Qua năm 530, Hung nô yếu thế, bị đuổi ra khỏi miền sông Hằng hà. Chúng chạy lên phía trên, còn đoạt xứ Khắc-thập-mễ-nhĩ, giết vua và nán lại ở đó. Chúng còn tung hoành một thời gian, lại bắt tội vua xứ Càn-đà-la vì không nộp lễ cống, giết vua với cả dòng họ và đốt phá các chùa xưa tháp cổ. Về sau viên tổng lãnh của chúng bỏ mạng, cả đoàn liền tản lạc và bị đánh đuổi. Chúng chạy dồn lên xứ Đại-tần miền trên. Thời gian Ngài Huyền Trang ghé lại đây thì binh giặc Hung nô cũng chỉ mới bị đuổi ra khỏi Ấn Độ chưa bao lâu. Bởi xứ Xá-kiệt-la mới vừa thoát khỏi tay bọn ấy, nên Ngài Huyền Trang được nghe người bản xứ thuật chuyện của chúng rất rõ ràng.

Ngài cùng vài người bạn đồng hành từ giã thành Xá-kiệt-la. Chẳng bao lâu đến một cánh rừng, gặp một bọn cướp đến năm chục người. Quân cướp lột áo, giật đồ hành lý, lại còn rượt đuổi cả nhóm đến một hồ nước. May gặp nước cạn, lại đầy bụi rậm, Ngài với mấy người đồng hành cùng kéo xuống trốn ở một chỗ kín. Bọn cướp rượt đến hồ thì mất dấu, bèn trở lại. Ngài với mấy các vị tăng cùng đi ra khỏi chỗ nấp, liền chạy vào làng mà thuật chuyện. Một người Bà-la-môn đang cày ruộng, có lẽ là chủ thôn ấy, hay tin bèn đánh mõ lên tụ tập dân làng rượt bắt bọn cướp. Nhưng chúng đã chạy mất trong rừng rồi. Mấy vị tăng mất áo và hành lý đều kêu than. Duy chỉ có Ngài Huyền Trang là tươi tỉnh, vì tâm Ngài như suối trong, nước dầu xao động, nhưng suối không đục chút nào.



Bồ-tát Long Thọ (Nagarjuna)

Mấy sư vào làng, có một lão trượng Bà-la-môn mộ đạo Phật dâng cho áo quần và hành lý để thay thế những đồ đã mất. Rất may mắn cho ngài, vì lão trượng là một nhà cao học, rất thông thạo về Trung luận của Phật giáo. Tổ sư thành lập tông phái này là các ngài Long Thụ và Đề-bà, cũng là các vị tổ sư thứ mười bốn và mười lăm ở Ấn Độ. Ngài liền ở lại đó thọ học, vì mặc dầu Ngài đã có đọc qua vài bộ luận của phái Đại thừa Trung luận, nhưng chưa hiểu tinh tường nghĩa lý. Sau một tháng, Ngài từ tạ vị học giả này và tiếp tục lên đường.

Giờ đây mới là vào hẳn trong xứ Phật. Càng bước tới càng gặp nhiều kinh điển quý giá diễn rõ nguồn đạo pháp, càng biết nhiều vị cao tăng tinh thông các chỗ bí mật sâu thẳm trong giáo nghĩa. Khi đến thành Xi-na-bút-ti, Ngài ghé viếng các chùa tháp và ở lại đó hơn một năm, vì trong thành có tàng trữ được rất nhiều sách quý. Kế đến lại gặp nhằm mùa mưa, Ngài lưu lại thêm bốn tháng mà học đạo với vị sư trưởng thành Tra-lan-đức-cáp ở chùa Đốt-xá-tát-ma. Đây là một vị cao tăng uyên bác, ngụ ở thành này là chốn trung tâm Phật học với hơn năm mươi danh tăng.

Tiếp tục ra đi theo hướng Đông Nam, Ngài đến thành Ma-thù-ra có danh tiếng từ xưa. Phong cảnh đã thuộc về miền sông Hằng rồi. Khí hậu nóng, đất dễ trồng cây. Đất đai xứ này phì nhiêu lắm. Chỗ nào cũng có xoài mọc như đám rừng, quả sai oằn cây. Thành Ma-thù-ra có nhiều tích Phật. Trong xứ còn dấu tích của mấy người đại đệ tử của Phật, như Xá-lỵ-phất và Mục-kiền-liên, hai trong số mười đại đệ tử của Phật, Ưu-ba-ly, người thợ cạo cao thượng hơn cả mấy ông hoàng họ Thích, A-nan thị giả thân cận nhất của Phật và La-hầu-la, con trai của Phật lúc chưa đi tu.

Lại ở Ma-thù-ra, có truyền tụng sự tích vượn cúng Phật. Người ta kể rằng, một hôm có con vượn đến dâng một bình bát mật ong cho Phật. Được Phật thâu nhận thì nó vui mừng lắm, nhảy nhót cho đến chết. Nhờ phước cúng dường ấy, nó liền đầu thai thoát kiếp vượn, được làm người và tu hành đắc quả thánh.

Ở xứ Ma-thù-ra, chùa tháp thật to lớn và tinh xảo. Vào thế kỷ thứ tư và thứ năm, người ta có tạc một tượng Phật đứng rất lớn, tinh xảo không đâu bằng. Hiện nay, bảo tàng viện trong thành vẫn còn giữ được tượng Phật ấy.

Ngài Huyền Trang ra khỏi Ma-thù-ra, bèn lần đến thành Xa-tha-nít-hoa-ra. Đây là chỗ đã từng là bãi chiến trường của nhiều trận xung đột giữa các vị vua, nhiều lần đã xảy ra những trận giặc dữ dội. Thế mà giờ đây thành thị vẫn đông đảo, cuộc buôn bán vẫn thịnh hành. Ngài quan sát nhân vật và viếng chùa tháp xong, bèn đi tiếp về miền dưới. Bấy giờ, vào đến miền sông Hằng là một con sông thiêng liêng của người Ấn Độ. Phía trên nguồn, sông rộng chừng ba dặm, ra đến cửa sông rộng đến mười dặm. Nước chảy thấy trong xanh nhưng thường hay đổi màu. Dưới sông có nhiều loại tôm cá, rắn... rất lạ nhưng không hung bạo. Nước uống ngọt dịu. Kinh sách Bà-la-môn của người Ấn Độ nói rằng nước sông này trừ được bệnh. Tắm gội dưới sông có thể làm cho tội lỗi tiêu tan. Uống nước sông hay là dùng nước sông rửa miệng thì khỏi mang tai họa. Cho đến ai trầm mình chết dưới sông Hằng cũng được sanh lên cõi trời. Mỗi ngày, người ta lên xuống đông đảo ở những chỗ bến sông. Người Bà-la-môn tin như vậy, nhưng người đạo Phật thì cho đó chỉ là những thói tục dị đoan. Người ta vẫn còn kể lại câu chuyện xưa kia, có một lúc trai gái, già trẻ đang tụ tập nhau tắm rửa dưới sông Hằng, ngài Át-da-đề-hoa, Tổ sư thứ mười lăm của Phật giáo Ấn Độ, đã đến thuyết giảng và chỉ rõ sự mê tín của họ.

Đạo Bà-la-môn là một tôn giáo lớn và đã có từ rất sớm ở Ấn Độ. Nước Ấn Độ thời xưa phân chia theo giai cấp, giai cấp nào sinh hoạt, giao tiếp theo giai cấp ấy, cho đến người ta còn hạn chế cả việc hỏi han, tiếp xúc những người thuộc giai cấp khác. Trên hết là giai cấp Bà-la-môn, là những tu sĩ tu tập theo các giáo điều, kinh điển của đạo Bà-la-môn. Kế đó là giai cấp Sát-lỵ, tức là các dòng dõi vua chúa, quan tướng cha truyền con nối trong nước. Thứ ba là giai cấp Tỳ-xá, là những người thuộc giới thương gia, công nghệ, lo việc buôn bán hoặc làm các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Thấp hơn hết là giai cấp Thủ-đà, là hạng người làm ruộng. Bốn giai cấp đã phân ra như vậy, mọi sinh hoạt, ứng xử trong xã hội đều phải theo nơi sự phân chia ấy. Người ở hạng trên không được làm những việc thấp kém của hạng dưới, người ở hạng dưới chẳng được với lên những việc của hạng trên. Chỉ tội nghiệp cho một số rất đông dân nghèo, tuy cũng tồn tại, ăn uống, sinh hoạt mà không được xếp vào giai cấp nào cả. Đó là những người bị xem như mạt hạng, chẳng đáng gọi là người, không ai đoái tưởng và không ai gần gũi, cho đến không ai sờ chạm đến mình! Các giai cấp đều khinh miệt những người này. Đó là những người làm thịt, câu cá, đổ thùng rác... nói chung là các hạng lao công với dân nghèo hèn. Khi đi đường, họ phải nép vào bên trái lề đường và không được đi gần bốn giai cấp kể trên. Sanh ra ở Ấn Độ, nghèo hèn thì phải chịu nghèo hèn mãi. Nhiều khi ngẫm kỹ thấy thú vật còn sung sướng hơn là những người hạ tiện này!

Trên thì hạng Bà-la-môn nắm quyền về mặt tín ngưỡng, tôn giáo. Hàng vua chúa thì cầm quyền chính trị, đặt ra luật lệ cho các giai cấp khác phải làm theo. Còn các giai cấp bên dưới thì thường là ít được học hành, nên mê tín, ngu si. Cho nên những giai cấp cai trị mới dễ dàng xuyên tạc triết lý đạo Phật với chủ trương bình đẳng, từ bi. Tuy vậy mà lúc Ngài Huyền Trang qua, trong nước vẫn còn nhiều ngôi chùa danh tiếng. Mùa hè năm 635, Ngài lưu lại để làm công việc khảo cứu và học hỏi ở thành Mạc-tý-bổ-la và có xem nhiều quyển kinh Tiểu thừa, nhất là kinh của phái Tát-bà-đa bộ. Ngài tham học các môn Biện chính luận và Tùy phát trí luận với một vị trưởng lão tuổi trên 90, tên là Mật-đa-tư-na.

Sau đó, Ngài đi theo con sông Hằng mà lần ra, có ghé lại viếng xứ Ca-bì-tha là nơi ngày xưa Phật lên cung trời Đao-lỵ để giảng đạo lý cho mẹ. Vì hoàng hậu Ma-da là mẹ Ngài, khi sanh Ngài ra chỉ có bảy ngày thì đã thác sanh lên cõi trời này. Phật thuyết pháp cho mẹ nghe rồi, lại trở xuồng trần cũng tại xứ Ca-bì-tha này. Ngài Huyền Trang đến đây lễ bái, trước mắt dường như thấy Phật trở xuống từ trên cõi trời. Khi Phật từ cung trời Đao-lỵ trở xuống trần, có các vị tiên thánh và chư Bồ-tát đi theo vừa rải hoa vừa đọc kinh tán thán. Lúc ấy cũng có đức Phạm-thiên cầm phất trần và Đế-thích cầm lọng che theo hầu Phật. Người ta còn truyền nhau về một chỗ trước đây Phật đứng trên một hòn đá, còn ghi dấu hoa sen.

Ngài Huyền Trang đi đến thành Căn-dát-kút-sa. Thành thị phồn thịnh và xinh đẹp lắm. Ngài có kể lại rằng xứ Ca-nôi có lầu đài cao rộng, cửa nẻo vững vàng, đường sá sạch sẽ, hai bên có trồng cây và trước mỗi nhà đều có hoa thơm cỏ đẹp. Hàng hóa nhiều món đắt tiền, dân cư sung túc, an lạc. Lúc ấy xứ Ca-nôi là kinh đô toàn cõi Ấn Độ, hoàng đế thống nhiếp thường ngự ở đó. Vào lúc Ngài qua đến, hoàng đế Hát-sa đang trị vì là một nhà vua có danh tiếng lẫy lừng, vừa là một bậc anh hùng, vừa là một nhà cai trị khéo léo và công bình. Mấy đời vua trước không được thịnh, tình thế càng ngày càng suy. Qua đời Hát-sa thì vua chấn chỉnh lại và gồm thâu cõi Ấn Độ. Nhờ ngài có nhiều tài đức, ở ngôi trên bốn mươi năm nên cả nước đều được phát triển thịnh vượng, dân chúng được giàu mạnh, an hòa vui vẻ.

Khi ngài mới lên ngôi, nhờ đánh phạt được vua Xa-xăng-ca mà báo thù cho anh, nên danh tiếng lẫy lừng nhanh chóng. Lại cũng vì bênh vực đạo đức mà ngài đánh vua Xa-xăng-ca. Vua này phá chùa, giết tăng, tàn hại đến nỗi dám xâm phạm cây bồ đề. Đã là người mộ đạo, vua Hát-sa không chấp nhận sự độc ác như thế, bèn kéo binh đánh phạt. Binh vua đánh đâu thắng đó. Ngài đi dẹp giặc tốn bao nhiêu công sức, ròng rã mấy năm mới tùng phục được các nơi. Sau khi yên ổn thì đất nước ngài càng thêm rộng lớn, các vua trong xứ Ấn Độ thảy đều chịu quyền bảo hộ.

Hoàng đế Hát-sa đã bình phạt được các ông hoàng dữ tợn, không bao giờ ngài chịu để ai ở bậc trên mình. Thế nhưng đối với tăng chúng, ngài rất hiền hòa và kính trọng. Người ta nói ngài không kém vua A-dục ngày xưa. Thật là một vị thánh đế ở ngôi. Ngài hay trông nom và chăm sóc dân chúng, lo lắng cho từng việc đói no, sướng khổ. Bao giờ ngài cũng hiền từ và công bình, cho đến lắm khi quên ăn quên ngủ để làm công việc từ thiện cho dân. Ngài noi gương vua A-dục, cấm sát sanh hại vật và có lập chùa dựng tháp nhiều nơi. Trên các nẻo đường hoặc ở tỉnh thành hoặc ở vùng quê, ngài đều cho cất những nhà từ thiện để bố thí cơm, thuốc, áo quần cho người nghèo và kẻ lữ hành lỡ bước.

Ngài cai trị trong nước không có tiếng than vãn, oán trách. Ngài lại rất chuộng kẻ hiền tài, đức hạnh. Nghe quan chức ai có lòng từ thiện, hay giúp đỡ người thì ngài gọi vào triều mà khen tặng khuyến khích. Mỗi năm, qua mùa mưa, ngài thường đích thân ngự đến các tỉnh mà trông nom việc đê điều và nhất là lo việc phát chẩn cho dân nghèo.

Ngài nhóm đại hội hằng năm, thỉnh tăng chúng khắp nơi trong cõi Ấn Độ đến luận đạo, và có khen thưởng những vị danh sư. Lại cũng như hoàng đế A-dục trước kia, đức Hát-sa rất khoan hòa và trọng tự do tín ngưỡng. Hàng năm, ngài tự mình lo việc cúng dường thức ăn cho một ngàn thầy tu đạo Phật và năm trăm đạo sĩ Bà-la-môn. Ngoài ra, đúng kỳ năm năm, ngài mở ra một cuộc đại thí hội.

Trong kỳ thí hội ấy, ngài chẩn tế cho tất cả bần dân và cũng cúng dường cho tất cả thầy tu các phái trong cõi Ấn Độ.



Niêm hoa vi tiếu:

Phật đưa lên cành

hoa, cả pháp hội

đều ngơ ngác, chỉ có

ngài Ca-diếp mỉm

cười mà được

Phật truyền tâm pháp







Đức Thích-ca Mâu-ni Phật

Ngài Huyền Trang đến thành Ca-nôi có lẽ nhằm lúc hoàng đế đi vắng nên không gặp. Ngài ở lại ba tháng trong năm 636 tại tinh xá Ba-tra mà khảo cứu ba tạng kinh điển.

Ba tạng kinh điển của đạo Phật vốn là tất cả tinh hoa giáo pháp mà đức Thích-tôn để lại. Khi còn tại thế, Phật chỉ tùy căn cơ trong từng pháp hội mà thuyết pháp, chẳng có việc ghi chép thành kinh sách. Sau khi Phật nhập diệt, ba vị đại đức là Ca-diếp, A-nan-đà và Ưu-ba-ly mới triệu tập một đại hội kết tập, có cả thảy là năm trăm vị La-hán mà tuyên đọc lại các giáo pháp Phật đã dạy. Những giáo pháp này lúc ấy mới được ghi chép lại bằng văn tự mà thành ba tạng là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

Sau thời gian nghiên cứu học hỏi ở đây, Ngài lại lên đường đi qua tỉnh U-đơ. Nơi đây chẳng những là một nơi cổ tích, mà chừng hai trăm năm trước còn có hai vị cao tăng vang dội tiếng tăm, chính là hai anh em ngài Vô Trước và Thế Thân, hai nhà đại luận sư đã hiển phát rực rỡ giáo lý Đại thừa. Ngài Huyền Trang trước đã phục tài hai vị Bồ-tát ấy, nay viếng thăm đất nước này thì càng kính nể thêm. Ngài đi về hướng Tây bắc, cách thành chừng năm sáu dặm, gặp một cảnh chùa trong vườn xoài. Hai thế kỷ trước, hai vị Bồ-tát ấy đã chứng đạo và dạy đệ tử tại chùa này. Hai vị gốc người ở nước Càn-đà-la, khi mới đi tu thì mỗi người theo một pháp môn. Người anh là ngài Vô Trước theo khuynh hướng Đại thừa. Còn người em là ngài Thế Thân lại tinh thông giáo lý Tiểu thừa của phái Tỳ-bà-sa luận. Sau khi ngài Vô Trước chứng đạo, mới thuyết giảng mà khai ngộ cho em về theo Đại thừa.

Tích xưa kể lại rằng, một hôm hai anh em các ngài hẹn nhau vào nói chuyện tại chùa trong vườn xoài ở xứ A-du-đà. Nhằm lúc trời tối, ngài Vô Trước dắt em đến trên lầu cao ngó ngay xuống một rạch nước rồi lánh đi nơi khác. Đêm ấy, giữa mùa thu trăng soi trên mặt nước. Thình lình có tiếng lạ ứng lên giữa thinh không, tụng một đoạn kinh Đại thừa. Ngài Thế Thân nghe tiếng tụng kinh thanh thoát kia với ý nghĩa lời kinh dần dần làm cho Ngài vụt thấy cõi hữu hình dường như tan mất đi, dường như vũ trụ đang lu mờ dần dưới bóng trăng. Cõi đời giả tạm, mọi hình chất với thân mình ngồi trên mặt nước đều là chiêm bao, thì dầu cho vạn vật vô tình, chúng sanh hữu tình đều là mộng cả. Vũ trụ to lớn kia chẳng qua là một cảnh mộng lớn hơn mà thôi. Đã hiểu rõ là giả tạm, là chiêm bao, thì còn khó gì mà chẳng giải thoát mọi trói buộc? Từ đó mà dứt sạch bao triền phược. Ngài cảm động vô cùng, mới hiểu biết sự thâm áo của Đại thừa. Tự nghĩ lại bấy lâu nay mình biện bác, công kích đại đạo, đến khi hiểu ra chừng đã muộn màng, Ngài ân hận muốn lấy sậy bén mà tự cắt lưỡi mình. Ngài Vô Trước từ trong bóng tối liền bước ra mà can ngăn. Từ đây hai anh em hòa hiệp cùng nhau, truyền bá giáo lý Đại thừa trong khắp xứ.

Ngài Huyền Trang viếng thành A-du-đà xong, bèn tiếp tục đi xuôi theo dòng sông Hằng. Ngài cùng với hai mươi vị tăng đi trên một chiếc thuyền lớn. Lúc này, Ngài gặp một nạn lớn, tưởng đến phải bỏ mình nơi xứ Ấn Độ rồi.

Thuyền đi được chừng vài mươi ngàn thước, vừa đến một khúc sông vắng vẻ. Hai bên sông đều là rừng, cây che rậm rạp. Trong rừng có một bọn cướp, thấy có ghe lạ bèn chèo thuyền xông ra. Bọn này rất đông đảo, đứng trên mười chiếc thuyền, vây hãm và chận giữ các vị tăng đi trên thuyền với ngài Huyền Trang. Nhiều người sợ quá nhảy luôn xuống sông. Ngài Huyền Trang bị bọn cướp bắt cùng với mọi người trên thuyền, chúng đem lên bờ và lấy hết cả áo quần, tiền bạc. Nhưng điều khổ nạn lớn hơn nữa là bọn cướp này theo đạo Xi-hoa, thờ thần nữ Đuốc-ga, thường bắt người mà tế cho thần.

Mỗi năm đến mùa thu, chúng phải tìm bắt người làm lễ vật. Được người càng tốt tướng, đẹp trai càng quý. Giờ đây, bọn cướp gặp ngài Huyền Trang, thấy là một người dáng vẻ thanh tú, đẹp đẽ thì lấy làm thích chí. Chúng nhìn nhau coi bộ vui mừng lắm.

Chúng nói rằng: Tưởng đâu ta không kiếm được lễ xứng đáng mà tế thần! Nay gặp thầy tăng này tướng tá và mặt mày đẹp đẽ lắm, ta phải giết đi mà tế thần thì hẳn được phước lớn. Ngài đáp: Anh em muốn lấy hình thể xấu xa của bần tăng mà tế thần, bần tăng nào có tiếc gì. Nhưng bần tăng là người xứ xa, đến nước này mà làm lễ các nơi thánh địa, học đạo và thỉnh kinh. Công việc chưa xong mà anh em muốn giết đi, sợ rằng anh em chẳng được phước mà chắc phải mang họa ghê gớm lắm. Các vị tăng khác đều lên tiếng xin cho Ngài và có mấy người chịu xin chết thay cho Ngài. Nhưng bọn cướp đều không nghe, quyết làm thịt Ngài mà tế thần. Tên đầu đảng liền phân công kẻ đi xách nước về để rửa, người thì đi cất đài để làm lễ. Rồi truyền cho hai đứa cầm gươm xốc tới kéo Ngài lên đài để tế thần. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiên như thường, không lộ vẻ gì sợ sệt, lay động. Bọn cướp ngạc nhiên và chợt sanh lòng lo ngại.

Ngài thấy thế nào cũng không tránh khỏi chết, bèn xin nán lại một chút, nói rằng: Anh em cần gì phải quá hấp tấp, xin để bần tăng vào cảnh Niết-bàn cho an hòa, vui vẻ. Ngài nói rồi liền nhập định tham thiền, lòng tưởng đến đức Di-lặc và tập trung tư tưởng nghĩ về nước Phật, nguyện được sanh về cảnh của đức Di-lặc mà phụng sự Ngài, nghe đạo Ngài để được giải thoát hoàn toàn. Ngài cũng nguyện rằng nếu thành Phật rồi sẽ trở xuống trần mà độ cho bọn cướp này cải tà quy chánh, lại để truyền bá pháp Phật và độ cho tất cả chúng sanh. Ngài niệm vái đủ chư Phật mười phương và cứ nhất tâm thiền tịnh tưởng về đức Di-lặc.


Ở Trung Hoa và

Việt Nam, Bồ-tát

Di-lặc thường

được thờ phụng

bằng hình tượng

một hóa thân

của Ngài là

Bố Đại

Hòa Thượng,

mập mạp và có

sáu đứa trẻ con

vây quanh.

Hình này là biểu

tượng trang nghiêm

của Ngài trong tư thế

của một vị Phật

sẽ hạ sanh

trong tương lai.


Bồ-tát Di-lặc

Đột nhiên tinh thần Ngài thấy vô cùng sảng khoái, dường như vụt bay lên qua khỏi ba mươi ba từng trời. Ngài đến ngay cung của đức Di-lặc, thấy ngài đang ngự trên ngôi, chung quanh có chư vị thánh thần đứng hầu. Lúc ấy Ngài Huyền Trang hết sức vui mừng, không còn biết rằng mình đang ngồi gần bàn tế, không còn nhớ đến bọn cướp sắp giết mình. Các vị tăng đều kêu la than khóc. Bỗng đâu có một trận cuồng phong thổi tới, làm cho đá bay, cây ngã, dưới sông sóng dậy ầm ầm. Bọn cướp hoảng hốt sợ hãi, bèn hỏi các vị tăng đi cùng rằng: Ông ấy ở đâu đến đây, tên là gì? Tại sao có vẻ kỳ lạ như vậy. Các thầy đáp rằng: Ấy là một vị đại danh sư từ bên Trung Quốc qua đây mà tìm đạo. Nếu anh em giết Ngài thì sẽ bị hình phạt mãi vậy. Anh em chẳng thấy sóng gió dữ đó sao? Thần gió, thần sông đã nổi giận rồi. Nếu anh em không tỉnh ngộ thì e chết mất chẳng còn hồn. Bọn cướp run sợ, liền rũ nhau quỳ mọp xuống xin tội với Ngài. Nhưng Ngài đương khoái lạc trong cơn nhập định, không còn nghe biết chung quanh mình. Một tên cướp vịn lấy chéo áo cà sa của Ngài một cách cung kính. Ngài liền mở mắt ra và hỏi rất hiền lành rằng: Anh em định tế chưa?

Nghe ra bọn cướp chịu tha thì Ngài cũng tự nhiên như khi nãy nghe chúng muốn giết mình. Ngài liền khuyên bọn chúng bỏ dữ làm lành. Chúng đều tuân theo, đồng quăng gươm giáo dưới sông Hằng. Liền đó, sóng hạ gió tan. Bọn cướp vui mừng lắm, từ biệt Ngài mà đi tứ tán hết. Sau chuyện này đồn ra, danh tiếng Ngài vang khắp cõi Ấn Độ. Nhiều người xưng Ngài là thánh tăng.

Ấy là nhờ lòng thành tín, nhờ Phật phò trì, Ngài đã thoát khỏi một cơn nạn chết, lại còn độ cho bọn hung ác hóa ra lương thiện. Cho hay người tu hành mà đã thành tâm thì các tai nạn đều không hại được. Thường khi thì gặp người lành, dầu kẻ ác cũng dễ hóa ra hiền. Đạo Phật rất huyền diệu, người tu Phật thường nhận biết như vậy!

Ngài Huyền Trang tiếp tục lên thuyền đi đến một thành cổ là A-lạp-cáp-ba-đức. Ngày trước nơi này là một kinh đô. Từ thế kỷ thứ năm, tuy dòng vua Gupta không còn mà thành này vẫn đông đảo, thịnh hành. Ở đây có tháp do vua A-dục cất, có chuyện tích Tổ sư Đề-bà hồi thế kỷ thứ ba. Nhưng lúc ngài Huyền Trang ghé qua, số tăng chúng đã giảm đi nhiều. Trong xứ còn có hai ngôi chùa với một số tăng chúng, đều tu theo phái Tiểu thừa. Nhưng tình hình đạo pháp dẫu suy mà chuyện tích Phật hãy còn nhiều. Ngày xưa, thành A-lạp-cáp-ba-đức nổi danh nhờ có một cái đàn, là nơi hoàng đế ngự đến đó mà bố thí và phát chẩn cho dân nghèo. Gần đó là một cánh đồng rộng. Hoàng đế với nhiều ông hoàng thường họp các vị tăng chúng cùng với những kẻ côi cút, nghèo nàn về nơi đó mà bố thí ngày này sang ngày kia. Ngoài ra, xứ này cũng là một nơi thường có những cuộc tế lễ lớn của người đạo Bà-la-môn. Hàng ngàn người mê tín vẫn muốn trầm mình chết dưới quãng sông Hằng chảy ngang qua xứ ấy. Họ tin rằng chết như vậy sẽ được thành các vị thần tiên.

Ở xứ này, sự tín ngưỡng phân ra nhiều lối lạ lùng, khó tin là có thật. Trong thành có một cái đền to lớn, nguy nga, nơi ấy người ta cho là có rất nhiều phép linh. Người ta tin rằng ai vào đó cúng một đồng xu, sẽ đặng nhiều phước hơn cúng cả ngàn đồng bạc ở các nơi. Lại nếu ai vào đền mà liều chết thì sẽ được về cõi thần tiên. Phía trước chánh điện, có một cây đại thọ, tàn cao lá rậm với một vị thần ăn thịt người. Dưới gốc cây đầy xương cốt của những người đến nộp mạng cho thần. Có nhiều kẻ mê tín đến tự nạp cho thần để về cõi tiên. Họ đến đó rồi leo lên cây đại thụ, buông tay gieo mình xuống cội cây mà chết, xem như là nộp mạng cho thần. Phong tục dị kỳ này đã có từ xưa đến nay.

Ngày nay, chúng ta muốn khảo cứu đạo Phật, tưởng cũng nên để ý đến tín ngưỡng khác của dân tộc Ấn Độ vậy. Ta không nên cho những tục lạ lùng, những điều mê tín là thấp hèn, không đáng quan sát. Vì nếu ta thấy các việc mê lầm, sai lệch kia thì ta mới hiểu chỗ sáng suốt trong giáo pháp của Phật là thanh cao. Cũng cùng trong một nước, cũng đều là tín ngưỡng, mà đạo Phật thì yên tĩnh, thuần hậu, ôn hòa, thâm trầm, còn nhiều thứ tín ngưỡng tà giáo khác thì hung ác, bạo tàn cho đến có kẻ tin vào việc giết người để tu đạo nữa.

Ngài Huyền Trang lại đi vào một khu rừng rậm, đầy những ác thú với voi rừng. Theo hướng Tây nam chẳng bao lâu đến Câu-đàm-di, một thành cổ rất có danh, cũng là một kinh đô thời trước. Có tháp vua A-dục ghi dấu Phật, vì Phật có đến thuyết pháp nhiều lần nơi đây. Vài trăm năm trước, ngài Thế Thân đã đến đây tham thiền và soạn kinh luận. Lại có vườn xoài với ngôi chùa là nơi tu hành của ngài Vô Trước. Nhưng giờ đây cũng là cảnh điêu tàn. Khắp xứ chỉ còn chừng mười ngôi chùa hư nát với vài ba trăm vị tăng tu theo Tiểu thừa. Còn các tu viện của đạo Bà-la-môn thì trên năm chục nơi với rất nhiều người tu.

Hai đạo thường đối nghịch nhau. Trong lúc tư tưởng Phật giáo ở Ấn Độ phát triển cao đến cực điểm, rồi lại dần dần tàn lụn, thì tình hình đạo Bà-la-môn lại ngày càng thịnh phát thêm, dường như có phần mạnh mẽ, bộc phát, cũng là một mối đe dọa cho sự tồn vong của đạo Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/05/2014(Xem: 5448)
Nổi tiếng là bộ Kinh Phật khắc trên gỗ lớn hàng đầu thế giới, Tripitaka Koreana từng được tổ chức UNESCO liệt vào hàng di sản văn hóa cao quý nhất của xứ bình minh yên tĩnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử để tồn tại cho đến tận bây giờ, bộ Kinh Phật này năm nay vừa tròn 1000 tuổi.
27/11/2013(Xem: 49565)
"Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi" là một tập tự truyện của Mẫu Thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering, Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
26/10/2013(Xem: 62482)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
09/10/2013(Xem: 12286)
Tờ nhật báo uy tín Le Monde của Pháp ngày 18 tháng 9 năm 2013, trong mục Địa Lý và Chính Trị và qua một bài viết của ký giả Frédéric Robin đặc phái viên ở New Delhi, đã nêu lên các mưu đồ và tham vọng quốc tế nhằm khai thác thánh địa Phật Giáo Lâm-tì-ni (Lumbini). Dưới đây là phần chuyển ngữ.
18/09/2013(Xem: 4714)
Trong lá thư tháng 9 năm 2013 (http://www.bouddhismes.net/node/1659)của Viện Nghiên Cứu Phật Học Pháp gửi cho các thành viên có giới thiệu một bài báo nói về Phật Giáo Trung Quốc đã đăng trên trang web Fait-religieux.com(http://www.fait-religieux.com/monde/asie_pacifique/2013/06/16). Xin chuyển ngữ dưới đây. Một sự đổi mới thật ngoạn mục thế nhưng cần phải hiểu với sự thận trọng
05/06/2013(Xem: 25578)
Kỷ Yếu Kính Mừng Chu Niên Hai Mươi Năm (1990-2010) Thành Lập Tu Viện Quảng Đức
25/05/2013(Xem: 10297)
Lược Sử Phật Giáo Trung Quốc (Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X) - Tác giả Viên Trí
23/04/2013(Xem: 8450)
Quyển Thiền Lâm Tế Nhật Bản quý vị đang cầm trên tay bằng tiếng Việt đây, chúng tôi dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi, nhân kỳ nhập thất lần thứ ba tại đây. Công việc được bắt đầu từ ngày 24 tháng 10 năm 2005, đến ngày 18 tháng 11 năm 2005 bản dịch hoàn tất.
10/04/2013(Xem: 4293)
Hiện nay có hai bảng Niên biểu Phật giáo khá phổ biến và cả hai đều căn cứ vào một mốc thời gian duy nhất tương đối chính xác là năm đăng quang của hoàng đế A-dục, tức là năm - 268 hay - 267 trước Tây lịch. Các học giả Tây phương đặt tên cho hai bảng Niên biểu này là : "Bảng Niên biểu dài" và "Bảng Niên biểu ngắn". Theo bảng "Niên biểu dài" thì Đức Phật tịch diệt 218 năm trước khi hoàng đế A-dục chính thức lên ngôi, vì vậy nếu suy ngược lên bằng cách dựa vào mốc thời gian làm chuẩn là năm - 268, thì Đức Phật nhập vào Đại bát Niết bàn vào năm - 486
10/04/2013(Xem: 5100)
Số lượng Phật tử trên thế giới đã từng bị lượng định quá thấp. Những thống kê mà ta đọc được trong các Từ điển Bách khoa hoặc trong các Bảng Niên giám thường ghi con số nầy vào khoảng 500 triệu người. Con số nầy đã không kể đến hơn một tỉ người Trung Quốc hiện đang sống tại nước Cọng hòa Nhân dân Trung Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]