Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vui Xuân khí thế Tây Tạng

11/02/201108:19(Xem: 3790)
Vui Xuân khí thế Tây Tạng

tibetan-temple-01 
Vui Xuân khí thế Tây Tạng

Mùa xuân tuy không có pháo như truyền thống, nhưng bù lại tiếng vỗ tay của hội chúng cũng gây ấn tượng phần nào chào đón xuân sang. Như để khai pháo, các đệ tử đồng nhất trí bái thỉnh sư phụ kể cho hội chúng nghe câu chuyện có tính cách khai hoa trí tuệ đầu xuân…

Sau tràng pháo tay cung thỉnh, Sư ông vui cười chấp tay bái thuận lời thỉnh cầu. Ngài dí dỏm câu chuyện: “Bấy lâu nay quí thầy, quí Chú thường xem ti vi hoặc đã sang Ấn Độ thấy cách lạy nằm dài của Phật tử Tây Tạng và muốn biết nguồn gốc của sự bái lạy một cách qui phục, sùng mộ như vậy phải không? Câu chuyện thế này: “Hiền giả Thiện Tuệ vào thời Phật Nhiên Đăng. Hiền giả Thiện Tuệ nằm dài xuống đất trên đống bùn để thỉnh Đức Phật Nhiên Đăng bước qua thân mình, sử dụng thân mình làm lối đi cho Phật bước qua. Ngay lúc đó Hiền Giả Thiện Tuệ chứng đạt Niết-bàn ngay trong bàn tay.

Nhưng sau đó Ngài lại tự nhủ: ‘Công dụng của Niết-bàn là gì? Ta là người bơi dũng mãnh, không cần cho ta phải tự cứu mình mau như vậy, ta hãy từ bỏ Niết-bàn ngay lúc này. Ta hãy trì hoãn sự chứng đạt đó và ta hãy nỗ lực để trở thành như Phật Nhiên Đăng’. Thiện Tuệ bị cảm kích quá nhiều hào quang rạng rỡ của Đức Phật Nhiên Đăng, cứ tưởng Niết-bàn ngay đây và bây giờ quá nhỏ đối với mình. Quý vị phải nhớ rằng ngưỡng mộ sẽ đưa đến thán phục. Bởi vì Hiền giả Thiện Tuệ ngưỡng mộ sự rạng rỡ của Phật Nhiên Đăng nên muốn bắt chước Ngài. Hiền giả tự nhủ: ta không muốn Niết Bàn chỉ cho riêng mình. Ta hãy trở thành một hình tượng hiện thân giống như Đức Phật Nhiên Đăng. Thiện Tuệ quả là một chúng sinh khổng lồ không phải là con người bình thường. Ngài có tấm lòng rộng lượng bao la như biển cả đại dương. Vì vậy Ngài muốn cứu vớt cả vũ trụ vạn hữu. Đức Phật Nhiên Đăng liền thị hiện trước mặt Hiền Giả Thiện Tuệ và nói với mọi người: “Các Thiện hữu! có thấy vị đạo sĩ khổ hạnh đây không, vị này đang hành pháp khổ hạnh. Các Thiện hữu có thấy vị đạo sĩ đang nằm dài dưới đất, một ngày kia cũng sẽ thành Phật như ta hôm nay, hiệu là Gautama”. Tràng pháo tay cảm tạ lại vang lên.(1)

Đến đây sư phụ cũng phụ họa thêm: “Đấy là bước đầu của hạnh vô ngã, vị tha - quy mạng lễ. Quên mình vì lợi lạc an vui cho bao người khác. Bậc hiền nhân Đại bi dám để cho Thánh giả bước qua đầu, qua cổ mình mà vẫn an nhiên tự tại. Chớ không phải dễ dàng làm một thứ công cụ cho ác ma giày xéo trên thân phận yếu hèn của con người chỉ biết quy phục. Cách lễ lạy truyền thống này chính là thiện pháp để chuyển hóa bản ngã và tự thắng lòng kiêu mạn. Chắp tay để nơi 3 chỗ thân, khẩu, ý cũng là biểu tượng của 3 cánh cửa thân, khẩu, ý của vị Phật. Tiếp xúc với các cửa trên là khát vọng của ta muốn thành đạt các phẩm hạnh như các ngài. Bởi vậy khi nằm dài xuống hành giả tưởng tượng chư Phật và chư Bồ-tát đang hiện diện quanh mình ban cho ta ân phước đại bi, đại trí vô song.

Sau tràng pháo tay bái ngưỡng, một Thầy đã mạnh dạn thưa thỉnh: “Kính bạch Sư Ông, nhân khí thế của mùa hoa Tây Tạng mà sư Ông vừa kể, chúng con xin mạo muội hỏi thêm một câu mà bấy lâu nay anh em chúng con cũng như quí Phật tử thường thắc mắc chưa hiểu rõ lắm rằng, vì sao trong một vài hình ảnh nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng có hai vị thần nam nữ ôm nhau giao hội trông rất khó coi?”

Sau tràng pháo tay thích thú và nhất trí câu hỏi, Sư ông mỉm cười: “Câu chuyện này tục mà thanh, uế mà tịnh. Như chúng ta đã học truyền thống Mật tông Tây Tạng - Kim Cang thừa - lấy Bát-nhã làm Đại trí, lấy phương tiện làm Đại bi. Trí tuệ là mẹ của chư Phật nên lấy Bát-nhã làm Mẫu và lấy phương tiện làm Phu. Kết quả là Bi Trí song vận. Trong bộ kinh Áo Nghĩa Thư - Upanishad của Ấn Độ đã viết:

“Thuở tối sơ của vũ trụ chỉ có tự ngã của một cá thể, và như vậy là không khoái lạc, nên tự phân chính mình ra làm hai phần. Nhân đó mới có trượng phu (pati) và thê tử (Patini) ôm chặt lấy nhau mà sinh ra nhân loại”. Đây là bản luận thuyết về sự sáng tạo vũ trụ. Luận thuyết này tương đồng với thuyết âm dương hoặc càn khôn của Trung Quốc. Hai tính nam nữ giao nhau tự nó được coi là nguyên lý tối cao để tác thành vũ trụ, nhân sinh. Tư tưởng này được đưa vào Mật thừa để rồi dần dần nó bị Phật giáo hóa. Đã vậy Mật thừa còn lấy Bát-nhã làm Đại trí, lấy Phương tiện làm Đại bi và cho rằng như vậy là thích hợp với Mật thừa để thành lập nguyên lý về nam tính và nữ tính. Họ lấy Tánh không của Bát-nhã phối hiệp với âm hộ của nữ tính, và lấy tướng hữu của phương tiện phối hợp với dương cụ của nam tính. Vậy là thiếu nữ, em gái, mẹ các bà, kim cang nữ và ngay cả nữ tính của tiện dân đều chỉ cho Bát-nhã. Họ lại cho rằng trong kinh cũng có nói Chư Phật lấy Bát-nhã làm mẫu, lấy phương tiện làm phu. Nữ tính được cho là mẫu, trong khi phương tiện được cho là chủng tử của nam tính. Kết quả là Bi Trí song vận, đấy được gọi là Niết-bàn Đại Lạc (màhasukha- đại hạnh phúc) hai thân nam nữ ôm nhau giao hợp là nguyên tắc cuối cùng của vô thượng du-già; nhân đấy mà thành lập Kim Cang Thừa (sahaji-ya-vairayana). Họ chủ trương Đại lạc Niết-bàn là sự dung hợp của Tánh không của Bát-nhã với hữu tướng của phương tiện và cho đó là cảnh giới tuyệt đối siêu việt không còn hữu vô, chủ khách, tạp nhiễm, thanh tịnh gì cả.

Vô thượng du-già của mật thừa tuy có nói đến việc nam nữ giao hội, nhưng không phải là thứ dâm dục của phàm phu. Vì nếu nhân tính giao hợp mà “Bồ-đề tâm” bị hạ giảm (tức nhân cao hứng mà xuất tinh) thì đấy quả là điều tuyệt đối đại cấm kỵ, vì thế tu theo phương pháp này kẻ tầm thường không thể tu được. Vì nếu xuất tinh thì chẳng khác gì phàm tục, cho nên giúp đệ tử gia trì, vị A-xà-lê phải vận dụng từ tâm, được như vậy vị A-xà-lê mới đem tinh huyết do nam nữ xuất ra và gọi đó là: “Xích bạch nhị Bồ-đề”… Tiếp theo một tràng hân hoan, kẻ vỗ tay, người khúc khích bịt miệng… hi… hi... Bất sanh bất diệt, bất thường bất đoạn, bất nhất bất dị, bất lai bất khứ… rõ ràng Bồ-tát Long Thọ đang khai thị chúng ta.(2) Lại một tràng pháo tay…

Đến đây một thầy khác đứng lên chắp tay tác bạch: “Kính bạch Sư Ông, con đã nhiều lần quan sát hình ảnh Tăng Ni Tây Tạng, họ có những cuộc sinh hoạt vấn đạo / đấu pháp với cung cách oai nghi đi ngoài truyền thống trang nghiêm giới luật của Phật giáo, tức là điệu bộ múa tay múa chân truy vấn đạo pháp một cách dữ dội khác thường. Chúng con muốn biết sự cố bí truyền của vấn đề để noi theo học tập. Xin Sư Ông hoan hỉ bố thí cho chúng con một lời giải thích chính đáng!” Sau tràng pháo tay ủng hộ câu hỏi lý thú. Sư Ông cũng vui vẻ giãi bày như sau: “Phương pháp học hỏi chủ yếu trong chốn Thiền môn của Tây Tạng chính là phương pháp tranh biện (Debate). Tranh biện đối với các Tăng sĩ Tây Tạng không phải chỉ mang tính học thuật mà là phương pháp sử dụng những hàm ý trực tiếp từ những sự kiện, những hiện tượng hiển nhiên, rõ ràng để phát triển những suy luận từ các Pháp ở trạng thái ẩn tàng, mơ hồ, không hiển lộ rõ ràng, cụ thể. Các hành giả đã nghiên cứu, truy tầm, tìm hiểu để liễu ngộ được bản chất của Chân đế thông qua phương pháp phân tích tỉ mỉ, cặn kẽ, tận tường những trạng thái hiện hữu của các hiện tượng thuộc về thế gian pháp (Tục đế). Đó chính là mục đích chủ yếu của sự tranh biện. Họ như những chú ong cần mẫn hút mật, chỉ chắt lọc những tinh chất của mật hoa và bỏ lại những thành phần không cần thiết.

Mục đích của việc tranh biện quả là vô cùng đặc biệt! Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng phương pháp ấy quá thô tháo, không phù hợp với phong cách oai nghi của nhà Phật. Thật ra, mỗi một cử chỉ, động tác của họ đều thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của sự giác ngộ và giải thoát vì họ luôn ý thức, chánh niệm về mỗi một động tác của mình.

Quá trình tranh biện đòi hỏi cần phải có hai người: người biện hộ (defender) - ở tư thế ngồi để trả lời và người thách đấu (challenger) ở tư thế đứng để đặt câu hỏi. Mở đầu cho cuộc tranh biện, người thách đấu sẽ vỗ hai bàn tay với nhau và đọc chủng tự “dhiḥ” của ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát. Đức Văn Thù chính là hiện thân cho trí tuệ của chư Phật và là một vị Thần đặc biệt của phương pháp tranh luận. Trong quá trình tranh luận, người thách đấu phải có động cơ tốt với lòng khát khao muốn giúp cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát và giác ngộ. Tuy nhiên, tâm nguyện này không dễ gì hoàn thành được nếu như hành giả không có được đại trí tuệ, vì vậy, người thách đấu phải đọc chủng tự “dhiḥ” để thỉnh cầu ngài Văn Thù rót vào tâm mình dòng trí tuệ siêu việt của Ngài. Kế đến, người thách đấu sẽ mở đầu cuộc tranh biện bằng lời tuyên bố: “Ngài Văn Thù đã đưa ra những đề tài để đánh bại những tà kiến và sự nghi ngờ của đối phương; tôi cũng sẽ làm như vậy với tất cả thiện chí và hảo ý của mình”.

Có lẽ phong thái rõ ràng nhất của một cuộc tranh biện thật sự chính là những cử chỉ, điệu bộ của động tác tay. Khi người thách đấu đặt câu hỏi đầu tiên cho người biện hộ, tay phải của anh ta đưa lên cao khỏi đầu và tay trái duỗi thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng lên trên. Sau khi đặt xong câu hỏi cho đối phương, anh ta sẽ vỗ tay thật to và lập tức rút tay phải về, lòng bàn tay hướng lên trên. Bấy giờ anh ta sẽ giữ bàn tay phải của mình cao hơn vai một tý, lòng bàn tay vẫn hướng lên trên - đồng thời đưa tay trái về phía trước và lật úp lòng bàn tay xuống.

Động tác của tay trái tượng trưng cho hành động đóng lại cánh cửa tái sanh trong trạng thái bất lực của vòng sanh tử luân hồi. Động tác rút bàn tay phải về và đưa lên cao tượng trưng cho ý chí của hành giả muốn đưa tất cả chúng sanh vượt khỏi sự luân hồi và đặt họ vào trong nhất thiết chủng trí. Tay trái tượng trưng cho trí tuệ của tánh không - với năng lực siêu phàm có khả năng vượt qua được sự luân hồi sanh tử. Tay phải tượng trưng cho phương tiện quyền xảo của tinh thần Phật giáo đại thừa – đó chính là tâm vị tha của sự giác ngộ được thúc đẩy bởi tâm đại từ bi vì tất cả chúng sanh muôn loài. Động tác vỗ tay tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và phương tiện (lòng bi). Dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa trí tuệ và phương tiện – hành giả có thể đạt được quả vị giải thoát và giác ngộ của Phật.

Đối với người quan sát từ phía bên ngoài, dường như những vị Tăng này đang tranh cãi với nhau một cách rất giận dữ. Sự nhận xét đó quả thật là sai lầm. Các nhà hùng biện tranh luận với giọng nói thật dõng dạc và đầy tự tin; họ vỗ tay với sự hăng hái, nhiệt tình, sôi nổi, và khi có một câu trả lời sai thì họ sẽ quở trách thật gắt gỏng đối với người phạm phải lỗi lầm. Bởi vì họ cho rằng để phát triển được trí tuệ không phải là điều đơn giản; họ cần phải thật dũng mãnh và kiên cường! Họ rất quả quyết một cách chắc chắn về những điều mà họ đã học, đã nghiên cứu; và phương pháp tranh luận sẽ giúp cho nền tảng kiến thức của họ trở nên vững vàng hơn.

Sự tranh biện không những chỉ lợi lạc cho những người tham gia tranh biện mà còn giúp cho những người ngoài cuộc đang theo dõi sự tranh biện có thể hiểu được vấn đề đang tranh luận. Các cuộc tranh luận thường hay thu hút sự tham gia của nhiều thính chúng bên ngoài. Thật là thú vị khi các nhà hùng biện đang do dự chưa tìm được câu trả lời thì thính chúng sẽ hô lên thật to: “trả lời đi! trả lời đi!” Và khi có một câu trả lời bị sai thì họ sẽ cười ầm lên và hét: “xấu hổ! xấu hổ!” (lu lu… lu lu). Các Tăng sĩ Tây Tạng thường tỏ ra rất hào hứng và sôi nổi mỗi khi đề cập đến vấn đề tranh luận! Trong nền văn hóa của họ, những cuộc tranh tài đầy gay cấn đều trở nên rất có ý nghĩa; bởi vì nó đã từng hiện hữu trong truyền thống văn hóa tổ tiên của họ trước thời kỳ Phật giáo du nhập vào. Sự tranh biện ở chốn Thiền môn không phải là một hiện tượng nằm bên lề của văn hóa Tây Tạng mà nó đã trở thành một phần trọng yếu trong truyền thống văn hoá của họ.(3)


Chú thích:

(1) Ven Lokanatha, The light of Truth

(2) Pháp Sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Tây Tạng

(3) Diệu Hải, College for Tibetan Studies (Dharamsala)

Nguồn: Tập San Pháp Luân 71

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4752)
Khi Koryeo đang chịu cảnh cực khổ vì quân Mông Cổ xâm lược Koryeo, người Koryeo đã khắc lẽ phải trên gỗ. Cứ khắc một chữ trên gỗ là người Koryeo đã cúi lạy ba lần. Hơn 50 triệu chữ và kiểu khắc chữ của toàn bộ các chữ đều giống nhau y như từ một người viết. Cũng không có chữ nào bị lỗi và bị bỏ sót. Đây chính là ‘Cao Ly Đại Tàng Kinh’. Nó là Đại Tàng Kinh cổ nhất hiện đang tồn tại trên thế giới.
10/04/2013(Xem: 3425)
Chuyến hoằng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan vào tháng 6 năm 2007 là một duyên lành, không chừng là lần cuối của Ngài, do tuổi hạc đã cao và một lịch trình sinh hoạt hằng năm ở khắp nơi trên thế giới đầy kín.
10/04/2013(Xem: 3483)
Thật là một đại hoan hỉ khi chúng tôi xin thưa với quý vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sẽ trở lại Úc vào ngày 11 /06/2008 để thuyết pháp trong năm ngày tại Sydney
10/04/2013(Xem: 7099)
Cali Today News - Đức Đạt Lai Lạt Ma, Nhà lãnh đạo tôn giáo và cũng là nhà lãnh đạo lưu vong Tây Tạng nói: "Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện thì sức mạnh tinh thần và tâm linh của người Việt sẽ giúp họ tìm ra con đường tốt đẹp hơn cho Việt Nam" . Ngài đã nói như vậy khi "phái đoàn" của Nhật báo Việt Báo đến viếng thăm Ngài vào ngày 14 Tháng 9, 2006 tại Pasadena, California.
10/04/2013(Xem: 5013)
Mạc Tư Khoa, Nga – “Thi thể của Giáo trưởng Lạt ma Itigelov đã được khai quật vào ngày 10 tháng 9, năm 2002, trong khu nghĩa trang gần thành phố Ulan Ude (Liên Bang Nga). Lạt ma thị tịch và được an táng vào năm 1927, và việc khai quật này đã được thực hiện với sự hiện diện của thân nhân, viên chức, và chuyên gia.”
10/04/2013(Xem: 4005)
Có một nhà sư rất khiêm tốn, chỉ tự nhận là một người tu hành, một nhà sư Phật giáo mà thôi. Ngài tên là Tenzin Gyatso, sinh năm 1935. Nhưng người ta lại gán cho Ngài cái tước hiệu là Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIV, và Ngài đã nhận giải Nobel Hoà Bình vào tháng 9 năm 1989. Ngài rất yêu thương con người, nhân loại và dân tộc của Ngài.
10/04/2013(Xem: 4396)
Đêm Hy Mã Lạp Sơn vang lên tiếng chó sủa. Ánh sáng lập lòe bên kia sườn đồi. Dưới vòm trời sao, trên lối mòn tăm tối giữa những hàng thông, một nhóm người hành hương trong y phục tả tơi đang bước đi, miệng lẩm bẩm cầu kinh. Ngay trước lúc rạng đông, khi những đỉnh núi tuyết ở phía sau nhuộm màu hồng đậm, đám đông ở bên ngoài ngôi chùa Namgyal ba tầng ở Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, trở nên yên lặng.
10/04/2013(Xem: 7943)
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, tên thật là Tenzin Gyatso, là một nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Ngài chào đời tại làng Taktser, vùng Đông Bắc Tây Tạng vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 (Ất Hợi) trong một gia đình nông dân. Ngài được thừa nhận là Dalai Lama vào năm 2 tuổi theo truyền thống Tây Tạng như là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13
10/04/2013(Xem: 4961)
Khi tìm những bài nói về về tương lai Phật giáo hoặc Phật giáo và tuổi trẻ, tôi lấy làm ngạc nhiên vì không dễ kiếm được nhiều bài nói về đề tài phức tạp này để cống hiến cho đọc giả của đặc san. Có lẽ do vì thống kê sinh hoạt Phật pháp không được đầy đủ và nền sinh hoạt tại các chùa không mấy liên quan với nhau. Tìm mãi thì cuối cùng qua internet, tôi đã kiếm được bài: “Phật Giáo Thịnh Suy (The Decline and Development of Buddhism)” do Sư Sayadaw U. Sumana viết.
10/04/2013(Xem: 5129)
Miền Bắc giáp Bangladesh, Ấn Độ, Trung Hoa. Miền đông giáp Lào, Thái Lan. Miền Nam giáp Mã Lai Á và miền Tây giáp với biển Ấn Độ. Một dãi giang sơn trãi dài qua các đồng bằng, núi non và biển cả. Miến Điện có lịch sử hơn 3000 năm tồn tại và phát triển. Ngày xưa Miến Điện được gọi là Bumua và ngày nay là Myanmar.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567