Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lịch sử Đạo Bụt nhập thế

20/06/201123:18(Xem: 7196)
Lịch sử Đạo Bụt nhập thế


Phat_Thich_Ca_2
LỊCH SỬ ĐẠO BỤT NHẬP THẾ

Phiên tả pháp thoại của TS. Nhất Hạnh ngày 6 - 7 tháng 5 năm 2008
tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội trong khóa tu cho các thiền sinh Tây phương
nhân dịp Đại lễ Phật Đản Quốc Tế Liên Hiệp Quốc 2008


Bài đăng trên một đặc san có chủ đề “Đạo Bụt Nhập Thế” của tạp chí Human Architecture, số VI, 3, mùa hè 2008. Lấy nguyên gốc từ tạp chí Mindfulness Bell số mùa thu 2008 với tựa đề “hành trình của nghệ thuật sống chánh niệm.”


Dẫn lược: Trong những ngày đầu của khóa tu bảy ngày bằng tiếng Anh tại Hà Nội, các bạn thiền sinh về dự khóa tu đã có một cơ hội hiếm hoi được nghe Thầy chia sẻ những kỷ niệm ngày Thầy mới bắt đầu sự nghiệp. Từ đây có thể thấy rõ Thầy vừa là nhà giáo, vừa là nhà hoạt động xã hội, nhà văn với tác phẩm phong phú và là người làm cách mạng tạo nên phong trào đạo Bụt nhập thế, đạo Bụt dấn thân mà gần đây bắt đầu được gọi là đạo Bụt ứng dụng. Theo Thầy: “Đạo Bụt nhập thế trước hết là một đạo Bụt có mặt từng giây từng phút trong đời sống hằng ngày. Đạo Bụt có mặt khi ta chải răng, khi ta lái xe; khi đi siêu thị đạo Bụt cũng có mặt để giúp ta biết cần mua những gì và không cần mua những gì. Đạo Bụt dấn thân cũng là một nguồn tuệ giác để đáp ứng lại những gì đang xảy ra trong hiện tại, bây giờ và ở đây - tình trạng trái đất nóng lên, khí hậu thay đổi, môi trường sinh thái bị phá hủy, thiếu truyền thông, chiến tranh, xung đột, tự tử, ly hôn. Nếu có thực tập chánh niệm, chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra trong cơ thể mình, những cảm xúc, cảm thọ trong ta và những gì đang xảy ra với môi trường của chúng ta. Đó chính là đạo Bụt nhập thế. Đạo Bụt nhập thế là một đạo Bụt đáp ứng được với bất kỳ điều gì đang xảy ra trong hiện tại, bây giờ và ở đây.”

Vào năm 1949, tôi đã cùng thầy Trí Hữu, một vị Thượng tọa từ Đà Nẵng thành lập nên Phật Học Đường Ấn Quang ở Sài Gòn. Tôi dạy lớp sơ cấp đầu cho các vị Sadi. Hồi đó tên chùa là Ứng Quang. Chùa vách tre lợp lá rất đơn sơ. Khi đó chiến tranh đang diễn ra giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.

Năm năm sau, vào năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết chia đất nước thành hai phần: miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản và miền Nam chống cộng sản. Hơn một triệu người, rất đông trong số đó là tín đồ Công giáo, đã di cư từ Bắc vào Nam. Một không khí hoang mang bao trùm đất nước.

Thỉnh thoảng lại có một vài người lính Pháp vào thăm viếng chùa Ứng Quang, họ đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam Vì sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến tranh với người Pháp chấm dứt, các bên thỏa thuận chia đất nước làm hai phần, và người Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ, tôi đã nói chuyện với những người lính Pháp đó. Rất nhiều người Pháp tới Việt Nam và đã chết trên đất Việt Nam.

Đạo Bụt qua nhận thức mới

Trong năm 1954, người dân Việt Nam rất hoang mang, đặc biệt là giới thanh niên, tăng ni xuất gia cũng như cư sĩ tại gia. Miền Bắc theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trong khi tại miền Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm, một tín đồ Công giáo được Mỹ ủng hộ lại đang cố gắng lái đất nước đi theo một ý thức hệ khác, “chủ nghĩa nhân vị”. Dường như sắp bắt đầu một cuộc chiến tranh ý thức hệ.

Đạo Bụt là một truyền thống lâu đời ở Việt Nam, hầu hết người dân Việt đều mang trong mình hạt giống đạo Bụt. Ông Vũ Ngọc Các, chủ bút tờ nhật báo Dân Chủ đã tới chùa Ứng Quang nhờ tôi viết một loạt bài về đạo Bụt. Ông Các muốn tôi chia sẻ tuệ giác, chỉ ra một hướng đi tâm linh có khả năng giúp người dân thoát khỏi tình trạng hoang mang đang bao trùm đất nước. Và tôi đã viết loạt 10 bài đăng trong 10 số báo liên tục với tựa đề “đạo Phật qua nhận thức mới”. Trong loạt bài này, tôi đã đưa ra ý tưởng về đạo Bụt nhập thế - đạo Bụt trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, chính trị, v.v... Đạo Bụt nhập thế như vậy là đã xuất hiện vào năm 1954.

Tôi còn nhớ hồi đó tôi không dùng máy chữ mà viết tay theo lối truyền thống. Người của tòa soạn tới lấy bài và cho đăng ngay trên trang nhất, với tựa đề in chữ lớn màu đỏ. Tờ báo bán rất chạy vì tình trạng hoang mang đã lên tới cực độ và người dân đang rất khao khát một đường hướng tâm linh.

Trà tường vi và bắp luộc

Sau đó, loạt bài đã được tập hợp lại và in thành sách. Không lâu sau, tôi về thăm Huế. Thầy Đức Tâm, bạn học cũ của tôi hồi ở Phật Học Đường Báo Quốc, khi đó cũng đang là chủ biên tạp chí Phật Học Liên Hoa. Chùa của thầy Đức Tâm ở Cồn Hến, một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông Hương. Bắp trồng ở Cồn Hến rất thơm và ngon. Thầy Đức Tâm mời tôi ở lại chùa chơi vài tuần. Mỗi sáng thầy Đức Tâm đều mời tôi một ly trà tường vi. Tường vi là một loại hoa hồng cánh nhỏ xíu, ướp trà rất thơm. Rồi cả hai đi thiền hành quanh Cồn và thầy Đức Tâm đãi tôi bắp luộc. Thầy nuôi tôi bằng trà tường vi và bắp luộc, rồi thầy ngỏ lời mời tôi viết một loạt bài về Đạo Bụt nhập thế. (đại chúng cười) Và tôi lại viết một loạt 10 bài nữa, nhan đề “đạo Phật ngày nay”, cũng về đề tài đạo Bụt nhập thế. Loạt bài này được nhà nghiên cứu nhân chủng học Lê Văn Hảo đang sống tại Paris dịch sang tiếng Pháp, lấy tựa đề Aujourd’hui le Boudhisme. Năm 1964, trong khi đi giảng dạy tại Hoa Kỳ, tôi đã gặp linh mục Thomas Merton và đã tặng cha một cuốn Aujourd’hui le Boudhisme. Cha đã viết lời tựa cho cuốn sách.

Đạo Bụt đi vào cuộc đời

Vào năm 1963-1964, tôi giảng dạy về đạo Bụt tại trường đại học Columbia, Mỹ. Tại Việt Nam, phong trào biểu tình đòi nhân quyền do giới Phật tử lãnh đạo đã lật đổ được chế độ Ngô Đình Diệm. Có thể các bạn đã nghe nói tới Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu, dùng chính cơ thể mình làm ngọn đuốc để báo động cho thế giới về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Đó quả thực là hành động đấu tranh cho nhân quyền hoàn toàn bất bạo động. Khi chính quyền Diệm sụp đổ, các bạn trong tăng thân mời tôi về để giúp.

Sau khi trở về Việt Nam, tôi đã thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh. Tôi tập hợp những bài đã viết trước đó và in thành cuốn sách đạo Bụt đi vào cuộc đời. Đó là đầu năm 1964. Có thể đây là lần đầu tiên các bạn được nghe những thông tin này. Cuộc đời có nghĩa là cuộc sống hay xã hội. Đạo Bụt nhập thế tiếng Việt được hiểu là đạo Bụt đi vào cuộc sống, đạo Bụt đi vào xã hội. Tiếng Trung Quốc gọi là nhân gian Phật giáo, tiếng Việt gọi là đạo Bụt nhập thế.

Sáu tháng sau, tôi cho ra đời một cuốn sách khác có tên gọi đạo Phật hiện đại hóa. Tất cả những danh từ đó, những cuốn sách đó đều chỉ diễn đạt cái mà mình gọi là đạo Bụt nhập thế. Sau đó tôi lại tiếp tục viết nhiều sách khác, như cuốn đạo Phật ngày mai. (đại chúng cười)

Nhưng hồi đó tên của tôi đã bắt đầu bị chính quyền chống cộng miền Nam bôi đen vì tôi đã lên tiếng kêu gọi hòa bình, kêu gọi hòa giải giữa hai miền Nam Bắc. Tôi trở thành người tha hương. Tôi không thể trở về quê hương, tôi bị lưu đày.

Và vì vậy, cuốn sách đạo Phật ngày mai của tôi đã không được in tại Việt Nam dưới tên thật của tác giả, phải lấy bút danh là Bsu Danglu. Chắc các bạn tò mò muốn biết cái tên này từ đâu ra. Đó là vào năm 1956, tôi đã mua một mảnh đất của hai người Thượng tên là K’Briu và K’Broi ở buôn Bsu Danglu trên cao nguyên Bảo Lộc và cùng các bạn dựng nên Phương Bối Am. Bsu Danglu có xuất xứ như vậy.

Tuệ giác bây giờ và ở đây

Tôi tiếp tục xuất bản các cuốn sách khác dưới những bút danh khác nhau. Tôi đã viết bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận ba tập và dùng bút danh Nguyễn Lang. Dù tôi phải rời xa quê hương đã 39 năm nhưng tôi vẫn tiếp tục viết sách và sách của tôi được xuất bản tại Việt Nam dưới rất nhiều bút danh.

Chúng ta đã được giải thích ý nghĩa đầu tiên của Đạo Bụt nhập thế là đạo Bụt có mặt trong mọi giây phút của cuộc sống hằng ngày. Đạo Bụt có mặt khi mình chải răng, khi mình lái xe, đạo Bụt có mặt khi mình đi chợ để nhắc mình ý thức cần mua những gì và không cần mua những gì.

Đạo Bụt nhập thế cũng có nghĩa là một nguồn tuệ giác có thể đáp lại được những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây, như là tình trạng trái đất nóng lên, thay đổi khí hậu, hệ sinh thái bị phá hủy, thiếu truyền thông, chiến tranh, xung đột, tự tử, ly hôn... Là một người biết tu tập chánh niệm, ta phải ý thức được những gì đang diễn ra trong cơ thể, cảm thọ, cảm xúc và những gì đang xảy ra với môi trường bên ngoài. Đó là đạo Bụt nhập thế. Đạo Bụt nhập thế là đạo Bụt đáp ứng được với những gì đang diễn ra bây giờ và ở đây.

Cái nhìn mới về “bốn sự thật mầu nhiệm”

Chúng ta có thể nói về đạo Bụt nhập thế từ góc độ Tứ Diệu Đế - bốn sự thật mầu nhiệm. Sự thật thứ nhất là Khổ - dukkha. Định nghĩa truyền thống về sự thật thứ nhất thường là: sinh là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét mà phải gặp nhau là khổ; yêu nhau mà phải biệt ly là khổ, mong ước mà không được là khổ. Đó là cách định nghĩa rất xưa. Ngày nay thực tập chánh niệm, chúng ta phải xác định được những hình thức của Khổ đang thực sự có mặt. Nỗi khổ trước tiên là sự căng thẳng đang có mặt trong cơ thể mình, rất nhiều căng thẳng. Chúng ta có thể khẳng định rằng nỗi khổ của thời đại ngày nay là căng thẳng, stress, lo lắng, sợ hãi, bạo lực, gia đình tan vỡ, tự tử, chiến tranh, xung đột, khủng bố, hệ sinh thái bị phá hủy, trái đất nóng lên, v.v..

Chúng ta cần có mặt hoàn toàn trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây để nhận cho được bản lai diện mục của khổ. Chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là chạy trốn khổ đau, không muốn đối diện với chúng. Chúng ta thấy mình không đủ sức xử lý khổ đau nên tìm mọi cách trốn chạy. Nhưng Bụt khuyên chúng ta không nên làm vậy, trái lại Ngài khuyên chúng ta nên đối diện khổ đau, nhận diện khổ đau, nhìn sâu vào bản chất của khổ đau để học hỏi từ nó. Bụt dạy rằng nếu chúng ta không thấu hiểu được bản chất của khổ thì không thể thấy được con đường của sự chuyển hóa, con đường đưa tới sự chấm dứt khổ đau.

Chúng ta đều biết rằng sự thật thứ nhất là Khổ và sự thật thứ tư là Đạo, con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Nếu không hiểu được sự thật thứ nhất thì sẽ không bao giờ có cơ hội thấy sự thật thứ tư, con đường đưa tới sự chấm dứt khổ đau.

Chúng ta nên học cách trở về nhà, trở về giây phút hiện tại để nhận diện những nỗi khổ niềm đau đang thật sự có mặt. Và khi tập nhìn sâu vào sự thật thứ nhất - Khổ, chúng ta sẽ khám phá ra sự thật thứ hai - gốc rễ hay nguyên nhân của khổ.

Mỗi chúng ta phải tự tìm ra nguyên nhân nỗi khổ niềm đau của mình. Cuộc sống hiện đại thật sôi động, chúng ta có quá nhiều việc để làm, quá nhiều thứ muốn đạt tới. Nhà chính trị, nhà doanh thương, hay ngay cả người nghệ sĩ đều muốn thành công nhiều hơn nữa, hơn nữa. Chúng ta thèm khát thành công. Chúng ta không có khả năng sống sâu sắc từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không cho cơ thể mình cơ hội nghỉ ngơi, thư giãn và trị liệu.

Nếu biết sống như Bụt, an trú trong giây phút hiện tại, để cho những yếu tố tươi mát và trị liệu thấm vào trong mình, chúng ta sẽ không trở thành nạn nhân của stress, của căng thẳng và của rất nhiều căn bệnh phát sinh từ đó. Có thể nói một trong những gốc rễ của khổ đau là do chúng ta không có khả năng sống sâu sắc trong từng giây phút.

Khi trong thân tâm ta đầy căng thẳng và khó chịu, ta sẽ không thể lắng nghe được người khác, ta cũng không thể nói lời ái ngữ. Ta không thể cởi bỏ tri giác sai lầm. Tri giác sai lầm gây nên sợ hãi, hận thù, bạo động. Chúng ta phải nhận diện những nguyên nhân của khổ đau. Công việc này vô cùng quan trọng. Chúng ta nói tới tình trạng tự tử và gia đình tan vỡ. Chúng ta biết rằng nếu truyền thông giữa vợ và chồng, giữa cha và con trai, mẹ và con gái gặp khó khăn thì mọi người không còn hạnh phúc. Vô số người trẻ rơi vào tình trạng tuyệt vọng và chỉ muốn tự vẫn, vì không biết cách xử lý cơn tuyệt vọng và những cảm xúc của họ, họ nghĩ rằng cách duy nhất để chấm dứt khổ đau là kết liễu đời mình. Mỗi năm ở Pháp có khoảng 12.000 thanh niên tự tử, chỉ vì không biết làm sao làm chủ những cảm xúc mạnh như tuyệt vọng. Cha mẹ họ cũng không biết cách làm chuyện đó. Cha mẹ không dạy con cái cách xử lý cảm xúc, ngay cả thầy cô giáo cũng không biết cách dạy học trò cách nhận diện và ôm ấp cảm xúc.

Khi không thể truyền thông với nhau, con người không thể hiểu nhau và thấy được khổ đau của nhau, và như vậy không thể có tình thương, không thể có hạnh phúc. Chiến tranh và khủng bố cũng do tri giác sai lầm sinh ra. Những kẻ khủng bố đinh ninh rằng phía bên kia đang tìm cách tiêu diệt mình, tiêu diệt tôn giáo mình, lối sống của mình hay đất nước mình. Một khi chúng ta tin rằng đang có người tìm cách thủ tiêu mình, chúng ta sẽ tìm cách tiêu diệt họ trước để tránh mối nguy hại.

Sợ hãi, hiểu nhầm và tri giác sai lầm là nền tảng của mọi hành động bạo lực. Cuộc chiến ở Iraq, cái được gọi là cuộc chiến chống khủng bố, thực tế đã không làm giảm số lượng những kẻ khủng bố, trái lại chính cuộc chiến đó càng khiến lực lượng khủng bố càng ngày càng đông đảo thêm. Để thực sự xóa bỏ khủng bố, chúng ta phải xóa bỏ tri giác sai lầm. Chúng ta biết quá rõ rằng phi cơ, súng đạn, bom mìn không thể xóa bỏ tri giác sai lầm. Chỉ có ái ngữ và lắng nghe mới có thể giúp con người cởi bỏ tri giác sai lầm. Nhưng các vị lãnh đạo của chúng ta lại không được đào tạo theo hướng đó nên họ chỉ biết dựa vào lực lượng vũ trang để chống lại khủng bố. Vậy nên khi nhìn sâu, ta có thể thấy nguyên nhân, gốc rễ của khổ đau bằng cách nhận diện khổ đau là một sự thật và nhìn sâu vào bản chất của chúng.

Sự thật thứ ba là Diệt - sự chấm dứt khổ đau, nghĩa là sự có mặt của hạnh phúc, cũng như sự vắng mặt của bóng tối là sự có mặt của ánh sáng. Vô minh diệt minh sinh. Lấy đi bóng tối thì ánh sáng xuất hiện. Vậy thì sự chấm dứt khổ đau nghĩa là sự có mặt của hạnh phúc, ngược lại với sự thật thứ nhất.

Giáo lý đạo Bụt khẳng định rằng hạnh phúc là điều có thể. Bởi vì có khổ đau nên có hạnh phúc. Nếu khổ đau được miêu tả trước hết là căng thẳng, stress, nặng nề thì hạnh phúc sẽ là sự nhẹ nhàng, an lạc, thư giãn. Bằng cơ thể mình, bằng hơi thở và bước chân chánh niệm, bạn có thể làm giảm căng thẳng và đem lại sự nhẹ nhàng, an lạc, buông thư.

Chúng ta có thể nói về sự thật thứ tư một cách rất cụ thể. Đó là những phương pháp, cách thức thực tập giúp ta giảm căng thẳng, stress, khổ đau - gọi là Đạo. Các vị giáo thọ thời nay có thể gọi sự thật thứ tư là con đường của hạnh phúc. Sự chấm dứt khổ đau nghĩa là sự khởi đầu của hạnh phúc - rất đơn giản!

Từ nhiều vị thần tới một vị thần

Chúng ta hãy quay trở về một chút với lịch sử đạo Bụt nhập thế. Trong thập niên 50, tôi bắt đầu viết bởi vì khi đó người dân đang rất cần một đường hướng tâm linh có thể giúp họ vượt qua tình trạng hoang mang. Một hôm tôi viết một bài về mối liên hệ giữa niềm tin tôn giáo với phương pháp chúng ta tổ chức xã hội. Tôi tóm lược lại lịch sử tiến hóa xã hội.

Tổ chức xã hội sơ khai là các bộ tộc. Dần dần, các bộ tộc họp lại với nhau và cuối cùng hình thành nên vương quốc, có nhà vua trị vì và khi thấy đã có quá đủ các vị vua, con người lại muốn lập nên nền dân chủ hay cộng hòa. Niềm tin tôn giáo của chúng ta cũng thay đổi theo. Ban đầu chúng ta có thuyết đa thần. Song song với sự hình thành các bộ tộc là thuyết tin rằng có nhiều vị thần và mỗi vị thần sở hữu một quyền năng, mỗi người được tự do lựa chọn một vị thần để thờ phụng và vị thần đó sẽ bảo hộ mình trong liên hệ với các vị thần khác và các bộ tộc khác. Khi chế độ quân chủ hình thành, thuyết đa thần chuyển thành thuyết nhất thần - chỉ còn duy nhất một vị Chúa tối cao và chúng ta chỉ thờ phụng một Thượng Đế.

Tới chế độ dân chủ, vua không còn nữa. Mọi người đều bình đẳng với nhau và chúng ta sống dựa vào nhau. Đó là nguyên do tại sao thuyết nhất thần chuyển thành thuyết tương lập - tương tức - ở đó không còn chỗ cho thần linh nữa. Chúng ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với cuộc sống của chúng ta, thế giới của chúng ta, hành tinh của chúng ta. Tôi đã viết những điều đó trong khi đang cố gắng hình thành đạo Bụt nhập thế.

Sự ra đời của dòng tu Tiếp Hiện

Dòng tu Tiếp Hiện ra đời năm 1964, và sự ra đời của nó rất có ý nghĩa. Chúng ta chỉ cần học 14 Giới Tiếp Hiện là có thể hiểu được tại sao dòng tu Tiếp Hiện được hình thành và được hình thành như thế nào. Khi đó chiến tranh đang leo thang ác liệt. Đó là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ giữa miền Bắc và miền Nam, một bên theo chủ nghĩa Mác-Lênin, còn bên kia theo thuyết nhân vị và chủ nghĩa tư bản. Đó là cuộc chiến tranh không chỉ giữa những ý thức hệ từ bên ngoài mà còn bằng vũ khí của nước ngoài - súng, đạn, bom của Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô. Là những Phật tử thực tập theo con đường hòa giải, hòa bình và tình huynh đệ, chúng tôi không chấp nhận một cuộc chiến như thế. Làm sao có thể chấp nhận được một cuộc chiến mà anh em một nhà dùng ý thức hệ và vũ khí của bên ngoài để tàn sát lẫn nhau.

Dòng tu Tiếp Hiện là một phong trào kháng chiến tâm linh. Các giới điều được hoàn toàn lấy từ giáo lý đạo Bụt. Giới thứ nhất – tự do nhận thức là câu trả lời trực tiếp cho chiến tranh, vì khi đó ai cũng sẵn sàng chết hay chiến đấu để bảo vệ niềm tin của mình.

Giới thứ nhất “Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con xin nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo…”

Đây quả là tiếng gầm sư tử lớn!

Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.

Những lời Bụt dạy được ghi lại trong Kinh Tập (Sutta Nipata) về kiến chấp thật rõ ràng. Chúng ta không nên để bị vướng mắc vào bất kỳ quan điểm nào, chúng ta phải vượt thoát mọi quan điểm.

Chánh kiến trước tiên có nghĩa là sự vắng mặt của mọi quan điểm. Vướng vào quan điểm là nguồn gốc khổ đau. Ví như khi mình leo tới bậc thang thứ tư và nghĩ rằng đó là nấc thang cao nhất, vậy là mình sẽ chỉ dừng tại đó! Mình phải biết từ bỏ nấc thang thứ tư để có khả năng bước lên được nấc thang thứ năm. Trong lĩnh vực khoa học, để có thể tới gần với chân lý hơn, các nhà khoa học phải biết buông bỏ những kiến thức cũ. Bụt dạy rằng: khi ta chấp nhận một điều gì đó là chân lý và bị kẹt vào đó, ta phải biết buông bỏ để đạt tới cái thấy cao hơn.

Không kẹt vào kiến chấp (phá chấp) là tinh thần của đạo Bụt. Quan điểm không phải là tuệ giác. Quan điểm không phải là trí tuệ. Chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng buông bỏ ý kiến, quan điểm của mình để đạt tới tuệ giác. Giả sử mình có một khái niệm về vô thường, vô ngã, tương tức và bốn sự thật mầu nhiệm, điều này rất nguy hiểm vì tất cả những cái đó chỉ là khái niệm. Ta tự hào rằng mình đã hiểu về Tứ Diệu Đế, về tương tức, về duyên sinh, về niệm, định, tuệ, nhưng những kiến thức đó chỉ là phương tiện để giúp mình đạt tới tuệ giác. Nếu bị kẹt vào những kiến thức đó, mình sẽ lỗ lắm. Giáo lý về vô thường, vô ngã, tương tức có mục đích giúp mình đạt được tuệ giác về vô thường, vô ngã và tương tức. Giáo lý không phải là tuệ giác.

Bụt dạy rằng “Giáo lý Bụt dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Mình phải thông minh và khéo léo. Mình phải nhìn theo hướng ngón tay chỉ mới thấy được mặt trăng, nếu cho rằng ngón tay là mặt trăng mình sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng”. Như vậy ngay cả giáo lý Bụt dạy cũng không phải là chân lý mà chỉ là phương tiện để đạt tới chân lý. Điều này rất cơ bản trong giáo lý đạo Bụt.

Chiến tranh là hậu quả của thái độ cuồng tín, cố chấp. Nhìn sâu vào bản chất cuộc chiến tranh tại Iraq, ta có thể thấy đó cũng là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Người ta lợi dụng niềm tin tôn giáo để phát động chiến tranh. Tổng thống Bush được các nhà truyền giáo cánh tả yểm trợ, trong khi đạo Hồi là điểm tựa cho lực lượng kháng chiến và khủng bố ở Iraq. Vậy nên ở mức độ nào đó, đây là cuộc chiến tranh tôn giáo. Hòa bình không thể tồn tại nếu chúng ta cứ khăng khăng giữ thái độ cuồng tín.

Hoa sen trong biển lửa

Vào năm 1966, tôi có viết một cuốn sách nhỏ về cuộc chiến ở Việt Nam, cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa, được nhà xuất bản Hill and Wang xuất bản tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến khi đó đang diễn ra rất dữ dội, chẳng khác gì một biển lửa. Con người giết hại lẫn nhau, máy bay Hoa Kỳ được phép đem bom thả trên những cánh rừng, lên đầu người dân. Vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô cũng có mặt. Nhưng giới Phật tử đã cố gắng làm một điều gì đó để tìm lối thoát. Những ai không chấp nhận chiến tranh đã muốn làm gì đó để phản đối chiến tranh. Thỉnh thoảng lại có những cuộc tự thiêu để bày tỏ cho mọi người biết rằng chúng tôi không muốn có chiến tranh này. Giới Phật tử không có đài phát thanh hay truyền hình. Họ không có phương tiện nào để bày tỏ hết.

Có trăng sao mười phương
Có nhân loại, có anh em đây
Cho tôi cất cao lời tố cáo cuộc
chiến tranh này
Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn
dã man thảm khốc
Ai xô chúng tôi vào vũng lầy giết chóc?
Xin làm chứng cho tôi
Hãy nghe tôi đây
Tôi nói rằng: Tôi không chấp nhận
cuộc chiến tranh này
Chưa bao giờ và không bao giờ
chấp nhận cuộc chiến tranh này
Tôi muốn nhắc lại một ngàn lần, trước khi
tôi bị giết.

Tôi đã viết những dòng thơ như thế.

Kẻ thù chúng ta không phải con người.

Kẻ thù chúng ta là hận thù, cuồng tín, bạo động. Kẻ thù chúng ta không phải con người. Nếu giết hết con người, ta sẽ ở với ai? Phong trào hòa bình ở Việt Nam rất cần sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, nhưng các bạn quốc tế không thể nghe thấy chúng tôi. Vậy nên thỉnh thoảng chúng tôi lại phải tự thiêu để báo cho thế giới rằng chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh này. Xin hãy giúp chúng tôi chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này! Đạo Bụt giống như một bông hoa sen đang cố sức vươn lên trong biển lửa.

Tôi đã dịch cuốn sách sang tiếng Việt và một người bạn Mỹ trong phong trào hòa bình mang giúp cuốn sách về Việt Nam. Cuốn sách được in lậu và rất nhiều bạn trẻ đã âm thầm phổ biến cuốn sách, hành động đó cũng giống như hành động kháng chiến vậy.

Sư cô Chân Không, khi đó đang là giảng viên khoa sinh học, đại học Huế, đã cầm theo một bản của cuốn sách ra Huế cho một người bạn. Sư cô đã bị bắt bỏ tù vì bị phát hiện mang trong người cuốn sách. Sau đó sư cô được chuyển ra nhà tù ở Sài Gòn.

Trường thanh niên phụng sự xã hội

Nhiều bạn trẻ tới yêu cầu tôi xuất bản tập thơ về hòa bình. Các bạn gọi đó là thơ phản chiến. Tôi chiều ý. Các bạn trẻ đã thu thập được 60 bài thơ về hòa bình của tôi và trình cho chính quyền miền Nam để xin phép xuất bản. Chỉ có vài bài được chấp nhận, 55 bài bị kiểm duyệt. Nhưng các bạn không nản chí, họ đã cho in chui tập thơ và tập thơ bán hết rất mau. Ngay cả một số mật vụ cũng thích tập thơ bởi vì chính họ cũng đang là nạn nhân của cuộc chiến, họ tới hiệu sách và nói “đừng nên bày tập thơ ra như thế, phải giấu đi”. (đại chúng cười)

Các đài phát thanh ở Sài Gòn, Hà Nội, và Bắc Kinh bắt đầu lên tiếng công kích tập thơ vì chúng kêu gọi hòa bình. Không ai muốn hòa bình, bên nào cũng chỉ muốn đánh cho đến cùng.

Năm 1964 tôi cùng các bạn thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã hội (TNPSXH). Trường đào tạo hàng ngàn thanh niên, trong đó có cả các thầy và sư cô trẻ, để đi về miền quê giúp những người nông dân tái thiết thôn làng. Chúng tôi hỗ trợ dân làng trong bốn lĩnh vực: giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức. Các tác viên xã hội về các thôn làng, chơi với trẻ em và dạy các em đọc, dạy viết và múa hát. Đến khi người dân làng bắt đầu quý mến các tác viên, chúng tôi mới đề nghị xây dựng trường học cho các cháu. Người góp tre, nhà góp lá dừa để lợp mái, và thế là các em có một ngôi trường. Các tác viên đều làm việc không lương. Sau khi dựng trường, chúng tôi dựng trạm y tế để phát các loại thuốc chữa những căn bệnh thông thường cho dân làng. Chúng tôi cũng mời sinh viên y dược hay bác sĩ về làng trong 1-2 ngày để giúp. Chúng tôi tổ chức các hợp tác xã, cố gắng hướng dẫn người dân những nghề thủ công mà họ có thể làm để cải thiện thu nhập cho gia đình. Những người dân phải tự mình bắt đầu. Trường TNPSXH được tổ chức trên tinh thần không chờ đợi, dựa dẫm vào sự trợ giúp của chính phủ.

Đoàn thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi

Chúng tôi đã đào tạo rất nhiều bạn trẻ, các thầy, các sư cô trẻ. Cuối cùng chúng tôi có tới hơn mười ngàn tác viên hoạt động từ Quảng Trị trở vào. Trong suốt cuộc chiến tranh, chúng tôi đã bảo trợ cho hơn mười ngàn trẻ em mồ côi. Người trẻ là một phần của phong trào đạo Bụt nhập thế.

Năm nay chúng tôi muốn thành lập một tổ chức cho thanh niên Phật tử và không Phật tử ở Âu châu, gọi là đoàn thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi. Rất nhiều bạn trẻ đã tới với chúng tôi, tới dự những khóa tu của chúng tôi ở Âu châu, Mỹ châu và Á châu, và chúng tôi muốn tập hợp các bạn trẻ ấy lại, tổ chức thành đoàn thể. Đoàn thanh niên sẽ thực tập năm phép thực tập chánh niệm (năm giới) và sẽ đi vào cuộc đời để giúp tạo dựng một xã hội lành mạnh hơn, từ bi hơn.

Nếu các bạn ở đây có cảm hứng với ý tưởng này thì xin mời các bạn, sau khi trở về nhà, hãy mời những người bạn của mình lập thành một nhóm “thanh niên cho một xã hội lành mạnh và từ bi.”

Tháng trước, khi mở khóa tu ở Ý, chúng tôi đã tổ chức một ngày thực tập với các bạn trẻ ở thành phố Napoli (Naples). Cả 500 nam nữ thanh niên tới dự khóa tu đều rất thích. Họ đã sẵn sàng cho sự thực tập an lạc, giúp tạo dựng một xã hội lành mạnh hơn, từ bi hơn. Các thầy, các sư cô trẻ của chúng tôi cũng sẽ tham gia tổ chức này.

Viện Phật Học Ứng dụng

Chúng tôi cũng vừa thành lập Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (VPHUDCA). Tôi hy vọng trong khóa tu này, sư cô Chân Đức sẽ có một buổi thuyết trình về VPHUDCA. VPHUDCA cũng sẽ có những khuôn viên trực thuộc ở châu Mỹ và châu Á. Ai đã tham dự trọn vẹn khóa An Cư Kiết Đông ba tháng ở Làng Mai hay tu viện Lộc Uyển đều sẽ được Viện cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. VPHUDCA sẽ tổ chức rất nhiều khóa học lý thú. Các bạn cũng có thể tự tổ chức những khóa tu tại địa phương mình và chúng tôi sẽ gửi các vị giáo thọ Làng Mai tới hướng dẫn. Một trong những khóa tu có thể là khóa tu 21 ngày dành cho các bạn nam nữ thanh niên đang chuẩn bị kết hôn. Các bạn sẽ được học cách để thành công trong cuộc sống lứa đôi.

Cũng sẽ có những khóa tu dành cho những người nhiễm AIDS hay mắc bệnh ung thư, để họ có thể sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Nếu chúng ta biết học cách chấp nhận và sống chung với bệnh tật thì có thể sống thêm được 20 - 30 năm. Cũng sẽ có những khóa học dành cho các doanh nhân, giáo viên, v.v... Chứng chỉ được cấp sẽ giúp các bạn trở thành một vị giáo thọ chính thức. Một ngày nào đó bạn sẽ mong muốn trở thành một vị giáo thọ để đi vào đời giúp mọi người, để tiếp nối sự nghiệp của đức Thế Tôn.

Ngày nay chúng ta dùng danh từ “đạo Bụt ứng dụng”, cũng chỉ là một cách nói khác của “đạo Bụt nhập thế”.

(Lá thư Làng Mai số 32 - 1.01.2009 )

01-10-2009 11:23:46

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2022(Xem: 2156)
i người bảo bạn hãy "Giữ bình tĩnh", không ai nói cho bạn biết cách làm. Những cuốn sách về thế giới của nhà văn Terry Pratchett, tác giả của loạt tiểu thuyết giả tưởng Discworld nổi tiếng, đang trở thành một bộ phim truyền hình, một trong những nhân vật kể chuyện cho người khác nghe: "Bạn có thể trực tiếp sống trong thời đại thú vị." (May you live in interesting times) Đây là một lời nguyền. Đây cũng là một cách nói, "Tôi chỉ ước những điều tồi tệ đến với bạn" (wish only bad things for you). Chúng ta đang sống trong những thời đại thú vị. Nhưng chúng ta lại bẵng đi với thời gian. Chúng ta đang sống trong sự khác biệt bởi thử thách, sống tách biệt về thể chất và kiên nhẫn chờ đợi.
20/03/2022(Xem: 2421)
Hiệp hội Sinh viên Phật tử mới được thành lập trong khuôn viên Đại học Harvard, nơi họ gọi là ngôi nhà: Harvard Maarga. Cư sĩ Zhan Zhou và Cư sĩ Suneragiri Liyanage, đồng Chủ tịch Harvard Maarga, dẫn đầu phụ trách khôi phục không gian Phật giáo trong khuôn viên Đại học Harvard bắt đầu tư tháng 10 năm 2021. Tổ chức Hiệp hội Sinh viên Phật tử này đã nhận được sự công nhận từ Hội đồng Quản trị Đại học Harvard vào tháng 02 vừa qua. Cư sĩ Zhan Zhou cho biết, anh lớn lên trong một gia đình Phật giáo và đang muốn gắn bó lý tưởng phụng sự của đạo mình tại Đại học Harvard, nhưng không tìm thấy đoàn thể nào như thế trong ba năm đầu tiên ở Đại học danh tiếng này.
20/03/2022(Xem: 2448)
Vừa qua, công ty về giấc ngủ Mornings.co.uk đã tiến hành một cuộc nghiên cứu những địa điểm lý tưởng nhất trên thế giới để ngắm bình minh và hoàng hôn. Được biết, công ty này đã tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu từ Tripadvisor vào tháng 11 năm 2021 bằng cách tìm kiếm với từ khóa “bình minh”, “hoàng hôn” và lựa chọn những địa điểm có lượt tìm kiếm cao nhất. Kết quả, Mornings.co.uk xác định rằng nơi lý tưởng nhất để ngắm bình minh là Thánh địa Phật giáo Angkor Wat – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Vương quốc Campuchia, tiếp theo là miệng núi lửa Haleakala của Hawaii và ở vị trí thứ 3 là Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ. Indonesia đóng góp khá nhiều vào danh sách này với Thánh địa Phật giáo Borobudur, ở vị trí thứ 4, núi Batur ở vị trí thứ 8 và núi Cadillac ở vị trí thứ 10.
19/03/2022(Xem: 12123)
Trong không khí thanh thoát của đất trời mùa tuôn dậy, Tăng thân Làng Mai rất hạnh phúc được chia sẻ với quý thân hữu Lá thư Làng Mai số 45 - 2022. Đây là một món quà mà tăng thân kính dâng lên Sư Ông – người Thầy thương kính và cũng để mừng Làng Mai 40 tuổi.
19/03/2022(Xem: 2171)
Phần lớn mọi người biết câu chuyện Facebook được tạo ra từ phòng ký túc xá của Mark Zuckerberg, nhưng bài học rút ra không nằm ở đó. Trong một chương trình Podcast gần đây của kỹ sư tin học Lex Fridman (Học viện Công nghệ Massachusetts), Zuckerberg cho biết anh có khả năng thành lập Facebook năm 2004 không phải nhờ bỏ học hay từ bỏ các mối quan tâm khác. Mà đó là do các mối quan hệ cá nhân anh tạo ra khi còn đi học. "Bạn sẽ giao lưu với ai", Zuckerberg nói, "là quyết định quan trọng nhất" mà một sinh viên có thể đưa ra khi học đại học. "Bạn sẽ trở thành người giống như những người xung quanh bạn", anh giải thích, "Tôi cho rằng có lẽ nhìn chung, mọi người quá tập trung vào mục tiêu mà không đầu tư đủ cho sự kết nối và những người họ đang gây dựng mối quan hệ".
19/03/2022(Xem: 1931)
Năm nay giữa âm lịch và dương lịch có sự hòa hợp khá lý thú, ngày Hạnh phúc Quốc Tế hằng năm 20/3 lại đến trước ngày vía Quan Âm một ngày (19/2 âm lịch nhằm ngày 21/3). Theo thiển ý người viết cả hai đều cùng chung một ý nghĩa” ban vui cứu khổ hoặc chia sẻ niềm yêu thương đến người”. Hẵng ai trong chúng ta đều nghĩ thầm ...dù quan niệm hạnh phúc như thế nào, bản năng của con người đều cần đến tình thương để phát triển và hoàn thiện . Kinh sách và tâm lý học đều cho rằng ... chính con người là chủ nhân của Họa, Phúc cũng như bất hạnh hay an vui cũng do chính mình tạo lấy. Hơn thế nữa, trong tình thương giữa con người và con người đều xen kẽ tình thương vị kỷ và tình thương vị tha thì phải chăng Hạnh Phúc Chân Thường chỉ đến khi tình thương vị tha có thể lấp đầy hố sâu ngăn cách của vị kỷ?.
19/03/2022(Xem: 3140)
Khi tôi được mời phỏng vấn Ajahn Brahm trong thời gian Thầy viếng thăm Hong Kong mới đây, tôi hết sức vui mừng trước viễn cảnh được gặp lại Thầy. Cô bạn Cathy và tôi đến hành lang khách sạn của Thầy trước 15 phút, nhưng Thầy đã sẵn sàng chờ đón chúng tôi với nét mặt rạng rỡ trong chiếc y màu vàng đất và nụ cười tỏa sáng. Thầy làm tôi nhớ đến hình ảnh Đức Phật Cười (The Laughing Buddha = Phật Di Lặc ) vì Thầy có nụ cười tươi mát an bình và có cách diễn đạt tuyệt vời khiến cho những khái niệm khó khăn trở nên dễ hiểu; và Thầy luôn luôn có một câu chuyện để kể cho người nghe.
19/03/2022(Xem: 2056)
Cách đây vài ngày chúng tôi vừa nhận được một tin buồn từ Văn Phòng của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới ở Đài Loan gửi, báo tin rằng Trưởng Lão Hòa Thượng Liễu Trung đã viên tịch vào ngày 9.3.2022 ở tuổi 91. Ngài là Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới. Chúng tôi đã gặp Ngài lần đầu tiên vào năm 1991, trong lúc tổ chức Đại Hội Ban Chấp Hành Hội Đồng Tăng Già Thế Giới tại Hannover, Đức Quốc. Giáo Hội chúng tôi đã tổ chức Đại Hội nầy và chúng tôi rất vinh dự đón tiếp Ngài cũng như gặp Trưởng Lão Hòa Thượng Ngộ Minh cùng chư Tôn Đức khác trên thế giới. Hơn 30 năm cho đến ngày nay, tôi thường gặp Ngài rất nhiều lần và nhiều nơi tại các nước như: Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Đài Loan và ngay cả nhiều nước khác tại Á Châu.
18/03/2022(Xem: 2143)
Các phương tiện truyền thông đưa tin, các cuộc đàm phán giữa tân chính phủ lâm thời Taliban của Afghanistan với Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) thuộc sở hữu của nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và công ty con Metallurgical Corp của Trung Quốc được niêm yết công khai và đang tiến hành về việc tái hoạt động khai thác tại dự án đồng Mes Aynak Logar. Theo dự kiến, một phái đoàn Trung Quốc sẽ đến thủ đô Kabul vào cuối tháng này, theo lời mời của tân chính phủ lâm thời Taliban của Afghanistan, để thảo luận về dự án khai thác, dựa trên một thỏa thuận đã ký với chính phủ, được phương Tây haaujc thuẫn trước đây của Afghanistan vào năm 2007.
17/03/2022(Xem: 2207)
Vào trưa ngày 14 tháng 03 vừa qua, Tổng hội Quốc tế Phật Quang Sơn, trụ sở tại Đài Loan đã khẩn cấp chuyển đến New Zealand 10.000 bộ Kit test nhanh Covid-19. Dưới sự chỉ đạo của Pháp sư Mãn Tín, Trụ trì Phật Quang Sơn New Zealand và các tình nguyện viên bốc dỡ, chia phần đóng gói ngay lập tức. Lực lượng cảnh sát địa phương đến rất nhanh, Cảnh sát trưởng Manukau East, Scott Gemmell, Phó Chánh Thanh tra Colin Higson, Thượng sĩ Anson Lin Senior Sergeant, Senior Constable Matt Green, School Community Constable Ian Willetts. Đặc biệt, ngày 14 và ngày 15, Pháp sư Mãn Tín và các tình nguyện viên trợ giúp xét nghiệm nhanh kháng nguyên covid-19 tại khuôn viên trường học.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567