Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V: Nụ cười của Hoàng Hậu

23/05/201319:48(Xem: 6707)
Chương V: Nụ cười của Hoàng Hậu


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương V. Nụ cười hoàng hậu

Chương nầy vẫn còn tiếp tục với Chương Bốn; nhưng tôi cố ý cách ly ra như vậy để thấy rằng phái đoàn của chúng tôi hôm nay ngày thứ tư 25.4.2001 có một số công việc trọng đại vậy; nhưng trước khi đi thăm Hoàng Hậu vào buổi chiều, sáng hôm ấy chúng tôi có một số chương trình cần phải thăm viếng như sau:

Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 25.4 phái đoàn của chúng tôi đã đến Văn phòng của ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa. Ông ta tên là Sangay Wangchug. Địa chỉ Post Box Nr. 233 Thimphu, Bhutan. Tel. 02/322001 - 325116 - 322694 - Fax: 00975 - 2 - 323040. Ông ta lo về vấn đề văn hóa. Tuy nhiên trong tương lai nếu có ai đó muốn đi Bhutan đều phải qua ông nầy và không phải qua Bộ Ngoại Giao Bhutan nữa.

Hôm ấy Thầy Kinga T. Dorji cũng có mặt nữa. Thầy nầy cũng là một trong hai Thầy đã ở tại Hannover trong vòng thời gian 6 tháng; nên đã biết chúng tôi. Khi gặp thì ai cũng vui mừng.

Tại văn phòng của ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa.

Mới đầu thì ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa nói tiếng Bhutan, rất đúng phép xã giao và rất lịch sự. Đoạn để cho một trong hai Thầy Bhutan dịch ra tiếng Anh. Hai Thầy nầy cũng đã cùng với ông ta đi sang Hà Nội vào năm 1994; nên quý Thầy ấy cũng biết ít nhiều về Việt Nam trước khi đến Đức.

Được biết ông ta là một học giả tiếng Pali và nhiều ngôn ngữ khác tại Á Châu cũng như Anh văn. Sau một hồi thông dịch thì ông lại tự nói tiếng Anh một cách lưu loát. Ông ta đã du học tại Tích Lan và ông rất rành về Phật Giáo. Nghe đâu ông ta cũng là một Tu Sĩ và không tu tiếp tục được nữa; nên đã ra đời. Tướng người cao ráo, lịch thiệp và rất hiểu về người ngoại quốc.

Cung Văn Hóa của ông nằm trong cung điện của nhà Vua, có lính gác hầu hai bên cửa vào và cũng là nơi làm việc của chư Tăng nữa. Như phần tổng quát chúng ta thấy các Hội Đồng Cố Vấn Hoàng Gia và các Bộ đều có sự hiện diện của Tăng Sĩ. Do vậy nơi cung điện nầy được chia ra 3 phần chính:

- Phần ở ngoài có chánh điện trang nghiêm, là nơi để cho Vua, Hội Đồng Bộ Trưởng và chư Tăng lễ Phật trước khi hội họp.

- Phía bên phải là văn phòng của chư Tăng.

- Phía bên trái từ ngoài nhìn vào là nơi làm việc của các Bộ.

Cả hai bên khi vào cổng đều có lính hầu và được kiểm soát rất chặt chẽ. Ví dụ như tất cả mọi người ra vào đều bị kiểm soát qua tia quang tuyến như các máy rà tại phi trường vậy. Nơi đây cũng không được chụp hình hoặc quay phim. Nếu có, chỉ ở phía bên ngoài, chứ bên trong thì tuyệt đối. Xe ngoại giao chở chúng tôi đi thẳng vào cửa chính, đỡ tốn công đi bộ và vì thế cho nên có nhiều người để ý, hình thức thì giống như một Tăng Sĩ; nhưng thực tế là một Tu Sĩ ở cấp bậc ngoại giao. Bởi vậy có lúc những người Đức đi cùng gọi tôi là Minister Ehrwürdiger cũng có nghĩa tương đương như vậy. Đây chỉ là ngôn ngữ ngoại giao mà. Sau khi dùng trà sữa Bhutan thì chúng tôi được ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa tiễn biệt ra cổng và sau đó chạy xe đến thăm Tu viện Dechenphodrang ở gần đó.

Tu viện đã được xây dựng tại Thimphu cách đây 350 năm, nên rất cũ kỹ. Trong hiện tại Tu viện nầy có 350 vị Tăng Sinh. Họ học từ Sơ cấp đến Trung cấp. Lên Trung cấp thì học nhiều môn học khác nhau như: Thiền văn học; Kinh tạng; Luật tạng và Luận tạng. Còn những lớp nhỏ bên dưới học lễ nhạc cũng như học Anh văn, tiếng Tây Tạng và tiếng Bhutan.

Thăm và cúng dường cũng như tặng quà cho Tu Viện

Các Chú Tiểu đang học Lễ nhạc Phật Giáo.

Đa phần ngồi học không có bàn ghế và có môn học không có bảng đen để viết, mà mỗi Chú Tiểu như thế có một tấm bảng nhỏ, chỉ lớn hơn quyển tập, đổ cát có pha màu đen vào đó. Sau khi lấy cọ vẽ chữ rồi, lại xóa đi và viết tiếp những dòng chữ khác. Trông rất tội nghiệp và khổ hạnh. Vì thế Sư Bà Diệu Tâm có đặt câu hỏi là: Tại sao không ngồi trên bàn mà ngồi dưới đất vậy cho cong lưng? Thì được trả lời rằng: Chính những Chú Tiểu nầy phải vượt qua những cám dỗ về tiện nghi đó và đây chỉ là những thử thách nhỏ ban đầu của một người tu trên đoạn đường sanh tử ấy.

Lớp Trung đang học về Luận học.

Phòng học cũng là phòng ngủ và đôi khi cũng làm cả phòng ăn luôn. Do đó vấn đề vệ sinh tại nơi đây phải nói rằng không được khả quan lắm. Hầu như các Tu Viện hoặc Phật Học Viện lớn tại Việt Nam ngày xưa cũng như thế; nhưng ít ra mỗi người cũng có một cái đơn, tức là chiếc giường nhỏ vừa đủ nằm; nhưng ở đây thì hầu như không có. Trông các Chú Tiểu rất hồn nhiên và như thế tôi đã nhớ về thời quá khứ xa xưa gần 40 năm về trước khi còn hành điệu ở Chùa Phước Lâm và Viên Giác tại Hội An có lẽ cũng chỉ đỡ hơn chút xíu thôi.

Một lớp học khác

Phái đoàn cũng đã mang theo kẹo và Chocolat từ Đức; cho nên ở đây có cơ hội để phát cho mỗi Chú Tiểu một cây. Chú nào cũng cười và giơ hai tay ra đón nhận. Biết đâu trong những người ấy sẽ có người là những bậc Đại Sư danh tiếng trong tương lai, sẽ phổ độ quần sanh; cho nên mọi người đã cúng dường một cách rất trịnh trọng và không phân biệt người nào cả.

Tôi nhớ lại ngày xưa khi còn hành điệu tại Chùa Tổ Phước Lâm ở Hội An cũng cực không ít. Nguyên Phước Lâm là một đồi cát mà trong chùa thì trồng rất nhiều cây cảnh và rau quả để dùng. Do vậy các Chú Tiểu chúng tôi mỗi ngày phải gánh nước tưới cây 2 lần như thế. Mỗi lần đổ nước xuống, chỉ thấy một cái vèo thôi, nước thấm đi đâu hết. Còn phân thì cũng chẳng có. Do vậy cây cối lên không xanh mượt như những vùng đất mầu mỡ khác.

Để tạo kinh tế tự túc cho chùa, Thượng Tọa Thích Như Vạn, tức Bổn Sư của Thầy Hạnh Tuấn ở Mỹ, đã có một nhà làm nhang để phát hành. Mỗi một tuần như vậy mỗi một Chú Tiểu như chúng tôi phải làm 10.000 cây nhang như thế. Ai muốn làm lúc nào cũng được, miễn đủ 10.000 cây nhang thì thôi. Thuở ấy Chú Hạnh Thu làm Chúng Trưởng, Chú Hạnh Đức, mà bây giờ là Thượng Tọa Thích Hạnh Đức trụ trì Chùa Sơn Linh ở Bà Rịa đó, là những người phác họa chương trình cho học chúng chúng tôi. Chùa Tổ Phước Lâm tại Hội An trùng tu vào năm 1964, thuở ấy tôi mới vào xuất gia, tâm hồn còn rất thơ ngây trong trắng ở lứa tuổi 14 tuổi rưỡi như thế, cho nên mọi việc cực nhọc rồi cũng qua đi. Đến năm sau thì tôi lại về Chùa Viên Giác.

Khi còn ở Chùa Phước Lâm, trong khi còn làm chùa, học chúng chúng tôi kéo xe bò lên Cẩm Hà để chở gạch và cát về làm chùa. Suốt đoạn đường đi thôi thì hò hát vui nhộn; nhất là những đêm có trăng. Cũng có nhiều người làm công quả và sau nầy xuất gia như chú Quảng tức Thượng Tọa Thích Hạnh Thiền ngày nay đang làm chánh đại diện Hội An; chú Huân tức Thượng Tọa Thích Thị Tập, hình như là Hạnh... gì đó tôi quên đi rồi. Vì những vị nầy xuất gia sau tôi và sau nầy ít còn liên lạc nữa.

Ngày ấy sao mà vui quá; bây giờ hình ảnh tuổi thơ cứ còn lởn vởn trong đầu óc của mình khi có một dịp nào đó thì nó hiện lên liền; nhất là lúc nầy đây đang thăm Tu Viện Phật Giáo tại Bhutan nầy. Thế rồi ngày lại tháng qua gần 40 cái mùa xuân thu mưa nắng như thế; riêng tôi thì đã ở ngoại quốc đã vào năm thứ 30 rồi; hồi ấy anh em học chúng rất đông, mấy chục vị. Bây giờ chỉ còn lại bốn năm người cùng trang lứa mà thôi. Quả là đời tu như bông xoài trứng cá là thực tế.

Từ năm 1966 đến 1968 tôi làm điệu tại Viên Giác - Hội An. Thuở ấy Viên Giác chỉ có Sư Phụ và 3 chú Tiểu với tôi là bốn. Sau nầy có một bà tịnh hạnh nhân nữa làm công quả. Như vậy chùa cũng không có gì là đông; nhưng mỗi tháng 4 lần như thế; tôi và chú Ngô phải xay đậu hủ; sau đó là "boòng" đậu hủ và nấu đậu hủ cũng như ép đậu hủ để cho vị tịnh hạnh nhân nầy đem ra chợ Hội An bán lấy tiền mua tương chao cho chùa. Đó cũng là một kế hoạch kinh tế tự túc nhỏ của Thầy tôi.

Cối đá càng nặng bao nhiêu, tôi càng phải trườn theo độ nhạy của nước và đậu khi chú Ngô cho đậu vào miệng cối. Nhiều lúc thân tôi phải trải dài lên cần xay như thế để tạo lực cân bằng. Sau nầy tôi chưa có dịp về lại Viên Giác; nhưng Sư Phụ tôi trước khi viên tịch, Người có bảo rằng hãy giữ cái cối đá ấy để sau nầy tôi có về lại nước, thấy đó mà hồi tưởng lại kỷ niệm của những ngày làm đậu của thuở còn học trò.

Nhiều người thấy bàn tay tôi dài và thân hình tôi cao lớn hỏi tôi tại sao ăn chay mà được như vậy? Tôi bảo rằng: Đó là nhờ gánh nước tưới cây tại chùa Phước Lâm và xay đậu làm đậu hũ ở chùa Viên Giác tại Hội An đấy! Ai cũng nhăn mắt cười và có lẽ họ không tin tôi hay đó chỉ là cái cười xã giao để đáp lễ mà thôi.

Từ 1968 đến 1972 thì tôi ở Sàigòn chẳng có gì vui, chỉ lo vùi đầu học và tu, cốt lấy bằng Tú Tài để đi ngoại quốc. Rồi thời gian cứ như thế mà trôi, từ thuở xuân xanh đến lúc bạc đầu như thế nầy mới thấy được những kỷ niệm rất nhỏ của ngày xưa, bây giờ lại quý giá vô vàn như thế đó.

Kỷ niệm nó không là vàng bạc châu báu; nhưng nó giúp người ta có một cái nhìn về quá khứ một cách trìu mến dễ thương. Dễ ai lấy quyền hay lấy tiền mua hay chiếm đoạt những ký ức hồn nhiên ấy. Bởi thế có nhiều người lúc về già rồi mới ngồi viết hồi ký là vậy. Lúc ấy kho tàng của tuổi thơ sẽ sống dậy và có nhiều người đã trở thành văn sĩ lúc tuổi về chiều là vậy. Có nhiều người bảo tôi tại sao Thầy không viết hồi ký của tuổi thơ? Tôi bảo rằng: Tuổi thơ của tôi chẳng có gì để đáng viết; chỉ là một chú mục đồng mà thôi. Hay lúc ấy tôi cũng chỉ là Chú Tiểu vô danh, đâu có gì để mà viết; nhưng biết đâu sau nầy lại cần đến những dữ kiện nhỏ nhặt nầy.

Sau khi thăm Tu Viện Dechenphodrang, chúng tôi được xe đưa đến Thư Viện Quốc Gia. Người Giám Đốc Thư Viện đã giới thiệu cho chúng tôi nghe về những loại sách, kinh mà Thư Viện hiện có.

Thăm Thư Viện Quốc Gia

Sau đó ông ta đưa chúng tôi đi xem từng khu một. Ví dụ như nơi chụp phim Microfilm để bảo quản tốt hơn là giữ lại những bảng kinh bằng gỗ như thế. Cũng có một số nơi các nghệ nhân đang tu bổ lại những bảng gỗ mà đã khắc kinh lâu đời bỏ vào trong những hòm thiếc để bảo quản, tránh đi cái khí hậu khắc nghiệt tại xứ nầy.

Ông Giám Đốc Thư Viện Quốc Gia giới thiệu tổng quát về Thư Viện.

Trong Thư Viện nầy có một số bộ kinh đã có mặt cả ngàn năm, đa phần bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn. Chỉ có một ít kinh sách tiếng Anh và chữ Hán. Chữ Nhựt thỉnh thoảng có vài quyển. Còn tiếng Việt hầu như hoàn toàn không có một quyển nào. Trông thật đáng thương cho dân tộc như dân tộc Việt Nam vậy. Một dân tộc có 4.000 năm văn hiến và 2.000 năm lịch sử Phật Giáo mà sự giao lưu văn hóa với các nước cận Á như thế, còn giới hạn quá chừng. Quả là điều đáng lưu tâm vậy.

Sau đó phái đoàn chúng tôi trở về khách sạn để ăn trưa và chiều hôm đó còn đi thăm 2 nơi nữa mới đến lượt diện kiến Hoàng Hậu. Vào lúc 14 giờ phái đoàn đến một trường dạy nghề tên là Zoriz Chusum để xem những nghệ nhân họ vẽ và tạc tượng Phật. Có nhiều lớp học khác nhau. Mỗi lớp như thế có một Thầy giáo chuyên môn hướng dẫn. Ở đây đa phần là Cư Sĩ, thỉnh thoảng mới thấy một vị Tu Sĩ ngồi tạc tượng Phật.

Khi chúng ta nhìn một hình tượng như thế, chúng ta nghĩ rằng đơn giản hoặc chúng rập khuôn với nhau; nhưng điều ấy không phải, cứ mỗi một hình tượng như thế phải có một chiều bình hành, hoặc lục giác hoặc hình tam giác cân, để người họa có thể căn cứ vào đó mà vẽ chân mày, mắt, mũi hoặc môi miệng. Đúng là một kỹ thuật tạo hình vậy. Có một số người trong đoàn muốn mua một số quà kỷ niệm; nhưng ở đây không còn bán lẻ nữa; nên phái đoàn phải di chuyển sang một tiệm khác ở đối diện bên đường.

Trời bắt đầu vần vũ mưa, chúng tôi đang lo ngại nhất là những người mặc áo dài đẹp đẽ chuẩn bị vào Hoàng Cung. Cạnh đó có người Bhutan nói rằng cứ mỗi một việc tiếp đón quan trọng như thế mà có mưa thì quả là rất tốt. Theo truyền thống của Bhutan chỉ có những bậc Đại Sư mới tạo nên được khung cảnh ấy. Tôi chỉ nghe và biết vậy thôi; chứ với tôi trường hợp nầy chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.

Đến thăm trường thuốc y-học truyền thống của Tây Tạng có nhiều người cũng thích. Vì hợp với nghề nghiệp của mình trong đó có Đạo Hữu Diệu Đông. Vừa tốt nghiệp Hóa-học vừa tốt nghiệp Dược nên những danh từ xem qua là Đạo Hữu hiểu rành. Những cây cỏ tại đây đa phần được tuyển chọn từ vùng Hy Mã Lạp Sơn. Các máy móc trang thiết bị tại đây hầu như do Ấn Độ cung cấp. Tương đối sạch sẽ và ngăn nắp. Có lẽ vì là một trường thuốc. Nếu nhiễm trùng thì quả là một đại họa cho người tiêu dùng.

Sau khi viếng trường thuốc xong; bây giờ phái đoàn chúng tôi chia ra làm 2 nhóm. Một nhóm 8 người trở về lại khách sạn nghỉ ngơi và nhóm 11 người chuẩn bị đi đến Hoàng Cung để diện kiến Hoàng Hậu. Tất cả chúng tôi đều muốn đi hết; nhưng vì chỗ nơi có giới hạn. Hoặc giả phải khổ công nhọc sức cho những người phục dịch hầu hạ, cho nên chúng tôi chỉ được phép như vậy mà thôi. Có người buồn mà cũng có kẻ vui trong chuyến đi nầy. Nhưng vui buồn tất cả rồi nó cũng chóng qua thôi.

Thị tỳ của Hoàng Hậu đến tận khách sạn để liên lạc bằng điện thoại không dây cho biết là phái đoàn đã chuẩn bị, phái đoàn đã vào ngõ, phái đoàn đã xuống xe v.v... đúng là cung cách của Hoàng Gia. Những nhân viên Bộ Ngoại Giao cũng đã túc trực trước cửa cung và những quà biếu thì đi qua một ngõ khác để được qua máy rà kiểm soát.

Trời hôm ấy mưa nên những cây dù bây giờ trở nên đắc dụng. Khi đến cửa chúng tôi trông thấy mọi người ở đó tất cả đều có một cử chỉ rụt rè cung kính. Đây là cảm giác lần đầu khi tôi bước đến cung son nầy. Lễ nghi ấy chắc mọi người phải học. Người ta phải học cách ăn làm sao, cách nói làm sao, cách nhìn làm sao và nhất là cách cười phải làm sao cho chủ và khách có được một cái cảm thông, thì đó, tôi gọi là cung cách của triều đình vậy.

Hôm đó Hoàng Hậu ra tận cửa để nghinh đón. Tôi đi đầu và cầm một khăn trắng để trao qua Hoàng Hậu và Hoàng Hậu chắp tay lại chào với cái mỉm cười sơ ngộ. Hoàng Hậu mặc áo quốc phục màu tím hoa cà. Trông dáng Hoàng Hậu chỉ vào tuổi ngoài 40, rất trẻ và phải nói rằng duyên dáng, dịu dàng, đẹp tự nhiên. Nhất là nụ cười mà sau nầy người nào cũng để ý đến. Hoàng Hậu có một nụ cười thật tươi và thật xinh.

Trước khi vào đây, tôi được các vị bên Bộ Ngoại Giao lưu ý là chắc chỉ được tiếp 15 phút mà thôi. Nghĩa là sau khi nhận quà cũng như chào hỏi là phái đoàn trở về; nhưng hôm đó có lẽ ngoại lệ gần đúng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới rời chốn cung son nầy. Căn phòng khách bày trí rất hài hòa. Đầu tiên Hoàng Hậu tiếp chúng tôi ở một gian phòng khách rộng rãi đủ chỗ cho 16 người, có bàn ghế và sau khi chụp hình thì ở một phòng khác.

Căn phòng nào cũng trang hoàng bằng lụa là bản xứ, từ ghế ngồi cho đến màn cửa, nhất nhất đều uy nghi để chứng tỏ là uy quyền của Hoàng Đế vẫn có ở đâu đó.

Cùng với Hoàng Hậu Bhutan Ashi Dorji Wangmo Wangchuck.

Nhìn thấy cung cách chào của những người Bhutan cũng khác. Vì họ biết Hoàng Hậu của họ là ai và là địa vị gì của dân tộc Bhutan cho nên họ rất khúm núm, ngay cả những Tu Sĩ của họ đi nữa cũng thế. Còn chúng tôi thì rất tự nhiên. Tuy cũng có giữ lễ ít nhiều vì chúng tôi biết rằng chúng tôi đang đối diện với một bậc được gọi là mẫu nghi của thiên hạ.

Hoàng Hậu cùng với Thầy Hạnh Hảo, Thầy Gap và Thầy Dorji.

Tôi trân trọng đưa bài diễn từ của tôi cho anh Kunzang xem trước khi đọc trước Hoàng Hậu; nên đoạn văn nầy có vài chỗ được thêm vào sau. Vì những người bên chính phủ, nhất là những người có trách nhiệm với EXPO 2000 họ cũng muốn Hoàng Hậu biết đến họ. Bài nầy do Thầy Hạnh Tấn soạn bằng tiếng Anh qua sự góp ý của tôi.

Tôi ngồi cùng ghế chánh với Hoàng Hậu và đọc một bài diễn văn ngắn với nội dung như sau:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa Hoàng Hậu Bệ Hạ và các vị Bộ Trưởng

Thưa tất cả quý vị,

Tôi thật lấy làm sung sướng có mặt tại Vương Quốc của quý vị ngày hôm nay. Đây là một việc bất khả tư nghì của giáo lý Đức Phật. Vì chỉ có người Phật Tử mới hiểu được rằng; những người tỵ nạn Phật Tử Việt Nam chúng tôi tại Đức mới có thể nhận được những sự tiếp đón cao quý của Hoàng Hậu và các vị Bộ Trưởng cũng như sự tiếp đón những người thợ từ Bhutan tại Chùa của chúng tôi khi mà họ đến Đức để xây dựng Chùa Bhutan tại khu EXPO.

Ngôi Chùa Bhutan nó không những chỉ là một biểu tượng của Vương Quốc Bhutan mà còn là một giá trị toàn hảo của người Phật Tử. Tôi rất lấy làm tiếc rằng đã không thể tiếp đón Hoàng Hậu, bởi vì tôi đã có những việc quan trọng tại Pháp, khi Hoàng Hậu đến Đức. Tuy nhiên tôi cũng rất vui mừng vì nhờ cơ hội tốt nầy mà tôi xin cảm ơn sự thăm viếng đó của Hoàng Hậu khi có ý thăm viếng Chùa của chúng tôi và còn tặng cho nhiều tặng vật giá trị nữa.

Ở đây tôi cũng xin cảm ơn một cách công khai những người của chính phủ mà họ đã xây dựng Chùa Bhutan tại EXPO 2000. Ngoài ra tôi cũng muốn đề cập đến ông Phüntsho và ông Kunzang Trinley là những người họ đã đến đầu tiên tại xứ Đức và chẳng bao lâu trở thành những người bạn của cộng đồng người Việt Nam của chúng tôi.

Với cơ hội nầy phái đoàn của chúng tôi rất là hân hạnh để thăm viếng quê hương của Hoàng Hậu và tôi cũng sẽ được hướng dẫn đi thăm nhiều nơi chốn của Bhutan. Vì tôi nghe rằng có nhiều nơi và nhiều việc tốt đẹp tại quê hương nầy vẫn còn gìn giữ.

Tôi biết rằng Bhutan là một quốc gia Phật Giáo. Nên với người Phật Tử tôi muốn biết nhiều về hoạt động Phật Giáo tại xứ nầy. Đặc biệt trong phạm vi giáo dục, tôi hy vọng rằng có thể giúp một vài việc cho những người Tăng Sĩ của Bhutan.

Xin đại diện cho phái đoàn của chúng tôi, xin chân thành cảm ơn sự tiếp đãi một cách nồng hậu của Hoàng Hậu.

Tôi nguyện cầu Đức Phật và ba ngôi Tam Bảo gia hộ cho mọi người và cho quốc gia của Hoàng Hậu đặc biệt giữ lại những truyền thống cao đẹp đó.

Trân trọng kính chào.

Namo Shakya Muni Buddha

Respected Your Majesty, Ministers,

Ladies and Gentlemen:

I am really glad to be in your Kingdom today, this is due to a mystery of Buddha’s Dharma. Then only through the Buddhist connection we, the refugee Vietnamese Buddhist in Germany, were able to receive your Highness’ Ministers and to accommodate the Craftsmen in our monastery, when they came to Germany to build the Temple in the Expo ground.

The Bhutanese Temple was not just the symbol of the Kingdom of Bhutan, but also a pride of the entire Buddhist people. I extremely regret not to be able to receive your Majesty, The Queen, by myself due to an important work in France, when you were in Germany. Therefore I would like to use this opportunity to express my thanks for visit to my monastery and for your valuable presents.

At this time I wish to thank those officials who were responsible for the building of the Bhutanese pavilion for Expo 2000. Particular, I want to mention Mr. Phuentshok and Mr. Kuenzang Trinley, who were our partners when they came first to Germany and soon became friends to our Vietnamese community.

In this occasion my delegation and I are of great interest in visiting your country and would like to request for a guide throughout the interesting places of Bhutan. I have heard many nice things about the country and its splendid custom.

We know the Kingdom of Bhutan as a Buddhist country, and a Buddhist I also would like to know more about the Buddhist activities in Bhutan, especially in the field of education. I hope, we could be of some help to our brothers in Dharma.

In the name of the whole group I would like also to express my thanks for your kind reception.

I wish you all the blessing of Buddha and the triple Gems may always bless your country that it would remain in its extraordinary condition.

Thank You very much.

Sau khi tôi đọc xong bài diễn văn đó thì mắt Hoàng Hậu như ngời lên ánh sao và Hoàng Hậu cười thật tươi như hoa xuân đang rạng nở. Vì thế sau nầy mọi người mới bảo rằng: Đúng là nụ cười Hoàng Hậu là vậy. Tôi đáo mắt nhìn xem quý vị Bộ Trưởng và hai Thầy người Bhutan ngồi xa xa phía trước, thấy họ cũng tỏ vẻ hài lòng.

Hoàng Hậu chụp hình chung với Thầy Thông Trí.

Bây giờ thì chúng tôi đàm đạo thoải mái và trà nước cũng như xôi đặc biệt cũng đã được dọn lên. Hoàng Hậu hỏi chuyện từng người và Hạnh Hảo đã giới thiệu một cách không mỏi mệt. Người nào không nói rành tiếng Anh thì cũng có Hạnh Hảo thông dịch lại. Hôm ấy tôi đã thấy rõ đĩa vàng chén ngọc là gì. Tất cả đồ đem ra dọn đãi khách đều là những gì quý giá của Hoàng Gia. Mọi người đều uống trà của Bhutan và dùng xôi màu vàng có tính cách truyền thống. 

Hoàng Hậu chụng hình chung với Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm. 

Phái đoàn nói chuyện rất lâu, tôi rất sốt ruột nhìn đồng hồ và trông sang các vị trong Bộ Ngoại Giao ngồi xa phía trước đó; nhưng quý vị nầy ra dấu hiệu hài lòng và cứ tiếp tục nói chuyện không có gì phải lo cả. Vì Hoàng Hậu đang vui. Có lẽ nơi cung son Hoàng Hậu ít có người nói chuyện chăng? Hay với người Bhutan lúc nào cũng dạ dạ thưa thưa, khúm núm rụt rè. Còn chúng tôi một phái đoàn đến từ Âu Châu, ăn nói tự nhiên nên Hoàng Hậu không còn nghĩ đến thì giờ nữa. Nhiều lúc còn phá cười lên khi có một vài người nói lạc điệu. Ví dụ chú Hạnh Định nói tiếng Anh và giới thiệu về nước Na Uy, nơi mà Chú đã có cơ hội định cư ở đó nhiều năm. Nước Na Uy về môi sinh tốt như Bhutan. Nào là có thác nước, có cảnh đẹp và cuối cùng thì Chú bảo rằng: Nếu Hoàng Hậu đi sang đó thì Chú sẽ là người hướng đạo cho Hoàng Hậu. Do vậy mà Hoàng Hậu cười và mọi người đều cười theo. Theo phép ngoại giao thì không nên nói những lời như thế. Vì giữa các quốc gia có giao hảo với nhau, đều có các cơ quan ngoại giao lo vấn đề nầy làm sao mà cho tới mình làm được việc đó.

Sau khi dùng trà nước, xôi, thì chúng tôi xin phép chụp hình chung với Hoàng Hậu. Hoàng Hậu rất tự nhiên, không có gì khách sáo cả. Nếu là người nữ thì Hoàng Hậu ngồi sát vào và còn cụng đầu gần nhau nữa. Nếu là người nam thì có một chút khoảng cách. Nếu là người Âu Châu thì Hoàng Hậu càng tự nhiên hơn.

Quà biếu hôm đó là 4 tấm tranh sơn mài lớn tạo thành tấm chắn gió để trong nhà và một hoa sen bằng pha lê tuyệt đẹp. Đây là món quà từ xa xôi mang đến để tặng Người. Một món có xuất xứ từ Đức và một món có xuất xứ từ Việt Nam chuyển sang Pháp, rồi từ Pháp sang Đức; để sau đó từ Đức bay qua Thái Lan và Bhutan. Đúng là một chặng đường dài cả mấy chục ngàn cây số vậy.

Trước khi ra về thì Hoàng Hậu chắp tay cúi đầu và còn đem đầu mình cụng vào đầu tôi nữa. Thật là một việc làm mà tôi không ngờ; nhưng đồng thời tôi cũng không né tránh. Vì đó là việc tự nhiên. Vả lại cũng là truyền thống của Bhutan khi đã trở nên quen thuộc. Tôi có hỏi những người sau đó có làm như vậy không? thì bảo có chuyện ấy vậy sao? Có lẽ tùy theo từng người mà Hoàng Hậu chia tay như vậy chăng? Đến nỗi sau nầy có lần nói chuyện tại chùa Vạn Hạnh ở Hòa Lan, Thầy Thông Trí còn bảo rằng: Thấy Thượng Tọa và Hoàng Hậu ngồi chung một ghế và được đối xử như một bậc quân vương, khiến ai thấy cũng ghen lây. Không biết điều ấy có thật không; nhưng với tôi lúc ấy tâm chẳng có gì giao động. Mà lạ thay! Sau khi đi chuyến Bhutan về có nhiều người và nhiều Thầy đau tim. Theo Thầy Thông Trí nói thì vì Hoàng Hậu quá đẹp cho nên ai cũng cảm. Nhưng điều ấy không phải, ai cũng đau tim vì leo núi quá cao. Nơi ở bình thường đã là cao 3.000 mét rồi. Càng leo cao hơn nữa thì không khí càng mỏng đi. Do vậy mà khó thở; chứ tuyệt nhiên không phải vì Hoàng Hậu đâu.

Tối đó tại một khách sạn gần bên có tổ chức một buổi chiêu đãi Self-Service rất trang trọng. Đầu tiên thì nói chuyện bên lề. Sau khi mọi người đến đông đủ thì ông Thủ Tướng bắt đầu nói lên những lời cảm ơn phái đoàn và tặng quà lưu niệm. Hôm đó tôi cũng nói; nhưng vì không có soạn sẵn trước; nên đã phát âm sai một vài chữ, mà khiến ra nghĩa khác. Do vậy có người cười. Ngày hôm sau tôi xin lỗi ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa; nhưng ông ta nói rằng: Đôi khi tôi cũng vậy. Vì tiếng Anh đâu có phải là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Đó đúng là một câu an ủi có tính cách ngoại giao vậy.

Chiêu đãi tại khách sạn cùng với các vị Thủ Tướng, Bộ Trưởng và Thứ Trưởng của Bhutan.

Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao đến trễ và ngồi bên tay trái tôi. Còn ông Thủ Tướng thì ngồi bên tay mặt. Mọi người nói chuyện rất tâm đắc. Họ hỏi về việc gặp Hoàng Hậu ban chiều ra sao; nhưng thật ra thì họ đã biết hết rồi. Xứ Bhutan nầy rất nhỏ, mà thủ đô hình như cũng chỉ 30.000 dân nên đâu có nhiều hơn thành phố Laatzen ở gần chùa. Do vậy mà chuyện gì trong sân ngoài ngõ người ta cũng dễ rõ thôi. Nhiều lúc chúng tôi còn thấy họ theo dõi mình nữa là đằng khác. Vì mọi chuyện của chúng tôi làm họ đều biết cả. Kể cả những dự định chưa có làm. Đúng là "bức tường có tai" như cách ngôn Pháp đã hay dùng. Tóm lại thì cuộc ngoại giao ban chiều tại Hoàng Cung cả Bộ Văn Hóa và Bộ Ngoại Giao rất hài lòng. Còn hai Thầy bên Tôn Giáo thì dĩ nhiên là vui rồi. Vì ít khi vào đến chốn ấy; mà lần nầy còn ngồi chụp hình với Hoàng Hậu nữa. Quả là điều hy hữu mà có lẽ quý vị ấy cũng chẳng đợi chờ mong.

Đồ ăn của Bhutan cũng ngon lắm; nhất là những măng tây cũng như các rau cải địa phương; nhưng ngược lại trái cây thì còn hiếm lắm; những trái chuối, trái táo rất nhỏ, trông thảm thương. Trong khi Âu Châu những loại như thế chỉ có bỏ. Còn ở tại xứ núi đồi nầy là vàng là của quý đấy.

Mấy ngày đầu thì ai dùng cũng ngon; nhưng những ngày sau ai cũng thêm tô mì gói và những lát bánh mì ăn với mứt theo kiểu Tây phương trông có vẻ nhẹ nhàng hơn. Ở đây được một cái là núi cao; nên khí hậu rất mát về đêm. Nhiều khi cần phải sưởi nữa; nhưng không có muỗi và không có những sinh vật nhỏ ở xứ nóng như những nước Á Châu khác.

Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao ngồi bên tôi ông cũng nói rằng ông đang ăn chay. Trước đây ông học tại Mỹ và cũng đã nhiều năm ăn chay như thế. Ông khoe rằng con ông còn nói được tiếng Thái và tiếng Lào nữa. Cả nhà cũng ăn chay. Do vậy khi phái đoàn đến từ Âu Châu mà ăn chay như chúng tôi, nên ông cũng không ngạc nhiên mấy. Có điều là họ chiên bơ hơi nhiều nên có nhiều lúc tôi rất mệt và ăn không còn thấy ngon nữa. Nhiều lúc chỉ cần chén cháo là đủ rồi. Đúng là mỗi dân tộc có một đời sống và thói quen khác nhau, chẳng ai giống ai được. Mà cái gì đã trở thành truyền thống rồi thì người ta khó thay đổi lắm; nhất là những gì mà người ta đã chấp nhận lâu đời rồi.

Ông Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao cáo từ về trước vì có tiệc khác và chúng tôi cũng như một số vị Bộ Trưởng khác thì còn ở lại lâu hơn, để cuối cùng rồi cũng phải ra về với bao niềm vui. Vì mỗi người đã trao đổi với nhau về một câu chuyện có ý nghĩa nào đó. Buổi tiệc hôm đó do chính phủ khoản đãi nên các thực khách toàn là những người đại diện cho dân. Tuy không đông lắm; nhưng hầu như những nhân vật quan trọng tôi đã gặp qua. Mọi người ra về để dỗ một giấc ngủ ngon. Vì ngày mai còn phải đi một chuyến xa hơn như thế nữa.

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/12/2015(Xem: 5189)
Thiên Đồng Thiền Tự (天童禅寺) nằm tại làng Thiên Đồng ở dưới chân núi Thái Bạch của Ngân huyện, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang và được gọi là "Đông Nam Phật Quốc-東南佛國" hay “Ninh Ba Thiên Đồng Thiền Tự Pháp Vân Tuệ Nhật Thiên Phật Thiên Tăng- 寧波天童禪寺法雲慧日千佛千僧” vì là một trong năm Tòng lâm lớn nhất Trung Quốc. Ngôi Già lam Cổ Tự được kiến tạo vào đầu thế kỷ thứ IV, đời Tây Tấn năm Vĩnh Khang Nguyên (300), ban đầu chỉ là một Thảo am trên diện tích rất nhỏ nhưng theo thời gian đã lên đến 45 nghìn mét vuông, có đến khoảng 20 quần thể kiến trúc cổ như Thiên Vương điện, Đại Hùng Bảo điện, Thiên Phật các, Ngự Thư lâu, Hồi Quang lâu, Phản Minh lâu, Chung lâu, Pháp đường, Lục Thảo đường, Giới đường, La Hán đường . . . Điện đường, Lầu, Gác, Phòng liêu có đến 30 tòa, gồm 999 gian điện thất rất quy mô hùng vĩ. Hiện còn 730 gian, diện tích 7.640.000 mét vuông, diện tích xây dựng 28.800 mét vuông.
27/12/2015(Xem: 4844)
Hôm thứ Sáu, 25/12/2015, tại thành phố Nakhon Pathom, miền Trung Thái Lan đã diễn ra buổi lễ dựng Đài Tưởng niệm Sư tổ Phramongkolthepmuni, người sáng lập ra dòng thiền Dhammakaya (Pháp Thân) và cũng là Bổn sư của Ni trưởng Khun Yay, người sáng lập Trung tâm Dhammakaya (Pháp Thân Tự).
21/12/2015(Xem: 8368)
Mùa hạ năm Ất Mùi – 2015, khi đến dự hội nghị giảng sư của học viện, Thượng tọa tổng thư ký TW Giáo hội Phật Giáo Việt Nam giao cho chúng con nhiệm vụ liên lạc với ban tổ chức Diễn đàn Quốc Tế Sùng Thánh – 2015 để chuẩn bị cho phái đoàn của học viện tham dự diễn đàn. Từ hội nghị Hội đồng trị sự TW ở Sài Gòn, Thượng tọa tổng thư ký gọi điện về báo chốt danh sách thành viên phái đoàn để chính thức báo cho ban tổ chức diễn đàn làm thiệp thỉnh. Sau khi dự hội nghị Hội đồng trị sự trung ương trở về, Hòa thượng viện trưởng lại giao cho chúng con thêm một công việc lớn là xây dựng chương trình, liên lạc, bố trí sắp đặt để sau khi tham dự diễn đàn kết thúc, phái đoàn sẽ thực hiện chương trình tìm về tổ đình nơi Sơ tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam đã cầu đạo và đắc pháp.
27/04/2015(Xem: 10274)
Tờ Thời Luận San Francisco (San Francisco Chronicle) một nhật báo lớn của Mỹ, ngày 17 tháng 9 năm 2008 có đăng một bài mang tựa: "Đạo Ki-tô đang phát triển nhanh chóng ở Mông Cổ, các nhà truyền giáo đã cải đạo cho hàng nghìn người trong khi những người Phật Giáo đang nơm nớp lo sợ là truyền thống văn hóa của mình sẽ bị mất đi" (Christianity growing fast in Mongolia, Missionaries convert thousands while Buddhists fear losing traditional culture), tác giả là Michael Khon một ký giả trong nhóm bình luận gia thời sự quốc tế trong ban biên tập của tờ báo này. Bài báo khá xưa, cách nay đã hơn sáu năm, thế nhưng cũng không hẳn là lỗi thời, bởi vì tình trạng trên đây chẳng những vẫn còn đang tiếp diễn ở Mông Cổ mà cả nhiều nơi khác trên thế giới. Bài báo cũng đã được một trang mạng Phật Giáo có tầm cỡ quốc tế với 9 thứ tiếng khác nhau là Buddachannel dịch sang tiếng Pháp và đăng tải ngày 6 tháng 2 năm 2009, với tựa ngắn hơn: "Phật Giáo Mông Cổ đang bị mất đà" (Le Bouddhisme Mongol en perte de
06/04/2015(Xem: 7305)
Khi Mâu Tử, một tri thức Tàu, tị nạn tại Giao Châu và viết trong Lý Hoặc Luận vào cuối thế kỷ thứ 2 sau tây lịch rằng, “Đất Hán chưa chắc là trung tâm của trời đất,”[1] cho thấy tại Giao Châu lúc bấy giờ, đã là một lãnh địa hùng cứ ở phương Nam không thua kém gì nước Tàu tại phương Bắc. Sử gia Lê Mạnh Thát nhận định về điều này như sau trong bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam:
24/03/2015(Xem: 4856)
Tôi vẫn say mê với Phật Giáo Thái Lan từ những hình tượng lạ, bí ẩn trên các trang sách thiếu nhi – đúng ra, một phần là các hình khắc trên tường ở hai vách Chùa Xá Lợi (Sài Gòn). Đây là một ngôi chùa có ngọn tháp kiểu các chùa Bắc Tông Miền Trung, nơi tầng thứ nhì của tháp là thư viện, nơi đầy những kinh sách rất mực bí ẩn đối với bọn thiếu nhi chúng tôi lúc đó. Nhưng các vách tường chính điện là điêu khắc kiểu Phật Giáo Nam Tông, những hình tượng cổ cũng rất mực bí ẩn theo hướng chuyện cổ Jataka Tales.
22/03/2015(Xem: 7528)
Mirza Hussain mới 26 tuổi khi những kẻ chỉ huy khủng bố Taliban ấn vào tay ông khối thuốc nổ và bảo đem nó đặt vào các pho tượng Phật lớn nhất thế giới tại quê hương ông, tỉnh Bamiyan của Afghanistan. Các tượng cổ xưa được khắc sâu vào núi, từng là những pho tượng Phật cao nhất thế giới, đã bị phá hủy trong loạt hành động điên rồ của phiến quân Hồi giáo cực đoan năm 2001. Hành động đó đã tạo tiền lệ nguy hiểm cho những kẻ thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng tiến hành những cuộc đập phá các di sản kiến trúc và tôn giáo thời gian gần đây.
03/03/2015(Xem: 8830)
Với mục tiêu giúp mọi người hướng đến đời sống tâm linh, tổ chức Dhammakaya đã thiết lập nhiều hoạt động nhằm tác động đến đời sống đạo đức tâm linh xã hội hiện đại, nâng cao phẩm giá của con người, hướng đến một nền hòa bình, hòa hợp cho thế giới mà mọi người chúng ta đang tìm cầu. Thời gian gần đây, hoạt động của Dhammakaya đã thu hút người mộ đạo từ Thái lan đến khắp nơi trên thế giới.Trung tâm luôn duy trì những hoạt động này, vì nó đã đem lại thiết thực cho con người tăng trưởng nhân tâm và phát triển xã hội.
10/02/2015(Xem: 6270)
Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới đã được thành lập 65 năm, Đại hội lần thứ 17 được tổ chức từ 16 đến 18 tháng 10 năm 2014 tại thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nói đến lịch sử thành lập Hội, không thể không nhắc đến người đề xướng ý tưởng thành lập đầu tiên là Ngài Thái Hư Đại Sư và người đệ tử lớn của Ngài là Pháp Sư Pháp Phảng. Bài viết này trình bày công đức của Pháp Sư Pháp Phản trong việc thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới.
07/11/2014(Xem: 32157)
Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975. Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]