Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Chuẩn bị một cuộc hành trình

23/05/201319:43(Xem: 4442)
Chương III: Chuẩn bị một cuộc hành trình


Bhutan có gì lạ?

Thích Như Điển

◄♣►

Chương III. Chuẩn bị một cuộc hành trình

Thông thường thì ai trong chúng ta khi làm bất cứ một điều gì cũng phải có một chương trình, một kế hoạch hết cả. Nhất là nếu muốn cho chương trình ấy được hoàn bị. Ở đây cũng thế, chuẩn bị cho một cuộc hành hương không chỉ toàn là số người, cách đi đứng v.v... mà phải liên hệ với ai trước; nơi nào cần phải liên lạc trước và những gì cần phải làm trước, những gì cần phải làm sau v.v... 

Tôi cũng chẳng phải là một người hoàn toàn chu đáo. Vì nhiều khi vẫn còn sơ hở như thường, mặc dù đã cố gắng hết mình; nhưng cũng có nhiều điều xảy ra ngoài ý muốn. Lần nầy thì không phải từ phía chúng tôi, mà từ phía Chính phủ Bhutan, hay nói đúng hơn là văn phòng Bộ Ngoại Giao của Bhutan có gởi cho chúng tôi một công hàm có quốc huy của chính phủ vào ngày 24 tháng 1 năm 2001, gởi đi từ vị Chánh Văn Phòng và có nội dung như sau: 

Chính Phủ Hoàng Gia Bhutan

Bộ Ngoại Giao

Gyulyong Tshokhang

Thimphu Bhutan

Ngày 5 tháng 1 năm 2001

Kính thưa Ngài,

Tôi được hân hạnh báo tin cho Ngài biết rằng: Bệ Hạ Ashi Dorji Wangmo Wangchuck, Hoàng Hậu của xứ Bhutan đã hân hạnh nhận được thư của Ngài và được biết rằng Ngài sẽ thăm viếng Bhutan trong tương lai gần. Tôi được biết chắc rằng Hoàng Hậu Bệ Hạ sẽ gặp Ngài tại Bhutan nếu Hoàng Hậu ở tại Thimphu trong thời gian Ngài thăm viếng.

Ngài cũng thừa biết rằng Bệ Hạ hoạt động rất tích cực cho việc từ thiện cho người Bhutan và hay du hành liên tục trong quốc gia, kể cả những vùng xa xôi nhất.

Xin vui lòng cho biết để tôi có thể giúp Ngài trong chuyến viếng thăm Bhutan được dễ dàng hơn.

Xin nhận nơi đây, thưa Ngài, sự xác tín về lòng tôn kính cao nhất của tôi.

Tôn kính,

Kesang Wangdi

Chánh Văn Phòng

Kính gởi Thượng Tọa Thích Như Điển

Viện Chủ Chùa Viên Giác

Karlsruherstr. 6

30519 Hannover

Đức Quốc

Đây là văn thư chính thức từ Bộ Ngoại Giao Bhutan gởi, mà tôi cũng đã chẳng biết là trước đó tôi có gởi thư không. Vì bản chính không còn nữa. Chỉ còn những thư liên lạc sau nầy mà thôi. Có lẽ rằng tôi sơ ý. Hay qua một cuộc nói chuyện với các vị ở cấp cao Bộ Ngoại Giao mà tôi đã quên rồi. 

Điều nầy phải biết rằng mình có lỗi. Khi nhận được bức thư như thế, nghĩa là tôi đã vui rồi; nhưng nếu đến Bhutan mà không gặp được Hoàng Hậu để cảm ơn Hoàng Hậu những gì đã tặng cho tôi khi đến Hannover vào tháng 7 năm 2000, mà lúc ấy tôi không có mặt thì quả là điều thiếu sót. Do đó tôi đã nhờ Thầy Hạnh Tấn viết một thư với nội dung như sau:

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Chi Bộ Đức Quốc

Chùa Viên Giác - Karlsruherstr.6 - 30519 Hannover - Đức Quốc

Tel. 0511-879630 - Fax 0511-8790963. Email: viengiactu@t-online.de 

Hannover, ngày 13 tháng 2 năm 2001

Kính gởi: Bộ Ngoại Giao

Qua Bà Kesang Wangdi

Thưa Bà,

Tôi rất cảm ơn về việc đón chào nồng nhiệt về chuyến đi Bhutan của tôi từ Bệ Hạ, Hoàng Hậu của Bhutan. Tôi mong rằng sự bận rộn của Hoàng Hậu sẽ không bị ảnh hưởng đến việc tiếp đón phái đoàn của chúng tôi.

Với lá thư nầy tôi muốn xác định với Bà rằng chuyến thăm viếng của chúng tôi kéo dài từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 4 năm 2001 tại Bhutan. Xin vui lòng giúp đỡ cho chúng tôi những phương tiện cũng như ăn ở tại quốc gia của Bà. Phái đoàn của chúng tôi dự định là 20 người, gồm 10 Tu sĩ Việt Nam và những đệ tử; 10 người khác là Đức và bạn bè của họ. Họ là những người đã cộng tác suốt trong thời gian EXPO 2000 với chúng tôi. Chúng tôi phải chuẩn bị hành lý như thế nào ? và quy định nào chúng tôi phải tuân giữ ?

Tôi sẽ gởi danh sách và chuyến bay trong thời gian sớm trong điều kiện có thể.

Xin cảm ơn về sự trợ giúp của Bà và hy vọng rằng chúng tôi sẽ gặp được Hoàng Hậu Bhutan cũng như Bà bên cạnh đó. 

Kính chào

Thích Như Điển

Viện Chủ Chùa Viên Giác

Đó là những văn thư và lời lẽ của ngoại giao, mà sau nầy khi đến Bhutan mới biết là Kesang Wangdi không phải là Bà mà là Ông. Mặc dầu trước đó cũng đã hỏi Hạnh Tấn cho chắc chắn. Vì Thầy ấy đã học ở Ấn Độ lâu năm mà. Nhưng không sao. Có lẽ họ cũng sẽ lầm mình như vậy. Chẳng biết ai là bà, ai là ông nếu phía trước tên không ghi chú cho rõ ràng. Ngay cả tên của tôi nhiều người Việt Nam viết mà không bỏ dấu thì nó sẽ ra nghĩa khác. Thỉnh thoảng cũng có nhận được một bức thư, viết rất trịnh trọng; nhưng mở đầu đã kính thưa Thầy Tự Điển chứ không phải là Như Điển nữa. Rõ ràng là tên mình đã bị đặt lại lúc nào chẳng hay.

Nhưng nhiều lúc tôi cũng phải khen cho ông nhà Bưu Điện của Đức và ngay cả Úc nữa. Đã nhiều lần tôi nhận được những bức thư rất xa lạ gởi đi từ Việt Nam, từ Mỹ hay ngay cả từ Đức là Kính gởi Thầy Như Điển, hoặc chùa Viên Giác, Hannover, Đức. Chỉ như thế thôi, không tên đường, không số nhà, không số bưu điện mà thư vẫn tới. Quả thật là tài tình. Có lẽ vì Chùa Viên Giác tại Hannover thì ông Bưu điện nào mà chẳng biết.

Điều ấy thì cũng dễ hiểu thôi, nhưng có một hôm tôi càng khó hiểu hơn nữa khi nhận được một lá thư gởi từ Việt Nam, ngoài bì thư chỉ để như thế nầy: Kính gởi Thầy Như Điển, Australia. Thế mà cuối cùng thư vẫn đến Đức. Theo tôi nghĩ có lẽ người Việt Nam nào đó làm việc trong Bưu Điện Úc; mà khi bắt gặp tiếng Việt thì nhân viên bưu điện lại chuyển sang đây. Quả thật ngôn ngữ nó có một giá trị lạ lùng của nó và tất cả cũng chỉ là nhân duyên thôi.

Tôi đi hơi xa đề một chút; nhưng ở đây xin kể một câu chuyện vui về ngôn ngữ để hầu quý vị. Có lẽ là tôi đã đọc được trong Quê Mẹ, hoặc Nhân Bản xuất bản tại Paris chừng 15 năm về trước. Chuyện kể rằng:

"Có một người Úc đi du lịch sang Pháp, khi đến Lyon thì bị đau bụng thình lình nên được xe cấp cứu đưa vào nhà thương. Mấy cô y tá vồn vã hỏi tiếng Pháp thì ông ta trả lời tiếng Anh. Ông nói gà, bà nói vịt, chẳng ai hiểu cả. Vì người Pháp có rất ít người chịu nói tiếng Anh và người Úc, người Anh, người Mỹ họ cũng chẳng muốn học một ngoại ngữ nào cả. Vì họ nghĩ rằng chỉ tiếng Anh là đủ rồi. Nhưng trong trường hợp nầy thì chẳng biết nói sao, thông dịch tiếng Anh ra tiếng Pháp lúc đó ở đâu có mà tìm. Cơn đau lại đến, ông ta la lên bằng tiếng Việt: Ôi! Tôi đau bụng quá! Bỗng dưng có người y tá Việt Nam đang làm bên phòng đó nghe và qua kịp thời. Thế là ông ta qua đi một cơn thập tử nhất sanh".

Đó là tiếng Việt và phải nói rằng nhờ tiếng Việt mà mạng sống được cứu ở một xứ văn minh như xứ Pháp vậy. Do vậy học một ngôn ngữ nào cũng được cả. Miễn sao sành sỏi là được rồi.

Nếu đi Trung Quốc mà không biết tiếng Trung Quốc hoặc đi Nhật mà không nói được tiếng Nhật thì chuyến đi nó mất đi ý vị hết 50%. Tôi đoan chắc điều nầy là đúng. Vì bao nhiêu người đã khổ sở lắm rồi. Vì chỉ dùng tiếng Anh khi đến xứ họ, mà ở đó thì họ chẳng cần dùng tiếng Anh.

Tuy thế ở phần ngoại giao ngày nay tiếng Anh rất cần thiết. Ai cũng nên và phải học tiếng Anh để giao dịch với nhau, có lợi vô cùng.

Sau đó tôi nhờ Thầy Hạnh Tấn điện thoại thẳng cho ông Đại Sứ Bhutan tại Genève thì được biết rằng ông ta đã rõ việc chúng tôi sẽ đến Bhutan, khỏi cần phải lấy Visa từ Thụy Sĩ, mà khi đến phi trường Paro ở Bhutan thì họ sẽ cấp cho. Ngoài ra việc ăn ở đã có chính phủ lo rồi. Nhưng sau đó gọi nói miệng không thấy chắc nên tôi nhờ Thầy Hạnh Tấn gởi một thư khác qua Thụy Sĩ để rõ ràng hơn; nhất là có 2 thành viên trong đoàn không đi chung cùng từ Âu Châu mà đi từ Népal. Từ đó nếu không có sự xác nhận của chính phủ Bhutan thì hãng máy bay Druk Air sẽ không bán vé. Đúng là cái khó nó bó cái khôn là vậy.

Thư viết rằng:

Hannover, ngày 2 tháng 4 năm 2001 

Kính gởi Ông Sonam Tobgay

Đệ nhị Tham vụ, Tòa Đại Sứ Bhutan

17-19 Chemin du Champ d' Anier

CH - 1209 Genève 

Thưa Ông,

Xin cảm ơn lần gọi của Ông. Bây giờ tôi gởi cho Ông tên của những người tham dự với những chi tiết; đồng thời tôi cũng sẽ gởi một bản khác qua đường bưu điện.

Tôi hy vọng rằng Ông sẽ viết cho tôi một thư xác nhận từ Tòa Đại Sứ của Ông hoặc Bộ Ngoại Giao về việc nhận Visa đặc biệt cho 2 thành viên trong nhóm của tôi mà họ hiện tại đang ở Népal. Bởi như Ông biết rằng: vé của họ chỉ được bán khi có sự thị thực Visa.

Xin cảm ơn về lòng tốt và sự cảm thông của Ông cho việc nầy của chúng tôi.

Tôi đang chờ đợi sự trả lời nhanh chóng của Ông.

Kính thư

Thích Như Điển

Viện Chủ Chùa Viên Giác

Sau đó có gởi thêm một thư nữa cho Ông Đại Sứ về việc khó khăn không đủ chỗ đi chung khi về lại Âu Châu. Tất cả đều được trả lời lịch sự, nhã nhặn và cảm thông; nhưng sự thật thì có phần hơi khác nên phái đoàn ai cũng lo. Mà điều khác nầy là do chị Mỹ Anh Hanisch Pfaff phát hiện. Chị nầy thường hay lo giấy tờ Visa và vé máy bay cho phái đoàn chúng tôi khi đi xứ nầy xứ khác. Chị ấy bảo rằng cứ gọi điện thoại cho hãng hàng không Druk Air ở Bangkok cũng như Thimphu hoài mà mỗi ngày chỉ được trả lời một vài tiếng và không đâu vào đâu cả. Thà rằng họ nói ngay từ đầu là nước chúng tôi chỉ có một chiếc máy bay thôi, mà máy bay lại hết chỗ cho nên quý Ngài không có cách nào khác hết. Hoặc cho biết rằng ngoài hàng không Druk của Bhutan không có hãng hàng không nào hạ cánh nơi nầy cả. Cứ nói như vậy cho ai nấy được yên tâm đi. Ở đây thì hoàn toàn trống vắng cho nên ai cũng lo.

Đến ngày 5.4.2001 nhận được một thư của chính ông Đại Sứ viết, nội dung như thế nầy: 

Cơ Quan Đại Diện Thường Trực của Chính Phủ Bhutan tại Hội Quốc Liên 

Kính gởi Thượng Tọa Thích Như Điển

Viện Chủ Chùa Viên Giác

Karlsruherstr.6

30519 Hannover 

Kính thưa Ngài,

Tôi hân hạnh báo tin cho Ngài biết rằng Hoàng Gia Bhutan sẵn sàng nghênh tiếp sự thăm viếng của Ngài và phái đoàn của Ngài gồm có Tăng, Ni, đệ tử của Ngài.

Chiếu khán cho những thành viên sẽ được cấp tại phi trường.

Ngoài ra Hoàng Gia sẽ cung cấp cho Ngài mọi phương tiện cũng như sự di chuyển trong thời gian Ngài ở tại Bhutan. Bộ Ngoại Giao sẽ can thiệp với hãng máy bay của quốc gia để xem cách nào tốt nhất và giúp Ngài về việc vé cho cả nhóm. Được biết rằng tháng 4 và tháng 5 là mùa du lịch nở rộ tại Bhutan.

Ngoài ra trong tương lai mọi sự liên lạc cho việc thăm viếng nầy xin vui lòng gởi đến Chánh Văn Phòng của Bộ Ngoại Giao ở Thimphu với số Fax 975-2-323056.

Tôi cầu chúc cho Ngài và phái đoàn hài lòng khi ở tại Quốc thổ của chúng tôi.

Trân trọng kính chào.

Bap Kesang

Đại Sứ Thường Trực 

Bản sao gởi đến Chánh Văn Phòng Bộ Ngoại Giao tại Thimphu. 

Khi ngoại giao mà nhận được một loại thư như thế quả là: được lời như cởi tấm lòng là thế đấy. Sau khi nhận được văn thư ấy tôi rất mừng có báo cho tất cả thành viên biết; nhưng đồng thời cũng báo cho cả đoàn biết về giá vé máy bay đi về. Ai cũng thất kinh; nhưng bù vào đó ở tại Bhutan 10 ngày không tốn đồng nào cũng có phần an ủi.

Đến ngày 14 tháng 4 năm 2001 nghĩa là cách ngày đi còn có mấy ngày nữa mà cũng có 3 vị không đi. Lý do là Bác Phát bị bịnh. Cô Tuệ Đàm Nghiêm bận thi và cô Từ Khánh lý do bất khả kháng khác. Do vậy tôi đã đề nghị Hạnh Định nên đi, để làm thị giả cho tôi cũng như giúp đoàn quay phim và chụp hình. Cuối cùng thì Chú được đi ngoài dự định của Chú.

Ở Đời hay Đạo gì cũng thế có những cái xảy ra rất bất ngờ mà ai cũng không hay được. Lúc ấy ta chỉ nói hên quá, may quá v.v... nhưng kết quả bất ngờ đó là do bao nhiêu sự bất ngờ khác đã huân tập lâu rồi, bây giờ mới thành tựu như vậy đó.

Đây là những nguyên nhân xa và gần để rồi cuối cùng phái đoàn chúng tôi cũng đã đến Bhutan vào ngày 24 tháng 4 từ Bangkok. Riêng việc thăm chùa Việt Nam tại Bangkok thì tôi đã có dịp viết trong báo Viên Giác số 123 tháng 6 năm 2001 với tiểu đề là "Mây Trắng Chập Chùng". Quý độc giả xem sẽ hiểu thêm. Nơi quyển sách nầy chỉ dành riêng viết về Bhutan; cho nên tôi không lặp lại những gì xảy ra tại Thái Lan nữa.

---- ♣----

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2019(Xem: 5533)
Phật giáo là tên gọi giáo pháp của Đức Phật Cồ-Đàm, thường được các tín đồ gọi là Phật pháp. Được thành lập bởi Đức Phật Thích Ca (560-480 TTL) ở miền Bắc Ấn Độ, sau đó được Hoàng đế A Dục chấp nhận là quốc giáo rồi đem vào Tích Lan và các nước lân cận, Phật giáo phát triển nhanh chóng ở Đông phương và cuối cùng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
07/09/2018(Xem: 6823)
Theo truyền thống Đại thừa, một ngàn vị Phật sẽ giáng thế trong thời kiếp may mắn này là điển hình của Hóa thân tối thượng (mchog-gi sprul-sku, thể dạng của các hóa thân tối thượng). Mỗi một vị Phật trong một ngàn vị Phật đã thành tựu giác ngộ từ lâu. Khi một vị Phật thị hiện trong thời kiếp này thì mỗi vị sẽ đồng thời hóa thân ở Nam Thiệm Bộ Châu (Southern Continent) trong mỗi một tỷ hệ thống thế giới trong vũ trụ của chúng ta, đồng thời thực hiện mười hai công hạnh giác ngộ (mdzad-pa bcu-gnyid) của một vị Phật ở nơi đó.
01/08/2018(Xem: 11952)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
14/07/2018(Xem: 7450)
Đức Phật ra đời vào năm 624 trước tây lịch tại nước Ấn Độ. Ngài thuyết pháp 49 năm. Phật giáo đã trở thành quốc giáo, vì các vua, các quan và dân chúng đa phần đều theo đạo Phật. Nay trên trang website của nước Ấn Độ thống kê Phật giáo chỉ có 0,7 % của dân số Ấn Độ. Quý vị có thể tham khảo trang nhà nước Ấn Độ theo đường nối kết bên dưới.
21/03/2018(Xem: 15309)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
02/02/2018(Xem: 7378)
Rắc Rối Về Phật Giáo Của Bà San Suu Kyi. "Aung San Suu Kyi’ s Buddhism Problem” Tại sao biểu tượng dân chủ của Miến Điện lại không lên tiếng bênh vực các sắc dân thiểu số và chống lại chủ nghĩa quốc gia, tinh thần kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và thỉnh thoảng bạo động của tín đồ Phật Giáo chiếm đa số trên đất nước Miến Điện? (Bài viết của William McGowan đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/9/2012) Suốt đoạn đường đấu tranh lâu dài chống lại các ông tướng của Miến Điện, Bà Aung San Suy Kyi – biểu tượng của nền dân chủ- phần lớn dựa vào tinh thần Phật Giáo. Bà đã tán dương một tôn giáo đã giúp bà tìm thấy tự do ở trong tâm tưởng suốt 15 năm bị quản thúc tại gia và nói rằng giáo lý, chẳng hạn như “bao dung” (loving kindness) có thể giúp
01/01/2018(Xem: 40110)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
15/11/2017(Xem: 8124)
Phật Giáo Hoa Tông theo dòng lịch sử - HT Thích Thiện Nhơn
01/11/2017(Xem: 3505)
Phật Giáo Tại Hoa Kỳ - Thích Nguyên Tạng, Hoa Kỳ, một quốc gia ở lục địa Bắc Mỹ, gồm 50 tiểu bang. Diện tích 9,4 triệu m2, dân số 326,766,748 triệu người (thống kê 2018, dân số Hoa Kỳ đứng hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ), mật độ dân cư: 26,6 người/km2 . Tuổi thọ trung bình: 75,9 tuổi; học sinh cấp 2: 98%; thu nhập bình quân đầu người: 55.925 đô la. Đây là một quốc gia được thành lập từ cuối thế kỷ 18 (từ 13 thuộc địa của Anh quốc). Nhưng đến cuối thế kỷ 19 đã trở thành một nước tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa, bắt đầu đi xâm lược và mở rộng thị trường trên khắp hoàn cầu. Từ sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã trở thành một nước tư bản độc quyền, đứng đầu hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới. Hoa Kỳ cũng được xem là một quốc gia có nền dân chủ xưa nhất trong các nền dân chủ lớn hiện đại.
18/10/2017(Xem: 6536)
Lịch sử Phật Giáo qua tem bưu chính, Trần Thanh Lý biên soạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567