Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Ngày thứ tư

07/05/201311:40(Xem: 8094)
04. Ngày thứ tư

GIẢI THOÁT TRONG LÒNG TAY

Một bài giảng khúc chiết về con đường đạt đến giác ngộ

(Liberation in the Palm of Your Hand-

Aconcise discourse on the path to enlightenment)

Pabongka Rinpoche

Edited by Trijang Rinpoche

Translated by Michael Richards

Thích Nữ Trí Hảidịch

--- o0o ---

PHẦN HAI

NHỮNG NGHI THỨC CHUẨN BỊ

NGÀY THỨ TƯ

Pabongka Dorie Chang khởi sự ngày giảng dạy với lời giáo đầu như sau:

Chandrakìrti nói:

Bây giờ, khi bạn có tự do,

Gặp hoàn cảnh thuận tiện

Nhưng nếu bạn không lợi dụng

Lại để cho mất tự do

Bằng cách rơi vào các đọa xứ

Thì khi ấy ai sẽ kéo bạn lên?

Nói cách khác, bây giờ ta đã thoát khỏi những cảnh tái sanh bất hạnh, có được thân người thuận lợi, nên chúng ta có được tự do để học Pháp. Nhưng nếu chúng ta không lợi dụng hoàn cảnh này để đạt niềm hy vọng vĩnh cửu của ra, thì ta sẽ trở lại vào các đọa xứ nơi đó ngay một tiếng “Pháp” ta cũng không có may mắn để nghe. Nếu ta rơi vào một đọa xứ như vậy, thì ai có thể kéo chúng ta ra khỏi? Bởi thế, ngay khi còn tự do, ta phải cố thành đạt niềm hy vọng vĩnh cửu của mình, dù gì xảy ra cũng mặc.

Chỉ sau khi khởi động cơ như thế rồi bạn mới nên nghe pháp. Và cái Pháp mà bạn sắp nghe là pháp gì? Đó là pháp Tối thượng thừa, nền giáo lý đưa những người may mắn đến Phật quả.

Sau khi nhập đề như thế Pabongka Rinpoche nhắc lại cho chúng tôi những tiêu đề mà chúng ta đã bàn cho đến điểm này trong bài giảng. Ngài cũng ôn lại sơ lược những gì đã nói hôm qua. Rồi ngài bắt đầu bài giảng chính thức của ngày hôm ấy.

VI. THỨ TỰ NHỮNG CHỈ GIÁO THỰC THỤ

Có những tiêu đề phụ như sau: (1) Căn bản của đạo lộ: tận tụy với một vị hướng đạo tâm linh; (2) sự huấn luyện tuần tự thích đáng mà bạn phải theo sau khi bắt đầu nương tựa một bậc thầy.

Những tiêu đề này rút từ tác phẩm của Tsongkapa, giảng dạy một trong những điểm cốt yếu của sự tu hành. Danh từ “căn bản của đạo lộ” có ý nghĩa như sau. Tất cả lá quả của cây đều do gốc cây mà có. Tất cả tuệ quán và thực chứng - từ sự đạt được cái khó được là thân người thuận lợi cho đến sự nhất tâm của bậc Vô học đều xuất phát từ một điều duy nhất là sự tận tụy với một bậc thầy hướng đạo tâm linh. Giới từ “sau khi” trong câu trên chỉ rõ hành vi nào nên làm trước tiên: chúng ta sẽ nhận được tất cả những quả chứng cho đến định nhất tâm của bậc Vô học A la hán nếu ngay từ đầu, ta có sự tận tụy đúng pháp đối với một bậc thầy.

Ba tiêu đề chính đầu tiên mà chúng ta đã bàn cũng được tìm thấy trong Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ. Những tiêu đề sau đây có khác, chúng được rút ra từ những bài giảng ngắn gọn.

A. CĂN BẢN CỦA ĐẠO LỘ: TẬN TỤY VỚI THẦY

Có hai thứ đoạn chính: (1) phải làm gì trong những thời thiền quán của chúng ta; và (2) phải làm gì giữa thời thiền quán.

Một điểm hết sức quan trọng được nêu lên khi đưa ra hai tiêu đề này, một tiêu đề cho những thời thiền định và một tiêu đề cho thời gian khoảng giữa các thời thiền. Toàn thể hoạt động hàng ngày của một người có thể chia thành những gì xảy ra trong thời thiền định, và những gì xảy ra ngoài thời thiền. Như vậy, bất cứ thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp nào của bạn cũng xảy ra trong hoặc ngoài thời thiền định. Nếu bạn làm cho cả hai giai đoạn ấy đều có lợi ích, thì trọn ngày đều lợi ích. Hãy nói rộng điều này ra thành những thời kỳ hàng tháng, hàng năm, vân vân, thì trọn cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa. Đây là điểm cốt yếu.

1. Phải làm gì trong các thời thiền định

Tiêu đề này có ba bước: (1) nghi lễ chuẩn bị; (2) làm thế nào để theo phần chính của thời thiền; (3) những gì phải làm trong phần cuối của thời thiền.

Thật là điều sai lầm nếu không chú ý đến nghi lễ chuẩn bị. Nếu bạn muốn chế một tách trà ngon chẳng hạn, thì bạn phải xem chuyện mua trà là quan trọng. Cũng thế, nếu bạn muốn có những kinh nghiệm tâm linh trong giai đoạn chính của thời thiền định, thì trước hết bạn phải thực hành những nghi lễ chuẩn bị cho đúng pháp.

1.1. Nghi lễ chuẩn bị

Có sáu việc: (1) lau nhà sạch sẽ và bày biện những biểu tượng thân giác ngộ, khẩu giác ngộ, ý giác ngộ; (2) kiếm đồ cúng một cách lương thiện và bày biện cho đẹp mắt; (3) ngồi theo thế ngồi (gồm bảy sắc thái của Tỳ lô giá na trên một tọa cụ; sau đó bạn đọc lời quy y, phát tâm bồ đề, vân vân, trong một tâm trạng đặc biệt thành khẩn; (4) cầu ruộng phước; (5) dâng lời cầu nguyện bảy phần và một madala thế giới - những hành trì này chứa tất cả những then chốt của sự tích tập công đức và thanh lọc bản thân; (6) nhưng cầu xin tiếp theo phần giáo huấn truyền khẩu được làm để bảo đảm rằng dòng tâm thức của bạn đã thấm nhuần thiền định.

1.1.1.Lau sạch nhà và bày những biểu tượng thân khẩu ý giác ngộ.

Đạo sự Suvarnadvìpi theo tiểu sử về đời ngài, thường tự lau chùi nhà cửa. Nguồn gốc tập tục này là do một kinh dạy: “Vị bồ tát ngồi kiết già trong một khung cảnh sạch sẽ.”

Lý do bạn phải lau nhà là như sau: Khi bậc thầy của bạn, hay một viên quan nào tới thăm bạn, phải chăng bạn sẽ quét nhà sạch để cung đón? Cũng vậy, khi bạn thỉnh đấng Đạo sư và những pháp tử của ngài vào nhà (trong thời thiền quán của bạn) thì bạn phải lau nhà sạch sẽ để tỏ lòng kính ngưỡng.

Không có lợi ích gì n ếu bạn làm việc ấy với những động cơ giống như bạn vệ sinh của các tự viện lớn như cung Potala, Sera, Drepung; những người làm vì mưu cầu hạnh phúc cho chính mình hoặc để làm cho người khác tán thán. Thay vì thế, bạn nên nghĩ rằng bạn làm vì tôn trọng phước điền, những bậc thánh mà bạn sẽ thỉnh vào phòng trước khi bạn theo một đề tài thiền quán Lam-rim; bạn sẽ thực hành pháp quán ấy để thành Phật vì lợi ích của tất cả hữu tình. Sẽ rất lợi lạc nếu bạn nghỉ tưởng như thế.

Có kinh nói tới năm lợi ích: Tâm bạn sẽ sáng suốt; tâm người sẽ sáng suốt; làm chư thiên hoan hỉ; có được cái nghiệp đẹp đẽ; kiếp sau tái sanh lên thượng giới. Thầy tôi dạy rằng, các vị trời thường viếng cõi người và hộ trì cho những người thực hành đúng pháp. Nhưng nếu bạn không lau nhà, chư thiên không hoan hỉ và không hộ trì cho bạn, vì họ tránh những chỗ không sạch. Việc làm sạch nhà cửa còn làm vui các bậc thầy của bạn, chư Phật, v.v… chứ không chỉ làm cho chư thiên hoan hỉ mà thôi.

Bạn sẽ “có được cái nghiệp đẹp đẽ,” điều này không những ám chỉ cái đẹp vật lý mà còn ám chỉ đạo đức trong sạch. Đạo đức trong sach không làm cho thân thể đẹp, nhưng đối với chư Phật và Bồ tát thì đấy là cái gì đẹp nhất. Đức Tsongkapa vĩ đại có nói

Những người biết phân biệt pháp mặc áo khiêm cung

Đây là đạo đức, không phải hàng đẹp

Biện tài, trang hoàng cổ họ, không phải chuỗi anh lạc

Bậc thầy là ngọc quý, không phải ngọc nào khác.

“Được sanh lên thượng giới” phải hiểu là các cõi Phật.

Bậc thánh Chùdapantaka (Chu lợi bàn đà dà) chứng quả A la hán nhờ lau nhà. Tôi sẽ kể cho các bạn câu chuyện về ngài.

Trong thành Xá vệ ngày xưa có một người bà la môn sanh đứa con nào cũng chết khi vừa mới chào đời. Có một bà già lân cận bảo: “Lúc nào có đứa nữa, thì hãy gọi tôi.” Sau đó người bà la môn sinh một bé trai, ông liền gọi bà già. Bà bảo ông ta tắm rửa cho đứa bé, quàng cho nó một tấm vải trắng và nhét bơ đầy miệng rồi giao nó cho một cô gái săn sóc. Bà lại bảo người bà la môn nhờ cô gái ẳm thằng bé đến nơi ngã tư đại lộ và phải kính lễ khi gặp một vị sa môn bà la môn nào đó đi qua mà nói: “Hài nhi này xin đảnh lễ dưới chân thánh giả.” Nếu đứa trẻ sống được thì hãy chờ mặt trời lặn hãy đem nó về; nếu nó chết thì hãy quăng bỏ nó.

Cô gái là kẻ có lương tâm, cô ngồi suốt ngày giữa ngã tư đại lộ. Đầu tiên có vài du sĩ ngoại đạo đi qua, cô gái làm theo mệnh lệnh bà già. Những du sĩ nói: “Mong cho hài nhi này sống, trường thọ, và ước nguyện của cha mẹ nó được thành.”

Sau đó vài vị tỷ kheo đi qua, họ cũng chú tụng tương tự như trên. Cô gái bèn đem đứa bé đến Kỳ Viên tịnh xá. Nàng gặp Đức Phật đang đi khất thực, và Phật cũng làm như mấy người kia, nhưng nói thêm rằng: “Mong cho cha mẹ của nó thành tựu những ước nguyện đúng pháp.”

Khi mặt trời lặn, cô gái thấy đứa bé còn sống nên đem về nhà. Nó được đặt tên là Mahapanthaka (Đại Lộ) vì đã được đưa ra giữa đường cái. Đại lộ lớn lên thành một học giả tinh thông kinh điển Vệ Đà và dạy cho một trăm đứa trẻ bà la môn.

Người cha có thêm một đứa con trai khác, ông cũng gọi bà già và cũng được khuyên như lần trước. Nhưng lần này họ lại giao đứa bé cho một cô gái làm biếng; cô chỉ bế nó ra đứng tại một đường hẽm. Không có một vị sa môn bà la môn nào đi qua. Đức Phật biết rằng biết rằng sẽ không bậc thánh nào sử dụng con đường ấy, nên Ngài đích thân đi đến, vì Ngài vốn luôn luôn đêm ngày săn sóc cho các hữu tình. Cô gái đảnh lễ, và Ngài nói lời ban phước như lần trước. Nàng mang hài nhi về nhà khi thấy nó còn sống. Nó được đặt tên là Chùdapanthaka (Đường Nhỏ). Khi lớn lên nó cố học đạo. Nó tập đọc những tiếng như siddham, nhưng nó chỉ đọc đường âm sid thì nó quên âm dham, mà khi nó nhớ âm dham thì nó quên sid. Thầy của Đường Nhỏ bảo người cha rằng: “Tôi còn phải dạy nhiều trẻ khác. Tôi không thể dạy cho nó.”

Đường nhỏ được gửi đến học tụng kinh Vệ Đà với một người chuyên về kinh điển ấy. Trước tiên thầy dạy nó hai âm om bhu. Nó đọc được âm om thì quên âm bhu và ngược lại. Thầy nó phải tuyệt vọng về nó. Ông bảo người cha: “Thằng Đại Lộ con lớn của ông chỉ cần dạy một chút xíu là biết liền, còn thằng Đường Nhỏ này thì tôi chịu. Tôi không thể dạy nó; tôi còn nhiều trẻ con phải dạy.”

Bởi vậy mà cái tên Đường Nhỏ đã hóa thành nghĩa bóng là u mê đần độn, ngu nhất trong những người ngu, nhỏ nhất trong những cái nhỏ.

Về sau khi cha mẹ chết, Đại Lộ quy y theo Phật và đi tu thành tỷ kheo, thành một bậc hiền trí, chứng quả A lan hán. Đường Nhỏ tiêu hết gia tài xong cũng đi theo anh. Đại Lộ quán sát xem em mình có chút duyên gì với Phật pháp không, và thấy rằng chính mình có thể giúp em khai phát tiềm năng Phật tính, bởi thế ông cho Đường Nhỏ xuất gia thụ giới làm chú tiểu.

Trong ba tháng kế tiếp. Đường Nhỏ bỏ hết thì giờ chỉ để học một bài kệ.

Thanh tịnh thân, khẩu, ý.

Lìa dục nhiễm thế gian.

Thường nhớ nghĩ chuyên cần.

Tránh ác pháp đau khổ.

Bọn giữ bò trong khu vực nghe lỏm bài kệ ấy cũng đã thuộc lòng, thế mà đường nhỏ không thể nào thuộc nổi.

Bậc thánh Đại Lộ suy nghĩ: “Làm sao điều phục Đường Nhỏ? Nên ca tụng nó hay làm nhục?” Ngài thấy rằng nhục mạ Đường Nhỏ là cách điều phục hiệu nghiệm nhất, bởi thế ngài nhiếc mắng Đường Nhỏ, túm lấy cổ áo của y mà lôi ra khỏi cổng tinh xá Kỳ Viên.

Đại Lộ nói: “Người là kẻ ngu đần nhất trong những kẻ ngu đần. Cho ngươi xuất gia làm gì? Đứng đó.”

Đường Nhỏ nghĩ: “Bây giờ mình hết làm tu sĩ rồi, mình cũng không còn là một người bà la môn nữa rồi.” Và ông khóc lóc thảm thiết.

Động lòng từ mẫn, Đấng Đạo sư chúng ta đi đến bên Đường Nhỏ và hỏi:

“Này Đường Nhỏ tại sao con khóc?”

“Thầy con đã mắng nhiếc chê bai con đủ điều.”

Đức Phật bảo:

Cái gì kẻ ngu ca tụng

Thì bị hiền trí chê bai.

Thà bị hiền trí chê bai

Hơn được kẻ ngu khen ngợi.

Này con, thầy con đã không chịu gian khổ suốt ba a tăng kỳ kiếp để thực hành sáu hạnh ba la mật. Ông ta không làm ra những bài kệ cho con học, mà chính ta đã làm. Vậy Như Lai không dạy cho con đọc được hay sao?”

Đường Nhỏ nói: “Thầy ôi, con là kẻ ngu nhất trong đám ngu, nhỏ nhất trong bọn nhỏ. Làm sao con có thể học đạo được?”

Đức đạo sư trả lời:

Kẻ ngu biết mình ngu

Đích thật là hiền trí

Ngu tự cho mình trí

Mới thật là chí ngu.

Phật cho Đường Nhỏ mấy lời này để nó học thuộc: “Từ bỏ bụi dơ, từ bỏ cấu uế.” Nhưng ôi thôi, chừng ấy cũng quá nhiều đối với Đường Nhỏ. Đức Phật nghĩ, “Ta sẽ thanh lọc nghiệp của y.” Và Ngài nói: “Này Đường Nhỏ, ngươi có thể chùi giày cho các tỷ kheo không?” Đường Nhỏ nói: “Ồ thầy, chuyện ấy con làm được.” Đức Phật bảo. “Vậy con hãy chùi sạch giày dép cho các tỷ kheo. Và này các tỷ kheo, các ông hãy để cho Đường Nhỏ làm công việc ấy, để y có thể sạch nghiệp chướng. Các ông hãy tụng những lời ấy để cho y học.”

Khi Đường Nhỏ học xong, Phật bảo ông: “Bây giờ con không phải chùi giày cho các vị tỷ kheo nữa. Hãy vừa lau quét chùa vừa đọc câu ấy.” Do thần lực của Phật nữa cái nền bên trái ông vừa lau xong, thì nửa bên phải lại dơ. Lau nữa bên phải xong thì nữa bên trái lại đầy bụi dơ như cũ. Nhưng Đường Nhỏ vẫn kiên trì, và trong lúc lau quét, tất cả nghiệp chướng ông được thanh lọc. Khi ấy ý nghĩ này khởi lên nơi ông: “Bậc đạo sư, ‘hãy từ bỏ bụi dơ, hãy gột rửa cấu uế’ là ngài muốn nói cấu uế nội tâm hay ở ngoài? Và tâm ông khởi lên bài kệ sau đây,mà ông chưa từng nghe trước đấy:

Tham ái là cấu uế, không phải bụi;

Cấu uế là chỉ cho tham ái, không phải bụi

Bậc trí tẩy trừ loại cấu uế này,

Thận trọng tuân giữ giáo huấn của đấng Thiện Thệ.

Sân hận là cấu uế, không phải bụi,

Cấu uế là chỉ cho sân, không phải bụi

Bậc trí tẩy trừ loại cấu uế này.

Thận trọng tuân giữ giáo huấn của đấng Thiện Thệ.

Si mê là cấu uế, không phải bụi…

vân vân. Ông đi sâu và những bài kệ ấy, và nhờ thiền định ông đạt quả vị A la hán.

Trong kinh, bài kệ ấy như sau, theo những bản nghi thức chuẩn bị và chỉ giáo truyền khẩu:

“Cấu uế” không phải là bụi trên đất

Mà đấy là cấu uế tham ái.

Khi thực hành thì bài kệ này dễ hiểu hơn, nhưng ta cũng nên trở lui về nguồn gốc của nó.

Khi ấy đức Phật tuyên bố cho chúng tăng biết những đức hạnh của Đường Nhỏ và bảo: “Này A Nan, hãy nói với Đường Nhỏ đi giáo giới cho tỷ kheo ni, và đến bảo ni chúng rằng, từ nay Đường Nhỏ sẽ là giáo thọ sư của họ.”

Đường Nhỏ biết Đức Phật đã công bố những đức hạnh của mình, nên ông hứa sẽ tuân lệnh đi giáo giới cho tỷ kheo ni.

Các tỷ kheo ni vô cùng kinh ngạc trước tin ấy, họ nói: “Hãy xem bọn nữ lưu chúng ta bị chọc quê như thế đấy. Ông ta học một bài kệ ba tháng không thuộc, làm sao lại đi giáo giới cho chúng ta những người tinh thông ba tạng?”

Sau đó một cô đề nghị: “Chúng ta sẽ làm cái gì để từ nay về sau khỏi phải chịu những kẻ ngu ngốc như thế.” Mười hai người họp lại làm một cái tòa giảng thật cao, nhưng không có bực cấp nào để bước lên cả. Những người khác thì đi vào đại thành Xá Vệ loan báo với dân cư rằng: “Ngày mai có bậc giáo thọ sư của chúng ta đến viếng thăm. Vị này là một trong những bậc thánh lớn nhất trong hàng Thanh văn. Chúng ta sẽ nghe Pháp do vị ấy giảng. Người nào chưa đến vị kiến đạo phải đến nghe, nếu không sẽ trôi lăn lâu dài trong sinh tử.”

Hàng trăm ngàn người đến nghe giảng. Một số đi để giải trí, một số khác đi để kiếm công đức. Hôm ấy Đường Nhỏ ra đi khất thực. Sau khi tất cả đã ăn xong ngồi thiền, ông dẫn những tỷ kheo còn lại trong chùa cùng đến chỗ an cư mùa mưa của ni chúng, nơi ông phải đến để giáo giới. Khi đến gần pháp tòa, thấy nó quá cao, ông nghĩ, “Hoặc là họ quá kính trọng ta, hoặc họ muốn thử ta. “Ông nhập định quán tưởng thì biết là họ muốn thử. Đường Nhỏ duỗi cánh tay ra như một con voi đưa ra cái vòi để hạ pháp tòa ấy xuống. Một vài người trông thấy điều này, một số không thấy. Ông ngồi trên tòa rồi lại nhập định. Đường Nhỏ thăng lên hư không và thi triển bốn thứ thần thông tại mỗi nơi trong bốn nơi chính đông, tây, nam, bắc. Những thần thông được thâu hồi lại vào người ông, và bây giờ pháp tòa được nâng đỡ bằng bốn con sư tử.

Ông bắt đầu giảng: “Thưa các chị, tôi mất ba tháng để học một bài kệ. Bây giờ tôi sẽ giảng ý nghĩa ấy trong bảy ngày bảy đêm liên tiếp. Đức Thế Tôn đã dạy: “Đừng để thân, khẩu, ý của ngươi phạm vào lỗi.”Ấy là ngài dạy cho chúng ta từ bỏ mười tà hạnh. Khi ngài nói “lìa nhiễm dục thế gian” thì thế gian ở đây ám chỉ là năm thủ uẩn. “Nhiễm” ám chỉ tham, sân, si làm nhiễm ô năm uẩn ấy.

Ông chỉ mới dạy ý nghĩa chi tiết của nữa bài kệ, mà đã có mười hai ngàn người thấy được chân lý. Một số người chứng được bốn quả thánh là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán. Có người thành Thanh văn, Độc giác. Cũng có người vào Đại thừa; mỗi hạng đều mong mỏi đạt đến kết quả giác ngộ thuộc hạng của mình, như quả A la hán tiểu thừa hay A la hán đại thừa. Hầu hết đều phát sinh tịnh tín đối với Tam Bảo.

Khi Đường Nhỏ trở về Kỳ Viên, đấng Đạo sư tuyên bố: Trong số những đệ tử Thanh văn của ta thì Chu lợi bàn đà dà (Đường Nhỏ) là người đệ nhất về hạnh giáo hóa mọi người.

Bởi vậy thật sai lầm nếu nghĩ chỉ có ngồi thiền mới có giá trị, còn những việc khác như quét nhà là không có giá trị. Ngay cả gia chủ Cấp Cô Độc, người dâng cúng khu vườn cho Phật làm Kỳ Viên làm tịnh xá, cũng thường tới quét chùa hàng ngày. Một hôm ông quá bận không đến được, và trong chùa cũng không ai quét, thì chính đức Đạo sư đã thân hành cầm chỗi quét với cánh tay như vàng ròng của Ngài.

Thầy tôi thường kể rằng những thân tái sanh khác nhau của đức Dalai Lama thường hành nghi thức chuẩn bị thiền định bằng cách quét nhà tới nỗi đã mòn nhiều cây chổi chỉ còn như cái đuôi lừa. Những cây chỗi được cất giữ với những cán chổi bọc vải vàng để làm kỷ niệm về những di vật của Đức Dalai Lama. Đây là một chi tiết thực quan trọng trong tiểu sử của ngài; chứng tỏ những kẻ sơ học như chúng ta cần phải xem trọng những việc có vẻ tầm thường như thế.

Tốt nhất, là quét phòng trước khi ngồi thiền, dù phòng cần quét hay không. Ít nhất bạn cũng quét phòng ở của bạn mỗi ngày. Và trong mỗi trường hợp, và khởi những động lực tốt như tôi đã nói ở trên. Hãy tưởng như mình đang quét sạch những cấu uế chướng ngại cho dòng tâm thức của chính mình và của người khác. Tưởng tượng những nhát chổi đang làm sạch, làm cho thanh tịnh, làm cho thuần thục, khiến cho căn phòng bạn trở thành một cõi Phật. Bạn nên tụng đọc một bài gì trong lúc quét nhà, như Đường Nhỏ đã làm: “từ bỏ bụi bặm, từ bỏ cấu uế,” hoặc tốt hơn nữa là bài kệ:

Tham ái là cấu uế, không phải bụi

Cấu uế là tên chỉ tham ái, không phải bụi

Bậc trí tẩy trừ loại cấu uế này,

Tuân theo lời dạy của đấng Thiện thệ.

Lập lại bài kệ, thay chữ “tham ái” bằng “sân nhuế” rồi bằng “ngu si.” Khi bạn đang chuyên tu pháp môn thờ thầy (tận tụy với bậc hướng đạo tâm linh) thì nên đọc bài kệ thành: Cấu uế là thiếu đức tin (nơi thầy), không phải bụi…” Quả thế bạn có thể xem cấu uế là bất cứ gì, kể cả sự chấp thủ đối đãi nhị nguyên. Bạn phải biết thay đổi bài tụng cho thích hợp với pháp tu đặc biệt nào mà bạn đang thực tập trong lúc đó.

Nếu bạn quá già, bệnh, không tự quét nhà được, thì hãy sai một đệ tử quét thay, nhưng trong lúc ấy bạn phải đọc tụng và quán tưởng như trên.

Chiều sâu của động lực cũng rất quan trọng đối với lợi ích bạn có được trong từng nhát chổi mà bạn quét.

Bạn hãy đặt bốn tảng đá ngoài phòng mình và tưởng tượng đó là Tứ thiên vương. Hoặc cũng chỉ có thể đặt một tảng đá biểu tượng cho bốn vị thiên vương. Hoặc quán tưởng một tảng đá duy nhất là Vaishravana (Hộ quốc thiên vương?). Người ta nói làm những phép quán ấy rất có lợi, vì bạn sẽ không bị một chướng ngại nào cả, và giới của bạn sẽ được thanh tịnh. Nếu bạn ở trong một tu viện lớn, thì có thể bất tiện nếu để ngoài cửa phòng bốn tảng đá. Vậy bạn có thể quán bốn bức tường ngoài phòng bạn là Tứ thiên vương; truyền thống khẩu thuyết này xuất phát từ Purchog Ngagwang Jampa.

Bây giờ, chúng ta hãy quay sang sự trưng bày những biểu tượng thân ý giác ngộ. Các pháp quán Đạo sư, quán chư Thiên v.v… phải theo cùng một thứ tự như trong pháp quán Phước điền (xem ngày thứ Năm). Tuy nhiên bạn có thể thay đổi chút ít nếu những vật cúng không để lên bàn thờ được. Nhiều người cho rằng sẽ có hiệu quả hơn nếu cầu trước thần Hộ pháp, Thiên vương, và những phi nhân có thể lực, v.v…, họ cho là thờ những vị này linh ứng hơn thờ tượng Phật. Tôi đã gặp trường hợp này nhiều lần. Dấu hiệu này chứng tỏ những người ấy chưa chân chánh quy y: hành vi “quay về nương tựa Bụt” không thấm nhuần trong tâm thức họ. Nhiều người lại dành một chỗ ngồi vinh dự cho bất cứ một tượng gì làm bằng vàng, bạc, đồng, còn tượng đất sét thì đặt chỗ thấp nhất. Đấy là những dấu hiệu họ chỉ xem những hình tượng này như là những thứ tài sản vật chất. Lại cũng không nên sắp những hình tượng bằng tranh vẽ theo thứ tự thời gian. Có người con treo tranh Phật trên tấm màn để làm cửa. Thật là sai lầm biết bao. Họ là những người ngủ nằm trở chân chỉa về hướng tượng Phật, bồ tát. Điều đó chứng tỏ sự bất kính tệ nhất, một dấu hiệu rõ ràng họ chưa từng “quay về nơi nương tựa” gì cả. Có những người xem tranh tượng cũ kỹ và hư rách giống như đồ phế thải, đem để vào một bàn thờ bỏ hoang nào đó. Người ta bảo làm như vậy cũng giống như đem phước ra khỏi nhà bạn. Bạn phải xem những tượng, tranh Phật, Bồ tát giống như bản thân các vị ấy.

Có thể bạn không có nhiều biểu tượng của thân khẩu ý giác ngộ như vậy, nhưng để tượng trưng thân giác ngộ bạn nhất định phải có hình tượng của một bậc đạo sư là Đức Thích Ca Mâu Ni, để nhớ đến Ngài, và của Je Tsongkapa để nhớ đến bậc thầy của bạn. Một bản kinh ngắn hay một bản Lam-rim có thể làm biểu tượng cho ngữ giác ngộ. Một tsatsa (mảnh đất sét hình tháp) có thể làm biểu tượng cho ý giác ngộ. Nếu bạn có chùy kim cang và chuông, thì nên dùng làm biểu tượng của ý giác ngộ. Nhiều người xem chùy kim cang và chuông như những dụng cụ của chư thiên, nhưng kỳ thực nó tượng trưng cho ý giác ngộ. Thật là một sai lầm lớn nếu bạn xem nhẹ chùy kim cương và chuông.

Bạn không cần phải ngày nào cũng lập bàn thờ, nhưng phải xem những biểu tượng trên bàn thờ ấy như thật, thì mới hoàn tất tiêu đề này.

Thật sai lầm nếu vì ngày nào bạn cũng thấy những hình tượng ấy trong phòng mà bạn đâm ra lờn mặt. Mỗi khi chiêm ngưỡng hình tượng, bạn lại được thấm nhuần thêm những bản năng mãnh liệt phi thường. Có người bảo chiêm ngưỡng một tượng Phật lợi lạc gấp mười sáu lần nhìn Phật thật, Kinh Sen Trắngcó nói:

Người nhìn hình ảnh đấng thiện thệ trên tường

Dù trong lúc tâm đang giận dữ

Cuối cùng cũng sẽ được gặp mười triệu Đức Phật.

Thật sự Kinh nói: “Cúng dường tượng Phật ..” còn cái câu tôi trích dẫn là theo khẩu truyền. Nếu nhìn Đức Phật trong lúc giận dữ mà còn lợi lạc như thế, thì đủ biết chiêm ngưỡng tượng Phật với đức tin còn lợi lạc biết bao. Bậc thánh tăng Xá Lợi Phất là một trong hai đệ tử của Phật luôn luôn ở cạnh Phật. Tương truyền đấy là quả báo của một hành vi ngài đã làm trong một đời trước, lúc ngài chiêm ngưỡng một bức h ọa hình Phật với tâm tràn đầy hỉ lạc lạ lùng.

Trong đời ấy, ngài Xá Lợi Phất làm một sứ giả. Một hôm ngài vào ở lại đêm trong một ngôi chùa. Trong khi ngồi khâu lại đôi giày dưới ánh đèn thật sáng, ngài trông thấy một tranh họa hình Phật trên bức tường đối diện. Ngài thầm nghỉ, “Ôi một con người tuyệt diệu làm sao! Ta muốn gặp đích thân người ấy.” Ngài cầu nguyện trong tâm, và kết quả là về sau ngài trở thành vị đại đệ tử của Phật.

Bây giờ chúng ta thấy những tượng Phật làm bằng đất sét, đồng, vân vân, nhưng khi đạt đến sự nhất tâm trong định gọi là “Pháp Lưu” (Dòng Pháp) chúng ta sẽ trông thấy những hóa thân của Phật (nirmanakàya) tuyệt diệu. Và khi ta đạt đến địa vị thứ nhất trong mười địa vị Bồ tát thfi chúng ta sẽ gặp được những Báo thân (sambhogakàya) của Phật. Bởi thế một điều vô cùng quan trọng là phải xem tượng Phật như là Phật thật.

1.1.2.Kiếm đồ cúng dường hợp pháp và bày biện đẹp mắt.

“Hợp pháp” đây có nghĩa là không có hai việc: sự lường gạt liên hệ đến vật phẩm dâng cúng, và những động lực xảo trá để có được phẩm vật ấy.

“Sự lường gạt liên hệ đến phẩm vật dâng cúng” có nghĩa là bạn đã vi phạm một việc quấy trong khi kiếm phẩm vật dể dâng cúng; như một người xuất gia thụ giới có được phẩm vật nhờ năm thứ tà mạng, hay một cư sĩ được phẩm vật nhờ sát sinh, đong thiếu, hoặc bằng một phương tiện xấu xa nào khác.

Tốt hơn là đừng dâng cúng bằng những phẩm vật như thế. Phạn ngữ gọi đồ cúng là “puja” có nghĩa “làm hài lòng.” Vậy phẩm vật bạn cúng phải do Đấng Chiến thắng và các pháp tử của ngài vui lòng mối được. Làm sao các ngài vui lòng nếu bạn đem dâng cúng những loại phẩm vật như thế? Tuy nhiên, nếu bạn lỡ được những phẩm vật cúng thuộc loại ấy, thì cũng nên đem cúng Phật để tịnh hóa tội lỗi do sự tìm cầu chúng (một cách trái phép.)

Năm tà mạng là: nịnh hót, ám chỉ, cho để nhận (thả tép câu cá), làm áp lực trên người khác, và giả trang thiền tướng.

“Nịnh hót”là như sau. Bạn khen ngợi thí chủ với hi vọng họ sẽ cho bạn một thứ gì. Nếu họ cho bạn thứ ấy thật, thì hành vi nịnh hót ấy trở thành tà mạng. Nhưng nếu bạn khen chân thành, không một động lực như trên, thì không phải là tà mạng, dù họ có cho bạn phẩm vật.

“Ám chỉ”là như nói với thí chủ: “Bây giờ tôi có trà và bơ, nhưng không có nhiều ngũ cốc,” với hy vọng được cúng. Hoặc nói: “Bột lúa mạch mà thí chủ cho tôi năm ngoái đã giúp tôi rất nhiều.” Nói cách khác, bạn ám chỉ rằng bạn đang càn ngũ côc hay bột lúa mạch. Nhưng nếu bạn nói những lời trên một cách vô tư không có hậu ý, thì không phải là “ám chỉ.”

“Cho để nhận”là cho một vật vặt vãnh để nhận được thứ tốt hơn. Ví dụ bạn đem cho một khăn quàng lễ hay một bình trà, để họ đền đáp lại bạn hoặc thay bạn cúng dường tu viện. Ngày nay ta gọi là “mắc mồi vào lưỡi câu.” Người ngày nay rất dễ vi phạm vào những tà mạng này. Nhưng nếu bạn làm quà cho thí chủ một cách chân thật không có động lực như trên, “thì không gọi là tà mạng, dù họ có cho bạn lại một cái gì.

“Làm áp lực” là quấy rầy người nào để buộc họ cho bạn một cái gì họ không muốn cho, hoặc khiến họ cho bạn một vật mà họ sắp đem cho người khác. Hoặc nói những lời như: “Thí chủ X đã cho tôi trà và bơ thực ngon.” Nhưng nếu muốn nói chân thành không có động cơ muốn nhận tặng phẩm sau đó, thì không phải là tà mạng kiểu “làm áp lực.”

“Giả trang thiền tướng” thì trong khi ở phòng riêng thì buông lung phóng túng, mà trước mắt cư sĩ thì làm như một tỷ kheo rất tuân giữ giới luật, với hy vọng họ cúng dường bạn vì đức hạnh ấy. Nhưng nếu bạn không có động lực như trên, mà cư xử đàng hoàng ngược lại với lúc ở một mình chỉ vì nghĩ “không nên làm cho cư sĩ này mất tín tâm” thì không phải là “giả trang thiền tướng.”

Một điểm nữa là: Nếu những người đã xuất gia thụ giới như chúng ta mà vi phạm những điều cấm liên hệ đến ba lời nguyện ta đã làm, và được vật nhờ buôn bán, thì chúng ta sẽ bị quả báo nặng nề khi đem vật ấy mà dâng cúng.

“Động lực xảo trá” có nghĩa là cúng vì ham danh, hoặc cúng để làm cho người thán phục. Nói cách khác là những hành vi bị ảnh hưởng của những động cơ xấu. Drogoen Rinpoche nói: “Ngay cả những phẩm vật bạn dâng cúng Tam Bảo cũng chỉ là để cho người khác trông thấy.” Nói cách khác, mọi sự dâng cúng mà chúng ta làm để mưu cầu danh dự, để tiến thân, v.v…Chúng ta thụt lùi về tám sự bận tâm của thế tục (xem Ngày Thứ Mười, trang…). Chẳng thà nhận rằng mình cúng với động lực giản dị là cầu sống lâu, khỏi bệnh, có người làm như thể họ cúng đường Tăng bảo vì ngưỡng mộ chứ không hi vọng kiếm công đức gì; song kỳ thực họ cúng vì cầu danh.

Khi nhà bạn sắp có khách viếng thăm, bạn quét nhà cẩn thận hơn và để nhiều đồ cúng trên bàn thờ hơn thường lệ. Bạn không thể thắp một ngọn đèn, mà còn xông trầm thơm ngát cả nhà. Nhưng thật khó biết được là bạn chỉ muốn gây ấn tượng nơi người khách, hay đồ cúng ấy sẽ có lợi hại gì cho bạn. Người ta kể chuyện một hôm Geshe Baen Gung-gyael nghe có thí chủ sắp viếng thăm, ông sắp hết sức để sắp đồ cúng Tam Bảo cho thật tốt đẹp. Xong ông ngồi lại để quán tưởng và xét lại những động cơ, thì thấy mình làm nòng cốt để gây ấn tượng nơi thí chủ. Ông bèn vùng dậy khỏi bồ đoàn, rắc tro lên khắp đồ cúng, mà nói: “Ồ tỷ kheo, đừng có ngu ngốc.” Ông bỏ mặc đồ cúng bị rắc đầy tro lên.

Padampa Sangyae ở Langkor nghe chuyện ấy, đã ca ngợi rằng trong tất cả những phẩm vật dâng cúng ở Tây Tạng, chỉ có phẩm vật của Baen Gung-gyael là cao quý nhất. Người ta hỏi tại sao như vậy, thì ông đáp rằng vị tiến sĩ kia đã tung tro vào mặt tám điều bận tâm của thế tục. Padampa rất sung sướng nhưng dĩ nhiên ông không khen ngợi đồ cúng mà Geshe Baen đã bày lúc đầu, trái lại ông khen ngợi các hành vi rắc tro lên các đồ cúng ấy.

Bởi thế hai điều quan trọng nhất là phải làm sự dâng cúng kèm theo tâm bồ đề. Để đừng cho tám mối bận tâm thế tục làm động lực thúc đẩy, đừng cúng để cầu được tái sanh tốt đẹp, hay được giải thoát, v.vv…

Trên đây còn nói “bày biện đẹp mắt.” Nhiều người có thể bảo, “tôi không muốn gây ấn tượng,” và do vậy cứ bày đồ cúng bằng cách nào cũng xong. Nhưng bạn không nên làm thế, phải sắp đồ cúng trên bàn thờ một cách tỉ mỉ công phu, và đẹp mắt là một nhân tố để có những tướng hảo và những tướng phụ tốt đẹp khi bạn thành Phật.

Bạn phải đích thân trưng bày đồ cúng, nếu để cho đệ tử hay tôi tớ làm thì bạn không được công đức nào. Khi Atisha ốm nặng, ngài vẫn dâng nước cúng mặc dù hai chân đã run. Khi người ta bảo ngài, “Ồ ngài Atisha, thực quá cực nhọc cho ngài. Để chúng tôi làm thay.” Ngài trả lời: “Vậy thì khi tôi ăn, có lẽ bạn cũng nên nói rằng Atisha, thật quá cực nhọc cho ngài, rồi ăn giùm phần ăn của tôi. Những vị vua Pháp ở Ấn Độ thời xưa khi thực hành hạnh bố thí vĩ đại, họ không cử một vị bộ trưởng hay quan chức nào ra phát quà, mà đích thân vua ngồi giữa những chồng tiền trong một cái rạp, tự tay vua phân pháp. Bởi thế, điều thực quan trọng là ta phải tự tay dâng đồ cúng.

Bạn cũng nên dâng cúng miếng ăn đầu tiên của mình - tốt nhất, chứ không nên cúng những rau ôi, v.v…

Thường chúng ta ưa dành thực phẩm ngon nhất cho mình, để riêng những thứ xấu để cúng. Như thế chẳng khác nào quét hết công đức ra cửa. Tuy nhiên nói về cúng đèn bơ, thì cốt là dâng ánh sáng, chứ không phải là dâng bơ (hay dầu) nên có người nói có thể cúng bơ đã hơi cũ.

Bạn không cần phải lo ngại về những chuyện ấy nếu bạn nghèo. Sau khi đã từ bỏ đời sống tại gia, bạn có thể nghĩ rằng mình chẳng có gì để cúng. Nhưng nếu bạn có đức tin mạnh, bạn cũng có thể dâng cúng, dù bạn không còn thứ gì. Đức Atìsha vĩ đại có nói:

“Nước ở Tây Tạng có tám công đức, bởi thế ở đây ta chỉ cần cúng nước là đủ. Nếu có những thứ hoa dại ở Ấn, có lẽ người ta sẽ mua bằng vàng ròng.”

Vậy, nếu không có gì để cúng, bạn cũng có thể tích tập công đức bằng cách dâng cúng những chén nước với những động lực trong sạch.

Bây giờ tôi sẽ nói đến tám công đức của thứ nước ở Tây Tạng chúng ta. Tôi sẽ theo lời giải của tôn sư về những lợi lạc mà ta có được từ mỗi thức công đức ấy. Trong lời sớ giải của Chim Jampaelyang về tác phẩm của Thế Thân (Vasubandhu) có nói tám công đức ấy là:

Mát, ngon, sáng, mềm

Trong, không mùi, trơn cổ

Tốt cho dạ dày; đó là

Tám công đức của nước.

Tám lợi ích tương ứng về phương diện nghiệp là như sau. Giới của bạn được thanh tịnh do nước mát của bạn cúng. Nước ấy có vị ngon nên bạn sẽ có được thức ăn ngon. Tính sáng của nước cũng có nghĩa là bạn sẽ có thân tâm sảng khoái. Tính mềm mãi của nước đem lại quả báo là một dòng tâm thức hiền hòa. Sự trong trẻo của nước cúng đem lại cho bạn một tâm thức sáng suốt. Sự không mùi của nước có hậu quả là nghiệp chướng của bạn được tịnh trừ. Nước trong không gây bệnh dạ dày, nên thân thể của bạn sẽ không có bệnh. Nước làm trơn cổ họng, nghĩa là bạn sẽ có được ái ngữ.

Khi Drubkang Geleg Gyatso mới dời vào một nhà ẩn cư ở tu viện Sera, ông có rất ít vật tùy thân và lương thực. Ông không có cả một bộ chén để cúng nước. Khi dâng cúng nước, ông phải rửa sạch bát ăn của mình để đựng nước cúng. Mỗi khi muốn uống trà, ông lại xin phép Tam Bảo để lại cái bát; và uống trà xong, ông lại rửa bát để dâng nước cúng.

Bạn có thể dâng cúng Tam Bảo bất cứ thứ gì, như hoa trái, nước trong mát, vân vân. Bậc tôn sư tôi dạy, ta cũng có thể hiến cúng bằng cách đọc thần chú biến thủy biến thực (xem Ngày Thứ Năm, trang….) và hồi hướng công đức v.v… Xem chi tiết trong phần nói về tiểu sử của Tridagpo Tsepel. Trong bất cứ trường hợp nào, đức tin của bạn cũng là yếu tố chính, chứ không phải phẩm vật mà bạn dâng cúng.

Nhiều người nghĩ rằng phải chăng chỉ cần cúng nước, bông hoa, v.v… và để dành những thứ thực sự quý giá cho mình sử dụng. Tư tưởng ấy có thể làm cho bạn tái sanh làm ngạ quỷ. Thật ra bạn phải cúng cái gì tốt nhất mà bạn sở hữu.

Một số tỷ kheo đã từ bỏ các công việc thế tục có thể nghĩ rằng, “mình không nên cúng dường những thứ thuộc về vật chất. Vì chúng ta được dạy bảo rằng người xuất gia chỉ nên tập trung vào việc cúng dường những kết quả của sự tu thiền. Chỉ cần cúng dường cách ấy là đủ.” Nhưng nếu ý nghĩ ấy làm cho bạn không bao giờ cúng một thứ gì thuộc về vật chất, thì trong nhiều đời tái sanh, bạn sẽ chẳng có một chút gì để làm phẩm vật cúng dường.

Nếu những gì bạn có được để cúng chỉ là những chiếc bánh nhỏ xíu và nữa que hương, bạn cũng không nên xem thường giá trị của những vật ấy, vì bạn đã tăng công đức nếu đem dâng cúng. Về sau nhờ công đức ấy bạn có nhiều của cải vật chất để cúng dường. Điều này được chứng minh bằng cuộc đời ngài Geshe Puchunga. Ngài nói:

Lúc đầu tôi chỉ đốt gentian thay cho trầm hương. Tôi đốt nhiều quá đến chảy nước mắt. Về sau tôi có hương thơm làm bằng bốn thứ vật liệu. Bây giờ thì tôi cúng hương của các thứ hoa myrobalan, duraka, vân vân.

Quả thế ngài đã từng cúng một số hương trầm giá trị bằng hai mươi hai đồng vàng. Tuy thế nhiều người lại bảo, “Geshe Puchungwa là người đã chứng đạo, chuyên thiền định. Chúng ta đừng hi vọng giác ngộ nhờ những việc làm bề ngoài ấy.” Nói như vậy chứng tỏ họ rất hiểu biết Phật pháp. Ta nên nghĩ tới việc các vị bồ tát đã lên địa vị trong mười địa vẫn cúng dường chư Phật trong nhiều kiếp, bằng trăm ngàn hóa thân, mỗi hóa thân cúng trăm ngàn cánh tay. Bởi thế chúng ta cũng nên cúng dường càng nhiều càng tốt.

Bây giờ hãy nói qua về cách cúng, ví dụ cúng nước. Bạn phải lau chùi những chén đựng nước và sắp thành một đường thẳng. Nhưng không nên để chén cách nhau quá xa, sẽ có hậu quả là bạn ở xa bậc thầy. Nếu để sát nhau, bạn có thể trở nên đần độn. Và nếu bạn đặt chén xuống một cách ồn ào, bạn có thể mắc bệnh điên, v.v… Nếu bạn đặt chén xuống trong khi chúng còn trống rỗng, thì công đức của bạn sẽ giảm. Thay vì thế, bạn sẽ cầm chồng chén trên tay và rót ít nước vào chén trên cùng, trong khi miệng đọc chú làm phép bằng ba âm om, ah, hum. Rót nước từ cái chén này vào cái chén kế tiếp, chỉ chừa lại một ít. Đặt chén đầu tiên lên bàn thờ rồi tiếp tục làm như trước. Bằng cách ấy, bạn không đặt chén trống nào lên bàn thờ. Khi rót đầy nước vào những chén ấy, thì bạn không nền cầm cái bình dù chỉ một tay, vì như vậy chứng tỏ sự bất kính. Bạn phải làm như mình đang dâng trà cho một bậc đại vương.

Một hạt lúa mạch có hình dáng hai đầu mỏng, giữa phình ra: bạn phải đổ đầy nước kiểu ấy, nghĩa là lúc đầu rót một ít, rồi rót nhiều, và cuối cùng giảm từ từ. Nếu bạn rót tràn chén, thì giới hạnh của bạn sẽ lỏng lẻo, nếu rót lưng chén thì mức sống của bạn sẽ nghèo nàn. Mức nước phải ở dưới mức tràn đầy miệng chén, như hình một hột lúa mạch.

Đèn thắp bằng bơ (hay dầu) là cúng dường ánh sáng, nên phải sáng. Người ta bảo đèn càng cháy lâu càng tốt, đó làdấu hiệu trường thọ. Bạn hãy tự nghĩ ra cách dâng cúng các phẩm vật khác như hoa v.v… cho thích hợp.

Kinh nói rằng mỗi sự dâng cúng của bạn có mười lợi ích.

1.1.3.Ngồi theo thế có tám sắc thái, hoặc bất cứ kiểu nào tiện cho bạn, trên một chỗ ngồi thuận tiện, rồi quy y, phát tâm bồ đề, vân vân, trong một tâm trạng thành khẩn, làm sao để cho những hành trình ấy thấm nhuần dòng tâm thức bạn.

Phần sau của tọa cụ cần hơi cao lên. Điều này có ý nghĩa sâu xa trong mật tông; nó cũng làm cho bạn khỏi đau mông khi ngồi thiền lâu quá.

Bạn nên vạch một chữ Vạn trên chỗ ngồi bằng phấn trắng. Nó tượng trưng cho chùy (?cross) kim cương và nhắc bạn nhớ đến giai đoạn đời Phật lúc Ngài ngồi trên tòa kim cang tại Bồ đề tràng. Nó cũng biểu trưng sự kiên quyết tu hành. nhưng không nên ngồi trên một cây chùy kim cang thực vì đấy là một trong những biểu tượng của chư thần bảo hộ. Trên chữ Vạn hãy đặt cỏ duvra và cỏ kusha. Nguồn gốc của tập tục này rút từ đời Phật. Cỏ duvra làm tăng thọ mạng, nghĩa là khi bạn ngồi trên ấy thì bạn sống lâu. Cỏ kosha thì “sạch và đức hạnh,” có nghĩa là công năng trừ ô nhiễm bất tịnh. Khi những người bà la môn ở Ấn bị ô uế giai cấp, họ tẩy uế bằng cách ngủ một đêm trên một đám cỏ kusha. Bởi thế bạn nên rãi cỏ kusha trên chỗ ngồi để tẩy uế.

Thế ngồi có tám sắc thái nói trên đây là ám chỉ cái thế ngồi Tỳ lô giá na với bảy đặc điểm; sắc thái thứ tám là hành vi đếm hơi thở. Gyaelwa Ensapa nói:

Đùi, tay, lưng là ba

Răng môi lưỡi là bốn

Đầu, mắt, vai, hơi thở

Là tám thế Tỳ lô giá na.

Hai ống chân đặt theo thế hoa sen hay kiết già (vajra). Cũng có thể ngồi theo thế bán già là thế ngồi của Bồ tát. Nhưng thế kiết già là bắt buộc cho những thiền tập trong mật tông ở giai đoạn viên mãn.

Đặt hai bàn tay trong dáng ngồi nhập định, nghĩa là bàn tay phải nằm trong lòng tay trái, hai đầu ngón cái giao nhau ở ngang rốn. Lưng thẳng, cột sống thẳng như một chồng xu. Người ta bảo những huyệt đạo nằm thẳng hàng khi cơ thể ở vị trí thẳng đứng, và khi ấy khí được điều hòa, tâm trở nên dễ sử dụng.

Răng và môi không được quá chặt cũng không quá lỏng, tốt hơn cả là để chúng tự nhiên. Đầu lưỡi trên cong lên trên, khiến miệng không bị khô, và khi đi sâu vào thiền định, nước bọt không bị nhễu ra ngoài.

Đầu nên hơi cúi về phía trước. Có người bảo hai mắt nên tập trung vào chót mũi, song kỳ thực bạn chỉ nên tập trung vào tư thế để mắt bạn có thể thấy cả hai bên mũi. Mục đích là để cắt đứt sự hôn trầm hay tán loạn (xem Ngày Thứ Hai Mươi Mốt, trang…). Có người nhắm nghiền mắt lại trong lúc quán tưởng. Điều này sai. Có những phái khuyên nhìn lên, v.v… bắt chước những người có quan năng tốt nhất, những người có cái biết của pháp thân. Nhưng điều này xa lạ với truyền thống của chúng ta.

Hai vai nên ngang nhau đừng bên cao bên thấp.

Đấy là bảy điểm của thế Tỳ lô giá na. Nó có ý nghĩa sâu xa trong giai đoạn viên mãn, nhưng đây không phải là chổ để bàn đến. Thế ngồi này rất quan trọng, vì Marpa ở Lhodrag nói: “Toàn thể thiền định của Tây Tạng không sánh bằng một kiểu ngồi của tôi.” Thế ngồi này được nói là của Phật Tỳ lô giá na vì ngài là khía cạnh thuần tịnh của sắc uẩn dưới dạng một chư thiên.

Sắc thái thứ tám là hành vi đếm hơi thở. Khi tâm vương bất thiện thì tâm sở tùy tùng cũng bất thiện nốt. Trong tình huống ấy, thật rất khó để hô triệu một tâm thể đức hạnh hiện ra. Ví dụ bạn có thể làm một cách máy móc sự khởi tâm bồ đề như là tụng câu: “Vì tất cả những hữu tình, những bà mẹ của tôi…” trong lúc bạn rất tức giận; nhưng bạn không thể cố hô triệu được một tâm trạng đức hạnh trong khi tâm vương và tâm sở đều bất thiện. Vậy trước hết bạn phải thay đổi tâm trạng từ giận dữ đến dửng dưng. Như có một tấm vải trắng đầy vết đen. Nó khó mà nhuộm thành màu khác. Nhưng nếu bạn giặt cho nó toàn trắng thì khi ấy có thể nhuộm bất cứ màu gì.

Tâm trạng dửng dưng ở đây có nghĩa là không tốt không xấu. Nó giống như miếng vải trắng không vết dơ. Bạn có thể tự hỏi, vậy thì kỹ thuật đến hơi thở là thế nào để chuyển tâm trạng ta thành dửng dưng? Bạn hướng tâm vào trong, và xét động lực của bạn. Nếu bạn thấy mình đang bị tham, hay sân vân vân chi phối, thì bạn nên thở vào thở ra một cách thoải mái. Đừng để hơi thở bạn phát ra tiếng khi nó đi qua lỗ mũi. Hơi thở đừng quá mạnh cũng đừng quá so le (hơi ngắn hơi dài). Khi hít vào bạn nghĩ: “Tôi đang thở vào. Đây là hơi thứ nhất.” Rồi đến hơi thứ hai cũng như vậy, tiếp tục làm cho đến bảy, mười, mười lăm, hăm môt vân vân, nhưng đừng dùng chuổi tràng mà đếm. Đừng tán tâm trong khi đếm. Con người thông thường không thể giữ hai chuyện trong tâm cùng một lúc, vì vậy mà tâm (khi để ý hơi thở) sẽ chuyển từ tham hay sân thành trạng thái dửng dưng.

Người ta bảo bạn nên quán tưởng như sau. Khi bạn thở ra, hãy tưởng tượng sư si mê vọng tưởng của ta có hình dạng luồng khói đen ở trong hơi thở ra. Khi bạn thở vào những ân phước của chư Phật và Bồ tát nằm trong hơi thở vào dưới dạng những luồng ánh sáng. Tuy nhiên điều này không bắt buộc, nó chỉ là một cách giúp ích cho bạn.

Khi tâm đã trở nên dửng dưng, thì dễ gợi lên trạng thái tâm tốt lành. Thầy tôi cho một ví dụ như sau. Giả sử gặp mùa đông rét buốt, trên nền nhà chỉ có một tấm nệm ngồi, và đó là nệm của bạn, song có một người đang ngồi trên ấy. Nếu bạn tới bảo họ đứng dậy, họ sẽ không chịu; bởi thế bạn đi xa xa một chút và la lên: “Ồ cái gì kia kìa!” rồi làm bộ chạy ra xem. Người kia sẽ đứng lên để ra xem, thế là bạn có thể ngồi trên cái nệm của bạn nếu bạn khá nhanh chân. Cũng thế, thật khó mà chấm dứt tham sân v.v… trang lúc đang ở trong tâm trạng bất thiện, dù bạn có nỗ lực cách mấy. Nhưng nếu bạn tập trung tâm vào hơi thở, thì điều ấy sẽ định hướng lại cái tâm của bạn và làm lắng dịu lại vọng tưởng si mê. Khi ấy thì việc khởi tâm trạng tốt sẽ hóa ra dễ dàng hơn. Nhưng hãy nhớ rằng, trong khi tâm vương và tâm sở đang ở trong tình trạng bất thiện mà vẫn còn có thể khởi tâm tốt lành. Vậy có thể bạn không cần đếm hơi thở (nếu tâm đang ở trong trạng thái không sân). Đó là lý do nói có bảy hay tám sắc thái.

Có thể bạn không cần đếm hơi thở, nhưng bạn vẫn phải khởi động tâm trạng tốt lành khi mới bắt đầu thời thiền định. Khi bạn khởi sự bất cứ việc tu tập nào, điều cốt yếu là phải có động lực chính đáng từ đầu. Đức Tsongkapa vĩ đại viết tác phẩm Những Câu Hỏi Về Hạnh Vị Tha Trong Trắng Nhất, trong đó ngài chỉ rõ một số điều cho những thiền sư Tây Tạng. Một trong số những câu hỏi ấy là: “Khởi đầu thời thiền, cái gì có tầm quan trọng ngang hàng với hai chữ Phạn ngữkhởi đầu mỗi bản kinh?” Đức Panchen Lama Longzang Gyaeltsaen trả lời:

Trước mỗi thời thiền

Hãy xét lại dòng tâm thưc,

Cũng như hai chữ Phạn ngữ

Phải ở đầu lưỡi bản kinh.

Đây là ý nghĩa thầy muốn nói, hỡi bậc đạo sư vô tỷ.

Nói khác đi, điều cốt yếu là bạn phải khởi động lực tốt trước khi ngồi thiền. Trong một bản kinh có dạy: “Trong tất cả các Pháp, nguyện vọng của bạn luôn luôn là yếu tố chính.”Bậc thầy Long Thụ nói:

Tà hạnh theo sau sự phát triển tham, sân, si.

Chánh hạnh theo sau sự tu tập lìa tham, sân, si.

Atìsha nói:

“Nếu rễ cây đã độc, thì cành lá cũng độc. Nếu rễ cây có dược tính, thì cành và lá cũng có dược tính. Tương tự, nếu gốc rễ đã là tham, sân, si thì bất cứ gì người ta làm cũng đều bất thiện.”

Nói cách khác, nếu bạn có động lực là si mê, thì bất cứ sự học tập quán tưởng hay thiền định nào bạn làm cũng chỉ kết thành nghiệp quả tệ hại nhất. Nhưng nếu bạn được thúc đẩy bởi những tư tưởng cao quý, mà lại phạm phải một hành vi bất thiện như sát sanh, thì điều ấy sẽ là một yếu tố mạnh mẽ giúp bạn mau thành tựu công đức và trí tuệ.

Khi Đức Phật bậc Đạo sư của chúng ta đang còn tu tập, có lần Ngài tái sanh làm thuyền trưởng tên Đại Hữu Tình. Vị này cùng năm trăm thương nhân đi biển tìm châu báu. Trên thuyền có một người Dravidian tên là Shakti có ý muốn sát hại cả năm trăm lái buôn. Thuyền trưởng vì lòng bi mẫn bao la đã giết Shakti để cứu mạng năm trăm người. Ngài còn làm việc với mục đích trường kỳ là, để người kia khỏi phải tái sanh vào đọa xứ. Hình thức này được xem là tích lũy công đức nhiều hơn bình thường người ta làm trong bốn mươi ngàn đại kiếp. Mặc dù hành vi sát sanh không thể làm viên mãn công đức của một người, nhưng chính động lực cao cả - lòng bi mẫn - đằng sau hành vi ấy mới làm nên sự viên mãn.

Động lực làm nên tất cả mọi sự: phước hành, phi phước hành, sự thuần thục của nghiệp thành ra quả báo lạc hay khổ, sức mạnh của nghiệp vân vân. Ngày xưa Ấn có hai kẻ ăn xin dòng bà la môn và một khất sĩ sát đế lợi (chiến sĩ). Những người bà la môn ra đi xin sai giờ; không ai cho thứ gì bởi vì đại chúng thường ăn xong mới đem thức ăn cho kẻ khác. Khất sĩ Sát đế lợi thì khôn ngoan hơn, đi xin vào lúc người ta sắp quẳng bỏ thực phẩm còn thừa. Kết quả là ông ta xin được một lượng lớn thực phẩm. Ông ta hỏi hai người kia: “Các ông có xin được gì không?” Họ nổi quạu nói: “Nếu có dịp, chúng ta sẽ chặt hết đầu những ông thầy tu dòng Thích Ca, và vứt ra đường cho đến thối rữa.”

Khất sĩ Sát đế lợi vì đã được nhiều thực phẩm nên phát sinh tịnh tín đối với tăng già. Ông bảo: “Khi nào tôi giàu, tôi sẽ cúng Phật và tăng chúng của ngài hàng ngày, thức ăn đủ trăm vị..”

Họ vừa đi vừa nói chuyện và trong lúc ấy họ đã tới thành Xá Vệ. Họ đánh một giấc ngũ dưới gốc cây. Một chiếc xe bò chạy lạc băng qua họ, cán đứt đầu hai người bà la môn.

Cùng lúc ấy có một thương gia chết tại Xá Vệ. Ông ta không có con. Nên những người trong thành hội họp để định xem ai là người nhiều công đức nhất sẽ làm thừa kế của thương gia ấy. Họ tìm thấy người ăn xin dòng Sát đế lợi ngủ dưới gốc cây, bóng cây luôn che cho ông, trong lúc các bóng cây khác đã dời chỗ. Họ bèn tôn ông ta là trưởng đoàn thương gia. Người Sát đế lợi giữ lời hứa cúng dường Phật và tăng chúng. Ông nghe Pháp và thấy được chân lý. Trong kinh ấy nói:

Tâm vượt hơn tất cả mọi sự khác

Tâm làm việc nhanh chóng, nó là gốc rễ.

Nếu tâm người xấu ác, thì hay nói làm gì

Cũng chỉ chuốc lấy đau khổ, như hai người

Bị bánh xe nghiền nát đầu

Nếu tâm người trong sạch, thì làm hay nói gì

Cũng sẽ được hạnh phúc như người

Được bóng cây che chở

Nói cách khác, những nghiệp quả cụ thể sẽ theo liền động ực tốt hay xấu của con người.

Lại nữa, không những bạn cần có động lực tốt từ khi khởi đầu việc thiện, mà cần phải có động lực tốt trong mọi thời.

Ngày nay người ta thường hỏi thăm sức khỏe nhau, nhưng Atìsha lại hỏi: “Bạn có tâm tốt không?” Tsongkapa nói:

Hắc hay bạch nghiệp

Là do động lực xấu hay tốt

Nếu động lực tốt

Thì đạo lộ và địa vị cao

Nếu động lực xấu

Thì theo đường pháp và bực thấp.

Mọi sự tùy thuộc vào động lực của người làm.

Động lực là yếu tố quan trọng để định đoạt thiện nghiệp quả mà ta có được, cũng như năng lực của nghiệp ấy. Giả sử bốn người cùng đọc một chuỗi thần chú Tara. Người thì có động lực là tâm bồ đề, người động lực là sự từ bỏ, người thứ ba mong có tái sinh tốt đẹp, và người cuối cùng chỉ cầu mong đời này được sống lâu, khỏe mạnh, vân vân. Mặc dù họ tụng giống nhau, mà quả báo họ lại được rất khác nhau rất xa. Người đầu tiên tụng chú với mong cầu phát tâm bồ đề, cho nên sự tụng chú ấy sẽ có cái nhân để giác ngộ. Đó là hành động của một người con Phật và là một Pháp Đại thừa. Điều này không áp dụng cho ba trường hợp kia.

Người thứ hai tụng để cầu từ bỏ; bởi thế nó là một cái nhân để giải thoát, ra khỏi sinh tử. Đấy là Pháp thuộc phạm vi Trung bình. Sự tụng đọc của hai người còn lại sẽ không góp phần giúp họ giải thoát, mà nó thuộc về nguồn gốc của sự khổ.

Sự tụng chú của người thứ ba không giúp cho tri kiến hay giải thoát, mà chỉ giúp cho khỏi tái sanh vào cõi thấp xấu. Đấy là Pháp thuộc phạmvi Nhỏ.

Sự tụng chú của người thứ tư chỉ liên hệ đến đời này, và bởi thế không phải là Chân lý hay Pháp nữa. Sự tụng đọc như thế sẽ khó có được hiệu quả nào trên cuộc đời của y Atìsha nói:

Nếu bạn hỏi tôi chỉ nghĩ đến đời này mà thôi thì hậu quả là gì, tôi sẽ trả lời: hậu quả chỉ là hậu quả trong đời này. Nếu bạn hỏi cái gì sẽ xảy đến trong các đời sau của bạn, thì tôi sẽ nói cho bạn biết: bạn sẽ ở địa ngục, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc làm súc sinh.

Bởi thế, khi người xuất gia chúng ta tham dự những lễ lạc hay thực tập tranh luận, thì nên làm những việc ấy kèm theo tâm bồ đề, được như vậy thì mỗi bước chân của chúng ta đều là việc của người con Phật; mỗi bước đi cũng đáng giá ngàn vàng. Nhưng nếu chúng ta cúng dường bất cứ gì chỉ để được thăng chức trong tu viện, thì sự cúng dường ấy chỉ xứng đáng theo cách mô tả của Atìsha trên đây.

Động lực của người hành thiền cũng định đoạt việc thiền định ấy có ý nghĩa gì không. Atìsha bảo, sự thiền định thực sự quý báu là thiền định về bậc đạo sư. Nếu bạn thiền chỉ vì mong muốn nhận tặng phẩm dâng cúng thì tất cả những thiền định của bạn đều là tội lỗi. Nếu bạn thiền định với dù chỉ nghĩ đến một thoát nghĩ đến việc chấm dứt biển khổ luân hồi, thì công đức bạn sẽ tràn khắp hư không.

Như vậy, nếu bạn không áp dụng việc khởi động lực cho đúng khi hành thiện dù trong một việc nhỏ hay lớn, thì sự hành thiện ấy không đi đến đâu. Những việc ấy là học tập, quán tưởng, thiền định, tặng quà, bố thí, v.v… Bởi thế bạn phải cẩn thận áp dụng sự khởi động đúng ngay từ đầu. Hơn nữa, vì đây là Pháp Đại thừa, nên có thiện ý không mà thôi chưa đủ, bạn phải thực hành tất cả thiện sự kèm với một loại tâm trạng tốt đặc biệt, đó là bồ đề tâm.

Nếu bạn có bồ đề tâm không gượng ép, nó sẽ tự phát không cần bạn phải làm những điều sau đây. Nếu bồ đề tâm của bạn thuộc loại gượng gạo, thì bạn cố ý khơi nó dậy. Tâm bạn sẽ thay đổi phương hướng nếu bạn chỉ đọc câu “Vì lợi lạc tất cả hữu tình…” mà không phải chuẩn bị gì thêm. Thay vì thế, bạn nên bắt đầu chẳng hạn “Tôi có được thân người thuận lợi…” và chấm dứt như sau: “… Tôi sẽ đạt giác ngộ vì lợi lạc cho tất cả hữu tình. Bởi thế tôi sẽ thiền quán về bài giảng Những Giai Đoạn Trên Con Đường Giác Ngộ.” Tôi đã đề cập điều này trong mấy hôm trước. Nói cách khác, bạn sẽ khởi tự quán từ đề mục thân người khó được cho đến đoạn nói về sự phát bồ đề tâm. Khi ấy tâm thức bạn sẽ được chuyển hóa.

Những bậc thánh trong quá khứ đã cho chúng ta những lời dạy khác nhau, hoặc chi tiết hoặc vắn tắt, về cách nào để khởi động lực tu tập. Có vị cho rằng nếu chúng ta không thể chuyển hóa tâm thức bằng tiến trình tư duy thì chỉ cần đọc lên vài bài tụng để phát khởi động lực cũng đủ. Nhưng chính tâm thức khởi động lực chứ không phải lỗ miệng. Bởi thế ta phải chuyển hóa tâm thức bằng cách để tâm thấm nhuần ý nghĩa của bài giảng đang được tụng.

Như vậy, chỉ trong tâm trạng đặc biệt thành khẩn ấy, bạn mới nên quy y. nhưng hãy cẩn thận, trong bài giảng này tôi đang phối hợp ba bản Lam-rim với nhau, và bạn không nên lẫn lộn, vì mỗi bản có nghi thức chuẩn bị riêng, phép quán tưởng quy y và ruộng phước cũng riêng. Bây giờ người ta có lệ giảng những nghi chuẩn bị theo hệ phái phương Nam vì nó thuận tiện. Tuy nhiên trong việc đọc tụng hàng ngày, thì phải sử dụng bản Con Đường Nhanh.

Trước khi quy y, bạn phải làm pháp quán quy y. Con Đường Nhanh nói về sự quán tưởng này như sau. Hãy quán trước mặt bạn một bảo tòa khổng lồ có tám con sư tử nâng đỡ. Nếu quán tòa ấy quá cao thì tâm bạn sẽ bị trạo cử, quán nó quá thấp bạn sẽ bị hôn trầm. Cách lý tưởng là quán tòa ấy ngang tầm với giữa hai lông mày bạn. Trên pháp tòa khổng lồ ấy có năm tòa nhỏ: một tòa ở giữa, bốn tòa ở bốn bên đông tây nam bắc.

Tòa trung ương hơi cao hơn tòa bốn hướng. Hãy quán tưởng đấng Đạo sư chúng ta là Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi tòa ở giữa. Ngài tự nhiên là bậc Thầy gốc (bổn sư) giảng Pháp cho bạn. Chi tiết của sự quán tưởng về Phật phải phù hợp với bản kinh bạn vừa tụng. Bạn tưởng Ngài là bậc thầy tự nhiên của mình, và nhờ thầy mà bạn phát triển được tất cả quả chứng, kết quả của sự tuân theo con đường. Bậc thầy của bạn mang hình dáng Đức Thích Ca là Vua của Giáo lý, suối nguồn của Pháp. Bàn tay Ngài bắt ấn địa xúc có nghĩa sự hàng phục Lục dục thiên, con quỷ dục vọng (thiên ma). Tay trái Ngài cầm bát khất thực đựng nhiều thứ nước cam lộ khác nhau: cam lộ chữa trị mọi bệnh tật để biểu trưng sự đánh bại con quỷ năm uẩn (ấm ma); cam lộ Bát tử có nghĩa sự đánh bại thần chết (tử ma Yama); cam lộ Trí căn bản vô nhiễm có nghĩa là sự đánh bại con quỷ si ám (phiền não ma hay con ma vô minh). Bạn phải nghĩ điều này có nghĩa Đức Phật đã dẹp cả bốn con quỷ ấy đã từng ám hại Ngài, và giờ đây chúng ta cũng sẽ đánh bại được bốn con quỷ trong chính chúng ta.

Ở trong trái tim Phật là Kim cương trì; đây là thực thể Tuệ. Nơi trái tim Kim cương trì có một chữ hum màu xanh, đây là thực thể Định. Bạn phải quán ba thực thể ấy, thực thể này nằm trong thực thể kia. Sự quán tưởng này liên hệ đến mật điển.

Bạn có thể tự hỏi: “Nhiều người đã dạy tôi pháp tu Lam-rim. Vậy tôi nên quán vị nào ở hình ảnh trung ương?” Bạn hãy xem như bậc thầy chính của mình, vị nào giúp ích nhất cho dòng tâm thức bạn.

Đức Di lặc ngồi trên tòa nhỏ hơn về phía tay mặt của Phật Thích Ca. Di lặc được vây quanh bởi những tòa nhỏ hơn, trên đó ngồi những bậc thầy thuộc Hệ phái Rộng hay Những Hành Vi Quảng Đại Vi Quảng Đại. Đức Văn Thù ngồi trên tòa bên trái của Phật. Ngài cũng được vây quanh bởi những tòa nhỏ hơn, trên đó ngồi những bậc thầy thuộc Hệ phái Tri Kiến Sâu Xa. Kim cương trì (Vajadhara) ngồi trên tòa phía sau đức Phật; ngài được vây quanh bởi những đức bậc thầy thuộc Hệ phái Thực Hành.

Trên tòa trước mặt đức Phật là chỗ ngồi của bổn sư bạn trong hình ảnh thông thường của vị ấy. Bạn không nên quán những khuyết tật của ông, ví dụ ông bị mù. Tay phải ông đang bắt ấn thuyết pháp, tay trái ông có một bình đựng cam lồ bất tử dành cho buổi lễ quán đảnh cầu trường thọ. Hai ấn quyết này biểu trưng thầy chính là Phật, vì thầy có thể dạy Pháp trong khi nhập thiền định về Tánh Không. Dáng điệu giảng pháp cũng khuyến khích cho người môn đệ học tập; dáng điệu ngồi thiền khuyến khích môn đệ áp dụng những gì đã học vào thực hành. đức Tsongkapa vĩ đại có nói:

Hai việc chính ngăn cản người may mắn

Không thực hành con đường giải thoát

Là si mê đánh bại tâm trí,

Và thần chết đánh gục thân xác.

Những chướng ngại cho sự tu tập Pháp là si mê vì nó chinh phục tâm trí, và thần chết vì nó chinh phục thân xác. Để đối lại chúng, bậc thầy của bạn làm dáng điệu giảng pháp để ám chỉ sự đánh bại si mê. Bình ban bố thọ mạng và nước cam lồ bất tử ám chỉ sự đánh bại thần chết. Còn nhiều điểm sâu xa khác tôi có thể đề cập là bốn loại thần thông mà bạn có thể thành tựu được nhờ tuân phục bậc thầy, đó là an lạc, tăng trưởng, ảnh hưởng và phẫn nộ.

Bậc thầy được vây quanh bằng những người mà bạn đã thọ giáo về Pháp, bắt đầu từ người dạy cho các bạn đánh vần. Nếu ai hỏi chúng ta số lượng bậc thầy của mình, ta không thể biết được và phải đếm bằng chuổi tràng của ta. Nhưng ta có thể trả lời nhanh chóng nếu có ai hỏi trong túi ta có bao nhiêu tiền. Điều ấy chứng tỏ chúng ta không xem trọng bậc thầy như gốc rễ của con đường tu tập.

Trong sự quán tưởng này, do thầy nào của bạn mà còn sống thì ngồi trên những tấm tọa cụ; những thầy nào chết ngồi trên tòa sen và dĩa mặt trăng (nguyệt luân).

Chúng ta sẽ dùng từ “Năm bộ loại bậc thầy” vì những bậc thầy trong phép quán này ngồi theo năm nhóm. Những hình ảnh khác của ruộng công đức (phước điền) - từ thần hộ mạng cho đến thần hộ pháp - vây quanh những vị thầy này. Những thần này đứng hoặc ngồi trên những tòa lớn nhất nâng đỡ tòa nhỏ. Theo truyền thống khẩu quyết của tôn sư, thì những vị trời thiền được xếp ngồi chung quanh năm bộ loại thầy. Đây là theo thực hành của thầy giáo đạo Tsecholing Rinpoche. Những chư thiên ở trong vòng cùng là chư thiên thuộc Mật điển Du già Tối cao. Những vị này được vây quanh bởi những vị thần Mật điển Du già (Yoga tantra). Kế tiếp là những vị thần thuộc mật điển Charyà (thiên về Hành - DG ) và cuối cùng là mật điển Kriyà (thiên về Quán - DG ). Thế là có bốn vòng tròn chư thiên đồng tâm điểm. Chuzang Lama Geshe Gyatso đặt bốn loại chư thiên ở bốn hướng: chư thiên thuộc mật điển Du già tối cao ở trước, thuộc mật điển Du già ở bên phải Đức Phật trung ương, vân vân. Theo cách xếp đặt này, trong những bức họa của Chuzang về phép quán ruộng phước, người ta chỉ thấy được chư thiên thuộc mật điển tối cao.

Trong bất cứ trường hợp nào, những vị trời thiền cũng đều được vây quanh bởi những Đức Phật trong ứng hóa thân tối thượng. Nổi bậc nhất trong nhóm này là một ngàn Phật thuộc kiếp may mắn hiện tại, tám đức Như Lai (xem trang…), ba mươi lăm vị Phật Hồng Danh Bửu Sám, vân vân. Ý nghĩa phép hành trì này là như sau. Có vô số Phật nhưng chúng ta có liên hệ mạnh với chư Phật trong hiền kiếp này. Chúng ta được biết rằng trong thời đại giáo hóa Phật Thích Ca Mâu Ni, thì sự cầu nguyện với bảy vị Phật sẽ rất linh ứng. Ba mươi lăm vị Phật trong Hồng Danh Bửu Sám có năng lực lớn làm sạch tội lỗi và sự phá giới (xem Ngày Thứ Sáu, trang…).

Chư Phật lại vây quanh bằng những vị Bồ tát, như năm vị pháp tử kề cận nhất của Đức Thích Ca Mâu Ni: Văn Thù, Kim cương thủ v.v… (xem trang…). Họ có hình những vị thần nam tánh.

Các vị Bồ tát được vây quanh bởi những vị Độc giác Phật như 12 vị Duyên giác. Độc giác lại được vây quanh bằng Thanh văn - mười sáu trưởng lão A la hán (xem trang…) vân vân. Tất cả những vị này có hình thầy tu, hiển bày những đức tính của tịnh giới như cầm bình bát, tích trượng và kinh chép trên lá bối. Thanh văn khác với độc giác ở chỗ nhục kế của họ ít nhô cao. Kỳ thực, nhóm này hiện tướng giống như tướng hảo của chư Phật.

Những vị Thanh văn được vây quanh bởi những nam thần (dakas) và nữ thần (dakinìs) như Khandakapàla và Prachandàli. Họ có hình dạng giống như mô tả trong mật điển Heruka. Những nam thần nữ thần được vây quanh bằng những hộ pháp siêu thế, cốt tử là những chúa tể của Pháp thuộc ba phạm vi của đức Mahàkala sáu tay, Vaishravana và Kamayama

Có hai truyền thống khẩu quyết liên hệ bốn vị đại vương thuộc bốn hướng. Một truyền thống đặt họ trên tòa chính, truyền thống kia cho họ đứng trên gối mây ở dưới tòa chính. Lý do như sau. Truyền thống thứ nhất xem họ như những hình tượng phi phàm; truyền thống thứ hai xem họ như những người thế tục. Thật sai lầm khi để vào đồ hình quán tưởng này những hình tượng thế tục không đáng kể như các ma vương. Có lần lama Tsechogling Rinpoche, một thầy giáo đạo cho những vị Đức Dalai Lamas, trông thấy một đồ hình phước điền kiểu ấy. Nghệ sĩ đã họa hình ma vương trong số những thần hộ pháp. Rinpoche chỉ tay vào hình ấy mà bảo, “Chẳng thà họa một viên bảo châu như ý thay chỗ cho vị này!”

Quán tưởng những quyển kinh bằng lá bối ở trước mỗi hình tương trong pháp quán quy y này. Kinh sách tự bản chất đã là châu báu của Pháp sở chứng, dưới hình thức những quyển kinh. Đó là pháp được truyền lại. Những quyển kinh được bọc lại trong lụa và có đóng dấu màu sặc sỡ. Hãy quán tưởng kinh sách ấy dạy những Pháp cho bạn bằng cách nói lên những chân lý chứa đựng trong đó.

Có nhiều bản khác nhau về cách quán quy y. Một truyền thống trình bày tất cả Ba ngôi báu thể nhập trong một hình duy nhất là bậc Đạo sư; những truyền thống khác thì trình bày nhiều hình đứng trên những bực khác nhau theo hình ngang. Tuy vậy những mô tả trên đây đã có đủ mọi điều cần thiết đến Ba ngôi báu. Nhưng điều cần chú ý là, phép quán tưởng này không phải là theo không gian hai chiều như nhìn một bức họa. Những hình ảnh trong đó cũng phải chắc nịch như tượng bằng đất sét: đó là những hình hài như ráng cầu vồng mà bản chất là ánh sáng trong suốt rực rỡ. Họ đứng đấy nguyên vẹn toàn thân tỏa ra ánh sáng. Trong quyển Sự Truyền Thừa Tạng Luật ta tìm thấy ba hình ảnh ca tụng thân giác ngộ như sau:

Giống như một ngọn lửa có dạng hình người. Giống như cái gì đầy cả những cái lưỡi bằng lửa rực rỡ. Giống như một cái bình chứa bằng vàng ròng đặt trên một ngọn đèn dầu. Những hình người ấy đang thảo luận pháp với nhau. Quả thế, có nhiều hoạt động đang diễn ra: một vài vị đang đến trong khi những vị khác đang bỏ đi để làm những công việc khác. Có những cuộc đến và đi, hệt như cảnh những viên chức triều đình đang tấp nập vào ra các cổng của một hoàng cung. Những hình ảnh ấy - từ Thích Ca Mâu Ni cho đến những đại vương - như tỏa ra những hóa thân bằng ánh sáng để cứu độ các hữu tình, trong khi có những hóa thân khác đang thể nhập vào trở lại bản thân. Mỗi lỗ chân lông của hình ấy cũng là một cõi Phật, vân vân. Sự quán tưởng nên thực hành càng chi tiết càng hay.

Bạn cũng nên tưởng tượng rằng những hình ảnh trong ruộng phước này rất hài lòng vì bạn. Như Drubkang Geleg Gyatso nói, thường thường ta không làm những việc mà chư Phật Bồ tát bảo ta làm; ngược lại ta làm những điều mà các ngài bảo ta đừng làm. Bởi thế các ngài không có dịp nào để hài lòng vì chúng ta cả. Nhưng hiện tại, bạn đang làm một vài điều có thể làm các ngài hoan hỉ. Giả sử có một bà mẹ có một đứa con luôn luôn hư đốn; nếu nó tình cờ có một lần làm được một điều tốt, thì bà mẹ vui mừng hơn bất cứ gì. Chúng ta cũng thế, vẫn thường xuyên làm điều quấy. Nhưng bây giờ chúng ta lại đang cố quán tưởng về Lam-rim. Điều ấy làm cho đáng Giác ngộ và chư Bồ tát hoan hỉ hơn bất cứ việc gì khác.

Ngang đây, bạn sẽ tập họp tát cả những lý do vì sao mà bạn quy y. Bạn làm việc này theo bài tụng sau đây của Jampael Lhuendrub trong tác phẩm Trang Hoàng Cổ Họng Những Người May Mắn:

“Từ vô thỉ kiếp, con và tất cả hữu tình, những người đã làm mẹ của con, đã rơi vào nẽo luân hồi, và từ rất lâu xa đến nay đã trải qua không biết bao nhiêu là thống khổ trong sinh tử nói chung và nhất là trong ba đọa xứ nói riêng. Ngay cả giờ đây cũng khó mà hiểu cho thấu đáo tầm mức sâu rộng của nỗi thống khổ ấy. Nhưng con nay đã được một cái khó được là thân người thuận lợi. Giáo pháp tôn quý của Phật rất khó gặp, mà nay con đã được. Nếu con không đạt thành Phật quả - giải thoát trọn vẹn khỏi cái luân hồi- thì con lại phải chịu đựng dài dài những thống khổ trong cõi luân hồi và nhất là những nỗi khổ trong ba cõi thấp xấu. Năng lực che chở con khỏi đọa vào những khổ ấy hoàn toàn nằm trong tay các bậc thầy và ba ngôi báu. Bởi thế, vì lợi lạc cho tất cả hữu tình, những bà mẹ của con trong nhiều đời kiếp, con nguyện phải đạt thành quả Phật. Bởi thế con xin quay về nương tựa bậc Thầy và Ba ngôi báu.”

Bạn có tập họp tất cả những nguyên nhân khiến bạn quy y thì bạn mới quy y một cách chân chính. Những nguyên nhân ấy là sự sợ hãi và lòng tin. Sợ hãi là sợ những nỗi khổ tổng quát và những đặc biệt của sinh tử. Lòng tin là tin tưởng Tam Bảo có thể che chở cho bạn khỏi những thống khổ ấy. Và muốn có sự quy y đặc biệt của Đại thừa, bạn cần một nguyên nhân nữa là lòng thương xót những chúng sinh đang quằn quại trong biển khổ ấy. Tôi sẽ đề cập đề tài này - nguyên nhân của sự quy y - với nhiều chi tiết trong phần chính của bài giảng.

Bạn quán tưởng mình được vây quanh bởi chúng sinh trong đó có cả cha mẹ mình. Họ cùng ngồi với nhau và đang chịu đựng những nỗi khổ đủ kiểu của sự tái sinh luân hồi; tuy nhiên bạn cứ quán tưởng họ như những con người, nghĩa là có thể hiểu và diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người. Bạn hướng dẫn cho họ học lời quy y Tam Bảo. Bạn tưởng như tất cả hữu tình ấy đang cùng bạn quy y.

Người ta bảo rằng khi bạn đọc lời quy y gồm bốn phần trong những buổi lễ công cộng, bạn phải đọc theo thứ tự nghĩa là:

Con xin quay về nương tựa bậc thầy. Con xin quy về nương tựa Phật. Con xin quay về nương tựa Pháp. Con xin quay về nương tựa Tăng v.v… Nhưng khi bạn quy y trong thời thiền định, bạn phải lập lại nhiều lần quy y mỗi phần của công thức bốn phần ấy.

Vậy, khi bạn lặp lại nhiều lần “Con xin quy y bậc thầy,” thì bạn tập trung chú ý vào năm bộ loại bậc thầy và làm phép quy y trong khi nhận từ nơi các vị ấy thứ nước cam lồ tịnh hóa. Chẳng hạn bạn sắp đọc một chuỗi lời quy y bậc đạo sư. Trong năm mươi lần tụng đọc đầu tiên, bạn phải quán tưởng nước ấy rửa sạch những tính cách phi pháp nơi bạn, trong nửa chuỗi còn lại bạn quán những tính cách đúng pháp gia tăng. Trong nửa phần tụng đầu, bạn quán tưởng năm thứ cam lồ đủ màu cùng với ánh sáng năm màu sắc (trắng đỏ xanh vàng lục) từ nơi những bậc thầy bay xuống. Cam lộ màu trắng chiếm ưu thế, thâm nhập vào tâm bạn cũng như tâm tất cả hữu tình. Nước cam lộ ấy tẩy sạch tất cả nghiệp chướng mà bạn và chúng sanh đã tích lũy từ thời gian vô thỉ, nhất là hành vi làm hại đến thân thầy, không vâng lời chỉ giáo, làm thầy không an tâm, phỉ báng thầy, không tin tưởng thầy… nói tóm lại là tất cả những tội lỗi bạn đã tích lũy liên hệ đến thầy mình. Tất cả những thứ ấy tuôn ra từ thân thể bạn dưới dạng một luồng khói đen như than, và bạn cảm thấy như mình vừa được tịnh hóa.

Phần thứ hai của sự tụng đọc như sau. Những vật thuộc về Pháp bảo đáng được tăng trưởng chính là những đức tính của thân khẩu ý bậc thầy, nhưng có hình dạng năm loại cam lộ và ánh sáng đủ màu. Lần nầy cam lộ vàng chiếm ưu thế. Chúng tuôn xuống từ những bậc thầy. Bạn quán tưởng chính bạn và những hữu tình cùng được tăng thọ, tăng công đức và những đức tính của nền giáo lý đã được truyền trao và đã được thực chứng. Đặc biệt là bạn và những hữu tình ấy đều nhận được sự ban phước của thân khẩu ý của những bậc thầy.

Bạn làm giống như lúc bạn đọc “Con xin quay về nương tựa Phật.” Theo mật điển thì “Phật” có nghĩa là những vị thần bảo hộ thuộc bốn loại mật điển (Tư duy, Hành động, Du giàvà Tối thượng Du già. DG), chư Phật thuộc kinh tạng là những hình thức ứng hóa tối thượng. Những thứ nước cam lộ để tịnh hóa tuôn xuống từ cả hai hạng Phật (kinh tạng và mật tạng).

Loại tội lỗi người ta tích lũy liên hệ đến chư Phật là: lấy máu từ thân Phật cộng với động lực xấu, phê bình phẩm chất của hình tượng Phật, cầm cố hình tượng, xem hình tượng Phật như những hàng hóa mua bán, phá hũy những biểu tượng của ý giác ngộ (tức là chùa tháp), vân vân.

Một điển hình của loại tội thứ nhất (làm chảy máu thân Phật) là Devadatta (em họ của Phật, có thói ganh tị với Ngài) đã xô một tảng đá khổng lồ xuống nơi Phật (xem Ngày Mười Hai, trang…), làm cho Phật chảy máu. Chúng ta không phạm tội ấy, nhưng phạm những tội kể sau đó.

Khi bạn xem xét hình tượng Phật để tìm lỗi trong công trình làm tượng, ấy là bạn phê bình phẩm chất của tượng Phật. Có một lần tu sĩ Du già cho Atìsha xem một tượng Văn Thù, và hỏi ngài pho tượng có giá trị gì không, có đáng mua với giá một đồng vàng mà Rong Gargewa đã cho ông ta chăng. Atìsha trả lời, “Một pho tượng đức Văn Thù thì không bao giờ xấu. Nhưng người nghệ sĩ này quá tồi.” Nói cách khác nên nói về phẩm chất của nghệ nhân tạo tượng, không nên chỉ ra những lỗi trên chính bức tượng. Cầm cố các hình tượng và kinh doanh về tượng tranh là một cảnh rất phổ thông. Bạn nên tránh điều ấy bằng mọi giá.

Trong nửa phần thứ hai của bài tụng, cái phần bạn tăng đức tính của mình, hãy tưởng tượng Mười lực, Bốn vô úy, Tám món bất cọng (của Phật) dưới dạng cam lồ đang trút xuống. Còn lại cũng như trước.

Rồi bạn đọc: “Con xin quay về nương tựa Pháp.” Những cam lồ tịnh hóa trút xuống từ những quyển kinh trong sự quán tưởng của bạn. Cam lồ ấy chính là Pháp mà Phật đã chứng.

Những tội lỗi ta tích lũy liên hệ đến pháp là: từ bỏ chánh pháp vi diệu, bán kinh điển, không kính kinh điển. Hưởng lợi do sự bán kinh sách, v.v… Chúng ta dễ phạm những tội lỗi ấy, và chúng có những hậu quả rất nghiêm trọng.

Từ bỏ chánh pháp là phỉ báng đại thừa, ưa thích tiểu thừa; phỉ báng tiểu thừa khen đại thừa; đem kinh điển chọi với mật điển; đề cao một trong bốn trường phái Phật giáo Tây Tạng mà chê bai ba phái kia(Sakya, Gelug, Kagyu Nyingma), vân vân. Nói cách khác, ta từ pháp bất cứ khi nào ta ưa thích giáo lý của trường phái mình theo, chê bai những phái khác. Chúng ta cũng từ bỏ pháp khi ta dẫm chân lên kinh sách, vứt bỏ kinh sách, v.v… Lại có một số người còn ngồi lên kinh điển. Họ tha hồ mà tích lũy nghiệp ác khi làm như thế. Từ bỏ pháp là một ác hành rất nặng, như được nói trong kinh Tam muội vương. Nhưng tôi đã đề cập điều này khá nhiều chi tiết (xem Ngày Thứ Ba, trang…)

Một ác hành khác cũng cực kỳ nguy hiểm trong việc bán kinh điển, và kinh điển về kinh điển như những món hàng thông thường.

Bạn không tôn trọng kinh điển nếu để kinh trên nền nhà không có gì bao bọc, nếu bạn xỉa răng rồi dùng những tét răng để dán những mẫu giấy màu vào các trang kinh (CT.- một cách làm dấu của người Tây Tạng khi đọc sách), nếu bạn liếm ngón tay để lật những tờ kinh, hay để đồ vật trên kinh, Atìsha không thể nào chịu nổi những cảnh tượng ấy. Ngài quay sang người tu mật tông ấy mà bảo: “Ồ thật sai lầm biết bao!” Người ta bảo việc ấy kích động đến tín tâm của người kia đối với Atìsha đến nỗi ông ta xin thụ giáo với ngài. Những người cầm sách như chúng ta phải hết sức thận trọng. Vì chúng ta luôn luôn dễ phạm vào những ác hành ấy.

Nếu bạn sử dụng một vật mua được bằng tiền bán kinh, thế là bạn đã “hưởng lợi do sự bán kinh sách.” Việc này cũng có quả báo nặng nề. Dentoen Kyergangpa là một hành giả uyên thâm về mật điển Thánh Quán Tự Tại. Cư sĩ thí chủ của ngài một hôm thiếu tiền đã đem bán bộ kinh Bát Nhã Bát Thiên Tụng, và thỉnh ngài cùng với ba vị tăng khác đến nhà cúng dường, nghĩ rằng làm như vậy sẽ đở tội lỗi. Ông ta dùng tiền bán kinh để mua thực phẩm cúng dường. Đêm ấy Kyergangpa đau nặng, và trong khi nhập định ngài thấy một chữ A màu trắng di chuyển rất nhanh trong cơ thể ngài, làm ngài đau đớn dữ dội. Ngai khấn vái những vị thần bảo hộ, và đức Quán Tự Tại hiện ra bảo:

“Ông và mấy người khác đã hưởng lợi do bán một bộ kinh. Tội này nặng lắm. Nhờ ông ít nghiệp chướng mà hành vi này có quả báo ngay trong đời hiện tại. Những kẻ khác chỉ có nước đọa địa ngục mà thôi. Bây giờ ông nên chép kinh Bát Nhã Bách Thiên Tụng bằng mực vàng để sám hối tội lỗi, và phải dâng quà bánh cúng.

Kyergangpa làm theo lời dạy, và cơn bệnh biến mất.

Khi bạn đến phần quán tưởng tăng thịnh, bạn tưởng tượng rằng Pháp, diệt đế, đạo đế, vân vân, đang trút xuống dưới dạng cam lồ.

Kế tiếp, bạn lặp lại nhìêu lần câu: “Con xin quay về nương tựa Tăng bảo.” Theo kinh điển thì tăng bảo gồm những vị Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Theo mật giáo thì Tăng bảo gồm những vị nam thần (dàkas), nữ thần (dàkinìs) và những vị hộ pháp. Những cam lồ tịnh hóa luôn xuống từ những hình ảnh này.

Những tội chướng mà bạn tích lũy liên hệ trực tiếp đến Tăng bảo là: phá sự hòa hợp của tăng chúng, ăn trộm phẩm vật cúng cho tăng, chỉ trích tăng, và phá hoại một sự phát tâm cúng bánh lễ cho những vị hộ pháp. Bạn có thể sám hối những tội lỗi và nghiệp chướng mà bạn vi phạm liên hệ đến Tăng bảo, nhưng không bao giờ bạn có thể tránh khỏi hậu quả của nghiệp khi nó chín mùi. Hãy nhớ câu chuyện về bậc thầy Supushpachandra.

{Chú thích: Mặc dù biết trước sẽ mất mạng, bồ tát Supushpachandra vẫn đi đến trước mặt vua Viradatta để gieo rắc Pháp Phật. Sau khi dẫn dắt nhiều người đến an vui, ngài đã bị ông vua giết chết trong một cơn ghen tức. Về sau vua rất hối hận về hành vi mình và đã đem thi hài của vị bồ tát để thờ trong một ngôi tháp. Nhưng đã quá muộn, không có gì có thể làm cho vị ấy sống lại được.}

Những tội phạm đối với Tăng bảo còn nghiêm trọng hơn cả tội phạm Pháp bảo hay Phật bảo, vì tội này liên hệ đến nhiều người. Chúng ta phải hết sức cẩn thận; vì chúng ta tự do xen lẫn trong Tăng chúng nên rất dễ phạm vào tội này.

Nói một cách chặt chẽ thì người ta chỉ có thể gây tội “phá hòa hiệp tăng” vào thời Phật tại thế mà thôi, cho nên tội này không thể xảy ra trong thời hiện tại. Tuy nhiên, có nhiều va chạm xảy ra giữa đoàn thể tăng chúng, nên cũng giống như là một sự phá tăng.

Thánh tăng là những vị đã trực ngộ chân không; đó có thể là tại gia cư sĩ hay nam nữ tu sĩ. Bốn chúng phàm phu (chưa trực ngộ chân không) nếu sự giữ giới bổn Biệt giải thoát (Pratimoksha) nơi họ được trong sạch. Nhưng dù thành phần của đoàn thể là phàm hay thánh, họ có thể chia làm hai nhóm ít nhất bốn người một nhóm, do một bất đồng quan điểm nào đó mà một người chủ xướng gây ra sự chia rẽ. Mọi người liên can trong việc chia rẽ này đều cùng dắt tay nhau xuống các đọa xứ, chứ không riêng người gây tội.

Ngày xưa có một vị tiến sĩ phái Kadampa tên là Saelshe đã gây sự bất hòa trong tăng chúng. Về sau, khi ông ta chết, Geshe Dromtoenpa nói rằng Saelshe đệ tử ngài chết sớm hơn ba năm, thì ông ta chết như một người duy trì Ba Tạng, nhưng ông lại chết quá trễ. Drom nói: “Tu viện Toepur của ông ta đã tàn hại ông.” Và theo truyền khẩu của những bậc thầy Lam-rim, thì Saelshe vẫn còn ở trong địa ngục. Nơi chốn sự phá tăng được nói là thiêu cháy những tội lỗi ấy: không ai trong tương lai có thể tu chứng tại đấy dù có nhập thất mười hai năm.

Thù hận hay tham ái có thể chia rẽ tăng chúng thành phe nhóm trong đó những thành phần cứ suy nghĩ theo chiều hướng “chúng ta” và “chúng nó” và mong cho phe mình đông hơn. Theo tôi thì đấy là nguyên nhân chính gây chia rẽ. Nếu những thành phần tăng chúng không tiến bộ, thì không giúp gì được cho người ta tăng tiến đọc kinh sách, tu tập, tư duy; chứ khoan nói chuyện giúp cho người ta đạt thành những định chứng mà họ có thể dùng để từ bỏ những si mê rõ rệt. Sự tệ hại nhất mà việc phá tăng có thể gây ra là làm cho nền đạo pháp suy tàn. Một bản kinh nói:

“Tăng chúng hòa hợp thì an vui hạnh phúc và tìm được sự thoải mái trong đời sống khổ hạnh.”

Lời ấy cho ta biết rằng việc chính mà những thành phần tăng chúng phải làm, là sống hòa hợp.

“Ăn trộm phẩm vật cúng cho tăng” là tư hữu hóa tài sản của tăng, không trả cho tăng những thứ thuế đã nhân danh tăng chúng mà thâu, một thành viên trong tăng già sử dụng một vật dành cho tập thể dùng, v.v… Những vị quản lý các tu viện dễ phạm vào những điều này nhất. Có những vị có bổn phận đại diện cho tăng để tiếp xúc với các thí chủ thường quan tâm điến thí chủ nhiều hơn nên có thể bảo thí chủ như sau: “Chúng tôi không cần nhiều như thế này.” Nói như thế là một hành vi cướp phẩm vật cúng cho tăng. Dù chỉ lấy bớt của tăng một cái lát bơ cũng là ăn trộm từ miệng tăng; đấy là cái nhân để đọa vào địa ngục Vô gián. Những hình thức khác của sự biển thủ của tăng chúng thì có hậu quả là tái sanh vào các địa ngục chung quanh.

Điều này có câu chuyện về thánh tăng Sangharakshita chứng minh. Khi viếng thăm các xứ rồng trở về, ngài trông thấy một số chúng sinh trong một địa ngục trên bờ biển. Những chúng sinh này có nhiều hình thù khác nhau: kẻ thì giống như sợi dây thừng, kể giống như những bình đất sét, giống cái chổi, cái chày, cái cột nhà, bức tường, ống nước… tất cả đều đang rên xiết, phát ra những âm thanh xé lòng. Tôn giả về bạch Phật và hỏi: “Những chúng sinh ấy đã làm gì mà chịu những quả báo như vậy?” Đức Phật dạy: Những chúng sinh hình giống như sợi dây thừng và chổi là những người vào thời Phật Ca Diếp, đã giữ lại cho mình mà xài những sợi thừng và chổi mà người ta cúng cho tăng chúng. Chúng sinh giống như cái bình đất sét xưa vốn là một cư sĩ ngoại hộ cho tăng. Khi y đang sắc thuốc trong bình đất sét, có một vị tăng nói lời nhận xét châm chọc; ông nổi nóng đập bể cái siêu thuốc. Đây là những hậu quả những hành động ấy.

Chúng sinh giống như cái chày xưa kia là một tỷ kheo; ông ấy ra lệnh cho một chú tiểu vào phòng mình dùng cối chày để giả một ít ngũ cốc. Chú tiểu đang bận, thưa rằng lát nữa y sẽ làm. Tỷ kheo nổi sân bảo, “Nếu ta mà nắm được cái chày của ngươi, ta sẽ giả ngươi ra, không thèm giả ngũ cố gì nữa hết.” Vì lời nói ác khẩu ấy, vị tỷ kheo đã thác sanh vào địa ngục với hình thù như cái chày.

Những chúng sinh giống như bức tường và cột nhà ngày xưa là những kẻ khạc nhổ trong chùa nơi tăng chúng ở. Một số hỉ mũi vào tay rồi quẹt lên tường vách, cột trụ trong chùa.

Chúng sinh giống cái ống nước có eo lưng rất nhỏ. Đấy là những hậu quả nghiệp y đã làm. Lúc còn là một tỷ kheo, y đã bỏ đói chư tăng bằng cách không chia ngay thực phẩm cúng vào mùa hạ mà để lại cho đến mùa đông mới chia.

Như vậy, nếu bạn lấy vật của chúng tăng mà không xin phép, dù chỉ một que cũi đi nữa, bạn cũng sẽ tái sinh vào một địa ngục cách tử.

“Chỉ trích chúng tăng” nghĩa là dùng lời lẽ gay gắt để thóa mạ những thành phần trong tăng chúng, như nhiếc mắng, vân vân, hoặc trước mặt hoặc sau lưng. Có một bà la môn tên Mànavagaura đã thóa mạ chư tăng trong tăng đoàn của Phật Ca Diếp. Về sau ông ta tái sanh làm một loài thủy quái ở dưới biển. Câu chuyện kể như sau.

Ở xứ Ấn ngày xưa có năm trăm kẻ chài lưới quăng lưới để bắt cá, rùa v.v… trong sông Dandaka. Một hôm có một thủy quái lội vào sông ấy (một phụ lưu phía bắc sông Hằng). Nó có thân hình khổng lồ. Năm trăm người chài không thể bắt được nó. Họ nhờ những người chăn bò, cắt cỏ, thợ giặt, và người đi đường bắt hộ. Hàng trăm người phụ sức kéo con quái vật lên bờ. Nó có mười tám đầu, ba mươi bai con mắt. Hàng trăm ngàn người tụ họp để xem. Trong số đó có lục sư ngoại đạo và những người theo các giáo phái thời đó. Đức Phật, Đấng thấy biết tất cả liền đi đến nơi để tuyên thuyết về luật nhân quả.

Có những kẻ nhạo báng bảo: “Kìa là thánh giả Cồ Đàm, người tự cho mình vượt lên tất cả những cảnh tầm thường của thế tục. Vậy mà ông cũng đến chốn này!”

Những người tin Phật thì nói: “Đức Thế Tôn không màng những chuyện này, nhưng Ngài muốn nhân cơ hội để dạy Diệu Pháp cho dân.”

Thế là họ dựng lên một pháp tòa để thỉnh Đức Phật an tọa, với đồ chúng của ngài bao quanh. Ngài dùng thần lực khiến cho quái vật nhớ đời trước của nó, và hiểu được tiếng người. Rồi Ngài nói với nó: “Ngươi là Mànavagaura, phải không?” Nó đáp, “Vâng con là Gaura.”

- “Có phải rằng ngươi đã chịu sự thuần thục của một ác nghiệp nào đó về thân, lời hay ý?”

“Thưa vâng.”

- “Ai đã dẫn ngươi đi sai đường?”

“Mẹ của con.”

- “Bây giờ mẹ của ngươi tái sanh ở đâu?”

“Làm súc sinh.”

- “Sau khi chết, ngươi sẽ tái sanh vào đâu?”

“Vào địa ngục.” Nói xong thủy quái khởi sự kêu khóc.

Đồ chúng của Phật rất đổi ngạc nhiên. Do sự cầu thỉnh của chúng tăng, đức Anada hỏi Phật quái vật ấy là ai mà lại hiểu được tiếng người và nhớ đời trước của nó. Khi ấy Phật bèn kể lại câu chuyện sau: Ngày xưa vào thời Phật Ca Diếp, trong triều đại vua Krkin, có vài người bà la môn từ xứ khác đến thách mọi người tranh biện. Một người tên là Gaurashanti đã đánh bại tất cả những người khác trong cuộc tranh luận, nên nhà vua cho ông ta tước hiệu vô địch cho đến ngọn núi nơi ấy cuộc tranh luận diễn ra. Con trai ông ta có tóc hung tên là Mànavagaura (bà la môn tóc hung). Người này học các học thuật và cũng trở thành một học giả có thể đánh bại những người khác trong cuộc tranh luận.

Đến khi người cha chết, người mẹ sợ người khác sẽ đoạt giải vô địch và những phần thưởng mà người cha đã thắng được trong các tranh luận. Bà hỏi người con: “Con có thể đánh bại mọi người về đề tài tranh biện không?” Người con nói: “Con có thể đánh bại tất cả, ngoại trừ những vị thánh tăng của Phật Ca Diếp.” Bà mẹ nói: “Con phải đánh bại luôn những người ấy.” Vì kính mẹ, anh ta đi đến tranh luận với các đệ tử Phật. Anh ta gặp một tỷ kheo hỏi nghĩa một bài kệ nhưng anh không trả lời được. Anh phát sinh tịnh tín đối với Tăng bảo và trở về nhà. Bà mẹ hỏi: “Con có đánh bại được những tỷ kheo không?” Anh trả lời: “Mẹ ơi, nếu ở đấy có người làm chứng, thì coi như con đã thua rồi.” - “Này con, thế thì con hãy học kinh Phật.” - “Nhưng kinh Phật người thế tục không được đọc.” - “Thế thì con xuất gia làm tỷ kheo; rồi sau khi học thành tài, hãy xả giới hoàn tục.” Bà mẹ năn nỉ khiến cuối cùng anh phải xuất gia thụ giới, và thành một tỷ kheo tinh thông ba tạng. Mẹ y lại hỏi: “Con có đánh bại được những người thánh thiện ấy không?” - “Thưa mẹ con chỉ được truyền giáo lý; còn những vị ấy không những có giáo lý mà còn có thực chứng nữa. Con không thể đánh bại họ.”

“Này con, vậy thì bất cứ tranh luận đề tài gì, con phải dùng những lời nhục mạ mà mắng họ. Những người ấy rất sợ phạm giới là quấy, nên dù con có nói gì họ cũng sẽ không trả đũa. Mọi người đứng xem sẽ tưởng là con thắng cuộc tranh luận.”

Gaura làm như mẹ dặn. Khi tranh luận với các tỷ kheo anh ta nổi cáu bảo: “Ê cái đầu bò! Làm sao ngươi biết được cái gì là Pháp cái gì là phi Pháp.” Y cũng gọi họ là “đầu ngựa,” “đầu lạc đà,” “đầu lừa,” “đầu bò tót,” “đầu khỉ,” “đầu sư tử,” “đầu cọp,” vân vân. Y dùng mười tám kiểu nhục mạ khác nhau để mắng các tỷ kheo. Do ác hành ấy, kết quả là y tái sanh làm một loài thủy quái có mười tám đầu.

Đức Phật đã công bố như vậy.

Chê bai những tu sĩ bình thường cũng không nên. Chẳng hạn người ta thường nói: “Những ông thầy tu sa đọa ấy,” nhưng như tôi đã nói, không có gì khác nhau giữa một chúng gồm bốn phàm tăng và một thánh chúng. Nói những điều với Đức Di Lặc hay với Đức Văn Thù thì cũng không gì khác nhau.

Chúng ta thường đối xử những thành phần tăng chúng của mình quá cộc lốc. Chúng ta nói: “Con quay về nương tựa Tăng bảo,” nhưng chúng ta lại làm khác. Tôn sư tôi thường dạy, khi những tỷ kheo ngồi với nhau trong chùa, tất cả họ cần phải xem nhau là nơi nương tựa, là ngôi Tăng mà mình đã quy y. Nhưng trong thực tế họ không làm như vậy, trái lại họ soi mói lỗi của nhau; và trong bụng họ nghĩ rằng, “Cái ông kia, thầy tu già ngồi ở hàng giữa kia, thật là chúa keo kiệt. Ông nọ, người ngồi sau lưng ông kia, là một người hắc ám, nóng tính kinh khủng,” vân vân. Họ luôn nghĩ đến thói xấu này thói xấu nọ của từng người trong tăng chúng.

Bạn có thể nghĩ rằng không ai hơn mình, nhưng công thức quy y “Con xin về nương tựa nơi Tăng” là áp dụng cho tất cả thập phương tăng chúng. Có lẽ bạn phải đặt công thức quy y riêng cho mình, như: “Con xin quay về nương tựa tăng, trừ ông này, ông kia…” Lama Koenchog Yaenlag nói:

Mỗi khi gặp bạn lành thánh chúng,

Thì hãy nhớ họ là chân thiện trí thức giúp bạn trên đường.

Bởi thế, mỗi khi gặp thành phần phàm tăng hay thánh tăng, bạn phải đều xem họ như chỗ quy y, như những người giúp bạn từ bỏ một nơi nguy hiễm.

Trong nửa phần thứ hai của sự quán tưởng, bạn lại tưởng tượng những đức tính về Pháp của bạn tăng thạnh. Tưởng nước cam lồ đang trút xuống; cam lộ ấy là sáu hạnh ba la mật của Bồ tát; mười hai đức thanh tịnh của Thanh văn và Duyên giác; ba môn học của tăng thượng; trí căn bản thấy được tánh không mà những nam thần (dàkas) và nữ thần (dankìnis) nắm giữ; bốn loại thiện hành mà những vị Hộ pháp thực hiện vân vân. Tất cả những thứ ấy có hình dạng của cam lồ pháp thủy.

Khi bạn tụng công thức quy y nhiều lần, bạn quán tưởng cam lồ tịnh hóa đang tuôn xuống theo ba đường: lời dẫn nhập, đoạn dài và đoạn cuối.

Phần dẫn nhập bạn đọc nhiều lần câu “Con xin quay về nương tựa nơi bậc thầy” và quán dòng cam lồ trút xuống từ cả năm nhóm đồng loạt. Trong đoạn dài, cam lồ lần lượt trút xuống từ mỗi nhóm trong năm nhóm đạo sư. Rồi trong phần cuối cùng, cam lồ lại trút xuống từ tất cả những bậc thầy. Giả sử bạn lần chuổi để đọc quy y, và mỗi bước một chuỗi, thì tiến trình quy y sẽ cần bảy chuỗi mới xong.

Bạn làm y hệt với ba phần quy y kia của công thức quy y. Chư Phật gồm năm nhóm: chư thần thuộc bốn loại mật điển, và chư Phật trong kinh điển. Năm nhóm pháp là pháp của Thanh văn; Pháp của Độc giác; Pháp của Đại thừa thuộc kinh điển thông thường; ba loại mật điển Kriyà (thiên về Quán), Charyà (thiên về Hành) Yoga (Du già); mật điển Tối thượng Du già. Năm nhóm Tăng là Bồ tát; Thanh văn; Độc giác; nam thần và nữ thần; và hộ pháp.

Cũng có tục lệ tụng câu “Con xin quy y đạo sư, quy y chư thiền thiên, và quy y Tam Bảo” kèm theo sự quán tưởng những cam lộ tịnh hóa đang trút xuống. Tuy nhiên những kinh sách chỉ dẫn đường không nói rõ ràng về đề tài này.

Chúng ta được biết phép quán nước cam lộ tịnh hóa là một truyền thống mật điển; còn sự phóng quang để tịnh hóa là kinh điển. Nước cam lồ tịnh hóa có thể tuôn xuống theo ba cách: hoặc từ trong một ống đầy ánh sáng, hoặc tuôn xuống trên mặt những hình trụ bằng ánh sáng, hoặc trong một cơn mưa tầm tã.

Kế tiếp, bạn đọc câu sau đây (trích từ tác phẩm Trang Hoàng Cổ Họng Những Người May Mắn của Jampael Lhuendrub):

Cho đến khi giác ngộ, con nguyện quy y

Phật, Pháp và tăng chúng tối thượng

Do công đức con có được

Nhờ bố thí, vân vân

Xin hồi hướng thành Phật quả để lợi lạc hữu tình.

Trong phần đầu bạn hãy quy y, rồi sau đó phát tâm bồ đề với lời nguyện “Do công đức con có được nhờ bố thí, vân vân…” Hãy nghĩ trong lòng bạn, “Do công đức căn bản mà con có được nhờ thực hành bố thí, giữ giới, nhẫn nhục vân vân con xin đạt thành Phật quả vì lợi lạc cho tất cả hữu tình.” Tôi không bàn chi tiết này đề tài này ở đây, để về sau sẽ nói làm thế nào để đưa vấn đề này vào trong tim bạn (xem Ngày Mười Hai, trang…). Quy y là giống như trở thành thần dân của một ông vua; phát tâm bồ đề là giống như trả thuế cho vua.

Đến đây, bạn phải quán tưởng kết quả của sự phát tâm bồ đề của bạn, và xem sự quán tưởng ấy như một phần của đạo lộ. Bạn làm như sau. Từ đấng đạo sư Thích Ca Mâu Ni nổi lên một hóa thân thứ hai của ngài tan biến vào trong người bạn. Bạn đã trở thành Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là thành một vị Phật. Từ thân bạn có vô số Thích Ca Mâu Ni hóa ra và tan vào tất cả hữu tình bấy giờ cũng thành Phật cả, trong tự tánh của họ. Bạn hãy vui mừng mà nghĩ, “”Khi tôi phát tâm bồ đề, tôi nghĩ mình sẽ dẫn dắt tất cả hữu tình dến quả vị Phật. Nay tôi đã đật mục đích rồi.”

Sự quán tưởng này giả bày những hậu quả của sự phát bồ đề tâm:giảlàm như bạn đã thành công mỹ mãn trong các mật điển (tantras) và đồ hình (mandalas). Thực hành những phép quán này có những lợi lạc tương ứng, nó cũng chứa đựng những điểm then chốt được tìm thấy trong những giáo lý như Trút Bỏ Nội Dung Sinh Tử hay Tịnh Hóa Sáu Loài Hữu Tình và Chỗ Ở Của Chúng.

Kế tiếp, bạn thiền quán về Bốn Vô Lượng Tâm. Hãy nghĩ như sau: “ Nhưng tôi không thực sự đưa tất cả hữu tình đến một trạng thái như vậy được, tôi chỉ có thể làm việc ấy trong quán tưởng. Vậy là lỗi tại đâu? Tại vì tôi yêu những người thân và ghét những người xa lạ.” Rồi bạn nghĩ đến những lời của Jampael Lhuendrub trong cuốn Trang Hoàng Yết Hầu Những Người May Mắn trong khi bạn tụng đọc:

Thật tốt đẹp xiết bao, nếu tất cả hữu tình trú tâm xả, không có thân sơ, thương ghét. Mong sao họ đạt đến trạng thái ấy! Tôi sẽ đưa họ đến trạng thái ấy. Xin các đấng đạo sư và chư thần ban phúc cho con có khả năng làm việc này.

Thật tốt đẹp xiết bao, nếu tất cả hữu tình có được hạnh phúc và cái nhân của hạnh phúc. Mong sao họ có được! Tôi sẽ làm cho họ có được. Xin các đấng đạo sư và chư thần ban phúc cho con có khả năng làm việc này.

Thật tốt đẹp xiết bao, nếu tất cả hữu tình không bao giờ rời khỏi phúc lạc được tái sinh thù thắng, được giải thoát. Mong sao họ được như thế! Con sẽ làm cho họ được như thế. Xin các đấng đạo sư và chư thần ban phúc cho con khả năng làm việc này.

Với những lời ấy bạn mở đầu tiến trình đưa vào tâm bạn bốn Phạm trú hay Bốn Vô Lượng Tâm và xả vô lượng, từ, bi và hỉ.

Không phải bạn chỉ phát bốn tâm vô lượng như trên, mà lời tụng ấy còn chứa đựng bốn vô lượng khác trong mỗi vô lượng. Khi bạn nghĩ: “Thật tốt đẹp xiết bao, nếu…” đây là khát vọng vô lượng. Ý nghĩ “Mong sao họ có được!” là sự mong ước vô lượng. Nghĩ rằng “Tôi sẽ làm cho họ có được …” là vị tha vô lượng. Cuối cùng, ý nghĩ “Xin các đấng đạo sư và chư thần ban phúc cho con có được khả năng làm việc này” và sự cầu xin vô lượng. Đây là truyền thông giải thích khẩu quyết.

Đúng hơn, câu “… tất cả hữu tình, vốn từng làm mẹ tôi…” chỉ áp dụng cho sự phát tâm bồ đề. Như thế, cách lập ngôn này không được dùng trong bài tụng trên vì lý do rằng giáo lý về bốn tâm vô lượng này không cốt để dùng cho sự phát bồ đề tâm; thay vì thế, nó cốt làm tăng trưởng khả năng phát bồ đề tâm của ta.

Hãy nói thêm vài điểm về sự phát triển tâm xả. Bạn có thể tăng trưởng tâm bồ đề của bạn nếu nghĩ: “Tôi sẽ thành Phật quả để đưa tất cả hữu tình như những trẻ con ưa tranh cãi, đến trạng thái xả bỏ thân thù.” Hoặc bạn nghĩ: “Tôi sẽ thành Phật để giải thoát chúng ta khỏi khổ - từ nổi khổ của địa ngục đến những chướng ngại vi tế ngăn che tuệ giác bồ đề.” Mỗi cách trong ba cách trên để phát triển tâm xả đều chứa đựng toàn thể đạo lộ gồm ba phạm vi.

Bạn có thể tự hỏi: “Vậy tại sao phải phát tâm bồ đề trước khi ta luyện tâm trong Phạm Vi Nhỏ Của Đạo Lộ?” Nhưng ngay cả khi bạn Phạm vi nhỏ và Trung bình, bạn cũng nên theo cách luyện tập này để phát tâm bồ đề của bạn, mặc dù có thể là tâm bồ đề này chưa rõ rệt lắm. Bạn phải tán thán việc ấy ngay từ đầu. Đây là vài ví dụ. Nếu bạn muốn lên đỉnh đèo, trước hết bạn phải có cái tư tưởng muốn lên đấy. Hoặc khi bạn họa hình một vị thần, trước hết bạn phải định kích thước tấm hình bằng cách vẽ trên một cái khung, vân vân.

Có hai loại tiến trình nhanh. Loại thứ nhất là sự đạt giác ngộ trong một đời bằng cách tiến nhanh với cỗ xe ba la mật (Pàramitàyàna, ba la mật thừa). Loại thứ hai còn nhanh hơn, đó là giác ngộ trong cuộc đời ngắn ngủi mà một người có được trong thời đại suy đồi này (ngũ trược ác thế). Loại thứ nhất thành tựu là nhờ phương tiện ba mật điển hạ phẩm; loại thứ hai nhờ phương tiện của mật điển tối thượng thừa trong bốn mật điển.

Còn một cách giải thích khác nữa về hai loại tiến trình nhanh. Loại một là đạt giác ngộ trong cuộc đời ngắn ngũi có được vào thời đại suy đồi này nhờ phương tiện mật điển tối thượng. Đây là một đặc điểm của tất cả bốn trường phái mật tông Tây Tạng - Sakya, Gelug, Nyingma và Kaagyu. Loại hai được xem nhanh hơn, thành tựu được bằng cách xem Mật điển Tối thượng Du già theo khẩu quyết bí truyền của phái Gelug như là huyết mạch của đạo lộ. Nếu bạn thực hành phối hợp những mật chú của Guhyasamàja, Heruca và Yamàntaka, thì bạn có thể đạt giác ngộ chỉ trong vòng mười hai năm. Bất cứ trục trặc gì xảy ra đều do người tu hành. Trước khi những hệ phái bí mật này phát triển - nguồn gốc từ đức Tsongkapa vĩ đại - đã có những người có thể thực hành những khổ hạnh lớn lao, như Milarepa, Gyalwa Goetsang, v.v…, và họ chỉ cần ba năm để đạt giác ngộ. Lối giải thich này là khẩu truyền từ vị Tể tướng Tagpupa, ngài lập luận rằng nhiều bậc thầy phái Gelug trong quá khứ như Ensapa và môn đệ, dường như đã thành Phật ngay trong một đời mà không cần phải nỗ lực can trường như thế. Họ chỉ theo truyền thống Con Đường Nhanh về việc làm sao để quy y và phát tâm bồ đề.

Hệ phái Lời Đức Văn Thù ở các tỉnh Trung ương cũng dùng pháp quán ruộng phước tương tự để làm chỗ quy y, như truyền thống tôi vừa mô tả. Hệ phái Phương Nam thì không thế: truyền thống này bàn về một cách quán phước điền khác hẳn, để làm chỗ quy y. Quả thực, đấy là một truyền thống khẩu quyết bí mật hoàn toàn khác.

Cách quán của Hệ phái Phương Nam như sau. Bạn quán trước mặt bạn có nhiều hoa sen mọc lên từ dưới đất. Chúng mọc giữa những đám mây và cầu vồng rất đẹp, nên chỉ thấy được chóp đỉnh của hoa sen. Đóa hoa ở giữa lớn nhất, trên đó đức Thích Ca Mâu Ni đang ngồi. Bên phải là đức Di Lặc, bên trái Ngài là Đức Văn Thù an tọa những bậc đạo sư hoặc hệ phái Hành Vi Quảng Đại hoặc thuộc hệ phái Tri Kiến Sâu Xa. Những bậc đạo sư này ngồi thành hai hàng, vị này sau lưng vị kia, vị đầu tiên ngồi sau lưng dức Di Lặc hoặc đức Văn Thù. Hai hàng đạo sư uốn lại thành hình xoán ốc vây quanh đức Thích Ca Mâu Ni. Hai đạo sư cuối cùng của hệ phái ngồi cạnh nhau. Bạn phải quán mỗi đạo sư ngồi trên một hoa sen. Trước mặt đức Thích Ca Mâu Ni, nhưng hơi thấp hơn một chút, an tọa các bậc thầy của bạn - những bậc thầy từ nơi họ bạn thực sự thụ giáo. Bạn không cần quán tưởng hệ phái Những Thực Hành Phụng Hiến (Consecrated Practices).

Chư Phật ngồi trong hư không trên cao giữa những vầng mây và cầu vồng; sắp thành hình cái quạt xòe ra phía trái và phải của những bậc đạo sư. Dưới những đức Phật an tọa những vị Bồ tát, Thanh văn, Độc giác, dưới những vị này là thần Hộ pháp.

Dưới các vị thầy chính của bạn có ba hoa sen nhiều màu. Trên cái hoa ở giữa, có thần Mahakala (Đại Hắc) sáu tay đứng trên một nhật luân (dĩa mặt trời). Ông ta hiện hình Kurukellejnana, là chúa tể của Pháp thuộc Phạm Vi Lớn. Bên phải ông là Vaishravana đứng trên một đóa sen và nguyệt luân. Ông là chúa tể các pháp thuộc Phạm Vi Trung Bình. Bên trái của Mahakala là Kamayama đứng trên một nhật luân và hoa sen. Ông là chúa tể của Pháp thuộc Phạm Vi Nhỏ.

Lý do xem những vị ấy là chúa tể Pháp thuộc ba phạm vi là thế này. Hình dạng Kurukellejnana của đức Mahakala kỳ thực là Quán Tự Tại, hiện thân của tâm đại bi của tất cả chư Phật khởi lên dưới hình thức một vị thần hộ pháp. Ý nghĩa ở đây muốn nói, người ta sẽ phát triển nhanh chóng tâm từ và tâm bi trong khi theo Phạm Vi Lớn nếu ta nương tựa vào vị thần này. Trong Phạm Vi Trung Bình, người ta phải thực hành cốt yếu ba môn học tăng thượng mà nhất là tăng thượng Giới. Đại vương Vaishravana đã hứa trước Phật sẽ bảo hộ Luật tạng và sự trì Giới. Nếu người ta nương tựa vị thần hộ pháp này, thì sẽ phát triển được những phần ấy của đạo lộ trong dòng tâm thức của mình. Ông vua Pháp Yama (Diêm Vương) biểu trưng tính vô thường của mọi tái sanh; ông cũng phân loại các hạng người theo Luật nhân quả và theo tội phước người ta đã làm. Nếu ta nương tựa vị thần hộ pháp này, ta sẽ dẽ dàng phát triển thực chứng vào Phạm Vi Nhỏ - nghĩa là thực chứng về vô thường, nhân quả, vân vân.

Đây là cách bạn liên hệ với những vị thần hộ pháp, khi họ dẫn dắt bạn qua những đạo lộ. Có vô lượng điều bí mật sâu xa về cái cách của những bậc thầy, chư thiền thiên, vân vân, thúc dục bạn trên đường, đưa bạn đi nhanh đến giác ngộ. Đức Văn Thù giảng dạy những điều này cho Tsongkapa, nhưng ở đây chưa phải lúc để bàn đến.

Những thần hộ pháp khác đứng hai bên ba vị chúa tể của Ba Phạm Vi này. Tòa sen của ba ngài cao thấp khác nhau, tòa của Mahàkala cao nhất.

Phương pháp để vào trong tim bạn sự quy y và những sự khác nhau như trên. Hệ phái đặc biệt này có thêm một đoạn cầu khẩn như sau: “Hởi bậc thầy và ba ngôi báu, con xin quay về nơi nương tựa và đảnh lễ các ngài. Xin ban phước cho dòng tâm thức con.” Đoạn này căn cứ trên chỉ giáo khẩu truyền của Sakya Rinpoche vĩ đại.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Trang. Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/08/2021(Xem: 2903)
Tại Phòng trưng bày Indra và Harry Banga của Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU), đã diễn ra cuộc triển lãm mới với chủ đề "Bản đồ Phật giáo Hàng hải, The Atlas of Maritime Buddhism, ECAI", làm nổi bật lên Con đường Tơ lụa hàng hải đã kích hoạt giao lưu văn hóa thương mại, văn hóa tâm linh thông qua việc truyền bá ánh sáng từ bi, trí tuệ đạo Phật.
19/08/2021(Xem: 2858)
Vô thường là không tồn tại mãi mãi, là thay đổi, biến dịch một cách bất định, không như mong muốn chủ quan của chúng sinh. Nguyên lý vô thường là nền tảng của giáo lý đạo Phật, tuy nhiên một số khía cạnh của triết học Phật giáo vượt qua ý tưởng về vô thường.
19/08/2021(Xem: 4801)
Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama/
19/08/2021(Xem: 4059)
Sáng ngày 7 tháng 8 năm 2021, bà Dwi Lestari, một nhà văn và nghệ sĩ người Indonesia, đã cung kính đảnh lễ Đức Thánh Đạt Lai Lạt Ma, cùng đối thoại trực tuyến với hơn một nghìn sinh viên Indonesia. Chủ đề của buổi chia sẻ pháp thoại các Câu chuyện "Jataka" (chuyện tiền thân của Đức Phật), được ghi lại trong Bồ tát Bản sinh Man Luận (Jatakamala), hay " Garland of Birth Stories", và được mô tả qua các bức phù điêu khắc đá được trang trí chung quanh Thánh địa Phật giáo Borobodur, Di sản Thế giới. Sự kiện này nhằm khởi động lại sách "Nusantara Dharma", đang diễn ra với sự cộng tác bởi cộng đồng Kadam Chöling Indonesia.
18/08/2021(Xem: 4627)
Là một doanh nhân hay tinh thần kinh doanh, hoặc một nhóm người sáng tạo, và sản xuất hàng hóa và tạo dịch vụ, bằng cách tận dụng các cơ hội lợi nhuận của doanh nghiệp. Có rất nhiều ví dụ về tinh thần kinh doanh, cụ thể như ẩm thực, cửa hàng, tiệm cắt tóc, mở lớp dạy kèm, và nhiều ví dục khác về tinh thần kinh doanh mà chúng ta có thể làm. Theo quan điểm của Phật giáo, chúng ta không bị cấm kinh doanh miễn là nó không gây tổn hại đến mọi người, mọi loài.
17/08/2021(Xem: 2531)
Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ Kỷ niệm ngày Đức Phật chuyển Pháp luân trong Đại dịch Covid Vào ngày 24 tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Narendra Modi nói rằng, Đức Phật có liên quan đến nhiều hơn trong cơn đại dịch Covid-19, và rằng Ấn Độ đã chỉ ra cách họ có thể đối mặt với những nghịch cảnh bằng cách đi theo con đường trung đạo của Ngài.
17/08/2021(Xem: 2913)
Trong tiếng Pashto, Takht có nghĩa là “lên ngôi” và Bhi “nước” hay “mùa xuân”. Tổ hợp Tu viện Phật giáo cổ đại với danh hiệu là Takht-i-Bahi bởi vì nó được kiến tạo trên đỉnh một ngọn đồi tưới nước vào mùa xuân. Tam Tạng Huyền Trang đã từng đặt chân cất bước hành hương qua Tu viện Phật giáo Cổ đại Takht-I-Bahi này.
17/08/2021(Xem: 2637)
Đại học Phật giáo Dashi Choinkorlin (tiếng Indonesia: Universitas Buddhis Dashi Choinkorlin (Tiếng Tây Tạng: Tashi Chokhor Ling “Tanah Keberuntungan Tempat Perputaran Roda Dharma”), là trung tâm giáo dục nâng cao tọa lạc tại tu viện Ivolginsky Datsan, nước Cộng hòa Buryatia thuộc Liên bang Nga (Tây Siberia, gần Hồ Baikal), cơ sở tự viện của Tăng đoàn Truyền thống Phật giáo ở Nga.
16/08/2021(Xem: 2359)
Liên đoàn Tôn giáo vì Hòa bình của Hàn Quốc (KCRP) kêu gọi các Chính phủ liên Triều hãy bắt tay vào "con đường Hòa bình và Thịnh vượng" (평화와 번영의 길), để đáp lại việc hàn gắn quan hệ liên Triều, vốn đã có dấu hiệu phục hồi thông qua việc khôi phục các đường dây liên lạc, do các nhà lãnh đạo quân sự của Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
14/08/2021(Xem: 3170)
Hàng nghìn người đã vân tập Theravada Dhamma Society of Iowa Marshalltown, một ngôi tự viện Phật giáo ở Marshalltown, một thành phố thuộc quận Marshall, tiểu bang Iowa, Hoa Kỳ, để Khánh thành một trong những pho tượng Phật lớn nhất tại Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]