Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử Hòa Thượng Giác Quang (1947-2023), Tông Trưởng Tông Phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng

07/05/202309:31(Xem: 2262)
Tiểu Sử Hòa Thượng Giác Quang (1947-2023), Tông Trưởng Tông Phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng


ht thich giac quang-1947-2023

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG thượng GIÁC hạ QUANG

THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH GHPGVN.
CHỨNG MINH BTS GHPGVN TỈNH ĐỒNG NAI
TÔNG TRƯỞNG TÔNG PHONG LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG
(1947-2023)

I. THÂN THẾ

Hòa thượng Giác Quang – thế danh là Đàm Hữu Phước, sinh ngày 30/4/1947 (nhằm ngày 10/3 âm lịch, năm Đinh Hợi) tại ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình đạo đức gia phong, thân phụ là cụ ông Đàm Hữu Lượng – một y sĩ đức độ nhân từ, thân mẫu là cụ bà Võ Thư Tư – một nhà giáo lương hiền phúc hậu, được dân làng trân trọng và kính quý.
Năm 1958, Ngài được bà nội hướng dẫn quy y với Hòa thượng Thích Quảng Đức, vị Bồ tát “vị pháp thiêu thân” và được đặt pháp danh là Nhuận Đức.
Mùa Xuân năm 1959, Hòa thượng khi ấy 12 tuổi, được thân phụ dẫn về núi Dinh – Bà Rịa Vũng Tàu để đảnh lễ đức Tôn sư là Hòa thượng Thiện Phước tức là Đức Mẫu Trầu Bồng Lai. Sau khi được gặp Tổ sư khai đạo, Hòa thượng bắt đầu nuôi chí xuất trần khi tuổi còn niên thiếu.

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO
Đầu năm 1960, Ngài tìm về Tổ đình Linh Sơn (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) để cầu xin xuất gia với Đức tôn sư – Hoà thượng Thiện Phước, Ngài được đặt pháp danh là Giác Quang và chính thức tu học tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo – Núi Dinh.
Năm 1964, Hòa thượng thọ giới Sa di tại Trường Sanh Phật tự, xã Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho, do Hòa Thượng Thích Từ Ân chứng truyền. Tuy ấu niên xuất gia nhưng rất nhiều lần Hoà thượng được Đức tôn sư Thiện Phước cho phép vào mật thất nơi thâm sơn cùng cốc trên núi Dinh, có khi lại cho về nhập thất tại Đạo Tràng Huệ Tâm, Lái Thiêu.

Năm 1965, duyên lành hội đủ, Hòa thượng được diện kiến Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức tại Am Bửu Quang Minh, Sân Tiên, núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) thuộc Thất sơn, tỉnh An Giang. Nhận thấy căn cơ thông tuệ của Hòa Thượng, nên Sư Ông Bửu Đức đã trao truyền mật pháp tu hành.
Dù đã xuất gia nhưng với chí cầu học, Hòa thượng đã tiếp tục đèn sách tại trường Trung học Châu Thành – Phường Phước Hiệp, Bà Rịa Vũng Tàu. Vào năm 1965, Ngài đậu tú tài phần II tại Trường Trung học Hùng Vương, Sài Gòn.

Năm 1966, Ngài thọ Cụ túc giới tại Trụ sở Trung ương Phật giáo Tịnh Độ tông Việt Nam – Sài Gòn do đại lão Hòa thượng Thích Hồng Ảnh chứng truyền. Và kể từ năm đó, Hòa thượng Giác Quang bắt đầu vân du khắp nơi giảng pháp khuyến thiện, khuyên người tin nhân quả, trường chay niệm Phật. Một số ngôi chùa vẫn còn lưu dấu ấn bước chân hoằng pháp của Ngài như chùa Như Lai – ngã tư Trung Chánh, Sài Gòn; đặc biệt là tại tỉnh Lâm Đồng, Ngài từng đến hóa đạo ở Trại Mát, Trại Hầm, Chi Lăng, Thái Phiên – Đà Lạt. Ngài cũng về thuyết giáo ở quê hương Chợ Gạo, Mỹ Tho, Tiền Giang và nhiều vùng lân cận thuộc miền Tây Nam Bộ. Vừa giáo hóa chúng sanh, Hòa thượng vừa gánh vác trọng trách Phật sự Tông phong do Đức Tôn Sư Thiện Phước giao phó.

III. TRÁCH NHIỆM VỚI TÔNG PHONG

Từ khi Hòa thượng chính thức là một vị Tăng sĩ tu tại Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, Ngài đã thể hiện nhân cách một vị xuất sĩ đức hạnh, tinh tấn, mẫn cán và thông minh. Do vậy, Hòa thượng đã sớm trở thành một trong những hạt nhân nòng cốt của Liên tông Tịnh độ Non Bồng.
Năm 1967, Hoà thượng cùng chư Tôn đức Trưởng lão môn phong tổ chức Đại hội lần I, kỷ niệm 10 năm thành lập Liên tông Tịnh độ Non bồng (1957 – 1967).

Năm 1970, Hòa thượng được suy cử là Trưởng ban Giáo dục Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Sau khi đất nước thống nhất, từ tháng 8 năm 1975, Hòa thượng đảm đương trách nhiệm giảng dạy giới luật cho chư Tăng của tông phong, cùng với đức Thầy Huệ Giác giảng Kinh và thuyết pháp giáo hóa Phật tử. Ngài cũng là Tổng Thư ký Quan Âm tu viện và Thư ký Cô nhi viện Phước Lộc Thọ. (Tháng 10/1978, Cô nhi viện giải thể theo chính sách chung của nhà nước).
Từ năm 1984, Hòa thượng cùng Tăng Ni Quan Âm tu viện theo chân Đức Tôn Sư Hoà thượng Thiện Phước cùng Đức Thầy Huệ Giác là những bậc thầy tiên phong trong việc khai khẩn hàng trăm hecta đất hoang để trồng cây gây rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cho quê hương đất nước. Các khu rừng xanh của Tông phong ngày càng mở rộng tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng….
Đức Tôn Sư Thiện Phước khi còn sinh tiền đã giao phó trách nhiệm Tông trưởng Tông phong cho Ni trưởng Huệ Giác nên ngay sau khi đức Tôn sư viên tịch (mùng 1 tháng 8 năm 1986), thì Hoà thượng Giác Quang đã phát nguyện y giáo phụng hành Đức Thầy Huệ Giác trong việc xây dựng và phát triển môn phong (với gần 200 tự viện và trên ngàn Tăng Ni). Đặc biệt là trách nhiệm gánh vác các Phật sự tại tổ đình Quan Âm tu viện.
Thành lập vào năm 1966, Quan Âm tu viện đã trải qua những thời kỳ rất hưng thịnh với 400 – 500 vị tu sĩ (cả Tăng và Ni) tu học. Do chiến tranh nên Trường Trung cấp Phật học Lâm Tỳ Ni tại tổ đình Linh Sơn – núi Dinh cũng dời về Quan Âm tu viện. Hòa thượng đã đảm trách cả việc hoằng pháp và giáo dục cho Tăng Ni và Phật tử tại Tu viện. Hơn nửa thế kỷ với trọng trách là Phó Trụ trì, đặc trách chư Tăng, phụ trách các chương trình tu học của đạo tràng Bát Quan Trai, Hòa thượng luôn chu toàn các Phật sự, xứng đáng với niềm tin của chư Tổ sáng lập tông phong Tịnh Độ Non Bồng.
Năm 2019, Ni trưởng Huệ Giác và Hội đồng Tông phong đã suy cử Hòa thượng làm Trụ trì tổ đình Quan Âm Tu Viện, sau đó đảm nhận vai trò Tông trưởng khi đức Thầy Huệ Giác viên tịch (năm 2020). Trong thời gian nhận lãnh trách nhiệm lớn lao, Hòa thượng đã thể hiện là bậc lãnh đạo tinh thần cao quý của môn phong, Ngài đã chỉ đạo trùng tu một số cơ sở tự viện của môn phong, xây dựng Tăng xá, Ni xá tại Quan Âm tu viện. Với tâm từ bi thương tưởng đến những vị Tăng Ni lớn tuổi, Hòa thượng xin phép mở phân viện Trường Trung cấp Phật học tại Quan Âm tu viện; Ngài duy trì và phát triển các khóa niệm Phật “bá nhựt trì danh” tại Nhứt Nguyên Bửu Tự. Y theo công hạnh của Đức Thầy Huệ Giác, Hòa thượng tiếp tục chỉ đạo Tăng chúng và phát triển việc trồng cây gây rừng – một truyền thống bảo vệ môi trường xanh của tông phong suốt bốn thập niên qua.
Dù lâm trọng bệnh trong những năm tháng cuối đời nhưng Ngài vẫn thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu một hệ phái. Sau những Phật sự của Giáo hội và tại Quan Âm tu viện, Hòa thượng vẫn thường về núi Dinh thăm nom giáo hóa Tăng chúng, chăm sóc hệ thống tự viện, am cốc tại tổ đình Linh Sơn I và II; toàn thể Tăng Ni trong Tông phong luôn đón nhận sự quan tâm và tình thương lớn của Hòa thượng qua công hạnh thực hành tứ nhiếp pháp của Ngài; bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Hòa thượng luôn dành thời gian giáo dạy, bảo ban tứ chúng như người Cha lành từ ái, như cội Bồ đề che mát chúng sanh.

Suốt những năm tháng hành đạo, Hòa thượng xứng đáng là bậc thạch trụ tòng lâm vững chắc với giới hạnh trang nghiêm, đức hy sinh cao cả. Ngài luôn là tấm gương sáng cho cả môn phong về lòng hiếu đạo, đức khiêm cung, hạnh từ bi, luôn tùy thuận và hy sinh quên mình cho đạo pháp và dân tộc.

IV. PHẬT SỰ GIÁO HỘI

1. Tại Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai:
Hòa thượng Giác Quang với tâm nguyện phụng sự đạo pháp không chỉ môn phong pháp phái mà luôn quan tâm chăm lo Phật sự tỉnh nhà từ khi chưa thành lập giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Năm 1982, khi Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai được thành lập, thì đức Phó Pháp chủ – Hòa thượng Thích Huệ Thành đã cho mời Hòa thượng Giác Quang chính thức tham gia Phật sự tỉnh Đồng Nai.
– Năm 1983, Hòa thượng là Thư ký Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Các nhiệm kỳ thuộc khóa IV, khóa V, khóa VI Hòa thượng đã luân phiên làm Chánh văn phòng, Phó thư ký và Chánh thư ký Văn phòng BTS Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai.
– Nhiệm kỳ 2012 -2017 (Khóa VII): Phó ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký BTS Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.
– Nhiệm kỳ 2017-2022: (Khóa VIII): Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai.

2. Phật sự tại Trung ương Giáo hội:
– Thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN khóa VII (nhiệm kỳ 2012-2017) và khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022);
– Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2027).
– Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương khóa VII (nhiệm kỳ 2007 – 2012), Ủy viên Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN khóa VI (nhiệm kỳ 2007 – 2012) và khóa VII (nhiệm kỳ 2012 – 2017).
– Ủy viên Thường trực Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022).

3. Tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai:
Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai khóa VIII (nhiệm kỳ 2014-2019); khóa IX, (nhiệm kỳ 2019-2024); Thành viên Hội đồng Trung ương Tư vấn Tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai khóa VIII nhiệm kỳ (2014-2019), khóa IX, nhiệm kỳ (2019-2024).

V. TÔN CHỨNG SƯ CÁC GIỚI ĐÀN, GIÁO THỌ SƯ TẠI CÁC HẠ TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI
Hòa thượng là Phó Thư ký Ban Tổ chức Giới đàn tại Bửu Phong Cổ tự (1980) và giới đàn Tổ đình Long Thiền (1982). Trong các đại Giới đàn do Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai tổ chức từ năm 1983, 1984, 1986, 1988, 1995, 1998, 2000, 2002, 2004, 2006 Hòa thượng được cung thỉnh là Giới sư Tôn chứng Tăng già và kiêm Ban Giám khảo.
Hòa thượng được cung thỉnh với tư cách là Giáo thọ A-xà-lê tại các đại Giới đàn Nguyên Thiều (2009), đại Giới đàn Nguyên Thiều – Siêu Bạch (2011), đại Giới đàn Minh Vật – Nhất Tri (2013), đại Giới đàn Thiện Khải (2015), đại Giới đàn Pháp Loa (2017), đại Giới đàn Diệu Tâm (2019) và đại Giới đàn Thiện Hoa (2022).
Hòa thượng là Thiền chủ hạ trường Quan Âm tu viện. Giáo thọ sư trường hạ tổ đình Long Thiền và các Hạ trường trong toàn tỉnh từ năm 1983 cho đến nay.

VI. SÁNG TÁC PHẬT GIÁO

Hòa thượng Giác Quang là một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nói riêng và Phật giáo Nam Bộ nói chung với trên 50 đầu sách. Các thể loại nghiên cứu và sáng tác rất phong phú và đa dạng như: Phật học, lịch sử, văn học… dưới các thể loại nghiên cứu, sáng tác thơ ca, văn chương, nhiều bài tham luận giá trị về quá trình hình thành và phát triển Phật giáo và Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Đặc biệt, thơ ca của Ngài nhằm xiển dương pháp môn Tịnh độ, Thiền Tịnh song tu, gương sáng tiền nhân, pháp môn tu học thể hiện tinh hoa giải thoát. Điển hình như:

v Văn học:

– Trọn một niềm tin, NXB Văn Nghệ, 2009.
– Nguồn cội, NXB Phương Đông, 2011.
– Hoa viên đạo lý, NXB Văn hoá văn nghệ, 2015.
– Những năm tháng không quên, NXB Tổng hợp HCM, 2021.
– Hoa Sen bên núi xưa, Hoa Sen trong nắng mới, Hoa Sen vi diệu pháp, Còn mãi những Hoa Sen, Trọn một niềm tin, Thể hiện hạnh lành (2009).

v Phật học:
– Phật học đại cương, NXB Văn Nghệ, 2008.
– Phật giáo và Vấn đề Hộ quốc An dân, 2009.
– Phật Pháp Khí: Chuông, mõ, trống, 2009.
– Công hạnh niệm Phật, 2009.
– Đạo Phật và vấn đề Nhập thế, 1991(tái bản năm 2010).
– Tịnh độ giảng lược, NXB Phương Đông, 2010.
– Hành hương về nguồn, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2011.
– Một trăm ngày niệm Phật và một trăm bài pháp, NXB Phương Đông, 2011.
– Phật pháp vấn đáp 5 tập, NXB Phương Đông, 2013 – 2018.
– Pháp giáo Liên tông Tịnh độ Non bồng, NXB Hồng Đức, 2021.
– Tổ chức Phật giáo Việt Nam (giáo trình giảng tại Trường TCPH tỉnh Đồng Nai, 1990).

v Lịch sử:
– Tiểu sử Sư Cụ Thích Hồng Tại (Đoàn Trung Còn) – nguyên Hội Trưởng Trung ương Tịnh Độ Tông Việt Nam,1989.
– Tưởng niệm 55 năm Đức Giáo Tổ Minh Đăng Quang vắng bóng, Khảo luận, 2009.
– Lược sử Quan Âm Tu Viện, 2009 (tái bản lần thứ nhất 2010).
– Lịch sử Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (ngôi chùa có trên 300 năm ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai).

v Các tác phẩm về Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng:
– Pháp Giáo Tịnh Độ Non Bồng, 2019, NXB Hồng Đức.
– Quan Âm tu viện và Ý nghĩa Xá Lợi, NXB Văn Hoá Văn Nghệ, 2018.
– Nghi Thức Tụng Niệm trong Liên Tông, 1991.
– Khóa Tu Bá Nhựt Trì Danh, 2008.
– Lễ sám thù ân của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, 1992.
– Hoà thượng Thiện Phước Toàn Tập, NXB Hồng Đức, 2020.
– Con Thuyền thanh lương, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020.
– Kỷ yếu Tưởng niệm Ni trưởng Huệ Giác, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2022.

VII. HẠNH LÀNH ĐỨC SÁNG TỎA KHẮP NHÂN GIAN

v Tâm Hạnh Từ Bi

Mang hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, Hòa thượng được chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử thương kính, trọng ân do lòng từ bi như biển hồ lai láng. Bất cứ ai từng được gặp ngài đều có ấn tượng khó phai về tâm đức, trí đức và tuệ đức của một bậc xuất trần thượng sĩ. Là bậc Cao Tăng đạo cao, đức trọng, lời nói và việc làm luôn mát mẻ thanh lương như nước cam lồ trong bình tịnh thủy. Toàn thể Tăng Ni trong hệ phái hiếm khi thấy được Ngài nóng giận hay lớn tiếng với bất kỳ ai. Ngay cả khi đứng trước những điều trái ý nghịch lòng, Ngài vẫn từ ái khoan dung, nhân từ và độ lượng. Tuy Phật sự đa đoan nhưng có dịp là Ngài lại đi thăm các tịnh viện và các am sơn cùng cốc (gần 200 cơ sở của môn phong). Với công hạnh cứu khổ và ban vui nên đi đến đâu Ngài cũng ban tặng Kinh sách, vật phẩm, tịnh tài, tịnh vật… Do vậy mà chư Tăng Ni môn phong đều trân quý, kính thương Ngài. Đối với Tăng Ni hậu học trong ngoài tỉnh, khi gặp Hòa thượng đều được Ngài ân cần lắng nghe, bảo ban giúp đỡ. Với hàng Phật tử Ngài cũng luôn hoan hỷ từ bi giáo hóa không phân biệt.

Trong việc tiếp nhân xử thế của Hòa thượng đã lưu lại rất nhiều câu chuyện cảm động Nhiều Tăng Ni và Phật tử ở nhiều huyện thị trong tỉnh Đồng Nai đã kể về “Sư ông Giác Quang – một tấm gương thi ân bất cầu báo” với niềm kính thương và ân trọng. Với tánh hạnh khiêm cung, giản dị, chân thành, hạnh từ bi giúp đỡ Tăng Ni, sẵn lòng hỗ trợ chùa am tịnh thất… Với công hạnh lợi tha, tận tụy phụng sự cho tông phong, sẵn lòng cống hiến cho đạo pháp và dân tộc. Hòa thượng quả là tấm gương sáng ngời của một vị chân sư phạm hạnh hiếm có trên thế gian.

v Nếp sống khiêm cung và giản dị

Là bậc lãnh đạo môn phong, bậc tòng lâm thạch trụ của Giáo hội, Hòa thượng luôn miên mật, khắc kỷ tu hành với nếp sống giản dị thanh cao. Nhiều năm trường làm việc Giáo hội, giữ phạm hạnh nghiêm minh. Ai cần gì thì Sư ông lại ban phát hết. Rồi khi trở về thiền thất đơn sơ thì Hòa thượng lại xem kinh đọc sách, đánh máy thâu đêm. Giờ Tý canh ba lại công phu tọa thiền niệm Phật. Quả là:
“Bậc thiền giả làu thông pháp tướng,

Vị bác lãm nổi tiếng hạnh khiêm cung,

Oai nghi đĩnh đạc vô cùng,

Thế sự thung dung chẳng bận.”
Hòa thượng suốt bốn mươi năm phụng sự Phật pháp thì từng ấy thời gian không quản ngại bất cứ Phật sự gì dù nơi xa xôi hay vùng hẻo lánh, khi khỏe mạnh, lúc ốm đau. Dù ở bất cứ nơi đâu, Ngài cũng luôn nhẹ nhàng khoan thai đến tận nơi, với năng lượng từ hòa, hoan hỷ giúp muôn người hạnh phúc an vui. Hòa thượng từng nói: “Sư nguyện hành theo hạnh nguyện của Đức Tôn Sư, dù khó dù khổ cũng không ngại không sờn”.
“Bóng từ bi xủ mày theo năm tháng,
Báo thân gầy không ngại nắng mưa sa,
Như dòng suối biếc reo ngàn hạnh nguyện,
Khổ hạnh thân tích sử cõi ta bà.” (1972)

v Tấm Gương Phạm Hạnh

Từ thuở ấu niên theo chân Đức Tôn Sư tu hành, Ngài đã sớm tỏ rõ sự cần mẫn, khiêm cung, chuyên cần và nhẫn nại. Đối với Tổ Thầy, Ngài một lòng hiếu đạo, kính trọng phụng hành, luôn giữ vững tông chỉ của Tôn sư. Từ thuở mới xuất gia, căn cơ tỏ ngộ, Ngài đã nhiều lần nhập thất chuyên tu, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi không nằm suốt 3 năm để lễ bái trì Pháp Hoa kinh. Nhiều năm trường Hòa thượng luôn giữ thanh bần khổ hạnh chốn non cao, ẩn dật tu hành nơi rừng sâu núi thẳm, Ngài kiên trì theo đức Tôn sư trong các công trình khai sơn, tạo tự, hoằng Phật đạo chẳng từ lao nhọc. Cả cuộc đời miên mật tu hành. Khi phải gánh vác rất nhiều Phật sự, Ngài vẫn chuyên tâm mỗi sáng lạy thù ân, thành kính chuyên cần trọn phần báo đức. Hằng đêm ngồi niệm Phật, tinh tấn miên mật rõ chuyện tử sinh. Ngài đã hành trì thời khóa công phu như thế từ thuở ấu niên cho đến khi tuổi cao sức yếu vẫn không một ngày xao lãng. Đối với các công việc của Giáo hội, Ngài luôn xem đó là trách nhiệm phụng sự đạo pháp và dân tộc trong hạnh nguyện của vị Sứ giả Như Lai.

“Hiến thân cho chúng sanh chung,

Chỉ có Bồ Tát đại hùng lợi tha

Tấm thân tứ đại ta bà,

Việc làm đại nghĩa Phật đà chứng minh.”
(“Lợi tha” – Thi kệ Người con Phật diễn ca – HT.Thích Giác Quang).


VIII. KHEN THƯỞNG
Là vị Cao Tăng, đức cao, đạo hạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, vô ngã, vị tha; thực hành tốt giáo lý Lục hòa của Phật giáo; nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật.
Trọn cuộc đời tu học, hành đạo, giúp đời, Trưởng lão Hòa thượng đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc cho “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biểu dương và trân trọng trao tặng: Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận”; 16 Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và rất nhiều Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai cùng Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trung ương GHPGVN và Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

IX. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Với tình thương bao la đại đồng, bước chân Người phổ hóa chúng sanh, cho đời tươi đẹp, cho ánh đạo vàng của Như Lai tỏa rạng ánh chơn như. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn bất từ lao quyện chu toàn Phật sự của Tông phong và Giáo hội. Những năm tháng cuối đời Hòa thượng vẫn kiên trì sắp xếp, xây dựng tông môn pháp phái vững bền. Còn chút hơi thở nào thì Ngài vẫn tọa đạo tràng, thuyết pháp, giảng Kinh, Từ bi khó sánh, diệu dụng khôn lường.
Biết trước tấm thân hư huyễn rồi sẽ đến lúc trả về cho cát bụi, Ngài với tinh thần sáng suốt thư thái an nhiên chào huynh đệ và các hàng đệ tử, mỉm cười khẽ nói: “Bồ tát bất thối vi bạn lữ” rồi nhẹ bước vào cõi vô dư. Ngài thâu thần thị tịch vào lúc 23 giờ ngày 08 tháng 04 năm 2023 (nhằm ngày 18 tháng 02 nhuần năm Quý Mão) tại Quan Âm Tu Viện, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Hòa thượng Thích Giác Quang mãn báo thân 77 tuổi đời, 57 tuổi đạo.

“Viên mãn báo thân của bậc chân nhân hiện thân trong cõi thế,
Rạng danh bậc Thích Tử mô phạm chốn hồng trần.
Quan Âm Tu Viện một sớm tịnh thất lặng im,
Mãi còn đó dáng Thầy qua năm tháng…
Tịnh Độ Non Bồng ngàn thu rừng thiền trống vắng,
Vẫn đâu đây lời Pháp vọng vang hoài.

Chúng Đệ Tử Tông Phong Tịnh Độ Non Bồng Cẩn Chí


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2010(Xem: 5640)
Lời Phát Biểu của HT Huyền Quang tại Tang Lễ Ôn Đôn Hậu ngày 3-5-1992
10/12/2010(Xem: 9383)
Hoà Thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân phụ là cụ Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con : 4 nam, 1 nữ - Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là Thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên). Năm lên 6 tuổi (1928) gia đình Ngài dời về thôn Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài đã rước thầy Đồ Nho danh tiếng về nhà để dạy chữ Hán cho hai con. Hai anh em Ngài thường được cụ Đồ khen là thông minh, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Năm lên 10 tuổi (1932), Ngài theo học Việt Văn tại thôn Diên Sanh.
04/12/2010(Xem: 6024)
Thái Tử Tất Đạt Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ, để ra đi tìm phương giải thoát cho chính mình và chúng sanh. Lối 1332 năm sau Thái Tử Trần Khâm (1258-1308) cũng giã từ cung vàng tìm đến núi Yên Tử để xin xuất gia, mong trở thành sơn tăng sống cuộc đời thanh thoát. Nhưng vì vua cha ép buộc nên phải trở về để kế nghiệp trị dân. Ngay từ lúc nhỏ ông dốc lòng mộ đạo Phật ước muốn được đi tu, năm lên 16 tuổi Trần Khâm đã nhường ngôi vị Đông Cung Thái Tử cho em, vua cha nài ép mãi ông mới nhận lời. Dù không được đi xuất gia lúc bấy giờ, nhưng nơi ông đã thể hiện được con người siêu việt khác thường.
25/11/2010(Xem: 26740)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
24/11/2010(Xem: 11056)
Tiểu sử nhà văn Quách Tấn
15/11/2010(Xem: 8062)
Vào ngày 1-11-1963 khi quân đội đứng lên làm cuộc đảo chánh lật đổ chế độ của gia đình Ô. Ngô Đình Diệm - mà Hội Đồng Quân Dân Cách Mạng do Đại Tướng Dương Văn Minh cầm đầu gọi đó là cuộc “Cách Mạng” thì tôi là cậu sinh viên Luật Khoa Năm Thứ Nhất, chuẩn bị thi lên Năm Thứ Hai của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Bố tôi sính đọc sách báo, vả lại gia đình cư ngụ ở xóm lao động cho nên Radio hàng xóm mở ầm ầm cả ngày khiến dù không muốn nghe nhưng cũng phải nghe tin tức từng giờ của đài phát thanh. Hơn thế nữa khi Sài Gòn nổ ra cuộc đấu tranh của Phật Giáo thì hầu như các đại học, trung học đều đóng của hoặc tự động bãi khóa.
10/11/2010(Xem: 8018)
Hoà Thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân phụ là cụ Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con : 4 nam, 1 nữ - Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là Thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên). Năm lên 6 tuổi (1928) gia đình Ngài dời về thôn Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài đã rước thầy Đồ Nho danh tiếng về nhà để dạy chữ Hán cho hai con. Hai anh em Ngài thường được cụ Đồ khen là thông minh, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Năm lên 10 tuổi (1932), Ngài theo học Việt Văn tại thôn Diên Sanh.
02/11/2010(Xem: 8110)
Thành kính khẩn bạch đến chư Tôn Đức Tăng Già của quý Giáo Hội, quý Tự Viện, quý tổ chức Phật Giáo cùng toàn thể chư vị thiện nam tín nữ Phật tử: Đại Lão Hòa Thượng thượng Huyền, hạ Ấn, thế danh Hoàng Không Uẩn, sinh năm 1928 tại Quảng Bình, Việt Nam
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]