Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Chí Thiền - “chân tu bậc nhất” dung thông tam giáo thời cận đại

09/04/202307:53(Xem: 1847)
Thiền sư Chí Thiền - “chân tu bậc nhất” dung thông tam giáo thời cận đại

thien su chi thien

Thiền sư Chí Thiền
-“chân tu bậc nhất” dung thông tam giáo thời cận đại


ThS. Thích An Nhiên [1]




Tóm tắt
:
HT Thích Chí Thiền ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc.

Tông Lâm Tế vào Việt Nam từ thế kỷ 12, từng bước đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, HT. Thích Chí Thiền từng bước trả ơn Tam bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh.

Qua hành trạng của Ngài, chúng ta càng khẳng định khi Người một lòng hướng Phật, không sợ, không giận, không si,… thì làm sao phải sợ cái xấu, cái ác? Hồng trần chính là cái chão nhuộm, có người bị nhuộm thành màu đen, có người bị nhuộm thành màu trắng hoặc màu khác, nhưng điều quan trọng là giữ được bản tâm, hướng bản tâm của mình đến những điều tốt đẹp nhất chứ không phải bị nhuộm màu gì.


Từ khóa
:
Thiền sư Chí Thiền / Ơn Tam bảo / Ơn đất nước / Ơn cha mẹ / Ơn chúng sanh / chân tu bậc nhất / hậu thế tôn vinh.


Sinh thời, từ uy đức và hạnh nguyện của Thiền sư Chí Thành / Chí Thiền (1861-1933), “Thiền sư Khánh Anh cho là thuộc hạng “chân tu bậc nhất”[2]. Ngài được hậu thế đánh giá “là một nhân vật tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam bộ nửa đầu thập kỷ hai mươi”[3], và “được giới tăng sĩ tôn xưng là Tổ Phi Lai”[4].

Tu sĩ Phật giáo Việt Nam từ xưa tới nay có thể ước tính con số hàng triệu, nhưng được người đương thời cũng như hậu thế tôn vinh như Tổ Phi Lai không phải là nhiều.

Người đã sớm thông tam giáo

Thông tin từ Bách khoa toàn thư mở, chúng ta biết cơ bản về cuộc đời của Ngài, như sau: “Sư thế danh Nguyễn Văn Hiển, sinh tháng 2 năm Tân Dậu 1861 tại thôn Chiêm Sơn (trước đây là xã) sau dời nhà qua thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Theo tài liệu Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỉ 20, thì Sư xuất thân trong gia đình gia thế, nhiều đời làm quan. Ông nội là Hộ Quốc công Nguyễn Công Thành, dưới triều Tự Đức, thân phụ là quan Tổng trấn Quảng Nam, rất được lòng dân. Thân phụ mất sớm, Sư nhờ mẹ mà tiếp tục phấn đấu học hành tiến thủ.


Năm Mậu Dần 1878, Sư được triều đình bổ dụng quan Hậu bổ tại tỉnh Khánh Hòa”[5].

Thông tin này cho chúng ta thấy thời trai trẻ, Ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc.

Khẳng định được như thế, vì lịch sử Việt Nam ghi rõ Lý Công Uẩn là Phật tử thuần thành và được Phật giáo ủng hộ lên làm vua, mở ra triều đại nhà Lý. Ông làm nhiều Phật sự, như tháng 5 (1014), “Hữu nhai tăng thống là Thẩm Văn Uyển tâu xin lập đàn chay ở chùa Vạn Tuế để cho tăng đồ thụ giới. Vua chuẩn tâu”[6], hoặc tháng 3 (1016), “Độ cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế”[7], hoặc tháng 6 (1018), “sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng[8], hoặc tháng 9 (1024), “làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh”[9]… Thế nhưng, Lý Thái Tổ vẫn quan tâm đến nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian, như tháng 3 (1016), “Làm lễ tế vong các danh sơn”[10], hoặc “Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế”[11], hoặc năm Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tổ “Phong tước cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, một hôm trước khi ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy liền sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng 4 tháng 4”[12]


Đến đời Lý Nhân Tông, “tháng 2 (1075), xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”[13]. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử ở nước ta. Và vào thời điểm này, Nho, Phật, Đạo đồng nguyên. Đến thời nhà Trần, đạo Phật vẫn được vua, quan cho đến thứ dân tôn kính quy về, thậm chí từ năm 1231, “Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ”[14], nhưng mọi việc không đơn giản như nhiều người nghĩ. Đời Trần Thái Tông (1227), “Thi tam giáo tử (nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo)”[15]. Tháng 3 (1244), “cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.

Bấy giờ các vương hầu bổ quan Tăng đạo thì gọi là Tả nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của Tăng đạo. Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn”[16]. Tháng 8 (1247), “thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ ất khoa”[17]

Thời nhà Trần, bên cạnh việc xem Phật giáo như là quốc giáo, nhưng trong thực tế, các nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo vẫn bàng bạc trong đời sống. Cụ thể, việc tế và lễ minh thệ ở đền thờ thần Đồng Cổ, nhà Trần vẫn “theo như lệ cũ của triều Lý”[18]; tháng 6 (1247), “sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết”[19], v.v.


Tìm con đường giải thoát

Những ngày làm quan hậu bổ ở tỉnh Khánh Hòa, “Sư bí mật cùng anh mình tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân chống thực dân Pháp. Phong trào thất bại, Sư lánh nạn vào miền Nam, ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp.

Năm Tân Tỵ 1881, để ẩn mình, Sư vào tu chùa Giác Viên, Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), được sư Phương Minh, húy Minh Mai (sư Minh Khiêm là sư y chỉ) thu nhận làm đệ tử đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thành. Về sau, do kiêng húy tên ông nội nên sau này đổi hiệu thành Chí Thiền”[20].


“Tư tưởng của Tông Lâm Tế đầu tiên được truyền vào thời nhà Trần, một số bộ ngữ lục quan trọng của Tông Lâm Tế như Lâm Tế Lục, Đại Huệ Ngữ Lục đã được đem sang Việt Nam từ một số vị thiền sư Trung Quốc như Thiên Phong. Nhiều vị vương tôn, Tăng sĩ triều Trần tiếp nhận và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tông Lâm Tế như Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Quốc sư Đại Đăng, Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông từng tham công án và sử dụng các giáo lý của Tông Lâm Tế như Tam Huyền, Tam Yếu và bình giảng, làm kệ tụng về một số công án Thiền. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng ảnh hưởng nhiều từ bộ Đại Huệ Ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo và từng nhiều lần giảng bộ ngữ lục này choTăng chúng.

Đến thế kỷ 17, Tông Lâm Tế được truyền vào Bắc Việt bởi Thiền sư Trung Quốc là Viên Văn Chuyết Chuyết và môn đệ là Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Dòng phái này có Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng là người phục dựng lại các tác phẩm Thiền và các di tích, chùa chiền của Thiền phái Trúc Lâm. Ở miền Trung và miền Nam, tông Lâm Tế được truyền vào Việt Nam thông qua các vị Tăng từ các thuyền buôn và theo yêu cầu thỉnh các Tăng sĩ sang Việt Nam truyền giới đàn của các chúa Nguyễn như Nguyên Thiều Siêu Bạch, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo,... Nhưng tư tưởng chính mà những vị sư như Viên Văn Chuyết Chuyết, Minh Hải Pháp Bảo, Nguyên Thiều Siêu Bạch… truyền dạy cho các đệ tử chỉ mang tính chất là Phật giáo cơ bản như: dung hợp tư tưởng Thiền và Tịnh Độ, tổ chức các giới đàn truyền giới, lấy pháp niệm Phật để tu hành cầu sinh Tịnh Độ. Những tư tưởng mà họ truyền bá không còn thuần túy về Thiền Tông và Lâm Tế Tông nữa, pháp tham công án, thoại đầu là truyền thống tu hành chính trong Tông Lâm Tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không thấy các vị này nhắc đến và tổ chức tu hành trong giới đệ tử”[21].

Thật ra, pháp môn tu dung hợp tư tưởng Thiền và Tịnh Độ đã có từ Thiền phái Trúc Lâm (thế kỷ 12), chứ không phải đợi đến thế kỷ 17 nhờ các ngài “Viên Văn Chuyết Chuyết, Minh Hải Pháp Bảo, Nguyên Thiều Siêu Bạch… truyền dạy” mới có. Trong Hội Thứ Hai (bài phú Cư Trần Lạc Đạo), Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương / Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc[22].

Như vậy, Tông Lâm Tế vào Việt Nam đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ.

Trong bài “Các Thiền phái và bài kệ truyền thừa Phật giáo vùng Nam bộ”, TT.TS. Thích Đức Trường cho biết Thiền phái Lâm Tế Gia phổ được “Tổ Nguyên Thiều dùng bài kệ của Tổ Đạo Mân đời thứ 31 truyền thừa như sau:

Âm Hán Việt – Chữ Hán:

“Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên (導本原成佛祖先)

Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên (明如紅日麗中天)

Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ (靈源廣潤慈風溥)

Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền (照世真燈萬古懸)”.


Pháp hệ truyền thừa của dòng Lâm Tế Gia Phổ vùng Nam Bộ:

1. Từ chốn Tổ chùa Đại Giác và chùa Kim Cang, có Hòa thượng Thành Đẳng (chùa Đại Giác), Thành Nhạc (chùa Châu Thới, Long Thiền), Thành Chí (chùa Bửu Phong, Đồng Nai), cho đến Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành…

2. Từ chốn Tổ chùa Từ Ân và chùa Giác Lâm, các pháp tôn của Tổ như Phật Ý, Tổ Tông, Tiên Giác, Minh Khiêm, Minh Hương, Minh Lượng… Như Phòng, Như Nhãn, Như Quới, Như Hiển…

3. Từ chốn Tổ chùa Tây An – An Giang, Ngài Tiên Giác truyền cho Minh Huyên – Pháp Tạng (Phật thầy Tây An), Minh Võ – Nhất Thừ… Sau đó, Tổ Minh Khiêm truyền cho Như Sơn, Như Quả, Như Nghĩa, Như Tâm, Như Đắc, Như Mật rồi đến Hồng Nguyện, Hồng Đại, Hồng Trung, Hồng Chí, Hồng Hưng, Hồng Trực, Hồng Cung…

4. Từ chốn Tổ chùa Phi Lai, có Hòa thượng Hồng Pháp, Hồng Quang, Hồng Nở, Hồng Tôi, Hồng Xứng – Nhựt Bình (Trí Tịnh)… đã phát triển đạo vàng truyền đăng tục diệm, làm cho đạo pháp được chấn hưng trong những thập niên 1920-1950, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước”[23].

Như vậy, ngài Như Hiển - Chí Thành / Chí Thiền (Tổ Phi Lai) thuộc thế hệ thứ 9 theo bài kệ truyền thừa của Tổ Đạo Mân.


Ơn đất nước và Ơn cha mẹ

Trang mạng Bách khoa toàn thư mở cho biết thời trẻ Ngài tham gia phong trào Văn Thân chống thực dân Pháp, sau ngày xuất gia “Do uy tín và danh tiếng của Sư, chùa Phi Lai thường xuyên trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Trong cuộc hội ngộ với Phan Bội Châu vào năm Quý Mão 1903, Sư từng căn dặn: ...Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét...

Vào tháng 2 năm 1904, Sư có cuộc gặp gỡ với hoàng thân Cường Để tại Quảng Nam. Trong lần gặp gỡ này, Sư nhận nhiệm vụ về Nam hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp”[24].

Đây là truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng là lời Phật dạy. Kinh Tâm Địa Quán viết: “Đức Phật bảo các ông trưởng giả Diệu Đức, Dũng Mãnh, Thiện Pháp ở trong thành Vương Xá rằng: Này các trưởng giả! Ta sắp nói pháp mầu nhiệm, vì muốn lợi ích cho những ai chưa biết ơn đức trong đời vị lai. Ơn trong thế gian và xuất thế gian có 4 thứ:

1- Ơn cha mẹ.

2- Ơn chúng sanh/ Ơn xã hội.

3- Ơn quốc vương/ Ơn đất nước.

4- Ơn Tam bảo.

Bốn ơn này tất cả chúng sanh, bình đẳng cõng đội”[25].

Một khi đã xác định một khi đã được làm người ắt phải cõng và đội những ơn trên, thì nói như Tố Hữu sau này: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu / Dấn thân vô là phải chịu tù đày / Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Trăng trối)[26]. Và “Năm Đinh Tỵ 1917, sau vụ ông Bảy Do - chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt, vì ở gần núi Cấm nên chính quyền Pháp nghi ngờ Sư có liên lạc với Bảy Do cùng với việc Sư ngày càng được lòng tin của quần chúng, nên bị mật thám Pháp theo dõi và vu cho là làm quốc sự. Sư bị bắt và đưa đi giam giữ tại Khám Lớn Sài Gòn hơn 10 tháng trời, nhưng sau do không đủ chứng cớ nên đành phải thả”[27].

Sở dĩ được vậy, theo chúng tôi, Tổ Phi Lai của chúng ta rút kinh nghiệm từ những ngày hoạt động trong phong trào Văn Thân ở Khánh Hòa khi còn làm quan và đã trao đổi với nhà yêu nước Phan Bội Châu năm 1903 được trích dẫn ở trên.

Nói đến “Ơn cha mẹ”, trong tiểu sử của ngài có ghi: “Cuối năm 1904, Sư trở về Quảng Nam thăm thân mẫu đang hấp hối và ở lại chăm sóc cho đến khi mẹ quy Tiên, hoàn thành tang sự rồi mới trở lại chùa Phi Lai”[28].

Về chữ Hiếu, tôi nghĩ Ngài ảnh hưởng cả Phật giáo lẫn Nho giáo. Kinh Tứ thập nhị chương viết: “Thờ cúng trời đất quỷ thần chẳng bằng hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ là hai vị Thần sống cao tột vậy”[29]. Kinh Đại Tập viết: “Gặp đời không có Phật, nếu biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy”[30]. Kinh Anguttara Nikaya (Tăng chi bộ), Phật dạy: “Có hai hạng người, này các tỳ-khưu, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha.

Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi, nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này.

Như này các tỳ-khưu, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, người ấy khuyến khích, hướng dẫn an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ có lòng xan tham, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ-khưu, là làm đủ và trả ơn đủ cha và mẹ”[31].

Sách Luận ngữ của Nho giáo cũng có ghi: “Tử viết: “Đệ tử nhập tắc hiếu”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ”[32]; hoặc “Mạnh Ý tử vấn hiếu. Tử viết: “vô vi”.

Phàn Trì ngự, tử cáo chi viết: “Mạnh Tôn vấn hiếu ư ngã, ngã đối viết: “vô vi”. Phàn Trì viết: “Hà vị dã?”. Tử viết: “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử tang chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Mạnh Ý tử hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: “Không trái”.

(Một hôm) Phàn Trì đánh xe (cho Khổng Tử), Khổng Tử bảo: “Mạnh Tôn hỏi ta về đạo hiếu, ta đáp: “Không trái”. Phàn Trì hỏi: “Thầy đáp vậy nghĩa là gì?”. Khổng Từ đáp: “Cha mẹ còn sống thì phụng sự cho hợp lễ, mất rồi thì tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ”[33]. Và… nhắc nhở: “sự phụ mẫu năng kiệt kì lực” (hết lòng thờ cha mẹ)”[34].


Ơn Tam bảo và Ơn chúng sanh

Kinh Tăng Nhứt A Hàm viết: “Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo rằng: nếu có chúng sanh nào biết trả ơn, người ấy đáng kính. Ơn nhỏ còn chẳng quên, huống chi ơn lớn. Kẻ ấy dẫu cách đây trăm ngàn do tuần cũng chẳng khác gì gần bên Ta. Ta thường khen ngợi. Trái lại có chúng sanh chẳng biết trả ơn, ơn lớn còn chẳng nhớ huống là ơn nhỏ; dẫu có gần Ta, Ta cũng chẳng gần, dầu cho mặc áo Tăng ở hai bên Ta, hữu gần Ta đi nữa, người ấy vẫn như xa Ta”[35]. Vì thế, đối với Tổ Phi Lai, chùa không chỉ là nơi Ngài nương tấm thân tứ đại tránh tai mắt giặc thù, mà còn là nơi Ngài có điều kiện trả ơn, vững bước trên con đường giải thoát theo giáo lý Phật đà.

“Trong thời gian theo học đạo, Sư sống rất kham khổ và phát nguyện sửa cầu, bồi lộ, bửa củi, gánh nước, giã gạo... suốt ba năm. Sau đó phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, tiếp theo đắp đất xây nền chùa Giác Viên ngày trăm xe cho đến khi hoàn tất, lại nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa, được thầy ban pháp ấn. Sư cùng Thầy của mình lo xây dựng chùa Giác Sơn, khi chùa được khánh thành, Sư được cử làm thủ tọa coi sóc trong ngoài chùa Giác Sơn. Chẳng bao lâu sau hòa thượng Giác Sơn viên tịch vào năm Kỷ Hợi (1899), Sư lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Giác Sơn.

Khoảng năm Nhâm Ngọ (1900), sau khi sắp đặt mọi chuyện trong chùa xong, Sư cùng một đệ tử từ giã hết tất cả huynh đệ đi thẳng vào vùng núi Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) một mặt là để ẩn dật tu hành, mặt khác là để quyết chí làm việc lớn. Ban đầu, Sư ở tại núi Cấm (ở vị trí đặt Phật Di Lặc hiện nay), một thời gian sau Sư được thỉnh về trụ trì tại chùa Phi Lai (hay còn gọi là Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc”[36].

“Khi Phong trào chấn hưng Phật giáo hình thành, Sư hoạt động rất tích cực trong giai đoạn đầu. Vào năm Đinh Mão 1927, Sư tham dự buổi lễ khai giảng lớp học cho các Ni tại chùa Giác Hoa ở tỉnh Sóc Trăng - đây là trường Ni đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Năm Kỷ Tỵ 1929, Sư tham gia lễ Đại giới đàn chùa Trùng Khánh tại Phan Rang.

Năm Nhâm Thân (1932), sư Khánh Hòa cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo thành lập hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Sư tham gia ủng hộ 300 đồng bạc và vận động khuyến khích Phật tử khắp nơi tích cực ủng hộ hội”[37].

Trọng tâm của Phong trào chấn hưng Phật giáo ngày đó là đào tạo Tăng tài nhằm tránh cái dốt và ngu dẫn đến bẻ cong Phật pháp. Tổ Phi Lai nhiệt tình ủng hộ ngay từ đầu bằng những việc làm cụ thể như thế, theo tôi, tư tưởng Nho giáo mà ngài đã thấm đẫm ngay từ thuở thiếu thời đến khi trưởng thành có ảnh hưởng không nhỏ trong Phật sự này.

Từ khi được gia đình cho làm quen với bút nghiên, chắc chắn sau thời gian không lâu, Ngài đã thuộc nằm lòng lời dạy của ông Tổ đạo Nho: “Tử viết: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Khổng Tử nói: “Học mà mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư? (Khi học đã tấn tới rồi) có bạn (cùng chí hướng) ở xa nghe tiếng mà tìm lại (để bàn về đạo lý với nhau) chẳng cũng vui ư? Nhưng nếu không ai biết tới mình mà mình không hờn giận thì chẳng cũng quân tử ư?”[38].

Kinh sách Nho gia chắc chắn luôn nhắc nhở ngài: “Tử viết: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Khổng Tử nói: “Đạo đức không sửa tiến, học vấn chẳng giảng tập, nghe được điều nghĩa mà không làm theo, có lỗi mà không sửa đổi, đó là những mối lo của ta”[39].

Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, “Trong trận bão lụt lớn năm Giáp Thìn 1904, Sư đích thân quy nạp ghe thuyền và cùng với sự trợ giúp đắc lực nhân dân địa phương và các Tăng ni tín đồ thị xã Gò Công, trực tiếp cứu sống được rất nhiều người đang bị nước cuốn trôi. Suốt một tháng sau đó có khoảng gần năm mươi xác người chết trôi được đem về mai táng và được Sư làm lễ cầu siêu trong vòng 49 ngày liền”[40]. Và “Trận thiên tai lũ lụt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa năm 1907, trong đó có tỉnh Châu Đốc đã làm tổn thất thiệt hại mùa màng nặng nề, nạn đói kém lan tràn khắp nơi. Sư đã đứng ra hô hào kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi và đem cả lương thực của chùa ra phân phát cho các người gặp nạn. Bên cạnh đó, Sư còn đốc thúc ghe xuồng cứu vớt và nuôi dưỡng khoảng 500 nhân mạng của làng Tú Tề tị nạn lên núi và ở ngay trong chùa, chờ cho đến khi nạn lụt lội qua khỏi. Sư còn lập đàn Dược Sư 49 ngày cầu cho mưa thuận gió hòa, phát nguyện tịch cốc, chỉ ăn rau trái, suốt 12 năm liền để chịu khổ thay cho dân. Sau sự kiện này, tên tuổi và đức độ của Sư càng được nhiều người biết đến”[41].

Theo Lão Tử, “Thiên chi đạo tổn hữu dư nhi bỉ bất túc; nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc như phụng hữu dư. Thúc năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ? Duy hữu đạo giả?”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Đạo trời bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Đạo người [thói thường của con người] thì không vậy, bớt chỗ thiếu mà cấp thêm chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ? Chỉ có người đắc đạo mới làm được như vậy”[42].

Đây là việc làm đáng trân trọng, đúng với truyền thống văn hóa của dân tộc: “Dù xây chín cửa phù đồ / Không bằng làm phúc cứu cho một người”, “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Miếng khi đói bằng gói khi no / Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”, v.v. và cũng là hạnh bố thí của nhà Phật. Theo Phật giáo Nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Phật giáo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.

Việc thiên tai, dịch họa, Lão Tử cho rằng: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm”[43]. Chó rơm là hình dạng con chó được kết bằng rơm, ngày xưa dùng để cúng, cúng xong thì vứt bỏ, hoặc làm chất đốt, không xem trọng gì. Trời đất tức là luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân), không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật. Cũng vì lẽ đó nên thời nào và ở đâu, con người cũng thường trách tạo hóa “bất nhân”. Theo Lão Tử, việc đã như thế thì than thở chẳng ích gì, chi bằng thuận theo tự nhiên mà sống. Nhưng với Phật giáo có khác. Đối với những người đã chết, “được Sư làm lễ cầu siêu trong vòng 49 ngày liền” là đúng theo tinh thần nhà Phật. Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, viết: “Con quỷ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.

Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.

Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.

Qua bốn mươi chín ngày thời theo nghiệp mà thọ lấy quả báo”[44].

Quả báo như thế nào, vào nẻo nào trong 6 nẻo luân hồi, chắc chắn không ai biết, nhưng có điều chắc chắn là những người chết “được Sư làm lễ cầu siêu trong vòng 49 ngày liền” ấy sẽ giúp cho người sống, nhất là thân nhân những người quá vãng được yên lòng hơn. Đây cũng là hạnh nhập thế của nhà Phật.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng có dạy:

“Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích bồ đề

Cáp như cầu thố giác”.

(Phật pháp tại thế gian

Chẳng rời thế gian giác

Lìa thế tìm bồ đề

Cũng như tìm sừng thỏ)[45].

Xưa nay, không ít người nghĩ Phật pháp là chuyện trên trời dưới biển, xa vời đâu đâu, không có thực tế, hoặc chỉ dành cho Phật tử hay người tu trong chùa mà thôi. Không ngờ rằng Phật pháp tràn đầy ngay tại thế gian này, ngay trước mắt, trong đời sống hằng ngày, áp dụng bình đẳng, đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt Phật tử hay không Phật tử. Nếu sống cách ly thế gian, con người không thể giác ngộ chân lý, cho nên không giải thoát phiền não khổ đau được. Bởi vì lìa thế gian thì mất sáng suốt, khác chi đi tìm sừng thỏ! Và những việc làm của HT. Thích Chí Thiền như trong trích dẫn, quả đúng lời Phật dạy: “Đem của bố thí làm cho chúng sanh mến, đem pháp bố thí thường được thế gian kính trọng. Thí của được người ngu mến, thí pháp được người trí trọng, thí của phá trừ cái nghèo cùng về của, thí pháp phá trừ cái nghèo cùng về công đức. Hai món thí này ai chẳng kính trọng. Cho của là cho vui hiện tại; cho pháp là cho vui Niết Bàn tương lai. Người có lòng bi hay thương tất cả chúng sanh, mà thương chúng sanh tức là thương mình vậy”[46].

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” (L’habit ne fait pas le moine). Nhưng qua hành trạng của Ngài, chúng ta càng khẳng định khi Người một lòng hướng Phật, không sợ, không giận, không si,… thì làm sao phải sợ cái xấu, cái ác? Hồng trần chính là cái chão nhuộm, có người bị nhuộm thành màu đen, có người bị nhuộm thành màu trắng hoặc màu khác, nhưng điều quan trọng là giữ được bản tâm, hướng bản tâm của mình đến những điều tốt đẹp nhất chứ không phải bị nhuộm màu gì.

Hôm nay, chúng ta vân tập về đây để nhìn lại “Vai trò của Tổ đình Phi Lai và Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền với đạo pháp và dân tộc”. Riêng hạnh lành của Tổ sư – Hòa thượng Thích Chí Thiền để lại cho đời, cho Phật giáo Việt Nam như chúng tôi đã trình bày, rất đáng cho hậu thế, nhất là cho giới Tăng ni học tập./

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1- Dương Tú Hạc (HT Thích Trí Nghiêm dịch), Kinh Lời vàng, NXB Hồng Đức, H, 2012.

2- https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

3- https://vi.wikipedia.org/wiki/Lâm_Tế_tông

4- https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-truc-lam-dai-si/cu-tran-lac-dao-phan-nguyen-van/

5- https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13569

6- Hoàng Văn Lâu (Dịch và chú giải), Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, NXB KHXH, H, 2004.

7- H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, NXB Tôn giáo, H, 2016.

8- Lão Tử (Nguyễn Hiến Lê dịch), Đạo đức kinh, NXB Văn hóa, H, 1994.

9- Lục Tổ Huệ Năng (Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch và lược giải), Kinh Pháp Bảo Đàn (Phẩm Bát Nhã Thứ Hai), Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana xuất bản, 1992.- Dẫn theo https://quangduc.com/p157a46154/2-pham-bat-nha-thu-hai

10-Ngô Đức Thọ (Dịch và chú thích), Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, NXB KHXH, H, 2004.

11- Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, NXB Văn học, H, 1995.

12- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.

13- Tuyển tập thơ Tố Hữu, NXB Văn học, H, 1997.

14- Tỳ-khưu Bodhi (Bình Anson dịch), Những lời Phật dạy, NXB Tôn giáo, H, 2016.

Địa chỉ liên hệ:

ThS. Thích An Nhiên

Tịnh viện Thanh Lương

25 đường 62, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung,

Huyện Củ Chi, TPHCM

Điện thoại: 0905338829

E-mail: [email protected]



[1] ThS Ngành Tôn giáo học – Học Viện Khoa Học Xã Hội thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T. I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 794.

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[6] Ngô Đức Thọ (Dịch và chú thích), Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, NXB KHXH, H, 2004, trang 253.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 254.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 255.

[9] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 257.

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 254.

[11] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 255.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 262.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, sđd, trang 294.

[14] Hoàng Văn Lâu (Dịch và chú giải), Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, NXB KHXH, H, 2004, trang 13.

[15] Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 10.

[16] Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 21.

[17] Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 22.

[18] Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 10.

[19] Đại Việt sử ký toàn thư, T.2, sđd, trang 23.

[20] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[21] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lâm_Tế_tông

[22] https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/trai-tim-cua-truc-lam-dai-si/cu-tran-lac-dao-phan-nguyen-van/

[23] https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13569

[24] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[25] Dương Tú Hạc (HT Thích Trí Nghiêm dịch), Kinh Lời vàng, NXB Hồng Đức, H, 2012, trang 83.

[26] Tuyển tập thơ Tố Hữu, NXB Văn học, H, 1997, trang 71.

[27] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[28] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[29] Kinh Lời vàng, sđd, trang 95.

[30] Kinh Lời vàng, sđd, trang 95.

[31] Tỳ-khưu Bodhi (Bình Anson dịch), Những lời Phật dạy, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 170.

[32] Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, NXB Văn học, H, 1995, trang 28.

[33] Luận ngữ, sđd, trang 40.

[34] Luận ngữ, sđd, trang 29.

[35] Kinh Lời vàng, sđd, trang 83-84.

[36] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[37] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[38] Luận ngữ, sđd, trang 25.

[39] Luận ngữ, sđd, trang 122.

[40] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[41] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thích_Chí_Thiền

[42] Lão Tử (Nguyễn Hiến Lê dịch), Đạo đức kinh, NXB Văn hóa, H, 1994, trang 271.

[43] Đạo đức kinh, sđd, trang 170-171.

[44] H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 109.

[45] Lục Tổ Huệ Năng (Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch và lược giải), Kinh Pháp Bảo Đàn (Phẩm Bát Nhã Thứ Hai), Từ Ân Thiền Đường, Santa Ana xuất bản, 1992.- Dẫn theo https://quangduc.com/p157a46154/2-pham-bat-nha-thu-hai

[46] Kinh Lời vàng, sđd, trang 153.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/01/2022(Xem: 5002)
Ni Trưởng Thích Nữ Đạt Hương, vừa viên tịch tại Chùa An Tường, Nha Trang, Khánh Hòa
07/01/2022(Xem: 5167)
Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Đầy, sinh năm 1932, tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xuất gia năm 17 tuổi; thọ giới Sa-di-ni, năm 1952 thọ giới Thức-xoa tại chùa Huê Lâm (quận 11, Sài Gòn). Năm 1958, Ni trưởng theo học Trung Đẳng Phật học do quý Hòa thượng Ấn Quang tổ chức, nhập học Ni trường Dược Sư. Năm 1959, Ni trưởng tấn đàn thọ Tỳ-kheo-ni tại Dược Sư. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, Ni trưởng được theo học dự bị khoá Đại học Vạn Hạnh (1968), được cử làm Thư ký Ni trường Dược Sư. Năm 1971, Ni trưởng theo dự học khóa thiền hàng tháng tại tu viện Chân Không (Vũng Tàu). Năm 1976, Sư bà Bạch Vân viên tịch, di chúc Ni trưởng kế thế trụ trì, kế thừa phận sự chăm sóc Ni chúng và hướng dẫn Phật tử.
30/12/2021(Xem: 7094)
Tối ngày 11/02 âm lịch (03/03/2012), vào lúc 10 giờ tối, lúc đó tôi niệm Phật ở dưới hai cái thất mà phía trên là phòng của Sư Ông. Khi khóa lễ vừa xong, bỗng nghe (thấy) tiếng của đầu gậy dọng xuống nền phát ra từ phòng của Sư Ông. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên, vừa thấy tôi, Ông liền bảo: “Lấy cái đồng hồ để lên đầu giường cho Sư Ông và lấy cái bảng có bài Kệ Niệm Phật xuống” (trong phòng Sư Ông có treo cái bảng bài Kệ Niệm Phật). Khi lấy xuống Sư Ông liền chỉ vào hai câu: Niệm lực được tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh, rồi Sư Ông liền chỉ vào mình mà ra hiệu, ý Sư Ông nói đã được đến đây, sau khi ngồi hồi lâu Sư Ông lên giường nghỉ tiếp.
26/12/2021(Xem: 3899)
Tổ Liễu Quán sinh ngày 18 tháng 11 năm 1667 tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên . Ngài mồ côi mẹ lúc lên 6 tuổi. Năm 12 tuổi theo cha lên chùa Hội Tôn lễ Phật. Vì cảm mến cảnh chùa nên xin cha ở lại tu học. Duyên lành đến, hòa thượng Tế Viên xuống tóc và ban cho ngài pháp danh Thiệt Diệu. Năm ngài 19 tuổi, bổn sư viên tịch. Ngài tìm đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với tổ Giác Phong. Năm 1695 thọ Sa Di giới với hòa thượng Trường Thọ Thạch Liêm. Năm 1697, thọ Cụ Túc giới với hòa thượng Từ Lâm và năm 1699 ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, tâm thường suy nghĩ: Pháp nào là tối vi đệ nhất ta quyết xả thân mạng y theo pháp tu hành. Nghe chư thiền đức cho biết hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khéo dạy pháp tham thiền. Ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Hòa thượng Tử Dung cầu pháp. Tổ Tử Dung dạy pháp tham cứu công án " Muôn pháp quy về một, một quy về đâu?" . Một hôm nhân xem Truyề
18/12/2021(Xem: 4264)
Thượng Tọa Thích Phước Hựu vừa viên tịch tại Victoria, Úc Châu
16/12/2021(Xem: 4184)
Sáng qua, 22- 4, tại chùa Hội Phước (P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 50 ngày HT.Thích Giải Hậu viên tịch. HT.Thích Trí Thắng, Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi; chư tôn giáo phẩm trong Thường trực BTS, Thường trực Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Quảng Ngãi, cùng đại diện chính quyền và gần 200 thiện nam tín nữ gần xa tham dự. HT.Thích Giải Hậu thế danh Đỗ Minh Đường, sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, xuất gia năm 1935 tại tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn, đệ tử của cố HT.Diệu Quang - Đệ lục Tổ.
15/12/2021(Xem: 6634)
Thành Kính Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn, Viện Chủ Chùa Phổ Hiền, Strasbourg, Pháp Quốc
09/12/2021(Xem: 23230)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
06/12/2021(Xem: 4443)
Thông minh tam học thảy am tường Viên Chiếu thiền sư tham vấn nương Yếu chỉ thiền na thầm lãnh hội Huyền tâm thể tánh khéo thừa đương Đối cơ ứng vật thông nguồn diệu Gặp cảnh hoà tâm mở suối lương Thiền mạch tuôn trào ra mọi nẻo Non sông cẩm tú đạo soi đường .
23/11/2021(Xem: 5005)
Hòa thượng Thích Nhật Khai tự Diệu Trí (thế danh Nguyễn Đức Luân), sinh năm 1931 (Tân Mùi), thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 41, xuất gia tại tổ đình Quốc Ân, thuộc phái Nguyên Thiều, trú xứ tại chùa Giác Hoa. Do niên cao, lạp trưởng, Hòa thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 17 giờ ngày 21-11-2021 (17-10-Tân Sửu) tại chùa Giác Hoa (số 17/5 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM).; trụ thế 91 năm, 65 Hạ lạp. Lễ nhập kim quan được cử hành vào lúc 21 giờ ngày 21-11-2021. Kim quan Trưởng lão Hòa thượng được tôn trí tại chùa Giác Hoa (số 17/5 Nơ Trang Long, Phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]