Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

23/01/202207:07(Xem: 3471)
Đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh



thien su nhat hanh


Đóng góp của
Thiền sư Thích Nhất Hạnh




Tháng Hai năm 2019, tuần báo Time ở Mỹ viết một bài về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tựa đề "Vị sư dậy thế giới về Sống Tỉnh Thức đang chờ ngày chấm dứt cuộc đời" (The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life).

Bài báo nhận xét: "Nhất Hạnh được nhiều người Tây phương gọi là cha đẻ của mindfulness. Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường - như khi gọt một trái cam hay nhấp một hớp trà, một cách tỉnh thức."

Rất nhiều người góp phần làm cho từ "mindfulness" trở nên một phong trào, nhưng có lẽ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh góp phần nhiều nhất. Nhưng ông không phải chỉ đóng góp vào việc phổ biến phương pháp "Sống Tỉnh Thức." Ông còn là người đã nối kết các tư tưởng sâu xa trong kinh điển đạo Phật Bắc Tông (thường gọi là Đại Thừa) với những các phương pháp hành trì được Nam Tông chú trọng, như Thiền hành và Thiền Minh Sát, Vipassana, khi viết các cuốn sách và hướng dẫn các khóa tu tập ở các nước Tây phương cũng như khắp thế giới. Điều này là một truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, từ thời Khương Tăng Hội, là vị thiền sư sớm nhất ở Việt Nam vào thế kỷ thứ ba, cho tới khi các tông phái quyết định thống nhất trong thế kỷ 20.

Vì vậy, Thích Nhất Hạnh cũng khiến cho thế giới nhìn thấy và công nhận có một nền Phật Giáo Việt Nam mà ông là người tiêu biểu, bên cạnh các truyền thống Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, vân vân, đã được truyền bá trước đây.

Đối với giới truyền thông Tây phương thì nói đến Thích Nhất Hạnh là họ nghĩ tới "mindfulness," và ngược lại. Ngày nay, mindfulness đã thành một phong trào, từ sinh hoạt tâm linh, văn hóa, xã hội, đến cả trong kinh doanh và quân sự!

Đầu tháng Tư, nhật báo New York Times mới loan tin người ta cho quân đội Mỹ tập mindfulness. Tướng Walter Piatt, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq mỗi buổi sáng ngồi thở chậm và đều, bắp thịt cằm thả lỏng và mắt chăm chú nhìn vào một cây dừa. Ông cho thuộc cấp tập "quán niệm" để cải thiện khả năng chú ý và ngăn ngừa bệnh tâm thần do căng thẳng gây ra vì chiến trận. Ông đã đọc kết quả các cuộc nghiên cứu của bà Amishi Jha, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Miami.

Hải quân Hoàng Gia Anh, quân đội các nước Hòa Lan và New Zealand cũng đang áp dụng mindfulness trong chương trình huấn luyện. Trong tuần đầu tháng Tư, khối NATO có một cuộc hội thảo về phương pháp mindfulness ở Berlin.

Nhiều người nói đùa rằng mindfulness đang trở thành một món hàng bán chạy, đặt tên "McMindfulness!" Cứ 10 người Mỹ thì có 6 người đã tập thử. Các công ty Google, Apple, General Mills, Goldman Sachs và Aetna đang cho nhân viên thực tập. Năm 2012 có $260 triệu đô la "đầu tư" vào Mindfulness. "Công nghệ quán niệm" mỗi năm thu nhập $1.2 tỷ đô la.

Từ năm 2006, Công ty General Mills ở Golden Valley, Minnesota, bắt đầu có những buổi ngồi thiền nửa giờ vào buổi sáng, nghe chuông và theo dõi hơi thở. Công ty bán lẻ Target, tại trụ sở ở Minneapolis, có những buổi tập quán niệm hàng tuần. Ông tổng giám đốc trông thấy một nhân viên vừa đi vừa ngó vào Iphone, cũng nói đùa, "Này, đi đứng mindfully nhé!"

Một phần tư trong số 50,000 nhân viên của Aetna đã tập quán niệm ít nhất một lần. Và hãng bảo hiểm y tế này nói họ thấy hiệu quả. Họ tính ra thành các con số và tiền: Những người tu tập thấy giảm bớt trạng thái căng thẳng (stress) được 28 phần trăm, 20% ngủ ngon hơn, và 19% bớt đau nhức. Nhờ thế năng suất làm việc tăng lên, trung bình mỗi người một tuần làm việc thêm 62 phút. Tính ra, mang lại thêm $3,000 đô la một năm!

Tại Thung Lũng Điện Tử, California, Công ty Intel bắt đầu chương trình Awake@Intel từ năm 2012. Google có người đặc biệt phụ trách chương trình dậy quán niệm, tại trụ sở có những phòng cho nhân viên vào ngồi thiền bất cứ giờ nào. Google đã mời Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, cùng hơn 100 tăng ni Làng Mai từ Pháp qua đến giảng và dậy thực tập.

Người sáng lập công ty Salesforce là Marc Russell Benioff (tài sản khoảng $6.4 tỷ mỹ kim năm 2018), đi dự một khóa tu của Thích Nhất Hạnh, và thấy chính mình thay đổi. Ông mời hòa thượng, hoặc các tăng ni Làng Mai đến dậy nhân viên về Hiểu và Thương (Từ Bi, Trí Tuệ) nhiều lần. Năm 2015 ông gửi máy bay riêng đưa hòa thượng từ Pháp qua San Francisco trị bệnh; nhường một ngôi nhà của ông cho các tăng ni tạm trú cả năm trời.

Mindfulness được điện tử hóa với hàng ngàn "apps" để tập quán niệm qua computer. Công ty Headspace sản xuất một app trong số này, đã được cài trên máy bay của tám công ty hàng không, cho hành khách tập thiền. Headspace đang thiết kế những "phòng thư dãn cá nhân," giống như phòng điện thoại công cộng đời xưa, để ai muốn thì ghé vào đó thiền quán trong chốc lát.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được mời nói chuyện về quán niệm với các nhân viên và một số đại biểu quốc hội Mỹ. Ở Mỹ, ông đã hướng dẫn các khóa tu cho cảnh sát viên, cho nhân viên coi nhà tù, có người sau đó đã tu tập trở thành giáo thọ. Tu viện Làng Mai ở Pháp đã làm mẫu cho các tu viện khác ở Bắc Mỹ và Âu châu. Tại nước Mỹ có các tu viện Bích Nham (New York), Lộc Uyển (California), Mộc Lan (Mississippi).

Nhưng thực ra Đạo Phât và việc hành trì thiền quán đã được truyền sang Mỹ và các nước Tây phương từ nhiều thế kỷ.

 

Đại sư Vivekananda đã đi giảng tại Mỹ và Anh trong những năm 1894 đến 1896. Ông nói, "Tôi mang tới Phương Tây bản thông điệp mà Đức Phật đã tặng cho người Phương Đông." Trong thế kỷ 20, Jiddu Krishnamurti cũng từ Ấn Độ đã qua Mỹ dậy thiền quán mà không cần gọi đó là Phật Giáo. Thiền sư Shunryu Suzuki từ Nhật Bản đem theo truyền thống "Zen" phái Tào Động, lập ra thiền viện lớn đầu tiên trên đất Mỹ. Đức Dạt Lai Lạt Ma đã khai thị đạo Phật Tây Tạng cho hàng triệu người tập sống Từ bi và Trí tuệ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tạo ảnh hưởng rộng vì ông dậy các điều giản dị, cụ thể, ai cũng có thể làm, ngay trong đời sống bình thường. Thiền, Zen, không còn là một bí quyết dành cho các tu viện. Ai cũng có thể thực tập. Nhiều người đã thấy là chính họ chuyển hóa; không những bản thân mình hạnh phúc hơn mà còn sống với người chung quanh hòa hợp hơn. Thích Nhất Hạnh bắt đầu dạy qua những kinh nghiệm của mình từ khi đi tu năm 16 tuổi, tại chùa Từ Hiếu ở Huế mà nay ông trở về sống những ngày cuối cùng.

Trong cuốn sách đầu tiên gây ảnh hưởng trong giới tập thiền Tây Phương, Thích Nhất Hạnh kể lại kinh nghiệm tu tập của mình khi vào chùa Từ Hiếu. Mỗi khi làm bất cứ việc gì, chú tiểu đều đọc mấy câu thơ ngắn. Đó là những bài "kệ" nhắc nhở người sa di ý thức mình đang làm gì và chỉ chú tâm vào cử chỉ, hành động mình đang làm mà thôi. Nhờ thế, tâm an lạc, gọi là có chánh niệm, Thích Nhất Hạnh nói giản dị, là "sống trong giây phút hiện tại." Cuốn "Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức" viết từ thời 1960, nay đã được dịch ra bốn, năm chục thứ tiếng, bản tiếng Anh là Zen Key.

Không cần vào chùa, ai cũng có thể học những phương pháp tu tập đó. Thích Nhất Hạnh đặt thêm những câu kệ mới cho độc giả thực tập khi rửa chén, quét nhà, ăn cơm, uống trà, lái xe, dùng điện thoại hay computer, hoặc đánh răng.

Một điểm khác, theo truyền thống Bắc Tông, là Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh rằng tập sống quán niệm không chỉ nhắm tìm hạnh phúc riêng cho mỗi người. Phải tập sống an lạc với những người chung quanh, từ gia đình tới những người cộng sự, với xã hội và với cả trái đất đang nuôi dưỡng mình.

Thích Nhất Hạnh vốn là một thi sĩ, nhà văn và một thầy giáo. Ông sử dụng thứ ngôn ngữ truyền đạt dễ dàng, nhanh chóng. Ông chia sẻ những rung động, xao xuyến, âu lo của con người bình thường, nên những lời ông nói đi thẳng vào tâm hồn họ. Như khi ông nói, "Đức Phật là một người giác ngộ, yêu thương và tha thứ. Có nhiều lúc các bạn cũng thấy lòng mình như vậy. Thế thì, hãy vui sống lúc mình là Phật đi."

Nhiều vị thầy đã nêu ý kiến này, vì đó là một căn bản của đạo Phật: Mỗi người đều có Phật tánh. Satya Narayan Goenka một người Miến Điện, từng nói, "Đức Phật Thích Ca không truyền bá Phật giáo. Ngài dậy một cách sống." Goenka mới mất năm 2013 sau khi đã lập ra hai trăm trăm trung tâm tu tập Vipassana trên thế giới, dù không phải là một tu sĩ.

Nhưng ít người diễn tả ý kiến "Có Phật trong chính mình" theo lối Thích Nhất Hạnh: Các bạn nhiều lúc cũng là Phật, khi biết yêu thương, biết tha thứ! Hãy hường niềm vui sống như vậy!

Những người tập mindfulness không nhất thiết phải theo đạo Phật. Như Vivekananda nói ở Mỹ hơn 100 năm trước, "Tôi tới đây không phải để mời các bạn theo một tín ngưỡng mới. Tôi mong quý bạn giữ tín ngưỡng của mình. Một người theo Methodist sẽ thành một người Methodist tốt hơn; một người Presbyterian thành người Presbyterian tốt hơn …" Thích Nhất Hạnh luôn luôn khuyên người phương Tây không nên bỏ đạo. Cho nên trong các tu viện Làng Mai, có các mục sư, có linh mục, cả người Hồi Giáo và Do Thái Giáo.

Vivekananda và Thích Nhất Hạnh đều theo đúng truyền thống Phật giáo. Đức Phật cống hiến một cách sống, chứ không có ý định lập ra một tôn giáo. Người tu tập theo Đức Phật có thể chia sẻ kinh nghiệm tâm linh với tín đồ các tôn giáo khác. Cuốn Living Buddha, Living Christ của Thích Nhất Hạnh xuất bản trước đây 20 năm đã được hàng triệu người mua trong mấy năm đầu tiên và dịch ra nhiều thứ tiếng ở Âu châu.

Nhưng nếu chỉ chú ý đến hiện tượng phong trào Mindfuless thịnh hành như một di sản chính của Thích Nhất Hạnh thì quá giản lược. Ông đã đóng góp không nhỏ vào việc học hỏi và áp dụng các tư tưởng sâu xa của đạo Phật Bắc Tông.

Những người nghiên cứu Phật Giáo cũng như các người hành trì đều biết các kinh điển Đại Thừa như Bát Nhã, Kim Cương, Hoa Nghiêm, học thuyết Duy Thức đều thâm sâu, nhiều khi khó hiểu. Thực ra người ta không thể hiểu các kinh điển này bắng Trí, mà đạo Phật gọi là "Trí Phân Biệt." Phải tu tập thiền quán mới có thể "hiểu" bằng Tâm.

Tnh đã đưa các kinh điển trên vào các phương pháp tu tập. Ông đem các tư tưởng, giáo lý và luận thuyết uyên áo trong đó ra giải thích những điều bình thường mà người học Phật nào cũng phải biết, như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Mười Hai Nhân Duyên. Nhờ tập quán niệm, người ta có thể hiểu các kinh điển bằng chính sự sống của mình. Người hành trì thấy họ đang áp dụng lý "duyên khởi" của Bát Nhã, đang thể hiện nguyên lý "tương tức" trong Hoa Nghiêm, và quán chiếu thân tâm mình, nhờ ánh sáng của tâm lý học Phật giáo, mà Huyền Trang đặt thành Duy Thức Học, nay Thích Nhất Hạnh đề nghị dịch lại thành Duy Biểu Học.

Như bà Janet Gyatso, giáo sư trường tôn giáo của Đại học Harvard nhận xét, "Thích Nhất Hạnh đưa ra một cách nhìn đạo Phật giản dị, nhưng không làm cho quá sơ lược." Căn bản tư tưởng của ông, Janet Gyatso nói, cũng giống như của Đức Đạt Lai Lạt Ma, là "Chánh niệm và Từ Bi."

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp người phương Tây nhìn ra có một truyền thống "Phật giáo Việt Nam." Trước đây họ chỉ biết các truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, vân vân.

Bài báo Time nêu trên đây ghi nhận xét của Paul Marshall, giáo sư tôn giáo Đại học Baylor University ở Texas; ông nói rằng Thích Nhất Hạnh về Việt Nam sống những ngày cuối cùng, ở chùa Từ Hiếu nơi ông đã xuất gia, cho mọi người thấy chính ông và đạo Phật mà ông tiêu biểu, từ căn bản, là Phật Giáo của người Việt Nam.

Thầy Thích Pháp Ấn, người đứng đầu Phật Học Viện Âu châu ở Đức, về chùa Từ Hiếu sống bên cạnh bổn sư một thời gian. Ông nói với báo Time: Chắc Thầy muốn dạy các đệ tử của mình trở về nguồn cội, cho các học trò của thầy nhớ rằng gốc rễ của họ là ở Việt Nam.

Nước Việt Nam là nơi Phật giáo Nam Tông và Bắc tông đều có mặt. Một kinh căn bản được Phật giáo Nam Tông hành trì là Anapana đã được Thiền sư Khương Tăng Hội ở Giao Châu (Miền Bắc Việt Nam bây giờ) dịch thành An Bang Thủ Ý từ thế kỷ thứ ba. Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường khuyên nọi người thực tập "thiền hành," một phương pháp mà các vị tăng sĩ Thái Lan, Miến Điện, Campuchia thực tập mỗi ngày.

Trở về Việt Nam sống những ngày cuối cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể giúp Phật giáo ỏ quê hương mình tìm đường trở về nguồn. Người ta có thể thấy phương pháp tu tập của Làng Mai ai cũng nên tu tập. Cách sống trong Làng Mai đưa người Việt trở về gần với giới luật cổ truyền hơn. Như một ni cô kể, "Tại Làng Mai, chúng tôi cười đùa vui vẻ suốt cả ngày, nhưng không một ai trong chúng tôi có tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu cá nhân. Không ai trong chúng tôi có xe hơi hoặc điện thoại riêng…"

Sống như vây chẳng phải là hạnh phúc sao?





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2020(Xem: 5700)
Vào ngày 28 tháng 12 năm 2019, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose đã trang nghiêm tổ chức Lễ Chung thất Trai tuần đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang. Tham dự buổi lễ, có Hòa thượng Thích Thông Đạt, viện chủ chùa Đại Nhật Như Lai; Thượng tọa Thích Thiện Long, trụ trì chùa Thiên Trúc, Thượng tọa Thích Từ Đức, Tu viện Kim Sơn; Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, trụ trì chùa An Lạc; Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Thường, trụ trì chùa Thường Quang; Ni trưởng Thích Nữ Như Tịnh, Đạo tràng Từ Bi; cùng chư Tôn đức Tăng, Ni, Huynh trưởng GĐPT và đông đảo Phật tử đến từ nhiều tự viện Phật giáo ở miền Bắc và miền Nam California.
24/12/2019(Xem: 9737)
Hòa Thượng Thích Quảng Bình (1948-2019) vừa viên tịch tại Quy Nhơn, Bình Định
19/12/2019(Xem: 6851)
Tôi biết đến Ni Sư Giới Hương 22 năm về trước, khi tôi du học đến Delhi, Ấn Độ. Đó là lúc Hội Lưu Học Sinh Việt Nam họp bàn kế hoạch tham quan Taj Mahal và danh lam thắng cảnh ở Delhi trước khi vào khóa học Mùa Thu, 08/1997. Vì NS Giới Hương đã du học Ấn Độ trước chúng tôi 2 năm và học ở Cử Nhân Phật Học, Đại Học Vạn Hạnh trước chúng tôi 1 Khóa ( NS học Khóa II, còn tôi Khóa III), nhưng những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi lúc đó đối với Ni Sư là : gần gũi, thân thiện, hay giúp đỡ người khác, khiêm tốn, Anh Văn khá lưu loát, trân trọng những người xung quanh, vâng giữ Bát Kỉnh Pháp (thể hiện sự tôn Kính đối với những vị Tỳ Kheo cho dù nhỏ tuổi Đời và Đạo hơn mình). Chắc hẳn nhiều Ni Sinh trong Khóa chúng tôi mơ ước và thầm hỏi : không biết đến khi nào biết rành Anh Ngữ và Delhi như Ni Sư dạo ấy. Chuyến tham quan đó có nhiều kỷ niệm vui và diễn ra tốt đẹp. Mới đó mà đã hơn 20 năm trôi qua, cho đến nay, tôi nhận được lời mời viết bài đóng góp cho Kỷ Yếu : “Tuyển Tập 40 Năm Tu Học và Hoằ
18/12/2019(Xem: 15114)
Năm 2010: Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Ý chứng minh Đại Lễ Mừng Chu Niên 20 năm (1990-2010) Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
17/12/2019(Xem: 5700)
Do niên cao lạp trưởng, Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thuận tịch vào lúc 16 giờ 15 phút ngày 19-11-Kỷ Hợi (nhằm ngày 14-12-2019), tại trú xứ Ni viện Diệu Đức; Trụ thế 94 năm, 66 hạ lạp. Ni trưởng thế danh Tôn Nữ Hồng Tường, pháp danh Tâm Từ, pháp hiệu Trí Viên, sinh năm Bính Dần (1926), tại phường Thuận Thành, cố đô Huế. Năm 1948, Ni trưởng được Đức Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết thế độ và cho thọ Sa-di-ni, ban pháp tự Diệu Tấn. Sau đó, Ngài gửi Ni trưởng y chỉ với cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hương, tu học tại Ni viện Diệu Đức. Năm 1953, Ni trưởng được Bổn sư cho thọ giới Cụ túc.
14/12/2019(Xem: 6693)
Tú Quỳ là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đồng thời với Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở miền Bắc, Học Lạc, Nhiêu Tâm ở miền Nam, thơ văn của ông từ nội dung đến ngôn ngữ đều thể hiện một tính cách đặc biệt – tính cách Tú Quỳ Quảng Nam.
13/12/2019(Xem: 9768)
Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam tập 3_Thích Đồng Bổn_2015, Phật giáo Việt Nam cùng với vận mệnh đất nước đã trải qua bao hưng suy thăng trầm của lịch sử. Nếu như nước nhà thời nào cũng có anh hùng thì Phật giáo giai đoạn nào cũng có danh Tăng dựng đạo giúp nước. Đó là những tấm gương sáng giá góp phần tạo nên lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn cận và hiện đại với công cuộc chấn hưng và phát triển Phật giáo song song với sự vươn lên của dân tộc.
27/11/2019(Xem: 10809)
Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 6 giờ 45 phút sáng nay, 27-11 (2-11-Kỷ Hợi) tại chùa Phước Thiện, phường B’Lao, TP.Bảo Lộc - trụ thế 96 năm, 73 hạ lạp. Trưởng lão HT.Thích Tánh Hải là Uỷ viên Thường trực HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, viện chủ chùa Phước Thiện (TP.Bảo Lộc).
27/11/2019(Xem: 7266)
Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu những nhân vật, con người, đã và đang đóng góp công sức cho Phật giáo Việt Nam ngày nay, dù chỉ một thoáng để lại dấu ấn trên cuộc đời rồi đi vào quên lãng, ít ai còn nhắc tới. Chúng tôi, những người viết lại lịch sử Phật giáo cảm thấy áy náy khi chưa nêu được những danh tính nhân vật tiền nhân và đương đại, để những nhà nghiên cứu tìm biết về sự góp mặt của họ trong dòng chảy lịch sử Phật giáo, để lớp bụi thời gian đừng xóa nhòa đi tất cả.
26/11/2019(Xem: 5846)
Tổ Huệ Quang (Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam), Thiền Sư Huệ Quang húy Thiện Hải, thế danh Nguyễn Văn Ân, sinh năm 1888 tại quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau đó Ngài theo thân mẫu về sống tại Trà Vinh. Năm 19 tuổi Ngài xuất gia tại chùa Long Thành ở quận Trà Cú và theo học với Thiền Sư Thiện Trí. Gần Thiền Sư Thiện Trí, ngoài kiến thức Phật học, Ngài còn được trao truyền kiến thức y học Đông Phương nữa. Tên Thiện Hải là do Thiền Sư Thiện Trí đặt cho Ngài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]