Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điếu Văn Cùng Tiểu Sử Phụng Tiễn Giác Linh Đại Trưởng Lão Tịnh Đức (1939-2022)

09/01/202207:03(Xem: 4329)
Điếu Văn Cùng Tiểu Sử Phụng Tiễn Giác Linh Đại Trưởng Lão Tịnh Đức (1939-2022)





ht tinh duc



Vô cùng kính tiếc báo tin:
Trưởng lão Hòa thượng Tịnh Đức, Phó Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam tại Hoa Kỳ, Viện chủ chùa Đạo Quang, Garland, Texas, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, sau một thời gian lâm trọng bệnh đã an nhiên viên tịch vào lúc 20 giờ 27 phút ngày 7/1/2022, giờ Texas, Hoa Kỳ, tức 7 giờ 27 phút ngày 8/1/2022 tại chùa Đạo Quang trong không khí hộ niệm trang nghiêm của chư tôn đức trưởng lão và các hàng môn đệ.

Trưởng lão và Hòa thượng Chơn Trí, Viện chủ chùa Pháp Vân, Pomona, CA là hai vị tôn đức thuộc truyền thừa Phật giáo Nguyên thủy người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ gieo trồng hạt giống Phật tại đây vào đầu thập niên 1980. Lúc sinh tiền, đối với các chùa Nam tông tại Thừa Thiên Huế, Ngài rất quan tâm giúp đỡ và có giao tình sâu đậm với các vị tôn đức trưởng thượng các chùa ở cố đô.

Toàn thể Tăng Ni Phật tử Phật giáo Nam tông tại Thừa Thiên Huế chí thành đảnh lễ giác linh Trưởng lão. Kính cung tiễn Ngài cao đăng cảnh giới an lạc!
Lễ truy niệm, thọ tang và trai tăng cúng dường phước lên Trưởng lão sẽ được tổ chức vào trưa chủ nhật, 7/12/Tân Sửu, tức 9/1/2022 tại chùa Huyền Không.

***


ĐIẾU VĂN
(Cùng Tiểu Sử)

Phụng Tiễn Giác Linh
Đại Trưởng Lão Tịnh Đức
(Chủ trì chùa Đạo Quang tọa lạc tại số 3522
N. Garland Avenue Garland, Texas 75040, USA)
***


Ôi!
Từ ngàn dặm xa xôi,
Cách biệt Thái Bình Dương,
Nghe tin sư huynh đã đi rồi,
Mà xót xa
Mà bồi hồi
Như giọt sương chẳng muốn rơi,
Chỉ để lắng nghe càn khôn vừa nổi gió!
Như đám mây không trôi mà dừng lại,
Chỉ để ngắm nhìn trò thiên diễn lưỡng nghi!
Lửa nuôi nghiệp mệnh chẳng phải vô vi
Nên bấc lụn, cạn dầu… là hiển nhiên, tất định
Dẫu là Sự Thật: Tử sinh lão bệnh
Nhưng “thương mà xa’ là khổ đế phải đành cam!
Tứ chúng, môn sinh không ngớt bàng hoàng
Trong thoáng chốc chợt mất đi điểm tựa!
Đệ muốn hỏi,
Tại sao sư huynh đã vội vàng xoa tay, phủi bụi,
Đã vội vàng xả bỏ báo thân,
Khi tuế nguyệt chưa chẵn trăm năm
Mà cánh hạc vàng đã hà phương, hà xứ?
Ôi!
Hỡi ôi!
Thương, rất thương
Và vô cùng tưởng tiếc;
Nên ngôn và lời hôm nay: Hớt hãi điếc câm!
Bất lực tứ từ,
Phải dùng trái tim: Nghiên mực, điếu văn!
Sư huynh ôi!
Trời mây Sơn Thượng, Đông lạnh căm căm,
Và sương nước Ngọa Tùng tự dưng rét giá
Núi Hòn Vượn, lĩnh cao trơ đá
Rừng cây buốt đau,
Như cùng nhau đồng cảm phút chia xa…
Sinh như hà!
Tử như thị!
Sư huynh đã một đời vị tha, xả kỷ
Nhẹ chiếc thân: Khinh khoát, phiêu bồng
Đã liễu ngộ lâu rồi: Sắc tức thị Không!
Nhưng Không ấy cũng chưa hề dính mắc
Sống với thế gian, cõi thường phàm dung tục,
Thì phải tùy nghi lúc Trí lúc Bi
Mà yêu thương,
Mà đùm bọc,
Mà sẻ chia…
Mà nói pháp:
Chỉ là những câu chuyện đời thường
Cho bao người sáng mắt
Dễ dàng như:
“Nước chỗ cao tìm về chỗ thấp
Chỗ này đầy chảy qua chỗ thiếu!”
Chẳng kiêu kỳ, kiểu cách… lề khung…
Tự nhiên, như nhiên
Đi đứng thung dung…
Nhưng “biệt nghĩa” chữ, câu - nói năng, thì…
Lúc dí dỏm,
Lúc xuề xòa,
Lúc bí hiểm,
Lúc như công án, tiên tri
Lúc như mật ngôn, mật pháp!
Cánh cửa huyền vi
Sư huynh đã thò tay:
Đóng vào, mở ra… thấy chật!
Thì xuất xử, đến đi…
Đố ai biết hành tung?
Như rồng thần giữa ngàn mây cao xa kia,
Giấu ẩn giữa thiên khung!
Ôi!
Nhớ giác linh xưa,
Dòng tộc hoàng gia,
Thuộc Đệ bát hệ, Đệ nhị phòng
Dòng dõi Chúa Nguyễn Phúc Thụ
(Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế)
Thế danh Tôn Thất Toản
Tuổi Giáp Thân, sinh ngày mồng 01/8/1944
Thân phụ Tôn Thất Nhượng,
Sinh năm 1897, mất năm 1982, thọ 85 tuổi
Thân mẫu: Nguyễn Thị Bàng,
Sinh năm 1903, mất năm 1963, thọ 61 tuổi
Quê quán Hương Trà, Huế, tỉnh Thừa Thiên
Sau vào ở tại Thạc Gián, Đà Nẵng, Quảng Nam
Là một gia đình tín Phật, hiền lương,
Nhiều đời tựa nương Tam Bảo
Tôn Thất Toản, từ trẻ lớn lên, tài giỏi, thông minh
Học tại trường Trung học Phan Chu Trinh
Năm 1963, hết phổ thông, lấy xong Tú Tài 2, tuổi vừa 19.
Rồi thi đậu vào trường Đại học Y khoa, Huế
Theo được một năm, thấy không hợp duyên đời,
Bỏ ngang không học nữa.
Thanh niên Toản,
Tính vốn khác tục
Coi thường y phục ngoại hình,
Cốt lõi là trí tuệ và tâm hồn
Phô phang bên ngoài làm chi, vô ích!
Hôm ấy, có lẽ là “ngày lành tháng tốt”
Cậu thanh niên quyết chí đi tu.
Thế là,
Ăn mặc tuềnh toàng,
Quần áo nâu dà,
Mang đôi guốc gỗ
Lọc cọc… bước thấp… bước cao…
Mùa hè năm 1964,
Đến chùa Tam Bảo, Đà Nẵng
Duyên lành gặp ngài trụ trì Pháp Nhẫn
Liếc qua hình thức và diện mạo
Biết là “đá” kia có ẩn “ngọc” bên trong
Nên ngài đã tự tay cạo đầu – xuống tóc sạch bong!
Như thầm nói với cậu thanh niên kia,
Hãy xả bỏ uế trược bụi trần
Đi theo con đường thoát tục
Thanh niên Toản làm giới tử từ đây!
Vì, trí vốn sáng,
Vì, nghiệp tu vốn dày sâu, đọc qua là thuộc
Nên dễ dàng tóm thâu kinh, luật, giới nghi…
Vào Sài Gòn, ngày 15 tháng 7, 1965
Được Trưởng lão Giới Nghiêm làm thầy tế độ
Cho thọ giới Sa-di tại Kỳ Viên Tự
Bổn sư đặt pháp danh là Tịnh Đức
Là Visuddhiguṇa, Pāḷi-Phạn ngàn xưa…
Trú xứ ở đây 2 năm phục vụ Bổn sư,
Vâng nghiêm huấn, tập tành trong ngoài phận sự.
Thế rồi,
Năm 1967, 23 tuổi, Sa-di Tịnh Đức về Phật Bảo Tự
Tại Phú Thọ Hòa, Gia Định… theo gót chân thầy
Ở chùa Tổ, cùng với huynh đệ nơi đây
Ba bốn chục sư tăng đồng môn, đồng lữ
Không nói hai thời khóa công phu
Cũng không kể, chuyện bình thường lao tác…
Chỉ nhớ năm tháng, dần dần, quãng đời cũ bỏ xa…
Và cũng quen thuộc dần dần đời sống xuất gia…
Năm 1969, chỉ 2 năm sau,
Bổn sư cho xuất dương Thái Lan du học
Huynh đệ cùng đi tương đương tuổi tác
Và cũng từ đây, mài dũa luật, kinh
Và cũng từ đây, sự học đăng trình…
Ôi! Ngôi chùa Paknaṃ - Bangkok
Là nơi chư vị trưởng lão tiền bối đã đến đây cầu ,
Là nơi sách đèn cho nhiều thế hệ Tăng sinh Việt Nam
Thế là vào lúc 16h30, ngày 5 tháng 7 năm 1970
Sa-di Tịnh Đức được thọ Đại giới.
Thầy tế độ là ngài Puññavaro Mahā Thero.
Yết-ma, giáo thọ là hai ngài:
Vijjo Mahā Thero và Paññavirato Mahā Thero
Tại Paknaṃ Bhasicharoen, Bangkok, Thái Lan.
Tỳ-khưu Tịnh Đức từ đây, mọi gian khổ chẳng từ nan
Học rộng và sâu hơn về Luật, về Kinh,
Học thêm Pāḷi, Abhidhamma và trau dồi ngôn ngữ Thái
Suốt 5 năm miệt mài không trể nãi
Cũng tạm đủ tư lương lên đường cho chí nguyện Sa Môn
Đồng thời, lại nói đến Đại đức Chơn Trí,
Thọ giới một thầy là Trưởng lão Giới Nghiêm,
Năm 1972, nhóm đệ huynh du học Thái Lan
Cũng chí nguyện tầm cầu Nam Phạn Pāḷi Nguyên thủy
Cũng không nệ hà khó khăn gian khổ
Chữ nghĩa, kinh văn đốt cháy mái đầu xanh
Ba năm sau, 1975 - sở học tạm thành
Cũng là lúc được thọ tỳ-khưu đại giới
Mang dòng máu hạc trời dong ruổi
Thế là ngày 16 tháng 5, 1975
Hai vị Đại đức Tịnh Đức và Chơn Trí đệ huynh
Cùng nhau vân du Pháp quốc
Sau đó, có thêm Đại đức Đức Minh
Từ chùa Phật Bảo, sang đây lưu trú
Đầy đủ đồng môn đồng lữ vui thay!
Họ cùng nhau góp sức chung tay
Năm 1976, tên gọi chùa Kỳ Viên có mặt
Chỉ là căn nhà nhỏ đơn sơ…
Chỉ cốt có chỗ nương thân và tụng kinh lễ bái…
Ôi!
Đất Pháp, thủ đô Paris
Đâu phải là chỗ dễ dàng gieo duyên hoằng pháp
Ngay vật thực nuôi mạng hằng ngày cũng đã khó khăn
Thiện nam tín nữ: Không!
Và “không” cả kẻ quen người biết,
Có lần Đại đức Tịnh Đức kể nhỏ cho tôi hay,
Kể về khó khăn, gian khổ nhiều bề
“- Đừng nói với ai,
Phật tử không có mặt ở đây,
Nhưng họ có tai nghe, tội chết!
Có lần đói vàng mắt
Tôi và Chơn Trí lén lấy từ thùng rác những gói ăn thừa
Gọi là thức ăn thừa nhưng còn nhãn hộp.
Lại còn đùa:
Thế là chẳng cần “quán vật thực bất tịnh”,
Vì nó đã là “bất tịnh nguyên xi!”
Kể đặc trưng một chuyện,
Để biết, thuở ấy, ông Sư trời Tây chẳng ra gì,
Khác văn hóa, khác tín ngưỡng…
Lại bất đồng ngôn ngữ…
Ngay chiếc y vàng, họ xem như mọi rợ!
Thì nói chi giáo pháp quang minh
Thì nói chi lợi lạc quần sinh!
Phải nói là hoàn toàn bó tay, bất lực…
Ôi!
Nhiều đêm đệ huynh bàn bạc
Nhiều vấn đề thao thức, trở trăn
Gắng gượng gần 2 năm,
Vậy là, tháng 7 và tháng 11 năm 1977,
Cả hai vị đã đặt chân đến Mỹ
Định cư tại California
Có mảnh đất có thể mua
Nhờ cư sĩ Trần Minh Lợi nhiệt tình,
Lại hằng sản, hằng tâm
Cùng hợp lực xây nên chùa thất!
Thế rồi, năm 1978, chùa Pháp Vân chính thức dựng lập
Để đệ huynh tha hương vui khổ có nhau
Đằng đẵng 10 năm…
Cũng chỉ như nước chảy qua cầu…
Nhưng đã vượt qua biết bao ghềnh thác…
Huynh đệ đồng cam, cộng khổ
Như cánh chim tha từng cọng rơm làm tổ
Xây thêm chỗ này, nới rộng chỗ kia
Nội thất sắm sửa, ngoại cảnh điểm tô…
Trăm việc xô bồ…
Gia sức, gia công khi chút ít…
Tín nữ, thiện nam… góp thêm tài vật…
Đến khi duyên giáo pháp tại Cali…
Đã nên vóc, nên hình
Thì Đại đức Tịnh Đức lại tính chuyện ra đi
Vì là mệnh “thiên di”, tức là “nghiệp đi”,
Nên ý chí lại móng khởi “mộng hồ rong ruổi”
Đại đức Chơn Trí, lúc này, đã trung niên đứng tuổi
Lại thêm phẩm mạo, tăng tướng uy nghi
Có thể đảm trách, gánh vác, chủ trì
Nên sư huynh đã phó thác chùa Pháp Vân cho pháp đệ!
Sau đó,
Suốt mấy năm rong chơi, lang thang y bát
Chẳng khác gì “hành cước du tăng”
Rồi sư huynh đã tìm kiếm được một khu rừng
Có vẻ như còn nguyên sinh trù mật
Rồi dựng cốc ẩn tu
Đặt tên là Phù Vân Am như phận đời “mây nổi”!
Điện văn, nhắn tin cho đệ, huynh khoe là:
“- Tôi đang ở rừng, cũng tạm coi là “ẩn sĩ thâm lâm”
Ăn cỏ, ăn rau, nằm võng, làm thơ…
Bạn hữu thì có gió, có trăng…
Có rắn rít, thỏ sóc…
Và muôn chim líu lo, tưng bừng, ríu rít…”
Nói thì nói như văn, như thơ thế thôi
Nhưng tự tâm, huynh muốn sống đời độc cư thiền định,
Sẽ 10 năm miên mật, vô ngôn!
Thượng tọa Pháp Nhẫn hay tin, vì xa gần cho biết
Nên mời thỉnh sư huynh về Tự viện Liên Hoa
Để cùng nhau đàm đạo ẩm trà
Không thể để cho chí lớn tài cao chôn mình trong xó núi
Hệ phái lúc này rất cần Tăng nhân có tâm, có tài, có trí
Về đi thôi, nhập cuộc, chung tay!
Nghe bùi tai, sư huynh bèn “neo trạm” từ đây!
Thế rồi,
Tại bang Texas
Có Thượng tọa Pháp Nhẫn trợ duyên,
Năm 1997, sư huynh xây dựng chùa Đạo Quang
Tại N. Garland Avenue Garland
Trên khoảnh đất nhiều hectare rộng rãi
Rất quy mô, rất bề thế, cố kiên và vững chãi…
Ôi!
Chí Sa Môn âm thầm, mưa nắng, gió sương phải trải…
Thế mà sư huynh thường tự khiêm:
“Tôi chẳng được tích sự gì
Ham chơi mãi
Lang thang mãi
Thua sư đệ, sư huynh
Thua tất thảy đồng môn, đồng niên, đồng lữ…
Công đức nói làm chi!
Phước báu nói làm chi!”
Thế mà, cơ ngơi Đạo Quang,
Nhìn trong ngoài: Tòa bảo sát uy nghi
Cả một quần thể kết nối nhau hoành tráng
Chưa kể chánh điện, lầu Đông, lầu Tây,
Dãy dọc, dãy ngang… thiền đường, nhà giảng…
Chỉ mấy cụm đá thôi, đã vượt Thái Bình Dương
Bay sang đây, chụm đầu, đứng ngồi góp cảnh.
Lễ hội đông vui, Nam Bắc cúng dường
Đâu chỉ tín đồ Nguyên thủy
Tâm sư huynh bao dung, rộng mở
Như mùa Dâng Y vừa rồi
Sư huynh “khoe” có 1400 bộ y
Trưởng lão Pháp Nhẫn chủ lễ, chủ trì…
Quan khách hằng ngàn,
Không chỉ Bắc tông
Mà Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lành…
Thảy đều hỷ hoan “trẩy hội”
Ôi!
Nhớ giác linh sư huynh,
Thường điện văn, tin nhắn…
Rất nhiều năm thăm hỏi, sẻ chia
Lần nào về Việt Nam
Cũng lên Hòn Vượn, ghé mái chùa quê!
Năm 1994,
Khi đệ đang ẩn cư tại Tỉnh Thượng Liêu
Nơi mái rạ đơn sơ vách gió lùa
Không đủ che mưa nắng
Sư huynh lội bộ lên đây,
Nghỉ ngơi chưa ấm chỗ,
Đã chỉ Bắc, chỉ Nam… nói về phong thủy, huyền linh
Còn nói chuyện với Sơn Thần, Thổ Địa:
“- Hãy gia lực hộ trì
Cho ông sư nhà văn, thi sĩ!
Sau này, ở đây trở thành
Cảnh Thiền, Cõi Phật: Nhất đẳng chi lâm!
Trong túi có mấy trăm đô, tặng luôn,
Nói là để ẩm trà, hứng thơ, thêm chữ…
Và vừa mới đây thôi,
Còn kể những chuyện rất chi là huyền bí…
Và đây nguyên văn:
“Sư biết không!
Tôi qua Bồ Đề Đạo Tràng,
Suốt 2 tuần,
Ban đêm, hóa thân đi đánh nhau với nhóm Bà La Môn
Tụi Thờ thần Vichnu, Siva và Ganesh…
Đánh luôn cái bọn Hồi giáo ác tâm diệt Phật,
Vui lắm sư ơi!”
Còn nữa:
“Kiếp nớ, tôi là An Dương Vương,
Chém đầu Mỵ Châu,
Nên cô này hay hiện hình tìm tôi báo oán
Báo oán chi được
Vì mê tình, ngu si
Trao nỏ thần cho giặc!
Oan ức nỗi chi?”
Còn nữa,
“Phái Kim Cang thừa có bộ Liên Hoa Ấn, 108 ấn.
Khi mô tôi muốn bắt ấn ấy,
Tập trung tâm ý thì bắt được!”
“Tôi ở Tây Tạng trước thời Liên Hoa Sanh,
Patmasamvara - trước ngài Tilopa và Milarepa.
Tôi thấy hành trạng của thiền sư áo vải Milarepa này,
Khuôn mặt giống sư Giới Đức y hệt.
Có nhớ, có liên hệ gì không?
Coi chừng, tịnh cốc ẩn tu định tuệ 3 năm
Mà những kiếp quá khứ không biết cũng uổng công!
Rứa là sư tu dở ẹc…”
Còn nữa,
“Tôi đi vào tu viện L’hasha,
Chùa của Đức Đạt Lai Đạt Ma, xuống tầng thứ tư,
Thấy xác mình thếp vàng ngồi đấy!”
Mà thôi, sư huynh nhé,
Kể nhiều quá rồi,
Dù bao nhiêu trang giấy
Cũng không nói hết hành trạng lạ lùng
Kỳ bí của một hiện thân phong cách thượng tôn:
“- Mặt hiện, mặt ẩn
Hòa trong nhau, lẫn trong nhau
Và cùng sinh tồn
Cùng đi suốt chặng đường dài trần ai viễn mộng!”
Sư huynh làm nhiều, đi nhiều, vất vả nhiều
Nhưng dường như chỉ hí du chốc lát
Rồi trở lại hành trình diệu vợi xa xăm
Quả đất này, quá chật chội
Đã trở đi lộn lại mấy trăm lần
Vẫn sinh hóa, nhưng đạt giác ngộ cuối cùng
Cũng còn tùy hạnh nguyện!
Ba La Mật - nó tự tu tập,
Không phải là Ta tu,
Vì Cái Ta là huyễn hư, không thật!
Ngay xác thân này, hình hài sư huynh,
Cũng chỉ tạm mượn 4 đại mà xài thôi!
Cả tháng nay,
Sư huynh không ăn, chỉ uống nước
Qua sư huynh Chơn Trí,
Đệ điện thoại hỏi thăm,
Thấy sư huynh sắc mặt vẫn hồng hào,
Nói năng tỉnh táo!
Chư Tăng Ni Phật tử khắp nơi
Đâu biết rằng, sư huynh đang được dưỡng nuôi
Bằng thực phẩm vi tế, không phải của cõi người
Đợi “nghiệp và thọ hành” đến duyên, thời - thu xếp!
Ôi!
Đại nguyện chi nề câu nguyệt ảnh
Hư tâm nào quản tát trùng dương
Dẵm mòn Đông độ trừng mây khói
Đạp nát sơn đầu vạch tuyết sương
Co ruỗi tự nhiên chân thượng trí
Đến đi hào sảng gót thiên lương…
Giã biệt sư huynh,
Chúng ta tạm rẽ đôi đường
Vì hành trang, tư lương,
Nguyện và hạnh mỗi người mỗi khác
Đệ cũng đi
Nhưng còn vài việc lăng xăng bụi cát
Phải làm cho xong để trả nợ đất trời
Vẫn biết rằng,
“Nghiệp phong trần khách”
Còn mù sương lãng đãng đôi nơi
Cần phủi sạch tiêu ma ám chướng
Giải thoát là không còn dính vướng
Để cùng nhau tự tại siêu nhiên
Mà siêu nhiên
Là “thực tại hiện tiền”…
Đệ và huynh đều thấy rõ…
Những ngày sư huynh nằm bệnh
Sư huynh Chơn Trí sớm hôm kề cận
Chăm nom, săn sóc nghĩa tình
Hai vị ở bên nhau nhiều năm trên bước du trình
Sẻ chia vật dụng, áo cơm, niềm vui, nỗi khổ
Sửa chiếc gối, đắp tấm chăn,
Khuyên ráng nên uống nên ăn…
Dìu đi vệ sinh, đỡ nằm, nâng dậy…
Đôi khi chặn cửa
Không cho Phật tử nhiều lời thăm hỏi
Để giữ cho sư huynh khí tỉnh, thần an
Biết mình sẽ ra đi
Ngại hàng môn đệ đau xót, thương tâm
Nên sư huynh đã đọc lại bài thơ năm cũ
Bài thơ tự tại, vô ngại
Trước những đổi thay,
Trước những phiền não không đáng có giữa cuộc đời
Đây được xem là di chúc,
Là lời nhắn gởi nhẹ nhàng thôi
Nhưng đấy là cái thấy, cái sống,
Của các hàng Cao Tăng Đạt Sỹ:
"Vẫn mỉm cười, qua những đổi thay.
Cũng như đêm hết, lại qua ngày.
Đi lâu người mệt, dừng chân nghỉ.
Đậu mãi chim buồn, vỗ cánh bay.
Thoát tục am rừng, hồn thanh nhẹ.
Chẻ chi sợi tóc chuyện thêm rầy.
Đã không gì mất, không gì được.
Về ngủ bờ lau, mây trắng bay!"
Vậy là mùa Đông Tân Sửu
Lúc 8:27’ giờ tối ngày 7/01/2022 giờ Texas, Hoa Kỳ
Tức 7:27’ ngày 8/01/2022 giờ Việt Nam
Cũng tức là ngày mồng 5 tháng 12 Tân Sửu
Sư huynh đã bế thần, an nghỉ
Trong tư thế nằm thoải mái, nhẹ nhàng
Chứng tỏ sư huynh đã tỉnh thức
Đến khoảnh khắc tứ đại lìa tan
Thật vô cùng ngưỡng mộ…
Ôi!
Thế là, sư huynh đi qua cuộc đời,
Như một vì sao
Mới lóe ngang trời
Đã chìm vào vô tận, vô biên…
Ngôn ngữ thế gian tâm
Vĩnh vĩnh cách xa tầm…
Lược sử chư Trưởng lão PGNTVN
Đệ sẽ ghi hành trạng sư huynh:
“- 52 năm hạ lạp
Hưởng thọ 78 xuân thu tuế nguyệt!”
Ôi!
Đệ huynh chúng ta, thế là tạm biệt
Vì năng lượng tâm linh
Và công đức tu hành có mất bao giờ!
Hàm tàng trong hữu phần (bhavanga)
Luôn được gìn giữ, bảo trì!
Vậy,
“Sự sống chẳng đeo níu
Sự chết nói làm chi
Vẫn an nhiên, tĩnh tại,
Tùy hữu vi, vô vi!”
Thế là, đệ xin mạo muội
Cung kính nghiêng mình,
Phụng văn, chấp bút…

Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, Huế - Việt Nam.
Ngọa Tùng Am, Đông Tân Sửu, 2022.
Tỳ-khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
*Đường dẫn bài đọc của tác giả:
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/07/2010(Xem: 10977)
-Người đi tiên phong và nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển trí tuệ, từ bi và hòa bình- -Nhà lãnh đạo toàn cầu trong phong trào vì hòa bình, nhân quyền và sức khỏe cộng đồng-
14/06/2010(Xem: 5853)
Hòa Thượng Thích Bích Nguyên là một trong những bậc cao Tăng thạc đức của Phật giáo Lâm Đồng. Ngài họ Nguyễn, húy là Tùng, sinh năm 1898 tại làng Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, đĩnh ngộ. Thời tráng niên, lập nghiệp ở Lào, Hòa Thượng nhân đọc báo Từ Bi Âm mà ngộ đạo, thấy rõ cuộc đời vô thường, nuôi chí xuất gia. Đến năm 29 tuổi (1927), Hòa Thượng mới có đủ nhân duyên đầu sư thọ giáo với Hòa Thượng PHƯỚC HUỆ, Trú trì chùa Hải Đức, Huế và đắc giới Sa di năm 1934. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới với pháp hiệu BÍCH NGUYÊN, rồi theo học ở các lớp Phật học tại các Phật học viện Hải Đức, Bảo Quốc và Ấn Quang.
15/05/2010(Xem: 5354)
Thiền sư Khánh Hòa sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc.
19/03/2010(Xem: 7414)
Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sỡ …đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẽo đường Sài Gòn năm 1975 … Sau năm 1975 , anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực.
10/03/2010(Xem: 6171)
Bản thân tôi (Tín Nghĩa), rất ít có dịp thân cận với Ôn Già Lam. Điều dễ hiểu, vì tôi không xuất thân từ Phật Học Viện. Vả lại, mỗi lần Ôn về Huế (Bảo Quốc), thường vào dịp đầu xuân, thì đa phần Ôn hay đàm luận Phật sự với quý Ôn lớn như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Linh Quang, Ôn Từ Đàm và Ôn Bảo Quốc, . . . Đầu năm, Ôn thường hay nghe Đại luật (tức là dạy luật Tứ phần) cho hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì tôi đạp xe ra học rồi về lại chùa. Vả lại, bổn phận của tôi ở chúng Trúc Lâm cũng tương đối bề bộn. Tuy thế, chính tôi lại có với Ôn ba kỷ niệm khó quên.
10/03/2010(Xem: 8930)
Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
10/03/2010(Xem: 7239)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp Tăng sinh của các Phật Học Viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn. Ba tiếng nói ấy như trái tim của Mẹ ấp ủ đàn con qua suốt quãng đời dãi dầu mưa nắng. Ôn Già Lam, người đã hy sinh suốt đời mình để phụng sự cho Phật pháp, đào tạo Tăng tài qua nhiều thế hệ. Ôn đã khai phóng tinh thần thế học cho Tăng sinh các Phật Học Viện.
10/03/2010(Xem: 13889)
Sau năm 75 các Phật Học Viện đều đóng cửa. Các tăng sinh tại các Phật Học Viện đều trở về chùa cũ của Thầy Tổ để sinh sống và tu học. Thật tế, tu thì có mà học thì hầu như không. Có chăng là Thầy dạy đệ tử trong chùa. Những chùa có ruộng đất thì thầy trò tự túc canh tác để sinh sống. Sinh hoạt giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ đã không còn.
05/12/2008(Xem: 9447)
Hình ảnh Mừng Sinh Nhật Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Ngày 5-12-2008 tại Cao Hùng , Đài Loan tại Nhà Hàng 200 Món Đồ Chay Do Đạo Hữu Tony và quý Phật tử trong phái đoàn Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ tổ chức
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]