Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Tế Hiển Bửu Dương với Dòng Thiền Liễu Quán Xứ Trầm Hương

26/12/202108:31(Xem: 3896)
Thiền Sư Tế Hiển Bửu Dương với Dòng Thiền Liễu Quán Xứ Trầm Hương

 chua thien buu



Thiền Sư Tế Hiển Bửu Dương với

Dòng Thiền Liễu Quán Xứ Trầm Hương
 Thích Thánh Minh


I/ Bối Cảnh Lịch Sử Khánh Hòa.

         
Khánh Hòa ngày xưa thuộc xứ Kauthara vương quốc Chăm Pa. Năm 1631, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gã công chúa Ngọc Khoa cho vua Po Romê. vương phi Ngọc Khoa xin vua nước Chăn Pa cho người Việt lập nghiệp ở vùng đất mới này. Đến năm 1653, quân Chăm Pa quấy nhiễu người Việt  và xâm chiếm Phú Yên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai quan cai cơ Hùng Lộc đem đánh dẹp, đẩy lùi quân Chăm Pa đến tận sông Phan Rang. Tại đây, vua Chăm Pa là Bà Tấm xin hàng và dâng đất từ sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa Hiền đã đưa người Việt đến định cư tại vùng đất mới và thành lập dinh Thái Khang gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Phủ Thái Khang gồm các huyện ở phía bắc: Tân Định, Quảng Phước (nay là Ninh Hòa và Vạn Ninh) và phủ Diên Ninh gồm các huyện ở phía nam: Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương (Diên KhánhCam LâmKhánh SơnCam RanhNha Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận). Sau đó đổi thành dinh Bình Khang rồi Trấn Bình Hòa và  năm 1831 mới chính thức đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa.

         
Trong đoàn người di cư ấy có các nhà sư lên đường để hoằng pháp và hướng đạo tinh thần cho cộng đồng người Việt mới định cư. Vì vậy Phật giáo đã có mặt ở Khánh Hòa rất sớm như các chùa:  Minh Thiện, Hội Phước, Vạn Thiện, chùa Núi Phụng Thùy Sơn, Thiên Bửu, Bảo Long, Bảo Phong, Linh Sơn, Thiên Lộc và Kim Sơn v.v.. Theo sử liệu còn lưu giữ tại các chùa giúp chúng ta biết được các nhà sư đến đây có nguồn gốc từ nhiều dòng phái khác nhau : Thiền phái Đạo Mân Mộc Trần, thiền phái Liễu Quán và thiền phái Chúc Thánh v.v..

         
Những danh Tăng mở đạo thuở ban sơ thường được sử sách nhắc đến như các ngài: hòa thượng Tịnh Đức Phổ Chiếu khai sơn chùa Minh Thiện năm 1673, thiền sư Phật Ấn Quảng Hiển và Tịch Viễn Hồng Quy khai sơn chùa Hội Phước năm 1680, thiền sư Thiệt Vinh Bửu Hạnh, Thiệt Điạ Pháp Ấn, Tế Điền Như Bổn, Tế Cảm Linh Phù, Tế Dưỡng Châu Cấp, Tế Xuân Lưu Quang và Tế Hiển Bửu Dương v.v

        "Dong buồn vượt biển vào đây

Thuyền Sư ghé lại những ngày hoang sơ

Ba trăm năm lẻ đến giờ

Đạo phong vẫn tỏa xóa mờ thương đau".

                                                  

II/ Sự Truyền Thừa Thiền Phái Liễu Quán.

         
Căn cứ vào các bảng Chánh Pháp Nhãn Tạng, các Long Vị và một số tư liệu hiện có tại tổ đình Hội Phước, chùa Thiên Bửu, chùa Phổ Hóa, chùa Thanh Lương, chùa Linh Sơn, chùa Thiên Thai Sơn Thạch Phú Yên, chùa Tân Long, chùa Thiên Lộc, chùa Từ Ân Sài Gòn Gia Định và chùa Kim Cang Long An chúng ta rõ được hành trạng và công hạnh truyền thừa của thiền sư Tế Hiển Bửu Dương. 

         
Ngược dòng thời gian cách đây trên 300 năm, trong số dân cư đặt chân lên bờ biển Khánh Hòa hoang vắng có hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương là một trong những  đệ tử đắc pháp với tổ sư Liễu Quán đã rời kinh đô Huế, lên đường vượt biển về phương nam. Thiền sư  Bửu Dương đã dựng am tranh bên cạnh dòng sông Lốt Ninh Hòa để công phu thiền tập. Sự tu hành và tài đức của ngài tỏa sáng, cảm hóa được dân chúng quanh vùng, danh tiếng đồn xa thiện tín và các quan chức khắp nơi tìm đến tham học rất đông. Sau đó không lâu, thiền sư đã nới rộng am tranh thành chùa Thiên Bửu thượng rồi chùa Thiên Bửu hạ bên cạnh dòng sông Dinh. Công hạnh giáo hóa của ngài đã lan rộng đến Nha Trang, Diên Khánh và đến Đồng Nai, Sài Gòn Gia Định, Long An v.v...

         
Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán, một thiền sư lỗi lạc đời thứ 35 của rừng thiền Lâm Tế. Ngài linh động chuyển thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù đậm nét đạo pháp dân tộc Việt với dòng kệ truyền thừa có 48 chữ, 12 câu theo thể tứ cú dùng để đặt pháp danh:

“ Thiệt tế đại đạo,

Tánh hải thanh trừng,

Tâm nguyên quảng nhuận,

Đức bổn từ phong,

Giới định phước tuệ,

Thể dụng viên thông,

Vĩnh siêu trí quả,

Mật khế thành công,

Truyền trì diệu lý,

Diễn xướng chánh tông,

Hành giải tương ưng,

Đạt ngộ chơn không.”

 

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh dịch nghĩa:

Đường lớn thực tại

Biển thể tính trong.
Nguồn tâm thấm khắp

Gốc đức vun trồng.
Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông.
Quả trí siêu việt

Hiểu thấu nên công.
Truyền giữ lý mầu

Tuyên dương chính tông.
Hành giải song son
g

Đạt ngộ chân không.

Hòa thượng Viên Giác đã phân tích bài pháp kệ trên thành lộ trình tu hành gồm sáu bước:

1- Thể tính vắng lặng
2- Tâm thức thánh thiện
3- Công phu hoàn chỉnh
4- Trí tuệ vẹn toàn
5- Hóa độ nhân gian
6- Thành tựu thánh quả



Với lộ trình sáu bước, pháp kệ truyền thừa của tổ Liễu Quán có tính cách định hướng đường lối tu tập và hành đạo, qua đó thể hiện ý chí của Tổ một cách rõ ràng rằng, nội dung mà một dòng thiền chuyên chở phải là sự vận hành công đức giải thoát và giác ngộ trong đời sống của xã hội nhân sinh. Đó là một định hướng mở rất phóng khoáng phù hợp với bối cảnh phát triển xã hội của dân tộc Việt vào thế kỷ XVIII

 
to-su-lieu-quan


Tổ Liễu Quán sinh ngày 18 tháng 11 năm 1667 tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên . Ngài mồ côi mẹ lúc lên 6 tuổi. Năm 12 tuổi theo cha lên chùa Hội Tôn lễ Phật. Vì cảm mến cảnh chùa nên xin cha ở lại tu học. Duyên lành đến, hòa thượng Tế Viên xuống tóc và ban cho ngài pháp danh Thiệt Diệu. Năm ngài 19 tuổi, bổn sư viên tịch. Ngài tìm đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với tổ Giác Phong. Năm 1695  thọ Sa Di giới với hòa thượng Trường Thọ Thạch Liêm. Năm 1697, thọ Cụ Túc giới với hòa thượng Từ Lâm và năm 1699 ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, tâm thường suy nghĩ: Pháp nào là tối vi đệ nhất ta quyết xả thân mạng y theo pháp tu hành. Nghe chư thiền đức cho biết hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khéo dạy pháp tham thiền.  Ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Hòa thượng Tử Dung cầu pháp. Tổ Tử Dung dạy pháp tham cứu công án " Muôn pháp quy về một, một quy về đâu?" . Một hôm nhân xem  Truyền Đăng Lục khi đọc đến câu " Chỉ vật truyền tâm, người không hiểu rõ'' ngài liền tỏ ngộ đem trình sở ngộ lên tổ Tử Dung.

           
Mùa hạ năm 1712, trong đại lễ " Toàn Viện được tổ chức tại Quảng Nam, trong lúc ngài Liễu Quán trình bày kệ " Tắm Phật" Tổ Minh Hoằng Tử Dung hỏi : " Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật trao nhau; chẳng hay truyền nhau cái gì?.  Ngài Liễu Quán nói : " Búp măng trên đá dài một trượng, Phất tử lông rùa nặng ba cân". Tổ lại hỏi: " Cao cao đỉnh núi đi thuyền, sâu sâu đáy biển ngựa phi là sao?. Ngài đáp: " Suốt đêm gãy sừng trâu đất rống, trọn ngày đàn gãy có dây đâu!" . Tổ Minh Hoằng Tử Dung vui mừng ấn chứng ngài Thiệt Diệu Liễu Quán là tổ thứ 35 của dòng truyền thừa tông Lâm Tế.

         
Sau đó, ngài Liễu Quán vào núi Thiên Thai lập am tu thiền và thường xuyên ra vào Huế, Phú Yên để hóa đạo. Từ năm 1712 đến năm 1721, tổ đã lên đường hóa đạo, tiếp Tăng độ chúng và khai sơn chùa Bảo Tịnh Phú Yên. Trong thời gian này, thiền sư Liễu Quán đã giáo hóa được nhiều đệ tử, một số đã được truyền tâm ấn tiếp nối đèn Pháp của tổ trở thành bậc long tượng trong chốn thiền môn, mở rộng phạm vi hoằng pháp vào miền Nam đến tận vùng Đồng Nai, Gia Định, Mỹ Tho v.v..

         
Năm 1722, tổ Liễu Quán về Huế trụ trì chùa Thiền Tôn. Từ năm 1733 đến năm 1735, ngài lần lược mở Đại giới đàn truyền giới. Mùa xuân năm 1742  ngài mở đại giới đàn tại chùa Viên Thông, cuối thu nhuốm bệnh, ngài gọi các các đệ tử  đến bảo: " Nhân duyên cuộc đời đã hết, ta sắp đi thôi! Mọi người đều khóc. Ngài bảo các ngươi khóc điều chi? Chư Phật xuất thế còn phải nhập Niết Bàn. Ta nay đường đi đã rõ , nẽo về đã có nơi. Các ngươi không nên buồn khóc". Vài ngày trước lúc viên tịch ngài ngồi ngay ngắn viết bài kệ từ biệt rằng:


" Tuổi đời đã quá bảy mươi niên

Không không sắc sắc chẳng ưu phiền

Hôm nay mãn nguyện về quê cũ

Nào phải lăng xăng hỏi tổ tông'"

         
Sáng ngày 22 tháng11năm Nhâm Tuất 1742 ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 76 tuổi. Ngài độ được 49 đệ tử xuất gia và hàng ngàn phật tử tại gia. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban lệnh lập văn bia tuyên dương công hạnh của ngài và ban cho thụy hiệu:

" Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng".

         
Bảo tháp tổ Thiệt Diệu Liễu Quán an trí trên núi Thiên Thai, làng An Cựu, huyện An Trà, trong khuôn viên chùa Thiên Thai Thiền Tôn Huế.

III/ Công Hạnh Thiền Sư Tế Hiển Bửu Dương (1703-1791)

         
Hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương thuộc họ tộc Nguyễn Phước sinh năm 1703 tại Huế. Ngài  là người đầu tiên truyền thừa thiền phái Liễu Quán vào vùng đất mới Khánh Hòa, Sài Gòn Gia Định và Long An.

         ts te hien (1)
Năm 1745 niên hiệu thứ 6 Cảnh Hưng nhằm thời chúa Võ Nguyễn Phước Khoát, ngài khai sơn Thiên Bửu thượng. Và sau đó lập thêm chùa Thiên Bửu hạ, nay gọi là tổ đình sắc tứ Thiên Bửu hay chùa Tổ toạ lạc tại thôn Bình Thành, xã Ninh Bình thị xã Ninh Hòa, cạnh dòng sông Dinh. Cảnh trí  thanh tịnh nên người xưa đã mô tả :

                           " Thanh thủy đoạn phiền não, cô thôn hiện già lam"

tạm dịch:           " Nước sông dứt phiền não, thôn vắng hiện già lam".

         
Phải chăng Thiên Thai Thiền Tôn là nơi ngài được truyền pháp và Bửu Dương là pháp hiệu tổ Liễu Quán ban cho. Chọn 2 chữ đầu tên chùa "Thiên" và "Bửu", gộp hai chữ ấy lại thành "Thiên Bửu" là tên gọi của chùa?

         
Chùa Thiên Bửu thượng tọa lạc tại thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa với kiến trúc theo kiểu chữ " Môn" gồm chánh điện, Đông lang và Tây lang và trước cổng Tam Quan có hai câu đối:


Thiên nhân cung kính Thế tôn, phước huệ viên  dung khai giác lộ

Bửu địa trang nghiêm Phật độ, nhân duyên thành tựu  khải từ môn


Tạm dịch là:

Trời người cung  kính Thế  tôn phước huệ, tròn đầy  mở đường giác

Đất quí trang nghiêm cõi Phật, duyên lành thành tựu  khải cửa từ


Tiền đường có chạm câu đối của Tổ Phước Tường:

Thiên đạo hoằng khai, thiên cá tu hành thiên cá đắc

Bửu vân quảng nhuận, thất trùng lan thuẩn thất trùng tu.

 

Tạm dịch là:

Chánh pháp mở ra, ngàn kẻ tu hành, ngàn kẻ được

Mây lành toả khắp, bảy hàng cây báu, bảy hàng tu.

 

         
Thiền sư Tế Hiển Bửu Dương có khai sơn chùa Từ Bi. vì trên long vị của ngài thờ ở chùa sắc tứ Tập Phước Gia Định có ghi : " Từ Bi đường thượng, tam thập lục thế húy Tế Hiển, thượng Bửu hạ Dương đại lão hòa thượng".

           Năm 1747, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8, ngài trùng hưng chùa Phổ Hóa do tổ Tế Dưỡng Châu Cấp khai sơn ở xã Ninh Bình.

          Năm 1763, ngài đã chứng minh đúc Đại hồng chung ở chùa Thanh Lương xã Ninh Thân:

上寶下楊和尚證明.大越國廣南處平康府新定縣中總平安社平安村.住持僧積仁大積仁大師.清涼寺奉佛今本道及十方善男信女眾等.景興二十四年四月吉日鑄鴻鐘

"Thượng Bửu hạ Dương, hòa thượng chứng minh, Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Định huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”


Có nghĩa là: “Tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa thượng húy thượng Bửu hạ Dương Chứng minh đúc đại hồng chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24, tháng tư ngày lành chuông do đại sư Tích Nhơn trụ trì chùa Thanh Lương cùng thiện nam tín nữ, thập phương bổn đạo cúng dường tạo lập…

         
Có lẽ trong chiến tranh sợ bị thu để làm vũ khí nên nên người trong chùa mang chung đi dấu, nhưng lâu quá bị thất lạc?

         
Một hôm, một người câu cá ở bàu Bơi bất ngờ trông thấy một đại hồng chung nổi lên rồi chìm xuống ở bàu. Người ấy lặn xuống nhìn thấy chiếc chuông nằm úp sát lớp cát ở đáy bàu. Nghe tin dân chúng xúm lại kéo lên, dùng hết sức mà quả chuông lớn vẫn không nhúc nhích. Sau đó dân làng thiết lập hương án cầu nguyện thì chuông kéo lên nhẹ nhàn.

         
Ngoài những công hạnh xây chùa, tạo tượng đúc chuông ra hòa thượng Tế Hiển Bửu Dương đã đào tạo những đệ tử nổi danh như:

1 Hòa thượng Đại Thông Chánh Niệm (1710-1810)

2 Hòa thượng Đại Phước Liễu Tánh

3 Hòa thượng Đại Bửu Kim Cang (1740-1765)

4 Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề.

ts te hien (2)

         
Ngày 20 tháng 2  năm 1791, tổ Tế Hiển Bửu Dương viên tịch tại tổ đình Thiên Bửu. Sự ra đi của ngài đã khép lại một cuộc đời tận tụy phục vụ đạo pháp nhân sinh trong buổi đầu mở đạo. Tổ Tế Hiển Bửu Dương là vị sao sáng trong rừng thiền, làm tỏ rạng thiền phái Liễu Quán tại xứ trầm hương. Kế thừa chùa Thiên Bửu khoảng 100 năm sau, hòa thượng Thanh Chánh Phước Tường noi gương  tổ tiếp tục truyền đuốc trao đèn và dày công đào tạo ra những danh Tăng phục vụ đạo pháp dân tộc. Ngọn đuốc Bồ Tát Thích Quảng Đức đã thắp sáng trang sử Phật Giáo Việt Nam trong mùa pháp nạn 1963. Thiền sư Tâm Trung Nhơn Thứ, người thắp ngọn đuốc tuệ soi sáng cõi sương mù Đà Lạt. Môn phong Liễu Quán tại Khánh Hòa đã thắp sáng niềm tin cho người Phật tử Việt Nam nhiều thế hệ.

         
Tháp tổ Tế Hiển Bửu Dương được môn đồ tứ chúng tạo lập tại chùa Thiên Bửu thượng. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa cổ tháp nổi tiếng tại Khánh Hòa. Tháp cao 5,5m, trên đỉnh có hình hoa sen đỡ bầu rượu, tất cả có 7 tầng, 56 góc của tháp đều gắn đầu rồng. Chung quanh tháp là lan cang bao bọc, cao 1m rộng 6 tấc, bốn góc thành khắc hoa sen. Tầng trên cùng, ba mặt trước trang trí hoa văn lưỡng long tranh châu, các mặt chung quanh còn lại khắc hình những linh vật kỳ lân phụng hoàng. Kế tầng dưới 4 mặt chạm trổ Phạn ngữ và hoa văn mai lan cúc trúc… Tầng dưới cùng phía trước đặt tấm bia, 7 mặt còn lại khắc các bài kệ bài tán bằng thể thơ ngũ ngôn hay bát cú.

         
Tháp tổ Tế Hiển Bửu Dương hình  bát giác có 7 tầng tượng trưng thất Phật, hình bát giác tượng trưng bát chánh đạo. Chung quanh Tháp có xây thành hình vuông. Tại 4 góc thành có 4 cây trụ cao đắp hình hoa sen trên đầu trụ. Hai bên cửa Tháp có hai cây trụ lớn chạm nổi hình hai con rồng chầu, hai bên cửa tháp có hai con lân phục. Đây là cổ tháp kiến trúc kỳ vĩ, chạm trổ tinh vi, đường nét uyển chuyển mềm mại, sắc nét, có long chầu, lân phục.


Bia Tháp có câu đối hai bên bia:

Chánh quả tại liên hoa thượng phẩm
Duyên thành ư bảo tháp trung sanh


Tạm dịch:

Chánh quả trên thượng phẩm hoa sen
Duyên thành nở giữa lòng bảo tháp


Bên phải tháp có bài kệ:

Kiến sắc phi ư không
Văn thinh bất thị thiệt
Sắc thinh ngã mạc tưởng
Thân đáo liên hoa đài.


Tạm dịch là:

Thấy sắc chẳng phải không
Nghe tiếng không là thật
Sắc tiếng ta đừng nghĩ
Thân đến liên hoa đài


         
Tháp cổ Bửu Dương là một di tích cổ có nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ hết sức tinh tế của tiền nhân còn lưu tại làng quê yên bình Điềm Tịnh, Ninh Hòa. Hàng năm, vào ngày 19,20 tháng 2 âm lịch, môn phong tổ chức lễ húy kỵ tổ sư Tế Hiển Bửu Dương tại tổ đình Thiên Bửu và hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư kế thế trụ trì trùng hưng tam bảo là để tri ơn và tán dương công hạnh truyền thừa dòng thiền Liễu Quán nơi xứ trầm hương, một quê hương đẹp như ý thơ của ai đó đã diễn tả:

" Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non xanh nước biếc, người thương đi về"

 

VI/  Môn Đệ Thiền Sư Tế Hiển Bửu Dương

 
ts te hien (3)

 

1/ Hòa thượng Đại Thông Chánh Niệm ( 1710-1810)

- Hòa thượng Đại Thông là vị tổ thứ 4 kế thừa chùa Hội Phước. Năm 1742, ngài đã dời chùa từ đồi Hoa Sơn ( núi Một ) xuống vùng đất bằng cát trắng  ở vị trí chùa hiện nay và đổi lại tên thành chùa Hội Phước. Tổ thứ năm là ngài Đạo An Phổ Nhuận đã chú tạo đại Hồng Chung còn lưu truyền đến nay. Tiếng chuông ngân nga mầu nhiệm vì có sự gia trì nhiều đời tổ sư. Hòa thượng Đạo An có bài kệ phó chúc cho 2 đệ tử Tánh Minh Trí Quang và Tánh Lý Trí Minh như sau:


Pháp bổn nguyên lại thị pháp tâm

Pháp ngoại phi pháp mạc cánh tầm

Pháp lý ngộ thời chơn thị pháp

Vĩnh chấn tông phong vạn cổ truyền

dịch nghĩa:

Pháp vốn xưa nay là pháp tâm

Ngoài pháp chẳng pháp chớ lại tầm

Trong pháp tỏ rồi đây chánh Pháp

Bền vững tôn phong mấy vạn năm.

         
Hòa thượng Tánh Minh là tổ thứ 6 kế thừa chùa Hội Phước tiếp theo là các ngài: 7 Như Huệ Thiền Tâm, 8 Thanh Minh Huệ Châu, 9 Chơn Hương Thiên Quang, 10 Thanh Chánh Phước Tường, 11 Thị Thọ Nhơn Hiền, Ấn Ngân Tín Liên, Đồng Kỉnh Tín Quả và đương kim trụ trì là hòa thượng Thích Quảng Thiện.

- Hòa thượng Đại Thông Chánh Niệm  trong thời gian  khai sơn chùa Thiên Lộc, Ngài có đệ tử Đạo Nguyên Viên Dung (1779-1834) là người đã chứng minh khắc bảng Khoa Du Già là một kỳ tích nổi tiếng của Phật Giáo Khánh Hòa với bài kệ truyền tụng:


Mỗi nhật thần hôn nghệ chú hương

Tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương

Thường kỳ xứ xứ điền hòa thục

Đản nguyện gia gia thọ mạng trường

Thánh chúa, hiền thần an xã tắc

Phụ từ, tử thuận ổn gia nương

Tứ phương bình định can qua tức

Tam chúc toàn xương tụng vô cương.

           
Bản Kinh đã hoàn thành vào năm 1832  tại chùa An Dưỡng với sự chứng minh của chư tôn đức:

- An Dưỡng tự húy Chương Huấn, tự Tông Giáo trú trí thủ hộ kinh

- Thiên Lộc tự húy thượng đạo hạ Nguyên, Viên Dung hòa thượng chứng minh

- Long Quang tự húy thượng Liễu hạ Đạt, tự Bảo Hưng đại sự truyền thọ

 

          Hòa thượng Đạo Nguyên Viên Dung có đệ tử: Tánh Hồng Hải Tạng và các pháp tôn: Hải Vinh Phổ Tường, Hải Ân Từ Điệp Chánh Thành, Hải Huệ Chánh Nhơn, Thanh An Chánh Tín, Thanh Hương Phổ Hiện và truyền đến Hải Chấn Chánh Ký, hòa thượng Trừng San giám viện Phật học viện Hải Đức, hòa thượng Thanh Tràng Như Tịnh chùa Linh Nghĩa, hòa thượng Trừng Huệ Như Ý chùa Linh Sơn và hòa thượng Trừng Lộc Chơn Kiến chùa Thiên Phú  v.v..

ts te hien (4)

- Hòa thượng Đại Thông Chánh Niệm khai sơn chùa Tân Long ( xưa là chùa Linh Sơn), có các  đệ tử Đạo Thành Như Cảnh truyền  đến ngài Tánh Thường Quy Trụ khai sơn chùa Thiên Thai Sơn Thạch Sông Cầu. Năm1889, ngài Tánh Thường mở giới đàn tại  chùa Thiên Tôn Tuy An.

          Ngài Hải Huệ Trí Giác là đệ tử của hòa thượng Tánh Thường: Trong dịp đại trai đàn tổ chức tại chùa Kim Quang Huế. Hòa thượng Pháp Tạng  chùa Phước Sơn thủ gia trì chẩn tế đại khoa, hòa thượng Pháp Hỉ chùa Linh Sơn thủ pháp sư thuyết pháp, hòa thượng Hải Huệ Trí Giác chùa Thiên Thai thủ sám chủ nghi lễ được vua Thành Thái mến phục ngợi khen và cúng dường nhiều bảo vật. Hòa thượng Trí Giác có đệ tử Thanh Phước Nguyên Long là bổn sư của đại sư Trừng Hằng Vĩnh Bảo kế thừa tổ đình Phước Long đã đào tạo nhiều Tăng tài như:

- HT Tâm Minh Truyền Chánh Liên Châu chùa Long Quang có đệ tử  Nguyên Đạt du học  tại Nhật và khai sơn thiền viện Liễu Quán và chùa Bảo Tịnh tại Nam Cali, Nguyên An khai sơn chùa Cổ Lâm Seattle,  Nguyên Kim,  Nguyên Thành đang dịch kinh tại chùa Bảo Tịnh Phú Yên, và Nguyền Tồn trụ trì chùa Long Quang Sông Cầu v.v..

- HT Tâm Dung Truyền Diệu Liên Phương kế thừa chùa Thiên Hưng  có đệ tử Nguyên Trực khai sơn chùa Từ Nhãn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Nguyên Trí khai sơn chùa Bát Nhã Nam Cali.

- HT Tâm Quảng Truyền Độ Viên Dung kế thừa chùa Châu Lâm có đệ tử là Nguyên Đức thừa kế chùa Hồ Sơn Phú Yên.

- HT Tâm Bổn Truyền Lai Trí Nghiêm, người hy hiến cuộc đời cho đạo pháp. Sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Bảo Quốc, hoằng pháp tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Ngài là vị giảng sư lỗi lạc của Hội Phật Học miền Trung,  là vị Đường đầu hòa thượng của các đại giới đàn Trí Thủ, Thiện Hòa v.v.. và đặc biệt đã phiên dịch rất nhiều bộ kinh, luận như: Kinh lời vàng, Kinh Phổ Môn Giảng Lục, Kinh Pháp Hoa Giảng Lục, Kinh Đại Bát Nhã, Luận Thành Thật v.v..Ngài có đệ tử Nguyên Tịnh chùa Thiền Tôn Canada.

- HT Tâm Thông Truyền Hữu kế thừa chùa Phước Long Xuân Lộc thủ chí phụng đạo và chọn việc chăm sóc ruộng vườn làm phương tiện tu tập "Dĩ nông vi thiền" để tấn đạo nghiêm thân.

2/ Hòa thượng Đại Phước Liễu Tánh

Tổ thứ 2 kế thừa chùa Thiên Bửu là hòa thượng Đại Phước Liễu Tánh kiêm trụ trì chùa từ Ân  Gia Định. Long vị thờ ở chùa Từ Ân có ghi: "Lâm Tế gia phổ, Từ Ân trùng kiến, tam thập thất thế, húy Liễu Tánh thượng Đại hạ Phước".

( Có tài liệu ghi tổ thứ 2 kế thừa chùa Thiên Bửu là ngài Đại Trí (1897-1944). Đây là một sự nhầm lẫn bởi vì ngài Thích Đại Trí có pháp danh là Trừng Thông hiệu Nhơn Duệ là đệ tử của hòa thượng Thanh Chánh Phước Tường (1867-1932) sau đó vào Phan Rang Tu học và được hòa thượng Huệ Đạo ban cho pháp hiệu Đại Trí)

 

Tổ thứ 3 kế thừa chùa Thiên Bửu là ngài Đạo Phước Minh Tôn.

Tổ thứ tư là hòa thượng Liễu Bửu Huệ Thân. Năm 1835, ngài được mời ra kinh đô dự " thủy lục đạo tràng" siêu độ vong quan vào tiết Trung nguyên được vua Minh Mạng ban giới đao độ điệp và hiện nay vẫn còn lưu giữ tại tổ đình. Tiếp sau tổ Liễu Bửu Huệ Thân, kế thừa trụ trì Thiên Bửu được chi thành 2 nhánh:


- Chùa Thiên Bửu thượng tiếp kế thừa là các ngài: 5. Thanh Chánh Phước Tường là bổn sư của hòa thượng Thích Quảng Đức, 6 Trừng Tương Nhơn Sanh năm 1934 tổ chức Đại giới đàn, 7 Tâm Đạo  Nhơn Hưng, 8 Tâm Kính Bảo Thành, 9 Trừng Lãnh Nhơn Vinh, 10 Thị Hiệp, 11 Tâm Kỳ, 12 Tâm Hòa, 13 Tâm Văn, 14 Tâm Bảo, 15 Nguyên Hoa Thiện Tường và ĐĐ.Nhuận Đăng.


- Chùa Thiên Bửu hạ tiếp kế thừa là các ngài: 5 Đạt Khương Từ Hội, 6 Ngộ Hương Phổ Nhàn,7 Tâm Tựu Hạnh Nguyên, 8 Ngộ Giáo Phổ Châu, 9 Tâm Đức Từ Phong, 10Tâm Phước Hạnh Hải và 11 Quảng Thường Ngộ Tánh.

 

3/ Hòa thượng Đại Bửu Kim Cang (1740-1765)

 

          Hòa thượng Đại Bửu Kim Cang là vị tổ khai sơn chùa Linh Sơn Vạn Giã. lúc ban đầu gọi là Sa Long tự. Ngài là đệ tử đắc pháp với tổ Tế Hiển Bửu Dương tại tổ đình Thiên Bửu. Truyền rằng khi ngài ngồi tu dưới gốc cây, thì có một con hỗ đến sanh nở bên cạnh, ngài vẫn điềm nhiên ngồi tĩnh tu. Năm 1761, ngài mới lập chùa, tạo tượng, đúc chuông. Đến đời Tây Sơn các chuông chùa đều bị tịch thu để đúc vũ khí, đại hồng chung chùa Linh sơn được bổn đạo mang đi dấu nhưng sau đó bị thất lạc. Một bà lão đi mò ốc một hôm phát hiện quả chuông tại cửa sông Hiền Lương, sợ quá bà tri hô lên. Làng Tân Đức và Hiền lương tranh nhau chiếm giữ quả chuông phải đưa đến cửa quan. Quan xử làng nào có chùa, chuông về làng ấy. Tân Đức không có chùa, nên chuông được cúng chùa Linh Sơn. Trên thành Hồng Chung có ghi rõ năm tháng chú tạo: " Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ bát nguyệt" đúng vào năm tổ Đại Bửu đã khai sơn chùa nên mọi người đều mừng. Chùa Linh Sơn là một thắng địa hội tụ được khí thiêng sông núi để Phật tử bốn phương quy ngưỡng. Tiếp sau tổ Đại Bửu, kế thừa truyền đăng tục diệm là các ngài: Ngộ Thuận Phước Minh, Ấn Chánh Huệ Minh, Chơn Hương Thiên Quang,Chơn Công Viên Giác, Thị Thủy Quảng Đức, Tâm Thanh Tịch Tràng và đương kim trụ trì là hòa thượng Thích Thiện Dương.

 

4/Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề

 

  Hòa thượng Đại Bồ Thiện Đề khai sơn chùa Kim Cang ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là đệ tử tổ Tế Hiển Bửu Dương. Tiếp nối trụ trì là các ngài: Đạo Đăng Bửu Hương, Tánh Đức Vạn Bửu, Hải Lương Chánh Tâm (1836-1906), Thanh Nhựt Độ Long, Trừng Thọ Thiện Quới v.v..

  Ngoài kiến trúc đẹp chùa Kim Cang hiện nay chùa Kim Cang ở Long An còn lưu giữ 299 mộc bản chữ Hán tinh xảo trong đó có các kinh như Kim Cang, Bát Nhã v.v.. của các tổ xưa để lại.

V/ Tâm Hương Nguyện Cầu



ts te hien (5)

" Công ai đổ xuống đất này

Cho hoa đạo pháp càng ngày thêm xinh"

          Tìm về cội nguồn lịch sử Phật giáo truyền thừa nơi xứ trầm hương này cũng chính là khơi dậy trong lòng Tăng Ni và Phật tử một niềm tri ơn toàn thiện. Tổ Tế Hiển Bửu Dương là người đầu tiên đem dòng thiền Liễu Quán đến Khánh Hòa và hàng môn đệ của ngài tiếp tục thắp sáng và truyền đèn pháp  đến Đồng Nai, Sài Gòn Gia Định, Long An và Cao Nguyên Đà Lạt soi tỏ đời sống tín ngưỡng và văn hóa tâm linh, giúp mọi người  tự hoàn thiện với chính mình và vươn lên với " Chân, Thiện, Mỹ".

          Dòng thiền Liễu Quán xứ trầm hương đã ươm mầm bồ đề giải thoát cho nhiều thế hệ Tăng Ni tại Phật Học Viện Hải Đức, Trường Phật Học Khánh Hòa và các tổ đình: Hội Phước,Thiên Bửu, Long Sơn, Linh Sơn, Tân Long, Thiên Lộc, Thiên Phú, Nghĩa Phương, Đông Phước, Linh Nghĩa, Linh Quang, Liên Hoa, Giác Hải, Viên Ngộ, Kỳ Viên v.v.. đều được gội nhuần diệu lý của  "Thật tế đại đạo" và noi gương thầy tổ tiếp tục lên đường " Truyền trì diệu lý diễn xướng chánh tông"  trên quê hương thân yêu hoặc nơi xa hơn nữa là các quốc gia hải ngoại.

          Để tưởng nhớ ơn sâu mở đạo, ghi lòng nghĩa lớn truyền đăng, nhân dịp Lễ tưởng niệm húy nhật Tổ Sư Thiệt Diệu Liễu Quán lần thứ 279, đốt nén tâm hương và xin chắp tay nguyện cầu đèn thiền luôn tỏ rạng soi đường cho hàng hậu học chúng con tiến bước.

              

               ( Kỷ niệm ngày giỗ Tổ Liễu Quán tại chùa Hội Phước New Mexico, năm Tân Sửu 2021)




***
facebook
youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/12/2010(Xem: 8712)
Xin cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc, bình an và giải thoát. Tác giả mang ơn sâu đối với Thiền Sư Thích Thanh Từ và Giáo Sư Tiến Sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát vì các công trình nghiên cứu và dịch thuật của hai thầy mà tác phẩm này đã dựa vào để tham khảo; và đối với bổn sư tác giả là Thiền Sư Thích Tịch Chiếu. Tác phẩm này được đặc biệt dâng tặng tới các thế hệ trẻ, và phổ quát dâng tặng cho tất cả chúng sinh.
16/12/2010(Xem: 5735)
Lời Phát Biểu của HT Huyền Quang tại Tang Lễ Ôn Đôn Hậu ngày 3-5-1992
10/12/2010(Xem: 9470)
Hoà Thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân phụ là cụ Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con : 4 nam, 1 nữ - Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là Thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên). Năm lên 6 tuổi (1928) gia đình Ngài dời về thôn Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài đã rước thầy Đồ Nho danh tiếng về nhà để dạy chữ Hán cho hai con. Hai anh em Ngài thường được cụ Đồ khen là thông minh, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Năm lên 10 tuổi (1932), Ngài theo học Việt Văn tại thôn Diên Sanh.
04/12/2010(Xem: 6093)
Thái Tử Tất Đạt Đa từ bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ, để ra đi tìm phương giải thoát cho chính mình và chúng sanh. Lối 1332 năm sau Thái Tử Trần Khâm (1258-1308) cũng giã từ cung vàng tìm đến núi Yên Tử để xin xuất gia, mong trở thành sơn tăng sống cuộc đời thanh thoát. Nhưng vì vua cha ép buộc nên phải trở về để kế nghiệp trị dân. Ngay từ lúc nhỏ ông dốc lòng mộ đạo Phật ước muốn được đi tu, năm lên 16 tuổi Trần Khâm đã nhường ngôi vị Đông Cung Thái Tử cho em, vua cha nài ép mãi ông mới nhận lời. Dù không được đi xuất gia lúc bấy giờ, nhưng nơi ông đã thể hiện được con người siêu việt khác thường.
25/11/2010(Xem: 27024)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
24/11/2010(Xem: 11137)
Tiểu sử nhà văn Quách Tấn
15/11/2010(Xem: 8106)
Vào ngày 1-11-1963 khi quân đội đứng lên làm cuộc đảo chánh lật đổ chế độ của gia đình Ô. Ngô Đình Diệm - mà Hội Đồng Quân Dân Cách Mạng do Đại Tướng Dương Văn Minh cầm đầu gọi đó là cuộc “Cách Mạng” thì tôi là cậu sinh viên Luật Khoa Năm Thứ Nhất, chuẩn bị thi lên Năm Thứ Hai của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Bố tôi sính đọc sách báo, vả lại gia đình cư ngụ ở xóm lao động cho nên Radio hàng xóm mở ầm ầm cả ngày khiến dù không muốn nghe nhưng cũng phải nghe tin tức từng giờ của đài phát thanh. Hơn thế nữa khi Sài Gòn nổ ra cuộc đấu tranh của Phật Giáo thì hầu như các đại học, trung học đều đóng của hoặc tự động bãi khóa.
10/11/2010(Xem: 8090)
Hoà Thượng thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại thôn Xuân Yên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình thâm tín Phật Giáo. Thân phụ là cụ Diệp Chí Hoan; thân mẫu là cụ bà Phan Thị Đường. Hai cụ sinh hạ được 5 người con : 4 nam, 1 nữ - Ngài là con thứ trong gia đình, sau anh trưởng là Thầy Diệp Tôn (Thích Thiện Liên). Năm lên 6 tuổi (1928) gia đình Ngài dời về thôn Diên Sanh, xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh Ngài đã rước thầy Đồ Nho danh tiếng về nhà để dạy chữ Hán cho hai con. Hai anh em Ngài thường được cụ Đồ khen là thông minh, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Năm lên 10 tuổi (1932), Ngài theo học Việt Văn tại thôn Diên Sanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]