Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và con đường tái sanh

11/04/201311:15(Xem: 11087)
Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và con đường tái sanh

thiensutudaohanh_1
Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011

Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và con đường tái sanh

 

 

Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái, khói hương nghi ngút cả ngày lẫn đêm, đượm ngát cả không gian, nối kết từ quá khứ đến hiện tại, tương lai, mở đường dẫn lối cho chúng ta, nhận ra chân lý cao tột của nghiệp quả tử sinh, luân hồi cùng đại nguyện. Cho đến bây giờ lời kinh nguyện cầu, với những câu thần chú liên tục vang vọng trên bến bờ tử sinh mê ngộ, sự bí ẩn linh hiện của những mật ngôn, thi nhau gõ nhịp phong kín từng lối đi lại của tâm thức, tạo thành năng lực vi diệu phá vỡ màn đêm tăm tối của vô minh, chuyển đổi nghiệp lực cho từng chúng sanh, trong sự sáng soi rộng mở để tuệ giác bừng lên toả chiếu, một sự ẩn hiện linh diệu vô cùng mà chỉ có công năng tu tập thật sự mới đem lại kết quả. Ta không thể dùng cái tâm dong ruổi để lôi kéo vào những trạng huống bất chợt, không đi qua chặng đường nỗ lực tra vấn, bởi lẽ tất cả mọi năng lực được phát tiết ra, là khi ta đào bới vào tận cùng, bằng tất cả sức lực không ngừng nghĩ, cho đến khi hoà nhập vào tận cùng thể tánh, kết nối xuyên suốt từ trong ra ngoài, từ tâm đến cảnh. Cho tới bây giờ bài kệ "Có, Không" mà người để lại, đẩy bật tâm thức của ta lên tận mây ngàn, chơi vơi trong cõi không cùng vô tận. Con người siêu dị đó là Thiền sư Từ Đạo Hạnh ( 1072- 1116 ) một vị Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam vào thời nhà Lý, còn được nhân dân cung kính với tên gọi Đức Thánh Láng. Hình tượng được tôn thờ ở chùa Láng, chùa Thầy và chùa Nền tại Hà Nội, lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, ngày Ngài viên tịch, theo truyền thuyết Ngài còn là ông Tổ của nghề múa nước rối.

1. Dấu chân xưa còn đó

Thiền Uyển Tập Anh, ghi về Sư như sau: " Thiền sư họ Từ, húy Lộ. Cha là Từ Vinh, làm quan đến chức Tăng quan đô án. Nguyên là Từ Vinh trọ học ở hương Yên Lãng, lấy vợ là con gái nhà họ Tăng rồi cư trú ở đó. Ông là con bà họ Tăng đó. Bản tính ông từ nhỏ hào hiệp phóng khoáng, có chí lớn, phàm việc làm lời nói không ai đoán trước được. Ông kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người kép hát là Vi Ất. Ban đêm ông miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo đá cầu, đánh bạc vui chơi, thường bị cha trách mắng là lười nhác. Một đêm Từ Vinh lén vào phòng thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống bên cạnh, còn Từ Lộ thì đang tựa án mà ngủ, tay vẫn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Từ đó cha ông mới không phải lo nghĩ gì nữa. Sau triều đình mở khoa thi tăng quan, ông dự thi được trúng tuyển. Nguyên trước kia thân phụ ông là Từ Vinh có điều xích mích bị Diên Thành Hầu cho là dùng tà thuật xúc phạm đến mình, vì vậy Diên Thành Hầu nhờ sư Đại Điên dùng pháp thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Thây Từ Vinh trôi đến cầu Quyết thì bật dậy, chỉ tay vào nhà Diên Thành Hầu suốt một ngày. Diên Thành Hầu sợ hãi sai người đi báo với Đại Điên. Đại Điên đến nơi quát: " Kẻ tu hành giận không quá đêm! " Thây Từ Vinh nghe vậy lại tiếp trôi đi. Ông muốn báo thù cha nhưng không biết cách nào. Một hôm nhân lúc Đại Điên ra ngoài, sư bèn xông vào đánh. Bỗng nghe trên không có tiếng quát: " Dừng lại! Dừng lại ! ". Ông sợ vứt gậy mà chạy. Từ đó ông quyết chí tìm đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ để về báo thù cho cha. Đến nước Kim Xỉ ( Miến Điện) gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về. Từ đó ông vào ẩn cư trong hang đá núi Phật Tích, ngày ngày chuyên chú trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni , đủ mười vạn tám nghìn lần. Một hôm sư thấy thần nhân đến bảo: " Đệ tử là Trứ Trấn Thiên Vương, cảm công đức của sư trì tụng kinh Đại Bi nên xin đến hầu để sư sai phái ". Sư biết là đạo pháp viên thành, đã có thể báo thù cha. Sư bèn đến bên cầu Quyết, thử ném gậy xuống giữa dòng nước xiết. Chiếc gậy liền trôi ngược dòng đến phía tây cầu Tây Dương ( Cầu Giấy ở Hà Nội ) thì dừng lại. Sư mừng nói : " Phép ta thắng rồi ". Sư bèn đi thẳng đến nhà Đại Điên. Đại Điên trông thấy nói:
- Ngươi không nhớ chuyện ngày trước sao?
Sư ngước nhìn lên trời, không thấy động tĩnh gì, bèn vung gậy đánh. Đại Điên phát bệnh mà chết. Từ đó rửa sạch oán thù, việc đời như tro lạnh, sư bèn đi khắp nơi trong chốn tùng lâm để tìm Thầy ấn chứng. Nghe nói Kiều Trí Huyền hoá đạo ở Thái Bình, Sư tìm đến tham vấn. Sư đọc bài kệ hỏi về chân tâm:
Cửu hỗn phàm trần vị thức câm ( kim).
Bất tri hà xứ thị chân tâm
Nguyện thùy chỉ đích khai phong tiệm
Liễu kiến như như đoạn khổ tâm.
" Lẫn với bụi đời tự bấy lâu
Chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu?
Cúi xin rộng mở bày phương tiện
Thấy được chân như sạch khổ sầu."
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1
Trí Huyền đọc kệ đáp:
Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiên tâm
Hà sa cảnh thị Bồ Đề đạo
Nghĩ hưởng Bồ Đề cách vạn tầm.
" Minh ngọc vang đưa tiếng ảo hyuền
Ở trong vẫn lộ tấm lòng thiền
Cát sông là cõi Bồ Đề đó
Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn."
Ngô Tất Tố dịch, Văn Học Đời Lý
Sư vẫn lờ mờ không rõ bèn tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo Thiền sư Sùng Phạm. Sư hỏi:
- Thế nào là chân tâm?
Sùng Phạm hỏi lại:
- Thế cái gì không phải chân tâm?
Sự rạng rỡ, tỉnh ngộ, hỏi lại rằng:
- Lấy gì làm bảo chứng?
Sùng phạm đáp:
- Đói ăn khát uống.
Sư lạy tạ rồi cáo từ trở về. Từ đó pháp lực như được tăng thêm, duyên Thiền càng thêm thuần thục, có thể khiến rắn rết, muông thú đến chầu phục, đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm. Có vị Tăng hỏi:
Đi đứng nằm ngồi đều là Phật tâm. Vậy thế nào là Phật tâm?
Sư đọc kệ đáp:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thuỷ nguyệt
Vật trước hữu không không.
" Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không
Có không trăng đáy nước
Đừng mắc có cùng không."
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch, Thiền Sư Việt Nam
Sư lại nói:
Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất châu
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu.
" Nhật nguyệt tại non đầu
Người người tự mất châu
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe."
Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch, Thiền Sư Việt Nam
Bấy giờ vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có con nối dõi. Tháng hai năm Hội Trường Đại Khánh thứ 3 ( 1112) ở phủ Thanh Hoá có người tâu: " Vùng bờ biển Sa Đinh có một đứa trẻ con linh dị, mới lên ba tuổi mà nói năng biện giải như người lớn, xưng là con đích của vua, tự đặt hiệu là Giác Hoàng. Phàm mọi việc làm của hoàng thượng, không điều gì đứa bé ấy không biết."
Vua sai trung sứ vào tận nơi xem xét, thấy đúng như lời tâu, bèn cho đón về chùa Báo Thiên ở kinh đô. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường vua có lòng yêu mến, định lập làm hoàng thái tử. Các quan hết sức can ngăn vua không nên làm như vậy. Các quan lại nói nếu đứa bé quả thật linh dị, tất nên thác sanh vào nội cung rồi sau mới lập làm thái tử được. Vua nghe theo, bèn cho mở hội lớn, bảy ngày đêm để làm phép thoát thai. Sư nghe chuyện tự nghĩ: " Đứa bé nầy dùng phép yêu dị để mê hoặc mọi người, ta nở nào ngồi nhìn để nó lừa dối, làm loạn chính pháp? ". Sư bèn nhờ người chị gái giả làm người đi xem hội, lén đem chuổi hạt do sư đã kết ấn, treo lên rèm cửa. Hội đến ngày thứ ba, thì Giác Hoàng bỗng kêu đau, bảo mọi người: " Ta đã đi khắp hoàng thành, nhưng ở đâu cũng có lưới sắt vây kín. Muốn thác sinh cũng không biết lọt vào bằng cách nào". Vua ngờ Sư làm bùa chú để phá, bèn sai quan xét hỏi thì Sư thú nhận. Quan quân bèn bắt Sư trói, đem đến lầu Hưng Thánh để triều thần định tội. Lúc ấy gặp Sùng Hiền Hầu đi qua, Sư thống thiết giải bày với Hầu về chuyện đó. Sư nói
- Quý Hầu gắng giúp cho bần Tăng thoát tội. Ngày sau xin đầu thai để đáp ơn tạ đức.
Sùng Hiền Hầu nhận lời. Khi vào triều nghị, các quan đều nói:
- Bệ hạ không có nối dõi nên mới cầu Giác Hoàng thác sinh làm con, vậy mà Từ Lộ dùng bùa phép cản trở, xin bệ hạ cho xử chém để thiên hạ hả lòng.
Sùng Hiền Hầu từ tốn tâu rằng:
- Giác Hoàng nếu quả có thần lực, thì dẫu cả trăm Từ Lộ làm bùa chú cũng không làm hại được. Đằng nầy Giác Hoàng lại bị lưới sắt chắn không vào được, thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngu ý của thần, bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ và cho Từ Lộ thác sinh.
Vua thuận theo lời tâu của Sùng Hiền Hầu. Sư bèn đi ngay đến phủ đệ của Sùng Hiền Hầu, vào thẳng nơi phu nhân đang tắm mà nhìn. Phu nhân tức giận nói lại với chồng, nhưng Sùng Hiền hầu biết trước nên không căn vặn gì.
Từ đó phu nhân cảm thấy mình có thai. Sư dặn Sùng Hiền Hầu: " Khi nào phu nhân sắp sinh thì báo cho bần Tăng biết trước". Đến lúc phu nhân sắp sinh Sùng Hiền Hầu cho người đến báo. Sư bèn tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ rồi bảo đệ tử:
- Nghiệp duyên của ta chưa hết, còn phải thác sinh để tạm giữ ngôi vua. Ngày sau thọ chung sẽ được làm thiên tử ở cõi trời thứ ba mươi ba. Nếu thấy chân thân của ta hư nát thì lúc ấy ta mới thật nhập Niết bàn, không còn phải trụ trong vòng sinh diệt nữa. Các đệ tử nghe nói không cầm được nước mắt. Sư bèn đọc bài kệ rằng:
Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư.
" Thu về chẳng báo nhạn theo bay
Cười nhạt người đời uổng xót vay
Thôi hỡi môn đồ đừng quyến luyến
Thầy xưa mấy lượt hoá Thầy nay".
Ngô Tất Tố dịch, Văn Học Đời Lý
Nói xong sư trang nghiêm mà hoá, đến nay hình xác vẫn còn ".
Thiền Uyển Tập Anh, ( Anh Tú Vườn Thiền ) Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, trang 197- 203
Đạo Hạnh có ba người bạn vừa nho sỹ, đạo sỹ và nghệ sỹ phường chèo, tuổi thơ của ông trưởng thành trong môi trường hiếu đạo, mối thù giết cha không thể không trả. Từ Đạo Hạnh con của một vị " Tăng quan đô sát " Từ Vinh, một vị pháp sư, một vị Tăng không hoàn toàn xuất gia, có gia đình vợ con. Ông bị giết, thây trôi đến trước nhà Diên Thành Hầu, khi Đại Điên đến mới quát lên rằng ( Tăng hận bất cách túc) " Kẻ tu hành giận không được quá một đêm ". Về phương diện hiếu đạo, ta có thể cảm thông phần nào việc làm của ông, nhưng đứng về luật nhân quả, thì tất cả mọi tác tạo từ suy tư đến hành động đều bị chi phối bởi luật nhân quả. Đó là chân lý bất di bất dịch, không miễn trừ cho bất cứ cá nhân chúng sanh nào. Chỉ có năng lực tu tập vượt thoát, để cho điều tốt, thiện quả, trí tuệ, an lạc lớn mãi, thường xuyên ngự trị, thay thế chuyển hoá điều ác, điều xấu, tham sân si, không còn dẫn dắt lôi kéo, xúi dục, cho đến khi nào chúng ta thật sự giải thoát, vượt ra ngoài sanh tử, thì nó mới không chi phối, còn ngoài ra tất cả chỉ là sự vay mượn thế vào, không sớm thì muộn, kiếp này hoặc kiếp sau, ta phải trả lại bằng mọi giá, không có sự ngoại lệ.
Sơ tổ Thiền Tông Việt Nam là Khương Tăng Hội ( ?- 280 TL ) cũng có sự liên hệ đến Mật Giáo. " Ngô Tôn Quyền ( 229- 252 TL) thấy Ngài thi thố nhiều phép lạ lấy làm tin phục, xây dựng ngôi chùa Kiến Sơ thỉnh Ngài ở, từ đây Phật Giáo thạnh hành miền Giang Tả". Thiền không hề xử dụng đến phép lạ, năng lực này chỉ có ở những vị tu tập về Mật Giáo.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì tại chùa Pháp Vân, đây là cuốn kinh về Mật Giáo, Thiền phái này có khuynh hướng về Mật Giáo. Thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc thế hệ thứ mười hai của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, ngoài ra ta còn thấy một số Thiền sư nổi tiếng, đã sử dụng năng lực tu tập để cứu dân giúp đời, trong tinh thần từ bi và giải thoát của Đạo Phật.
Thiền sư Vạn Hạnh ( ? 1018 ) thuộc đời thứ 12 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Ngài chuyên tu tập pháp " Tổng Trì Tam Ma Địa ". Ngô Thời Sỹ viết về Ngài như sau " có kiến thức cao siêu thần toán, biết trước mọi việc, cũng là tay xuất sắc trong giới Thiền". Vua Lý Nhân Tông truy tán công hạnh của Ngài như sau:
" Vạn Hạnh thông ba cõi.
Thật hợp lời sấm xưa.
Quê nhà tên Cổ Pháp.
Dựng gậy vững kinh vua."
Thiền sư Sùng Phạm (? -1087) thế hệ thứ 11 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Ngài từng đi du học chín năm ở Ấn Độ, về nước Ngài mở trường dạy đạo tại chùa Pháp Vân, trong số học trò tham dự có Thiền sư Đạo Hạnh. Vua Lê Đại Hành nhiều lần triệu thỉnh Ngài vào cung để tham khảo. Vua Lý Nhân Tông làm bài kệ ca tụng Ngài như sau:
" Tên Sùng Phạm, nhưng người Nam Quốc
Phật trường về đỗ được Tâm Không
Tai dài tướng tốt đoan trang
Hạnh ngôn đúng pháp trăm đường không chê."
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1 trang 132
Thiền sư Trì Bát ( ? - 1117) thế hệ thứ 12 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cũng học với Thiền sư Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân, trong bài kệ thị tịch đoạn cuối Ngài để lại câu mật ngữ " Án tô rô tô rô tất rị."
Không chỉ có bấy nhiêu Thiền sư kết hợp Thiền và Mật trong sự tu tập, mà trong suốt chặng đường phát triển và tồn tại, Mật Tông đã thật sự thấm sâu trong lòng dân tộc Việt, trở thành một trong ba phương pháp tu tập ( Thiền, Mật, Tịnh ) căn bản của Đạo Phật Việt.
" Mật Giáo là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Phật Giáo đại thừa ở Ấn Độ ( giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức). Giai đoạn này bắt đầu từ thế kỷ thứ tư, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ thứ sáu, đến giữa thế kỷ thứ tám thì được hệ thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim Cương thừa (Varayana). Từ Kim Cương thừa xuất hiện nhiều hệ thống Mật giáo, trong đó có hệ thống Sahajayana mà giáo lý và thực hành rất giống với Thiền, nhấn mạnh đến sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác bồ đề, và sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.
Mật Giáo bắt đầu từ tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã đồng thời cũng bắt đầu từ những tín ngưỡng nhân gian Ấn Độ. Về phương diện này, Mật Giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phượng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật Giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt Thiền môn.
Đứng về phương diện tư tưởng, Mật Giáo là một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng tri thức và nghiên cứu các hệ thống Bát Nhã và Duy Thức. Theo Mật Giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải đi tuần tự từng bước. Sự giác ngộ cũng có thể thực hiện trong giây phút hiện tại. Sự sử dụng thế lực của thần linh, sự sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la, có thể hỗ trợ đắc lực cho thiền quán hành đạo. Chính vì khuynh hướng này của Mật Giáo mà Phật giáo đã bao trùm trong mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó, ở Ấn Độ, cũng như ở Việt Nam.
Từ ngữ Tổng Trì nguyên là dharani (đà la ni) trong Phạn ngữ, có nghĩa là nắm giữ, duy trì và ngăn ngừa. Sách Đại Trí Độ Luận (Mahapra-jnaparanita-sastra) của Long Thọ (Nagarjuna) viết vào thế kỷ thứ hai nói: " đà la ni có nghĩa là duy trì và ngăn ngừa, duy trì là duy trì những thiện pháp không để cho thất lạc, như một cái bình nguyên vẹn có thể chứa nước không để nước rịn ra; ngăn ngừa là ngăn ngừa những ác pháp không cho phát sinh, nếu có khuynh hướng tạo tội ác thì ngăn ngừa không cho tạo tắc: đó là đà la ni ". Có bốn loại đà la ni, tức là bốn loại tổng trì: pháp, nghĩa, chú và nhẫn: Pháp đà la ni là duy trì những điều học hỏi về phật pháp, không cho tán thất. Nghĩa đà la ni là duy trì yếu nghĩa của các giáo pháp không để cho quên mất. Chú đà la ni là duy trì các thần chú không để quên mất. Thần chú là những lời nói bí mật được phát sinh trong khi ngồi thiền định, những mật ngữ này có những hiệu lực linh nghiệm không thể đo lường được. Nhẫn đà là ni là an trú trong thực tướng của vạn pháp không để tán loạn."
Nguyễn Lang Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 1 trang 129 - 130

2. Lý Thần Tông hoá thân của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh

Thiền sư Từ Đạo Hạnh biết trước sẽ tái sinh trở lại " túc nhơn của ta chưa hết phải còn sanh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương" để gánh chịu nghiệp quả tác tạo, nhờ người bạn đồng tu từ trước mới chữa khỏi chứng bịnh hoá hổ của mình, âu cũng là túc duyên nhiều đời với nhau. Sự tái sanh của Từ Đạo Hạnh mang một ý nghĩa, phải nhận lãnh nhân quả mà mình đã gây ra, và cũng để chứng minh lý nhân quả không sai chạy. Việc dùng pháp thuật giết chết Đại Điên, nên thọ mạng Lý Thần Tông ngắn ngủi, chết năm 23 tuổi, việc vua hoá hổ có thể do xử dụng pháp thuật không phù hợp với chánh pháp nên phải bị quả báo như thế. Vua Lý Thần Tông cho xây dựng chùa Láng ở Hà Nội để thờ tiền thân của mình, là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua Lý Thần Tông và Thiền Sư Nguyễn Minh Không, cả ba nhân vật lịch sử nầy nối kết lại với nhau, trong sự tương duyên tương hợp, tạo thành những dấu ấn đậm nét, đầy tính kỳ bí không làm sao vén lên nổi. Ở đó là cả một sự kết hợp từ thời gian đến không gian, từ tiểu ngã đến đại ngã, từ con người đến tâm thức, từ quá khứ đến hiện tại, tuôn chảy mịt mùng đến tương lai, ẩn mang một thứ năng lực diệu kỳ, mà tầm nhìn giới hạn của tâm thức ta chưa có cơ may bén mảng đến được. Khi nào cả một vũ trụ mêng mang được tóm gọn trong lòng bàn tay, uống được ngụm nước đầu nguồn, lúc đó mọi sự mới trở nên linh hiện sáng tỏ.
" Lý Thần Tông là con trai của Sùng Hiền Hầu - em trai của vua Lý Nhân Tông, tức là cháu gọi Nhân Tông bằng bác.
Có ý kiến cho rằng Lý Thần Tông là hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển III ghi lại việc Từ Đạo Hạnh thoát xác tại chùa núi Thạch Thất năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời. Người xưa cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.
Tháng 8 năm 1132, quân Chân Lạp và Chiêm Thành vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái úy Dương Anh Nhị đánh thắng được quân hai nước. Sang năm 1134, hai nước phải đến tiến cống.
Tháng 9 năm 1136, tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng lại mang quân vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp.
Vua Thần Tông đại xá cho các tù phạm và trả lại ruộng đất mà đã tịch thu của quân dân trước đó. Ông cũng thực hiện chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay phiên nhau cứ sáu lần một tháng được về làm ruộng. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển.
Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi (1136), bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:
Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh thiên hạ,
Cần được Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư Nguyễn Minh Không. Đến am, sư cười bảo: "Đây không phải là việc cứu cọp đó ư?" Quan chỉ huy hỏi: "Sao Thầy sớm biết trước?" Sư bảo: "Ta đã biết việc này trước ba mươi năm". Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: "Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó." Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: "Quí là trời". Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.
Lý Thần Tông ở ngôi hoàng đế được 10 năm, chỉ thọ 23 tuổi. Kết thúc thời vua Lý Thần Tông, nhà Lý đi vào thời kỳ suy vong".

3. Thiền sư Minh Không một con người độc đáo

Thiền sư Minh Không (1076 - 1141) còn gọi là Lý Quốc Sư, người sáng lập ra chùa Bái Đinh, thuộc đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

" Sư tên Nguyễn Chí Thành, sanh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thường cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh làm bạn thân. Năm hai mươi chín tuổi, Sư cùng hai vị ấy sang Thiên Trúc học đạo với Thầy Sa-môn, được phép Lục Trí Thần. Trở về quê, Sư tạo ngôi chùa Diên Phước, ở đó chuyên trì chú Đại Bi.
Bấy giờ, Sư muốn tạo Đại Nam Tứ Khí (tượng Phật, hồng chung, cái đỉnh, cái vạc) không nệ nhà nghèo sức mọn. Một hôm, Sư suy nghĩ: "Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được." Nghĩ xong, Sư thẳng đường sang Bắc triều (Trung Quốc). Trước nhất, Sư ghé trọ một nhà trưởng giả xin mảnh đất bằng chiếc ca-sa để lập Kỳ Viên. Trưởng giả cười bảo: "Xưa kia Thái tử nhà Lương muốn lập Kỳ Viên, khoảng đất rộng đến ngàn dặm, lấy vàng lót đất. Tại sao ông chỉ xin mảnh đất bằng áo ca-sa, chỉ bằng chuồng gà mà làm gì?" Đêm ấy, Sư trải chiếc ca-sa khắp mười dặm đất. Trưởng giả thấy Sư có phép thần liền dẫn vợ con ra lễ bái, từ đây cả nhà đều qui y Tam Bảo.
Hôm khác, Sư đắp y mang bát chống gậy trước thềm rồng đứng khoanh tay. Vua Tống vào triều, bá quan văn võ tung hô xong, xem thấy vị Sư già bèn triệu vào, hỏi:
- Thầy già ốm này là dân phương nào, tên họ là gì? đến đây có việc chi?
Sư tâu:
- Thần là kẻ Bần tăng ở tiểu quốc, xuất gia đã lâu, nay muốn tạo Đại Nam Tứ Khí, mà sức không tùy tâm, nên chẳng sợ xa xôi lặn lội đến đây, cúi mong Thánh đế mở rộng lòng thương ban cho chút ít đồng tốt, để đem về đúc tạo.
Vua Tống hỏi:
- Thầy đem theo bao nhiêu đồ đệ?
Sư tâu:
- Bần tăng chỉ có một mình, xin đầy đãy này quảy về.
Vua bảo:
- Phương Nam đường xa diệu vợi, tùy sức Sư lấy được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, đủ quảy thì thôi.
Sư vào kho đồng lấy gần hết sạch mà chưa đầy đãy, quan giữ kho le lưỡi lắc đầu, vào triều tâu việc ấy cho Vua. Vua ngạc nhiên hối hận, nhưng lỡ hứa rồi, không biết làm sao.
Sư nhận đồng xong, vua Tống sai bá quan tiễn Sư đưa về nước. Sư từ rằng:
- Một đãy đồng này, tự thân Bần tăng vận sức quảy nổi, không dám làm phiền nhọc các Ngài tiễn đưa.
Nói xong, Sư bước ra lấy đãy máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà, Sư lấy nón thả xuống nước sang sông chỉ trong khoảng chớp mắt đã đến bờ.
Về nước, Sư đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương đúc một tượng Phật Di-đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Sư đúc một cái đỉnh. Ở Phổ Loại, Sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, Sư đúc một cái vạc.
Phần còn dư, Sư đem về chùa quê làng đúc một đại hồng chung nặng ba ngàn ba trăm cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước Giao Thủy nặng ba ngàn cân. Công quả hoàn thành, Sư làm bài tán rằng:
Nón nổi vượt biển cả,
Một hơi muôn dặm đường.
Một đãy sạch đồng Tống,
Dang tay sức ngàn ngựa.
(Khấp phù việt đại hải,
Nhất tức vạn lý trình.
Tống đồng nhất nang tận,
Phấn tý thiên câu lực.)
Thời vua Lý Nhân Tông kiến tạo điện Hưng Long cả năm mới xong, điện cực kỳ tráng lệ. Bỗng trên nóc có hai con chim cáp đậu kêu to, tiếng vang như sấm. Vua lo buồn chẳng vui, quan chỉ huy thấy thế tâu: "Điềm này chỉ có Minh Không và Giác Hải mới trừ được." Vua bèn sai ông đi thỉnh Sư, ngày rằm tháng giêng, ông đến trước am Sư. Sư hỏi: "Quan chỉ huy sao đến chậm vậy?" Ông hỏi lại: "Sao Thầy biết trước chức của tôi?" Sư đáp: "Ta cỡi trăng đạp gió chợt vào thành vua, sớm đã nghe biết việc này." Liền hôm ấy, Sư đến kinh đô, thẳng đến điện Hưng Long, Sư tụng chú thầm, hai con chim lạ ấy nghẹn cổ chẳng kêu, giây lát sau liền rơi xuống đất. Vua thưởng cho Sư một ngàn cân vàng, và năm trăm khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa và phong chức Quốc sư.
Đến năm Đại Định thứ hai (1141) Sư qui tịch.
Hiện nay tại Hà Nội, huyện Thọ Xương trước đền thờ Lý Quốc Sư vẫn còn tượng Sư và có bia ký. Dân chợ Tiên Du muôn đời hương khói phụng thờ. "
Thiền Sư Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, trang 141-144

4. Rong chơi trong cõi tử sinh

Trong chúng ta, ai rồi cũng phải đi qua chặng đường tử sinh ly biệt, nó đến không hề báo trước, có lúc nhẹ nhàng khiến ta không nhận ra được, có khi dữ dằn khiến ta ngã qụy, nhưng không biết lúc nào cơn thịnh nộ thật sự đến một lần để quật ngã chúng ta? Lúc ấy không còn gì, ta sẽ phải bỏ tất cả để ra đi, nhưng đi với hành trang, tâm trạng nào trong cuộc sống hôm nay và ngày mai? Đi trong sự dẫn đưa của vô thường sanh tử, đi mà không lo sợ chùn chân lạc lối, không chán chường đau khổ, âu lo bám theo trên từng lối? Đi như là không đi mà là đi, như là có là không, thoạt ẩn thoạt hiện, một sự trở về tuyệt vời của thuở ban đầu, một sự đi tới mà không có đớn đau phủ ngập, không được mất hơn thua, không còn đàng trước mịt mờ phía sau bí lối? Một sự trở về uyên nguyên không thấy có kẻ đến đi, thong dong tự tại phổ cập trên từng đường nét, vô thường sanh tử đành chào thua bất lực, trước những con người tự tại giải thoát. Sự có mặt của họ ở trong cuộc đời này, chỉ là dừng chân hoá độ, thăm hỏi, vỗ về, để rồi sau đó ung dung nhẹ bước ra đi vì hạnh nguyện độ sanh khác " Thấy được chân như sạch khổ sầu " mà cuộc đời hoá độ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã minh chứng điều đó.
Có hai cách để được làm thân con người, một do nghiệp quả dẫn đưa, hai do hạnh nguyện độ sanh nung nấu, trở lại để hoàn thành sứ mạng nào đó, nếu không thì khó làm thân con người trở lại. Bởi lẽ trong ba cõi sáu đường, chỉ có con người là ở giữa, không sướng quá, cũng không khổ quá, có trí tuệ nhận biết để tu tập thoát ly sanh tử. Chúng ta đang sống, đang trực diện, đang hít thở, có phải đó là sự lựa chọn khôn ngoan khi đầu thai, hay là sự đẩy đưa của nghiệp quả số phận, mà chính ta không thể nào cưỡng lại được? Vòng luân hồi với vô lượng nguyên nhân, khiến cho ta có mặt ở nơi này, cảnh giới này mà không ở đâu khác, ta làm thân con người mà không phải chúng sinh khác? Dù đến từ đâu, bất cứ nguyên nhân nào, thì sự có mặt của ta trong cuộc đời này là điều không thể phủ nhận, khi đủ nhân duyên, nghiệp lực dẫn dắt, thì ta có mặt. Trong sự đẩy đưa lắm lúc ta tưởng chừng đau đớn, hóa ra lại có cái may, may ở chỗ ta có ý thức, gặp được Phật Pháp, tư duy nhận biết thế nào là phù hợp với chân lý, để từ đó nỗ lực tu tập thoát khỏi sanh tử, để không uổng phí một kiếp người.
Tử sinh không còn là sự thách đố lo sợ, vì đó là điều tự nhiên biến dạng được vận hành cho một dạng sống khác, nhưng nếu ta sống an lạc trong sự chuyển tiếp tái sinh hoan hỷ tuyệt cùng thì có gì để phải lo sợ đợi chờ. Cánh cửa tử sinh chỉ làm run sợ cho những ai chưa một lần bước qua, chưa một lần đưa nó ra để ngắm nhìn, nhưng với kẻ giác ngộ từ đó thoát ra, vượt trên mọi lý lẽ biến dịch, há không phải vô nghĩa sao? Vì bi nguyện độ sanh " Thầy xưa mấy kiếp lại Thầy nay " nên với Thiền sư ngoài sanh không có tử, ngoài tử không có sanh, ngoài phiền não không có bồ đề, tất cả chỉ là tương duyên tương hợp. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ đạt được giác ngộ, và đạt như thế nào, giác ngộ điều gì, và có phải đại nghi là đaị ngộ?
Bài kệ thị tịch mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh để lại:
" Thu sang chẳng báo nhạn cùng bay
Cười lạnh trần gian khổ lụy đầy
Nhắn với môn đồ đừng luyến tiếc
Thầy xưa mấy kiếp lại Thầy nay ".
Nguyễn Lang dịch, Việt nam Phật Giáo Sử Luận 1
Khi nào ta ung dung đi trên sanh tử như đi trên thảm hoa, thì lối đi về nào mà không đẹp và thơ mộng? Sinh tử không còn là vấn đề lo sợ, không còn bí ẩn hù doạ, không còn nổi chán chường sợ hãi nữa. Cái biên giới tâm thức sanh tử cũng chỉ là nhịp cầu nối liền cái này với cái kia, giữa hiện thực với phi thực, khi nào ta chưa thật sự nhận rõ thì vẫn là một trở ngại khiến ta cứ thế mà lo sợ hụt hơi, cứ thế mà phải ra công nương nhờ sự cứu độ của kẻ khác, chứ không tự mình làm chủ và định đoạt. Cái tâm thức sanh tử đó như thế nào khiến ta khủng hoảng, lo sợ đến độ tuyệt vọng mà lúc nào cũng mong thoát ra, mong đạt tới cảnh giới của Niết Bàn, nơi không còn tử sinh chi phối? Cười lạnh trần gian khổ lụy đầy " nó ngang ngữa với câu của Không Lộ Thiền sư ( ? 1119 ) " Một tiếng kêu vang lạnh cả trời ". Cả hai đều mở tung cánh cửa tử sinh và giác ngộ trong sự cùng tuyệt, vẫn còn là sự tra vấn mãnh liệt ở trong ta. Có phải đây là lý lẽ của tương duyên, tương sanh, hể cái này sanh thì cái khác cũng sanh, cái này diệt thì cái khác cũng diệt?. Có sinh nên mới có tử, vậy nếu không sinh thì lấy gì mà tử, không đến lấy gì để đi, không phiền não thì làm gì có Niết bàn.? Thay đổi chuyển hoá được khuôn mặt to lớn này là phải trông thấy toàn diện đâu là bản chất như thật của nó, và đâu là mấu chốt của vấn đề? " Lẫn với bụi đời tự bấy lâu, chân tâm vàng ngọc biết tìm đâu " .Một dấu hỏi to lớn ta phải vận dụng hết sức lực bình sanh, mới mong tìm được câu trả lời thỏa đáng, và chỉ có chính ta mới đủ công năng để hoàn thành.
Sự nhận biết về thực tại, về thế giới mà ta đang lặn hụp, nó không còn là điều mù mờ, mà được hình thành rõ ràng minh bạch bởi nhân quả, luân hồi, nghiệp lực dẫn dắt. Chính chúng ta phải tự quyết định, điều khiển, và chịu trách nhiệm về sự suy tư tác tạo của mình chứ không ai khác. Chỉ khi nào ta nỗ lực vượt ra ngoài sanh tử thì nó mới không làm hề hấn, còn nếu không vẫn phải chi phối tác động bởi luật nhân quả. Vấn đề ta có can đảm hiên ngang nhận lãnh những gieo rắc mà ta đã gây nên, có bằng lòng an chịu không một lời than oán trong sự hoan hỷ? Chỉ có điều bằng lòng cam chịu ấy, mới khiến cho ta đủ năng lực tự mình vượt thoát, chấm dứt sự tác động, mà không cần trông chờ sự cứu độ nào đến từ bên ngoài, hoặc đến từ quyền năng siêu nhiên nào đó, trong khi trong ta đầy dẫy vô minh, tham sân si, phiền não lúc nào cũng có mặt chi phối sai sử tác động. Và cũng chính từ sự phải trực tiếp nhận lãnh hậu quả, nó còn mang một ý nghĩa ngăn ngừa, phòng bị, tự mình gánh chịu một cách bình đẳng với muôn loài. Điều đó giúp cho chúng ta nỗ lực hoàn thiện để có được an lạc, hạnh phúc thật sự cho chính mình, và với hạnh nguyện cho và vì chúng sanh, có như thế ta mới chấm dứt được sự nhận lãnh ân huệ từ một tha lực không có thật, chính sự trông chờ và không tưởng đó, đồng nghĩa với việc trao linh hồn cho kẻ khác định đoạt xử dụng, tước đi tự do, nhân cách, sự sống của chính mình.
Sau bao nhiêu thế kỷ con người bị bủa vây bởi sự toàn năng, tối cao, một thời đã thống trị, bức tử, hành hạ, không biết bao nhiêu thân phận con người, vì sự lầm lỡ, không tưởng mê muội của một số người. Đã đến lúc mặt nạ đó phải được đập vỡ tháo bỏ, phơi bày sự thật ra trước ánh sáng. Những khoa học gia, những nhà vật lý học, phủ nhận sự có mặt ấy từ lâu rồi, chấm dứt sự đe doạ, ru ngủ về thiên đường và hoả ngục ảo vọng. Ý niệm về một đấng tối cao quyền năng, đã thật sự biến mất, từ lâu rồi, nhưng vì lòng tham sân si, họ dựa vào sự nhẹ dạ dễ tin, họ muốn cung phụng bản thân hay muốn hoàn thành điều gì đó, lại tìm cách núp bóng, nhân danh đấng vạn năng, để hù doạ ru ngủ dẫn dắt con người đi vào mê lộ, bằng chiếc vé lên thiên đường, hoặc đày xuống hoả ngục. Chúng ta đang ở vào thời kỳ tiến bộ của lý trí và khoa học, hầu như mọi vấn đề có thể tìm hiểu cặn kẽ, và phần nào lý giải được, ta cần nhận biết rõ ràng, ngoài nhân quả do chính mình tác tạo gặt hái, hoàn toàn không do một ai, có đủ năng lực để chi phối thay đổi được nghiệp quả. Sở dĩ điều đó vẫn còn tồn tại, là do sự nhận thức của con người còn thấp kém, chưa tự mình nỗ lực quật khai được chính mình nên cứ mãi lo sợ, cúi đầu núp bóng. Một khi bức màn tăm tối được vén mở, đấng mà ta tôn thờ toàn năng vạn năng đó, bỗng như bọt biển, chúng ta khám phá nhiều điều thú vị, để tự mình sáng soi thăng hoa cuộc sống, đưa con người xích lại gần nhau, cảm thông hiểu biết một cách rõ ràng minh bạch, tự mình làm chủ, tự mình nhận lãnh luật nhân quả, nhưng cũng đừng bao giờ biến mình thành cái hố thẳm, để chôn dấu sự bất hạnh, bằng cách đổ lỗi cho nghiệp quả số phận, như một sự trốn chạy né tránh. Chúng ta phải biết con đường để đi đến an lạc giải thoát là sự đối diện cam go với chính mình, với mọi nghịch cảnh từ nội giới đến ngoại giới, nỗ lực liên tục, đánh đổi thân mạng mới mong vượt thoát. Nó không có chỗ đứng cho sự yên phận,đầu hàng, phó mặc, ỷ lại núp bóng.

5. Bài kệ siêu việt Có Không

Sau khi luyện thần chú báo thù cho cha xong, cõi lòng Ngài thanh thản không còn gì để vướng bận, Ngài tự biết pháp thuật ấy không phải là cứu cánh trong việc thoát ly sanh tử, bởi lẽ nó đến từ sự hỗ trợ nào đó, chứ không phải là năng lực như thật, một khi ta xử dụng không đúng mục đích, không phù hợp với chân lý thì sẽ bị hậu quả trái ngược. Khi nghe Kiều Trí Huyền hoá đạo ở Thái Bình, Ngài đến tham vấn, nói kệ hỏi về chơn tâm, lời giải đáp của Trí Huyền vẫn chưa khiến Ngài thấu rõ nguồn cơn, mãi cho đến khi gặp được Thiền sư Sùng Phạm đang mở trường dạy chúng ở chùa Pháp Vân thì mọi việc mới trở nên rõ ràng. Cũng câu hỏi đó, cũng con người đó, nhưng giờ đây tất cả vỡ tung ra, khiến Ngài nhận ra bản thể vi diệu của Chân Tâm đang có mặt ở trong Ngài tự bao giờ. Từ đó quyết lòng tu tập không xao lãng, đạo pháp càng thăng tiến, duyên Thiền càng chín mùi.
Chân Tâm, Chân Như ra làm sao mà Thiền sư Đạo Hạnh phải lặn lội tìm kiếm? Không chỉ có mỗi một Thiền sư Từ Đạo Hạnh ra công tìm cầu, mà tất cả chúng ta nếu muốn giác ngộ, cũng phải nỗ lực truy lùng cho đến cùng. Đó là bản thể, tự tánh, tịch nhiên vô tận bất biến xưa nay, không hề thay đổi biến chất, nó sẵn có trong ta và tất cả chúng sanh, nhưng vì mãi mê rong chơi trong thế giới hỗn độn, bị vô minh phủ che không thấy đâu là bến bờ, không nhận ra đường xưa nẻo cũ mãi lo vọng động theo tướng theo hình, theo phiền não tham sân si, lúc nhớ lúc quên, lúc say lúc tỉnh, tất cả được ta gom lại chất thành đống, không rõ nguồn cơn, phân biệt đâu là đâu, lẫn lộn, loanh quanh mịt mờ tăm tối. Chỉ khi nào tuệ giác soi chiếu, ta giật mình tỉnh thức nhận ra sự diệu dụng vô cùng không tận của nó, như " đói ăn khát uống " không so đo tính toán chần chờ, một sự vỡ tung phủ ngập cả càn khôn trong tích tắc của sát na bừng dậy. Điều đó không phải viễn ảnh khiến ta khó lòng nhận thấy, ở đây và ngay lúc này, trong mọi tác động hằng ngày ở chung quanh, thay vì theo cảnh theo tâm ta xoay vào quán chiếu ở bên trong, không một phút giây xao lãng, cái hiện thực mà ta đang tác động hít thở, cái sự sống mà ta đang chung đụng ấy, chỉ cần bình tâm dừng lại soi thấu ta sẽ thấy rõ được cái thực tại linh hiện này đang có mặt. Dĩ nhiên ta đừng vận dụng đến sự lôi kéo của vô minh, não phiền, dẫn đưa của tri thức, phải trang bị sẵn cho mình sự thức tỉnh trên từng suy tư hành hoạt, chúng ta nỗ lực thẩm tra hoán chuyển, để cho bản chất sẵn có của Chân Như tự nhiên hiển lộ toả sáng, tất cả mọi tác động từ trong đến ngoài, từ nội giới đến ngoại giới, đều ẩn chứa sự linh hiện tròn đầy, ta không dùng đến cửa ngõ lý luận biên kiến nhị nguyên, tính toán so đo. Nếu cứ mãi làm nhịp cầu để cho tâm thức, dẫn đến sự bày biện sắp đặt sẵn có của vô minh, thì làm sao ta có thể phá vỡ được sự khống chế bất tận của nó? Chúng ta mãi lo bon chen, bỏ mất bản tâm, để cho vô minh đưa đường chỉ lối, nên cứ mãi luân hồi lẫn quẩn trong ba cõi sáu đường, khi nào ta tỉnh thức, nhận biết tỏ tường minh bạch, biết cách đoạn trừ vô minh, trục xuất tham sân si ra ngoài, phủi sạch trần lao, thì lúc ấy Chân Tâm sẽ hiển lộ tròn đầy.
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa;
" Nhận thế giới là có thì cát bụi đều có
Nhận là không thì hết thảy đều không
Có và không ví như trăng dưới nước, nước có
thì trăng có, nước không thì hết có bóng trăng
Chớ nên chấp vào "có " " không " là không ".
Nguyễn Đăng Thục dịch, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, tập 3 trang 50
Dịch thơ:
Có thì có tự mảy may
Không thì vũ trụ này cũng không
Có, không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1 trang 127
Bài kệ "Có" " Không " tuyệt vời của Ngài, cho đến bây giờ vẫn vang động trong Thiền môn, soi sáng trong tận cùng tâm thức, mở ra phương trời sáng tỏ, ở đó không có lẫn lộn mơ hồ níu kéo, mà là sự siêu việt tuôn chảy bất tận trên từng hiện hữu, vượt thoát ra ngoài có không, thong dong trên từng nẻo đến đi vô tận. Nhận thức một cách tinh tường soi thấu, cái có quyện với cái không, cái không quyện với cái có, hai thể ấy bỗng nhiên hoà nhập thành một thể duy nhất vượt thoát ra ngoài, không lưu lại dấu, có mà không, không mà có, phá vỡ mọi ngăn ngại lầm chấp, hiển lộ nên thực thể tròn đầy chiếu sáng từng bước đi trên lối về giác ngộ, trong sự vượt thoát tối thắng của kẻ uống được ngụm nước đầu nguồn.
Truy tìm căn nguyên và ý lực tạo nên những chất liệu tối cần cho hành trình dài lâu của tư tưởng, ta xác quyết đúng mức rằng, sự hình thành của một tâm năng tự tại mà hầu hết những Thiền sư ung dung qua lại, là nhờ vén mở được thực thể của vũ trụ hợp nhất với con người trong sự cùng tuyệt, gồm những tương quan tác động từ nội tại đến ngoại, từ vị thế nhỏ nhoi của con người đến đại thể bao la không biên giới, giác ngộ và mê mờ, sanh tử niết bàn, tất cả tạo thành chuỗi dài liên kết bất tận. Cái tâm để tạo nên để vén mở đó đều phải đi qua quá trình khó khăn phức tạp, phải được khai thác tối đa vận dụng đến tất cả năng lực nội tại tàng chứa sẵn trong mỗi chúng ta, từ phiền não tử sinh đến thường hằng giác ngộ, những sai sử của ý thức vọng động, kể cả những điều mà trước đó ta ra công truy đuổi, những tên giặc chuyên đưa ta trôi lăn trong triền phược. Nếu nó đã từng gây khổ đau hệ lụy cho ta ,thì cũng chỉ có chính nó mới khiến cho ta đổi thay bộ mặt nghìn đời chôn dấu ấy, bằng cách sáng soi làm bạn đồng hành vượt thoát.
Khi để tâm vào một điểm duy nhất, dùng tất cả năng lực bình sanh liên tục quán chiếu vào tận cùng thể tánh, đến khi lớn mạnh, nó sẽ tức khắc bùng vỡ. " Để tâm trụ lại một chỗ, thì lhông việc gì mà không thành." Tâm là chủ thể của mọi nguồn cơn, dẫn ta trôi lăn trong sanh tử, nhưng cũng đưa ta đến cửa ngõ của giác ngộ, ta có nỗ lực quyết chí để hoàn thành con đường tối thượng đó hay không? Những tác động về thực tại đòi hỏi ta phải nỗ lực liên tục trong từng phút giây hơi thở, trong từng sát na của suy tư, phải sống tỉnh thức trong hiện thực đừng để cơ hội nào cho vô minh phiền não đến gần. Khi ta thật sự tống xuất được vô minh, dĩ nhiên không phải bằng cách biến nó thành tiêu điểm để ta mãi mê trút mọi thứ vào, thì nó trở thành bạn đồng hành trên con đường trở về mái nhà xưa của Chân Như. Ta phải chuyển hoá đẩy bung lột xác, gột rửa thân tâm để cho tinh tường trong suốt, không vướng bận thì mới có được sự an lạc phủ vây. Ý thức minh mẫn trong từng hành hoạt khởi dụng, quật tung hất trọn tất cả, để cho giác ngộ có cơ may châm ngòi trổi dậy.
Sự tiến bộ của một tâm linh, đó là thức tỉnh và an lạc, nội tâm an tịnh không giao động, không bị ngoại cảnh chi phối, tỉnh thức là sự gạn lọc lắng đọng sự vẫn đục nơi tâm thức, lau chùi mài dũa tinh luyện để cho chơn tâm hiển lộ. Lúc nào mà ta chưa nhận chân ra được cái toàn thể tính của không vọng tâm móng ý, thì ta vẫn mãi là kẻ lữ hành cô độc lang thang trên mọi lối về, bị sai sử dẫn dắt đi vào mê lộ, ru ngủ núp bóng trá hình nào đó do vô minh chủ động. Ý lực nào khiến ta có thể tóm thâu được điều này, có phải sự tỉnh thức toàn diện liên tục nổi lên, và ngộ là ngộ tức khắc không còn đi qua thứ lớp, không có kiểu nửa chừng. Trên bình diện đạt được sự an lạc thì những gì ngăn ngại, níu kéo, cho dù sanh tử hay Niết bàn, nếu không buông bỏ gạt phăng, thì vẫn còn là một nổi trôi vi tế bám chặt theo ta trên mọi lối. Ta cần phải quật tung sự bí ẩn đó, đẩy nó vào tận cùng không còn có cơ hội nào theo đuổi, dù chỉ trong tích tắc, thường sống trong sự tuyệt luân không có biên kiến, nhị nguyên, đôi bờ, đôi ngã. Tâm của ta không thể rờ mó xúc tác thăm hỏi được, nó là bản thể vi diệu mà phần hoạt dụng biểu hiện ra bao trùm lên tất cả, nhưng không có nghĩa tất cả đều do nó tác tạo, mà không có sự soi thấu chăm sóc của ta, không khéo lạc xa ngàn trùng. Làm sao ta nhận biết được đâu là bản thể vô cùng của nó, vượt thoát ra ngoài chân vọng, có không, đạt được cái chân tâm tròn đầy viên dung vô ngại, bất biến vô tận xưa nay, để từ đó ta thâu tóm nó lại trong cuộc dẫn đưa của vô thường sanh tử.
Sự lôi kéo, xúi dục, mời gọi, dẫn dắt của vô minh bám theo ta từng suy tư, từng phút giây, vì thế tất cả mọi nỗ lực trăn trở để hoàn thành, đều phải tác động ngay trong sát na này, con người này, cảnh giới này, giây phút này, cho đến khi nào vỡ tung ra. Lúc ấy ta mới thong dong đi lại mà không hề lo sợ lạc lối, một sự đến đi vượt thoát trong vô cùng không tận, và đâu là lối đi nẻo về không có bóng dáng của " có không ".



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2023(Xem: 2382)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
19/04/2023(Xem: 2501)
Năm 1964, Hòa thượng thân làm Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn. Đây chính là tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn chủ trương các tập san như Tin Phật, Bát Nhã để gióng lên cho đời tiếng nói của pháp âm. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, Hòa thượng hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, giao thiệp với nhiều danh Tăng các nước.
11/04/2023(Xem: 2729)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Châu (1931-1998)
09/04/2023(Xem: 4165)
Tôi nhận được bản thảo cuốn sách “Phật pháp vấn đáp” của Hòa thượng Thích Giác Quang dày 500 trang và tôi đoc sơ ngay lập tức bản thảo này. Thú thật rằng là người đọc nhiều, nhưng ngay cả với tôi, nhiều điều được Hòa thượng giảng giải ở đây, bây giờ tôi mới hiểu, hoặc hiểu đúng. Bản thân tôi, dù mới tu tập chưa lâu nhưng vẫn thấy rằng rất nhiều người dân đất Việt, kể cả các Phật tử, nhất là miền Bắc, đang hiểu sai về Đức Phật và các giáo lý của Ngài. Hiểu sai một cách nghiêm trọng, thậm chí đang làm ngược lại cả những gì Đức Phật dạy. Vậy nên tôi đang cố công biên soạn cuốn sách hỏi đáp đơn giản và cơ bản nhất về Đức Phật và đạo Phật. Mừng thay, có bản thảo cuốn sách giá trị này, tôi hơn vớ được vàng.
09/04/2023(Xem: 1834)
HT Thích Chí Thiền ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc. Tông Lâm Tế vào Việt Nam từ thế kỷ 12, từng bước đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, HT. Thích Chí Thiền từng bước trả ơn Tam bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh.
09/04/2023(Xem: 2787)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh (1926-2022) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2609)
Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Tuệ Giác (1960-2021) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2306)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nguyên Trực (1943-2018)
08/04/2023(Xem: 3139)
#tieusuchutonduc, #phapamphatgiaotoancau ĐỂ XEM THÊM TIỂU SỬ CHƯ TÔN ĐỨC. BẤM VÀO PLAYPLIST: • Tiểu Sử Chư Tôn Đức 🌎 PHÁP ÂM PHẬT GIÁO TOÀN CẦU (Youtube & Facebook) 👉 / @phapamphatgiaoto... 🙏🏻 Chủ trương: Hoà Thượng Thích Thông Hải 🧘🏻‍♀️ Điều hành: Ca Nhạc Sĩ Thuỳ Linh 😀 Chân thành cám ơn quý vị đã ủng hộ và Subcribe cho đài PAPGTC. Trân trọng! Thanks for Subcribing to our channel. 😀 Nhấn chuông để được thông báo ngay khi có video mới nhất của đài PAPGTC. Press the bell to watch right away when we post a new video. 😀 YouTube: Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu 👉 / @phapamphatgiaoto... 👉 Facebook: Pháp Âm Phật Giáo 👉 / @phapamphatgiaoto... 📧 Email: [email protected] ✏️ Mọi góp ý xin hãy comment bên dưới, chúng tôi sẽ phúc đáp nhanh nhất có thể. 👍 Thank you very much for watching videos. Remember to SUBCRIBE, LIKE, SHARE and COMMENT :-)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]