Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Ngộ Tánh (1940-2020)

05/12/202020:22(Xem: 4436)
Tiểu sử Trưởng lão HT.Thích Ngộ Tánh (1940-2020)


ht thich ngo tanh


Tiểu sử

Trưởng lão HT.Thích Ngộ Tánh

(1940-2020)

Thân thế

Hòa thượng Thích Ngộ Tánh họ Trịnh, húy Văn Bảo, sinh ngày 12-8-1940, tại thôn Mỹ Lợi, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngài xuất thân trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam bảo. Thân phụ là cụ ông Trịnh Dục, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Hội. Gia đình Hòa thượng có bảy anh em, ngài là người con thứ bảy trong gia đình.

Thời kỳ xuất gia học đạo và thọ giới

Vốn sẵn có túc duyên với Phật pháp, năm 1960, thân mẫu đưa ngài về chùa Chi Hội (nay là chùa Đức Hòa) xin quy y với Hòa thượng Thích Viên Nhơn, được đặt pháp danh là Quảng Thường, nối dòng Lâm Tế đời thứ 45.
Năm 1961, ngài được Hòa thượng bổn sư đưa ra chùa Báo Ân, phường An Cựu, thành phố Huế, tu học với Hòa thượng Thích Chánh Trí, song song đó học nghi lễ tại chùa Phổ Quang (Bến Ngự).
Năm 1963, do phong trào đàn áp Phật giáo của chính quyền đương thời, ngài về chùa Từ Đàm trú một thời gian đến năm 1964, vào tu học ở Phật học viện  Phổ Đà (Đà Nẵng) do Hòa thượng Thích Minh Chiếu nuôi dưỡng.
Đến năm 1969, ngài lên tu học tại chùa Hồng Từ, tỉnh Kon Tum, nơi Hòa thượng bổn sư trụ trì.
Năm 1970, ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia (chùa Pháp Lâm, Tỉnh Hội Phật giáo Đà Nẵng). Cùng năm đó, ngài nhập học tại Phật học viện Huệ Nghiêm - Sài Gòn, đến cuối năm chuyển về Phật học viện Hải Đức - Nha Trang học chuyên khoa cao đẳng đến năm 1973.

Thời kỳ hành đạo

Năm 1973, đủ cơ duyên hoằng pháp, ngài tham gia khóa Phú Lâu Na và cùng đoàn hoằng pháp “Như Lai Sứ Giả” dấn thân đi thuyết giảng Phật pháp khắp Nam kỳ lục tỉnh, mở lớp huấn luyện Phật giáo ở Gò Công (Tiền Giang).
Cuối năm 1974, ngài trở về chùa Chi hội Phật giáo Ninh Hòa (nay là chùa Đức Hòa), thừa tiếp huấn dụ của Hòa thượng bổn sư xây dựng thiền thất Viên Ngộ, tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Những thập niên sau đó, ngài cùng sự chung sức của hai vị sư đệ là Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh và Hòa thượng Thích Ngộ Trí, phát dương “chùa Cốc” trở thành ngôi già-lam, làm chốn tổ đình cho chư Tăng thuộc tông môn Viên Ngộ.
Sau năm 1975, đất nước lâm vào tình hình khó khăn chung, ngài cùng huynh đệ phát rẫy, làm ruộng, lao động để tự túc kinh tế, song song việc hành trì và lập đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu tập.
Từ năm 1976, ngài cùng Tăng-già huyện nhà tùy duyên tu tập, cho đến khi Ban Đại diện Phật giáo Ninh Hòa thành lập, ngài làm Phó ban Đại diện kiêm Thư ký.
Năm 1990, ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Chi hội. Từ khoảng thời gian này, trong cương vị Chánh Đại diện Phật giáo huyện Ninh Hòa, ngài tích cực mở lớp giáo lý dạy cho cư sĩ tại gia, các lớp bổ túc giáo lý cho tiểu điệu nhân mùa kiết hạ, đồng thời thúc đẩy tổ chức Gia đình Phật tử sinh hoạt mạnh dần trở lại.
Năm 2000, theo di nguyện của cố Hòa thượng Thích Hạnh Hải, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã bổ nhiệm ngài kiêm trụ trì Tổ đình Thiên Bửu. Hai năm sau, ngài đã khai giảng khóa đầu tiên lớp Sơ cấp Phật học Ninh Hòa, đặt tại tổ đình Thiên Bửu, để truyền dạy Phật học cơ bản cho chúng tân xuất gia, đến nay đã được 7 khóa. Song song đó, công tác tái thiết trùng tu ngôi tổ đình vẫn tiến hành, cho đến năm 2003 hoàn thành, khánh tạ.
Với tâm nguyện kiến tạo một cơ sở khang trang để Tăng Ni, Phật tử trong huyện sinh hoạt và tu học, từ năm 2005, ngài phát nguyện đại trùng tu ngôi Tam bảo chùa Chi Hội, đổi tên thành chùa Đức Hòa; năm 2012, tiếp tục xây bảo tháp Báo Ân tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức; năm 2016, xây thêm giảng đường; đến ngày 6-5-2018 chính thức hoàn công và khánh tạ lạc thành ngôi phạm vũ trang nghiêm tố hảo.
Ngoài ra, ngài cũng đã khai sơn những ngôi chùa, tịnh thất khác trong thị xã Ninh Hòa, như: chùa Đức Sơn xã Ninh Sơn, chùa Khánh Sơn xã Ninh Thượng, tịnh thất Hương Thủy xã Ninh Thủy, chùa Mỹ Sơn xã Ninh Lộc, chùa Hương Sơn xã Ninh Ích, chùa Tây Thiên xã Ninh Tây.
Năm 2006, ngoài công tác Phật sự tại Ninh Hòa, ngài được Giáo hội bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017-2022), Hòa thượng được cung cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa.

Sự nghiệp tu tập và đào tạo Tăng tài

Mặc dù công tác Phật sự đa đoan, thân mang tật bệnh, nhưng ngài vẫn luôn duy trì việc bồi công dưỡng đức. Pháp môn chính ngài thường xuyên hành trì là nghi thức lễ sám 108 lạy do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ soạn. Ngoài ra, ngài còn thọ học gia trì Hiển Mật từ cố Hòa thượng Thích Hạnh Hải, trì Ngũ bộ chú và lâm đàn Chẩn tế tại các trai đàn.
Với tâm nguyện phát dương Phật pháp tại quê hương Ninh Hòa, ngài đã công cử và bổ xứ cho hầu hết các chùa, tịnh xá trong huyện gần 100 ngôi đều có Tăng Ni về trụ trì, hướng dẫn phật tử tu học. Trong cương vị lãnh đạo Phật giáo địa phương, ngài thường xuyên thân hành về từng trú xứ tự viện để thăm nom và sách tấn chư Tăng Ni trong công tác phụng sự đạo pháp.
Năm 1990, trường Cơ bản Phật học (sau này là Trung cấp Phật học) Khánh Hòa khai giảng khóa I tại Nha Trang, ngài đã tham gia Ban giảng huấn, làm Giáo thọ giảng dạy suốt nhiều khóa liền.
Từ năm 1993, các Đại giới đàn mang tôn hiệu Trí Thủ, Bồ-tát Quảng Đức, khai đàn thí giới cho Tăng Ni, Phật tử, ngài đều được cung thỉnh vào ngôi Giáo thọ A-xà-lê. Năm 2019, trong cương vị Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, ngài đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban kiến đàn Đại giới đàn Bồ-tát Quảng Đức.
Tại các Đại giới đàn mang tên Cam Lộ tổ chức tại chùa Minh Thành (Gia Lai), ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng Tăng-già.
Công hạnh của ngài luôn từ hòa, bao dung, dang rộng vòng tay tiếp độ và giáo dưỡng. Nhờ đó, ngài đã nuôi dạy thành tài chúng đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đến số trên trăm người, có thể kể như các vị: Nhuận Hải - Đạo Tâm, Nhuận Thông - Đạo Minh, Nhuận Quang - Đạo Nguyên, Nhuận Dung - Đạo Tuyên, Nhuận Đức - Đạo Thuyên, v.v., chưa kể số sư cháu trong tông môn, và đệ tử tại gia có đến hàng vạn.
Với những công hạnh rạng ngời như thế, ngài đã được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc năm 2012.

Giai đoạn viên tịch

Suốt hơn 7 thập kỷ hiện hữu trong cõi Ta-bà giả tạm này, Hòa thượng đã thị hiện một đời sống phạm hạnh nghiêm trang, châu thân giới đức sáng ngời, xứng đáng là bậc thạch trụ thiền gia. Thế nhưng, gót hài in dấu phiêu du rồi cũng đến lúc phai nhòa trên vạn nẻo đường hành cước. Ngài đã nhẹ gót tiêu dao trên lối mòn cổ đạo, trời Tây phương sen nở có tên rồi.
Vào lúc 9 giờ 10 phút, ngày 5-12-2020 (tức 20-10-Canh Tý), do niên cao lạp trưởng, tứ đại căn trần khô kiệt, giả tướng suy hao, ngài đã giã từ chốn huyễn, an nhiên thị tịch, để lại nỗi trống vắng chơ vơ cho môn đồ pháp quyến, và sự tiếc nuối kính yêu cho Tăng Ni, Phật tử Khánh Hòa.

GN (Nội dung do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa cung cấp đến báo Giác Ngộ)
https://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2020/12/05/1344CB/





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/08/2013(Xem: 17428)
Bồ đề chủng tử diệu tâm Ứng thân đồng ấu nẫy mầm thiên lương Đức Thầy bình dị chơn phương Phụng thờ Phật Tổ hạnh thường khiêm cung.
30/07/2013(Xem: 14686)
Cố Thượng tọa THÍCH CHÁNH LẠC, thế danh Nguyễn Ngọc Quang, Pháp danh Nguyên An, hiệu Chánh Lạc, sinh ngày 07 tháng 12 năm Canh Dần (1950) trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, tại thôn Khái Ðông, xã Hòa Hải huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Ðà Nẵng, thuộc danh lam thắng tích Ngũ Hành Sơn - Non Nước.
19/07/2013(Xem: 12311)
Phật Giáo Việt Nam có sự gắn bó như nước và sữa với dân tộc và đất nước Việt Nam suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển trên hai ngàn năm qua. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Trong quá trình tồn tại và phát triển đó, Phật Giáo Việt Nam đã trải qua nhiều cơn thăng trầm, vinh nhục. Nhưng chưa bao giờ Phật Giáo Việt Nam đánh mất bản nguyện hoằng dương Chánh Pháp giải khổ quần sanh và góp phần giữ nước và phát triển đất nước.
13/07/2013(Xem: 19761)
Linh Sơn Chốn Tổ Nguồn Tâm
30/06/2013(Xem: 10855)
Năm nay Sư Ông Nhất Hạnh đã 87 tuổi. Nếu tính từ ngày xuất gia hồi 16 tuổi tới nay thì người đã có 71 tuổi hạ. Vậy mà Sư Ông vẫn chưa nghỉ một ngày, cứ mãi miết làm việc với một hạnh nguyện duy nhất là "Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc". Nếu không viết sách thì Sư Ông Sư Ông cũng dành thì giờ viết thư pháp, biến những lời Bụt dạy thành những câu thiền ngữ cho mọi người thỉnh về nhà, treo lên và tự nhắc mình tu tập như có thầy luôn ở phòng khách nhà mình, nhắc mình nhớ làm chủ thân tâm, nắm giữ chánh niệm, ý thức sự có mặt của người mình thương, vừa có tiền cho quỹ Hiểu & Thương của Làng nuôi dạy trẻ em nghèo đói ở Việt Nam và Ấn Độ.
23/06/2013(Xem: 7474)
Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT Nam Mô Viên Mãn Báo Thân LÔ XÁ NA PHẬT Nam Mô Thiên Bá Ức Hóa Thân THÍCH CA MÂU NI PHẬT Nam Mô Vị Pháp Thiêu Thân THÍCH QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT Nam Mô Đại Hùng, Đại Lực CHƯ BỒ TÁT Vị Pháp Thiêu Thân
22/06/2013(Xem: 8593)
Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử nầy để rút ra bài học cho những bước tiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội nầy.
17/06/2013(Xem: 11751)
1963-2013! Năm mươi năm đã trôi qua. Nửa thế kỷ là thời gian đủ dài để chúng ta có thể an nhiên nhìn lại quá khứ hầu rút ra được những bài học cho tương lai. Đối với Phật tử thì đó là một bài học về đạo lực vận dụng giữa trí tuệ và từ bi, giữa hạnh nhẫn nhục và lực đại hùng một cách hài hòa và vì lợi lạc của chúng sinh. Còn đối với tương lai dân tộc ta thì Pháp nạn Phật giáo năm 1963 đã cống hiến cho chúng ta một bài học lớn về niềm khao khát và lòng tôn trọng một cuộc sống cộng sinh trong một môi trường hòa bình, an lạc.
12/06/2013(Xem: 9962)
Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện sự phản đối đầy bi phẫn bằng việc tẩm xăng tự thiêu ngay giữa một giao lộ đông đúc ở Sài Gòn.
07/06/2013(Xem: 7851)
Tôi gặp Hòa thượng Nguyên Lai cũng nhờ Ni sư Nguyên Thanh (mà nay là Pháp vị Ni Trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, đương kim Viện chủ chùa An Lạc, San Jose). Trước tiên là cám ơn Ni trưởng Nguyên Thanh hằng năm cung thỉnh chúng tôi về chứng minh, thuyết giảng hầu hết những Đại lễ mà đặc biệt là vía đức Phật Di Đà. Kể từ khi Giáo chỉ số 9 ra đời, thì chúng tôi không còn diễn giảng hay chứng minh bất cứ một lễ nào nữa
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]