Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đôi dòng hồi tưởng về Thầy

14/04/202011:44(Xem: 3504)
Đôi dòng hồi tưởng về Thầy

ĐÔI DÒNG

HỒI TƯỞNG VỀ THẦY…

Buổi sáng ngày 29/2 Canh Tý (nhằm ngày 22/3/2020), vào lúc 10g00 Con nhận được điện thoại của Thượng Toạ Giác Hiệp cho hay sư phụ bệnh nặng và chắc không qua khỏi… nên huynh đệ sắp xếp về gấp. Con nghe tin như sét đánh và không tin vào chính mình. Và để chắc chắn hơn, con gọi cho Sư cô Giác Tịnh nhưng điện thoại không liên lạc được và có điềm gì xấu đang xảy ra. Con liền gọi cho chị Cân hỏi thăm tình hình sức khoẻ sư phụ. Chị Cân cho biết sư phụ vừa mới mất nên quý thầy sắp xếp về lo đám tang sư phụ. Lúc này, con đã tin là sự thật và tim con đập run liên hồi và không còn đủ lý trí đặt vé máy bay để kịp về với sư phụ không?

Không khí sân bay ngày hôm nay khác lạ, không nhộn nhịp như những ngày vốn có của cảnh tiễn đưa “kẻ ở người đi” mà bao trùm không khí im lặng, thanh vắng, không ồn ào, không náo nhiệt… bởi lẽ do dịch Covid-19 đang xảy ra cướp đi hàng ngàn sinh mạng trên khắp thế giới hay là không khí buồn tang thương vì sự sống sinh tử vô thường, có sinh ắt có diệt. Trong thời gian ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ đợi trở về với thầy, nhiều kỷ niệm về thầy bỗng ùa về trong tâm trí của con…

Con vẫn còn nhớ vào ngày 21 tháng 7 năm Giáp Tuất (nhằm ngày 27 tháng 8 năm 1994), là thời điểm ba anh em chúng con bao gồm Con, Hiếu và Hoảng xin phép gia đình cùng nhau đến chùa Bình An xuất gia tu học. Ngày đầu tiên, chúng con xa gia đình đến đảnh lễ thầy xin xuất gia tu học. Lúc đó; con vẫn nhớ hình dáng thầy chân chất của người nhà quê, thầy ngồi kiết già vững chãi trên chiếc ghế gỗ dài, bên cạnh là những cuốn sách nghiên cứu kinh-luật để trên bàn và giọng nói trầm ấm. Thầy ân cần hỏi tên từng đứa, hỏi bao nhiêu tuổi và thầy dạy bảo anh em chúng con rất nhiều vấn đề là cố gắng tu học tốt để sau này phụng sự đạo pháp… Giây phút ấy, con cảm nhận được năng lượng từ bi, tình yêu bao la thầy dành cho chúng con. Thời gian xuân hạ thu đông cứ thế trôi đi, năm tháng tương chao, rau muống, dưa cà… của chùa Bình An nuôi dưỡng huynh đệ chúng con khôn lớn từng ngày. Chùa Bình An lúc đó thiếu trước hụt sau, ngoài những tháng ngày ăn cơm với rau muống, rau lang… trò ăn gì thầy ăn đó. Thỉnh thoảng đến ngày rằm hay mồng một, quý Phật tử cúng cho miếng đậu hủ, chút dưa cà vào chùa để thay đổi thực đơn. Những năm tháng con sống ở chùa Bình An tuy không thiếu thốn, không khó khăn nhiều như những ngày quý sư huynh trước con đã ở; nhưng tấm lòng thương yêu thầy rất bao la. Thầy luôn luôn bên cạnh chăm sóc chúng con mỗi khi huynh đệ có ai bị ốm đau, có khi thầy nhắc nhở chúng con nếu lơ là việc tinh tấn tu tập mỗi ngày.


thich giac tho
Con còn nhớ, những buổi sáng sau giờ công phu khuya 4g00 sáng của đại chúng (lúc đó thầy đánh chuông đại hồng chung), thầy tiếp tục công phu hành trì kinh Lăng Nghiêm và trì tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa đến 6g00 sáng mỗi ngày. Trên chánh điện, thầy một mình công phu tu tập với tiếng mõ tụng kinh; ở dưới nhà bếp, chúng con lấy củi đun nước sôi chế bình thuỷ, nấu cháo tranh thủ đọc sách, học bài, học kinh kệ hay ôn lại những gì thầy đã dạy qua những câu chữ hán âm – nghĩa của bốn bộ luật, kinh Di Đà sớ sao… để kịp ngày mai lên lớp học thầy hỏi chúng con trả lời. Thầy là một tấm gương sáng không chỉ thực hành nghiêm túc trong tu tập mà còn dành nhiều thời gian tâm huyết đến sự nghiệp giáo dục Phật giáo, nhằm đào tạo nhân tài cho Phật giáo tỉnh Bình Định nói riêng và Giáo hội Phật giáo nói chung. Hằng ngày, hằng tuần cho dù thời gian sáng sớm hay chiều tối; trời nắng gắt khô hạn hay những cơn mưa dài ngày của đất miền Trung… thầy vẫn một mình chạy xe đến Trường Trung cấp Phật học Tu viện Nguyên Thiều đứng lớp giảng dạy. Mùa an cư kiết hạ, thầy ân cần đi giảng dạy cho tứ chúng hành giả an cư tại các trường hạ trong tỉnh Bình Định. Ngoài ra, thầy còn mở những lớp nho giáo dạy tại chùa Bình An nhằm trao kiến thức nội điển cũng như kinh nghiêm công phu tu tập của thầy đến các thế hệ tăng ni noi theo thầy về thân giáo và khẩu giáo.

Thời gian thấm thoát qua đi; huynh đệ chúng con dần dần cũng lớn lên theo năm tháng. Bao lớp học trò đệ tử được thầy đào tạo từ từ trưởng thành… và những người đệ tử của thầy tiếp tục đi du học nước ngoài như Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Myanmar…; có người đệ tử vào TP.HCM, Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế… tiếp tục đăng ký các lớp Phật học viện, hoặc có nhiều vị dấn thân con đường phục vụ chúng sinh, nhận chùa tiếp tăng độ chúng tu học… Và con cũng nằm trong số đó. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, con từ giã thầy lên đường vào TP.HCM tiếp tục tu học và làm Phật sự. Con vẫn con nhớ ngày chia tay thầy; thầy ân cần, khuyên bảo, nhắn nhũ…con rất nhiều điều. Trước khi con lên xe đi vào TP.HCM, trong ánh mắt thầy đỏ hoe như gửi gắm và đặt nhiều niềm tin hy vọng vào con. Thầy giống như người cha, người mẹ luôn chăm lo cho những đứa con, lo lắng cho chúng con. Con cảm thất thật nhỏ bé trước tấm lòng từ bi, yêu thương và bao dung của thầy.

Trên thế gian này; tất cả các pháp duyên sinh đều giả tạm, con người và mọi thứ đều theo quy luật tự nhiên từ sinh đến lão tử. Mọi thứ dần dần thay đổi và tuổi tác con người cũng lớn dần theo năm tháng. Nay, thầy đã qua tuổi thất tuần với bao bệnh tật ốm đau của thân tứ đại. Dù thân thể đau nhức vì bệnh duyên, nhưng thầy vẫn luôn hỷ xả, bao dung và đặc biệt hằng ngày vẫn miệt mài, tận tâm với những lớp nho giáo truyền trao kiến thức đến các thế hệ tăng ni. Chúng con tuy đã học được giáo lý Vô thường nhưng đứng trước cuộc chia ly tử biệt làm sao tránh khỏi những điều bùi ngùi, chua xót. Hôm nay; duyên lành đã mãn, thầy đã ra đi mãi mãi nhưng những hình ảnh, lời dạy của thầy về thân giáo và khẩu giáo vẫn luôn hiện hũu trong dòng chảy tâm thức của những thế hệ đệ tử, học trò của thầy dưới mái chùa Bình An. Huynh đệ chúng con giờ đây đã vắng bóng tôn sư. Những lần huynh đệ chúng con ở xa về thăm thầy thì không còn được nghe âm vang lời dạy của thầy. Chúng con chỉ biết nhìn lên di ảnh và toà bảo tháp, thầy đã nằm yên nghỉ; lòng chúng con không khỏi xúc động, rơi lệ.

Giờ đây, âm thanh tiếng chuông chùa vẫn vang vọng, lời kinh tiếng kệ vẫn trang nghiêm… Huynh đệ chúng con sẽ an ủi động viên, nương tựa vào nhau cùng tu tập, cùng làm Phật sự để xứng đáng là hàng đệ tử của thầy. Huynh đệ chúng con cùng nhau cố gắng tiếp tục xây dựng và phát huy ngôi chùa Bình An ngày càng phát triển theo tâm nguyện của thầy và các bậc tiền bối Tổ sư đã để lại. Chúng con nguyện dấn thân tiếp tục con đường sự nghiệp giáo dục Phật giáo, tiếp tăng và độ chúng, phục vụ chúng sinh lợi đạo và ích đời…

Hôm nay nhân ngày tam thất trai tuần Hoà thượng tôn sư, con chỉ có đôi dòng bộc bạch trước giác linh thầy, nguyện cầu giác linh thầy từ bi chứng giám.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TAM THẾ, BÌNH AN TỰ ĐƯỜNG THƯỢNG, thượng ĐỒNG hạ CHƠN, hiệu MINH CHIẾU, tự THÔNG THIỆN Hòa thượng TÔN SƯ GIÁC LINH thùy từ minh chứng.

 

Quy Nhơn, ngày 11/04/2020

Đệ tử Thích Giác Thọ kính lễ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6138)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
09/04/2013(Xem: 8054)
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
09/04/2013(Xem: 6613)
Hòa thượng Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn Anh, sinh ngày mùng 1 tháng 8 năm Tân Hợi ( 1911 ) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ là cụ Bùi Thế Vĩ, pháp danh Như chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh là Thị Bửu. Từ nhỏ Ngài được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của Phật, nên Ngài sớm mộ cửa Thiền.
09/04/2013(Xem: 6056)
Hòa thượng Huệ Quang, thế danh Nguyễn Văn Ân sing năm 1888 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, sau theo mẹ về Trà Vinh. Năm 1902,Ngài xin xuất gia vào chùa Long Thành ở Trà Cú được Hòa thượng Thiện Trí mến thương đặt danh pháp là Thiện Hải. Ngoài giờ học Phật pháp, Ngài lại được Hòa thượng cho học thêm y học.
09/04/2013(Xem: 6274)
Hòa thượng Thích Phúc Hộ, thế danh là Huỳnh Văn Nghĩa, sinh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái năm thứ 16 tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Song thân của Ngài là cụ ông Huỳnh Trung và cụ bà Trần Thị Nho.
09/04/2013(Xem: 7034)
Chùa Thập Tháp là một trong số các ngôi tổ đình nổi tiếng của đất Bình Định Nếu như ở thời kỳ khởi đầu, ngôi tổ đình ấy được chú ý nhiều vì vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều - người có công lớn trong sứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ 17 ; thì vào thời hiện đại, tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ (1869-1945).
09/04/2013(Xem: 7082)
Ngài đã nêu cao tinh thần Bi, Trí, Dũng phục vụ chúng sinh, cống hiến trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp chung của đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Hòa thượng Thích Trừng San, pháp tự Minh Hiền, hiệu Hải Tuệ, thế danh Nguyễn San sau đổi là Trần Văn Lâu, nối pháp đời thứ 42 dòng Lâm Tế Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tuất (1922), tại thôn Phú Khánh, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Năm lên 8 tuổi, được song thân cho xuất gia học đạo với Hòa thượng Phổ Hiện, tại chùa Khánh Long, Diên Khánh. Sau khi Bổn sư viên tịch, Ngài y chỉ với Hòa thượng Chánh Ký, kế vị trụ trì chùa Khánh Long. Năm 1943 được y chỉ sư gửi đến thọ giáo với Hòa thượng Bích Không, trụ trì chùa Hải Đức (Nha Trang).
09/04/2013(Xem: 9173)
Hòa thượng Giới Nghiêm thế danh là Nguyễn Đình Trấn, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1921, tại làng Gia Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế. ngài xuất thân trong một gia đình gồm ba anh em, có tinh thần yêu nước và có truyền thống đạo đức lâu đời. Ông nội là bậc xuất gia, cha là Hòa Thượng Quang Diệu, chú cũng xuất gia, bác là Hòa thượng Phước Duyên.
09/04/2013(Xem: 5807)
Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông Bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật.
09/04/2013(Xem: 10409)
Hòa thượng pháp hiệu Thích-Thiện-Hòa, thế danh Hứa-Khắc-Lợi sanh năm 1907 tại làng Tân-Nhựt Chợ Lớn. Ngài sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, thân phụ là Hứa-hắc-Tài, thân mẫu là Nguyễn-Thị-Giáp. Gia đình cả thảy bảy anh em : ba nam, bốn nữ, Ngài là người thứ bảy. Vì người thứ tám mất sớm nên Ngài được coi là con út.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567