Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thầy vẫn bên con trên những nẻo đường

11/04/202018:38(Xem: 5055)
Thầy vẫn bên con trên những nẻo đường

ht thich dong chon-30

Thầy vẫn bên con
trên những nẻo đường


Theo lẽ “tùy thế đế lưu bố tưởng” (hành xử thuận theo lệ thường của thế gian!), con phải cung kính gọi Người bằng danh xưng “Hòa thượng”, “Ông ngài”, nhưng mà, thôi thì, xin Người cho phép con vẫn như xưa, gọi Người là “Thầy” được không ạ? Con biết ngay mà, Thầy sẽ cười, vừa nghiêm vừa hiền, đáp: “Ừ! Bây bày vẽ, chớ Thầy đâu có biểu bây gọi Thầy bằng mấy cái từ hoa mỹ đó đâu!”.

Thoáng cái, vậy mà huynh đệ chúng con xa vòng tay bảo bọc của Thầy, của xứ “Nẫu” thân yêu đã ngót nghét gần hai thập kỷ. Thời gian, không gian có là gì qua lăng kính của bậc giác ngộ, vì “vạn pháp như huyễn”, nhưng qua con mắt phàm phu của con, vẫn thấy sao mà nghiệt ngã đến nao lòng! Thật là “thoắt trông lại đã một dòng tiêu dao!”.

Tốt nghiệp Trung cấp rồi, huynh đệ chúng con mỗi người mỗi nẻo, kẻ du học phương xa, mong rạng danh Thầy Tổ; người ứng phó đạo tràng, nguyện hoằng hóa một phương,… Hành trang chúng con mang theo là những lời dạy, những kỳ vọng, tin yêu mà quý Ngài đã gói ghém, chuẩn bị cho huynh đệ chúng con trong suốt 4 năm được tu học tại Nguyên Thiều.

Đã bao lâu rồi, con chưa về thăm lại. Chỉ nhớ là, ngày con từ Huế về, được Sư cô Đồng Ân, vị đồng học thuở trước, dắt về Bình An đảnh lễ hầu thăm Thầy, Thầy vẫn vậy, ngồi đó, ung dung tĩnh tại, vừa nghiêm, vừa hiền. Đặt nhẹ quyển sách đang đọc dở dang lên bàn, Thầy mỉm cười, hỏi:

– Bây khỏe không? Lâu nay sao rồi?

Làm con nhớ tới câu thơ của ai đó:

Người ngồi đó, vững vàng như Hy-mã

Dẫu đất trời đang cuồn cuộn phong ba.

Vậy mà, chỉ một lát thôi, sau khi nghe con thưa:

– Dạ, thỉnh thoảng con phiền vì cái lưng hơi đau ạ!

Ngọn “Hy-mã” của con đã cho con “thị phạm” một hình ảnh bình dị đến bất ngờ. Con nhớ như in, cảnh Thầy ngồi trên băng ghế dài, bên cạnh là chiếc bồ đoàn sờn cũ, Thầy cuộn tròn người lại, ngả lưng xuống, uốn lưng lên… để chỉ cho đứa học trò cái cách trị đau lưng theo truyền thống mà Thầy thường luyện tập:

– Con tập như dzầy, như dzầy nè, đỡ lắm đó!

Thầy của chúng con tuy uy nghiêm, nhưng vẫn luôn gần gũi như thế, dung dị như thế.

…Nhớ lại cái thuở còn là học Ni ngây ngô của thời Trung cấp, thuở mới tập tành con chữ Thánh hiền, Thầy hơi nghiêm, nên Ni sinh chúng con sợ Thầy một phép. Học kỳ I của năm thứ nhất, Thầy phụ trách môn kinh Bách dụ. Vừa đặt chân lên bục giảng, Thầy chẳng nói chẳng rằng, dẫn chúng niệm Phật ba câu, xong là cầm cục phấn viết “xoẹt, xoẹt, xoẹt” một bảng chữ Nho chi chít. Chúng con nhìn tối mắt tối mũi, viết theo không kịp, mà cũng chẳng dám hó hé kêu than gì. Lúc ấy, tuy cũng có bộ môn Hán cổ do vị khác phụ trách, nhưng vì căn cơ chậm lụt, mỗi tiết, chúng con chỉ học được khoảng vài bộ, nên trình độ của hầu hết Ni sinh khi ấy vẫn chưa thông 214 bộ thủ chữ Hán.

Sau một hồi, Thầy nhìn xuống, thấy tụi nhỏ đứa thì mặt mày ngẩn ngơ, đứa thì bặm môi bặm miệng ráng “vẽ” chữ ra giấy,… Thầy đành tùy thuận theo căn cơ học trò, chừa một phần ba cái bảng ra để dạy thêm cho chúng con về “nhất, cổn, chủ, triệt,…” là những nét cơ bản nhất trong chương trình Hán cổ. Đã không rầy thì chớ, Thầy còn nhẫn nại an ủi:

– Thôi, quý vị cứ chịu khó học, riết rồi sẽ quen!

Thuở ấy, sau khi dạy xong một câu chuyện trong kinh Bách dụ, Thầy thường kết luận bằng một câu gọn ghẽ:

– Ngu gì mà ngu dữ!

Dừng một lúc, Thầy lại tiếp:

– Mấy câu chuyện này là Phật Tổ đang quở mình chớ ai, mà nói trắng ra, mình còn ngu hơn vậy nữa đó!

Những lời này đã trở thành câu nói “kinh điển” của Thầy.

Thầy cho điểm rất “gắt”, dường như suốt bao năm, điểm mà Thầy dành cho các bài kiểm tra của Ni chúng vẫn chỉ vỏn vẹn trong hai con số: 5 và 6! Ai mà nhận được điểm 7 của Thầy thì coi như là hạng “ưu tú” lắm rồi. Thuở ấy, con là đứa học trò nhỏ nhất khóa, lại thường xuyên được Thầy kêu đứng lên đọc bài, mà đọc chữ Hán cơ đấy! Hễ tiết học nào có ba vị được gọi lên đọc bài, thì y như rằng con sẽ là một trong số đó. Con rất dốt, chữ nghĩa không rành nên cứ bập ba bập bõm. Vậy mà có hôm nọ, con vắng học, Thầy bước vào lớp và như một thói quen, Thầy gọi tên con đứng lên đọc bài. Cả lớp ngẩn ngơ,… và từ đó, con được Ni chúng gắn cho mỹ hiệu “học trò ruột” của Thầy. Dạo ấy, nghe quý Cô ghẹo vậy, tuy ngoài mặt luôn từ chối không dám mạo nhận, nhưng trong lòng đứa học trò nhỏ thì vẫn âm thầm… khoái chí! Sau này lớn lên một chút, mới ngẫm ra: Con được Thầy gọi đọc bài mãi như thế, là do lòng Thầy bao dung, thấy đứa nhỏ này căn cơ quá chậm lụt, cần gọt dũa cho nó sáng ra được chút nào hay chút ấy, chứ Thầy là bậc mô phạm “Hữu giáo vô loại”, luôn tận tụy truyền trao không phân biệt, thì làm gì có tâm niệm… học trò ruột với học trò da!

Điều mà huynh đệ chúng con cảm nhận được nơi bậc Thầy của mình là sự chân chất, mộc mạc, giản dị, từ lối hành xử khi đối người tiếp vật, cho đến lời ăn tiếng nói, ấy vậy mà mỗi lời Thầy truyền trao đều khiến người nghe ghi nhớ mãi không quên. Hôm nọ, trong tiết học Nhị khóa hiệp giải, đang dạy thì Thầy chợt dừng lại, kể một câu chuyện “người thật việc thật”:

– Hôm qua, ở gần chùa có cái thằng đó, leo lên mái nhà tôn để sửa điện, bị điện giựt chết queo, nhìn hổng ra mặt mũi gì hết trơn, chỉ còn thấy một cục đen thùi lùi!

Im lặng một chút, Thầy tiếp:

– Quý vị ráng tu đi nghen, được chút nào hay chút đó. Đời người vô thường, sống chết trong gang tấc!

Rồi Thầy tiếp tục bài giảng của mình.

Tan lớp, cô Huệ Tín chia sẻ với chúng con:

– Nói thiệt chớ…, hổng hiểu sao Thầy mình kể chuyện đơn giản, ngắn gọn vậy mà đi vào tận tâm can!

 Ở cạnh Thầy, bao nhiêu hoa mỹ, bao sự sáo rỗng đều rơi rụng cả. Sự hoa mỹ rơi rụng ngay bên chân Thầy, khi những người học trò phương xa có cơ hội về viếng thăm, được chắp tay hầu Thầy, được ngắm Thầy trong chiếc áo cộc bạc màu, với đôi dép sờn cũ…

Sau này, khi có duyên được học sâu về các kinh điển Đại thừa, chúng con càng thấm thía lời Phật dạy: “Trực tâm thị đạo tràng!”. Cảnh giới bất tư nghì, với pháp môn bất nhị trong kinh Duy-ma; tinh thần “đá gật đầu” ghi nhận “tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo” trong kinh Đại bát Niết-bàn; pháp giới trùng trùng duyên khởi, một trong tất cả, tất cả trong một của kinh Hoa nghiêm; chỉ chân tâm, hiển căn tánh, cảnh tỉnh hàng cuồng tuệ của kinh Lăng nghiêm;… cho đến tinh thần tam tế lục thô trong luận Đại thừa khởi tín, ngũ trùng duy thức quán trong Duy thức nghĩa lâm, bát bất trong Trung luận… mà cốt tủy của tất thảy những kinh luận này đều không ngoài việc xiển dương về cách thức dụng công, hoặc tự thể hội Phật tánh, trực tâm, chân tâm! Mà trực tâm, bạch mộc, chất phác,… chúng con đã hữu duyên được Thầy rèn luyện, hun đúc cho tự thuở nào.

Sau khi rời vòng tay bảo bọc của Thầy, suốt mười mấy năm bôn ba cầu học, chúng con được Tam bảo gia hộ, đã được đảnh lễ, thọ giáo với những bậc Thầy mô phạm khả kính khác, trong nước cũng như ngoài nước. Khi thọ học với quý Ngài, chúng con vẫn thường thấy ảnh hiện đâu đó hình bóng chân chất, giản dị, bao dung của Thầy. Dù có đi đâu về đâu, chúng con vẫn ghi nhớ rằng: Hôm nay, có được phước duyên tu học bên thầy hiền, bạn tốt, cũng là nhờ hành trang mà Thầy đã gói ghém, chuẩn bị kỹ lưỡng cho chúng con từ thuở ban sơ: Mộc mạc, chất phác, giản dị, bao dung!

Thưa Thầy! Chúng con nói nhiều quá lại thành sáo rỗng, điều Thầy muốn chúng con ghi nhớ và thực hành vẫn là:

– Cố gắng đừng làm sai lệch với những gì mình đã học, đã hiểu nhen con!

Kính lạy Thầy! Với đứa “chướng thâm huệ thiển” như con, hiểu là một chuyện, nhưng làm được hay không lại là một chuyện. Thú thật, trong con vẫn còn một bụng đầy nhóc tham sân si, thì tránh sao cho khỏi khi đối duyên xúc cảnh, trong hành xử vẫn luôn trái, hoặc lệch lời Phật, lời Tổ, lời Thầy đã dạy?

Thiên hạ nhắm mắt chiêm bao đã đành, đứa học trò nhỏ của Thầy rõ ràng… “mở mắt vẫn chiêm bao”! Con hổ thẹn, ưu tư, nhưng không sợ hãi, bất an, bởi hành trang của con, cạnh con, vẫn có hình bóng và những lời dạy của Thầy, của các bậc Minh sư!

Giữa buổi trưa nồng, chúng con nhận được tin báo Thầy đã viên tịch, đã xả bỏ báo thân, an tường về nẻo vô tung, nhưng… Thầy đâu có đi đâu đâu, Thầy vẫn còn đó, vẫn đồng hành cùng chúng con trên mọi nẻo đường, phải không, thưa Thầy?

Kìa! Thầy đang mỉm cười với chúng con!…

Tịnh thất Hoằng Nguyện, ngày 18 tháng 3 năm Canh Tý

Con: TN.Nam Kha

(Cựu Ni sinh khóa 3, trường TCPH Bình Định)

Thành kính đảnh lễ Thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2011(Xem: 5954)
Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, chúa Nguyễn Hoàng lập nghiệp đầu tiên, Hòa thượng đã thác tích hiện thân đại sĩ, nương thuyền từ độ kẻ trong mê. Duyên lành sẵn có, tâm Bồ đề sớm phát, tuổi ấu thơ đã thắm nhuần đạo vị, chùa Hải Đức trưởng dưỡng chí xuất trần. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, lúc tuổi thanh xuân, nơi chốn Tổ Tra Am, Hòa thượng quyết chí tu hành, cắt ái từ thân, thế phát bẩm sư với Tổ Viên Thành.
04/04/2011(Xem: 9078)
BBC Giới thiệu Đôi nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers) như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa nghìn đời, Bụt nghìn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)
28/03/2011(Xem: 8315)
Giáo sư Trần Phương Lan – Pháp danh Nguyên Tâm - nguyên Phó trưởng khoa Phật Pháp Anh Ngữ tại Học Viện Phật giáo Việt Nam
25/03/2011(Xem: 7559)
Không biết anh thâm nhập Phật giáo từ lúc nào, nhưng lúc còn là Oanh vũ, năm 1945 anh đã tham gia sinh hoạt đoàn thể tiền thân của Gia đình phật tử hiện nay. Anh sáng tác nhạc rất sớm, và cũng giữ trường trai rất sớm. Thập niên 1955 của thế kỷ XX, cộng đồng Phật giáo đã biết và nghe tên anh qua nhiều nhạc phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo. Hiện nay số lượng tác phẩm do anh sáng tác và phổ thơ đã trên 500 bản. Anh và nhạc sĩ Lê Cao Phan là hai cội sen già trong vườn hoa đạo Phật.
25/03/2011(Xem: 7366)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ (1875-1963)
25/03/2011(Xem: 7905)
ĐPNN: Là một trong những nhạc sĩ PG đầu tiên được ghi nhận công lao đóng góp cho văn hóa PG trong quyển 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo của cố HT.Thích Thiện Hoa, NS Hằng Vang từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác Phật nhạc do GHPGVNTN tổ chức, trao giải thưởng ngày 25-2-1965 tại nhà hát lớn Sài Gòn. Các trung tâm văn hóa PG trong và ngoài nước đã xuất bản hơn 20 album của NS Hằng Vang theo các hình thức cassettes-CD-VCD ca nhạc, kinh nhạc và 20 album cassettes-video-CD-VCD-DVD cũng như 8 tuyển tập ca nhạc đứng chung với nhiều tác giả khác.
24/03/2011(Xem: 7017)
Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Trung Việt)
21/03/2011(Xem: 5631)
Tôi đã sống với một con người với tất cả ý nghĩa của Người trong một thời gian tương đối dài giữa một giai kỳ buồn vui pha trộn. Có thể nói Gs Phạm Công Thiện là người có một cách sống giản dị, không kiểu cách, cầu kỳ, ngược lại rất khiêm cung và nhẫn nại, nhẫn nại ngay cả trong hoàn cảnh rất khó nhẫn.
17/03/2011(Xem: 5736)
Hòa Thượng thế danh là Phạm Kim Huệ, sinh năm Giáp Tuất, ngày 02-4-1934 tại làng Cẩm Phô, quận Điện Bàn (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Thân phụ của Hòa Thượng là Cụ Ông Phạm Kim Cái pháp danh Như Thế, và Thân mẫu là Cụ Bà Nguyễn thị Di pháp danh Như Kim, đều làm nghề Đông y. Hòa Thượng là con thứ sáu trong gia đình gồm sáu anh chị em. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, thâm tín Phật giáo, nên lúc tám tuổi Ngài được gia đình cho vào chùa học đạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]