Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Chánh (1947-2020)

11/02/202010:44(Xem: 8161)
Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Chánh (1947-2020)

HT Giac Chanh
TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO GIÁC CHÁNH

(1947-2020)



Ngài sinh năm 1947 tại Vĩnh Long, thế danh là Phạm Văn Chánh. Thân phụ ngài là cụ ông Phạm Văn Trị (1904-1996), thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hai (1910-1966). Thời tuổi trẻ ngài sống chung với cha mẹ, đến năm 20 tuổi lập gia đình với cô Nguyễn Thị Mười và có một cô con gái duy nhất tên Phạm Thị Lý. Năm 1967, chỉ vài tháng sau khi cô con gái chào đời, ngài bỏ nhà đi xuất gia với hòa thượng Tịnh Sự ở chùa Viên Giác (Long Hồ, Vĩnh Long) và theo chân thầy học đạo, đặc biệt chuyên tâm tạng A-Tỳ-Đàm suốt 5 năm.

Năm 1970, ngài tháp tùng hòa thượng bổn sư tìm ra Hòn Nghệ nằm ngoài khơi biển Kiên Giang để tu tập thiền định trong hoàn cảnh một thầy một trò. Năm 1971 ngài xin phép thầy ra chùa Tam Bảo (Vũng Tàu) học thiền Tứ Niệm Xứ với hòa thượng Giới Nghiêm trong một năm. Năm 1973, ngài vào tòng học ở Phật Học Viện Phật Bảo cũng của hòa thượng GIới Nghiêm.

Trong khoảng thời gian từ 1970 đến 1975, ngài là một giảng sư ở Sài Gòn và các tỉnh (Vũng Tàu, Mỹ Tho, Vĩnh Long) và đã dành thời giờ biên soạn, ấn hành các đầu sách như Pháp Âm (2 tập), Pháp Thừa (2 tập), Chánh Đạo Ngâm Khúc (Thi hóa nội dung kinh Cát Tường - Mangalasutta), Đạo Trường Siêu Thanh (không xuất bản), Vi Diệu Pháp Nhập Môn (in sau 1975).

Năm 1976, ngài đã cùng hòa thượng Thiện Pháp vào rừng Bình Sơn (liền dãy với An Diễn, Suối Trầu, Cẩm Đường bây giờ) để xây dựng ngôi chùa Thiền Quang mái tranh vách đất và nuôi dạy gần 20 sa di cùng giới tử (Sư Toại Khanh cũng có trong số này). Đây chính là chỗ xuất thân của một thế hệ vàng gồm nhiều vị tăng thành tựu đạo nghiệp sau này như ngài Giác Giới viện chủ tổ đình Viên Giác hôm nay, ngài Bửu Chánh viện chủ thiền viện Phước Sơn, ngài Giác Đẳng viện chủ chùa Pháp Luân (Hoa Kỳ), ngài Giác Trí viện chủ chùa Hộ Pháp (Vũng Tàu), ngài Chánh Minh viện chủ chùa Bồ Đề (Vũng Tàu) lúc đó là cư sĩ ngoại thiền cũng biết đến A-Tỳ-Đàm vào thời điểm này. Bên cạnh đó là những vị đã hồi tục như sư Giác Liêm, sư Giác Hải (hiện ở Canada), sư Giác Quang là dịch giả Luật Tạng hiện ở Vũng Tàu, hoặc đã viên tịch như ngài Giác Lý, ngài Giác Niệm, ngài Giác Tâm viện chủ chùa Tứ Phương Tăng ở Bình Phước, sư Ngộ Đạo (vừa viên tịch trước tết 2020).

Điều đáng nói là trong thời điểm 1977-1980 điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn, cả chùa phải ăn cơm độn khoai mì, nhưng các lớp học A-Tỳ-Đàm vẫn đều đặn. Có vị, như thượng tọa Giác Đẳng, vừa học ở rừng hôm trước, hôm sau vào dạy ở Sài Gòn (ở hai tư gia cư sĩ đường Nguyễn Thiện Thuật và Trần Hưng Đạo). Đặc biệt với số lượng vừa vặn 12 vị tăng trẻ, ngài Giác Chánh và hòa thường Thiện Pháp (nay là viện chủ chùa Thiền Quang I) đã thành lập Ban Hoằng Pháp với các tiểu ban Pháp Chế, Giảng Sư, Giám Luật... Người ít nhưng làm việc hiệu quả, với sự hỗ trợ đắc lực của các cư sĩ như Cô Bảy Vĩnh Phúc (một giáo thọ A-Tỳ-Đàm), gia đình cô Song Ánh, cô Diệu Lạc (nay đã xuất gia với thiền sư Kim Triệu), cô Nguyễn Thị Bền (nay đang ở Đức) và cả cụ Đốc Hiểu (đã cúng dường bộ Tam Tạng tiếng Thái trước khi mất năm 1978). Chính ngài sơ tổ Hộ Tông và đại lão hòa thượng Hộ Giác cũng từng vào tận ngôi chùa rừng này để hỗ trợ tinh thần nhóm tăng trẻ. Xúc động nhất là ngài tăng thống đương nhiệm của Nam Tông Việt Nam lúc đó là đại lão Ấn Lâm ở trụ sở Kỳ Viên đã tự tay phơi khô từng ổ bánh mì khất thực được ở Sài Gòn để gởi người mang ra chùa rừng Thiền Quang nuôi nhóm tăng trẻ và tạo điều kiện cho các vị vào dạy học tại chùa Kỳ Viên là trụ sở giáo hội thời đó.

Số lượng thành viên Ban Hoằng Pháp tuy không nhiều, nhưng phần hành của mỗi tiểu ban rất rõ ràng và làm việc hiệu quả. Ban Giảng Sư đến từ các từ các tỉnh, mỗi ba tháng có cuộc họp mặt tại chùa rừng Thiền Quang để báo cáo những việc đã làm được hay trình bày những khó khăn đang gặp phải. Ban Giám Luật có trách nhiệm quan sát và kiểm tra các giới tử trước khi chư tăng bỏ phiếu quyết định có đồng thuận cho đắp y thọ giới hay không. Tất cả đều là phiếu kín. Các giới tử muốn thọ giới sa di phải thuộc lòng 105 giới sa di bằng tiếng Pāli và 14 phận sự tăng sĩ bằng tiếng Việt, cùng với phần hạnh kiểm được chư tăng tại chùa nhận xét.

Hoạt động của Ban Hoằng Pháp kéo dài đến cuối năm 1981 thì vì nhiều chướng duyên đã đình chỉ sau gần 20 phiên họp tam cá nguyệt. Sau đó ngài Giác Chánh đã rời khỏi chùa Thiền Quang về an cư một mùa mưa tại chùa Bửu Long (khi đó ngài sơ tổ Hộ Tông đã đi Pháp). Sau mùa an cư này, ngài trở về Long Thành nhận đất cúng dường của bà Đại Tín để xây dựng chùa Thiền Quang II. Và tất cả chư tăng huynh đệ gọi chùa Thiền Quang cũ trong rừng là Thiền Quang I. Cả hai Thiền Quang I và Thiền Quang II tiếp tục tồn tại cho đến bây giờ.

Đầu năm 1983, ngài Giác Chánh phát động phong trào học thuộc Tam Tạng Pāli bằng cách giao cho mỗi vị một bộ kinh để học thuộc lòng, đều bằng tiếng Pāli, và mỗi 3 tháng lại có một cuộc thi trùng tụng. Bất cứ chư tăng hay cư sĩ nào trong 3 tháng trước đó đã học xong 120 trang kinh tạng Pāli thì được trao tặng một phần thưởng có tên gọi là Giải Nibbāna. Ba lần Nibbāna thì được một lần Saddhamma với phần thưởng nhiều gấp đôi. Những người nhận học và thi Tam Tạng Pāli thời đó theo phát động của ngài có khoảng 20 người, có thể kể lại đại khái như sau: Sư Giác Tấn và cô Diệu Ngọc chịu trách nhiệm bộ Paṭṭhāna, sư Ngộ Giới chịu trách nhiệm bộ Yamaka, sư Chánh Ngữ chịu trách nhiệm bộ Kathāvatthu, bộ Vibhaṅga được giao cho thượng tọa Pháp Nhiên và sư Chánh Pháp (đã hồi tục, hiện ở Canada), sư Toại Khanh và sư Chánh Nghiệp chịu trách nhiệm bộ Dhammasaṅganī,... Bên cạnh phong trào học thuộc Tam Tạng, các giảng sư phải trải qua các buổi khảo nghiệm trình độ A-Tỳ-Đàm với chính ngài Giác Chánh. Lúc này hòa thượng Tịnh Sự vẫn còn tại tiền. Và nhân chứng cho các sự kiện trên đây hiện vẫn còn không ít người.

Cũng do nhân duyên, phong trào học thuộc lòng Tam Tạng cũng chỉ kéo dài khoảng được 3 năm thì ngừng hẳn. Đến đầu năm 1987, ngài Giác Chánh lại tiếp tục phát động phong trào phiên dịch kinh điển từ các nguồn tiếng Anh và tiếng Thái. Phần tiếng Thái là do cư sĩ Ngô Văn Kỷ đứng ra hướng dẫn tiếng Thái cho chư Tăng. Các sách tiếng Thái được đặt mua từ Thái Lan do cư sĩ Trần Bá Thế mang về. Do xét thấy phần Luật Tạng chưa được phiên dịch ở Việt Nam nên ngài đã ra phần thưởng hậu hỷ cho những vị nào dịch sách Luật. Chính nhờ phong trào này mà toàn bộ giáo trình A-Tỳ-Đàm của đại học Rakhang của Thái được dịch toàn bộ sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi trong chư tăng.

Chính ngài Giác Chánh là người đầu tiên mà cũng là duy nhất tổ chức pháp hội mỗi ba tháng ở các chùa trong nhóm đệ tử hòa thượng Tịnh Sự. Nội dung của các pháp hội này là những chư tăng hay cư sĩ nào có viết bài thuyết trình về các đề tài giáo lý đều có thể ghi danh và được sắp xếp thời gian để thay phiên nhau lên thuyết trình trong mỗi kỳ pháp hội với thời gian kéo dài suốt đêm. Ở các chùa ngoài nhóm thì mỗi năm chỉ có nhiều lắm là 2 đêm pháp hội và nội dung không dày đặc như vậy. Thường chỉ là một hai thời pháp của chư tăng rồi tiếp theo là các tiết mục tụng kinh, ngâm kệ Pāli, ngồi thiền đại chúng và đố vui Phật Pháp. Việc khích lệ chư tăng và cư sĩ thuyết trình Phật Pháp đã được ngài đặc biệt quan tâm và tổ chức từ trước năm 1980 cho đến sau 1990.

Từ năm 1989, ngài rời khỏi Long Thành và về xây dựng chùa Bửu Đức ở Biên Hòa trên ngôi chùa cũ được gia đình sư Pháp Bửu hiến cúng. Tại đây mỗi chủ nhật chùa đều có một buổi giảng pháp cho Phật tử địa phương do chính ngài hoặc chư tăng trong chùa đảm nhiệm.

Theo thời gian, tuổi đời càng lớn, ngài từ chối dần công việc của giáo hội, chỉ còn giữ lại vai trò giảng sư cho các trường hạ trong tỉnh Đồng Nai, không còn hoằng pháp nơi xa nữa.

Thời gian tịnh cư tại chùa Bửu Đức đã cho ngài cơ hội đọc sách và biên soạn kinh điển theo đúng ước mơ từ thời trẻ. Năm 1991, theo lời yêu cầu của một phật tử thân tín, ngài đã tra lục kinh điển để thực hiện bộ trường thi có tên là Phật Sử Diễn Ca dài 10.000 câu, gấp năm lần truyện Kiều. Bộ này khi được tái bản được đặt tựa mới là Đấng Thiên Nhân Sư Gotama. Từ sau năm 2000, ngài dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thực tập pháp môn Niệm Xứ.

Đương nhiên không ai ở Việt Nam có đủ thẩm quyền để đưa ra một đánh giá so sánh là vị nào hơn kém vị nào, nhưng những ai đã từng đọc và nghe ngài, chắc chắn đều phải nhận rằng ngài là một chuyên gia về A-Tỳ-Đàm của Nam Truyền và Duy Thức Học của Bắc phái. Ngài không sở hữu bất cứ một bằng cấp học vị nào mà mọi sở tri đều là tự học, nhưng có nghe và đọc ngài mới hiểu kiến văn của ngài là không bờ mé.

Từ năm 2005, ngài đã dành trọn thời gian để đọc kỹ và san định hai bộ Thanh Tịnh Đạo và Vô Ngại Giải Đạo. Tiếc là mãi cho đến lúc viên tịch, công trình này dầu đã hoàn tất, vẫn chưa được ấn hành. Bên cạnh công việc này ngài đã nhận lời thỉnh cầu của chư tăng vào góp mặt trong các buổi giảng Paltalk. Ngài khiêm tốn nói rằng chỉ đảm nhận vai trò của một lão tướng thủ thành, điền khuyết vào những buổi giảng mà các giảng sư trẻ tuổi vắng mặt. Sự có mặt của ngài đã làm cho các buổi giảng trở nên ấm cúng và chắc chắn là có phần thâm hậu hơn.

Song song theo đó, sau các buổi thiền tập một mình, ngài đã viết lại tất cả kinh nghiệm vào trong bộ Chiếu Kiến Nghiệp Xứ dày khoảng 400 trang, tất cả chỉ được phát hành nội bộ. Mong là chúng ta có đủ nhân duyên để phát hành bộ sách này và những công trình khác của ngài vào một ngày gần nhất.

Đời ngài chỉ vỏn vẹn 74 năm với 50 năm mặc áo tu nhưng tâm nguyện của ngài không biết cho đến thế hệ nào mới có thể làm tròn được. Và dấu ấn mà ngài để lại cho Phật Giáo Việt Nam biết bao lâu mới có thể phai mờ. Thậm chí nhiều người đã nhận được nguồn ân trạch của ngài qua các trung gian cũng không hề biết đến điều này. Đối với hòa thượng Tịnh Sự, ngài giống như Khuy Cơ của ngài Huyền Trang hay Tăng Triệu với La Thập. Không có hòa thượng Tịnh Sự thì người Việt không biết đến tạng A-Tỳ-Đàm và ngài Giác Chánh chính là người thay mặt thầy giao phó viên ngọc báu này đến tận tay nhiều người, qua nhiều phương tiện và nhiều trung gian. Thậm chí có thể nói rằng pháp môn Tứ Niệm Xứ và giáo lý Duyên Khởi đã nhờ hai ngài mà được xiển dương và nhận thức đúng đắn dù chỉ ở một số ít người tại Việt Nam giữa một thời buổi mà Phật Giáo hình thức đã đẩy lùi Phật Giáo nội dung.

Mối quan tâm lớn nhất thuở bình sinh của hòa thượng không phải là kiến tạo chùa chiền, mà lại nhằm vào hai việc khác là đào tạo các thế hệ tăng tài và truyền bà giáo pháp, đặc biệt giáo lý A Tỳ Đàm và pháp môn Tứ Niệm Xứ. Hòa thượng đã để lại những người học trò có thể ít nhiều tiếp nối được lý tưởng của ngài và một số ngôi chùa do ngài khai sơn hoặc tiếp nhận mà mục đích vẫn là để hoằng truyền Phật Pháp. Có thể kể ra đây một số ngôi chùa do ngài trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng như Thiền Quang II (thượng tọa Chí Tâm trụ trì), chùa Nguyên Thủy (Cát Lái), chùa Quảng Nghiêm (thượng tọa Tuệ Quyền trụ trì), chùa Cồ Đàm (thượng tọa Chơn Thiện trụ trì), chùa Siêu Lý Vĩnh Long, chùa Ngọc Đạt Phước Tân (hòa thượng Trí Đức trụ trì)....chưa kể những ngôi chùa có quan hệ đặc biệt như Thiền Quang I, Siêu Lý Phú Định (thượng tọa Pháp Nhiên trụ trì), Viên Giác Vĩnh Long, Tứ Phương Tăng Cần Thơ.

Ngài không có nhiều đệ tử truyền giới, trước sau có lẽ không hơn 20 vị. Hai vị đệ tử đầu tiên của ngài là thượng tọa Trí Quảng (hiện là trụ trì chùa Bửu Môn, Texas, Hoa Kỳ), thượng tọa Trí Tịnh (trụ trì chùa Phật Pháp, Florida, Hoa Kỳ) và người đệ tử cuối cùng là đại đức Pháp Tín, người thị giả tận tụy đã chăm sóc ngài trong những năm tháng cuối đời cho đến tận phút viên tịch và hiện cũng đang là người kế thừa tổ đình Bửu Đức (Biên Hòa), đồng thời cũng là một giảng sư trên Paltalk.

Ngài đã ra đi nhưng vẫn còn đó. Còn đó cho đến bao giờ còn có người cần đến ánh nắng cho hơi ấm và ánh sáng, còn cần đến dưỡng khí để mà thở và còn cần biết đến cái gì là biển rộng trời cao giữa nhân gian tù đọng này.

 

Tampa, mùa tang 2020
Pháp tử Toại Khanh kính ghi

http://phatgiaonguyenthuy.com/article/tin-trong-nuoc/tieu-su-duc-truong-lao-giac-chanh-1947-2020.html





ht giac chanh




Ht Giac Chanh-1947-2020



Dien Thu Phan Uu_TT Tri Quang

 





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 6471)
Chuông điện thoại vang lên ,bổng dưng tôi có cảm giác không an khi hằng ngày vào giờ này ít khi có ai gọi .Từ bên kia đầu dây ,Đạo Hữu Tánh Thuần thông báo một tin buồn ; NI TRƯỞNG THÍCH NỮ BẢO NGUYỆT KHÔNG CÒN NỮA ! Người đã thuận thế vô thường vào lúc bốn giờ sáng nay !
10/04/2013(Xem: 7598)
Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Kim, Pháp danh Như Kim, Pháp hiệu Bửu Chung, sinh năm Tân Tỵ (1881) Niên hiệu Tự Đức năm thứ 35, tại Rạch Cái Đầm, xã Hiệp Xương, huyện Tân Châu, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang). Thân phụ là cụ ông Chánh bái Nguyễn Văn Phước. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dậu đều kính tin phụng thờ Tam Bảo.
10/04/2013(Xem: 7388)
Hòa thượng thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, pháp danh Ngộ Đạo hiệu Từ Vân. Thế danh Đinh Công Thân, sinh năm Bính Dần (1866) Niên hiệu Tự Đức năm thứ 20, tại làng Định Yên, Lấp Vò, (nay là Đồng Tháp). Thân phụ là Cụ ông Đinh Công Thành và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Hoài. Gia đình 7 anh em, Ngài thứ tư. Sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, theo truyền thống đạo Phật.
10/04/2013(Xem: 10287)
Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Thiền sư Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, thì dưới triều chúa Nguyễn ở đàng Trong, phong trào phát triển Phật giáo nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng bành trướng rất mạnh mẽ ; đồng thời, đã lưu lại cho nền văn học Phật giáo nhiều kiến trúc mỹ thuật, hội họa rất nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhà Tây Sơn thống nhất đất nước, kéo quân từ Nam ra diệt Nguyễn thì đoàn quân lính nầy đã hủy diệt đi những công trình quý báu đó. Bi ký, chứng liệu bị thất tung.
10/04/2013(Xem: 7488)
Hôm nay dưới bóng mát thiền lâm Thiên Thai pháp phái, trước giây phút thiêng liêng tỏa ngát hương đàm, chúng con đang qui tụ về đây, nơi vùng đất Thánh, nơi đã ghi đậm nét lịch sử một đời người xuất thị nhập sơn, tầm rong độ nhật, nơi Ngài đã thể hiện công án thoại đàu, luôn luôn quấn quýt đeo đẳng tâm tư với những tháng năm dài chẻ chia suy cứu- Thiền pháp trầm tịch nhưng hưng suy, trừng thanh nhưng hoạt diễm ấy đến nay vẫn còn phong khí nức hương
10/04/2013(Xem: 9468)
Nhận được tin từ cố đô Huế, Việt Nam, Trưởng Lão Ni, Sư Cụ Thích Nữ Diệu Trí, thế danh Hồ thị Trâm Anh, Húy thượng Trừng hạ Khương, Đạo hiệu Liễu Nhiên, đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, Viện chủ chùa Diệu Đức, Trú Trì chùa Diệu Nghiêm, thành phố Huế, đã xã báo thân, an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 19 giờ 05 phút ngày 23 tháng 3 năm 2010 (nhằm ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Dần), trụ thế 103 năm, với 78 tuổi đạo.
10/04/2013(Xem: 8558)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.
10/04/2013(Xem: 7815)
Lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại Tu Viện Nguyên Thiều, Sydney, Úc Châu ngày thứ hai, 26-11-2007
10/04/2013(Xem: 9453)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-l0-1917), tại làng Mỹ An Hưng ( Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Thân phụ là ông Nguyễn văn Cân và thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Cụ Ông qua đời lúc H.T lên ba, Cụ Bà cũng theo Ông lúc Ngài vừa lên bảy.
09/04/2013(Xem: 8153)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]