Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về xá-lợi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang

05/12/201907:50(Xem: 10526)
Về xá-lợi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang

 

Trước dư luận về việc phân bố xá-lợi và những liên hệ trong di huấn của ngài, Báo Giác Ngộ giới thiệu cùng quý độc giả bài viết chi tiết của HT.Thích Nguyên Giác, trụ trì Quảng Hương Già Lam - Sài Gòn.





Khi chiếc linh xa chở kim quan cố Hòa thượng Thích Trí Quang rẽ vào Nghĩa trang Vĩnh Hằng ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, nơi có lò thiêu để làm lễ trà-tỳ, thì mưa bắt đầu dịu. Nhớ lại đêm qua, 14-10-Kỷ Hợi (10-11-2019), ngồi bên kim quan ngài, tôi nghe anh Thiện, ngày xưa từng làm điệu ở Từ Đàm hầu ngài, nói với chúng tôi: “Thầy biết không, mấy tháng trước Ôong (Ôn) nói với tui, đưa đám Ôong trời sẽ mưa”.


Nay là ngày hoàn lưu của cơn bão mới đổ bộ vào Phú Yên đêm qua. Thế nhưng rất may, lúc 7 giờ sáng, trời chỉ rải cơn mưa bụi tiễn đưa kim quan ngài từ chùa Từ Đàm ra đến chiếc linh xa đậu trên đường Liễu Quán, rồi dứt. Mưa chỉ lại bắt đầu khi xe đến đàn Nam Giao, rẽ về hướng đường Minh Mạng. Ngang qua thôn Cư Chánh, đoạn nằm kề dòng sông Hương nước bạc đang chảy xiết, trời mưa xối xả. Nhưng giờ đây, khi linh xa ngừng lại trước căn rạp dựng tạm để làm lễ, trời chỉ còn mưa lất phất.


Chúng tôi xuống xe, bưng bát nhang, linh vị và linh ảnh vào rạp, đặt trên bàn thờ đã thiết sẵn trước lò thiêu. Đây là một lò thiêu dã chiến, mới được HT.Hải Ấn chọn địa điểm sáng ngày 11-10-Kỷ Hợi (7-11-2019), và rạng 13-10 (9-11), sau đêm ngài viên tịch, mới thuê nhóm thợ ông Sính xây.
Việc xây lò thiêu tạm này để trà-tỳ sanh thân Hòa thượng, đã được huynh đệ chúng tôi, gồm HT.Thiện Tấn, Hải Ấn, Tánh Nhiếp và tôi, gặp nhau hội ý và quyết định trưa ngày 10-10-Kỷ Hợi, tại hậu tổ chùa Từ Đàm. Hôm bàn hậu sự cho Hòa thượng, có ba phương án được đưa ra: một, thiêu tại Đà Nẵng; hai, thiêu lộ thiên; hoặc ba, xây lò thiêu tạm ở Huế để trà-tỳ. Cuối cùng phương án thứ ba được chọn. Dẫu biết rằng nếu phải theo phương án ấy, chúng tôi không thể nào làm đúng lời ngài đã ghi trong di huấn mà ngài đã viết năm PL.2546 (2002): “Một, tôi chết rồi, qua 6 tiếng đồng hồ thì nhập liệm liền, tại phòng giữa của tầng dưới của tiểu thất. Hai, liệm rồi đưa đi trà-tỳ ngay…”. Chúng tôi không thể làm gì hơn được. Xây lò thiêu nhanh nhất cũng phải mất một ngày đối với những tay thợ rành nghề, huống hồ nhóm thợ ông Sính, tuy chuyên làm lò đúc chuông, nhưng chưa từng xây lò thiêu. Tôi vẫn ân hận mãi đã không thực hiện đúng lời ngài dạy về việc này, dầu sáng mồng 10-10, được Hòa thượng Hải Ấn kể cho nghe việc ngài yên lặng không trả lời câu hỏi ngài cho phép để bao lâu, trong lúc HT.Hải Ấn hỏi ngài một số việc hậu sự.
Khoảng 8g30 sáng hôm 15-10-Kỷ Hợi, tất cả Tăng Ni và Phật tử đến tham dự lễ trà-tỳ sanh thân ngài đều đã tập trung bên trong và ngoài rạp. Kim quan được đặt trên bệ trước lò thiêu. Sau khi chư tôn đức Tăng Ni đảnh lễ tiễn biệt ngài trước bàn thờ, nhóm thợ ông Sính đẩy kim quan ngài vào lò. Mọi người tung mưa hoa lên kim quan cúng dường tiễn biệt. Xúc động rải những cánh hoa cúc vàng lên kim quan, không dằn lòng được, tôi đến sát kim quan, sờ lên thành kim quan mà tưởng như đang sờ chân ngài mỗi dịp về thăm, rồi sụp lạy xuống, cố nén nước mắt: “Ôong ơi, con vĩnh biệt Ôong rồi!”.
Ba vị Hòa thượng niên trưởng của Phật giáo Huế đến trước tượng Di Đà được tôn trí cách lò thiêu chừng 50m, thắp đuốc chuyển lửa về lò, châm vào những lẻ củi đước đặt sẵn trước kim quan. Củi bén lửa, những người thợ khép hai cánh cửa lò lại. Khói đen tỏa ra ngùn ngụt trước cửa miệng và những lỗ hai bên hông lò. Bước ra ngoài rạp, nhìn lên ống khói, thấy những cuộn khói đen nghịt tỏa ra yếu ớt. Tôi thầm mong, tình trạng khói và lửa dội ngược ra miệng cửa và lỗ hông của lò là chỉ do lò còn ướt lạnh, chưa được khô. Dầu đêm qua họ đã đốt, hong ấm lò.
Đúng vậy, 15g hôm ấy, trở lại lò thiêu, tôi mừng thấy lửa đã cháy tốt, khói trắng bốc mạnh trên ống thoát. Nhìn qua lỗ hai bên hông, thấp thoáng một màu trắng nõn của xương đùi và tay của sanh thân ngài hiện ra, nổi bật giữa khối lửa đỏ rực. Trước đây, chúng tôi sợ áo quan bằng gỗ hương đốt khó cháy, nhưng giờ đây, ngược lại, chính loại gỗ hương già của chiếc kim quan HT.Phước Chánh cúng dường đã giúp cho việc trà-tỳ đạt hiệu quả tốt đẹp ngoài mong ước.

18 giờ trở lại chỗ trà-tỳ để chuẩn bị thời khóa tụng kinh Di giáo cúng dường ngài trước lò thiêu. Tôi được thầy Pháp Chơn, đệ tử HT.Hải Ấn, chỉ cho thấy hộp sọ của Hòa thượng như một búp sen trắng tinh nở giữa biển lửa hồng dưới vòm nắp kim quan đang cháy đỏ rực.
Thầy Pháp Chơn nói: “Lạ quá thầy ơi, cháy vậy mà nắp kim quan không sụp xuống”.
Tôi cầu mong nó sẽ không sụp xuống giữa, mà chỉ đổ dạt qua hai bên. Như vậy, chúng tôi có thể lưu giữ được nguyên vẹn hộp sọ của ngài.
Khối sọ trắng tinh như tuyết giữa biển lửa đỏ rực trong lò, gợi tôi nhớ đến hai câu thơ ngài ghi trong một tập Thái Hư đại sư mà tình cờ tôi đọc được, cùng hai câu thơ của Ngộ Ấn thiền sư:
Giả như thủ thượng triền thiết tỏa
Vĩnh kiếp bất vong thử trí thân.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị can.
(Trên đầu cho dẫu xiềng xích sắt
Vĩnh kiếp không quên trí Phật-đà.
Ngọc đốt non đầu màu tỏa sáng
Sen trong biển lửa nở mượt mà).
Tôi lại nhớ đến những dòng chữ ngài viết trong thông bạch của tờ di huấn: “Với đôi điều yêu cầu, chỉ xin để lại một ít tro tàn của cái sắc thân đã được trọn đời phụng sự Đức Mâu Ni.



linh cot cua ht tri quang-2
HT.Thích Nguyên Giác (bên trái) cùng với HT.Thích Hải Ấn,
HT.Thích Tánh Nhiếp an trí xá-lợi Trưởng lão HT.Thích Trí Quang sau khi trà-tỳ như di huấn - Ảnh: Quảng Điền

xa loi cua ht tri quang
Xá lợi thượng đầu của Đức Đại Lão HT Thích Trí Quang




Phật giáo Đại Việt bi tráng mà hùng tráng. Tôi nguyện ước, sống cũng như chết, nhiễm được khí vị của phong cách ấy”.
Đem xác thân mình phụng sự Đức Mâu Ni và dân tộc Việt Nam, gặp khi đạo pháp nguy nan, ngài đã dũng liệt đứng ra, vận dụng khối óc mình lãnh đạo phong trào tranh đấu bảo vệ tự do tín ngưỡng, đưa Chánh pháp thoát khỏi áp bức của bạo quyền, rồi tiếp tục dấn thân vào đời, chịu bao gian nan trong những năm tháng đấu tranh cho đồng bào miền Nam có được một cơ cấu chính quyền dân chủ. Thời thế đổi thay, ngài chọn con đường ẩn mình trong tịnh thất, chăm chú dịch kinh để truyền bá giáo lý giải thoát của Phật-đà cho hậu bối, mong đem văn hóa thay đổi cuộc đời với một niềm tin mãnh liệt: “Khí thiêng của đất nước cùng ánh sáng của đuốc tuệ vẫn còn và sáng hơn. Ma quân và ngoại đạo có muốn khác đi cũng chẳng được”.
Hôm nay, ở nơi trà-tỳ ngài trên sườn núi thoai thoải nối liền dãy Bạch Mã của Trường Sơn, khí thiêng đất nước và ánh sáng đuốc tuệ đã tụ về đây, nơi hộp sọ trắng tinh như một đóa sen nở giữa biển lửa, tỏa sáng cho chúng tôi thấy con đường ngài đã đi và dặn dò cho 12 đệ tử được truyền pháp tại chánh điện chùa Từ Đàm sáng 19-12, PL.2560 (2016), “Tôi truyền cho quý vị cái Pháp mà tôi được phụng hành. Pháp ấy là vào nhà của Phật, mặc áo của Phật, ngồi chỗ của Phật. Nhà của Phật là đại từ bi, áo của Phật là đại nhẫn nhục, chỗ của Phật là thật tướng không”.
Chánh pháp hoa sen trên con đường ấy đã một lần nở ra kỳ diệu cho thế giới thấy trái tim bất diệt thương đạo thương đời của Bồ-tát Quảng Đức, lưu lại trong dòng sử mệnh của Phật giáo Việt Nam, sau hai lần nung đốt trong lò thiêu ở sức nóng hơn 1.000 độ C. Và khoảnh khắc này, sau 17 giờ nung đốt trong lò lửa trên 700 độ C, chúng tôi mong thấy được khối óc bất diệt siêu thoát thị phi, không vướng tham vọng ngài sẽ để lại, như ngài đã nói cuối tập Tự truyện của mình: “Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’ (...). ‘Không vẫn hoàn không’ là Phật cho, tôi mới được như vậy”.


Được như vậy thật.
Khoảng 2g30 khuya ngày 16-10 PL.2563 (12-11-2019), HT.Hải Ấn bảo các người thợ mở cửa lò, hộp sọ vẫn còn nguyên, trắng tinh khôi, nổi cao giữa những phần tro cốt khác trên tấm vỉ còn tỏa khói trắng và lửa than đỏ ở phần dưới chân.
Trước giờ mở cửa lò chuẩn bị lấy tro cốt của Trưởng lão Hòa thượng, HT.Tánh Nhiếp và tôi hội ý với HT.Hải Ấn về việc phân bố xá-lợi, có sự chứng minh của HT.Giác Quang, và HT.Quang Nhuận. HT.Tánh Nhiếp đề nghị phân xá-lợi ngài làm ba phần để phụng thờ ở Từ Đàm - Huế, Đại Giác - Quảng Bình và Già Lam - Sài Gòn, theo như Hòa thượng được nghe Ôong nói.
HT.Hải Ấn trả lời: “Không phải chỉ có ba, mà trước đây Ôong còn đem theo từ Sài Gòn ra 7 bình nhỏ với ý định chia bảy phần, nhưng sau này, Ôong dạy, để tất cả tro cốt của Ôong vào trong cái ché Ôong đem từ Già Lam ra thôi, khỏi chia lộn xộn”.
HT.Tánh Nhiếp lại đề nghị: “Nhưng để các Phật tử ở Quảng Bình, quê hương của Ôong, và Sài Gòn nơi Ôong sống và làm việc một thời gian dài, có điều kiện đến chiêm bái, Hòa thượng nên cho chia ba phần, dầu phần ở Già Lam và Đại Giác chỉ đựng tro tàn cũng được. Xương thịt Ôong bây giờ cháy thành tro cả rồi, nhưng mình nên nghĩ đến tấm lòng của Phật tử đối với Ôong và việc phát triển đạo pháp nữa”.


Xem phóng sự của Giác Ngộ TV toàn cảnh về lễ trà-tỳ



Tôi không nói gì. Bảy chiếc bình hình tháp bằng đồng để đựng xá-lợi mà HT.Hải Ấn nhắc đến, chính ngài đã dạy tôi tìm mua khi ngài còn ở tiểu thất của ngài tại Già Lam. Và trong di huấn ngài giao tôi giữ, lại chỉ dạy đựng tro tàn của ngài trong một chiếc bình, rồi đem về phụng thờ tại tiểu thất của ngài tại già-lam Quảng Hương. Tiểu thất mà vào năm 2015, khi tôi về Huế thăm, xin phép ngài nâng lên 1m7 và lợp ngói, ngài đã đồng ý, dặn làm thêm hoa văn trên mái và đặt tên là “Dư Hương thất”. Từ ngày ngài về Từ Đàm ở, mỗi lần về thăm, tôi không nghe ngài nói gì về việc phân chia tro cốt của ngài. Mãi đến khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, HT.Hải Ấn mới nói với tôi, ngài dạy đựng hết tro cốt của ngài trong cái ché ấy. Tôi đồng ý, nhưng đề nghị Hòa thượng nên nói quyết định này với HT.Tánh Nhiếp để anh em nhất trí với nhau. Vì vậy mới có cuộc hội ý ấy.
Cuối cùng, HT.Hải Ấn chấp thuận ý kiến của HT.Tánh Nhiếp. Tro cốt của ngài sẽ được chia làm ba phần như đã nói ở trên.
Với sự nhất trí ấy, HT.Tánh Nhiếp đem hai chiếc bình nhỏ màu ngọc bích mà Hòa thượng sắm sẵn cho Đại Giác và Già Lam, để trên chiếc bàn thiết trước lò thiêu cách chừng 3 mét, cạnh hai chiếc bình HT.Hải Ấn đã để sẵn ở đó. Hai bình này, theo lời HT.Hải Ấn, bình của Ôong sắm để đựng cốt, còn bình Hòa thượng mới mua, lớn gần gấp đôi, để đựng tro.
Đợi đến 3g, thấy lò vẫn còn quá nóng, nhất là nghe thấy một vật trên trần lò rơi xuống, quý thầy bảo thợ kéo vỉ tôn đựng tro cốt ngài ra khỏi lò cho mau nguội, và tránh đất trên trần đổ ập xuống.
Vỉ tôn được kéo ra khỏi lò, nằm trên bệ xi-măng đầy hoa cúc vàng được rải xuống hồi sáng. Hộp sọ màu trắng vẫn y nguyên.
Khoảng 3g30, vỉ đựng tro cốt đã bớt nóng, chúng tôi chuẩn bị thu thập tro cốt của ngài. HT.Quang Nhuận hướng dẫn phần lớn quý thầy có mặt giờ ấy, ngồi trước bàn thờ di ảnh và linh vị của ngài tụng kinh Lăng nghiêm. Còn HT.Hải Ấn, HT.Tánh Nhiếp và tôi, cùng một số thầy và Phật tử khác đứng hai bên tấm vỉ, sửa soạn thu thập tro cốt của ngài.
Một Đại đức còn trẻ đến trước bàn để 4 chiếc bình, đưa máy chụp ảnh. HT.Tánh Nhiếp bảo: “Chụp ảnh đăng trên báo Giác Ngộ thì nhớ ghi rõ, xá-lợi chia làm ba phần thờ ở Từ Đàm, Đại Giác và Già Lam”.
ĐĐ.Hải Châu, đệ tử y chỉ của HT.Trung Hậu, có mặt ở đó, lên tiếng: “Bạch Ôong, thế thì chùa Linh Thái có được chia một phần không?”.
HT.Tánh Nhiếp: “Không, chỉ ba phần thôi”.
Tôi giải thích: “Chia ba phần để phụng thờ ở ba nơi mang đậm dấu ấn của Ôong, đó là: Quê hương Quảng Bình nơi Ôong sinh ra; Huế và Sài Gòn là hai nơi Ôong tu học và hành đạo, để những Phật tử có duyên với Ôong ở những nơi đó thuận tiện đến chiêm bái. Chứ không chia riêng cho cá nhân hay chùa nào”.
ĐĐ.Hải Châu gật đầu: “Ôong nói vậy con hiểu rồi”.
Chúng tôi cẩn thận gắp các phần xá-lợi từ dưới chân lên và sắp vào chiếc ché bằng sứ màu xanh lam mà ngài đã đích thân sắm. Cuối cùng, hộp sọ nguyên vẹn của ngài được cẩn trọng tôn trí bên trên các phần khác trong cái ché, để đưa về phụng thờ tại Từ Đàm, nơi ngài đã làm việc và phát động cuộc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp trong pháp nạn 1963. Đây cũng là nơi ngài đã sống 7 năm cuối đời. Ngoài hộp sọ ra, chúng tôi còn may mắn gắp được một khoen xá-lợi màu hổ phách, đường kính già hai phân, do phần yết hầu cháy cô lại. Chúng tôi để khoen xá-lợi này trong chiếc bình màu xanh cẩm thạch mà HT.Tánh Nhiếp đã sắm cho Già Lam để đựng xá-lợi của ngài. Ba hôm sau, ở tại Sài Gòn, tôi được HT.Tánh Nhiếp điện thoại cho biết, trong khi rây lại hai bao tro đem từ lò thiêu về chùa Đại Giác - Quảng Bình, Hòa thượng đã lấy được một viên xá-lợi màu xanh ngọc do túi mật kết lại sau khi trà-tỳ.


di huan voi thu but cua on tri quang



Như vậy, tro cốt của ngài chính thức được chia làm ba phần, phần nhiều nhất thờ ở Từ Đàm - trung tâm Phật giáo Huế, nơi ngài đã tu học và hành đạo, hai phần còn lại ít hơn, một thờ ở chùa Đại Giác - Quảng Bình, quê hương nơi ngài sinh ra, và một thờ ở Dư Hương thất của ngài tại già-lam Quảng Hương - TP.HCM, tức Sài Gòn ngày xưa, nơi ngài đã hành đạo suốt bốn mươi chín năm từ 1963 đến 2012, trong sự nghiệp lãnh đạo phong trào đấu tranh bảo vệ Chánh pháp, và dịch kinh giáo hóa.
Đúng theo điều thứ tư trong di huấn ngài để lại vào Tết năm PL.2546, thì: “Trà-tỳ rồi lấy một mớ tro tàn đem về thờ nơi tiểu thất của tôi, ở trú xứ già-lam Quảng Hương”, và điều thứ bảy: “Sau này nữa, bất cứ vì lý do gì tiểu thất của tôi không thích hợp nữa, thì các vị đệ tử của tôi hãy cùng các vị trú trì Quảng Hương và Từ Đàm đưa tro tàn và linh vị của tôi về, thờ tại Từ Đàm. Đó là ý nguyện của tôi đối với Phật tử Huế”.
linh cot cua ht tri quang
Xá-lợi xương Trưởng lão HT.Thích Trí Quang thờ tại chùa Từ Đàm;
2 phần nhỏ tro thỉnh về chùa Già Lam (TP.HCM) và chùa Đại Giác (Quảng Bình) - Ảnh: Quảng Điền


Bảy năm cuối đời, ngài đã ở tại Từ Đàm, viên tịch tại Từ Đàm, vì vậy, để thích hợp với hoàn cảnh mới và phù hợp với di huấn của ngài, tro cốt của ngài đã được phân bố để phụng thờ như trên, với sự nhất trí của các đệ tử xuất gia của ngài. Sự thật của việc phân chia xá-lợi cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang là như vậy. Nhưng một số thông tin tải lên mạng nói, “tro cốt xá-lợi của ngài (chỉ còn lại răng và xương sọ màu trắng bạch) được chia làm 5 phần và tôn thờ tại 5 tự viện”. Trang mạng của gđptvn.org và gdptvntrenthegioi còn tô thêm: “một phần được ưu ái trao cho các pháp tử của Người tôn trí phụng thờ”.
Pháp tử của ngài là ai?
9 giờ sáng ngày 19-12-2560 (2016), ngài đã truyền và cấp chứng điệp đắc pháp cho 12 Tỷ-kheo, đó là HT.Phổ Thọ - Thích Trung Hậu (trụ trì chùa Linh Thái, TP.HCM, đệ tử xuất gia và đắc pháp của ngài, đã mất năm 2018), Phổ Tịnh - Thích Thiện Tấn, Phổ Hiền - Thích Hải Ấn, Phổ Nhãn - Thích Nguyên Giác (đệ tử y chỉ), Phổ Hóa - Thích Tánh Nhiếp, Phổ Thành - Thích Trí Tựu, Phổ Thắng - Thích Thanh Hòa, Phổ Kính - Thích Quảng Phú, Phổ Đẳng - Thích Phước Nguyên, Phổ Minh - Thích Thánh Chủng, Phổ Quang - Thích Nguyên Lợi, Phổ Nhơn - Thích Pháp Hiền.  Ngoài 12 vị này, còn có một đệ tử y chỉ là Thích Lệ Giản (tức Thích Nhuận Tâm), một trong những thị giả hầu ngài, khi ngài còn ở già-lam Quảng Hương.
Như vậy, pháp tử của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang hiện nay chính thức có 12 người như đã nêu trên.
Tất cả pháp tử này không có ai được chia riêng một phần nào cả.
Tôi đã trao đổi với những vị phụ trách trang mạng của gdptvn.org, nói cho họ biết họ là nạn nhân của tin giả và của những kẻ lạm xưng. Họ đã thừa nhận sự thật này.
Thế thì, vì lý do gì, với cơ tâm gì, người ta đã tung tin xuyên tạc, hay mạo nhận được chia tro cốt xá-lợi của ngài? Trả lời câu hỏi này, chúng tôi để dành cho những ai tung tin thất thiệt, những ai mạo nhận được chia, và cho quý vị độc giả.
Phần tôi, trước những thảm họa do tin giả gây ra trong thời đại thông tin, chỉ xin chia sẻ với mọi người đoạn kinh ngắn Đức Phật đã dạy La-hầu-la rèn luyện khả năng hội nhập đời sống của những bậc tôn quý trên đời, không hại mình, hại người:
“Này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi” (HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ II - kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, tr.174).




Ngày 28-10 PL.2563
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2016(Xem: 11973)
Tôi có người đệ tử, đi nước ngoài về tặng cho tôi một bức thư pháp có chữ Smile (mỉm cười) của Thiền Sư Nhất Hạnh. Chữ viết bằng bút lông , mực tàu trên giấy dó. Tôi rất trân quý bức thư pháp này, trong ngày luôn nhìn chữ Smile, để tập cười, tập nuôi dưỡng chánh niệm (bởi vì tôi cũng rất khó cười). Thiền Sư Nhất Hạnh, tên thật là Nguyễn Xuân Bảo
22/10/2016(Xem: 7069)
Tuần lễ vừa qua, tuần lễ bi thương, tang tóc khổ đau, miền Trung các Tỉnh, của quê hương Mẹ. Nước lũ dâng cao, dân không tránh kịp, nước ngập mái nhà, hoa màu tan tác, gia súc thương vong, mạng người đói rét. Ai đã từng sanh ra và lớn lên của các Tỉnh miền Trung, đều đã trải qua những cơ cực lầm than vì cuộc sống. Thiên nhiên không ưu đãi, đất đai nứt nẻ bởi mùa hè nóng bứt, ngập nước bởi những tháng lũ mưa dầm giá rét. Hằng năm phải hứng chịu cảnh lũ lụt ngập nước. Nhưng năm nay, nước lũ dâng cao quá đặc biệt, gọi là vượt kỷ lục trong lịch sử lũ lụt miền Trung. Vừa qua lại phải chịu đựng chống chọi với sự ô nhiểm của biển từ hãng thép Formosa, giờ đây lại gánh chịu nạn lũ lụt bi thương.
04/10/2016(Xem: 17079)
Trong Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư Ngày Về Nguồn lần thứ 9 ngày 11/8/2015 tại Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc, Đại Tăng từ 4 châu lục đã yết ma thành tựu giao phó việc tổ chức Ngày Về Nguồn Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 10 cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada. Thừa lệnh Đại Tăng và được sự bảo trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada và Cộng Đồng Tăng Già tại Canada, nên chúng con mạnh dạng thừa đương việc tổ chức Phật sự thù thắng này tại Tu Viện Phổ Đà Sơn, 11 Chemin Katimavik, Val-Des-Monts Quebec, J8N 5E1, Canada, trong các ngày 6, 7, 8, 9 tháng 10 năm 2016.
22/09/2016(Xem: 7535)
Tiếng chuông đại hồng sớm hôm ngân nga đồng vọng giữa núi rừng trùng điệp Bà Nà kia , thức tỉnh du khách nhoài người thức dậy trong sương sớm trên núi cao, ngồi bên tách trà nhìn về Đà Nẵng, nhìn bằng Tâm để thấy rằng con người bé nhỏ li ti như những con kiến kia đang lăng xăng hoạt động trong cõi đời này, dưới phố thị lao xao, để làm gì ? Và khi chết rồi sẽ đi về đâu ? Những nghi vấn bức thiết như thế nếu có được, cũng là từ âm thanh đồng vọng xa xăm trong nỗi nhớ của chiếc xe Hon Đa một thời leo núi, một thời dấn thân cho đời cho đạo, để cho thế đạo vững vàng không chênh vênh khúc khuỷu như nếp gấp của con đường leo núi Bà Nà.
06/09/2016(Xem: 7906)
Cố Ni Sư Pháp danh Như Ngọc, húy Nhựt Thạch, tự Diệu Ngọc, hiệu Giáo Ngôn. Thế danh Trần Thị Thạch, sanh năm Kỷ Dậu 1909, tại ấp Long Bình, làng Long Đức, tổng Trà Nhiêu, tỉnh Trà Vinh. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Giác (1888 - 1945), Pháp danh Như Ý, tự Mật Tri. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Như (1889 - 1971), Pháp danh Sương Lực, tự Chơn Tâm.
01/09/2016(Xem: 7662)
HT Thích Như Điển giới thiệu Đức Trưởng Lão HT Như Huệ tại Chùa Bảo Quang, Hamburg, Germany, tháng 7-2015
30/07/2016(Xem: 15962)
Đại Trưởng lão Bửu Chơn, một bậc cao tăng, đạo cao đức trọng của Phật giáo Nguyên Thủy, ngài có hơn 10 năm tu hạnh đầu đà ở núi rừng Campuchia. Trở về Việt Nam, ngài là người tu học khá sớm ở Tổ đình Bửu Quang vào khoảng thập niên 40. Ngài là thành viên sáng lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam và Tăng thống nhiệm kỳ Ban Chưởng quản lâm thời vào năm 1957
21/07/2016(Xem: 8716)
Bốn Giáo Hội hải ngoại, Ngài là bậc niên cao nhất Tăng Ni Việt Nam hải ngoại, Ngài là bậc Lạp trưởng nhất Sinh năm 1928 tại Cần Thơ, Nam Việt Hiện trụ 2016 tại Ca-li, Hoa Kỳ 18 tuổi thọ Phương trượng Sa Di 25 tuổi thọ Tỳ kheo cụ túc Đã hoàn tấc Cao đẳng Phật học Lại tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa Hai chương trình kết lá đơm hoa Biển trí tuệ sóng triều duy thức Chỉ ngần ấy, Ngài xứng đáng đi trước
30/06/2016(Xem: 5158)
Hòa Thượng thế danh là Phạm Kim Huệ, sinh năm Giáp Tuất, ngày 02-4-1934 tại làng Cẩm Phô, quận Điện Bàn (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.ISBN: 978-0-9945548-4-0 , ISBN: 978-0-9945548-4-0 , ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 ,ISBN: 978-0-9945548-4-0 Thân phụ của Hòa Thượng là Cụ Ông Phạm Kim Cái pháp danh Như Thế, và Thân mẫu là Cụ Bà Nguyễn thị Di pháp danh Như Kim, đều làm nghề Đông y. Hòa Thượng là con thứ sáu trong gia đình gồm sáu anh chị em. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, thâm tín Phật giáo, nên lúc tám tuổi Ngài được gia đình cho vào chùa học đạo.
24/06/2016(Xem: 6198)
Hòa Nhập Ta Bà Bát Thập Tam Thượng Tôn Chánh Pháp Sáu Mươi Năm Như Như Lão Giả Như Như Thật Huệ Đắc Nào Hay Lão Chẳng Tầm Cao Tột Một Đời Thông Cửu Phẩm Đăng Soi Vạn Thuở Sáng Ngàn Năm Phật Đà Tiếp Dẫn Hương Quang Tỏa Quốc Độ Tây Phương Linh Giác Tâm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]