Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử và Công Hạnh của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Ý

02/11/201906:54(Xem: 14068)
Tiểu Sử và Công Hạnh của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Ý


Chan Dung HT Thich Nhu Y-1--a

TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ Ý

 

I. THÂN THẾ:
Hoà thượng họ Nguyễn huý Tâm Đăng, pháp danh Trừng Huệ, tự Như Ý, hiệu Ấn Bảo. Ngài sinh ngày 30 tháng 07 năm Giáp Tuất (1934), trong gia đình thuần nông, lại có truyền thống lễ giáo và thâm nho tín  Phật, tại làng Phú Ân Bắc, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Muốn; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Máy, pháp danh Trừng Lan. Hoà thượng là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em: 2 trai 2 gái. Năm 1946, thân phụ Ngài qua đời, bốn anh chị em chỉ trông nhờ vào mỗi người mẹ. Dù hoàn cảnh khó khăn mẹ góa con côi, cụ bà vẫn tiếp tục cho Ngài theo học văn hoá tại trường làng Diên Phú.

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Vốn có thiện căn và túc duyên với Phật pháp, năm 15  tuổi (1949), sau 3 năm thọ tang cha và làm tròn hiếu đạo, Hoà Thượng và ba chị em được thân mẫu dẫn đến chùa Tân Long, yết kiến trụ trì là Hoà thượng Chánh Tín, phát nguyện xin quy y Tam Bảo và được Hoà Thượng hoan hỉ tiếp nhận. Duyên lành Phật pháp được ươm mầm từ lúc ấy nhằm ngày Phật Đản sanh (mùng 8/4 ÂL), Ngài được ban pháp danh là Trừng Huệ. Cũng trong năm đó, Ngài đã được sự đồng ý của thân mẫu cho phép xuất gia học đạo và được Hoà Thượng Chánh Tín tiếp nhận làm đệ tử.
Vốn siêng năng cần mẫn, chỉ vỏn vẹn vài năm Ngài đã thuộc nằm lòng những bộ kinh căn bản của Sơ đẳng Phật học và chương trình Hán học tại địa phương do các cụ đồ trong làng giảng dạy.

Sau 7 năm theo Thầy học gia giáo, năm (1955) Hoà Thượng được Bổn sư cho truyền Thập Giới Sa Di vào ngày vía đức Bồ Tát Địa Tạng (30/07 âm lịch), tại chùa Khánh Long, huyện Diên Khánh, có pháp tự Như Ý, khi đó Ngài vừa tròn 22 tuổi.
Sau khi được bổn sư truyền thập giới Sa Di, Hòa thượng phát nguyện lễ bái kinh văn theo phương pháp sám hối Vạn Phật hồng danh và, trì Đại bi bách biến mỗi ngày, chưa một thời xao lãng.

Mùa thu, năm 23 tuổi (1956), Ngài lạy Hoà Thượng Bổn sư xin phép được tha phương cầu học. Từ đây, bước chân vân du rảo dọc trên mọi nẻo đường. Hoà thượng đến xứ Tuy Hoà-Phú Yên, đảnh lễ cầu học với Hoà Thượng Hưng Từ tại Chùa Vĩnh Long-Tuy An. Với chí xuất trần cầu học, tại đây Hoà thượng học tất cả những gì mà HT. Hưng Từ truyền dạy như: Kinh, Luật Luận và  Khoa Văn Chẩn Tế v.v… và HT được Thầy chỉ giáo trùng tuyên lại kinh văn cho đại chúng sau những giờ lên lớp.

Năm 25  tuổi (1958), Ngài đã bái tạ Hoà Thượng Hưng Từ, ra Quảng Nam - Đà Nẵng, tìm đến chùa Linh Ứng tại Non Nước-Ngũ Hành Sơn cầu học với Hoà Thượng Trí Hữu, bậc Thầy khả kính đương thời. Tại đây, Ngài học được đức tính khiêm cung của HT. ân sư Trí Hữu, ngày ngày hầu Thầy làm việc, đêm đêm hạ thủ công phu. Với bẩm tính thông minh, Ngài luôn nghiên cứu sưu tầm kinh điển. Tuy còn là Thầy Sa Di, nhưng Ngài được HT. ân sư Trí Hữu uỷ thác việc trùng tuyên kinh luật và quản lý chúng tăng tại Linh Ứng-Non Nước. Như lời cổ nhân dạy: “Sa di thuyết pháp sa môn thính.” Tuy được HT. ân sư và đại chúng tín nhiệm, nhưng việc cầu học luôn thôi thúc Ngài tầm thầy học đạo, vì vậy Ngài đã xin phép HT ân sư Trí Hữu trở lại Tuy An. Tại đây, Ngài gặp lại HT. Hưng Từ và theo vào Bình Tuy để kiết hạ. Cũng trong mùa kiết hạ này Ngài được HT. Hưng Từ cho đăng đàn thọ giới cụ túc.
Năm 27 tuổi, vào ngày 19/6 năm Tân Sửu (1961), Hoà thượng thọ Đại Giới Tỳ Kheo tại Giới đàn Linh Sơn Trường Thọ Tự, tỉnh Thuận Hải, do Hoà thượng Thích Hưng Từ làm đàn đầu, ban cho Ngài pháp hiệu Ấn Bảo. Sau hơn một năm thọ giới tỳ kheo, năm 28 tuổi vào ngày 15/4/ Nhâm Dần (1962), Ngài được Hoà thượng Hưng Từ trú trì chùa Minh Sơn, Phan Thiết, Bình Thuận phú pháp truyền thọ với bài kệ:

Tâm Đăng Kỳ Phật Quả
Trừng Huệ Tự Chiếu Minh
Như Ý Châu Tế Vật
Ấn Bảo Giác Hữu Tình.

III. HÀNH ĐẠO-HOẰNG PHÁP:
Năm 1962, Ngài lạy tạ Hòa Thượng Y Chỉ Sư - Hưng Từ trở về Nha Trang, tu và làm việc. Tại đây, Ngài gặp TT. Ấn Đạo trú trì chùa Kim Sơn và được TT. Ấn Đạo mời về chùa Kim Sơn trông coi cùng lo phật sự. Trong thời gian này HT. cùng bà con đồng bào phật tử trong vùng đã vận động trùng tu ngôi chùa cổ Sắc Tứ Kim Sơn, tại làng Ngọc Hội-Nha trang. Cũng trong năm này, Ngài được dân làng Thái Thông-Vĩnh Thái tín nhiệm cung thỉnh về chùa An Dưỡng chăm lo công tác Phật sự và hỗ trợ trùng tu ngôi già lam Tam Bảo nơi đây.
Năm 1963, pháp nạn Phật giáo xảy ra, Ngài tham gia tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ.
Năm 1964, Ngài nhờ nhân duyên thông qua Hoà Thượng T. Thiện Minh giới thiệu và tạo mãi được một mảnh đất hoang vắng tại làng Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc Thành phố Nha Trang dựng am tranh tu hành. “Người đi tìm đất, đất như chờ người”. Cũng tại mảnh đất này, Ngài đã kiến thiết và lập lên ngôi Tổ đình Linh Sơn Pháp Bảo ngày nay.

Thời gian đầu, Chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ bé, xung quanh toàn tre nứa, hoang vắng tịch liêu, ngày ngày làm bạn với cỏ cây, đêm đêm an nhiên tĩnh tọa. Nhưng với tâm nguyện “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, Hoà thượng không ngại gian lao mà nỗ lực phát huy kiến thiết xây dựng ngôi Tam Bảo trên mảnh đất này: gồm chánh điện, nhà tổ, và nhà tăng lợp lá dừa. Với đạo hạnh và đức độ của Ngài, Phật tử các nơi về Linh Sơn ngày một đông, hàng đệ tử xuất gia theo Thầy càng lúc càng nhiều nên cơ sở cũng theo đó mà nới rộng.
Sau nhiều năm bước chân vân du của bậc xuất trần thượng sĩ không mệt mỏi, cuối cùng Ngài đã dừng chân, an trú tại ngôi già lam Linh Sơn Pháp Bảo để làm bóng mát cho hàng hậu học. Tại đây, Hoà thượng đã tiếp nhận và độ chúng ngày một đông, rồi từng lớp, từng lớp đệ tử và học trò khác, lần lượt cũng được Hoà thượng tiếp nhận, hoá độ trong tinh thần từ bi và bao dung như người mẹ hiền hiện thân giữa đời, không biết mệt mỏi. Song song với việc tiếp độ hàng ngũ xuất gia, Hoà thượng còn độ cho rất nhiều chúng cư sĩ tại gia, Thập Thiện và Bồ Tát giới trên mảnh đất Nha Trang - Khánh Hoà này.


Chan Dung HT Thich Nhu Y-2a


IV/ THAM GIA GIÁO HỘI

1. Tham gia Giáo hội:
- Từ năm 1964 -1968, sau khi thống nhất giáo hội, Ngài đảm nhận chức vụ Đặc Ủy Thanh Niên GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa.
- 1968 – 1981, Đặc Ủy Cư Sĩ GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa kiêm Đặc Ủy Thanh Niên GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa.
- Năm 1982-1985: Hoà Thượng được mời làm Uỷ viên BTS PG Khánh Hoà.
- Năm 1986-1990: Hoà Thượng được GH đề cử giữ chúc vụ UV ban hướng dẫn nam nữ Phật Tử tỉnh Khánh Hòa
- Năm 1990-2001: Hoà Thượng được mời làm Phó BTS GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa kiêm UV Hướng dẫn Nam Nữ Cư sĩ Phật Tử. Lúc này trường CBPH Khánh Hoà khai mở, Hoà Thượng được mời làm Trưởng ban bảo trợ và Giáo thọ trường TCPH Khánh Hoà liên tiếp 4 khoá.
- Năm 2001-2006: Phó BTS kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Khánh Hòa, trưởng ban bảo trợ trường TCPH Khánh Hoà.
- Năm 2002: Ngài được GHPGVN tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 4.
- Năm 2006-2010: Uỷ Viên HĐTSTƯ GHPG Việt Nam, Phó BTS, Uỷ viên TT Ban Tăng Sự PG Khánh Hoà.
- Năm 2011-2016: Thành viên HĐCMTƯ, Chứng minh BTSPG Khánh Hoà.
- Năm 2017-2022: Uỷ viên TT HĐCMTƯ, Chứng minh BTS PG Khánh Hoà.

2.  Các Đại giới đàn Hòa thượng đã tham dự:

- Năm 1993: Hoà Thượng được mời làm phó ban tổ chức và phó ban kiến đàn Đại giới đàn Trí Thủ I tổ chức tại Nha Trang-Khánh Hoà.
- Năm 1997: Đệ nhất tôn chứng tăng già đại giới đàn Trí Thủ II, tại Nha Trang.
- Năm 1999: Đệ nhất Tôn chứng giới đàn Long Sơn I, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2001: Đệ nhất tôn chứng tăng già đại giới đàn Trí Thủ III, tại Nha Trang.
- Năm 2003: Đệ nhất tôn chứng giới đàn Long Sơn II, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2005: Đệ nhất tôn chứng tăng già đại giới đàn Trí Thủ IV, tại Nha Trang.
- Năm 2007: Đệ nhất tôn chứng giới đàn Khánh Hòa I, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2009: Đệ nhất tôn chứng đại giới đàn Quảng Đức I, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2011: Đệ nhất tôn chứng giới đàn Khánh Hòa II, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2013: Đệ nhất tôn chứng đại giới đàn Quảng Đức II, tại TP. Nha Trang.
- Năm 2015: Đệ nhất tôn chứng giới đàn Long Sơn III, tại TP. Nha Trang.


V/ TIẾP ĐỘ TĂNG CHÚNG và CÔNG TÁC GIÁO DỤC

Ngày 6/9/1970, trong dịp Đại Lễ Khánh Thành ngôi Chánh Điện và Tăng xá Linh Sơn, Ngài đã khai giảng Phật Học Viện Sơ Đẳng Linh Sơn với sự chấp thuận cho phép của Tổng Vụ Giáo Dục, lúc đó là HT. Thích Minh Châu thuộc GHPGVNTN làm Tổng Vụ Trưởng. Có thể nói trong thời gian này Ngài vô cùng vất vả, vì hầu hết tăng sinh đều nội trú mà chư vị giáo thọ cũng như Ban Giám Đốc đều ở xa, do đó chỉ mỗi mình Ngài trông nom quán xuyến, chăm sóc cho gần 50 tăng sinh độ tuổi từ 8 đến 12.

Năm 1974, Hòa Thượng dự trù nâng cấp Phật Học Viện từ Sơ đẳng lên Trung đẳng qua giấy phép số 555/TVT/VGD/VP do HT. Tổng Vụ Trưởng Thích Minh Châu ký ngày 23/4/1974. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, việc thành lập Phật Học Viện Trung Đẳng chưa thực hiện được; cho đến năm 1976, mới mở được lớp học không chính thức để giảng dạy chương trình Trung Đẳng Phật Học cho một số Tăng Ni sinh tại Nha Trang và Tăng sinh nội trú tại Chùa Linh Sơn Pháp Bảo.

Trong sự nghiệp giáo dục, ngoài việc tham gia điều hành các cơ sở giáo dục, Hòa thượng còn trực tiếp giảng dạy và uốn nắn chăm lo đời sống của tăng chúng. Trong những năm còn khó khăn mọi mặt, tại ngôi tòng lâm Linh Sơn Pháp Bảo này luôn là cái nôi đào tạo tăng tài, nhờ vậy mà từng lớp tăng chúng đã trưởng thành và đi hoằng pháp khắp nơi.

Năm 1990 Hoà thượng cùng quý HT. Thiện Bình, HT. Trí Tâm, HT. Đỗng Minh, HT. Huệ Quang, v.v… cùng chung tay thành lập và khai giảng trường Cơ Bản Phật Học Khánh Hoà (nay là trường TCPH Khánh Hoà). Ngài tham gia công tác giảng dạy và làm Trưởng ban bảo trợ đời sống của tăng sinh. Thời gian này, tuy cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng với tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai HT. không ngại khó khăn và một lần nữa tiếp nhận tăng sinh nội trú tại Linh Sơn Pháp Bảo.


VI/ XÂY DỰNG TRÙNG TU

 Năm 1962, Hoà thượng trùng tu ngôi chùa cổ Sắc tứ Kim Sơn tại làng Ngọc Hội-Nha trang và chùa An Dưỡng tại làng Thái Thông-Vĩnh Thái.
Năm 1964, Hoà thượng khai sơn chùa Linh Sơn Pháp Bảo tại thôn Phú Nông xã Vĩnh Ngọc, tp Nha Trang. Cùng năm đó Ngài khởi công trùng tu ngôi chùa Phổ Tế, làng Lư Cấm, TP. Nha Trang.
Năm 1968, Hoà thượng tiếp nhận mảnh đất hiến cúng của gia đình bác sỹ Alexandre Yersin và khai sơn chùa Linh Sơn Pháp Ấn, tại Suối Dầu, xã suối Hiệp, huyện Diên Khánh.
Năm 1970,  HT khánh thành ngôi Chánh Điện và Tăng Xá Linh Sơn Pháp Bảo
Năm 1996, Ngài tiến hành Đại trùng tu ngôi già lam Linh Sơn Pháp Bảo và các công trình phụ.
Năm 2008, Hoà Thượng đã xây dựng Tổ Đường và khánh tạ lạc thành vào ngày 26 tháng 7 năm Kỷ Sửu (2009).


VII/ CÔNG PHU HÀNH TRÌ TU TẬP

Ngoài công tác tham gia cùng quý Hòa thượng xây dựng và tổ chức Giáo Hội, cũng như lo đời sống tu học của Tăng chúng; nhưng các thời khóa hành trì tu tập cho chính mình, mỗi ngày 3 thời khóa Ngài chưa hề xao lãng. Từ những năm tháng mới thọ Sa Di giới, Ngài đã thường xuyên trì tụng Phẩm Phổ Hiền (kinh Hoa Nghiêm) sau mỗi thời lễ sám Ngũ Bách danh, như là sự phát nguyện dấn thân của Ngài về sau trên con đường hoằng pháp độ sinh. Nhờ nương hạnh tu của các bậc tôn túc như Hòa Thượng Hưng Từ, HT. Vĩnh Thọ, HT. Trí Hữu, HT. Tịch Tràng… Ngài hạ thủ công phu hành trì pháp môn Niệm Phật và sớm hôm chuyên cần lễ sám.

Ngài luôn tâm niệm giới luật là mạng mạch của Phật Pháp, giới luật còn là Phật Pháp còn. Do đó, từ ngày đăng đàn thọ cụ túc giới cho đến mãi về sau, Ngài luôn nghiêm trì giới luật và mỗi năm Ngài thường tòng chúng tu học qua các đạo tràng An Cư Kiết Hạ của HT. Hưng Từ (Bình Tuy), HT. Tịch Tràng – Linh Sơn (Vạn Giã), cũng như Phật Học Viện Hải Đức (Nha Trang) để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh. Ngay cả những năm tháng cuối đời, dù thân mang trọng bệnh, đi đứng khó khăn, nhưng các mùa An Cư kiết hạ tại Linh Sơn Pháp Bảo tang già lam, Ngài đã không bỏ sót một thời quá đường nào cùng với đại chúng, cũng như các thời khóa hành trì của riêng Ngài.

Sau bao năm phụng sự cho đạo pháp, tiếp độ tăng chúng và hoằng truyền chánh pháp, tháng 8 năm 2019, Ngài lâm thọ bệnh. Mặc dù đã được hàng đệ tử thân cận và các y bác sĩ tận tình chăm sóc, chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hoà thượng đã an tường xả báo thân, thâu thần viên tịch lúc 19h00p ngày 01/11/2019 (Nhằm ngày 05/10 năm Kỷ Hợi). Hòa Thượng trụ thế 86 năm,  hạ lạp 59.

Thế là hoá duyên đã mãn. Mặc dù Hoà thượng đã trở về thế giới vô tung bất diệt, nhưng hành trạng tu tập một đời của Ngài là tấm gương sáng, là bậc thầy mô phạm để hàng hậu học noi theo.

  “Trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đảnh”, Đại lão Hòa thượng đã thuận lý vô thường, xả bỏ báo thân trở về với Pháp giới Chân như bất diệt. Nhưng Ngài vẫn sống mãi trong lòng Tăng ni Phật tử Khánh Hoà cũng như toàn thể môn đồ pháp quyến Linh Sơn Pháp Bảo , Nha-Trang.
 
Nam mô Tân viên tịch Liễu Quán pháp phái đệ bát thế, khai sơn Linh Sơn Pháp Bảo tự trụ trì,  húy thượng Trừng hạ Huệ, tự Như Ý, hiệu Ấn Bảo Trưởng Lão Hòa thượng Giác linh.



                                                                                                                                                                     Môn đồ pháp quyến khể thủ bái soạn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2011(Xem: 6054)
Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, chúa Nguyễn Hoàng lập nghiệp đầu tiên, Hòa thượng đã thác tích hiện thân đại sĩ, nương thuyền từ độ kẻ trong mê. Duyên lành sẵn có, tâm Bồ đề sớm phát, tuổi ấu thơ đã thắm nhuần đạo vị, chùa Hải Đức trưởng dưỡng chí xuất trần. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, lúc tuổi thanh xuân, nơi chốn Tổ Tra Am, Hòa thượng quyết chí tu hành, cắt ái từ thân, thế phát bẩm sư với Tổ Viên Thành.
04/04/2011(Xem: 9210)
BBC Giới thiệu Đôi nét về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Thích Nhất Hạnh là một thiền sư nổi danh trên thế giới, là một văn nhân, một thi nhân, một học giả, mà cũng là một người đấu tranh cho hòa bình. Bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma thì Thầy là bậc đạo sư nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài ra Thầy còn là tác giả của trên một trăm cuốn sách, trong đó gồm có những "xếp hạng bán chạy nhất“ (bestsellers) như những cuốn Hòa Bình Từng Bước Chân (Peace is Every Step), Phép lạ của sự Tỉnh thức (The Miracle of Mindulness), Chúa nghìn đời, Bụt nghìn đời (Living Buddha Living Christ) và Giận (Anger)
28/03/2011(Xem: 8581)
Giáo sư Trần Phương Lan – Pháp danh Nguyên Tâm - nguyên Phó trưởng khoa Phật Pháp Anh Ngữ tại Học Viện Phật giáo Việt Nam
25/03/2011(Xem: 7633)
Không biết anh thâm nhập Phật giáo từ lúc nào, nhưng lúc còn là Oanh vũ, năm 1945 anh đã tham gia sinh hoạt đoàn thể tiền thân của Gia đình phật tử hiện nay. Anh sáng tác nhạc rất sớm, và cũng giữ trường trai rất sớm. Thập niên 1955 của thế kỷ XX, cộng đồng Phật giáo đã biết và nghe tên anh qua nhiều nhạc phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo. Hiện nay số lượng tác phẩm do anh sáng tác và phổ thơ đã trên 500 bản. Anh và nhạc sĩ Lê Cao Phan là hai cội sen già trong vườn hoa đạo Phật.
25/03/2011(Xem: 7534)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ (1875-1963)
25/03/2011(Xem: 8089)
ĐPNN: Là một trong những nhạc sĩ PG đầu tiên được ghi nhận công lao đóng góp cho văn hóa PG trong quyển 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo của cố HT.Thích Thiện Hoa, NS Hằng Vang từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác Phật nhạc do GHPGVNTN tổ chức, trao giải thưởng ngày 25-2-1965 tại nhà hát lớn Sài Gòn. Các trung tâm văn hóa PG trong và ngoài nước đã xuất bản hơn 20 album của NS Hằng Vang theo các hình thức cassettes-CD-VCD ca nhạc, kinh nhạc và 20 album cassettes-video-CD-VCD-DVD cũng như 8 tuyển tập ca nhạc đứng chung với nhiều tác giả khác.
24/03/2011(Xem: 7190)
Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Trung Việt)
21/03/2011(Xem: 5810)
Tôi đã sống với một con người với tất cả ý nghĩa của Người trong một thời gian tương đối dài giữa một giai kỳ buồn vui pha trộn. Có thể nói Gs Phạm Công Thiện là người có một cách sống giản dị, không kiểu cách, cầu kỳ, ngược lại rất khiêm cung và nhẫn nại, nhẫn nại ngay cả trong hoàn cảnh rất khó nhẫn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]