Sơ Lược Tiểu Sử Đại Lão
Hoà Thượng Thích Trung Quán
(1918-2003)
Hoà thượng họ Vũ, huý là Thanh Quát, pháp hiệu là Thích Trung Quán, sinh trưởng trong một gia đình thiện lương làm nông. Cụ ông là Vũ Đình Duật và cụ bà là Nguyễn Thị Nhiên. Ngài ra đời vào ngày 9 tháng 6 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Hạ Kỳ, phủ Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định, Bắc Việt. Gia đình gồm bốn người con, hai trai và hai gái. Ngài là người con trai thứ hai trong gia đình.
Khi lớn lên, Ngài thấy rõ cuộc đời khổ nhiều vui ít. Tình cờ Ngài xem lịch sử Tổ Huyền Quang, thi đỗ trạng sư mà đi tu, Ngài cảm thấy tiền tài danh lợi đều hư vọng. Cuối cùng Ngài quyết chí xuất gia tu hành, đến lạy vị Cố Pháp Chủ Toàn Quốc Thượng Đức Hạ Nhuận làm thầy, lúc đó Ngài vừa tròn 19 tuổi.
Ngài mồ côi cha từ lúc 6 tuổi. Xuất gia tu học được mười năm thì mẫu thân của Ngài qua đời.
Từ đó Ngài dốc lòng tinh tấn tu hành. Ở với Sư phụ của Ngài được bảy năm, vì hoằng dương Phật pháp, đã được Hoà Thượng Thích Thanh Tuất cung thỉnh Ngài sang Lào vào năm 1959, và Ngài đã mang Phật Giáo đại thừa, truyền bá vào xứ Lào. Ngài đã thành lập được 10 ngôi Chùa tại xứ Lào. Ngôi Chùa đầu tiên Ngài thành lập là Chùa Phật Tích, là nơi nổi tiếng có nhiều ma quỷ, cứ mỗi năm ma quỷ bắt đi một người. Từ trước đã có vị Sư về đó tính lập Chùa mà không thành, nhưng khi Ngài đến thì mọi việc đều thuận duyên, đó là Ngài có nhân duyên với vùng đất đó. Khi làm Chùa xong, thì không còn ma quỷ nữa và dân làng lúc đầu rất ngỗ ngịch, phá phách, ngay cả ông tổng trưởng cũng vậy. Nhưng sau đó tất cả mọi người đều quy thuận, phát tâm quy y Tam Bảo. Ngài đã cảm hoá được những chúng sinh cang cường ngỗ nghịch để trở về với Phật Pháp. Ngài đã độ rất nhiều Tăng Ni và tín chúng Phật tử ơ tại xứ lào.
Đến năm 1978, được Cố Lão Hoà Thượng Thích Chân Thường bảo lãnh Ngài sang Pháp, để hoằng dương Phật Pháp, lúc đó Ngài đã 60 tuổi.
Sang Pháp, những ngày đầu tiên Ngài tá túc ở Chùa Quan Âm gần một năm, sau đó Hoà Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu thỉnh Ngài về Chùa Hồng Hiên ở Fréjus (tại miền nam nước pháp), được 2 năm. Sau đó Cụ Escale và các Phật tử đã quy y với Ngài từ bên Lào sang Pháp, xuống Fréjus thỉnh Ngài về thành lập và trụ trì Chùa Hoa Nghiêm ở Paris bây giờ.
Trên hai mươi năm sống ở Pháp, Ngài ngược xuôi hoằng pháp, không ngại gian lao khốn khổ, bất cứ ở đâu cung thỉnh Ngài đều từ bi quang lâm và Ngài đã thành lập cũng như vị Thầy tinh thần của sáu ngôi Chùa ở Pháp và Bỉ.
Ngài dịch Kinh được cả thảy là 28 bộ Kinh dài và ngắn.
1-Kinh Viên Giác, 2-Nhân Vương Hộ Quốc, 3-Vãng sinh Luận, 4- Kinh Hiền Ngu
, 5-Lịch sử Đức Phật, 6-Thiện ác nhân quả, 7-Kinh Dược Sư, 8-Kinh Di Đà, 9-Kinh nghiệp Báo Sai Biệt, 10-Kinh phân Biệt Thiện ác báo ứng, 11-Kinh Đại Chính Cú vương, 12-Kinh Ma Ha Nan Tư Tư, 13-Kinh Cổ lai thế thời, 14-Kinh Đại Thông Phương Quảng. 15-Biện Minh tu Chứng , 16-Tịnh Tọa Pháp.17. Đại Trí Độ Luận......
Những bộ kinh sách trên đây do Hòa Thượng dịch và biên soạn rất công phu đã được xuất bản nhiều lần tại Lào, Việt nam cũng như tại Pháp, nhờ đó hàng Phật tử mới có cơ duyên học phật. Thật là một đóng góp rất lớn lao của Hòa Thượng cho Lịch sử Phật Giáo Việt Nam trong vấn đề phiên dịch, trước tác trong quốc nội cũng như ở ngoại quốc.
Tánh Ngài thâm trầm, đơn giản nhưng rất oai nghiêm dõng dạc như một vị Thiền sư, khiến ai nấy cũng sanh tâm hoan hỹ khi diện kiến với Hòa Thượng.
Hòa Thượng cũng là 1 trong 7 vị Thượng Tọa đã được Đại Hội Tăng Già Việt Nam tại Hải ngoại nhóm họp tại chùa Phật Giáo Việt Nam vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 6 tháng 5 năm 1979 suy tôn lên ngôi vị Hòa Thượng để hướng dẫn tinh thần đồng bào phật Tử tại nước Pháp.
Công đức của Hòa thượng thật không có bút mực nào có thể diễn tả hết được. Mong độc giả đọc những kinh sách của Hòa Thượng đã dịch thuật và viếng những chùa chiền mà Hòa Thượng đã tạo dựng nên thì sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đời của Ngài.
Suốt cuộc đời, Ngài lấy bốn chữ từ bi hỷ xả làm phương châm cho sự tu hành.
Ngài là tàng cây đại thụ che mát cho hàng tứ chúng đệ tử khắp nơi, Nơi nào có Ngài thì nơi đó cảm thấy ấm áp vô cùng. Nhưng vạn vật vô thường, thân tứ đại huyễn hoá cũng không tránh khỏi luật sinh già bệnh chết. Đột nhiên Ngài cảm thấy sức yếu, vào nằm nhà thương để điều trị. Những ngày gần sắp sửa ra đi, Ngài đã đòi về Chùa, nhưng bác sĩ cảm thấy Ngài sắp bình phục, và không bao lâu sẽ cho Ngài xuất viện, vì trước đó mấy ngày, ai cũng trông thấy Ngài rất khoẻ, tưởng chừng Ngài sắp được xuất viện, ai nấy đều mừng rỡ. Nhưng thọ mạng đã định sẵn và Ngài đã xả báo thân tứ đại, để trở về với hư vô. Ngài thâu thần viên tịch vào lúc 2 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 2 năm Quý Mùi, tức ngày 1/4/2003, trụ thế 86 tuổi và 66 hạ lạp.
Môn đồ Pháp quyến (kính soạn)
________
Chương trình Lễ Tang
Ngày thứ ba 1/4/2003 (30/02/ Quý Mùi)
16 giờ 00 : Cung nghinh nhục thân hồi tự
Ngày thứ bảy 5/4/2003 (04/03/ Quý Mùi)
09 giờ 00 : Lễ Nhập Kim Quan
09 giờ 30 : Bạch Phật Khai Kinh
09 giờ 50 : Cung thỉnh Giác Linh an vị
10 giờ 30 : Lễ Thọ Tang
15 giờ 00 : Tụng Kinh (luân phiên tụng niệm)
Chủ Nhật 06/04/2003 (05/03/ Quý Mùi)
06 giờ 00 : Cúng Trà
08 giờ 00 : Tụng Kinh
11 giờ 00 : Lễ Cúng Ngọ
11 giờ 30 : Lễ Cung Tiến Giác Linh
15 giờ 00 : Tụng Kinh (luân phiên tụng niệm)
Ngày Thứ hai 07/04/2003 (06/03/ Quý Mùi)
06 giờ 00 : Cúng Trà
08 giờ 00 : Tụng Kinh
11 giờ 00 : Lễ Bạch Phật Khai Kinh sơ tuần
11 giờ 30 : Lễ Cung Tiến Giác Linh
15 giờ 00 : Tụng Kinh (luân phiên tụng niệm)
Ngày thứ ba 08/04/2003 (07/03/ Quý Mùi)
đến ngày thứ năm 10/04/2003 (09/03/ Quý Mùi)
06 giờ 00 : Cúng Trà
08 giờ 00 : Tụng Kinh
11 giờ 00 : Lễ Cúng Ngọ
11 giờ 30 : Lễ Cung Tiến Giác Linh
15 giờ 00 : Tụng Kinh (luân phiên tụng niệm)Ü
Thứ sáu 11/04/2003 (10/03/ Quý Mùi)
06 giờ 00 : Cúng Trà
08 giờ 00 : Tụng Kinh
11 giờ 30 : Lễ Trai Tăng
15 giờ 00 : Lễ Yết Phật, Tổ tại Chánh điện
17 giờ 00 : Lễ Thí Thực Cô hồn
18 giờ 00 : Tụng Kinh (luân phiên tụng niệm)
Ngày thứ bảy 12/04/2003 (11/03/Quý Mùi)
06 giờ 00 : Cúng Trà
07 giờ 00 : Cung tuyên tiểu sử, điếu văn,
đạo từ của Hòa Thượng Chứng Minh
08 giờ 30 : Lễ Phát hành - lễ Phất Trần
09 giờ 30 : Lễ Cung nghinh Kim Quan thăng thượng giá
11 giờ 00 : Lễ thỉnh Kim Quan trà tỳ.
11 giờ 30 : Cảm tạ của Ban Tổ Chức
12 giờ 30 : Tạ Phật Hoàn Kinh
BAN TỔ CHỨC TANG LỄ
Từ ngày 2/4 đến ngày thứ bảy 12/4/2003
Trưởng ban tổ chức : Hoà Thượng Thích Tâm Châu.
Phó ban tổ chức : Hoà Thượng Thích Minh Tâm, Hoà Thượng Thích Thanh Đạm,
Thượng Toạ Thích Tánh Thiệt.
Ban Nghi Lễ :
Chứng minh : HT Thích Tâm Châu.
Phất trần : HT Thích Thanh Đạm.
Chấp lệnh : HT Thích Minh Tâm.
Công Văn : ĐĐ Thích Thiện Niệm.
Ban Kinh Sư : Sám Chủ Thượng Toạ Thích Thích Trí Minh, T.T Thích Tánh Thiệt,
T.T Thích Quảng Hiền, Đ.Đ Thích Nguyên Lộc, Đ.Đ Thích Thiện Niệm, Đ.Đ Thích Thiện Quang.
Ban Xướng Ngôn Viên : Đ.Đ Thích Viên Đại.
Ban Tiếp Tân : Thượng Toạ Thích Minh Chiếu, Đại Đức Thích Đức Thắng,
Đại Đức Thích Viên Minh, Đại Đức Thích Minh Định, và các Phật tử Chùa Hoà Nghiêm,
Chùa Quan Âm, Chùa Kim Quang, Chùa Khánh Anh.
Ban Thủ Quỹ : Đại Đức Thích Minh Đăng, Cô Kiếm, Cô Điển.
Ban Thư Ký : Đại Đức Thích Minh Định, Cô Kiếm.
Ban Tiếp Lễ : Sư Cô Diệu Minh, Sư Cô Diệu Trạm, Sư Cô Đàm Tịnh, Sư Cô Đàm Thu,
Cô Cơ, Cô Điển, Cô Loan.
Ban Trần Thiết : Đại Đức Thích Thiện Niệm, Đại Đức Thích Viên Mãn, Đ.Đ Thích Từ Thọ,
Sư Cô Đàm Phương, Anh Chữ, Anh Châu.
Ban Trang Trí : Đại Đức Thích Từ Thọ, Sư Cô Đàm Phương
Ban Trai Soạn : Trưởng ban : Sư Cô Đàm Chất, Sư Cô Trí Hải, Sư Cô Trí Minh,
Sư Cô Đàm Khiết, Sư Cô Đàm Như, Sư Cô Đàm Đào, và các Phật Tử Chùa Hoa Nghiêm
Bruxelles, Chùa Hoa Nghiêm Paris.
Ban Ánh Sáng, Âm Thanh : Chú Minh Thọ.
Ban Trật Tự : Các Phật Tử Chùa Hoa Nghiêm, Chùa Quan Âm, Chùa Khánh Anh, Chùa Linh Sơn.
Ban Quay Phim, Nhiếp Ảnh : Anh Châu, Chị Hoa Phước, Đạo Hữu Minh Đăng.
Ban Vận Chuyển : Đại Đức Thích Minh Đăng, Đại Đức Thích Viên Mãn, Anh Châu.
Ban Y Tế : Bác sĩ Phạm Quang Bình, BS Phan Ngọc Anh.