Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Không

12/10/201809:28(Xem: 5175)
Không

Hoa Thuong Thich Thien Minh_1921-1978
KHÔNG !   

Thành kính tưởng niệm Hòa Thượng Thích Thiện Minh

nhân Lễ Tưởng Niệm 40 năm viên tịch của Ngài


                                       

          Những ai học thiền, nhìn thấy chữ “Không” thì đều nghĩ ngay đến công án mang cái tên ngắn ngủi, đơn sơ này. Tưởng là ngắn ngủi mà bao thiền sinh đã khóc hận vì miệt mài đi suốt cuộc đời không gặp; tưởng là đơn sơ mà bước vào như khu rừng rậm chằng chịt chẳng thấy nổi đường ra!

          Nhưng bài viết này không nói đến thiền, đến công án. Chữ “Không”. Trong bài này là âm thanh cuối cùng thốt lên từ một nhà sư bị giam cầm, tra tấn triền miên hàng chục năm trời vì tội “dám nói lên những sự thật mà nhà cầm quyền không cho phép nói!”

           Khi nói lên sự thật về việc dân tộc đang bị chà đạp nhân phẩm, bị đọa đầy trong ngu dốt và đói nghèo, bị tước đọat hết mọi quyền tự do mà tự do tôn giáo là điều thiêng liêng nhất, nhà sư đã bị ghép tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Với tội danh này, nhà sư đã bị giam cầm từ nhà tù này sang nhà tù khác, nơi đâu cũng bị xiềng xích, bỏ đói, bỏ khát, thẩm cung, tra vấn, đánh đập ......

          Một nhà sư gầy ốm, tiều tụy, đôi tay gân guốc, đôi chân khẳng khiu mà sao có sức mạnh chịu đựng nổi bao dập vùi tàn độc như thế!? Sao Sư  không chấp nhận chỉ nhắm mắt tụng kinh gõ mõ, nói điều nhà nước muốn Sư nói, làm điều nhà nước muốn Sư làm, để không còn bị tra tấn dã man, để được trở về chùa, yên ổn  ngày đêm tu tập, thăng hoa trí huệ cho riêng mình?

Những ai đã từng - dù chỉ một lần - khởi lên câu hỏi đó, có từng được nghe hỏi lại: “Tinh thần Bất Nhị của quý vị ở đâu?”

          Đường đời nhiều lối, đường tu cũng nhiều ngả nên mới có Thanh-văn-thừa, Duyên-giác-thừa, Bồ-tát-thừa. Chỉ Bồ Tát mới mang đại nguyện: “Đời ác ngũ trược con nguyện xin vào trước và nhận chịu khổ lụy thay chúng sinh.” Thế nên, nơi nào tối tăm nhất, khổ nhục nhất, là nơi Bồ Tát dấn thân để thắp sáng sự sống nơi cõi chết.

          Hơn bốn thập niên trước, trên bản đồ toàn cầu, ở một tọa độ vùng Đông Nam Á, miền Nam nước Việt Nam, trong trại giam X4, Bộ Nội Vụ, những tù nhân ở phòng giam kế cận đều nghe rõ từng tiếng đấm đá, tiếng thân người rơi, va vào bàn ghế, tiếng chửi rủa tục tằn của kẻ đang tra tấn, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng rên la của người bị tra tấn!

          Người đang bị tra tấn không rên la nhưng những tù nhân phòng bên đều như nghe thấy tiếng vọng thảm thiết tự đáy lòng mình vì họ đều biết người đang bị tra tấn là ai!!!

          Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

 

          Nhà sư đang bị cơn giông bão đòn thù điên cuồng giáng xuống trên thân xác tả tơi là Hòa Thượng Thích Thiện Minh, thế danh Đỗ Xuân Hàn!

          Nam Mô Dõng Mãnh Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

          Những tù nhân phòng bên đều ôm đầu, nhắm mắt, co rút thân mình như chính họ đang bị tra tấn. Rồi những tiếng quát tháo vọng sang:

          - Sao? Ăn đòn đủ chưa? Có ký vào giấy nhận tội không?

          Người phòng bên đều nín thở. Và nghe một tiếng thều thào:

          - K...h...ô...n..g...

          Lập tức, tiếng roi da vút trong gió tới tấp, tiếng đấm, đá bạo cuồng, điên dại....5 phút......10 phút...... 20......30 phút... hay thiên thu!!!???

          - Sao, ký giấy nhận tội hay còn cứng đầu?

          Bao nhiêu trái tim ở phòng bên như đều ngừng đập. Không ai bảo ai, mọi người đều chắp tay, nước mắt chan hòa khi vị Bồ Tát dùng tàn lực thắp bừng lên ánh hào quang Vô Úy qua âm thanh của tiếng sét ngang trời:

          - KHÔNG!

          Địa ngục sôi sục máu lửa vô minh.....

          Sống hay chết? Người hay vật? Mặt trăng hay mặt trời đều trộn vào máu thịt tả tơi .......

          Một sát na hay một kiếp đang trôi qua?

          Rồi im lắng ......

          Chỉ còn dư âm tiếng “KHÔNG” rơi vào đất trời mênh mang vô tận.

          Tiếng “Không” này không còn đơn giản là lời phủ nhận một câu hỏi nữa. Tiếng “Không” trước khi vị Bồ Tát rời cõi Ta-bà là Cửa Không vừa mở ra, là tiếng “Không” trong Bát Nhã, là tiếng “Không” trong Tam-Giải-Thoát-Môn, là tiếng “Không “ của Vô Ngã, là tiếng “Không” của 49-năm-ta-chưa-nói-lời nào .....

          Đó là buổi sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978 tại trại giam X4, Bộ Nội Vụ (hay trại tù Hàm Tân?) tỉnh Saigon, ngày Hòa Thượng Thích Thiện Minh xả bỏ báo thân trong quằn quại, đau đớn tột cùng dưới tay chân thô bạo của những kẻ cùng mầu da, cùng sắc máu; ngày Phật tử Việt Nam nghe trên thinh không có nhạc trời đón Bồ Tát về miền Tịnh Độ…

          Hôm sau, trước sân chùa Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp, đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ cầm tờ giấy báo tử trên tay, đôi giòng lệ lăn dài rơi trên mảnh giấy vô tri, nhòa nhạt tên người vừa về đất Phật. Trong thẳm sâu cõi lòng đau đớn, hẳn vị sư già đang liên tưởng tới cái chết quằn quại nhục thân của Đại Đức Mục Kiền Liên hơn 2600 năm trước.

          Trong những đại đệ tử của Đức Thế Tôn, Đại Đức Mục Kiền Liên nổi tiếng là người dũng mãnh về thể chất lẫn tinh thần. Đại Đức luôn làm đúng, nói thẳng, nói thật dù điều đó gây nên bao tỵ hiềm, oán ghét với các giáo phái khác.

Một sáng sớm, Đại Đức ra khỏi thiền viện với hai đệ tử thì bị một nhóm người của giáo phái đối nghịch rình chờ sẵn. Họ tấn công ba thầy trò bằng dao găm, mã tấu, gậy gộc. Khi tiếng kêu cứu của hai đệ tử vọng vào thiền viện cũng là lúc Đại Đức Mục Kiền Liên thét lên tiếng gầm của Sư Tử, rung chuyển đại địa, nghiêng ngả rừng cây khi bọn sát nhân cắm phập nhát dao cuối cùng trên tấm thân bê bết máu .

Sự việc này xẩy ra khi Đức Thế Tôn đang hoằng pháp ở miền Nam Ấn, lúc trở về thì nhục thân Đại Đức đã được làm lễ trà tỳ, tro xương được gom trong bình cốt nhỏ.

Đức Thế Tôn lặng lẽ nâng bình tro cốt người đệ tử thân yêu bằng hai tay và cảm nhận được bao tiếng nấc nghẹn bi thương của tăng đoàn đang quỳ mọp xung quanh. Lắng sâu quán niệm trong giây lát, xong, Đức Thế Tôn nhìn một lượt khắp tăng đoàn và chậm rãi nói:

          - Này các vị Tỳ-kheo, được làm người rất khó mà đời người lại quá mong manh. Các vị hãy tinh tấn tận dụng kiếp huyễn giả này, lấy việc làm lợi ích chúng sinh là hành trang trên đường nỗ lực tìm giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Các vị sẽ thanh thản trước lẽ hợp tan khi các vị biết dũng mãnh nhìn sinh tử như hoa đốm giữa hư không.

          Cả tăng đoàn chắp tay, cúi đầu lãnh ý.

 

          Vì ganh ghét, Đại Đức Mục Kiền Liên đã bị thảm sát! Nhưng đó chỉ là sự ganh ghét từ một giáo phái.

          Vì nói lời chân thật bảo vệ Đạo Pháp và dân tộc, Hòa thượng Thích Thiện Minh đã bị cả một tập đoàn nhà nước liên tục hành hình cho tới chết!!! Cả một tập đoàn với đầy đủ quyền uy, dư thừa khí giới đã thẳng tay sát hại một người tu hành gầy ốm không tấc sắt trong tay!

          Chỉ hình ảnh tương phản này thôi, đủ nói lên nỗi sợ hãi tột cùng của bạo quyền trước hạnh-vô-úy của vị Bồ Tát vào đời độ sinh, sống vì Đạo, chết vì Đời, trong sinh tử không nhiễm ô, nơi Niết Bàn không diệt độ.

 

          Bao năm tháng đã qua, ngọn đuốc Thiện Minh vẫn rực sáng vì đuốc đó được đốt lên bằng Lửa Bản Thể của người quyết đi trên con đường Trung Đạo. Những ai tự nguyện tuân lời Phật dạy: “Hãy tự đốt đuốc lên mà đi” phải nghĩ gì, làm gì, để ngọn đuốc của mình không tàn lụi trước khi qua được Bờ Bên Kia? 

          “Gate! Gate! Paragate! Parasamgate! Bodhi Savaha!”

 

TN Huệ Trân

(Năm vóc sát đất, một nén trầm hương kính dâng Bồ Tát)

 

              

         

                       

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6681)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.
09/04/2013(Xem: 7472)
Hòa Thượng thế danh Phan Công Thành, pháp danh Nguyên Trạch, tự Chí Công, Hiệu Giác Lâm, thuộc đời thứ 44 dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán.
09/04/2013(Xem: 19624)
TUỆ SỸ, MỘT THIÊN TÀI CỦA VIỆT NAM : Thầy xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Dù chùa ở Lào hay Việt Nam cũng vậy, tụng kinh học luật là điều chính yếu của người xuất gia tu Phật. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Thầy đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu. Có lần được nghe quí Ngài kể lại, thời gian sống nơi chùa Lào, suốt ngày Thầy ở dưới bàn tượng Phật Bổn Sư thờ nơi chánh điện, để học kinh luật, sưu tra luận nghĩa, mà quí sư Lào sau một thời gian dạy dỗ, đã thấy được trí tánh thông minh của Thầy......
09/04/2013(Xem: 6941)
Khi viết về ông, tôi vẫn còn nguyên xúc động của lần đầu ra xứ Bắc tìm dấu tích về nhà trí thức Phật học này cho công trình biên khảo Chư tiền bối hữu công mà tôi đang thực hiện.Những mãng huyền thoại về cuộc đời của ông tôi được nghe qua nhiều người kể lại, mỗi nơi một ít, mỗi người thuật mỗi cách, đã gây cho tôi nhiều trăn trở, nghĩ suy và qua đó cảm nhận sâu sắc hơn về một nhân vật nhiều tài năng mà cũng đầy bất hạnh này.
09/04/2013(Xem: 6280)
Hòa Thượng Thích Thiện Thanh, thế danh Nguyễn Văn Sắc, nguyên quán làng Phú-Nhuận-Nha-Mân, tỉnh Sa-Ðét miền Nam nước Việt, sinh Năm Ất Hợi (1935). Song thân Ngài là Cụ Nguyễn Văn Xướng và Cụ Bà Huỳnh Thị Thâu.
09/04/2013(Xem: 6989)
Hòa thượng họ Võ, húy Trọng Tường, Pháp danh Tâm Phật, tư Tri Đức, hiệu Thiện Siêu, Hòa thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921) trong môt gia đình thâm Nho tín Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế. Thân Phụ là C ông Võ Trọng Giáng, thân mẫu là Cụ bà Dương Thị Viết. Hòa thượng là con trưởng trong một gia đình có 6 anh em: 3 trai, 3 gái. Người em kế cũng xuất gia, đó là cố Thượng tọa Thích Thiện Giải, nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Lâm Đồng; Trú trì chùa Phước Huệ - Bảo Lộc.
09/04/2013(Xem: 8515)
Thầy xuất thân trong một gia đình kính tín Tam bảo. Thầy là con út trong gia đình gồm 6 anh chị em. Cha là cụ Ông Lâm Sanh Thảo, một nhà trí thức yêu nước; Mẹ là cụ Bà Trần Thị Năm, một phật tử thuần túy và cũng là một người Mẹ mẫu mực đảm đang.
09/04/2013(Xem: 11496)
Thượng tọa Thích Chơn Thanh, thế danh Phan Văn Bé, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1949 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là Cụ ông Phan Văn Vinh, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Mến. Thượng tọa có 06 anh em, 2 trai 4 gái, Ngài là anh cả trong gia đình.
09/04/2013(Xem: 23107)
Cuộc đời tu tập và hành đạo của Thầy Minh Phát là bức tranh minh họa hiện thực sinh động lời dạy của Ðức Phật: “Này chư Tỳ kheo! Hãy du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.
09/04/2013(Xem: 11965)
Thuở nhỏ lòng ưa cửa Ðạo, mến chuộng nếp áo phước điền, ngưỡng trông tịnh xá Kỳ Viên, tha thiết lòng cầu xuất tục. 16 tuổi, xuất gia học đạo chùa Tây An, Châu Ðốc trước tiên, gần quý Thầy hiền, trau dồi Phật tuệ, bang sài vận thủy, tu sửa đạo tràng; 27 tuổi, cầu thọ tam đàn. Kể từ đó tinh chuyên tu niệm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]