(Cảm niệm một huynh đệ vừa viên tịch là Thượng tọa Thiện Minh)
Thuở ấy thanh xuân, chàng trai phải lòng yêu nàng thôn nữ. Nàng tuổi trăng tròn, dịu dàng, duyên dáng. Tình yêu nồng nàn dâng tràn cảm xúc, đôi lứa như hoa như bướm ngày xuân. Nhiều hôm lãng mạn khôn cùng, chàng hát ra câu ca vọng cổ tặng nàng...
“Trăng nước thanh thanh tình anh dõi bóng, con gái bà sáu Cát làng trong có thấu hiểu cho...lòng...”
Rồi theo tiếng gọi non sông, chàng vào quân ngũ đền ơn nước. Giữa khói lửa chiến chinh, bóng người xưa dần khuất nhạt nhoà. Ra đi chẳng hẹn ngày về, khi nối lại tin thì thuyền tình đã tìm bến đỗ, nàng lưng cõng, tay bồng, chân dẫn con thơ.
Đời chẳng đẹp như mơ,
Tình muôn thuở như thơ.
Đường tơ duyên dường đã đoạn, mà đời người duyên vẫn nối duyên.
* * * * * *
Chiến tranh càng lúc càng ác liệt, không rõ sống chết lúc nào. Cha mẹ lo sợ vĩnh viễn mất đứa con Út trong thời chiến loạn, ông bà muốn chàng lấy vợ sanh con, một mai hy sinh vẫn còn hậu nhân thờ phụng tông đường. Dù sao, tơ duyên với nàng đã đoạn, chàng thuận ý cha mẹ, nên tìm cho mình một mối lương duyên.
Đến khi chiến tranh đi qua, hoà bình lập lại, chàng bỏ súng đạn về bồng bế con thơ với tình thương vô bờ...Tưởng hoà bình đẹp như mơ, nào ngờ đời chàng bơ phờ...Bị đi học tập cải tạo một thời gian, sau đó cuốn vào chung vòng nghiệt ngã của dân tộc.
* * * * * *
Nhiều năm sau, một người con trai của chàng xuất gia thành tu sĩ Phật giáo. Chú bé được ban pháp danh là Trí Quảng.
Trong đời sống tu viện, Sư Trí Quảng tình cờ quen một Sư lớn hơn vài tuổi, thường gọi Sư Sáu, pháp danh Thiện Minh. Qua cuộc trao đổi thăm hỏi, hai Sư trẻ mới biết họ xuất xứ đồng hương.
Điều bất ngờ hơn, Sư Trí Quảng nghe Sư Thiện Minh nhận là cháu ngoại bà Sáu Cát, giống tên người trong câu ca mà thời thơ ấu Sư từng nghe cha hát vào vài lần trà dư tửu hậu với những bè bạn thâm niên :
“Trăng nước thanh thanh tình anh dõi bóng, con gái bà sáu Cát làng trong có thấu hiểu cho...lòng...”
* * * * * *
Ngày nọ, vào dịp đại lễ ở chùa, chàng cùng vợ đến chùa lễ Phật.
Tình cờ, chàng gặp một phụ nữ trung niên đi bên cạnh phụ nữ khác, tóc bà hoa râm, vóc dáng mảnh khảnh, gương mặt và ánh mắt hao hao một người. Thoáng chút bỡ ngỡ, chàng mạnh dạn lên tiếng:
- “Chào chị!”...
Khi bắt chuyện, hoá ra chị là nàng của ngày xưa. Nàng kể, em chồng xuất gia đã hướng dẫn con trai nàng đi tu, và nàng chỉ:
- “Sư Sáu nhà tui đó. Sư Thiện Minh đó”
Chàng hướng nhìn về phía chư Tăng đang ngồi xa xa, nhưng mắt chàng nhìn thấy ai đó xa xăm với lời ca văng vẳng trong hư vô:
“Trăng nước thanh thanh tình anh dõi bóng, con gái bà sáu Cát làng trong có thấu hiểu cho...lòng...”
- “Anh thấy không?”
Nghe tiếng hỏi, chàng giật mình. Giây lát định thần, chàng nhìn con của nàng, rồi nhìn con của chàng. Cả hai bây giờ đủ nhân duyên thành con của Phật. Chàng khẽ gật đầu, miệng nở nụ cười nhẹ nhàng...
Gió nhè nhẹ...
Lá rơi rơi...
* * * * * *
Giá như thuở ấy, chàng và nàng nên duyên chồng vợ, vẹn nghĩa sắc cầm, vĩnh kết đồng tâm, bách niên giai lão, thì ai sanh ra trong cuộc hôn nhân đó? Nếu hai người chưa lâm cảnh trái ngang, chưa nếm trải sầu thương ly biệt người yêu, biết Sư Thiện Minh và Sư Trí Quảng có mặt chăng? Thế nhưng, đạo lý duyên nghiệp không dành cho những điều giả sử, giả thiết, giả định. Bởi, nhờ tình duyên ngang trái, thuyền tình nàng sang bến lạ, nàng mới sanh được người con là Sư Thiện Minh; còn chàng tìm mối lương duyên chồng vợ với người khác nên đón được người con là Sư Trí Quảng chào đời. Chắc chắn trường hợp đó không phải do thượng đế nào an bài. Chỉ có thể được giải thích qua lăng kính Phật giáo về đạo lý Duyên Khởi, Duyên Sinh, tức là điều gì có mặt hay không có mặt đều do điều kiện đủ hợp tạo, hay chưa đủ điều kiện phát sinh.
Chữ duyên ấy được Đức Phật lý luận theo cả hai chiều xuôi và chiều ngược: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt.”
Một điều lạ khác, chuỗi nhân duyên đẩy đưa con chàng và con nàng trở thành hai nhà Sư thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy. Chắc hẳn họ có cùng cộng nghiệp và biệt nghiệp trong quá khứ dẫn đến sanh ra cùng đất nước, cùng xứ sở, tu cùng một truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ, nhưng trong hai gia đình khác nhau. Từ cộng nghiệp và biệt nghiệp quá khứ, họ tiếp tục hành trình nhân sinh tạo ra những cộng nghiệp và biệt nghiệp trong hiện kiếp.
* * * * * *
Hơn 36 năm trôi qua, hai Sư trẻ cùng bước trên đường tu Phật.
Trong cộng nghiệp chung của đất nước, dân tộc Việt Nam, có biệt nghiệp của từng cá nhân. Biệt nghiệp ấy đẩy đưa Sư Trí Quảng rời xa Việt Nam những 20 năm lập nghiệp bút nghiên đèn sách xứ người, và hội nhập vào cộng nghiệp của dân Việt tỵ nạn cộng sản mưu cầu kiến tạo một Việt Nam tự do, dân chủ.
Trong khi đó, biệt nghiệp của Sư Thiện Minh là vẫn ở Việt Nam để thực hiện những hoài bão, ước mơ nào đó.
Mỗi người chia chung cộng nghiệp, nhưng có biệt nghiệp kết hợp lý tưởng hiện tại hình thành lối sống và hoàn cảnh sống khác nhau.
Sư Thiện Minh và Sư Trí Quảng vẫn là bạn tốt. Tốt vì những kỷ niệm thân mến thuở còn học chung tại Học Viện Vạn Hạnh, trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, khoá III, những lần chia sẻ Phật sự độ sanh. Tốt vì chúng ta không từng gây khổ hại nhau. Tốt vì đường ai nấy đi, dù khác lý tưởng nhưng lòng giữ hạnh người tu an lành, không chất chứa oán ghét, hận thù.
Giây phút biết tin “Thượng toạ Thiện Minh viên tịch” sau thời gian trị bệnh, Sư Trí Quảng nhiếp tâm quán pháp vô thường và thầm chúc lành Sư Thiện Minh xả bỏ ngũ uẩn giả tạm để ra đi theo thiện nghiệp đã làm.
Chúng ta đến với thế gian do duyên nghiệp, cũng minh chứng cho đạo lý duyên nghiệp tồn tại như một quy luật tự nhiên. Nói cách khác, không có thượng đế, thần linh hay đấng tạo hoá, chỉ do nguyên lý Duyên Khởi, Duyên Sinh quyết định sự có mặt, tồn vong của cá nhân và vũ trụ.
* * * * * *
Khi nhắm mắt lìa đời
Ngũ uẩn đang rã rời
Bao nhiêu năm hiển thế
Cho một lần hoá pháp vô vi.
(Tỳ kheo Trí Quảng)