Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xá Lợi của Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy sau lễ trà tỳ

29/04/201816:03(Xem: 12196)
Xá Lợi của Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy sau lễ trà tỳ
blank
blank
blank
blank
blank

Ngọc Xương Xá Lợi Cố Ni Trưởng Như Thủy, Sư Phụ Thích Thông Lai tặng cho Chùa Phổ Hiền , Worcester MA , 3 viên Ngọc Xá Lợi ( Trụ Trì Ni Sư Thích Nử Như Tâm )
Tu Viện Huyền Không San Jose California , 1 viên Ngọc Xá Lợi .
Đạo Tràng Phổ Hiền San Jose California , 1 viên Ngọc Xá Lợi . ( Phật Tử Thiện Dủng , Phước Hoa )
Tặng Đại diện Phật Tử Úc Châu 1 viên Ngọc Xá Lợi .
Tặng các Phật tử còn ở lại Chuà một miếng xương Xá Lợi .
Làng Adida Indio California , ngày 27 tháng 03 năm 2018.

blank
blank
blank
blank
blank
blank
blank
blank
blank
blank

Phật làm sao thì cô làm vậy. Phật đi hoằng pháp khắp nơi, không trụ ở chùa nào. Thời Phật thì khổ hơn nhiều, vì Phật phải đi bộ, đi chân đất. Còn cô được đi máy bay, lại có giày, thì đâu có chi là khổ,” Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy từng nói trong một buổi giảng pháp ở Quận Cam, và cũng thường nhắc lại điều đó tại nhiều nơi trên con đường hoằng pháp xa hàng vạn dặm mà Ni Trưởng đã ghé qua, mỗi khi nghe các Phật tử nhắc tới sự nhọc nhằn do sự du hành gây ra trên thể xác của một người nữ đã lớn tuổi mà còn nay đây mai đó, có khi tìm đến những nơi hẻo lánh chỉ để gặp các Phật tử gốc Việt.

 

“Cô theo gót chân Phật, cố gắng làm những gì Phật đã làm, mang lời Phật dạy đến mọi nơi có chúng sanh đang gặp phiền não,” Sư Bà -hay Thầy- Như Thủy luôn khẳng định với giọng mạnh mẽ đầy quyết tâm.
Và Thầy Như Thủy đã làm hết sức mình trong suốt mấy chục năm qua, còn đeo trong mình một chứng bệnh mà đến nay đã tái phát, chấm dứt một cuộc đời hoằng pháp mà có lẽ hiếm thấy ở một vị thầy nào có thể làm được trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, cả ni lẫn tăng, cả Việt lẫn không Việt thời nay, như của Ni Trưởng Như Thủy hiệu Huệ Hạnh.

Sư Bà Như Thủy đã rời thế gian vào lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ Bảy, 17 tháng Ba, 2018 (nhằm ngày mồng Một tháng Hai âm lịch năm Mậu Tuất), tại Chùa Phổ Hiền ở Worchester trong vùng Boston, tiểu bang Massachusetts, (tính theo giờ California là 5g15 sáng), hưởng thọ 68 tuổi. Ni Sư Thích Nữ Như Tâm tại Chùa Phổ Hiền cho biết tin trên vào trưa thứ Bảy. Trước đó, một số đạo hữu tại Nam California từng báo tin là Sư Bà đã mất vào chiều tối thứ Sáu, nhưng tin đó không chính xác.

Theo lời của Ni Sư Như Tâm tại Chùa Phổ Hiền, Ni Trưởng Như Thủy đã đến Boston và bị sưng chân vào ngày 6 tháng Ba. Thầy được các Phật tử đưa vào bệnh viện để khám bệnh, nơi các bác sĩ báo tin bệnh ung thư của Thầy đã tái phát.

Đến mấy ngày trước, Thầy Như Thủy muốn trở về Chùa Phổ Hiền, nơi mà trong ba ngày liên tiếp, các Phật tử đã đến tụng kinh cho vị Ni Trưởng mà họ rất mến thương, kính ngưỡng. Trong những người tham gia tụng kinh vãng sanh cho Sư Bà Như Thủy có cả Hòa Thượng Thích Thông Lai từ Chùa Tầm Nguyên III, Làng A Di Đà ở Indio, Nam California. Thầy Thông Lai chính là em ruột của Sư Bà Như Thủy.

Ni Sư Như Tâm nói rằng lịch trình an táng chưa được biết chính xác trong ngày thứ Bảy, vì là cuối tuần nên Phòng Giảo Nghiệm Pháp Y của thành phố không làm việc, không thể cấp giấy khai tử cho đến ngày thứ Hai, nên chưa thể làm thủ tục an táng. Ni sư có cho biết là Hòa Thượng Thông Lai sẽ mang tro cốt của Ni Trưởng Như Thủy về Làng A Di Đà, sau khi các nghi thức được hoàn mãn ở Boston.

Nếu đúng là di cốt của Ni Trưởng sẽ được đưa về Nam California thì đây là chặng cuối cùng trong cuộc đời hoằng pháp mà Ni Trưởng đã để lại dấu chân trên khắp nước Mỹ, hầu hết là tại các chùa nhỏ của các ni sư, ni cô từ Texas, Pennsylvania, đến Idaho, Washington.

“Các ni ở chùa xa tại Mỹ ít có dịp được tu học như ở Việt Nam, nên Cô đến giảng dạy cho họ, khích tấn họ trên con đường tu hành đầy khó khăn ở xứ người,” Ni Trưởng Như Thủy từng cho biết lý do tại sao Thầy thường âm thầm tìm đến những nơi có ít người Việt để trợ giúp các ni trẻ.

Trong mấy năm gần đây, mỗi khi qua Mỹ, Ni Trưởng Như Thủy vẫn hướng dẫn các khóa tu lớn cho các ni tụ tập về những nơi như Chùa Đức Viên tại San Jose, Bắc California, hay ở Texas và Washington. Ni Trưởng cũng từng có những buổi giảng ở bên Úc và Gia Nã Đại.

Mấy chục năm trước, Thầy Như Thủy từng biết mình bị ung thư và đã được điều trị tại Sài Gòn.
Khi ấy, theo lời kể được ghi lại trong những cuộn băng thâu âm được các đạo hữu phổ biến rộng rãi ở hải ngoại, trong giây phút thập tử nhất sinh, Thầy Như Thủy có khấn nguyện với Bồ Tát Quán Thế Âm, rằng “nếu đã hết duyên thì con xin được ra đi trong bình yên, nhưng nếu còn duyên, con nguyện dâng cuộc sống còn lại này cho việc hoằng pháp.” Thế rồi sau đó, như có phép màu, Ni Trưởng Như Thủy đã hồi phục sức khỏe mà không cần thuốc men, không cần sự điều trị nào của bác sĩ. “Cô cũng không biết nó đi đâu mất,” Ni Trưởng từng kể với giọng vui đùa với thính chúng.

Và trọn đời còn lại dâng hiến cho Phật sự cùng công việc hoằng pháp thì Ni Sư Như Thủy đã làm, dù rất khó khăn dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam sau năm 1975. Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy sanh năm 1950 tại Biên Hòa, xuất gia từ năm 15 tuổi, tốt nghiệp Thủ Khoa Phật Học tại Đại Học Vạn Hạnh (một thành quả đáng kể cho một ni trong khóa học có nhiều vị tăng).

Vì không là thành viên thuộc giáo hội Phật Giáo do Đảng Cộng Sản điều khiển, cuộc sống của Thầy Như Thủy ở Việt Nam rất vất vả, không được xem như một nhà tu. Sư Bà sống trong một cái thất tại miền quê Vĩnh Long, không được phép sinh hoạt hay giảng pháp ở các chùa mà hầu hết nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Thế nên Sư Bà đã tìm cách ra hải ngoại, để hiến tặng một khả năng thuyết giảng hiếm có với kiến thức sâu rộng về Phật học.

Với thân hình tầm thước, chất phác, Sư Bà Như Thủy giảng pháp với đôi mắt sáng, hiền từ mà nổi bật là có một giọng nói điềm đạm, ôn tồn, đôi khi xuề xòa, chân thật của người miền Nam, không giấu được tiếng cười qua những mẩu chuyện khôi hài hoặc sự xúc động khi kể chuyện đau lòng.

Tiền cúng dường mà Sư Bà nhận được từ hải ngoại đều được dùng để mua quà tặng cho dân nghèo tại quê Vĩnh Long. Sư Bà từng kể, “Có những gia đình quá nghèo, sống ở nông thôn hẻo lánh không ai biết, quanh năm suốt tháng không mua nổi một chai nước mắm ngon, nên quà Tết mình tặng cho họ nước mắm, dù biết đó là món mặn, nhưng mà họ thèm nước mắm quá, biết sao giờ.”

Sư Bà sống rất gần với người nghèo, những kẻ khốn cùng trong xã hội, vì chính bản thân Sư Bà cũng đã trải qua những khó khăn của một kiếp người. Dưới đây là lời tự thuật của Sư Bà Như Thủy trong một buổi pháp thoại tại Westminster năm 2008, về đời người tu sau khi cộng sản chiếm được Sài Gòn:

“Sư cô chỉ là một tu sĩ rất bình thường. Năm 1975, cô được 25 tuổi. Lúc đó đất nước đang trong một hoàn cảnh rất bối rối, cho nên những người trẻ tuổi không được ghi tu sĩ là một cái nghề, vì nghề là một cái gì sinh nhai, mà tu sĩ không là nghề sinh nhai, cho nên cô ghi lý lịch của mình là làm ruộng, và theo lý lịch đó thì phải đi làm ruộng.

“Trong 15 năm làm ruộng, cô có hơn một năm chăn bò, làm rẫy, chằm nón, tức là làm tất cả những gì các thanh niên trẻ tuổi còn ở lại Việt Nam đều làm.

“Lúc đó những vị trưởng lão tôn túc, một số ra đi, một số ẩn cư, một số phải ở lại thành phố. Những tu sĩ trẻ tuổi mới xuất gia đều phải đi đến các nông trường. Cô bị đôn lên làm giáo thọ vì là người đã học trước nên bắt buộc phải dạy người học sau. Nếu cô không làm thì không ai làm hết.

“Buổi học đầu tiên của cô khai giảng năm 1976 tại thiền viện Viên Chiếu (huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) dưới cội cây dầu và số thính chúng chỉ có ba em, nhỏ nhất 14 tuổi và lớn nhất 16. Học trò cũng như cô giáo đều mặc y phục lao động, mang sẵn giày, để một bên một cái liềm, một cái cuốc cùng ấm nước. Học từ 1 giờ đến 2 giờ trưa, không bảng đen, không phấn trắng, không tập vở, không kinh sách gì hết.

“Lúc đó hành trang học chỉ là trí nhớ, giống như thời Phật còn tại thế, tức là nghe mà không có sách vở. Cô chỉ kể vài câu chuyện để xách tấn các em. Sau đó vội vã ra đồng làm việc. Thời đó một ngày làm việc từ bảy đến tám tiếng, hoàn toàn không nghỉ kể cả những ngày rằm hay bố tát.

“Lớp học khai giảng được vài tháng thì có các em nhỏ lục tục từ những vùng khác đến. Các em nghe nói có lớp học nên đến để tham học, cũng vào giờ giấc rất khắc nghiệt của Miền Nam thời đó là từ 1 tới 2 giờ trưa. Khắc nghiệt vì quí cô thức dậy từ 3 giờ sáng, ngồi thiền đến 5 giờ, 5 giờ rưỡi ăn cơm thì 6 giờ rưỡi phải ra đồng, 11 giờ đi vào rửa mặt, bắt đầu thọ trai (ăn uống), 12 giờ được nghỉ đến 1 giờ.

“Sau 1 giờ, những vị không đi học thì phải ngồi vá đồ vì tất cả quần áo đều rách hết. Còn riêng những em được đi học thì học từ 1 đến 2 giờ. Các am cốc hoặc các tự viện ở gần đó mà muốn đến tham học thì phải đi bộ từ 5 đến 10 cây số đường rừng.

“Tinh thần cầu học của các em rất cao, cho nên lớp từ từ gia tăng. Khi số thính chúng lên đến 20, 30 người, tu viện phải họp bàn, dành mỗi tuần một ngày cho các em học, nhưng mà giao trước là cho học chứ không cho ăn cơm vì tu viện không có đủ lương thực, thành ra các em phải tự giải quyết lương thực.

“Khi lớp học được ấn định vào ngày Chủ Nhật mỗi tuần, có những em đi xe đạp từ Sài Gòn, hai em một xe, vượt 150 cây số để lội ra tới thiền viện học một ngày, rồi chiều đó đạp xe trở về. Một số em bây giờ đang hiện diện sống rải rác tại Mỹ này.”

*
Trước một tấm gương tu tập và hành đạo phi thường như vậy, tôi rất ngưỡng phục và từng có ý định được đi theo Sư Bà một lần ở Mỹ, để ghi lại bằng hình ảnh và âm thanh về cuộc sống của một vị du tăng không nơi trụ trì, không ngủ giường cao hay sống ở nhà lầu, có khi sống tạm trong một căn chung cư ở xóm lao động của một đạo hữu, muốn tự giặt đồ, và có khi tự nấu mì gói sau những buổi giảng pháp tại nhà của người lạ.
Nhưng Sư Bà đã từ chối ý định viết về cá nhân mình, không xem mình đáng được nhắc tới như vậy. Sư Bà viện lý do là còn phải trở về Việt Nam để sống dưới chế độ cộng sản, nên không muốn được nhắc tới ở Mỹ. Nay Sư Bà đã trút bỏ tấm thân tứ đại, nên tôi mạn phép đăng thư email mà Thầy từng hồi đáp năm 2014, với lòng kính cẩn tột cùng, cho dù biết Thầy có thể quở trách.

“Cô vừa bay đến Philadelphia chiều qua.
“Chuyện em nhắc trong mail, Cô còn giữ […]
“Nhưng, chuyện qua rồi, Cô không muốn nhắc lại, vì Cô chỉ là du khách, còn trở về VN.
“Chuyện báo tại USA là bình thường, nhưng khi báo chí VN share lại… sẽ trở thành bất bình thường và ảnh hưởng đến đời sống ẩn dật của Cô.
“Cô muốn những ngày cuối đời mình được nhẹ nhàng và êm ả hơn. Vì vậy, nhận được mail của em lâu rồi, nhưng cô không reply… Đừng buồn Cô nghen!
“Gửi hai em một bài thơ của Bùi Giáng, đọc đỡ buồn:

“Ngày sẽ hết, tôi sẽ đi không trở lại
Tôi sẽ đi và không biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây, tôi sống dù vui sầu…”
(Bùi Giáng)
Xin mượn lá thư năm xưa để kính tiễn Sư Bà Thích Nữ Như Thủy về Tây Phương Cực Lạc, nơi những vị Bồ Tát như Ngài chắc chắn biết rõ mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì, như Phật đã và sẽ tiếp tục làm để cứu độ chúng sanh ở cõi trần còn nhiều khổ đau và phiền lụy này.






 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/06/2011(Xem: 6908)
Cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội, ta hiểu biết qua hai bản tiểu sử xưa nhất, một của Tăng Hựu (446 - 511) trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a 17 và một của Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13-326b13. Bản của Huệ Hạo thực ra là một sao bản của bản Tăng Hựu với hai thêm thắt. Đó là việc nhét tiểu sử của Chi Khiêm ở đoạn đầu và việc ghi ảnh hưởng của Khương Tăng Hội đối với Tô Tuấn và Tôn Xước ở đoạn sau, cùng lời bình về sai sót của một số tư liệu. Việc nhét thêm tiểu sử của Chi Khiêm xuất phát từ yêu cầu phải ghi lại cuộc đời đóng góp to lớn của Khiên đối với lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc, nhưng vì Khiêm là một cư sĩ và Cao Tăng truyện vốn chỉ ghi chép về các Cao Tăng, nên không thể dành riêng ra một mục, như Tăng Hựu đã làm trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97b13-c18, cho Khiêm.
31/05/2011(Xem: 17750)
Quy ẩn, thế thôi ! (Viết để thương một vị Thầy, mỗi lần gặp nhau thường nói “mình có bạn rồi” dù chỉtrong một thời gian rất ngắn. Khi Thầy và tôi cách biệt, thỉnh thoảng còn gọi điệnthoại thăm nhau) Hôm nay Thầy đã đi rồi Sắc không hai nẻo xa xôi muôn ngàn Ai đem lay ánh trăng vàng Để cho bóng nguyệt nhẹ nhàng lung linh Vô thường khép mở tử sinh Rong chơi phù thế bóng hình bụi bay Bảo rằng, bản thể xưa nay Chơn như hằng viễn tỏ bày mà chi
27/05/2011(Xem: 9450)
Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.
25/05/2011(Xem: 5076)
Đại lão Hòa Thượng Thích Đồng Huy HT. Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh.
05/05/2011(Xem: 5676)
Từ hôm hay tin Thầy lâm bịnh và tiếng nói yếu ớt của Thầy qua điện thoại làm con rất lo. Nhiều năm qua con cố gắng về thăm Thầy một lần nhưng ước vọng đơn sơ ấy đã không toại nguyện. Hơn hai mươi năm con xa Thầy, xa Tu viện, xa đồi núi thương yêu thưở nào. Mai này nếu được về thăm thì thầy đã ra đi biền biệt.
23/04/2011(Xem: 5263)
Thầy đã đọc toàn bộ bài “Tham luận” Nhân trong ngày “Hội thảo” nhớ “Tổ Sư”, Sự nghiệp tu chứng đắc lý chơn như “Ngài Liễu Quán”, sáng gương ngàn thế hệ.
21/04/2011(Xem: 8112)
Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, húy thượng THỊ hạ HUỆ tự HẠNH GIẢI, thế danh LÊ BẢO AN, thuộc đời Lâm Tế Chánh Tông thứ Bốn mươi hai.
16/04/2011(Xem: 7093)
Kính lạy thầy, Trước mắt con là di bút Thầy để lại, nét chữ thân quen với màu mực còn đậm nét tinh khôi. Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong Thầy vừa an nhiên xã bỏ báo thân, dãi mây bạc giờ nương theo gió loãng tan mất dấu. Nẻo sinh tử Thầy thong dong qua lại, như đi trên những dặm đường quen để gieo trồng hạt giống từ bi, giáo hóa, độ sinh. Thân bệnh Thầy mang trong những năm tháng sau này, cho con biết rõ vô thường tất đến. Vậy mà nỗi đau đớn, bàng hoàng vẫn khơi động trong con khi đón nhận tin xa, bởi từ đây con vĩnh viễn mất Thầy trong kiếp sống này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]