Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cung Đàn Thầy Trao

26/10/201717:22(Xem: 3505)
Cung Đàn Thầy Trao


HT Thich Quang Dao

Cung Đàn Thầy Trao

 

Tiếng đàn bầu vang lên những bản nhạc ru âm cho cuộc đời thơ mộng, tiếng trầm hùng âm điệu ru ca trong lời kinh vọng về bên rừng thông già cằn cỗi, tiếng chuông ngân vang bên thiền thất bên tháp tổ Thiền Tôn, bảo tháp uy nghi của vị Thiền Sư Thiện Minh (1921- 1978), người có công bảo vệ cho sự tự chủ hoà bình trong cội gốc Phật giáo.

 

Huế mấy hôm nay âu sầu, dòng sông Hương thơ mộng cũng buồn đi, bởi vì một ngôi sao Phương xa luôn vọng về Cố đô chốn Tổ.

 

Người đã đi xa như bao ngôi sao trên cung đàn lịm tắt. Một bậc thầy mô phạm, một vị thầy truyền nhân, một bàn tay thế độ hàng trăm vị xuất gia đầu Phật, một pháp âm trùng trùng vang như tiếng hùng sư tử, một vị an nhiên khi tham danh buông bỏ đúng thời, trao y bát lại cho chư vị đệ tử thỉnh cầu, ngài chính thức lên hàng Viện chủ.

 

Một bậc thạch trụ xứng danh y vàng, mâu sòng rong chơi muôn nẻo, chẳng thị phi với thế sự nhân gian, cung đàn thầy trao đúng thời, nhận đúng dịp, cung đàn ấy qua bao bài thuyết giảng in sâu.

Một cung đàn hành pháp Nhẫn nhục, một cung đàn thầy trao cho bao thế hệ hậu sinh trong nền móng Phật pháp, giữ những danh xưng trong hàng giáo phẩm, giữ cương vị cung đàn trong Hoằng pháp độ sanh, ôi vi diệu trong chiếc áo pháp hành Lăng Nghiêm trì niệm, pháp cung đàn ôn cố tri tân, đọc những tạng kinh, nghiêm trì hạnh luật, sống an nhàm trong tịnh cảnh nhàn du.

Bạn biết không, trong cung đàn tôi gọi chính là bậc sa môn thích tử: ôn Quang Đạo.

 

Tiếng gọi Ôn theo danh xưng xứ Huế, từ tuổi thiếu thời, ôn từng ở quê hương Quảng Trị, xuất gia theo hầu vị thầy minh sư là ôn Thiện Minh tại trú xứ Tỉnh Hội Quảng Trị, thường về chốn tổ Cố Đô Thiền Tôn hầu cận các bậc tôn túc, được hun đúc tập khí thánh chủng tâm bồ đề hạt giống Phật, học nhiều bản kinh chữ Hán, biết nhiều câu chuyện thiền môn, ôm giấc mộng chủng khí dựng xây nơi nhiều thế hệ tiếp nối.

Cung đàn thầy trao cho chúng con thật nhiều cung bậc, từ xứ Quảng Trị khô cằn nắng mưa hai vụ thất thường, nhưng hạt tâm tánh khí chủng tử của Phật không bao giờ khô héo, từ từ vào Xứ Huế uống nước sông Hương, thấm tương chao khổ công mài tuệ, phát tâm trì cung đàn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, học với hành chú tiểu kề bên chốn tổ, tiếng Cung đàn bầu thầy trao trong các thiền môn nhập chúng. Để tu học tại các chùa: Từ Quang (Huế), Khải Đoan (Buôn Mê Thuột - Dăklak), Long Sơn (Nha Trang - Khánh Hòa), Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn) và đã tốt nghiệp cử nhân Toán học và Phật học. Phía Nam là vùng đất để bung hơi trượng, qua thăng trầm dâu bể nhân gian, ôn vẫn miệt mài kinh sử, sống đúng thời phạm hạnh Tỳ kheo, giờ đây chính tôi nhớ về lời ôn trao trong thời hành điệu khi đủ nhân duyên kề cận đứng hầu.

Một hôm, cách đây đã xa, khi vào năm 2000, tôi được sư phụ cho chúng tôi lên tham dự kỵ tại chốn tổ Thiền Tôn, vào lễ huý kỵ tổ Giác Nhiên (1878- 1979 ), có nhiều bậc tôn túc từ Nam về Huế tham dự lễ, tôi cùng chúng điệu hầu các vị tôn túc, đứng hầu quạt cho các ôn, nhìn nhiều ôn lắm, ôn Đức Phương (viện chủ chùa Lam Sơn- Huế, Sắc Tứ Diệu Đế Quốc Tự- Huế), ôn Thiện Bình - viện chủ chùa Long Sơn -Nha trang, Tổ Đình Thiền Tôn- Huế (1933-2016), ôn Lương Phương (viện chủ chùa Phước Duyên - Huế), ôn Thiện Siêu (1921-2001) viện chủ Thiền Tôn Tổ Đình, Từ Đàm Tổ Đình-Huế, ôn Khả Tấn( 1917- 2011 ) viện chủ chùa Giác Lâm- Huế. Nhiều vị ni trưởng như: Nt Diệu Trí (1907- 2010 ) viện chủ Diệu Nghiêm ni tự,Diệu Đức Ni Tự -Huế, Nt Viên Minh (1914- 2014 ) viện chủ Hồng Ân ni tự-Huế, Nt Chơn Nguyên (1928 - 2004) viện chủ Diệu Viên ni tự, Phò Quang ni tự- Huế, Nt Diệu Tấn (viện chủ Diệu Đực ni tự-Huế)..., và nhiều vị tôn túc khả kính, tôi nhìn thấy một vị thân tướng cao, lông mày trương phi, oai nghi đỉnh đạt, dung nghi trầm hùng, chấp tay hầu chuyện các ôn, lễ nghi phong thái khiến ai ai cũng quý, ai ai cũng mến, trong khi chúng tôi chỉ là tiểu nhỏ vọng nghe lén những câu chuyện của quý ôn, nhưng tôi nghĩ mình nghe lén vì mình đang hầu cho quý ôn nên không sao nhỉ? Nghĩ vậy mà chiếc quạt giấy bị rơi từ trên tay xuống sàn đất trong không gian phòng thiền khách phía Đông.

Ôi sao mà mất chánh niệm quá, lúc ấy câu chuyện từ cung đàn thầy trao tôi được học và nghe.

Quý ôn nói: Thầy Quang Đạo khỏe không? Tăng chúng Tu học thế nào? Việc Hoằng Pháp tốt chứ..?

Nghe lời vâng dạ: Bạch quý Ôn con khỏe, con cũng tròn trách nhiệm được giao, tăng chúng tu học tốt, công tác của trường ổn quý ôn ạ.

Nghe qua thì rất mộc mạc chân thật, nhưng đằng sau tiếng dạ vâng ẩn chứa nhiều tình cảm trong tình đạo vị tình thầy.

 

À thì ra chỉ vậy mà nghe qua cũng đã vắng đi khá xa nhỉ, quý ôn kể về công hạnh của ôn Thiền Tôn, tức là danh xứng không phạm huý, lấy tên chùa gọi tên ôn, đó là cách xứ Huế của Tôi đó. Ôn Thiền Tôn là vị sống qua thế kỷ, khiêm cung đức hạnh, thanh bần an nhiên, nhưng xuất chúng rường cột cho Phật giáo Xứ Huế của tôi, khiến ai ai cũng kính phục.

Thế là cung đàn thầy trao trong dịp ấy, giờ năm tháng đã trôi qua. Còn nhiều câu chuyện khác nhưng trích vào đây câu chuyện của ôn Thiền Tôn trước khi nghe quý ôn nói về ôn lúc sắp viên tịch, nghe thật hấp dẫn, thật lý thú và cũng đáng phải học, xin ghi lại trong đây từ tiểu sử của ôn Thiền Tôn.

Quý ôn nói: Các ôn nhớ khi ôn Thiền Tôn viên tịch không? Ôn Đôn Hậu (1905-1992)đã thỉnh ôn Thiền Tôn tuy già về thân nhưng trí lại rất sáng.

Chuyện kể rằng: "Trong dịp đầu Xuân Kỷ Mùi khi Hoà thượng Đôn Hậu – Chánh Thư ký Viện Tăng Thống và quý Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức trong Giáo hội Thừa Thiên đến Tổ đình Thuyền Tôn đảnh lễ và Chúc Thọ đầu năm (04-01-Kỷ Mùi). Hôm đó trời trở lạnh, Ngài đang nghỉ, Hoà thượng Đôn Hậu và Ban Đại diện Giáo hội vào tận chỗ nghỉ. Ngài hỏi bằng một giọng nhẹ nhàng và vô cùng cảm mến: “Ai đó?”. Sau khi được trình lại, Ngài sửa soạn định ngồi dậy, Hoà thượng Đôn Hậu: “Xin thỉnh Ôn cứ nằm, cho phép chúng con được đảnh lễ Chúc Thọ đầu năm”. Ngài dạy: “Để tôi ngồi dậy một tí với các Thầy, nằm ri e không phải lễ với các Thầy chừ”. Đoạn Ngài ngồi dậy, nhìn quanh rồi hỏi: “Thầy Đức Tâm mô, sao không vào cho tôi thăm với?”. (Hôm đó thầy Đức Tâm (1928-1988 ), Phó Đại diện Giáo hội tỉnh Thừa Thiên-Huế bị bệnh, không đi được). Ngần ấy lời lẽ, đủ thấy Ngài sáng suốt đến chừng nào." Xin trích lại trong tiểu sử, nhưng quý ôn hay nhắc đến mà tôi được nghe trong thời hành điệu.

Thẳm sâu cung đàn, tôi nhìn ôn Quang Đạo, vì sợ nhất là bộ lông mày trương phi, sợ hai là không biết ôn dễ tính không...? Tuy nhiên cái sợ trong tôi bay đi khỏi tâm thức, kề vào đó là cuộc hội ngộ vô tình ôn hỏi.

Ôn hỏi: Chú Tiểu con bao tuổi? 

Đáp: Dạ con 14 tuổi ạ.

Ôn hỏi: Sao lại đi tu, chú tiểu thích không? 

Đáp: Dạ con thích, ôn của con là sư phụ Linh Mụ, ôn nói con sau này đi tu thôi. Và giờ con đang tu ôn ạ.

Ôn hỏi: Con Pháp danh gì? 

Đáp: Dạ con là Tâm Hỷ...! Con mới tập tu thôi, trên đầu con cũng có chóp chỏm trên này, một chùm.

Ôn nói: Thầy cũng có nhiều chú tiểu như con lắm, các chú đều quê hương Quảng Trị, các chú nghịch mà ngoan, nên thầy dạy hơi mệt.

Đáp: Dạ.

Lúc đó tôi nhanh trí hay lanh chanh khẩu nghiệp, xin ôn liền:

Thưa ôn, sao mà ôn có bộ lông mày đẹp thế? Không biết sau này con có không nhỉ, vậy ôn cho con bài học gì để con tu.

Lúc ấy, sư phụ (Ht Thượng Chí Hạ Thắng- viện chủ Phước Thành- Phước Hải- Huế ) thế độ xuống tóc của tôi, các ôn nói nhìn chú tiểu sao mà lanh nhỉ, lanh mà hiền lại đẹp, ôi chắc là hạt chắc trong Pháp Hoa rồi đây.

Ôn đáp: Tu thôi, nếu không tu không có trí tuệ đâu....!

Lời dạy tuy ngắn nhưng hàm chứa nhiều cung bậc ẩn tàng.

Thế là hồi chuông điển chỉ giờ ngọ cung tiếng Giác Linh, cúng ngọ Phật. Các ôn nhẹ gót đứng dậy và thọ trì đại y mặt pháp phục lên đảnh lễ chư tổ, ôi màu vàng tươi ngợp khuôn viên hậu tổ.

Ấy là một lần trong đời chú tiểu hầu chuyện của ôn đối với tôi, khắc vào trong tâm hồn chú tiểu Tâm Hỷ. Thấm dần vắng đi thời gian lâu. Mãi đến năm 2005, tôi có dịp kết tình pháp lữ với sư huynh Nguyên Trí, quê ở Quảng Trị, sống tại xứ ngầm hoa Đà Lạt.

Ngày vui của thời làm chú sa di Tâm Hỷ, tôi đã lên trên chùa Hồng Đức nơi cư xá dành cho chư Tăng các nơi về đó để cùng nhau trau dồi trí tuệ kiến thức Phật Học. Tôi được kết duyên tình pháp lữ Quảng Xuân, Huệ Trường..., được biết quý huynh đệ là học trò của ôn Quang Đạo. Hạnh phúc trùng duyên kỳ ngộ, qua nhiều lần tâm sự qua ly trà đạo, tôi vô tình được chiêm bái hình ảnh của ôn, qua bộ lông mày trương phi, tôi nói với huynh Quảng Xuân rằng: "Thật là phúc duyên em gặp ôn từ điệu, thật may mắn khi bộ lông mày cho em nghị lực tu và trí tuệ từ đôi mắt nhìn đời bằng từ bi bao dung...".

Thấm vào trong sâu thẳm, tôi cất vào chiếc túi càn khôn, cất để tu, để tu trì giới hạnh, nghiêm mình trong ánh mắt tuệ giữ đời. Thời gian ơi sao mà mau quá, tình huynh đệ chúng tôi có thêm một số huynh đệ, như thầy Thiền Định, Thiện Trì, Nguyên Hiền, Huyền Tịnh..., trong những huynh đệ trên ai cũng một lần gặp ôn và nghe ôn đàn cung trong pháp học vào đời phụng sự Tam bảo.

Lời ôn dạy tu đơn giản nhưng càng sâu sắc, thấm và nhớ mãi trong đời tôi.

Vào nhân duyên kỳ ngộ, năm 2010 tôi có thiện duyên tháp tùng với ôn Thái Hoà (Trú Trì Phước  Duyên tự- Huế ), vào tham dự lễ huý kỵ ôn Già Lam ( Ht Thích Trí Thủ,1909- 1984 ) viện chủ Già Lam- tại Sài Gòn. Hôm đó là buổi tối ngày 01-03 năm Canh Dần, ôn đã tham dự ngày về nguồn, nhìn ôn tôi vui lắm và sau thời khoá các học tăng Già Lam tôi được may mắn đến hầu chuyện.

Tôi bạch: Bạch ôn, long thể ôn thế nào?

Đáp: Ôn khỏe!

Ôn nhìn tôi hồi lâu và nói: phải chú tiểu Tâm Hỷ ngày xưa đây không?

Tôi bạch: Dạ con đây, ôn có gì dạy con?

Ôn đáp: "Con nhớ nhé, ôn cho con những lời dạy ân cần, tu là nghiên tầm giáo lý, giữ giới hạnh, học những gì hay trong đời cần học. Có hai pháp ôn cho con. Con nhớ nhé:

Lấy trí tuệ làm sứ mạng, nghĩa là tu học phải dụng công phu hành trì lễ bái, sám hối oan khiên từ tiền kiếp xưa, từ việc tu trong thiền định làm sở dụng, làm được vậy tri giác Bát chánh đạo trong con tự nhiên sinh trưởng, rồi lấy sứ mạnh tâm hồn bồ đề qua gốc rễ Tứ đế, nghiệm sâu về Tuệ căn, Tuệ lực, ứng dụng hành trì kinh Kim Cang, ưng vô năng đoạn chắc chắn, chặt đứt các oan phiền, từ đó con làm như Tâm Hỷ tên pháp của con.

Lấy từ bi làm hạnh nguyện, nghĩa là tự dụng tình thương bằng năng lượng chế tác, con nghiên cứu trong tiền mà con không hỷ tâm thương những người cúng dường thì chí con kém phước, cho nên ôn có dạy tiền bạc ta sử dụng hết, nhưng nghiệp quả ta vẫn còn hoài, nếu ta không tu thì ta không an tịnh, vì chính quan điểm từ bi này ta phải tu để trả nghiệp trần đời thế gian. 

Con nên nhớ lời ôn dạy nhé,”

Thế rồi ôn gõ trên đầu tôi ba cái, mạnh nhẹ in tâm, khiến tâm tôi hoan hỷ.

Tôi chào ôn và lui về hậu đường đắp y đảnh lễ tháp ôn Già Lam.

Lời vàng in đậm tôi qua những lần ứng dụng hành đạo qua hai chất liệu trên như đang tưới mát nguồn tâm.

Thế rồi, cung đàn thầy trao như áng mây trôi dạt vào hư không, ôn lui về thiền thất như chứng nhân giấc mộng hư danh vô thường an tịnh, nhẹ như bông hồng giữa hư vô ẩn tàng trong chiếc áo khoát lên mình nhẫn nhục ba la.

Nhân duyên trùng ngộ lại một lần diện kiến bên ôn, trong chuyến viếng thăm Tỉnh ĐắkNông, tham dự lễ bổ nhiệm trú trì huynh Quảng Tráng, vào năm 2016. Trong chuyến đi đó tôi có dịp tháp tùng với Huynh Nguyên Trí, song thân của sư huynh Nguyên Trí, về trong buổi chiều lên tắt nắng xứ Cà phê Tây Nguyên.

Hôm đó, ôn đang nằm trong chiếc võng, với pháp phục mày vàng mỡ, đạm chất thiền môn xứ Huế, ôn cười dung dị đôn hậu khả kính, lãng du trong khung cảnh yên bình, bên chiếc võng đong đưa, lúc đó có ôn Thanh Đàn. Hai ôn đã ngồi bên nhau và cùng dùng tách trà nóng, ôi hạnh phúc làm sao.

Khi đó tôi có cơ hội đảnh lễ ôn ba lạy, ôn ôm tồn dạy.

Ôn nói: Tâm Hỷ ngồi xuống...?

Tôi bạch: Dạ cho con quỳ hầu ôn.

Ôn nói: Tuân lệnh không bằng ép chế, ôn cho thì ngồi.

Ôn dạy: Ôn cho con bốn chữ, sau này mà tu cho giỏi, trụ trì hay không thì chưa biết, nhưng đó là bốn chữ yếu chỉ hành trì, con nhớ nhé. Ôn đọc, tôi chấp tay cung kính.

Bốn chữ là:"Tín Dụng Hành Phương "

Nghĩa là, tín tâm Tâm bảo, dụng trí tu hành, hành hoặc Bát chánh làm năng lượng bảo toàn tu tập, dụng phương ngôn lời nói qua góc nhìn Tứ vô lượng...!

Rồi tôi dạ, và ôn gõ trên đầu ba cái, mạch đạo dung năng từ từ trao cho tôi một niềm tin chắc chắn.

Sau đó ôn vô tình đọc cho tôi nghe, và nói tặng cho con không biết lúc nào hữu duyên gặp nhỉ, ôn Thanh Đàm nói, có gì vô thường ai biết ai rồi tất cả cười trong pháp hỷ. 

Ôn đọc cho tôi nghe, còn tôi cúi đầu thọ nhận.

Câu thơ kệ rằng:

"Nghiêm Tầm Kim Cang Trí,

Dụng Tuệ Giác Tâm Nhiên

Tịnh Thiền Thông Mạch Đạo

Tâm Hỷ Diệt Tham Phiền"

 

Tôi lắng nghe và cất vào tàng thức A lại da, mang chúng như kim châm tinh tu trong đời an lạc.

Thế rồi, tôi chào ôn và ra.

Sáng sớm tôi gặp ôn tôi chào và ôn hỏi, nhớ chưa? 

Tôi đáp: Dạ con nhớ.

Ôn cười, ra đi chút cho nghe. Thế đấy hạnh phúc quá đơn giản.

Trong buổi ôn chia sẻ về chức năng trụ trì, ai ai cũng lắng nghe, tôi ghi âm nghe đi nghe lại dung dị lời phạm âm ngân vang.

Ôn dạy:

"Thế nào gọi là Trụ trì? Định nghĩa Trụ trì có 3 nghĩa chính. Thứ nhất về phương diện Lý Tánh, thứ hai về phương diện Sự Tướng và thứ ba là về phương diện Tổ Chức. Tôi hy vọng Tăng Ni sinh cần phải hiểu rõ điều này để khi ra trụ trì một ngôi chùa mình mới làm đúng với lời Phật dạy và lợi lạc quần sanh.

Về phương diện Lý Tánh. An trụ thật tướng, Đoạn tận phan duyên, danh là Trụ. Tổng trì Tam đức bí tạng Như Lai, tức là Trì. Thật tướng tất nhiên là tướng trạng chân thật của vạn pháp, hay là “bản thể chơn như linh minh trạm tịch thường hằng, phi trược phi thanh vô bối vô ước”. Có nghĩa là một người tu hành luôn luôn an trú trong thật tướng đó để rồi tất cả những vọng tưởng bên ngoài không xâm nhập được vào trong tâm địa của chúng ta và dứt sạch tất cả những cái duyên, mà cái duyên này do căn và trần tác dụng để rồi lôi kéo chúng ta đi vào trong luân hồi sanh tử. Đó là an tâm thật tướng đoạn tận phan duyên. Nếu như mình làm trụ trì mà mình chạy lăng xăng, không quán chiếu nội tâm của mình để rồi trở về với thật tướng chơn tâm thì đây là một biến dạng của ma đạo. Cho nên Tăng Ni phải hiểu rõ điều này để rồi bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa cũng giữ đúng vị trí chữ Trụ của mình. Nhưng nếu mình an tâm mà không gìn giữ được Chánh Pháp của Đức Như Lai thì đây là một điều thiếu xót vô cùng. Cho nên trùng trị Tam đức. Tam đức ở đây là Pháp thân đức, Bát nhã đức và Giải thoát đức. Đây là bình diện cao. Ở đây tôi cũng không có thì giờ để triển khai, nhưng trọng tâm là để Tăng Ni trẻ phải hiểu vấn đề này và nghiên cứu cái này. Và theo định nghĩa trụ trì như vậy thì không phải đi nhận chùa mới là trụ trì, mà tất cả người tu hành của chúng ta ở chỗ nào đi nữa thì cũng là trụ trì. Nhận chùa làm trụ trì đó chỉ là cái duyên, còn cái trụ trì ở trong con người của mình phải luôn luôn giữ vững vị trí trụ trì của mình ở một vị Tăng. Đó là định nghĩa theo lý tánh.

Bây giờ theo sự tướng là Trụ Pháp Vương Gia Trì Như Lai Tạng. Lý tánh tất nhiên là cái nội hàm bên trong, mà sự tướng tất nhiên là cái hiển lộ bên ngoài. Trụ Pháp Vương Gia Trì Như Lai Tạng nghĩa là ở trong ngôi nhà Pháp Vương đã giữ gìn cái Tạng bí yếu của Đức Phật. Đó là định nghĩa theo sự tướng.

Bây giờ về phương diện tổ chức hay hiện sinh thì Trụ trì đối với Giáo hội là một người thay mặt Giáo hội để quản lí một cơ sở và có trách nhiệm đối với GH trong công việc tu trì va hộ trì. Có nghĩa là khi đã nhận làm trụ trì rồi thì thứ nhất là phải tu hơn và thứ hai là phải đem Chánh Pháp của Đức Phật để hoằng truyền cho bá gia bá tánh được hiểu để rồi đóng góp vào sự lợi ích của đạo và đời. Cho nên trách nhiệm đối với GH thì tất nhiên phải là: thứ nhất, giữ gìn giới luật tu hành và thứ hai là trong vấn đề hoằng truyền. Nhưng đối với thế gian thì trụ trì là chủ hộ khẩu, chịu trách nhiệm trước Chánh quyền và danh nhân về tất cả những cái gì đối với Pháp luật.

PGVN hiện có 13 Ban Ngành Viện, mà vị trụ trì ít nhất phải hiểu rõ được 10 ban. Thứ nhất là Tăng sự, Trụ trì phải thông hiểu. Thứ hai là giáo dục, Trụ trì phải hiểu để mà đào tạo Tăng chúng, nuôi Tăng nuôi chúng, dạy dỗ Tăng chúng để có người truyền thừa mạng mạch của Phật Pháp. Thứ ba là hoằng pháp. Trụ trì phải nghiên cứu Kinh điển của Đức Phật để rồi luôn luôn lấy cái hoằng pháp làm cái sự nghiệp của mình. Thứ tư là Nghi lễ, dùng nghi lễ để giúp đỡ âm siêu dương thới, và đó cũng là phương tiện để hoằng dương Chánh Pháp. Thứ 5 là hướng dẫn nam nữ Phật tử. Phải tổ chức cho họ học hỏi, tổ chức GĐPT, tổ chức hội hiếu, tổ chức câu lạc bộ thanh niên và tất cả những cái gì làm phương tiện cho Phật tử tu hành. Rồi Pháp chế là trụ trì phải hiểu rõ Pháp luật của nhà nước, phải hiểu rõ Hiến chương của GH và hiểu rõ nội quy các Ban Ngành. Có như vậy mới thích ứng trong công việc của mình, vân vân và vân vân.

Thì như vậy chúng ta thấy rằng, một vị Trụ trì một khi đã đảm nhận trách nhiệm rồi thì trách nhiệm đó vô cùng to lớn. Bởi vì cái chức năng rất đa dạng nên trách nhiệm mới nặng nề. Cho nên chúng tôi hy vọng Tăng Ni phải hiểu rõ.

Điều thứ hai nữa, đã là tổ chức tất nhiên có người lãnh đạo mà có người lãnh đạo thì tất nhiên là phải có quyền. Mà cái quyền trong Đạo Phật là gì đại chúng quyền dựa trên đức lý. Mình làm trụ trì không có quyền gì hết. Không thể nào bắt Phật tử phải làm cái đó phục vụ cho mình, bắt Tăng Ni phải làm cái đó để phục vụ cho mình, mà mình phải thể hiện cái đức của mình như thế nào để rồi cái đức này nó sẽ quy hướng tất cả mọi người trở về mình. Cho nên trong phương diện tương đối có 10 đức mà một vị Trụ trì phải hành xử: 

Thứ nhất là Ôn Hòa; thứ hai là Lương Thiện; thứ ba là Cung Kính; thứ tư là Tiết Kiệm; thứ năm Nhường Nhịn; thứ sáu Bao Dung; thứ bảy Nhẫn Nại; thứ tám Chịu đựng; thứ chín Sáng Suốt; thứ 10 là Giới Đức phải nghiêm minh. Nếu làm được như vậy thì Chánh báo trang nghiêm, tất nhiên y báo sẽ trang nghiêm.

Cho nên mong Tăng Ni phải hiểu rõ cái đó. Nếu như cần thì lên tôi, tôi sẽ cung cấp cho, để rồi chúng ta suy niệm, chúng ta hành trì mới đúng nghĩa của một vị trụ trì.

Về mặt GH, chúng ta là thành viên của một cơ sở của GH. Lãnh đạo cơ sở GH, mà cơ sở GH có mạnh thì khi đó GH mới mạnh, mới vững bền. Cho nên chúng ta lo cho việc chùa của mình mà luôn luôn nghĩ đến việc chung của GH cũng như việc ngoài của nhân dân. Làm được như vậy là chúng ta đã làm được phước đức. Mong quý vị hiểu rõ điều này.

Hãy thực hiện 7 Pháp Bất Thối và 6 Pháp Lục Hòa để hoằng hóa trong cuộc đời của mình có phước đức.

Bảy pháp bất thối là gì? Này các Tỳ kheo, Như Lai sẽ chỉ dạy cho quý vị 7 pháp không thối chuyển. Thứ nhất là phải hội họp, năng gặp nhau đông đảo để học hỏi và luận bàn trong Chánh Pháp. Thứ hai là phải hội họp trong đoàn kết và giải tán trong đoàn kết. Thứ 3 là phải thực hành đúng Pháp và Luật mỗi khi Pháp và Luật đó đã được ban hành. Thứ 4 là phải tôn trọng và học hỏi các bậc trưởng lão có kinh nghiệm về học và hành trì. Thứ 5 là phải sống một cuộc đời xa lìa tham dục. Thứ 6 là phải sống một cuộc đời tĩnh mặc, đừng bị vọng động lôi cuốn. Thứ 7 là phải lấy Chánh kiến làm gương mẫu cho tất cả đời sống của mình và bách gia bá tánh.

Điều thứ ba là quan hệ giữa Trụ trì và Phật tử. Này các Phật tử các Phật tử đừng có đòi hỏi nhiều lắm ở nơi các Thầy và các Cô, bởi vì chư Tăng thời này là chư Tăng thời mạc pháp, gọi là Phàm Tăng, chứ không phải Thánh Tăng. Đã làm Phàm Tăng thì tất nhiên là có phạm, ít nhiều có phạm, nhưng nhờ cái Tăng hấp thụ Giới Luật, cái bản thể của Tăng thanh tịnh và hòa hợp, cho nên phạm mà biết mình phạm là sửa liền. đôi khi các Thầy thất ý có những điều gì không tốt mà các Thầy biết và sám hối đối với Tam bảo Long thần Hộ pháp. Cho nên khi ông Thầy có việc gì thì chúng ta, thứ nhất là góp ý một cách trực tiếp và thứ 2 là phải thông cảm. Bởi vì từ một Chú điệu mà tu hành trải qua 25 năm để thành một ông thầy phải trải qua không biết bao nhiêu những gian lao thử thách. Quý vị vào chùa tu một ngày thôi quý vị sẽ biết cái khó khăn của người tu. Nói như vậy để rồi chúng ta thông cảm nhau. Còn các thầy phải thông cảm cho các Phật tử vì Phật tử là phàm tục. Phàm tục là như thế nào? Biết mình phạm mà cứ phạm vì hoàn cảnh nọ hoàn cảnh kia. Cho nên giữa quý Thầy và các Phật tử chúng ta biết nhau được như vậy để chúng ta xây dựng cho nhau, bảo bọc cho nhau trên tinh thần thân sơ cốt nhục. Làm được như vậy thì Phật Pháp mới được xương minh. Chứ không phải cứ thấy ông thầy có việc gì cái rồi lục tục kéo nhau đi kiện, rồi giữa thầy trò không vui không vẻ với nhau thì đó là một điều không đúng với Chánh Pháp, mà đây là gọi là vào trong cái ma sự.

Hôm nay thời giờ có hạn, chúng tôi thay mặt Chư Tôn Hòa thượng Chứng minh thương mến có mấy lời chia sẻ, căn dặn Đại đức tân trụ trì, cũng như gởi đến Tăng Ni đây đa số cũng là các học trò cả. Nhân dịp thầy trò gặp nhau đây cũng là chia sẻ trong cái tinh thần để rồi chúng ta cùng nhau tiến tu trên con đường Đạo Pháp. Nguyện cầu ơn trên gia hộ cho Chư Tôn Thiền đức Pháp thể khương an, chúng sanh dị độ. Chúc quý vị đại diện Chính quyền dồi dào sức khỏe để quý vị tiếp tục phục vụ cho sự phồn vinh của xứ sở và thân thương gởi đến quý Phật tử xa gần lời cầu chúc: Thứ nhất là sức khỏe, thứ hai là làm ăn phát đạt, thứ ba là tinh tấn tu hành, thứ 4 là hộ trì Chánh Pháp và thứ 5 là tu tạo phước điền để làm lợi ích cho mình trong hiện tại và các kiếp lai sanh."

Chùa Phước hoà, tỉnh Đắk Nông, 07-11-2016, (Ghi âm lại từ máy).

 

Ôi hạnh phúc, khi cung đàn thầy trao cho tôi một ngoại biên diện kiến ôn, xong theo áng mây bay về lưng đồi hồn hoa thơ mộng trong cung cảnh ngàn phương.

Hôm nay, ngồi viết lời cung đàn thầy trao, thì vội nghe tin ôn đã nhàn du phương cảnh, về phía Tây trầm hùng danh hiệu A Di.

Tôi đang ngồi yên tịnh tâm thiền tập, chuyển những âm vang pháp ngữ của ôn trong túi càng khôn ghi lại vài dòng khắc nhớ.

Kính bạch ôn, cung đàn thầy trao là món quà con trân quý, từ buổi hầu điệu hay những buổi vô tình được ôn cú đầu gõ vào lòng con hạnh phúc. Hôm nay ôn về tịnh nhiên, con vọng giá xa kỳ về Phước Viên (nơi mà khởi duyên Hoà Thượng Quang Hạ Đạo trú trì) tại trú xứ, nơi gắn bó ôn những tháng ngày hành đạo, nơi cỏ cây ôn tạo, vách tường xưa, ban thờ ánh Phật, chốn tổ trầm hùng cung kính, dỗ dành gì hơi ấm của ôn trong từng thiền thất, thiền đường, giảng đường, Phật điện dung thông, sân vườn hoa trái in bóng hình ôn.

Giờ đây, con khắc nhớ cung đàn, trong câu vội nhớ vầng thơ con gởi.

Phước Viên trú dạ ánh hồng nhiên

Thắp đèn thiền giả Pháp Hoa viên

Dung thông giới hạnh truyền âm ngữ

Giáo tuệ tăng tài nhã bao niềm.

 

Y trao thừa tự về thất ẩn,

Tạng mật nghiệm dần tỏa sáng lên

Mây hồng ngộ tỏ đời chân lý

Nhẹ cánh tâm chơi giữa rừng thiền.

 

Thong dong buôn nhẹ rơi dần hết

Cười vang trần tục mây hồng hiện

Rủ nhé Tây phương đi phía trước 

Sen nở vườn tâm tận mắt liên

 

Thầy đi ôn hạnh lăng Nghiêm chỉ

Nghe tạng kinh thiêng chỉ in viền

Di Đà Tánh chủng về cung rước 

Bát nhã khoa nghi mỉm cười liền.

 

Bây chừ: Thôi nhé thầy đi nhé!

Sem vàng hài tịnh trong an cảnh

Nhẹ dạ rong chơi càng khôi định

Trực hướng tiêu diêu ẩm chân tình.

 

Ta đã về trong vọng tiếng kinh trầm cung tiễn thầy lên đường, trong kinh tiếng bát nhã tiễn áng mây bay rong chơi giữa trời Tây tự do.

Ngày 19-07-Đinh Dậu

Tk: Thích Minh Thế 

Hỷ Tâm Hải Triều 

Thành kính khể thủ lễ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 6215)
Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Kim, Pháp danh Như Kim, Pháp hiệu Bửu Chung, sinh năm Tân Tỵ (1881) Niên hiệu Tự Đức năm thứ 35, tại Rạch Cái Đầm, xã Hiệp Xương, huyện Tân Châu, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang). Thân phụ là cụ ông Chánh bái Nguyễn Văn Phước. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Dậu đều kính tin phụng thờ Tam Bảo.
10/04/2013(Xem: 6171)
Hòa thượng thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, pháp danh Ngộ Đạo hiệu Từ Vân. Thế danh Đinh Công Thân, sinh năm Bính Dần (1866) Niên hiệu Tự Đức năm thứ 20, tại làng Định Yên, Lấp Vò, (nay là Đồng Tháp). Thân phụ là Cụ ông Đinh Công Thành và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Hoài. Gia đình 7 anh em, Ngài thứ tư. Sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, theo truyền thống đạo Phật.
10/04/2013(Xem: 9163)
Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Thiền sư Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, thì dưới triều chúa Nguyễn ở đàng Trong, phong trào phát triển Phật giáo nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng bành trướng rất mạnh mẽ ; đồng thời, đã lưu lại cho nền văn học Phật giáo nhiều kiến trúc mỹ thuật, hội họa rất nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhà Tây Sơn thống nhất đất nước, kéo quân từ Nam ra diệt Nguyễn thì đoàn quân lính nầy đã hủy diệt đi những công trình quý báu đó. Bi ký, chứng liệu bị thất tung.
10/04/2013(Xem: 6341)
Hôm nay dưới bóng mát thiền lâm Thiên Thai pháp phái, trước giây phút thiêng liêng tỏa ngát hương đàm, chúng con đang qui tụ về đây, nơi vùng đất Thánh, nơi đã ghi đậm nét lịch sử một đời người xuất thị nhập sơn, tầm rong độ nhật, nơi Ngài đã thể hiện công án thoại đàu, luôn luôn quấn quýt đeo đẳng tâm tư với những tháng năm dài chẻ chia suy cứu- Thiền pháp trầm tịch nhưng hưng suy, trừng thanh nhưng hoạt diễm ấy đến nay vẫn còn phong khí nức hương
10/04/2013(Xem: 8311)
Nhận được tin từ cố đô Huế, Việt Nam, Trưởng Lão Ni, Sư Cụ Thích Nữ Diệu Trí, thế danh Hồ thị Trâm Anh, Húy thượng Trừng hạ Khương, Đạo hiệu Liễu Nhiên, đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế, Viện chủ chùa Diệu Đức, Trú Trì chùa Diệu Nghiêm, thành phố Huế, đã xã báo thân, an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 19 giờ 05 phút ngày 23 tháng 3 năm 2010 (nhằm ngày mùng 8 tháng 2 năm Canh Dần), trụ thế 103 năm, với 78 tuổi đạo.
10/04/2013(Xem: 6811)
Truyện của tôi không đáng gì mà phải ghi. Chỉ vì truyện ấy, hơn vài thập kỷ trước thập kỷ 2530 (1975-1985), có liên quan đến Phật giáo VN, lại bị hư cấu truyện và phim sai quá nên phải ghi. Nhưng ghi như dưới đây thì chỉ là có còn hơn không mà thôi.
10/04/2013(Xem: 6405)
Lễ Giỗ Tổ Nguyên Thiều tại Tu Viện Nguyên Thiều, Sydney, Úc Châu ngày thứ hai, 26-11-2007
10/04/2013(Xem: 7905)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-l0-1917), tại làng Mỹ An Hưng ( Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Thân phụ là ông Nguyễn văn Cân và thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Cụ Ông qua đời lúc H.T lên ba, Cụ Bà cũng theo Ông lúc Ngài vừa lên bảy.
09/04/2013(Xem: 6552)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
09/04/2013(Xem: 10942)
Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567