“TUỆ SỸ, THÁI ĐỘ CỦA NHÀ SƯ NHẬP THẾ”
Diệu Trân
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
Tập 1 do Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức phát hành lần thứ nhất năm 2002. Cuốn sách đó, không biết có ra mắt ở đâu không, nhưng nay đã không còn một cuốn! Quả là “hữu xạ tự nhiên hương”.
Tập 2 được chăm sóc bởi nhà in Hoa Đàm với kỹ thuật trình bầy rất trang nhã, nghệ thuật. Tập 2 hoàn thành đúng vào thời điểm những văn nghệ sỹ bên Paris tổ chức buổi thơ nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Thiền-sư Tuệ Sỹ và ban tổ chức đã trân trọng mời Thầy Nguyên Siêu sang dự. Chúng tôi có duyên may tháp tùng Thầy trong chuyến Âu du này với hành trang là cuốn “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 2, chưa ráo mực, cùng CD Tuệ Ca 1, 2, 3 gồm 21 bài thơ nhạc sỹ Trần Quan Long phổ từ thi phẩm Giấc Mơ Trường Sơn của Thiền-sư Tuệ Sỹ (những CD vừa lấy ra từ nhà in, cũng chưa ráo mực!)
Trong buổi Thơ Nhạc Tuệ Sỹ ở Paris, sách và CD đã được đồng hương ưu ái đón nhận hết, dù nhiều người phải đứng ngoài hành lang vì hội trường đã đầy ắp trước giờ khai mạc. Chính trong buổi “trình làng” cuốn “TSĐS, TVPTM” tập 2 này mà khi trở về Hoa Kỳ, Thầy Nguyên Siêu đã nghĩ đến việc phải tái bản tập 1, vì ai mua tập 2 cũng hỏi “Tập 1 đâu?”
Trong buổi chiều chủ nhật 17 tháng 9 năm 2006 với nắng vàng rất đẹp tại thành phồ San Diego, đồng hương và Phật tử đã đáp lời mời của ban tổ chức, tề tựu về Hội trường để dự buổi ra mắt toàn bộ cuốn “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng”.
Chương trình rất hài hòa vì được đan lồng phần văn nghệ giữa những bài nói chuyện của các diễn giả. Sau nghi thức chào cờ trang nghiêm, đại diện ban tổ chức đã giới thiệu tác giả Nguyên Siêu bằng những lời rất chân tình, kính quý. Đại chúng hiện diện cảm nhận ngay là ngôn ngữ đang chuyên chở những rung động của trái tim chứ không chỉ là những mỹ từ vô hồn.
Giữa những cảm xúc còn mênh mang thì người điều khiển chương trình đã giới thiệu nữ danh ca Kim Tước. Chị Kim Tước bước lên sân khấu trong phong thái của của người nghệ sỹ hết sức trân quý khán thính giả của mình. Chị nói đôi lời xúc động khi nhận lời góp tiếng hát trong CD đầu tiên của Thầy Nguyên Siêu mà nhạc sỹ Trần Quan Long đã phổ 9 bài thơ của Thầy thành CD “Kim Cang 1”, cũng được ra mắt trong ngày hôm nay. Với tiếng hát vượt thời gian, chị đã trình bày hai bài trong CD này. Đó là bài “Dáng từ đồi Trại Thủy” thầy Nguyên Siêu đã viết từ tấm lòng báo đáp ân sư, và bài “Trăng nước giai không”, một giai thoại tuyệt đẹp về Thiền.
Đồng bào vẫn tiếp tục bước vào hội trường mỗi lúc mỗi đông, nhất là khi Giáo-sư Lê Phục Thủy bắt đầu bài nói chuyện giới thiệu tác phẩm. Giáo-sư đã xác định ngay, là xin được đứng trong cương vị một diễn giả để nói về một tác phẩm chứ không phải một Phật tử nói về một vị Thầy. Sự phân định ngôi thứ này quả thật là chất liệu khiến bài nói chuyện của giáo-sư mang được sự khách quan trong sáng, thoải mái và dễ dàng chuyển đạt đến người nghe những cảm nhận chân thực của giáo-sư khi đọc toàn tập sách một cách trân trọng, kính ngưỡng.
Chương trình tiếp nối với hai người trẻ Bảo Quỳnh và Bảo Long. Bảo Quỳnh vừa đáp chuyến bay đêm từ Seattle đến với buổi ra mắt sách của Thầy Nguyên Siêu để được cất tiếng hát hai bản nhạc từ CD Tuệ Ca, và Bảo Long ôm cây đàn Guitar lên sân khấu, xúc động khi bày tỏ lòng ngưỡng mộ Thầy Tuệ Sỹ và xin hát bài thơ lục bát của Thầy Tuệ Sỹ đã được phổ nhạc trong CD Tuệ Ca 1. Đó là bài “Một Bóng Trăng Gầy”.
Tiếng hát vừa dứt thì tiếng ngâm thơ của Hoàng Yến réo rắt ngân lên với phần phụ họa đàn tranh tuyệt vời của BS Đăng Khoa. Chị Hoàng Yến đã chọn ngâm hai bài thơ tràn đầy ẩn tình của Thầy Tuệ Sỹ, bài “Khung Trời Hội Cũ” đã đi vào lòng người và bài “Thương Nhớ” nghẹn ngào tình Cha!
Phần chủ đề của chương trình mà mọi người chờ đợi là khi ban tổ chức trân trọng, chậm rãi giới thiệu tác giả “TSĐS, TVPTM”. Thầy Nguyên Siêu bước lên trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Thầy đứng đó, trên bục hội trường, nhân dáng nhu hòa, điềm đạm như khi Thầy đăng tòa giảng pháp trong chánh điện chùa Phật Đà. Những lời Thầy nói, như đang từ trái tim của vị Tỳ-kheo, tuyên lại lời Đức Thế Tôn “Hãy là kẻ thừa tự Chánh Pháp của Như-Lai, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật”; như đang từ tấm lòng người đệ tử hướng về sư-phụ phương xa “Người viết muốn nói chuyện của một người, muốn nói đến cái Dũng của kẻ bất khuất trước bạo lực, cái Hùng trong những nỗi nguy nan và cái Bi giữa biển đời nhiều khổ lụy”.
Có lẽ, những người đọc, cầm hai cuốn sách dày 650 trang trong tay với những tài liệu, dữ kiện lịch sử, những bài tiểu-luận, nghiên cứu giá trị, những áng văn, thơ lồng lộng trời mây, đều trầm trồ khen ngợi công trình biên khảo của Thầy; nhưng là tác giả, Thầy Nguyên Siêu chỉ nghẹn ngào bộc lộ rằng “Bằng tấm lòng chân thành của người học trò nghĩ về bậc Thầy cao cả - đứng trước ngọn cuồng phong, hứng chịu những cơn lốc thời đại mà lưng Thầy không cong, chân Thầy không quỵ - mạo muội làm công việc biên soạn này”.
Cái vô ngã của người xuất gia là thế, chỉ thầm lặng làm những điều đáng làm mà không chờ nhận một hào quang nào. Nhưng buổi chiều nắng đẹp trong hội trường của Hiệp Hội Người Việt San Diego, hào quang Thầy Nguyên Siêu không chờ nhận đã được đại chúng hiện diện tự nguyện dâng tặng. Thầy vừa dứt lời, toàn thể hội trường đã đồng loạt đứng lên với tiếng vỗ tay liên tục, không dứt. Đây là hiện tượng rất hiếm thấy trong sinh hoạt của người Việt Nam. Đáp lễ hay cảm phục ai đó thì cùng lắm cũng chỉ là những tràng pháo tay, nhưng toàn thể hiện diện, không ai bảo ai mà đều nhất loạt đứng lên thì hiếm lắm, vì chúng ta chưa quen với sự bày tỏ này.
Kính thưa Thầy Nguyên Siêu.
Kẻ viết bài này, đứng lặng trong phút giây cực kỳ xúc động đó đã không cầm được nước mắt, và bất giác nhìn sang màn ảnh lớn đang chiếu chân dung “Nhà Sư Nhập Thế” Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, bỗng mơ hồ thấy như có ánh Vô Lượng Quang toát ra từ nhân dáng gầy guộc của Ngài, một thông điệp thầm lặng: “TRI THỨC CHÂN CHÍNH CỦA VIỆT NAM KHÔNG BAO GIỜ KHIẾP NHƯỢC”.
Có lẽ vì cảm nhận được không khí hội trường quá chìm lắng trong xúc động nên khi nữ ca sỹ Hồng Hạnh bước lên sân khấu đã trình bày ngay một bản nhạc vui tươi với sự phụ họa của nhạc sỹ Đức Hưng. Tiếng hát trẻ trung của cô đã lập tức trang hoàng hội trường bằng muôn cánh hoa tươi với bài “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên, rồi lại đưa người nghe về nỗi niềm hoài cổ với “Giấc mơ hồi hương” của Vũ Thành.
Chương trình tiếp tục trong không khí đầy đạo vị ấm cúng khi ban tổ chức mời đồng bào hiện diện dùng tiệc trà thân mật do quý Phật tử chùa Phật Đà khoản đãi.
Thầy Nguyên Siêu phải dùng tới cây bút thứ hai vì …. ký nhiều sách quá! Kẻ viết bài loáng thoáng nghe thấy hai Phật tử nói đùa nho nhỏ với nhau một cách rất thân thương “Tội nghiệp Thầy ký sách chắc đã mỏi tay, mình tới ký phụ Thầy đi!”
Kẻ viết bài thì xin khẽ hỏi một câu khác: “Thưa Thầy, Thầy đã bắt đầu viết “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 3 chưa ?
Diệu Trân
Như-Thị-Am, tháng 9, 2006)