Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu Sử HT Thích Chơn Thiện

13/11/201612:50(Xem: 6852)
Tiểu Sử HT Thích Chơn Thiện
HT Thich Chon Thien 3

Cố Trưởng lão hòa thượng Thích Chơn Thiện (1942-2016)  

- Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII, XIII, XIV
- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam
- Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế
- Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo
- Trú trì Tổ đình Tường Vân, Thành phố Huế
- Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

Thân thế:

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện, thế danh Nguyễn Hội, là đệ tử đức cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp danh Tâm Ngộ, pháp tự Chơn Thiện, pháp hiệu Viên Giác. Hòa thượng sinh ngày 01 tháng 12 năm 1942 (nhằm ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Ngọ) tại làng Dưỡng Mong thượng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tiến, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Kiều. Sinh trưởng trong một gia đình gồm 10 anh chị em, Hòa thượng là con út. Vốn xuất thân trong gia tộc nhiều đời thâm tín Tam bảo, từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế. Từ năm đệ Tứ (Lớp 9) khi đang theo học tại trường Nguyễn Tri Phương và sau đó là Quốc Học, Hòa thượng đã phát nguyện trường trai, tích cực tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử tại Tổ đình Tường Vân, thân cận phụng sự chư Tăng để học hỏi nếp sống phạm hạnh, được chư Tôn đức ở Tổ đình rất mực thương quý.

Giai đoạn xuất gia học đạo:

Năm 1960, hội đủ duyên lành, Hòa thượng được đức Tăng thống bấy giờ là trú trì Tổ đình Tường Vân cho xuất gia, làm thị giả cho Ngài, và cho thọ Sa-di giới ngày 17 tháng 11 năm Quý Mão (1963) tại Tổ đình Tường Vân. Bảy tháng sau, tức năm Giáp Thìn (1964), Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Cụ-túc giới tại Đại giới đàn Quảng Đức, Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn, do đức Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,  cố Đại lão Hòa thượng Bổn sư Thích Tịnh Khiết, làm đàn đầu.

Sau ngày thọ Cụ-túc giới, Hòa thượng được bổn sư gửi theo học chương trình Cử nhân Phật học tại Pháp Hội và sau đó học Cử nhân Văn khoa tại Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.  

Năm 1968, Hòa thượng tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa cùng Cử nhân Phật học - Triết học Đông Phương.

Từ tháng 08 năm 1968 đến tháng 03 năm 1969, Hòa thượng đảm nhiệm công tác Quản trị Nội xá Đại học Vạn Hạnh.

Từ năm 1969 đến năm 1972, Hòa thượng được cử sang du học tại Hoa Kỳ, theo học bổng Cơ quan Văn hóa Á châu (Asia Foundation) và tốt nghiệp Cao học Tâm lý Giáo dục tại Đại học Ohio, Hoa Kỳ.

Thời kỳ hành đạo:

Sau khi về nước, từ năm 1972 đến năm 1975, Hòa thượng được cử làm Phó Giám đốc Sinh viên vụ đặc trách Hướng dẫn Tâm lý Giáo dục, Viện Đại học Vạn Hạnh, tham gia giảng dạy và đóng góp cho tạp chí Tư Tưởng Vạn Hạnh.

Từ tháng 04 năm 1977 đến tháng 09 năm 1984, Hòa thượng được mời phụ tá Hoà thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Phật học Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, và làm Giảng sư tại Viện, đồng thời tham gia giảng dạy chương trình cao cấp Phật học tại Già Lam. Trong khoảng thời gian này, Hòa thượng đã nghiên cứu và biên soạn nhiều tác phẩm Phật học có giá trị trong lãnh vực học thuật và hành trì cho Tăng Ni và Phật tử.

Từ tháng 10 năm 1984 đến năm 1988, Hòa thượng là Giảng sư tại chùa Linh Sơn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian làm Phật sự tại đây, pháp âm của Hòa thượng được ghi lại, trở thành định hướng tu tập cho rất nhiều giới trong và ngoài nước. Tại đây, Hòa thượng tiếp tục biên soạn một số tác phẩm Phật học có giá trị.

Từ năm 1988 đến tháng 07 năm 1992, Hòa thượng được mời phụ tá Viện trưởng kiêm Trưởng ban Học vụ, đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh). Trong khoảng thời gian này, Hòa thượng là thành viên Ban giám hiệu, đóng góp rất lớn vào việc biên soạn chương trình Giáo dục Tăng Ni các cấp.

Từ tháng 08 năm 1992 đến tháng 06 năm 1996, Hòa thượng được cử sang du học tại Đại  học Delhi - Ấn Độ theo học bổng của Bộ Ngoại giao, Chính phủ Ấn Độ, tốt nghiệp Phó Tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học. Với luận án xuất sắc - Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pali (The Concept of Personality Revealed through Panca Nikayas), Hòa thượng được Hội đồng Khoa học Đại học Delhi phê chuẩn học vị Tiến sĩ Triết học, được Ủy ban Phát triển Nguồn nhân lực Ấn Độ (Human Resources Development Communitiy) đánh giá cao và được Tổng thống Ấn Độ mời tiếp kiến và ngợi khen.

Từ tháng 07 năm 1996 đến tháng 05 năm 2002, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Trưởng Ban Thường trực và Quyền Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; là thành viên sáng lập và Trưởng ban thư ký Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.

Từ tháng 06 năm 2002 đến tháng 11 năm 2016, Hòa thượng được mời tham gia Đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa XI đến XIV; đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng thời gian này, Hòa thượng đảm nhiệm Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Từ tháng 12 năm 2007, Hòa thượng được suy cử Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ tháng 03 năm 2008, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo.

Từ tháng 07 năm 2015, Hòa thượng được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau ngày Hòa thượng Pháp huynh viên tịch, Hòa thượng được cung thỉnh làm Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó được Tông môn Pháp phái thỉnh vào ngôi vị Trú trì Tổ đình Tường Vân, Thành phố Huế.

Đóng góp cho giáo hội và giáo dục Phật giáo:

Trong sự nghiệp tu học của mình, Hòa thượng đã đóng góp rất lớn cho sự ổn định và phát triển của Giáo hội, thể hiện qua việc định hướng và xây dựng Giáo hội vững mạnh.

Công tác đối ngoại:

Ngoài các chuyến công tác đối ngoại ở nước ngoài với vai trò đại biểu Quốc hội, Hòa thượng đã nhiều lần đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm trưởng đoàn tham dự nhiều hội nghị và hội thảo Phật giáo Quốc tế được tổ chức ở các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ; tham gia giao lưu hữu nghị với các giáo sĩ và trí thức tại Maroco; thực hiện nhiều chuyến đi hoằng pháp tại các nước Châu Âu như Cộng hòa Pháp, Đức, Nga, Ucraina, Ba Lan, Cộng hòa Séc…

Công tác xây dựng cơ sở vật chất và giáo dục:

Năm 1995, Hòa thượng tham gia Ban kiến thiết Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, và làm trưởng Ban xây dựng Học viện.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Hòa thượng tiến hành các thủ tục xin cấp đất xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Lễ đặt đá khởi công xây dựng được long trọng tổ chức vào ngày 14 tháng 9 năm 2015, đến nay đã có 13 hạng mục được xây dựng hoàn tất và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Tháng 05 năm 2013, Hòa thượng cùng với chư Tôn đức trong môn phái Tổ đình Tường Vân tiến hành đại trùng tu ngôi Tổ đình, và lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 03 năm 2015.

Trong sự nghiệp giáo dục, ngoài việc tham gia điều hành các cơ sở giáo dục, Hòa thượng trực tiếp giảng dạy cho nhiều khóa học tại Đại học Vạn Hạnh, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế; thuyết giảng Phật pháp cho Tăng Ni và Phật tử ở nhiều tỉnh thành; đóng góp tiếng nói trí tuệ cho các tạp chí và báo chí như Tư tưởng Đại học Vạn Hạnh, báo Giác ngộ, tập văn của Ban Văn hóa Trung ương, tạp chí Văn hóa Phật giáo, báo Đại Biểu Dân Nhân. Đặc biệt, Ngài đã nỗ lực giới thiệu Pháp tạng Pali, kết nối thống nhất tư tưởng Phật giáo từ Nguyên thủy đến Phát triển.

Công tác nghiên cứu, biên soạn và dịch thuật:

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn tiêu biểu cho tiếng nói trí tuệ của một bậc chân nhân, thể hiện qua một số công trình nghiên cứu và dịch thuật giá trị, trở thành nguồn tài liệu căn bản cho việc tham cứu học tập và giảng dạy tại các cấp Phật học, cho việc thuyết giảng Phật pháp ở các tỉnh thành, đặc biệt cho việc vận dụng Phật pháp một cách sáng suốt và có hiệu quả nhằm đáp ứng cho các thách thức mang tính thời đại. Các công trình nghiên cứu và dịch thuật Hòa thượng để lại gồm:

I. Nghiên cứu biên soạn:

Phật Học Khái Luận

Tăng-già Thời Đức Phật

Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa

Tư Tưởng Kinh Kim Cang

Tư Tưởng Kinh Địa Tạng

Tư Tưởng Kinh Di Đà

Những Hạt Sương

Hoa Ngọc Lan

Tư Tưởng Việt Nam

Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân

The Concept of Personality Revealed Through the Panca Nikayas

Tìm Hiểu Trung Bộ Kinh

Tìm Vào Thực Tại

Giáo lý Duyên khởi

Hương Còn Mãi

Tiếng Hót Ca-lăng-tần-già

Trí Tuệ và Chân Thành

Tư Tưởng Việt Nam: Nhân Bản Thực Tại Luận

II. Biên dịch:

Nghiên Cứu Kinh Lăng Già (đồng dịch giả)

Lăng Già Đại Thừa Kinh (đồng dịch giả)

Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Nikayas

Satipatthana-Trái Tim Thiền Định của Phật Giáo (The Heart of Buddhist Meditation)

Tìm Hiểu Đạo Phật (Buddhism Explained)

Qua 75 năm hiện diện ở đời, với 52 hạ lạp, Hòa thượng đã tận tụy vì Đạo pháp và Dân tộc. Với trí huệ trong sáng, đức hạnh cao vời, Hòa thượng đã để lại nhiều tiếng thơm cho đạo và cho đời, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Giáo hội vững bền, đất nước phồn vinh, góp phần đưa Đất nước và Giáo hội hội nhập thế giới.Với dáng vẻ thanh thoát, cách gợi chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng, cùng với nụ cười hoan hỷ, từ ái, Hòa thượng luôn để lại trong lòng mọi người niềm hân hoan quý kính sau những lần được tiếp xúc với Người. Thân giáo của Hòa thượng không chỉ là tấm gương mẫu mực cho Tăng Ni Phật tử mà còn đem lại những ấn tượng tốt đẹp về một mẫu tu sĩ Phật giáo trong quá trình dấn thân hành đạo.

Vì lý do này, các vị lãnh đạo đất nước rất kính trọng và tán dương Hòa thượng:

“Chùa Tường Vân cõi Phật duyên lành Thầy Chơn Thiện chân tu gương sáng.” (Phạm Dũng, Trưởng ban TGCP)

Thuận theo quy luật vô thường, những việc cần làm đã làm xong, vào lúc 10g50 ngày 08/11/2016 nhằm ngày 09 tháng 10 năm Bính Thân, Phật lịch 2560, Hòa thượng xả báo thân, an nhiên thị tịch tại Tổ đình Tường Vân, để lại bao nỗi niềm kính tiếc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho Đất nước, cho Tông môn Tường Vân, chư Tăng Ni và quần chúng Phật tử.


Nam-mô Từ Lâm Tế chánh tông, Tứ thập tam thế, Xuân kinh Tường Vân Tổ đình trú trì, Hồ Chí Minh thị Vạn Hạnh Thiền viện Viện chủ, Chứng minh Hội đồng Phó Pháp chủ, Trị sự Hội đồng Thường trực Phó Chủ tịch, húy thượng Tâm hạ Ngộ, tự Chơn Thiện, hiệu Viên Giác giác linh thùy từ chứng giám


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2011(Xem: 13245)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
01/06/2011(Xem: 6992)
Cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội, ta hiểu biết qua hai bản tiểu sử xưa nhất, một của Tăng Hựu (446 - 511) trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a 17 và một của Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13-326b13. Bản của Huệ Hạo thực ra là một sao bản của bản Tăng Hựu với hai thêm thắt. Đó là việc nhét tiểu sử của Chi Khiêm ở đoạn đầu và việc ghi ảnh hưởng của Khương Tăng Hội đối với Tô Tuấn và Tôn Xước ở đoạn sau, cùng lời bình về sai sót của một số tư liệu. Việc nhét thêm tiểu sử của Chi Khiêm xuất phát từ yêu cầu phải ghi lại cuộc đời đóng góp to lớn của Khiên đối với lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc, nhưng vì Khiêm là một cư sĩ và Cao Tăng truyện vốn chỉ ghi chép về các Cao Tăng, nên không thể dành riêng ra một mục, như Tăng Hựu đã làm trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97b13-c18, cho Khiêm.
31/05/2011(Xem: 18264)
Quy ẩn, thế thôi ! (Viết để thương một vị Thầy, mỗi lần gặp nhau thường nói “mình có bạn rồi” dù chỉtrong một thời gian rất ngắn. Khi Thầy và tôi cách biệt, thỉnh thoảng còn gọi điệnthoại thăm nhau) Hôm nay Thầy đã đi rồi Sắc không hai nẻo xa xôi muôn ngàn Ai đem lay ánh trăng vàng Để cho bóng nguyệt nhẹ nhàng lung linh Vô thường khép mở tử sinh Rong chơi phù thế bóng hình bụi bay Bảo rằng, bản thể xưa nay Chơn như hằng viễn tỏ bày mà chi
27/05/2011(Xem: 9608)
Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.
25/05/2011(Xem: 5146)
Đại lão Hòa Thượng Thích Đồng Huy HT. Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh.
05/05/2011(Xem: 5747)
Từ hôm hay tin Thầy lâm bịnh và tiếng nói yếu ớt của Thầy qua điện thoại làm con rất lo. Nhiều năm qua con cố gắng về thăm Thầy một lần nhưng ước vọng đơn sơ ấy đã không toại nguyện. Hơn hai mươi năm con xa Thầy, xa Tu viện, xa đồi núi thương yêu thưở nào. Mai này nếu được về thăm thì thầy đã ra đi biền biệt.
23/04/2011(Xem: 5313)
Thầy đã đọc toàn bộ bài “Tham luận” Nhân trong ngày “Hội thảo” nhớ “Tổ Sư”, Sự nghiệp tu chứng đắc lý chơn như “Ngài Liễu Quán”, sáng gương ngàn thế hệ.
21/04/2011(Xem: 8200)
Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, húy thượng THỊ hạ HUỆ tự HẠNH GIẢI, thế danh LÊ BẢO AN, thuộc đời Lâm Tế Chánh Tông thứ Bốn mươi hai.
16/04/2011(Xem: 7174)
Kính lạy thầy, Trước mắt con là di bút Thầy để lại, nét chữ thân quen với màu mực còn đậm nét tinh khôi. Nghiệp đã qua rồi lòng nhẹ nhõm Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong Thầy vừa an nhiên xã bỏ báo thân, dãi mây bạc giờ nương theo gió loãng tan mất dấu. Nẻo sinh tử Thầy thong dong qua lại, như đi trên những dặm đường quen để gieo trồng hạt giống từ bi, giáo hóa, độ sinh. Thân bệnh Thầy mang trong những năm tháng sau này, cho con biết rõ vô thường tất đến. Vậy mà nỗi đau đớn, bàng hoàng vẫn khơi động trong con khi đón nhận tin xa, bởi từ đây con vĩnh viễn mất Thầy trong kiếp sống này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]