Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tác phẩm 24: ĐạI Lễ Dâng Y Casa – Kaṭhina

30/07/201617:31(Xem: 7357)
Tác phẩm 24: ĐạI Lễ Dâng Y Casa – Kaṭhina

ĐẠI LỄ DÂNG Y CASA – KAṬHINA

Bhikkhu Nāga Mahā Thera - Tỳ khưu Bửu Chơn

 

---

 

Tác phẩm 24 trong quyển

Toàn tập

TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG BỬU CHƠN

(NĀGA MAHĀ THERA)

 

Xuất bản năm Dl. 2016 – Pl.2559

 

 

Phi Lộ

Theo trong Phật giáo mỗi năm tín đồ thường hay dâng y casa đến chư tăng sau khi An cư kiết hạ (gọi là lễ Kaṭhina) trong vòng một tháng từ 16 tháng 09 âm lịch đến rằm tháng mười. Nhưng làm cách nào cho hợp pháp và được nhiều phước báu thì phần đông ít ai biết rõ.

Vì vậy bần tăng cố gắng sưu tầm theo kinh điển Pāli và Kathinakhandhaka do Ngài Rasppañño biên soạn theo Phật ngôn và chú giải để giúp cho chư quí Phật tử trong khi hành phận sự.

Do quả phúc của sự phiên dịch và ấn tống này xin thành tâm cầu nguyện cho giác linh của các bậc thầy tổ và song thân được hưởng các sự an vui nơi nhàn cảnh.

Và cũng hồi hướng đến chúng sanh ba giới bốn loài được mau đến nơi giải thoát. Nhứt là cầu cho dân tộc Việt Nam sớm được thanh bình và an cư lập nghiệp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tháng 7 năm 1971. Pl.2515

Tỳ khưu Bửu Chơn

---

 

Namatthu rattnattayassa – Thành kính làm lễ ân đức Tam bảo

---

Đại Lễ Dâng Y Casa - Kaṭhina

Trước hết xin giải về nguyên nhân Đức Phật cho phép làm lễ Kaṭhina.

Đức Thích Ca Mâu Ni sau khi đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, truyền bá giáo lý của Ngài trong 45 năm trường chia làm 3 thời kỳ: thời kỳ thứ nhứt gọi là tiền giác thời – pathamabothikāla; thời kỳ thứ nhì gọi là trung giác thời – majjhima bodhikāla; thời kỳ thứ ba gọi là hậu giác thời – pacchimabodhikāla[1].

Một lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Bố Kim Tự nơi thành Xá Vệ của ông Cấp Cô Độc Trưởng giả dâng cúng, nhằm trung giác thời, cùng trong lúc ấy có 30 vị tỳ khưu ở nơi xứ Pātheyya (có bộ kinh khác thì gọi là xứ Pāveyya). Tất cả các vị này đều hành các pháp đầu đà như: chỉ dùng tam y, đi khất thực, lượm vải dơ để may y, ở trong rừng v.v…[2] đồng rủ nhau đi đến thành Sāvatthī – Xá Vệ để đảnh lễ và hầu Đức Thế Tôn, nhưng vì đi nửa đường thì đến ngày nhập hạ nên kiếm chỗ cư ngụ đặng nhập hạ nơi xứ Sāketa. Trong khi nhập hạ, các thầy lấy làm buồn bực khó chịu nghĩ rằng: Đức Thế Tôn chỉ còn cách chúng tôi lối 6 do tuần[3] nữa mà chúng ta phải mắc kẹt tại đây thật là buồn tủi quá. Khi đến ngày ra hạ làm lễ tự tứ[4] xong các vị đồng khởi hành, nhưng trong lúc ấy trời vẫn còn mưa tầm tã đường đi trơn trợt bùn lầy, các vị lấy làm khổ sở vì y phục đều ướt dầm. Ráng cố gắng vất vả để đi đến nơi, bèn vào Bố Kim Tự đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi nơi phải lẽ. Đức Thế Tôn bèn hỏi các vị ấy rằng: “Này các thầy tỳ khưu, bộ máy cơ thể các thầy có được điều hòa không? Có nhẫn nại được không? Các thầy có hòa thuận nhau không? Có rầy rà cãi cọ nhau không? Và khi nhập hạ có được an vui và vật thực có vừa đủ không?” Các vị ấy bèn bạch Đức Thế Tôn rằng: “Cơ thể chúng con vừa chịu đựng được. Chúng con vẫn hòa thuận không khi nào cãi cọ với nhau. Và khi nhập hạ vật thực cũng vừa đủ luôn.” Khi ấy các vị cũng bạch Phật về sự vất vả cực nhọc trong lúc đi đường.

Kế tiếp, Đức Phật ngài thuyết Pháp về vòng sanh tử luân hồi vô cùng vô tận để độ các vị tỳ khưu ấy. Khi dứt thời Pháp, 30 vị ấy đều đắc quả A-la-hán xong đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đồng dùng thần thông bay về chỗ cư ngụ của mình. Sau khi ấy, Đức Phật mới nghĩ rằng: “Nếu Như Lai cho phép hành lễ Dâng y Kaṭhina trước thì các thầy tỳ khưu có thể để một lá y tăng-già-lê lại, chỉ có đem theo 2 lá y mà thôi như vậy thì cuộc hành trình được nhẹ nhàng, hơn nữa tất cả chư Phật cũng đều có cho phép lễ Kaṭhina hết thảy.”

Khi suy nghĩ như vậy rồi Đức Thế Tôn cho gọi các vị tỳ khưu mà ra lịnh rằng: Anujānāmi bhikkhave vassaṃ vatthānaṃ bhikkhūnaṃ kathinaṃ attharituṃ atthatakathinānaṃ vo bhikkhave pañca kappissanti – Này các thầy tỳ khưu, Như Lai cho phép các thầy sau khi ra hạ rồi có thể lãnh y Kaṭhina. Khi các thầy được thọ lãnh y Kaṭhina rồi sẽ được 5 quả báu.

 

Giải về ý nghĩa của Lễ Kaṭhina.

Tiếng nói Kaṭhina là tiếng tổng quát gom lại tất cả ý nghĩa những tiếng gọi là phận sự trong cuộc lễ Dâng y casa.

Vấn: Cái chi gọi là Kathina? Đáp: Theo trong bộ Parivāra giải rằng: Te saññeva dhammānaṃ saṅgaho samavāyo nāmaṃ nāmakammaṃ nāmadheyyaṃ nirutti byañjaṃ abhilāpo yadidaṃ kathinaṃ – Tất cả các pháp trong công việc của lễ dâng y, kể từ tỳ khưu nhập hạ trước cho đến khi hoan hỷ thọ lãnh, nào là danh pháp, nào là sắc pháp, sự gom lại, sự thực hành đồng đều, đặt tên gọi ra tên, hình tướng tất cả các pháp này gồm lại kêu là Kaṭhina.

Trong bộ kinh pañcama samanta pāsātikā giải rằng: Yesu rūpādīsu dhammesu sati kathinaṃ nāma hoti tesaṃ samodhāna missībhāvo – khi các pháp, nhứt là sắc pháp gom lại lẫn lộn với nhau một lượt gọi là Kathina.

Tóm lại tiếng nói Kaṭhina không phải là danh từ sâu xa vi diệu, không phải chỉ có một pháp một mà là gom lại các pháp như sự phát sanh y lên, sự thọ lãnh đúng phép tỳ khưu nhập hạ trước, chư tăng từ 5 vị trở lên v.v… mới gọi là Kaṭhina cũng như nhiều vật liệu gom lại người gọi là nhà hay xe vậy.

Năm quả báo của lễ Kaṭhina.

Theo Phật ngôn, thầy tỳ khưu khi đã thọ lãnh lễ Dâng y casa rồi thì được 5 quả báo như sau:

             1. Anāmantacāro: kỳ lễ dâng y chưa mãn hạn hoặc chưa hủy bỏ, tỳ khưu đi đâu khỏi cần kiếu từ vị tỳ khưu khác khi có mặt là khỏi phạm tội vì điều học cārita. Sự không cần phải kiếu từ có giải như vầy: Thầy từ khưu nào đã nhận lãnh đi thọ thực một nơi nào, nhưng chưa có độ vật thực của người đó, nếu không có kiếu từ vị tỳ khưu khác có mặt tại chùa mà cứ đi vào xóm tới nhà này nhà kia thì vị tỳ khưu ấy phải phạm tội ưng đối trị. Nhưng thầy tỳ khưu khỏi phạm tội do được thọ lãnh lễ Dâng y Kaṭhina.

            2. Asamādānacāro: thầy tỳ khưu đi đâu cách đêm khỏi phải mang đủ tam y theo mình (y đã nguyện thành tên rồi) khi mặt trời mọc lên rồi dầu có xa lìa cả tam y cũng không phạm tội.

            3. Ganabhojanaṃ: tỳ khưu từ 4 vị trở lên nếu có thí chủ thỉnh thọ thực nhưng lại kể tên vật thực ra[5] các thầy đồng đi thọ thực thì phạm ưng đối trị, nếu tỳ khưu được thọ lãnh lễ Dâng y thì khỏi phạm tội.

            4. Yāvadattha cīvaraṃ: thầy tỳ khưu có thể giữ y bao nhiêu cũng vô tội trong thời hạn quả báo của lễ Dâng y, khỏi phải nguyện, khỏi phải gởi chỉ định cho ai.

            5. Yo ca tattha cīvaruppādo so nesaṃ bhavissati: y bát của tỳ khưu hay sa di liễu đạo, y người dâng cúng đến chư tăng, y phát sanh lên do tài sản của tăng, nói tóm lại y nào phát sanh do huê lợi chung quanh chùa tất cả những y ấy chỉ chia cho các vị nào có lãnh lễ Dâng y casa đó mà thôi (còn như các vị tỳ khưu khác là khách tăng thì không có quyền chia phần y ấy).

Cách dâng y casa Kaṭhina.

Thí chủ nào có tâm trong sạch vào khoảng thời kỳ trong 1 tháng kể từ (16 tháng 09 âl đến rằm tháng mười) muốn làm lễ Dâng y casa đến chư tăng an cư kiết hạ tại một ngôi chùa nào thì đến bạch với sư cả rằng: “Bạch ngài, tôi xin dâng y casa vào chùa này”. Khi vị sư cả đã chấp thuận thì về lo sửa soạn lễ vật phụ tùng trong cuộc lễ tùy theo giàu nghèo.

Hỏi: Tại sao phải đến chùa xin vị sư cả trước? Đáp: Nếu không xin trước tự ý đem lễ vật y bát đến chùa thì có khi chư tăng không có mặt đầy đủ hoặc là chùa ấy đã có hứa trước với ai rồi khi mình đem đến nữa làm cho bất tiện và cũng không thể thọ lãnh nữa được.

Ở trong một chùa hay tịnh xá có bao nhiêu vị chẳng hạn, nếu có ý đầy đủ mỗi vị 1 bộ thì càng quí, bằng không chỉ một bộ tam y cũng được, nói cho cùng là trong 3 lá y[6] tối thiểu có một lá nào cũng được, đây là hành lễ để chư tăng được 5 quả báo vậy thôi.

Như người nghèo quá có tâm trong sạch chỉ có 4 thước vải thôi, vừa đủ may một lá y nội gọi là an-đà-hội, đem đến chùa không có ai dâng y cả, cũng được phước báu của lễ dâng y vậy. Nhưng trong các nước Phật giáo thuần túy thì nhiều đại phú gia họ dâng y luôn cả vật phụ thuộc đầy đủ như giường, bàn ghế, mùng mền, chén, bát, thau, chậu, khăn v.v… họ còn tổ chức thêm cuộc trai tăng cho được phần long trọng.

Sáng sớm họ và thân bằng quyến thuộc cùng bậu bạn đem y casa đến chùa, rồi thỉnh chư tăng vào chánh điện thọ tam qui ngũ giới xong rồi đọc bài dâng y như vầy: “Mayaṃ bhante, imaṃ Kaṭhina dussaṃ[7] bhikkhu saṅghassa dema amhākaṃ dīgharattaṃ atthāya, hitāya, sukhāya. Dutiyampi…tatiyampi… – Bạch đại đức tăng, chúng tôi xin dâng y casa cùng các vật phụ tùng đến chư tăng, xin chư tăng nhận lãnh cho chúng tôi được sự lợi ích, sự tấn hóa, sự an vui lâu dài. Lần thứ nhì… lần thứ 3…”

Có nhiều nơi họ dâng y còn nguyên vải trắng chưa may chưa nhuộm, như vậy thì phận sự chư tăng phải cu hội lại cắt may và nhuộm cho xong trong nội ngày. Nhưng phần đông ở khắp nơi bây giờ thì họ thường cắt may và nhuộm sẵn càng tốt. Nếu như cắt may nhuộm phải làm cho đúng luật thì chư tăng thọ lãnh mới thành tựu, còn như cắt may nhuộm không đúng luật thì lễ Dâng y casa ấy không thành tựu phước báu (đến chư tăng).

Bởi vậy, nếu khi thí chủ đem y casa đến làm sẵn rồi thì vị luật sư phải xem xét lại coi có đúng luật không nghĩa là y đó có cắt rời ra từng mảnh rồi mới may lại không? Màu nhuộm có đúng luật Phật định không? Khi xem xét kỹ lưỡng rồi thì thọ lãnh mới tròn đủ phước báu.

Cách thọ lãnh y casa.

Theo trong Đại tạng Mahāvagga Đức Phật có dạy như vầy: Evañca pana bhikkhave kathinaṃ attharitabbaṃ – Này các thầy tỳ khưu, các thầy thọ lãnh y như thế này.

Nếu nói về số tăng thì ít nhất phải đủ năm tỳ khưu hay hơn đó trở lên thì thọ lãnh lễ dâng y mới được, còn nói về cách nhập hạ thì vị tỳ khưu lãnh y ấy phải nhập hạ trước[8] tỳ khưu đứt hạ hoặc nhập hạ sau, hay là tỳ khưu ở chùa khác đến lãnh cũng không thành tựu được, cũng như vị không có nhập hạ.

Chỗ nói phải đủ 5 vị tỳ khưu là 4 vị giao y casa cho 1 vị thọ lãnh rồi 4 vị ấy chỉ hoan hỷ thọ lãnh phước báu (anumodanā) của lễ dâng y thì cũng đều được phước báu in nhau hết thảy (đây là nói 4 vị kia đồng ở 1 chùa cùng nhập hạ trước một lượt với nhau), nếu thỉnh các vị chùa khác lại cho đủ tăng thì các vị ấy không có anumodanā được.

Nếu chùa nào chỉ nhập hạ trước có 4 vị, 3 vị, 2 vị hoặc 1 vị thì có thể thỉnh chư tăng nhập hạ sau hay chư tăng chùa khác đến cho đủ 5 vị cũng được, hoặc có ông sa di nào đúng 20 tuổi trong khoảng nhập hạ sau cho đến ngày lễ pavāranā, cho ông sa di ấy lên tỳ khưu cho đủ 5 vị, và vị tỳ khưu mới lên trong thời kỳ nhập hạ ấy cũng được hưởng phước báu của lễ dâng y như mấy vị kia. Cách cho lên tỳ khưu trong hạ ấy chẳng phải chỉ có 1 vị mà thôi, dầu cho có 2, 3, 4 vị cho lên tỳ khưu rồi cũng được hưởng quả báo in nhau hết thảy.

Nếu trong 1 chùa mà không có vị nào rành mạch trong công việc thọ lãnh y casa, như vậy có thể thỉnh vị nào ở chùa khác đến chỉ dạy cách thọ lãnh và đọc tuyên ngôn dùm cũng được thành tựu.

Trong tạng Luật dạy tỳ khưu phải rành mạch trong tám pháp mới thọ lãnh y casa được. Tám pháp ấy là: Atthadhammovido bhikkhu kathinatthāra marahati pubbaṃ paccudhārā -dhiṭṭhānatthāro mātikāti ca palibodho ca ubhāro ānisaṃso panatthime 1) pubbakarana: phận sự phải làm trước như cắt may; 2) paccuddhāra: biết cách xả y cũ; 3) adhitthāna: biết nguyện y mới; 4) atthāra: cách thọ lãnh đúng phép hoặc không đúng phép; 5) mātikā: 8 nguyên nhân làm cho lễ dâng y tiêu hoại hết hiệu lực; 6) palibodha: sự ràng buộc hay bận rộn; 7) ubbhāra: cách hủy bỏ; 8) anisaṃsa: biết 5 quả báo. 8 Pháp này sẽ giải rộng phía sau.

Vấn: Ai có thể làm lễ Dâng y casa được? Đáp: Chư Thiên, nhân loại, 5 hạng xuất gia là tỳ khưu, tỳ khưu ni, sa di, sa di ni, sikkhāmānā[9] đều có thể dâng y được hết thảy.

Vấn: Khi thí chủ về dâng y đến chư tăng phải lãnh bằng cách nào? Đáp: Khi thí chủ về dâng y xong, tỳ khưu chỉ lãnh bằng tâm là làm thinh ưng chịu, chớ không được thọ bằng thân hay khẩu.

Vấn: Y Kaṭhina ai được phép lãnh? Đáp: Tăng giao cho vị nào thì vị ấy được phép thọ lãnh.

Vấn: Tăng phải giao y Kaṭhina cho ai? Đáp: Vị tỳ khưu nào có y cũ rách thì chư tăng giao cho vị ấy lãnh nếu có nhiều vị y bị cũ rách thì chư tăng nên giao cho vị cao hạ có y rách ấy lãnh và trong các vị cao hạ mà vị nào rành mạch về 8 pháp phía trước thì nên giao cho vị ấy thọ lãnh và phải làm phận sự cho xong trong nội ngày, chớ không được để trễ qua ngày sau thì phải hư hỏng, còn như mấy vị già cao hạ mà không rành 8 pháp thì nên giao cho vị sư trẻ cao hạ hơn mà rành rẽ 8 pháp thọ lãnh.

Theo trong chú giải Vinayā lankā có dạy cách giao y như vầy. Chọn 2 vị tỳ khưu, 1 vị vấn 1 vị đáp.

Vấn: Y Kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi tăng nên giao cho vị nào thọ lãnh? Đáp: Bạch đại đức tăng vị nào có y cũ rách thì tăng nên giao cho vị ấy thọ lãnh.

Vấn: Tỳ khưu có y cũ rách nhiều vị, hay là ở đây không có vị nào y cũ rách hết thì tăng phải làm sao? Đáp: Như vậy tăng nên giao cho vị cao hạ.

Vấn: Ở đây vị vào cao hạ hơn hết? Đáp: Vị tỳ khưu tên … (như Nāgathera)

Vấn: Vậy chớ vị ấy có đủ tư cách sắp xếp làm xong và thọ trong ngày nay không? Đáp: Vị ấy có thể sắp đặt xong.

Vấn: Vậy chớ vị ấy có đủ 8 pháp không? Đáp: Vị ấy đầy đủ rồi.

Vị tỳ khưu vấn nên nói: ‘sādhu lành thay’ như vậy tăng nên giao y Kaṭhina cho vị tỳ khưu ấy lãnh.

Kế tiếp một vị luật sư rành rẽ đọc tuyên ngôn như vầy: “Sunātu me bhante saṅgho idaṃ saṅghassa kathinadussaṃ uppannaṃ, yadi saṅghassa pattakallaṃ saṅgho imaṃ Kaṭhina dussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno dadeyya kathinaṃ attharituṃ, ess ñatti.

Sunātu me bhante saṅgho idaṃ saṅghassa Kaṭhina dussaṃ uppannaṃ saṅgho imaṃ kathinadussaṃ, (itthannāmassa) bhikkhuno deti kathinaṃ attharituṃ, yassāyasmato khamati imassa Kaṭhina dussassa (itthannāmassa) bhikkhuno dānaṃ kathinaṃ attharittuṃ, so tunhassa yassa nakkhamati, so bhāreyya. Dinnaṃ idaṃ saṅghena Kaṭhina dussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno kathinaṃ attharituṃ khamati saṃghassa tasmā tumhī evametaṃ dhārayāmi”.

Nghĩa: Bạch đại đức tăng, xin chư tăng nghe tôi trình, y Kaṭhina này đã phát sanh đến chư tăng, nếu hợp thời đến chư tăng thì tăng nên giao y này cho vị tỳ khưu tên… thọ lãnh, đây là lời tuyên ngôn.

Bạch đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, y Kaṭhina này đã phát sanh đến chư tăng, bây giờ chư tăng giao y này cho thầy tỳ khưu tên… thọ lãnh, sự giao y Kaṭhina này đến thầy tỳ khưu tên… thọ lãnh, vị nào ưng thuận xin vị ấy làm thinh, còn vị nào không ưng thuận xin vị ấy nói lên cho biết, y Kaṭhina này tăng đã giao cho vị tỳ khưu tên… thọ lãnh. Sự giao y này hợp lý đến chư tăng nên các ngài mới làm thinh. Tôi xin ghi nhận sự giao y này hợp pháp do sự làm thinh ấy.

Nếu như y may nhuộm xong thì thọ lãnh liền cũng được. Còn như họ đem đến vải nguyên cây thì tỳ khưu thọ ấy phải giặt cho sạch nếu dơ, rồi đo, cắt, may, nhuộm cho đúng màu Casa, làm dấu cho xong nội trong ngày. Công việc bận rộn như vậy mà các vị ấy phải tiếp tay nếu vị nào không cần mẫn tiếp giúp thì phạm tội hành ác. Khi xong tất cả phận sự mới được thọ lãnh.

Nếu vị tỳ khưu ấy muốn thọ y tăng-già-lê, phải đọc xả tăng-già-lê cũ rồi lấy y mới nguyện lên tăng-già-lê, xong nói ra tiếng như vầy: Imāya saṅghātiyā kathinaṃ attharāmi – Tôi thọ y Kaṭhina bằng tăng-già-lê này. Nếu thọ y huất-đà-la-tăng (y vai trái) thì cũng xả y cũ nguyện y mới rồi nói ra tiếng cho rõ như vầy: Iminā uttarāsangena kahitnaṃ attharāmi – Tôi xin thọ y Kaṭhina bằng y huất-đà-la-tăng này. Nếu muốn thọ y an-đà-hội (y nội) thì cũng xả y cũ, nguyện y mới rồi nói ra tiếng như vầy: Iminā antaravāsakena kathinaṃ attharāmi – Tôi xin thọ y Kaṭhina bằng y an-đà-hội này.

Xong chấp tay giữa chư tăng tuyên bố như vầy: Atthataṃ bhante (đây là vị nhỏ hạ còn cao hạ hơn hết thì đổi chữ bhante ra chữ āvuso) saṅghassa kathinaṃ dhammiko kathinatthāro anumodadha – Bạch chư tăng, y Kaṭhina của tăng tôi đã thọ rồi, sự thọ này đã hợp pháp, xin chư tăng hãy hoan hỷ (anumodanā). Nếu trong chùa đó chỉ có 1 vị nhỏ hạ hơn hoan hỷ thì đổi chữ anumodātha lại chữanumodāhi thôi.

Về phần các vị hoan hỷ ngồi chồm hổm lên đọc như vầy: Atthataṃ āvuso saṅghassa kathinaṃ dhammiko kathinatthāro anumodāma – này đạo hữu, y Kaṭhina của tăng, ông đã thọ rồi, sự thọ này rất hợp pháp, vậy chúng tôi hoan hỷ thọ lãnh phước báu. Nếu trong chùa chỉ có 1 vị hoan hỷ thì đổi chữ anumodāma lại chữ anumodāmi.

Khi đọc hoan hỷ thì tất cả chư tăng đều được phước báu in nhau như vị tỳ khưu thọ lãnh.

Trong bộ luật parivāra có nói tăng hay 1 nhóm tăng (2 hay 3 vị) thọ Kaṭhina không thể được, chỉ có 1 vị tỳ khưu mới lãnh được mà thôi và khi tăng hay nhóm tăng hoan hỷ thọ lãnh phước báu thì tăng cũng như nhóm tăng đều quả báu in nhau hết thảy.

Khi thí chủ dâng y xong rồi về hết thì tất cả y và đồ phụ tùng thuộc về của tăng, tăng có thể chia nhau tùy theo số chư tăng nhập hạ trước, nếu không có sổ nhập hạ thì chia dâng từ chỗ vị cao hạ cho đến cuối cùng tùy theo vật dụng đủ đến đâu hay đó, chỉ trừ những trọng vật (garubhanda) như giường ghế, chậu, dao, búa v.v… thì không nên chia vì đó là trọng vật của tăng. Cách chia từ vị cao hạ xuống dưới không bắt số, không nên lựa y bằng giá nhau, nên lựa y tốt đáng chia cho vị cao hạ mỗi vị một lá cho đến cùng, nếu còn dư thì cũng chưa từ trên trở xuống hết đến đâu cũng được, còn mấy vị nào thiếu thì kỳ sau ai đem y dâng nữa trong hạn kỳ của phước báu lễ dâng y năm tháng đó thì lấy chia tiếp cho các vị chia còn thiếu trước kia, dầu cho ý phát sanh lên cho huê hợi của chùa cũng phải chia bằng cách ấy,

Nếu trong chung quanh sīmā chùa có nhiều liêu cốc của nhiều nhóm chư tăng cũng phải tụ lại trong 1 chỗ với nhau rồi thọ lãnh y Kaṭhina mới thành tựu. Nếu thọ lãnh riêng ra thì không thành tựu đâu.

Đây giải về cách thọ lãnh y Kaṭhina thành tựu hay không thành tựu.

Vấn: Có mấy cách thọ y Kaṭhina không thành tựu? Đáp: Có 24 cách làm cho lễ thọ y Kaṭhina không thành tựu gọi là anathākāra. 1)      ullikhitama: lãnh y Kaṭhina chưa xong chỉ đo bề dài bề ngang vậy thôi; 2) dhovanamattena: lãnh y Kaṭhina chưa cắt may xong chỉ mới giặt; 3) cīvaravicāranamattena: lãnh y Kaṭhina chưa làm xong chỉ tính toán sắp đặt đây là y 5 điều, 7 điều, 9 điều, 11 điều; 4) chedanamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ mới cắt ra thôi; 5) bandhnamattena: lãnh làm chưa xong vì mới lược kết vào; 6) ovaṭṭiṭṭakaranamattena: lãnh y chưa xong chỉ mới may thưa thưa theo hàng hàng chỉ lược sơ; 7) kaṇḍūsakaranamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ mới kết vải khuy để cột; 8) dalikamma karanamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ lấy vải Kaṭhina may thêm vô y cũ của mình 1 lớp nữa; 9) anuvāta karanamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ mới may bìa dài; 10) paribhaṇḍ karanamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ mới may bề ngang; 11) ovaṭṭeya karanamattena: lãnh y chưa làm xong chỉ mới nối mảnh vải này với mảnh vải kia chỗ này với chỗ nọ; 12) kambalamaddana mattena: lãnh y nhuộm chưa đúng màu y casa[10]; 13) nimittakatena: lãnh y Kaṭhina do tỳ khưu đã nói xa nói gần là nói ướm (như nói tôi chỉ lãnh mặt y như thế này); 14) parikathākatena: lãnh y Kaṭhina do tỳ khưu nói ra nói vô kêu gọi biểu họ làm (như nói chùa tôi không ai dâng y vô hết, ai làm phước dâng y sẽ được vợ giàu có phước lớn v.v…); 15) kukkhukatena: lãnh y do tỳ khưu đi kiếm xin đem về hay mượn y của người khác hay tự thọ lãnh bằng y của mình đã có; 16) sanidhīkatena: lãnh y đã để cách qua 1 ngày trong tay người lãnh; 17) nissaggiyena: lãnh y vì để cách đêm; 18) akappakatena: lãnh y vì chưa làm dấu; 19), 20), 21) aññatra saṅghātiyā, uttarāsaṅgena antaravāsakena: lãnh y Kaṭhina ngoài tam y ra là ngoài tăng-già-lê, uất-đà-la-tăng, an-đà-hội nhưng nếu lãnh 1 lần luôn 3 lá y thì cũng không được chỉ lãnh 1 cái mà thôi; 22) aññatra pañcakena vā atireka pañcakena vā tadaheva sañchinnena sammandalīkatena: lãnh y Kaṭhina, mấy điều không cắt đứt ra, bẻ xếp lại rồi may chồng lên hay là may mà không đủ 9 chi của y hay lãnh y chỉ may chỉ có 2, 3, 4 điều mà thôi, ngoài ra y 5, 7, 9 và 11 điều; 23) aññatra puggalassa atthārā: lãnh không phải 1 vị mà chư tăng hay 1 nhóm tăng thọ lãnh; 24) nissīmaṭṭho anumodati: đứng hay ngồi ngoài sīmā mà thọ lãnh hay hoan hỷ anumodānā.

            Nói về sīmā và cận sīmā thì khi đọc tuyên ngôn ñatti giao y cho vị tỳ khưu lãnh thì luôn luôn phải ở trong sīmā. Còn khi thọ lãnh attharā hay hoan hỷ anumodānā thì trong sīmā hay cận sīmā gọi là upacāra sīmā cũng được.

Chỗ này thế nào gọi cận sīmā? Chỗ gọi là cận sīmā, nếu trong chùa có hàng rào thì kể từ hàng rào ấy còn như chùa không có hàng rào thì xa bằng người liệng cục đất từ chùa ra, chỗ chư tăng đã nhập hạ, ngoài đó ra thì không thọ được.

Đây là cách giải về lãnh y không thành tựu.

Đây giải về cách thọ lãnh hợp pháp có 17 cách

Cách lãnh y thành tự hợp pháp gọi là athatākāra: 1) ahatana: lãnh y Kaṭhina bằng vải mới; 2)            ahatakāya: lãnh y đã làm xong bằng vải hơi cũ nhùn nhục; 3) pilotikāya: lãnh y bằng vải sātaka cũ; 4) paṃsukūlena: lãnh y làm bằng vải paṃsukūla là thứ vải bỏ nơi mồ mả hay nơi nào lượm đem dâng; 5) āpaṇikena: lãnh y bằng vải rớt gần quán chợ họ lượm đem dâng; 6) animittakatena: lãnh y trong sạch chớ không phải nói xa gần cho thiện tín đem dâng; 7) aparikathākatena: lãnh y không phải do nói ướm hay nói trắng trợn cho họ đem dâng; 8) akukkukatena: lãnh y không phải do đi xin hay mượn của người; 9)  asandhikatena: lãnh y không để cách đêm; 10)  anissaggiyena: lãnh y không để bị ưng xả đối trị; 11) kappakatena: lãnh y đã làm dấu đàng hoàng; 12), 13), 14) saṅghātiyā attarāsaṅgena antarayāsakena: lãnh ngay y tăng-già-lê, uất-đà-la-tăng hay an-đà-hội cái nào 1 cái chớ không đặng lãnh 1 lần 2, 3 cái; 15) pañcakenavā atireka pañcakena vā taḍaheva sañchinnena samadalīkatena: lãnh y cắt may xong bằng 5 điều, 7 điều, 9 điều, hay 11 điều nội trong ngày; 16) puggalassa attharā: 1 vị tỳ khưu thọ lãnh; 17) sīmāṭṭho anumodati: tỳ khưu ở trong sīmā hay cận sīmā của mình nhập hạ mà thọ lãnh và hoan hỷ anumodanā.

Mātikā: mẫu sanh 8 cách làm lễ Kaṭhina vô hiệu lực hay tiêu hoại: 1) pakkamanantikā: sự đi ra khỏi ranh chùa chỗ lãnh kathina; 2) niṭṭhānantikā: sự làm y xong; 3) sanniṭṭhānantikā: sự quyết tâm dứt khoát; 4) nāsannantikā: sự hư hoại y (như lửa cháy, trộm cắp); 5) savanantikā: sự nghe tin tức; 6) āsāvacchedika: do sự hết hy vọng; 7) sīmātikkantikā: do quá hạn kỳ lễ Kathina; 8) sahubbhāra: do sự hợp lại chư tăng mà hủy bỏ.

1. Giải rằng: Tỳ khưu khi thọ lãnh y rồi nghĩ rằng “Ta không trở lại chùa này nữa” rồi đem y đã làm xong đi ra khỏi ranh chùa chỗ nhập hạ thì lễ Kaṭhina của vị ấy vô hiệu lực vì đã hư hoại và cũng không được 5 quả báo nữa. Đó là nguyên nhân thứ nhất.

2. Tỳ khưu đã thọ lãnh y Kaṭhina rồi, đem phần y của mình được làm chưa xong đi ra khỏi, khi đến chùa khác rồi bèn nghĩ rằng “Ta nhờ họ tiếp làm y nơi chùa này và không trở lại chùa cũ mình nữa”. Tỳ khưu ấy nhờ người tiếp làm xong thì lễ dâng y của vị ấy hết hiệu lực.

3. Tỳ khưu thọ lãnh y về dâng y rồi, đem y làm chưa xong đi ra khỏi ranh chùa bèn nghĩ rằng “Ta sẽ không mượn người tiếp làm y đâu và ta cũng không trở lại chùa cũ nữa”. Khi tỳ khưu suy tính như vậy thì hiệu lực của lễ dâng y chấm dứt.

4. Tỳ khưu thọ lãnh lễ dâng y rồi, đem y chưa làm đi ra khỏi vòng rào chùa mới nghĩ rằng “Ta sẽ cho người tiếp làm y nơi đây và ta sẽ không trở lại chùa cũ nữa”. Nhưng khi đương làm y thì bị hư hoại do trộm cướp hay bị lửa cháy thì lễ dâng y ấy hết hiệu lực.

5. Tỳ khưu thọ lãnh lễ dâng y rồi, nghĩ rằng “Ta sẽ trở lại chùa” rồi đem y đi, khi đi ra ngoài vòng rào chùa rồi lại nghĩ rằng “Ta sẽ cho người tiếp làm y nơi này”, khi tỳ khưu làm y xong lại được tin chư tăng nơi chùa mình đã hủy bỏ lễ Kaṭhina, khi vừa nghe tin như vậy thì lễ Dâng y Kaṭhina không còn hiệu lực.

6. Tỳ khưu thọ lãnh lễ dâng y rồi, đi ra khỏi chùa với ý định kiếm y nơi chỗ khác, nhưng khi ra khỏi vòng rào chùa lại nghĩ rằng “Ta sẽ kiếm y ngoài ranh chùa và ta sẽ không trở lại chùa nữa”. Tỳ khưu ấy đang kiếm y, nhưng chưa được, lại bỏ ý định kiếm y nữa. Chỉ bỏ ý định kiếm y nữa thì lễ Kaṭhina của vị ấy hết hiệu lực.

7. Tỳ khưu thọ lãnh lễ dâng y rồi, nghĩ rằng “Ta sẽ trở lại chùa cũ” rồi đem y chưa làm ra đi, khi đi ra khỏi ranh chùa cho người tiếp làm y đó, đến khi làm xong lại nghĩ “Ta sẽ trở về chùa” nhưng bị ngưng lại ngoài ranh chùa cho đến khi hết hạn kỳ lễ Kaṭhina, thì tự nhiên lễ ấy cũng đồng hết hiệu lực.

8. Tỳ khưu thọ lãnh lễ dâng y rồi, nghĩ rằng “Ta sẽ trở lại chùa cũ” rồi đem y chưa làm ra đi, khi cho người tiếp làm y ấy xong lại nghĩ rằng “Ta sẽ trở về chùa” và cũng trở về đến đúng lúc lễ Kaṭhina hết hiệu lực chung cùng với các vị khác.

Sự bận rộn hay ràng buộc – palibodha.

Sự ràng buộc có 2 là: āvāsa palibodho: sự ràng buộc chỗ ở nhập hạ; cīvara palibodho: sự ràng buộc về y.

Giải rằng: Thầy tỳ khưu trong Phật pháp khi ở nơi cư ngụ nào khi đi ra khỏi mà còn cố ý muốn “Ta sẽ trở lại” gọi là sự ràng buộc về chỗ ở, hoặc đã đi đến ở nơi chùa khác rồi mà vẫn còn mến tiếc sẽ trở lại chùa cũ nữa.

Sự ràng buộc về y là: tỳ khưu sao chưa làm y hoặc làm mà chưa xong hoặc giã sự hy vọng còn kiếm y chưa dứt, như vậy gọi là sự ràng buộc về y.

Hết hiệu lực hay hủy bỏ – ubbhāra.

Hết hiệu lực hay hủy bỏ có 2 là: atthamātikā: sự hết hiệu lực của lễ Kaṭhina do 8 mẫu sanh matikā phía trước; anatarubbhāra: sự hết hiệu lực hay hủy bỏ lễ Kaṭhina do chư tăng nơi chùa đồng lòng đọc tuyên ngôn hủy bỏ do một nguyên nhân nào.

Như có nhiều vị tỳ khưu khách đến y đều cũ hết, thiện tín thấy vậy rủ nhau dâng y vào chùa đến chư tăng, lẽ tự nhiên chư tăng đã thọ lễ Kaṭhina mới có quyền chia nhau mà thôi, thành ra các vị tăng khách y vẫn cũ rách. Thí chủ thấy vậy lấy làm lạ, bèn bạch hỏi vì lý do nào mà các vị khách tăng không được chia y mới dâng. Khi các vị tỳ khưu cho biết vì phước báu của lễ Kaṭhina nên mấy vị khách tăng không có quyền chia. Thí chủ bèn đem việc ấy bạch Phật làm cách nào cho các vị tăng được lãnh y mới.

Đức Phật dạy rằng: Muốn cho các vị khách tăng ấy lãnh y được thì chư tăng tại chùa phải hội nhau lại đọc tuyên ngôn hủy bỏ lễ Kaṭhina đi thì tự nhiên phước báu của lễ Kaṭhina không còn hiệu lực nữa. Khi ấy thí chủ muốn dâng y đến các vị khách tăng thì mới thọ lãnh được.

Bởi cớ ấy khi muốn hủy bỏ lễ Kaṭhina trước khi hết thời hạn, vì một lý do nào thì phải hội chư tăng đã lãnh lễ Kaṭhina lại mà đọc tuyên ngôn như vầy: “Sunātu me bhante saṅgho, yadi saṅghassa pattallaṃ saṅgho kathinaṃ uḍḍhareyya, esā ñati. Sunātu me bhante saṅgho saṅgho Kaṭhina uddhara ti yass’āyasmato khamati kathinassa uddharo so tunhassa yassa nakkhamati so bhāseyya, ubbha taṃ saṅghena kathinaṃ. Khamathi saṅghassa tasmā tunhī evametaṃ dhārayāmi – Kính bạch đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình bày, nếu thời giờ phù hợp đến chư tăng, vậy tăng nên hủy lễ Kathina, đây là lời tuyên ngôn. Bạch đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình bày, giờ tăng hủy bỏ lễ Kathina, sự hủy bỏ lễ Kaṭhina này vừa lòng vị nào thì xin vị ấy làm thinh, còn vị nào không vừa lòng thì xin vị ấy nói lên cho biết. Lễ Kaṭhina tăng đã hủy bỏ rồi, sự việc này hợp đến chư tăng, bởi vậy chư tăng mới làm thinh. Tôi xin ghi nhận sự ưng thuận của chư tăng do nơi sự làm thinh ấy”.

            Theo thông thường thì khi lễ Dâng y Kaṭhina hết hiệu lực vì bị hủy bỏ hoặc đứt 2 điều ràng buộc thì đương nhiên 5 phước báu cũng chấm dứt.

Linh tinh – pakiṇṇaka.

Vấn: Có mấy pháp phát sanh một lượt với sự thọ lãnh y Kaṭhina? Đáp: Pháp phát sanh lên một lượt với sự thọ lãnh y Kaṭhina có 15 là: 8 mātikā – mẫu sanh, 2 palibldha – ràng buộc, 5 ānisaṃsa – quả báo.

Vấn: Gốc của Kaṭhina, vật dụng, căn bản của vải có mấy? Đáp: Gốc của lễ Kaṭhina là chư tăng, vật dụng của lễ Kaṭhina là tam y, căn bản là 6 thứ vải: vải làm bằng vỏ cây, vải làm bằng bông vải, vải làm bằng tơ tằm, vải làm bằng lông thú, vải làm bằng thớ cây, vải làm bằng 5 thứ trên trộn chung lại.

Vấn: Cái chi là khoản đầu, khoản giữa, khoản cuối của lễ Kathina? Đáp: Sự làm y là khoản đầu, sự xả y cũ nguyện y mới là khoản giữa, sự thọ lãnh và anudanā là khoản cuối.

Vấn: Người thế nào không thể thọ lãnh lễ Kaṭhina được? Người thế nào mới lãnh được? Đáp: người không đủ 8 chi không thể thọ lễ Kaṭhina được là: không biết làm phận sự đầu tiên, không biết xả bỏ y cũ, không biết nguyện y mới, không biết cách thọ lãnh y, không biết nguyên nhân lễ Kaṭhina hết hiệu lực, không biết sự ràng buộc, không biết duyên cớ hủy bỏ Kathina, không biết phước báu của lễ Kathina. Còn người hiểu biết hết 8 chi này thì mới thọ lãnh được.

Vấn: Sự thọ lãnh lễ Kaṭhina gom lại có một pháp là lời nói? Đáp: Nghĩa là sự lãnh lễ Kaṭhina thành tựu do lời nói ra là vị tỳ khưu thọ lãnh nói ra tiếng rõ ràng cho chư tăng nghe, nếu lãnh y Kaṭhina mà nói nho nhỏ chỉ cho mình nghe, chư tăng nghe không rõ mình nói cái chi thì lãnh không thành tựu.

Vấn: Sự thọ lãnh y Kaṭhina của mấy nhóm người mà không thành tựu? Đáp: Sự lãnh y Kaṭhina của 3 nhóm người không hợp lệ: sự thọ lãnh y Kaṭhina ngoài sīmā và cận sīmā; người thọ lãnh không nói ra tiếng rõ ràng; người thọ lãnh nói nhỏ quá không cho người khác nghe rõ.

Vấn: Sự thọ lãnh lễ Kaṭhina có mấy cách không thành tựu và mấy cách thành tựu? Đáp: Sự thọ lãnh lễ Kaṭhina có 3 cách không thành tự là: vật dụng không đầy đủ, thì giờ sái, thiếu phận sự. Nếu ngược lại đầy đủ 3 điều là thành tựu.

Vấn: Tháng nào mới nên thọ lãnh Kaṭhina đúng phép? Đáp: Chỉ có 1 tháng sau khi ra hạ (nếu năm điều hòa là kể từ 16 tháng 9 âl đến rằm tháng mười mới nên thọ lãnh lễ Kaṭhina mà thôi).

Cách đọc Pāli dâng y Kaṭhina: “Namo tassa … (3 lần). Imaṃ bhante Kaṭhina cīvaraṃ sānisaṃsaṃ saṅghassa dema (đọc 3 lần) sādhu no bhante saṅgho imaṃ Kaṭhina cīvaraṃ sānisaṃsaṃ paṭṭiggaṇhātu kathinaṃ attharituṃ, mātāpitu, ādinañca guṇvantānaṃ amhākañca dīgharattaṃ hitāya sukhāya – Bạch đại đức tăng được rõ, chúng tôi xin dâng y Kaṭhina này luôn cả các vật phụ tùng đến chư tăng. Xin chư tăng hoan hỷ nhận lãnh cho chúng tôi được sự lợi ích, sự an vui đến các bận ân nhân nhứt là cha mẹ chúng tôi và tôi được lâu dài, lần thứ nhì…lần thứ ba…”

Giải về phước báu thí chủ.

Vấn: Thí chủ có tâm trong sạch dâng y Kaṭhina đến chư tăng thì sẽ được phước báu như thế nào? Đáp: Thí chủ nào có tâm trong sạch dâng y Kaṭhina đến chư tăng thì sanh lên kiếp nào đều có sắc đẹp y phục đầy đủ không thiếu chi. Nếu người nam thì sau này gặp Phật nghe Pháp xong, muốn xuất gia thì sẽ trở thành ehibhikkhu, nghĩa là khi muốn xuất gia bạch Phật, Đức Phật bèn gọiehibhikkhuvo – người trở thành tỳ khưu đi, khi ấy tự nhiên do phước báu của lễ Kaṭhina mà vị ấy trở nên một vị tỳ khưu có đủ tam y, quả bát và 8 món vật phụ tùng, y như vị tỳ khưu đã xuất gia lâu rồi vậy, khỏi vần phải cạo tóc và kiếm y bát chi cả. Còn người nữ thì không trở thành ehibhikkhuđược nhưng sanh lên kiếp nào cũng có y phục dồi dào đầy đủ lại thêm có sắc đẹp hơn người.

Đừng nói chi đến sự dâng y đầy đủ như bây giờ mà dầu khi có người làm lễ dâng mình hùn kim chỉ để may thôi nhưng phước báu cũng không kể hết được.

Như có một sự tích như sau: Một thuở nọ có một vị đại phú gia tên là Sirīseṭṭhī sau khi Đức Phật Ca Diếp và chư tăng ra hạ rồi. Ông phát tâm trong sạch muốn làm đại lễ Dâng y casa Kaṭhina đến chư tăng và Đức Phật. Ông bèn cho người đi cùng trong xứ Balanại truyền rao rằng ông sẽ cử hành lễ Dâng y casa đến chư tăng và Đức Phật, nếu ai có tâm trong sạch thì xin hùn phước vào cuộc lễ dâng y đa thiểu tùy theo của cải. Trong lúc ấy có một người thật là nghèo khổ, không cơm ăn đủ no, không có quần áo mặc cho lành, y chỉ có một cái khố để che thân mà thôi. Khi y nghe người ta kêu gọi như thế, y mới nghĩ rằng “Có lẽ do kiếp trước ta không có làm phước bố thí chi, cho nên kiếp này ta mới nghèo khổ như vầy. Vậy bây giờ ta ráng tạo phước báu bằng cách hùn phước vào lễ dâng y casa. Nhưng làm sao ta có chi đâu mà hùn phước”. Y mới nghĩ rằng “Ta chỉ có cái khố cũ này thôi để che thân nếu đem đi bán kiếm chút ít tiền hùn vào để mua chỉ may cũng được”, nghĩ như vậy rồi y bèn đem giặt cái khố cũ ấy đi đem bán. Y phải lấy lá cây chầm lại làm khố giả để chen thân, vì vậy mà từ đó có tên đặc biệt là Tinamānava (là người lấy cỏ và lá cây mặc). Đi bán khắp cùng không ai chịu mua vì chỉ là khố cũ rách, sau cùng có một ông bá hộ thấy vậy mới mua cái khố ấy với giá 1 māsaka (lối 1 đồng bạc) để cho chó nằm. Y rất mừng rỡ đem số tiền ấy mua chỉ hùn để may y. Do năng lực phước báu ấy cảm động đến Chư Thiên trên mặt địa cầu đều hoan hỷ ‘Sādhu lành thay, lành thay’ vang dội đến cõi trời Tứ Đại Thiên Vương cũng đồng hoan hỷ luôn đến cả sáu cõi trời Dục giới. Những tiếng hoan hô vang dội ấy thấu đến tai Đức Vua Bārānasī, ngài bèn hỏi chuyện chi mà tiếng reo hò vang dội như thế. Quan hầu bèn tâu qua cớ sự. Đức Vua nghe xong lấy làm hoan hỷ ra lịnh gọi Tiṇamānava vào đền. Y trả lời rằng y không dám vào đền vua vì không có quần áo mặc. Đức Vua bèn cho lấy một bộ y phục thật tốt ban cho y, khi y thay y phục xong liền vào chầu Đức Vua. Đức Vua phán “Trẫm nghe người vừa làm phước và Chư Thiên điều hoan hỷ vậy ngươi chia cho trẫm phân nửa phần phước, trẫm sẽ ban thưởng y phục, xe cộ, voi, ngựa, cung phi, làng mạc cho ngươi dùng xài. Y bèn tâu rằng: “Tâu Đại Vương hạ thần vì nghèo khổ quá và mới làm phước ít quá có một phần thôi nên hạ thần không chia đâu vì sợ hết phước (theo Phật giáo, khi làm phước xong rồi chia cho kẻ khác hay là hồi hướng cho thì mình càng được thêm phước báu chớ không hết, ví như mình có cây đèn cho người mồi hằng trăm hằng ngàn cái khác, họ được sáng sủa thêm, nhưng phần mình cũng không mất phần ánh sáng chút nào). Đức Vua bèn bớt lần lại chỉ xin một phần mười thôi. Y bèn nghĩ Đức Vua xin chia phước như vậy mà mình không chịu chia cũng không nên, nghĩ xong y bằng lòng chia phước cho Đức Vua. Khi Đức Vua hoan hỷ thọ lãnh sādhu xong, bèn ra lịnh ban cho Tiṇamānava nào là y phục, xe cộ, voi ngựa, vàng bạc và số làng mạc, phong cho y làm bá hộ hưởng phước lâu dài.

Nói tích này cho rõ, chẳng những dâng y bằng vải mới được phước báu mà chỉ dâng chỉ để may y trong dịp lễ Kaṭhina cũng được phước báu vô lượng trong kiếp hiện tại.

 – HẾT–

– Dứt tác phẩm 24. Đại lễ dâng y Casa Kaṭhina –

 

[1] Thời kỳ 1, từ 1 đến 15 hạ, thời kỳ 2, từ tới 16 hạ đến 30 hạ thời kỳ 3, từ 31 hạ đến 45 hạ.

[2] Theo chú giải thì 30 vị nầy đều là anh em một cha khác mẹ, con đức Vua Kosala, xuất gia bằng ehibhikkhu nơi Đức Phật và đều đắc quả thánh hữu lậu cả, coi quyển Pháp đầu đà của Đ.Đ Bửu Chơn.

[3] 1 do tuần lối 16 cây số ngàn.

[4] Lễ Tự tứ là Pavāranā yêu cầu lẫn nhau có thấy lỗi chi xin chỉ dạy cho để sửa đổi cho trong sạch.

[5] Như thỉnh chư Tăng đi thọ thực cơm, cá, bánh...

[6] Tam y: 1) Tăng-già-lê 2 lớp, 2) uất-đà-la-tăng, 3) an-đà-hội.

[7] Có chỗ đọc Kaṭhina civaraṃ là khi nào y đã y nhuộm rồi. Nếu có thêm các vật phụ tùng ngoài y ra thì đọc thêm Sapparikkhāraṃ”.

[8] Nhập hạ có 2 kỳ là: kỳ trước kể từ rằm tháng 6 âl cho đến rằm tháng 9, kỳ sau kể từ rằm tháng 7 âl đến rằm tháng mười đây là nói năm điều hòa không có tháng nhuần khoảng ấy.

[9] Sikkhāmānā tập sự trong 2 năm phải giữ 6 giới tới giới không ăn sái giờ, đúng 2 năm mới tu lên được tỳ khưu ni.

[10] Như mới nhuộm y còn màu, như ngà voi, lá cây chính, vàng tươi, màu sen đỏ, màu rơm rạ, màu dừa lửa đều không được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/11/2018(Xem: 9737)
Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43. Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà
21/11/2018(Xem: 8159)
Hòa thượng Thích Kế Châu, pháp danh Không Tín, pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất 1922 tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh cả Ngài là Thiền sư Trí Diệu, học hạnh kiêm toàn, trụ trì và tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.
20/11/2018(Xem: 5690)
“Cây có cội mới trổ cành xanh lá Nước có nguồn mới biển cả sông sâu” Phật cao thâm mới diệu dụng nhiệm mầu Người có Tổ mới xứng danh thiên hạ. Đối với người con Phật, Nguồn là “chân tâm”, là “bản lai diện mục”, là nơi “khởi đầu cho hành trình giải thoát, giác ngộ” tức là nơi “xuất gia, tu học” là chốn Tổ khai sáng nên Sơn môn Pháp phái…
18/11/2018(Xem: 9514)
Trong hai ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2018 (nhằm ngày 7 và 8 tháng 10 năm Mậu Tuất), Chư Tôn Đức Tăng, Ni các tự viện ở California và thân bằng pháp quyến Sư cô Thích Nữ Chủng Hạnh đã tổ chức tang lễ trang nghiêm, trọng thể tại nhà tang lễ Oak Hill, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ.
16/11/2018(Xem: 7026)
Chiều nay đến trước linh đài Thầy mà nghe bao ký ức trànvể theo những giọt mồ hôi tất tả. Hay tin bất ngờ, chạy đi vội vả dù không kịp giờ phút nhập quan để được nhìn Thầy làn cuối.
11/11/2018(Xem: 12010)
Hòa thượng Thích Nguyên Trực, tự Trì Hạnh, hiệu Diệu Liên, thế danh Phạm Đình Khâm, sinh ngày 08 tháng 03 năm 1943 (Qúy Mùi) tại làng Hội Phú, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình thuần nông chất phác, sùng tín Tam Bảo. Thân phụ Hòa thượng là cụ ông Phạm Thành, thân mẫu là cụ bà Mai Thị Ngõ pháp danh Đồng Chính, song thân Ngài sinh được 9 người con, 4 trai và 5 gái. Hòa thượng là con trai thứ 8 trong gia đình; hiện tại chỉ còn Hòa Thượng và em trai út là Hòa thượng Thích Nguyên Trí - trụ trì chùa Bát Nhã tại miền Nam tiểu bang California, Hoa Kỳ.
11/11/2018(Xem: 16284)
Hòa thượng Thích Toàn Đức sinh năm 1940, hiện là Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng. Hòa Thượng vừa đến thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ để thăm viếng chư tôn đức và các tự viện tại đây. Do thời tiết thay đổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, cho nên Hòa Thượng đã viên tịch vào lúc 6 giờ sáng ngày 10-11-2018 theo giờ địa phương Houston (6 giờ chiều, ngày 10-11, giờ Việt Nam). Hiện nay, các thủ tục về pháp y và pháp lý đang được tiến hành để đưa nhục thân Hòa thượng trở về Việt Nam. ĐĐ.Thích Định Minh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, người tháp tùng cùng Hoà thượng trong chuyến đi đã xác nhận thông tin này.
10/11/2018(Xem: 12978)
Hòa Thượng Thích Thiện Huyền (Viện Chủ Chùa Vô Lượng Quang, St. Louis, Hoa Kỳ) vừa viên tịch
05/11/2018(Xem: 13483)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt truyền thông quốc tế Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền tải khái niệm "Phật giáo dấn thân" do mình khởi xướng trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế.
28/10/2018(Xem: 15717)
Như vậy là Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có mặt tại quê hương Việt Nam được 4 ngày, kể từ chiều 26 tháng 10 năm 2018. Thế là Thầy Nhất Hạnh đã về Việt Nam, quê hương mình lần thứ 5 trong cả cuộc đời 93 năm tuổi của Thầy. Hạnh phúc này không của riêng ai, của riêng thầy, của các học trò Thầy, mà của tất cả dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]