Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyễn Minh Cần sống mãi

27/05/201608:06(Xem: 5247)
Nguyễn Minh Cần sống mãi

nguyen-minh-can-60
Nguyễn Minh Cần sống mãi

Ngô Nhân Dụng

Nguyễn Minh Cần sống như một dòng suối trong veo. Anh theo mẫu người nhà nho tráng sĩ những thế kỷ trước. Như Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân hai lần khởi nghĩa, hai lần bị quân Pháp bắt, thong dong dặn dò vợ con trước khi chịu tử hình. Như Giải Nguyên Nguyễn Cao khi bị bắt và được dụ hàng, đã khẳng khái từ chối rồi tự mổ bụng ném vào mặt quân giặc, nói: “Ruột gan tôi như thế này, ai cũng biết cả rồi!”

Năm 17 tuổi, Nguyễn Minh Cần đã tham dự cuộc Cách Mạng Tháng Tám giành độc lập ở Huế, quê hương ông. Năm sau ông đã vào đảng Cộng Sản vì tưởng đây là con đường duy nhất để cứu nước, làm tới ủy viên Thường Vụ Tỉnh Ủy Thừa Thiên. Rồi ra Bắc hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, sau năm 1954 làm ủy viên Thường Vụ Thành Ủy Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố. Trong khi ông đang học Trường Đảng Cao Cấp ở Moskva, Cộng Sản Việt Nam thanh trừng nội bộ bằng chiến dịch Chống Chủ Nghĩa Xét Lại. Năm 1964 Nguyễn Minh Cần ra khỏi đảng, xin tị nạn chính trị ở Liên Xô, làm nghề dạy học, phiên dịch và viết sách, có khi ký tên là Alikanov để qua mắt công an Việt Cộng. Ông và vợ là bà Inna Malkhanova đã tham dự các cuộc biểu tình vào Tháng Tám năm 1990, khi chế độ Cộng Sản Liên Xô đang sụp đổ. Ông thường kể trong đời mình đã dự hai lần “Cách Mạng Tháng Tám!” Từ năm 1990, ông tham gia tích cực vào cuộc vận động tự do dân chủ của người Việt Nam khắp thế giới. Ông tham dự các tập họp chính trị, viết sách viết báo cho đồng bào trong nước và hải ngoại đọc, lúc nào cũng lo gây dựng tình đoàn kết giữa những người cùng lý tưởng dân chủ tự do.

Nếu được gặp anh Nguyễn Minh Cần thì mình sẽ làm gì? Tôi mới tự hỏi. Mấy năm rồi tôi vẫn tính đi Nga thêm một chuyến; để có cơ hội được gặp anh Nguyễn Minh Cần. Gặp một lần nữa trước khi anh ra đi. Khi cùng đi với Lan Hương đến thăm anh ở Moskva lần chót, đã thấy anh rất yếu, sau đó lại có tin anh phải vào bệnh viện mấy lần. Mỗi lần ở nhà thương ra, anh lại viết thư ngay, báo tin anh vẫn khỏe để giúp mọi người bình tĩnh! Và anh bàn bạc ngay những vấn đề đất nước, xin mọi người phải chú ý theo dõi, loan báo tin tức và bày tỏ ý kiến công khai.

Con người Nguyễn Minh Cần chứa một tấm lòng nhiệt thành, tận tụy vì lý tưởng; một tâm hồn ngay thẳng, đĩnh đạc, bộc trực gần như nóng nảy. Anh giản dị, chân thành, lo lắng cho công việc chung, cho tất cả bạn bè anh em. Hỏi tới chuyện nào anh cũng sẵn sàng nói và anh biết rất nhiều; không thấy anh ngần ngại hay tỏ ra muốn giữ kín một điều gì bao giờ. Anh và chị Inna là những con người trong suốt.

Tôi chưa thấy anh chị nói nặng lời về một ai bao giờ, trừ hai nhân vật, với chị Inna là Stalin, với anh Cần là Hồ Chí Minh. Nhưng thực ra họ cũng không nói nặng lời. Họ chỉ kể lại những tội ác của các lãnh tụ Cộng Sản bằng giọng nói bình thản, khách quan, với những câu chuyện cụ thể, các con số, mà hai người đã để tâm nghiên cứu. Khi Vladimir lên cầm quyền được hai, ba năm anh Cần đã báo động với tôi rằng chế độ độc tài đang được tái lập, Putin sẽ là một “đại đế” mới! Khi tôi đề nghị anh viết một bài cho báo Người Việt về tình trạng này, anh đồng ý. Nhưng khi tôi ngỏ ý đưa trả tiền trước nhuận bút, anh gạt tay tôi rất mạnh, từ chối. Anh bảo khi nào viết, đăng rồi hãy trả tiền!

Lần đầu Lan Hương đưa bố con chúng tôi tới ở nhà anh chị tại Moskva trước đây hơn 20 năm, anh chị đã đưa tôi và Bão Phác đi thăm trang trại cũ của nhà văn Tolstoi, một thần tượng của chị. Anh dạy tôi trong tiếng Nga cái tên Tolstoi phải đọc chữ “o” vần đầu như chữ “a.” Cũng như Moskva vần đầu đọc “Mo” là “Ma,” tên cháu Lan Hương là Tonia cũng vậy. Anh chị cho biết vào cuối đời nhà văn đã khám phá ra giáo lý “hiện pháp lạc trú” (an trú trong hiện tại) của Phật Thích Ca; nhưng chắc không có duyên thực tập. Trên con đường hơn 300 cây số, đi mất 6, 7 giờ, xe taxi lâu lâu dừng lại. Có lúc tôi hỏi lý do, anh Cần lắc đầu, vừa cười vừa nhăn mặt: Bà ấy thấy mấy con chó hoang là phải cho chúng ăn. Đi đâu cũng mang theo bọc thức ăn cho chó! Nhìn ra, quả nhiên thấy chị Inna đang đứng giữa một bầy chó nhẩy nhót chờ đón quà! Chị Inna lập ra hội những người bảo vệ chó, đi đâu thấy chó hoang là chị đưa về nhà nuôi.

Sau khi tham ngôi nhà cũ, khu vườn mà hai ngôi mộ của Lev và Sophia Tolstoi, chúng tôi bước ra về trên con đường ra cổng trang trại, hai bên cây xanh che phủ. Anh Cần đi trước, chị Inna và tôi đi sau. Đang bước đi tôi trông thấy một con sâu róm đang bò ngang đường, lủi thủi một mình. Tôi đi chậm lại, chú ý bước qua không để vô tình giẫm chân lên con sâu. Nhưng bỗng chị Inna dừng lại. Chị cúi xuống, đưa hai ngón tay phải nhắc con sâu lên, để nó trên bàn tay trái. Rồi chị bưng con sâu đi chậm chậm sang một bên đường, cẩn thận đặt con sâu đi lạc trên một cành lá xanh. Xong, chị lại tiếp tục bước đi, nói tiếp câu chuyện đang nói dở.

Đó là cung cách trong cuộc sống của anh chị Inna Malkhanova và Nguyễn Minh Cần. Sau nửa thế kỷ sống bên nhau, hai người giống nhau trong tư tưởng, trong cách nói năng bằng tiếng Nga và tiếng Việt, trong cách cư xử với mọi người. Cách đây sáu, bảy năm, tôi tới Moskva muốn đến thăm anh chị, anh nhất định tới đón tôi tận khách sạn. Năm đó đã thấy anh phải chống gậy. Anh và chị đã quy y với Thầy Như Điển ở Đức, nhận pháp danh Thiện Mẫn và Thiện Xuân. Anh chị đã lập một thiền đường và một hội Phật học ở Moskva.

Tuổi già giọt lệ như sương. Nhưng sáng nay mở email ra đọc tin anh Nguyễn Minh Cần qua đời, bao nhiêu bạn bè và các em của anh không thể cầm được giọt lệ. Chị Quản Mỹ Lan ở Pháp viết: “Nay anh Nguyễn Minh Cần ra đi là một sự hụt hẫng, là nỗi mất mát kinh khủng nhất!” Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ ở New Zealand viết: “Nguyện cầu vong linh anh Nguyễn Minh Cần được an nhàn nơi cõi phước.”

Tôi đọc mấy thư anh chị em trao đổi tỏ lòng thương tiếc anh Nguyễn Minh Cần, nghẹn ngào đứng dậy đi ra ngoài đường, vừa đi vừa tự hỏi: Nếu năm ngoái, năm kia, được đến thăm anh Nguyễn Minh Cần và chị Inna thì mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc cũng không làm một điều gì quan trọng. Chắc tôi chỉ ngồi uống trà với anh và chị Inna, nhìn nhau cảm thông trong hơi thở và nụ cười. Gặp anh chị, trò chuyện với anh chị, giống như được tắm gội trong một dòng suối ấm áp trong trẻo của hai con người đáng yêu và đáng kính trọng.

Tôi chợt nhớ câu thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê. Rồi đọc lại bài thơ Thanh Tâm Tuyền viết cho Quách Thoại: “Còn người thi sĩ đi vào miền đất lạ - không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.”

Chắc giờ này anh Nguyễn Minh Cần đang “được an nhàn nơi cõi phước” như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cầu nguyện. Anh sẽ được quên những chuyện trần gian, “không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.” Anh đã chứng kiến bao nhiêu cảnh khổ đau của đồng bào, của đất nước. Một lần cùng đi xe qua Đại lộ Arbat ở Moscow, anh Nguyễn Minh Cần chợt chỉ tay lên, nói với tôi: “Anh Văn Doãn đã tự tử từ lầu sáu ngôi nhà này.” Sau gần 40 năm, anh Cần vẫn chưa quên người đồng chí đã từng làm tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, từng quyết định tị nạn ở Nga với anh, và đã tuyệt vọng khi mất cả quê hương lẫn lý tưởng. Riêng anh vẫn còn nghị lực sống thêm gần nửa thế kỷ, tiếp tục theo đuổi lý tưởng cuộc đời mình. Anh đã hiến dâng cả cuộc đời chỉ mong quê hương được độc lập, tự do, dân chủ. 
Bây giờ mong hương hồn anh Nguyễn Minh Cần không còn bị trói buộc trong “biển gió cát muôn trùng” này nữa. Những người còn ở lại sẽ tiếp tục con đường anh đã cùng đi qua, mỗi người mang trong mình bầu máu nóng, đức trong sáng của Nguyễn Minh Cần. Anh sẽ sống mãi trong lòng đồng bào, trong phong trào phục hưng tổ quốc. Cầu nguyện anh “an nhàn nơi cõi phước.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2023(Xem: 2392)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
19/04/2023(Xem: 2510)
Năm 1964, Hòa thượng thân làm Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn. Đây chính là tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn chủ trương các tập san như Tin Phật, Bát Nhã để gióng lên cho đời tiếng nói của pháp âm. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, Hòa thượng hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, giao thiệp với nhiều danh Tăng các nước.
11/04/2023(Xem: 2740)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Châu (1931-1998)
09/04/2023(Xem: 4207)
Tôi nhận được bản thảo cuốn sách “Phật pháp vấn đáp” của Hòa thượng Thích Giác Quang dày 500 trang và tôi đoc sơ ngay lập tức bản thảo này. Thú thật rằng là người đọc nhiều, nhưng ngay cả với tôi, nhiều điều được Hòa thượng giảng giải ở đây, bây giờ tôi mới hiểu, hoặc hiểu đúng. Bản thân tôi, dù mới tu tập chưa lâu nhưng vẫn thấy rằng rất nhiều người dân đất Việt, kể cả các Phật tử, nhất là miền Bắc, đang hiểu sai về Đức Phật và các giáo lý của Ngài. Hiểu sai một cách nghiêm trọng, thậm chí đang làm ngược lại cả những gì Đức Phật dạy. Vậy nên tôi đang cố công biên soạn cuốn sách hỏi đáp đơn giản và cơ bản nhất về Đức Phật và đạo Phật. Mừng thay, có bản thảo cuốn sách giá trị này, tôi hơn vớ được vàng.
09/04/2023(Xem: 1844)
HT Thích Chí Thiền ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc. Tông Lâm Tế vào Việt Nam từ thế kỷ 12, từng bước đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, HT. Thích Chí Thiền từng bước trả ơn Tam bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh.
09/04/2023(Xem: 2792)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh (1926-2022) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2612)
Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Tuệ Giác (1960-2021) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2309)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nguyên Trực (1943-2018)
08/04/2023(Xem: 3149)
#tieusuchutonduc, #phapamphatgiaotoancau ĐỂ XEM THÊM TIỂU SỬ CHƯ TÔN ĐỨC. BẤM VÀO PLAYPLIST: • Tiểu Sử Chư Tôn Đức 🌎 PHÁP ÂM PHẬT GIÁO TOÀN CẦU (Youtube & Facebook) 👉 / @phapamphatgiaoto... 🙏🏻 Chủ trương: Hoà Thượng Thích Thông Hải 🧘🏻‍♀️ Điều hành: Ca Nhạc Sĩ Thuỳ Linh 😀 Chân thành cám ơn quý vị đã ủng hộ và Subcribe cho đài PAPGTC. Trân trọng! Thanks for Subcribing to our channel. 😀 Nhấn chuông để được thông báo ngay khi có video mới nhất của đài PAPGTC. Press the bell to watch right away when we post a new video. 😀 YouTube: Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu 👉 / @phapamphatgiaoto... 👉 Facebook: Pháp Âm Phật Giáo 👉 / @phapamphatgiaoto... 📧 Email: [email protected] ✏️ Mọi góp ý xin hãy comment bên dưới, chúng tôi sẽ phúc đáp nhanh nhất có thể. 👍 Thank you very much for watching videos. Remember to SUBCRIBE, LIKE, SHARE and COMMENT :-)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]