Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Hoàn Quan

10/04/201311:15(Xem: 12720)
Hòa Thượng Thích Hoàn Quan

htthichhoanquan-small

TIỂU SỬ

CỐ ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH HOÀN QUAN

Khai Sơn Chùa Khánh Vân. Quận 11. Sài Gòn

I-THÂN THẾ :

Hoà thượng Thượng HOÀN Hạ QUAN, thế danh Phạm Ngọc Thơ. Pháp danh NHƯ CỤ THIỆN. Pháp tự GIẢI TOÀN NĂNG. Pháp hiệu THÍCH HOÀN QUAN.

Sinh ngày 16-09-1928 (Năm Mậu Thìn) tại làng Phước Long, nay là thôn Hoà Bình xã Nghĩa Hoà huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Song thân của Ngài là Phạm Công Phạm Khánh Lâm và Cụ bà là Trần Thị Thưởng. Cụ Ông và Cụ bà đã hạ sinh được 6 người con, gồm 2 trai 4 gái, Ngài là người con thứ 5 trong gia đình.

II-XUẤT GIA HỌC ĐẠO :

Cố Đại lão Hoà thượng vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo lâu đời. Tổ khảo của Ngài là Đệ ngũ tổ, Tổ đình Sắc Tứ Thiên Ấn, nơi đây là đệ nhất danh lam tỉnh Quảng Ngãi. Ngài Đệ Ngũ tổ Thiên Ấn hiệu là Hoằng Phúc, khai sơn Tổ đình Sắc Tứ Quang Lộc. Do vậy, lúc 8 tuổi Ngài về Tổ đình Thiên Ấn ở với Hoà thượng Diệu Quang. Đệ lục tổ Tổ đình Thiên Ấn là Cậu ruột, được Ngài Lục tổ Diệu Quang nuôi dạy 2 năm, nhưng chưa thế phát Quy y, vì lúc đó Ngài còn nhỏ.

Trong dịp Hoà thượng Khánh Ngọc từ miền Nam về thăm quê hương Quảng Ngãi, thân sinh của Ngài gởi cho Hoà thượng Khánh Ngọc nhờ dẫn vào Nam gởi cho Sư cụ Khánh Anh, hiện đang Trụ trì Tổ đình Phước Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, nhưng vào đến nơi thì Hoà thượng Khánh Ngọc giữ ở với Hoà thượng tại Chùa Long Phước- Cái Vồn. Rồi ở với Hoà thượng Huyền Khải ở Cái Răng- Cần Thơ. Vì vậy mà Ngài chưa được đến diện kiến và thọ học với Sư Cụ Khánh Anh!

Trong thời gian ở 2 ngôi Chùa trên, Hoà thượng phải chấp lao phục dịch rất cực nhọc, lại không được học hành. Trong khi đó thì Hoà thượng có chí muốn học hành để trở thành người hiểu biết. Do vậy, vào một đêm đen Hoà thượng đã bỏ trốn, Ngài tìm đến Sư Cụ Khánh Anh hiện đang Trụ trì tổ đình Phước Hậu, huyện Trà Ôn. Sau khi trình bày tự sự và thổ lộ ý chí muốn xuất gia tu học. Hoà thượng được Tổ chấp thuận và thế phát xuất gia, ban Pháp danh là Như Cụ Thiện, năm ấy Ngài tròn 15 tuổi.

Dù đã là 15 tuổi, nhưng vẫn chưa được học hành. Do đó, sau khi xuất gia Hoà thượng được tổ Khánh Anh hết lòng dạy dỗ và Cố Hoà thượng Thiện Hoa là Sư huynh đã dạy Việt văn cho Hoà thượng. Khi Hoà thượng đọc được chữ Việt thì rất mừng. Và từ đó Hoà thượng theo học hai chương trình. Nội điển và Ngoại điển.

Năm 1942 Tổ Khánh Anh cho Ngài thọ giới Sa Di và cho Pháp tự là Giải Toàn Năng.

Năm 1946 Sư cụ đưa Hoà Thượng lên Sài gòn ở Chùa Ứng Quang, theo học chương trình Sơ đẳng Phật học.

Năm 1950, khi Phật Học Đường Nam Việt- Chùa Ấn Quang thành lập, do Hoà thượng Thiện Hoà làm Giám đốc. Hoà thượng đã cùng quý Hoà thượng Thích Huyền Vy, Hoà thượng Thích Từ Thông, Hoà thượng Thích Thanh Từ, Hoà thượng Thích Quảng Long, Hoà thượng Thích Minh Cảnh.v.v…theo học chương trình Trung đẳng và Cao đẳng Phật học.

Năm 1955 Hoà thượng thọ Cụ túc giới ở Đại giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Ấn Quang, do Hoà thượng Thích Đôn Hậu làm đàn đầu, với Pháp hiệu là Thích Hoàn Quan.

Song song với chương trình Phật học, Hoà thượng còn theo học chương trình thế học tại trường Văn Lang – Sài gòn cho đến khi tốt nghiệp Tú tài.

III- HÀNH ĐẠO :

Khi tốt nghiệp Cao đẳng và Tú tài toàn phần, thì sau đó Ngài đi dạy các Phật học Viện, đồng thời Ngài là Giáo thọ sư Phật Học Đường Nam Việt. Năm 1960 Ngài làm Đốc Giáo trường Phật Học Phước Hoà- Trà Vinh. Từ năm 1964 đến năm 1975, Hoà thượng là Giáo thọ sư của các trường Phật học như: Phật Học Viện Huệ Nghiêm, Huỳnh Kim, Hải Tràng, Dược Sư, Từ Thiền, Bồ Đề Lan Nhã.v.v… những Tăng Ni sinh thọ học với Hòa thượng thuở ấy, hiện nay hầu hết là các bậc tôn túc ở các Tự-Viện, và đã là Trụ trì, Giảng sư, Giáo thọ sư các trường Phật học, và có người hiện đã lên hàng Giáo phẩm, đang giữ chức vụ quan trọng trong Giáo hội các tỉnh thành, và các ngành các cấp TW giáo hội.

SỰ NGHIỆP PHIÊN DỊCH :

Với nhân duyên đồng chơn nhập đạo, sớm gặp được Minh sư, và sẳn có chủng tánh Đại thừa, nên Ngài đã có một thứ Trí tuệ hơn người đang tiềm ẩn trong bậc chân tu, vốn đã có hoài bảo “Thượng cầu Phật đạo- Hạ hóa chúng sinh”, và nhất là luôn nghĩ đến thế hệ Tăng Ni mai hậu.

Vì thế cho nên, ngoài việc giảng dạy tại các trường Phật Học Viện, Ngài còn trước tác, phiên dịch và biên soạn những bổn Kinh- Luật- Luận rất có giá trị để lại cho hậu thế như sau:

1-Về Kinh : Ngài đã Dịch các bộ Kinh như: Thập Thiện Nghiệp Đạo, Bát Đại Nhơn Giác, Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, kinh Viên Giác…

2-Về Luật : Dịch bộ Luật Trường Hàng gồm Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách,thành văn vần rất hay, làm cho hàng hậu học dể nhớ.

3-Về Luận : Ngài đã dịch các bộ như: Tu Tập Chỉ Quán Toạ Thiền Pháp Yếu, Hiển Mật Viên Thông Tâm Yếu Thành Phật, Tam Thập Tụng luận…

4-Về Hán Văn : Ngài đã soạn các bộ như: Giáo trình Hán Văn- Văn Phạm cương yếu, Tân Học Quốc Văn…Các bộ Giáo trình Hán Văn nầy Ngài đã biên soạn dạy cho Tăng Ni tại các Phật Học Viện, phần nầy vẫn còn là “Bản thảo” chưa in ấn lưu hành.

5-Về Nghi Lễ : Ngài đã biên soạn tập “Nghi Lễ”rất công phu và chi tiết, rất hữu ích cho lớp Tăng Ni trẻ cũng như rất thuận tiện cho những ai có nhu cầu trong việc ứng phó đạo tràng, cũng có thể lấy đây làm phương tiện để truyền bá Phật pháp.

Ngoài những bộ Kinh – Luật- Luận và các Giáo trình đã được phiên dịch và biên soạn như đã nêu trên thật vô cùng quý giá để lại cho đàn hậu tấn, Ngài còn mong muốn làm sao cho Tăng Ni trẻ sau nầy có đủ tư liệu về Tam tạng Thánh điển bằng Việt ngữ, để nương theo đó tu học. Những tác phẩm của Hòa thượng đã được Ban Văn Hóa Thành hội Phật giáo tổng họp lại thành bộ Phật Tổ Ngũ Kinh, đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. Hiện nay chư Tăng Ni và Phật tử trong nước cũng như nước ngoài, xem Bộ Kinh nầy như bộ sách gối đầu giường trong việc tu và học.

SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG NGÔI CHÙA :

Vào năm 1964 Ngài đã Khai sơn Chùa Khánh Vân với biết bao nhiêu công sức và muôn vàn khó khăn gian khổ, vì nơi đây trước kia là một vũng sình. Ngôi chùa Khánh Vân lúc ấy đựơc che tạm lá và tôn, phên tre vách lá, Thầy trò ẩn dật nương náu tu hành. Năm 1968 Chùa bị hoả hoạn chiến tranh. Rồi từ đó, Ngài vừa đi dạy vừa nổ lực cùng với quý Thầy và Phật tử góp công sức khai móng để làm lại Ngôi chùa và đã đổ được một tầng làm Chánh Điện tạm, nay là Giảng đường của chùa Khánh Vân.

Do bận giảng dạy và Phiên dịch Kinh- Luật- Luận, cũng như chưa đủ nhân duyên để trùng tu ngôi chùa, nên chùa Khánh Vân vẫn là Ngôi Chánh Điện tạm. Cho đến ngày 06 – 02 – 1994 ( năm Giáp Tuất ) Nhân duyên đã hội đủ, Ngài đã cho khởi công đặt đá Đại Trùng tu Ngôi chùa. Do xuất thân từ Thiên Ấn - Quang Lộc tổ đình, nên khi Ngài Khánh thành ngôi Chùa Khánh Vân, được Chư sơn Thiền đức tỉnh Quảng Ngãi kính tặng bức Hoành phi sơn son thép vàng, trong đó đặc biệt có hai câu: “Thiên Ấn kế thừa hoằng pháp nghiệp - Khánh Vân thiết lập độ sanh cơ.”

Khi công việc Phật sự Đại trùng tu ngôi Bảo điện được hoàn thành, thì cũng chính là lúc sức khoẻ của Ngài bắt đầu yếu đi. Chẳng những thế, Ngài lại lo lắng khi nghĩ đến việc phải tìm người lo cho ngôi Tam bảo, gánh lấy trách nhiệm Trụ pháp vương gia, trì Như lai tạng để truyền trì mạng mạch, tục diệm truyền đăng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, làm cho Tam bảo được xán lạn huy hoàng. Vì thế, trong thời gian đó Ngài đã mời Thượng toạ Thích Nguyên Ngôn, Người là Giảng sư Hoằng pháp TW.GHPGVN, Giáo thọ sư Trường Trung cấp Phật học, Sàigòn về đây để thay Hoà thượng làm Trụ trì. Ngày 12- 11- năm Bính Tý ( )Ban Trị Sự THPG.TP đã Bổ nhiệm Thượng toạ Thích Nguyên Ngôn chính thức đăng quang nhậm chức Trụ trì. Thượng tọa Trụ trì được mười năm, đã gánh vát cho Hòa thượng rất nhiều Phật sự tại bổn tự. Những tưởng Thượng tọa sẽ tiếp tục lâu dài, nào ngờ đâu Thượng tọa cũng đã sớm treo bình theo Chư Tổ quảy dép quy Tây.

Sau khi đã có người lo cho ngôi Tam bảo, Hoà thượng tuy tuổi già và sức khoẻ mỗi ngày mỗi kém đi, nhưng khi nghĩ đến tiền đồ của Phật pháp, và nhất là thế hệ Tăng ni trẻ sau nầy, nên Hoà thượng đã quên đi tuổi già và bệnh tật, tiếp tục trước tác, biên soạn và phiên dịch cho đến khi Ngài lâm bệnh nặng.

VIÊN TỊCH :

Gần 80 năm qua Hoà thượng đã thuận thế hóa duyên để phụng sự Chánh pháp, lợi lạc quần sinh, để lại cho hậu thế một gia tài Phật pháp vô cùng quý giá trong sự nghiệp biên soạn, trước tác và phiên dịch của Ngài. Trước đó, Sức khoẻ Hoà thượng rất tốt, tỉnh giác, đầy năng lực, nên thời gian gần 10 năm Hoà thượng vẫn tiếp tục điều hành công việc của Chùa trên cương vị là Viện chủ, và tiếp tục hiệu đính các tài liệu giáo khoa Kinh- Luật- Luận- Hán Văn, mà Hoà thượng đã dày công phiên dịch, biên soạn hơn 3 thập niên qua để làm tài liệu cho Tăng Ni hậu thế. Ngày 18/ 11/ 1995, Hoà thượng lâm trọng bịnh, tuy đã vượt qua, song sự đi lại không được bình thường như trước.

Thế rồi, đến ngày 23 tháng 6 năm ẤT Dậu Hoà thượng bị cơn bịnh cũ tái phát dữ dội có phần nguy kịch, mặc dầu môn đồ Pháp quyến và Giáo hội cùng các Y-Bác sĩ ở Bệnh viện đã tận tình chăm sóc. Nhưng vì tuổi cao sức yếu, Ngài đã xả báo an tường thâu thần Viên tịch vào lúc 15giờ 15 phút ngày 17 tháng 6 năm ẤT Dậu (nhằm ngày 22 tháng 07 năm 2005 )

Trụ thế : 78 năm.58 Hạ lạp

Giáo hội và Môn đồ Pháp quyến từ đây vĩnh viễn vắng bóng một bực Tôn sư khả kính. Từ nay huyễn thân Ngài trở về với tứ đại, nhưng hình ảnh và cuộc đời Ngài mãi mãi là tấm gương chói sáng cho Tăng Ni và Tín đồ quy ngưỡng.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhứt Thế, Phước Hậu Đường Thượng. Khai Sơn Khánh Vân Tự.Thượng NHƯ Hạ CỤ THIỆN, Tự GIẢI TOÀN NĂNG, Hiệu HOÀN QUAN Tân Viên Tịch Đại Lão Hoà Thượng Giác Linh Thuỳ Từ Chứng Giám.

htthichhoanquan-small

DSC_0013 (Medium)

DSC_0014 (Medium)

DSC_0037 (Medium)
DSC_0038 (Medium)
DSC_0039 (Medium)
DSC_0043 (Medium)

DSC_0046 (Medium)

DSC_0047 (Medium)

DSC_0055 (Medium)

DSC_0059 (Medium)

DSC_0089 (Medium)

DSC_0093 (Medium)

DSC_0121 (Medium)

DSC_0122 (Medium)

ĐIẾU VĂN CỦA MÔN ĐỒ ĐỆ TỬ

HOÀ THƯỢNG KHAI SƠN CHÙA KHÁNH VÂN

( Đọc trước lúc Di quan)

Kính bạch Khánh Vân khai sơn Tân Viên tịch Hoà Thượng Giác linh!

Chúng con cung kính nghe rằng :

Hoà thượng – Người : Cùng Tổ ngộ dòng Thiền,

-Trong cửa Phước Hậu vâng lời thọ ký, và- Vì người khai Phật trí, nội thành Sài gòn dựng nghiệp độ sanh.

-Nhớ Giác linh xưa :

-Người là non nước tinh anh, Trăng sao tú khí, Tào Khê pháp thuỷ, Thiền thất truyền đăng.

-Chơn truyền Y Bát Đại Tăng, Chánh thống ấn tâm trưởng lão, Thế gian Trụ trì Tăng bảo, Thiên hạ nhàn tãn đạo chơn.

-Khi thiếu thời, Người nhập đạo lúc tuổi đồng chơn, và đăng đàn(Thọ cụ) khi năm niên tráng.

-Trau dồi tuệ mạng, theo Thầy học đạo chuyên cần, trưởng dưởng giới thân, tùng chúng tu tâm tinh tấn.

-Vuông tròn bổn phận : Phục dịch chúng Tăng, đầy đủ khả năng, dắt dìu Phật tử.

-Vì vậy, Người được Thầy Tổ truyền Y bổ xứ, Khánh Vân trúc tích Khai sơn.

-Rồi từ đó, Người sống cuộc đời : Một bát Ba y, Xuân Thu du hoá, chín tuần mười hạ, năm tháng tịnh tu.

-Vì vậy mà người: Có nhiều Tăng Ni theo học, và không ít Phật tử mười phương kính ngưỡng.

-Thật vậy : Khi trưởng thành, Người xứng ngôi Tòng lâm Trưởng thượng, đáng bậc Giáo hội Lão Tăng.

-Cũng giống dòng Minh Hải cân bằng, cũng con cháu Tổ đình sư tượng.

-Nguy nguy Tăng tướng, nghiễm nhiên mày mặt chủ nhân, hạo hạo Pháp thân, tự tại uy nghi thọ giả.

-Người sống đời vị tha vô ngã, tiếp chúng độ Tăng, hạ hoá thượng hoằng, tham Thiền niệm Phật.

-Các Phật Học Viện trước đây, Người là Giáo thọ sư, truyền trao giáo điển cho Tăng Ni rộng khắp Nam kỳ, lợi danh không đắm, địa vị chẳng cần, chướng cạn tuệ sâu, phước sanh nghiệp diệt.

-Người ngộ ly ù: Hoa Hồng trúc biết

-Người nhớ câu : Mây trắng Hạc vàng.

-Đạo nghiệp người : Dường đã gần hoàn, Báo thân người sao mà sớm mãn !

Kính bạch Giác Linh Hoà Thượng Tôn Sư !

Tuy nhiên - Sanh tử phải đâu thường đoạn, Niết Bàn há lại thật quyền ? Biết đâu người Phật quốc hoá duyên, Ta bà ứng cúng- Nên chi người: Đông độ treo Bình từ chúng, Tây thiên quảy dép theo Thầy?

-Than ôi ! Xe gió đường mây, tìm đâu cánh Hạc.

-Tràng phan lầu cát, thấy đâu chân trời !

-Thiên Ấn- tiếc thấy hoa rơi, sông Trà thương nghe nước chảy. Hiện tàng then máy, còn mất nào màng,

-Người ở đâu trong thế giới vô biên ? Người là ai trong chúng sanh vô lượng ?

-Và, chắc Người cũng đã biết : ( Pháp ngữ)

-Pháp thân phi tướng, vốn không sống chết bịnh già,

-Chánh nhãn vô hà, nào có ngã nhơn, chơn giả.

-Vì vậy mà : Ngỡ ngàn nghe Đạo Sanh hỏi đá

-Ngạc nhiên thấy Phật tổ cầm hoa.

-Thế rồi : Thuận xả thao quang Phật quốc.

-Ôi thôi ! Người xa rời Thích tộc, từ giả Thiền gia, thỏ lặng ác tà, sao dời vật đổi, bâng khuâng bối rối, mất mát tiếc thương !

- Giờ thì chúng con biết làm gì đây?

-Chỉ biết : Báo hiếu dâng nén tâm hương,

Thù ân cúi đầu cầu nguyện

Mộc mạc Điếu văn cung tiến

Linh thiêng từ mẫn xin nghe.

Nam mô Khánh Vân Khai Sơn Tân Viên Tịch Tôn Sư nối dòng Lâm Tế đời thứ 41, HUÝ thượng NHƯ hạ CỤ THIỆN Đại lão Hoà thượng Giác linh tác đại chứng minh.

Phục nguyện : Khinh an một mãnh di hình, Tháp trắng nghìn thu an nghỉ, Giải thoát sáu đường hệ luỵ, Sen vàng muôn thuở tiêu dao. Chỉ tiếc rằng : Từ đây khó tìm dáng dấp âm hao, mà chỉ thấy mộng mơ vọng tưởng.

Hương xông phương trượng, trăng rọi trường tòng, thấy bóng chạnh lòng, nghe hương xót dạ !

Kính bạch Hoà thượng Giác linh Tân Viên tịch !

Cũng từ đây : Kinh song vắng câu Gía cá. Thiền thất im tiếng thậm ma !

Nhưng dù Người ở hay đi, chúng con vẫn mong Người thường gia hộ cho chúng con : Giữ gìn cơ cao nghiệp cả, kế thừa Tổ pháp tâm truyền. Nghĩa Huyền Lâm tế miên diên, Yên tử Trúc Lâm vĩnh viễn. Thiện tín đạo tâm phát triển, Tăng Ni giới hạnh viên thành.

Đến đây : Di quan lễ sắp cử hành, lưu luyến lòng càng xúc động, tiếng âm nhạc mấy lần trầm bổng, trống chuông ba hội ngắn dài, Song lâm đưa Tổ một mai, chích lý tiễn Thầy muôn thuở – Người đi kẻ ở, quê cũ cõi xa, Niết bàn tịch diệt Người qua, Tổ quốc trần ai chúng ở.

Mai chiều trông nhớ, sớm tối lữa hương.

Công ơn trời biển khôn lường, đền đáp tóc tơ nào kể ?

Chau mày rơi lệ, rẻ bước phân ky ø---

Nại hà? Trường đình ngại bước đưa đi, Bất dĩ! Thiên cổ lỡ tay bái biệt!

-Giờ nầy : Hương hoa la liệt, Phan cái huy hoàng, Nghi tượng nghiêm trang, nguyện cầu thành kính, người đưa lễ thỉnh, cử Cửu di quan.

-Để rồi nghìn đời bảo tháp mật tàng

-Muôn thuở Khánh Vân biệt tích !

-Tôn túc Giáo đoàn họ Thích, Tăng Ni pháp phái nhà Thiền,

-Tất cả khể thủ Linh tiền, tất cả cúc cung toạ hạ.

-Ngậm ngùi từ tạ, thổn thức tiển đưa – Với Người kính mến nghìn xưa, chia tay nghiêng mình lau mắt.

NAY KÍNH

---o0o---

Trình bày: Diệu An - Lê Hiếu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8230)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
09/04/2013(Xem: 12325)
Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.
09/04/2013(Xem: 7762)
Ôn Từ Đàm (Hòa thuọng Thích Thiện Siêu) với tôi vốn không có duyên nghĩa thầy trò; mặc dù, vào đầu thập niên 1960, Ôn là Giáo thọ tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trong khi tôi là một học tăng ở đó. Những tháng năm này, tôi là nguòi được theo học trường Võ Tánh nên thời khóa sinh hoạt của tôi không bị câu thúc chặt chẽ; và vì vậy, ít có cơ hội gần gũi với các bậc thầy lớn như Ôn.
09/04/2013(Xem: 7217)
Trúc Lâm Đại sĩ là vua thứ tư nhà Trần, con của Thánh Tông, lên ngôi ngày 12 tháng 2 năm Mậu dần (1278). Trước khi Đại sĩ ra đời, Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo : "Có lệnh của Thượng giới, cho phép ngươi được chọn lấy". Bỗng nhiên được kiếm, Thái hậu bất giác rất vui, nhân đó có thai. Những tháng dưỡng thai, nhà bếp dâng thức gì Thái hậu cứ dùng như thường, chẳng cần kiêng cử mà thai cũng chẳng sao.
09/04/2013(Xem: 9070)
Đọc qua các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, chưa thấy một người nào đã chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình như Thiền sư Pháp Loa. Sư là một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của Sư là ấn hành Đại Tạng kinh, do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra, Sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và Sư là người thứ nhất đúng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước.
09/04/2013(Xem: 7702)
Sư người làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang. Thỉ Tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành khiển dưới triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trải nhiều đời, đến Tổ phụ là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không không chịu ra làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ, và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên.
09/04/2013(Xem: 7325)
Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ truớc đến nay vốn thiên về Phật giáo Phát triển hay Đại thừa; mãi đến năm 1959 lần đầu tiên bộ kinh Trường A Hàm do Hòa thượng Thích Thiện Siêu phiên dịch được xuất bản thì Phật giáo Nguyên thủy mới được các Phật tử chú ý đến. Mặc dù bộ kinh này nằm trong Hán tạng thuộc hệ thống Phật giáo Phát triển, nhưng tinh thần của nó thì tương quan mật thiết với 5 bộ Nikàya trong giáo lý Nguyên thủy.
09/04/2013(Xem: 6813)
Phương Tây có câu tục ngữ "Hoạn nạn làm lớn con người". Phương Đông cũng có câu danh ngôn tương tự "Ngậm cay đắng trong cay đắng mới làm con người trên loài Người". Trường hợp của Trần Thái Tông sao mà ứng với hai câu này đến thế?
09/04/2013(Xem: 6744)
Hòa thượng Thích Thiện Châu Nguyên Đạo (Đọc tại buổi lễ tưởng niệm và lễ Trà Tỳ Hòa thượng Thích Thiện Châu) Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần.
09/04/2013(Xem: 30535)
Hòa thượng pháp danh Thiền Tâm, pháp hiệu Liên Du, tự Vô Nhất thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại xã Bình Xuân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Nguyễn Văn Hương và cụ Trần Thị Dung pháp danh Giác Ân. Ngài là người thứ 10 trong số 13 anh em, 4 trai, 9 gái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]