Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Thiên Ân

10/04/201311:13(Xem: 6493)
Hòa Thượng Thích Thiên Ân

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2546 – 2002
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - Hà Nội 
thich_thien_an

HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN
(1925 – 1980)

Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.

Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.

Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.

Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...

Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.

Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.

Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.

Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.

Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.

Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.

Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.

Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.

Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.

Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.

Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.

Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm :

- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả)
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật
- Buddhism and Zen in Vietnam.

Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ.

----o0o---


Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/11/2019(Xem: 11721)
Do bệnh duyên, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch vào lúc 07giờ 30 phút, ngày 24 tháng 11 năm 2019 (Nhằm mùng 28 tháng 10 năm Kỷ Hợi) tại chùa Gia Khánh, thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. * Trụ thế : 66 năm * Hạ lạp : 44 năm
25/11/2019(Xem: 7836)
Vào lúc 21 giờ 00 ngày 24/11/2019 (nhằm ngày 28/10/Kỷ Hợi) tại chùa Vân Sơn, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước môn đồ pháp quyến cùng quý Thiện tín Phật tử đã trang nghiêm cử hành lễ nhập kim quan cố Thượng tọa Thích Vạn Tịnh, Phó Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Hoằng pháp huyện Tuy Phước, Trú trì chùa Vân Sơn.
24/11/2019(Xem: 21667)
Tâm Thư Kêu Gọi Ủng Hộ Ngân Quỹ Xây Dựng Chánh Điện Thiền Lâm Pháp Bảo tại Sydney, Úc Châu
18/11/2019(Xem: 5322)
Điếu Văn Tưởng Niệm Tổ Sư Minh Hải, Sơ Tổ Khai Tông Chúc Thánh pháp phái (7-11-AL) Nhớ khi xưa: Xứ Hoa Hạ sanh Bậc Thượng nhơn Đất Tuyền Châu dưỡng người tri thức. Truyền đời Gia tông, kế thừa LƯƠNG tộc Nhập môn thiền thất, lãnh thọ THÍCH CA. Giới đàn cụ túc, thoát ta bà Tâm ấn tương truyền, nương LÂM TẾ. Lạy Đức Bổn sư, từ giã Trung Hoa quê nhà, phương Nam hoằng hóa. Hứa khả Chúa tiên, chào đón Nam thiên Kinh kỳ, Đông hải vượt khơi. Vâng lời Phật dạy, Thiên Trúc sơ khai, kiến lập Giới đàn Đáp sự thỉnh cầu, Linh Mụ thập sư, trao truyền chánh pháp.
17/11/2019(Xem: 8167)
Phật Giáo Việt Nam được truyền thừa tương truyền đến ngày hôm nay, trải dài ba miền Bắc Trung Nam và đến hôm nay trải khắp bốn châu hải ngoại. Âu cũng là nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ và Lịch Đại Tổ Sư truyền thừa. Một trong những dòng truyền thừa Chánh Tông, đó là dòng Lâm Tế pháp phái Liểu Quán đời thứ 35 chánh truyền từ dòng Lâm Tế Nghĩa Huyền.
10/11/2019(Xem: 4828)
Nhẹ nhàng như những áng mây trôi lơ lững và bay khắp thế giới, đến và đi không vướng bận tơ hào…Nhân ảnh Ôn đã đến và ngự trị trong lòng con như thế đó ! Nhưng không phải là một áng mây trắng bồng bềnh và vô định, mà Ôn là một áng Hương Vân thơm lừng tỏa ngát....hiền hòa và bình dị đối với một môn hạ nhỏ bé như con. Hôm nay áng Hương vân không phải như thần tượng.. mà thân thiết,quý kính trong hồn con đã thật sự bay xa rồi sao?? Câu hỏi để như còn bao tiếc quý chưa trọn vẹn của một môn sinh suốt đời ngưỡng vọng về Ôn của chúng con.
09/11/2019(Xem: 18218)
HT.Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm cho biết, theo lời di huấn của Đại lão Hòa thượng Ân sư Thích Trí Quang, sau khi ngài viên tịch 6 giờ sẽ nhập liệm, sau đó sẽ thiêu, không báo tang, không thành phục, không phúng điếu.
31/10/2019(Xem: 6240)
Thật là 1 phước duyên khi được gần gũi, thân cận và làm tập phim tiểu sử cuộc đời của Ôn Thắng Hoan. Bởi vì ngoài chuyện Ôn là bậc cao niên lạp trưởng của Tăng Già Hải Ngoại, Ôn còn là bậc uyên thâm Phật Pháp, đặc biệt là môn Duy thức. Xin cúi đầu kính thỉnh chư Tôn Đức Tăng Ni và đại chúng cùng đón xem... Nam Mô A Di Đà Phật
31/10/2019(Xem: 7481)
Trần Nhân Tông (1258 - 1308) còn có ngoại hiệu Trúc Lâm Đại Sỹ là một khuôn mặt lớn của nền văn học thi ca của Việt Nam và Phật Giáo. Một vị thiền tổ mà năng lực giác ngộ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời dân tộc và đạo pháp. Con người đó, siêu việt trong mọi tư duy và hành động, hoàn thành sứ mạng cao cả. Nhân cách đó, làm rạng rỡ cho giống nòi và gia phong của đạo. Tư tưởng đó, nhân bản và giải thoát, chuyên chở gánh trọn nỗi niềm chung riêng của dân tộc và đạo pháp một cách toàn thiện.
20/10/2019(Xem: 4448)
Viện chủ TỔ ĐÌNH SẮC TỨ TỪ QUANG (Đá Trắng - Phú Yên) Hòa thượng Thích Phúc Hộ, thế danh là Huỳnh Văn Nghĩa, sinh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái năm thứ 16 tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Song thân của Ngài là cụ ông Huỳnh Trung và cụ bà Trần Thị Nho.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]