Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Bửu Huệ

09/04/201319:59(Xem: 12194)
Hòa Thượng Thích Bửu Huệ

thichbuuhue


Hòa Thượng Thích Bửu Huệ

(1913-1991)
Phó Viện Trưởng Viện Cao Ðẳng Phật Học Huệ Nghiêm.
Phó Tổng Lý Tổ Ðình Ấn Quang
Viện Chủ Chùa Huệ Nghiêm

Uống nước nhớ nguồn, bổn phận người thừa kế không quên ơn Thầy Tổ. Xin được lật qua trang sử hương sen của cuộc đời Cố Hòa Thượng Thích Bửu Huệ.

I. Thân Thế:

Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.

Hòa Thượng sanh trưởng trong một gia đình trung nông, giàu lòng kính tin Tam Bảo, đầy đủ thiện duyên, giúp cho tương lai thêm nhiều rực rỡ.

Năm 7 tuổi, Hòa Thượng được song thân cho cắp sách đến trường học tập. Vì lòng hiếu thảo đền đáp thâm ân, nên khi học hết chương trình Tiểu học Pháp, Hòa Thượng xin tạm nghỉ, để lo phụng dưỡng cha mẹ ở gia đình.

Càng lớn lên, Hòa Thượng thấy rõ cảnh vô thường tan hợp, sanh tử chia ly. Nhất là tấm gương chí hiếu của Tôn Giả Mục Kiền Liên, luôn luôn nhắc nhở trong tâm tư, nên Hòa Thượng quyết tìm một lối thoát.

II. Xuất Gia Học Ðạo.

Thuở nhỏ, Hòa Thượng đã theo mẹ đi lễ Phật ở nhiều chùa. Ðầu tiên, Ngài thọ giáo với Hòa Thượng Huệ Ðăng ở chùa Thiên Thai tại Bà Rịa.

Năm 1938, khi được song thân vui lòng chấp thuận, Ngài quy y với Hòa Thượng Pháp Long, thuộc dòng Lâm Tế, Trụ trì chùa Thiên Phước tại Tân Hương. Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư chỉ dạy kinh Phật và cho đọc tạp chí Phật học như: Từ Bi Âm, Duy Tâm, Viên Âm, Ðuốc Tuệ v.v...

Nhờ đó, đời sống nội tâm của Hòa Thượng ngày càng dạt dào phong phú. Hòa Thượng tìm mọi cơ hội tốt đẹp để thực hiện ý chí sáng ngời của mình.

Năm 1944, Hòa Thượng được xuất gia tại Thiên Phước Tự nói trên. Tám tháng sau, ở chùa Long Quang, Vĩnh Long mở Giới Ðàn Sa Di. Hòa Thượng Bổn Sư liền gởi Ngài đến đó thọ Sa Di giới. Ít lâu sau, Ngài trở về bổn tự, ở gần bên Hòa Thượng Bổn Sư để hầu hạ với tấm lòng báo ân phần nào trong muôn một.

Năm 1946, Hòa Thượng Trí Tịnh và Hòa Thượng Thiện Hoa mở Phật Học Ðường tại chùa Phật Quang, thuộc Rạch Bang Chang, quận Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ngài được Hòa Thượng Bổn Sư cho phép học lớp Sơ Ðẳng Phật học tại đây hai năm.

Lúc này chiến tranh Pháp Việt đang diễn ra ác liệt khắp mọi miền quê. Chùa Phật Quang cũng không vượt khỏi tầm ảnh hưởng dao động ấy. Vì thế, Hòa Thượng Trí Tịnh phải trở lên Saigon thành lập Phật Học Ðường Liên Hải đặt tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Ðông, cách Chợ Lớn 5 km.

Phật Học Ðường này khai giảng năm Mậu Tý (1948). Hòa Thượng cùng một số đông huynh đệ đã mãn lớp Sơ Ðẳng Phật Học tại Phật Quang, cùng nhau lên học lớp Trung Ðẳng Phật Học trọn khóa ba năm tại Liên Hải, do Hòa Thượng Trí Tịnh làm Giám Ðốc.

Năm 1949 tại đây mởi Giới Ðàn, Hòa Thượng được Ban Giám Ðốc cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo, Bồ Tát giới.

Tháng 3 năm Canh Dần (1950), sau 14 năm du học ở Huế và Bắc Việt, Hòa Thượng Thiện Hòa đã trở về miền Nam. Ngài tham khảo ý kiến với một số quý vị Pháp Sư cũng từng học ở Huế, đồng lòng thống nhất Phật Học Ðường Miền Nam.

Học Ðường Nam Việt ra đời vào ngày 16 tháng 7 năm Canh Dần (1950) đặt tại chùa Sùng Ðức Chợ Lớn. Chư Hòa Thượng đồng học bầu Hòa Thượng Thiện Hòa làm Giám Ðốc, Hòa Thượng Thiện Hoa làm Ðốc Giáo. Chức Giáo Thọ gồm nhiều vị Pháp Sư như: Thượng Tọa Quang Minh, T. Tọa Huyền Dung, T. Tọa Trí Minh, T. Tọa Quảng Liên.

Lúc này Hòa Thượng Trí Tịnh đi Vũng Tàu nhập thất tịnh tu một thời gian... Quí vị ở lại trường thì đảm nhận công việc điều hành giáo dục.

Cần biết rõ Phật Học Ðường Nam Việt, là kết hợp của hai Phật Học Ðường Liên Hải và Mai Sơn.

Sanh năm Tân Mão (1951), Phật Học Ðường Nam Việt lại dời sang chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh Chợ Lớn.

Lúc này ngoài số học Tăng cũ, còn có nhiều học Tăng từ các tỉnh và Nam Vang đến học, tổng số gồm một trăm vị. Hòa Thượng Thiện Hòa vẫn đương kiêm Giám Ðốc. Những vị Pháp Sư như: Hòa Thượng Nhựt Liên, Hòa Thượng Trí Hữu đều hợp tác công việc Giáo Thọ.

Hòa Thượng Huệ Hưng được Ban Giám Ðốc và học chúng bầu làm Giám Trường kiêm Tổng Thư Ký. Một thời gian sau, Ngài xin từ chức để nhập thất chuyên tu.

Ðến năm 1953, Hòa Thượng Thiện Hoa từ Trà Ôn lên cộng tác Giáo dục và điều hành Phật sự với Chư Tôn Hòa Thượng tại trường.

Từ năm 1948 đến năm 1951, Hòa Thượng đã hoàn tất chương trình Trung Ðẳng Phật Học tại Phật Học Ðường Liên Hải và Ấn Quang.

Tiếp theo từ năm 1951 đến năm 1954, Hòa Thượng hoàn tất chương trình Cao Ðẳng Phật Học tại Phật Học Ðường Nam Việt Ấn Quang với những vị đồng khóa: T. Tọa Huệ Hưng, T. Tọa Thiền Tâm, T. Tọa Tắc Phước, T. Tọa Bửu Ðạt, T. Tọa Tịnh Ðức, T. Tọa Tịnh Chơn v.v....

Trong Ðại chúng lúc bấy giờ, Hòa Thượng là người cao tuổi hơn hết. Với đức tánh hiền hòa khiêm tốn, bao dung nhẫn nại, giới hạnh trang nghiêm, Hòa Thượng cùng với quý vị lớp Cao Ðẳng tiếp tay đắc lực cho Hòa Thượng Giám Ðốc và Chư vị Pháp Sư trong việc điều hành sinh hoạt Ðại Chúng.

Hòa Thượng làm Tri Sự, Hòa Thượng Thiền Tâm làm Tri Chúng. Hai vị này trở thành bực Trưởng lão đảm trách nhiệm vụ trông nom nếp sinh hoạt nội trường.

Hòa Thượng luôn luôn hoàn tất mọi công việc do Ban Giám Ðốc và Ðại Chúng giao phó. Vì thế, Hòa Thượng được bực trên khen mến, kẻ dưới thân thương trong thời gian theo học tại Phật Học Ðường Nam Việt.

Ngoài ra, quí vị lớn Cao Ðẳng còn lãnh trách nhiệm giảng dạy lớp Sơ Ðẳng nữa. Hòa Thượng dạy môn Hán Văn. Hòa Thượng Thiền Tâm, Hòa Thượng Tắc Phước, Hòa Thượng Bửu Ðạt thay phiên dạy môn Việt văn và toán pháp. Còn T. Tọa Ðức thì dạy môn Pháp văn.

Năm 1954 lớp Cao Ðẳng tốt nghiệp. Lúc này Hòa Thượng Thiện Hòa đang huấn luyện diễn giảng Phật Học Phổ Thông cho lớp Trung Ðẳng để chuẩn bị phân bổ đi giảng các tỉnh Nam phần.

Từ năm 1955 những vị đã tốt nghiệp lớp Cao Ðẳng được phân công: T. Tọa Tịnh Ðức đi Trà Vinh làm Giáo Thọ tại Phật Học Ðường chùa Phước Hòa.

Hòa Thượng Tắc Phước làm Quản lý nhà in Sen Vàng của Phật Học Ðường Nam Việt. Riêng Hòa Thượng Bửu Huệ và Hòa Thượng Thiền Tâm lại xin phép Ban Giám Ðốc lui về quê nhà để ẩn tu Tịnh Nghiệp trong thời gian dài. Hai Hòa Thượng này đã hứa với Ban Giám Ðốc, về sau sẽ gánh vác Phật sự tương lai để trả ơn Tam Bảo.

Chí nguyện tịnh tu vốn đã ấp ủ sẵn trong lòng, nên Hòa Thượng định tìm nơi để thực hiện.

thichbuuhue-2

III. Nhập Thất Tịnh Tu.

Từ lúc mới bước chân vào trường Phật học, trong tâm tư của Hòa Thượng đã vạch sẵn một lối đi rõ rệt: “Tôi phát nguyện học Phật 10 năm, nhập thất tịnh tu 10 năm và ra làm Phật sự 10 năm!”.

Kể từ năm 1954 đến năm 1964, là thời gian tránh duyên bận rộn, bế môn từ khách, Hòa Thượng ở yên trong ngôi Tịnh thất Nam Tuyền.

Ba năm đầu, Hòa Thượng thúc liễm ba nghiệp rất nghiêm khắc, cô lập hóa sáu căn với sáu trần. Chẳng khác nào người chăn dùng cây roi niệm Phật để chăn con trâu vọng tâm, không cho nó chạy rong, ăn phá lúa mạ của người.

Hòa Thượng phân ra thời khóa thích nghi cho việc tu tập của mình. Giờ nào tụng kinh, niệm Phật. Giờ nào Sám hối, trì chú. Giờ nào tĩnh tọa tham Thiền. Hòa Thượng tụng Kinh, là cốt để soi lại gương lòng, để quyết chi lau chùi cho tâm mình sáng tỏ.

Hòa Thượng niệm Phật Di Ðà, là nguyện đến lúc lâm chung được Phật Vô Lượng Thọ và Thánh Chúng tiếp rước sanh về cõi Cực Lạc. Hòa Thượng Sám hối, cho mau tiêu tội chướng trong nhiều đời.

Hòa Thượng trì Chú, là để hàng phục nội ma ngoại chướng và cầu chư Phật, chư Bồ Tát thùy từ gia hộ, được dễ bề tu tập. Hòa Thượng tĩnh tọa tham Thiền, là để nhận ra cái nào giả, cái nào chân để bội trần hiệp giác.

Thời khóa hằng ngày của Hòa Thượng, đều nhằm mục đích Thiền Tịnh song tu, Mật môn trợ lực. Tuy ba là một, chánh trợ không hai.

Chuyên tu suốt tháng trọn năm, Hòa Thượng nguyện không ra khỏi thất. Vẫn lặng lẽ nhiếp tâm trong cảnh an lành tự tu tự độ.

Hòa Thượng lặn sâu vào nội tâm, nơi đây bắt gặp Thầy mình, nghe tiếng nói của tâm linh thật là kỳ diệu!

Nhờ đó, Hòa thượng đã bỏ lớp áo phong trần, trở thành người say mê nhập thất. Nhìn sự nghiệp thế gian là phù du ảo ảnh.

Mỗi khi trong tâm niệm khởi lên một điều gì ưu tư thắc mắc, thì Hòa Thượng hóa giải bằng bài kệ của Tổ Sư đã dạy:

Chỉ hằng biết chiều chiều sớm sớm,

Duyên khởi lên phân biệt mà chi!

Muôn vàn sai biệt cõi này,

Nhân nào quả nấy nhọc gì đến ta?

Người anh ruột là ông Ðặng Văn Thanh thấy Hòa Thượng tu hành chín chắn, nên rất hoan hỷ, bèn sai người con gái là Ðặng Thị Tư phát nguyện chu toàn phần hộ thất. Ðây là một công đức lớn lao sâu nặng mà Hòa Thượng hằng tạc dạ ghi lòng.

Tiếp theo là bảy năm sau, Hòa Thượng vẫn ở yên trong thất, nhưng thỉnh thoảng ra ngoài, vừa nhiếp tâm làm việc tưới hoa sửa kiểng, trải duyên niệm Phật chăn tâm...

Thời gian này, là cơ duyên đưa đến cho Hòa Thượng sẽ thỏng tay đi vào chợ. Sau giờ tu tập, Hòa Thượng lại xem Kinh, Luật, Luận. Bởi đó là cái bản đồ cần thiết cho người băng lộ trình tìm về “Cảnh cũ quê xưa”, là kim chỉ nam, giúp kẻ vượt qua sông sanh tử.

Nhất là cảnh “Hổ khê tam tiếu” mà Hòa Thượng thường ấm ủ trong lòng. Hòa Thượng kính mến Ấn Quang Ðại Sư, mỗi ngày niệm 10 muôn câu Phật. Vĩnh Minh Ðại Thiền Sư đức hạnh sáng ngời, khiến cho Hòa Thượng luôn luôn cảm phục, bởi vị ấy Tông, Giáo đều thông.

Hòa Thượng lại còn quen thuộc với Thập Mục Ngưu Ðồ và thường đem ra giảng dạy, để nhắc nhở Ðại chúng. Nghề chăn trâu vọng tâm của Hòa Thượng đã trở thành một nghệ thuật tuyệt vời. Biết tánh ý của con trâu đen thế nào, để tập luyện cho nó hóa ra trâu trắng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, trâu cột đã thuần, tay chăn cũng giỏi. Ðó là điều kiện đủ để chở cơ duyên cảm ứng.

IV. Thời Gian Làm Phật Sự:

Phật Giáo đã trãi qua cơn Pháp nạn (1963) và trở lại nếp sinh hoạt bình thường. Chư Tôn Giáo phẩm lo khôi phục và củng cố Phật Học Viện, là công việc cần tiến hành gấp rút.

Vả lại, Phật Học Ðường Nam Việt Ấn Quang lúc bấy giờ, bớt phần thuận lợi trong việc đào tạo Tăng tài như trước nữa. Cơ sở giáo dục này đã thành trung tâm Viện Hóa Ðạo của một nửa nước Việt Nam, dù Phật Giáo ba miền đã thống nhất. Nhiều công tác Phật sự được đặt ra. Nhu cầu những vị Như Lai sứ giả tài đức kiêm ưu, lại càng cấp thiết.

Lúc đó, Hòa Thượng Thiện Hoa làm Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo. Ðặc tránh Hòa Thượng Thiện Hòa giữ chức vụ Tài Chánh Kiến Thiết. Hai Hòa Thượng bận nhiều Phật sự, nên thiếu phần chăm sóc chu đáo cho lớp Học Tăng tại trường. Cần nhắc lại:

Từ năm 1958 đến năm 1961, lớp Học Tăng Phật Học Ðường chùa Phước Hòa tỉnh Trà Vinh, đã mãn khóa Tiểu học Phật Giáo. Số học Tăng này thi đậu và được lên lớp Trung Ðẳng. Vì thế, Phật Học Ðường Ấn Quang mở rộng vòng tay đón nhận thêm số Tăng sinh vừa trúng tuyển. Việc điều hành giáo dục lại bề bộn thêm. Hòa Thượng Thiện Hoa đương kiêm chức Trưởng Ban Hoằng Pháp, quyết định dời lớp học này vào An Dưỡng Ðịa. Nơi đây vắng vẻ, ít khách tới lui, giúp cho Tăng Sinh dễ bề tu học.

Thời cơ đã đến, nên trong phiên họp vào ngày 4 tháng 2 năm 1964 tại Chùa Ấn Quang, Hòa Thượng Thiện Hòa và Hòa Thượng Thiện Hoa đồng ý cử Thượng Tọa Thanh Từ đến Tịnh Thất Nam Tuyền thuộc xã Tân Hương mời Thượng Tọa Bửu Huệ, đồng thời đi Bến Tre thỉnh Thượng Tọa Thiền Tâm xả thất để tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự trong việc giáo hóa lợi sanh.

Mừng thay! Tại đất Tân Hương và Ðịa linh Bến Tre, hai cây Pháp Khí Ðại thừa đã trưởng thành, đơm bông kết trái, thơm ngát hương sen sẽ làm lợi ích cho nhiều Tăng, Ni, Phật tử.

Hai Hòa Thượng đã biết rõ duyên tiếp chúng độ Tăng được đủ nên hoan hỷ nhận lời của Hòa Thượng Thanh Từ chung vui cộng tác Phật sự.

A. Về Mặt Giáo Dục.

Ba Hòa Thượng theo sự chỉ đạo của Ban Giám Ðốc Phật Học Ðường Ấn Quang để thành lập Trường Trung Ðẳng Phật Học Chuyên Khoa đặt tại chùa Huệ Nghiêm thuộc Huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Ðịnh (Nay là TP. Hồ Chí Minh) với gần 40 vị Tăng Sinh chánh thức theo học. Hòa Thượng Bửu Huệ làm Giám Ðốc, Hòa Thượng Thiền Tâm làm Giáo Thọ, Hòa Thượng Thanh Từ làm Quản Viện.

Trường Trung Ðẳng Phật Học Chuyên Khoa đầu tiên ra đời tại vùng An Dưỡng Ðịa, do ba Hòa Thượng trông coi điều khiển học khóa ba năm. Phật Học Ni trường Dược Sư đồng thời cũng được khai giảng, dưới sự lãnh đạo của ba Hòa Thượng trên. Kể từ đây, Hòa Thượng đã chánh thức bước vào con đường tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Mãi đến trong phiên họp vào ngày 4 tháng 5 năm 1965 tại chùa Ấn Quang, giữa Ban Giám Ðốc với Tổng Vụ Tăng Sự và Phật Học Vụ, nội dung bàn về việc cải thiện phát triển ngành Giáo Dục Phật Học, cuối cùng quyết định đổi tên trường “Trung Ðẳng Phật Học Chuyên Khoa” thành “Phật Học Viện Huệ Nghiêm” và nhận thêm khoảng ba trăm Tăng sinh vào tu học tại Viện.

Lớp này bao gồm các trình độ từ Ðệ Thất (lớp sáu) đến Ðệ Nhất (lớp 12) theo chương trình Phổ thông. Hòa Thượng vẫn giữ vai trò điều khiển trong chức vụ Giám Viện.

Ngoài ra, Hòa Thượng Quản Viện Thích Thanh Từ còn tuyển một số Tăng sinh trình độ khá, từ Ðệ Tam đến Ðệ Nhất được theo học lớp “Trung Ðẳng Phật Học Chuyên Biệt” để góp phần nhân lực theo nhu cầu của Giáo Hội.

Ðến năm 1968, Phật Học Viện Huệ Nghiêm gặp cảnh khó khăn về kinh tế, nên phải phân tán nhiều nhóm Tăng Sinh, được theo học các Phật Học Viện như: Hải Ðức ở Nha Trang, Liễu Quán ở Phan Rang, Bảo Tịnh ở Phú Yên, Nguyên Thiều ở Bình Ðịnh...

Cũng năm ấy, thể theo lời mời của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục, Hòa Thượng lại đảm nhận chức Phụ Tá Vụ Trưởng Phật Học Vụ, đặc trách chỉ đạo các Phật Học Viện Bắc Tông tại các tỉnh Miền Nam.

Phật Học Viện Huệ Nghiêm chỉ duy trì khoảng năm mươi Tăng Sinh thuộc lớp “TRUNG ÐẲNG CHUYÊN KHOA II”. Lớp Trung Ðẳng Chuyên Khoa I đã tốt nghiệp, một số được thi vào học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng do Hòa Thượng Minh Châu làm Viện Trưởng. Số Tăng Sinh này theo học ở Vạn Hạnh từ năm 1967 đến năm 1969.

Bước sang năm 1970, Ðại Hội Văn Hóa Giáo Dục kỳ IV họp tại Ðà Lạt, Giáo Hội quyết định thành lập một Viện Cao Ðẳng Phật Học đặt tại chùa Huệ Nghiêm, suy cử Hòa Thượng Trí Tịnh làm Viện Trưởng và Hòa Thượng Bửu Huệ làm Phó Viện Trưởng tại Viện này. Ðồng thời Hòa Thượng cũng đóng vai trò thường trú trực tiếp điều khiển chương trình tu học của số Sinh Viên Tăng ở đây, từ năm 1971 đến năm 1975. Theo chương trình đã hoạch định, Hòa Thượng giảng dạy bộ môn luận Trung Biên cho Tăng, Ni sinh ở hai trường Huệ Nghiêm và Dược Sư.

B. Quản Lý Cơ Sở:

Ngày 7 tháng 12 năm 1974, khi Hòa Thượng Thiện Hòa lâm bịnh nhiều, phải vào nhà thương Hoàn Mỹ để chữa trị. Do đó, nên cần chọn người xứng đáng thay thế và đảm nhận công tác quản lý điều hành các cơ sở do Hòa Thượng Thiện Hòa sáng lập từ năm 1951 đến nay.

Thế nên Hòa Thượng Thiện Hòa làm tờ ủy quyền Hòa Thượng Bửu Huệ trước mặt ông Chưởng Khế Nguyễn Bích Lưu. Hòa Thượng có đủ thẩm quyền quản lý các cơ sở trực thuộc với Tổ Ðình chùa Ấn Quang. Hòa Thượng vâng lời chỉ định ấy, nên ký tên vào tờ ủy quyền để nhận lãnh trách nhiệm giao phó.

Ðồng thời Hòa Thượng cũng được gia nhập làm thành viên chánh thức trong Hội Ðồng Quản Trị Tổ Ðình Ấn Quang vốn đã thành lập, khi Hòa Thượng Thiện Hòa còn sanh tiền.

Trong Ban Tổ Ðình Ấn Quang gồm nhiều vị: Hòa Thượng Thiện Hòa đương vi chứng minh. Hòa Thượng Trí Tịnh đương vi Cố Vấn. Hòa Thượng Huệ Hưng làm Tổng Lý. Hòa Thượng Bửu Huệ làm Phó Tổng Lý trông coi các cơ sở như: Hãng vị trai “Lá Bồ Ðề” tại chùa Giác Sanh ở đường Âu Cơ, Cô Nhi Viện “Diệu Quang” v.v...

Trọng trách đặc biệt, là Hội Ðồng Quản Trị Tổ Ðình Ấn Quang và Giáo Hội quyết định suy cử Hòa Thượng Bửu Huệ làm Trưởng Ban Quản Trị để duy trì cơ sở Huệ Nghiêm, cho đến ngày viên tịch.

Vốn sẵn bản tính thích sống nội tâm, nên Hòa Thượng chỉ lo phần quản lý, về các cơ sở Phật giáo thì phát triển thu gọn trong phạm vi tự viện. Tu bổ lại hai ngôi thất lá bằng ngôi thất ngói khang trang, đầy đủ tiện nghi cho người nhập thất. Tôn trí tượng Phật Thích Ca trên đài lộ thiên, ngồi giữa khuôn viên, bao quanh những chậu kiểng quý giá.

Ðối diện với Kim Thân Phật Tổ, Hòa Thượng cho thợ gắn lên một ngọn giả sơn nguy nga sừng sững, làm sống lại cảnh núi Lăng Già, trông tựa hồ như lúc Phật còn tại thế. Ðể nói lên hoài bảo ấy, Hòa Thượng còn để lại bài thơ:

Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng Già,

Thắng cảnh tồn tâm Pháp độ tha.

Phún thủy ngư long bồi chúng đức,

Trừng thần dã hạc dẹp quần ma.

Thanh sơn chẳng ngại ngày mưa nắng,

Biển lặng lo gì gió thoảng qua.

Tôn trí Kim Thân An Dưỡng Ðịa,

Huệ Nghiêm thể hiện bóng Lăng Già.

Mặc dù điều hành nhiều Phật sự, song Hòa Thượng vẫn không quên lo phát triển giới thân huệ mạng sẵn có cho hàng Tăng, Ni, Phật tử để lãnh thọ tu trì.

C. Khai Ðàn Truyền Giới:

Năm 1965, được sự ủy nhiệm của Tổng Vụ Tăng Sự, Hòa Thượng đã đứng ra làm Trưởng Ban tổ chức và Giáo Thọ trong Ðàn Giới Sa Di, được tổ chức tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm để truyền giới cho hai trăm giới tử của Phật Học Viện Huệ Nghiêm và Giác Sanh cầu thọ giới Sa Di.

Năm 1966, Hòa Thượng đã thừa lịnh của Tổng Vụ Tăng Sự đảm nhận làm Trưởng Ban tổ chức Ðại Giới Ðàn niềm Quảng Ðức, được tổ chức tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm để truyền Tỳ Kheo và Bồ Tát giới cho Chư Tăng tại bản viện và Chư Tăng các nơi khác đển cầu thọ.

Năm 1968, Hòa Thượng được Ban Giám Ðốc Phật Học Viện Nha Trang và Ban Kiến Ðàn cung thỉnh làm Giáo Thọ trong Ðại Giới Ðàn Hải Ðức, được tổ chức tại Phật Học Viện Trung Phần Nha Trang.

Năm 1969, theo sự chỉ đạo của Tổng Vụ Tăng Sự, Hòa Thượng lại nhận làm Trưởng Ban Tổ Chức Ðại Giới Ðàn miền Quảng Ðức lần thứ hai, tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm để truyền Tỳ Kheo, Bồ Tát Giới cho Chư Tăng các nơi đến cầu thọ.

Ngoài việc tiếp chúng độ Tăng, dẫn dắt Phật tử nhiều nơi biết lo tu tập, hành trì trai giới tinh nghiêm để kiện toàn sứ mạng: Trên đền bốn ân, dưới cứu ba đường khổ, Hòa Thượng còn nghĩ đến việc lập Ðạo Tràng cho những ai muốn đi vào cảnh giới tâm linh, thích sống ẩn tu nhập thất.

D. Dạy Chúng Tịnh Tu

Hòa Thượng dạy: “Người xuất gia học đạo, không khác gì một lương tướng xông vào trận giặc, đánh dẹp hiên ngang, trước hết phải tinh thuần võ nghệ. Ðược như thế, thì cách vãn hồi an ninh trật tự cũng không khó.

Trọng trách của người độ hóa quần sanh, cần phải giải thoát chính mình làm trước. Cho nên việc nhập thất tịnh tu, là một pháp môn thiết yếu trong nhiều pháp môn”.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, mọi sinh hoạt Phật sự đều nhịp nhàng theo hoàn cảnh xã hội được thu gọn. Ðây là thuận duyên đưa đến cho Hòa Thượng thực hiện hoài bảo nếp sống nội tâm hướng thượng và giải thoát. Chư Tăng nhờ đó để tránh duyên bớt cảnh, hầu duy trì mạng mạch Phật Pháp, giữ vững đạo tâm, khi ra làm Phật sự.

Thế rồi vào ngày 15 tháng 4 năm Bính Thìn (1976), Hòa Thượng đã đích thân chứng minh sái tịnh khai thất, để mở màn chương trình tịnh tu của Chư Tăng tại bản viện.

Thời gian nhập thất, Hòa Thượng hướng dẫn nhiều giai đoạn. Bước đầu, tất cả Chư Tăng tập sự nhập một tuần, để làm quen với không khí nhập thất.

Tiếp theo, Hòa Thượng cho tăng lên 3 tuần, rồi 7 tuần, 15 tuần, 18 tuần và 21 tuần. Trong thời gian ở trong thất, cố gắng dứt bỏ muôn duyên, nhiếp tâm niệm Phật, giữ gìn “Thân đâu tâm đó”. Mỗi khi vọng niệm khởi lên, thì liền áp dụng theo lời Chư Tổ đã dạy:

Sớm đem chánh niệm thay vào,

Di Ðà sáu chữ tiêu dao vọng trần.

Ngày đêm, thức ngủ sáu chữ Di Ðà chẳng rời tâm. Ðây là bước đi: “Theo dấu chân xưa”. Dùng câu niệm Phật làm hàng rào, để ngăn cách sáu trần, tâm khỏi bị chi phối.

Giai đoạn kế chú trọng vào “Ưu cần tại niệm”. Nghĩa là bỏ cảnh để giữ tâm cho khít khao, nhằm mục đích vô hiệu hóa ý thức.

Giai đoạn sau cùng là “Bản lai diện mục”. nói lên ý muốn “Trở về cảnh cũ”, theo chủ trương nhập thất tịnh tu của Hòa Thượng. Ở đây xin ghi lại phần tóm lược mà thôi.

Hòa Thượng còn dạy chúng: “Chúng ta không những làm Phật sự trong một kiếp này, mà vẫn làm Phật sự cho đến khi Ðức Phật Di Lặc ra đời. Vấn đề trọng yếu, là đừng cho mất thiện căn tu hành.

Phải biết rằng, ngày nay chúng ta đang học và làm bài thi của Ðức Bổn Sư Thích Ca. Nhưng Giám khảo chấm thi, đó là Ðức Phật Di Lặc. Ba vị Tam thế Bổn Sư có nhân duyên lớn với chúng sanh trong cõi Ta Bà, ấy là Phật Di Ðà, Phật Thích Ca và Ðức Di Lặc.

Như vậy, chúng ta phải làm thế nào, được gặp Phật Di Lặc thọ ký trong hội Long Hoa, mới đủ tư cách thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Vì thích sống hòa mình, nên Hòa Thượng lấy đại chúng làm thiện trí thức. Ngài thường nói: “Chúng ta nguyện làm Pháp lữ Ðại thừa với nhau, cho đến khi Ðức Từ Thị ra đời!”

Do đó, với hơn 300 Tăng sinh đã được Hòa Thượng dưỡng nuôi, giáo hóa trong hơn 25 năm qua, chính là những đứa con tinh thần biết lo tu học, để trở thành nhiều cây trụ đá chống đỡ ngôi nhà chánh Pháp ở tương lai. Thật đúng như lời cổ đức đã nói: “Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhơn vô tử, như hữu tử. Một hậu thanh danh tại thế tuy vong, dã bất vong”.

V. Lâm Bịnh

Trong những năm chiến tranh, Hòa Thượng phải đi lánh nạn ở một vài tuần miền quê hẻo lánh, nên không tránh khỏi bệnh sốt rét lâu năm. Mặc dù Hòa Thượng đã uống nhiều viên ký ninh để chữa trị, song chứng sốt cũng tạm qua, còn bệnh căn thì chưa dứt hẳn.

Mãi đến giữa năm 1980, bệnh ấy đã âm thầm biến chứng, lại thành áp huyết cao, khiến cho sức khỏe của Hòa Thượng phải thêm nhiều lo lắng...

Chư Tăng đại chúng lo kiếm thuốc tìm thầy, để trị bịnh cho Hòa Thượng bằng Ðông y, Tây y đủ cách. Nhưng cơn bịnh được thuyên giảm khả quan, chứ không còn khỏe mạnh như xưa nữa.

Việc điều hành tại viện, nhờ Ban Quản chúng đại lao, Hòa Thượng giữ vai trò Cố vấn chỉ đạo, để lèo lái con thuyền Huệ Nghiêm vượt qua cơn sống gió. Trước khi viên tịch, Hòa Thượng có giao phó những trách nhiệm lại cho mấy huynh đệ:

Thích Chơn Lạc

Thích Minh Thông

Thích Chơn Thanh

Thích Thiện Quí

Ðể thay nhọc cho Hòa Thượng về mặt đối nội cũng như đối ngoại...

Những mong cơn bịnh và sức khỏe của Ngài ở mức độ bình phục được lâu dài. Nhưng đáng buồn và lo lắng thay!

Vào trung tuần tháng 9 âl (1985) cơn bịnh tái phát thêm phần trầm trọng. Vì thế, Chư Tăng tại viện, quý Phật tử và quyến thuộc quyết định đưa Hòa Thượng vào bệnh viện Nguyễn Trải điều trị. Bác sĩ nơi đây tận tâm săn sóc, nên hơn hai tuần nằm điều dưỡng ở nhà thương ấy, sức khỏe của Hòa Thượng dần dần bình phục, nhưng kém hơn trước.

Thấy Hòa Thượng ăn uống, nghỉ ngơi bình thường, không còn lo âu nữa, nên Bác sĩ cho xuất viện để trở về bổn tự tiếp tục chữa trị lâu dài, bằng thuốc Ðông Tây phối hợp. Môn đồ tứ chúng cùng Phật tử hằng cầu nguyện Hòa Thượng trụ thế trường tồn, để làm nơi quy ngưỡng cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia ở hiện tại và tương lai.

VI. Ðức Hạnh:

Ngài thường nhắc đến hạnh từ bi, hỷ xả của Hòa Thượng Thiện Hòa, Viện Chủ Tổ Ðình Ấn Quang, đáng làm kim chỉ nam cho người con Phật.

Mỗi khi gặp cảnh trái ý, Hòa Thượng vẫn nụ cười hoan hỷ trên môi, không tỏ thái độ bực mình với ai, vào phòng đóng cửa, nằm yên tịnh niệm... cho qua cơn chướng ngại. Tánh Hòa Thượng hiền hòa, không hề phản đối, tự đại, tự cao.

Ðại chúng sống bên Hòa Thượng hơn 20 năm, không bao giờ bị quở phạt nặng lời. Ngài chỉ khuyên dạy bằng tình thương như Từ Mẫu. Dùng đạo hạnh để giáo hóa những người xung quanh, nhiều hơn là lới nói.

Hòa Thượng noi theo hạnh các bực Thiền Sư tiền bối: “Ðến trong âm thầm, khi đi chẳng lưu dấu vết”. Cho nên không một Tăng Ni, Phật tử nào trong hàng môn đồ Pháp quyến, lại ăn được chè xôi vào ngày kỷ niệm ra đời của Hòa Thượng.

Ngài ôn tồn nhắc lại: “Lúc đứa con mở mắt chào đời, ấy là ngày banh da, xẻ thịt khổ đau của người mẹ! Ngày ấy càng tinh tấn tu niệm nhiều hơn nữa, để hồi hướng công đức cho mẫu thân, báo ân hoài thai dưỡng dục, có rảnh rang đâu mà lo vui chơi ăn uống?”.

Nếu gặp kẻ bất kính chê bai, Hòa Thượng cũng hoan hỷ bao dung tha thứ, không giữ lại trong tâm một niệm ưu phiền chán ghét.

Từ năm 1970 – 1980, Hòa Thượng cầu Pháp Y Chỉ Sư với Hòa Thượng Trí Tịnh, Viện chủ chùa Vạn Ðức ở Thủ Ðức. Ðối với Hòa Thượng, Ngài Viện Chủ Vạn Ðức rất thân mến, xem như một người đệ tử thật sự và đáng tin cậy.

Hòa Thượng âm thầm nhập thất 10 năm, mà chân không hề bước qua khỏi cầu bắt ngang mương chừng hai bước, nối liền bên nhà của người thân phụ.

Ngài thích sống một cuộc đời mai danh ẩn tích, như người xưa ở nơi hoang dã núi rừng. Thân đã già yếu theo thời gian, lại còn mang bịnh kéo dài gần 10 năm, bao nhiêu nỗi khổ dồn dập, giày vò lên thể xác, nhưng Hòa Thượng vẫn thản nhiên chịu đựng. Huyễn thân tứ đại suy già, ốm đau nhức mỏi, đi đứng khó khăn, song Hòa Thượng không đòi hỏi một nhu cầu bắt buộc nào, để khỏi làm phiền người thân nuôi hầu hạ.

Trong thời gian nằm bịnh tại chùa, Hòa Thượng thấy hoa sen lớn bằng mẫu đất hiện ra trước mặt, ba ngày mới tan. Một vài Thầy trong hàng môn đồ đến thỉnh ý Hòa Thượng Thiền Tâm ở Ðại Ninh, là một Pháp lữ đồng tu với Hòa Thượng.

Ngài cho biết: “Xem qua những gương Chư Tổ thời xưa, thì đây là một điềm lành ứng hiện, để báo trước sẽ đến ngày viên tịch”.

VII. Viên Tịch

Thân tứ đại đã mõi mòn theo năm tháng, một chiếc xe Ðại thừa quyết đưa khách lữ hành đi một đoạn đường giáo hóa độ sanh. Giờ đây thì nó trở thành cũ kỹ, sắp đến ngày hư hoại không lâu.

Mặc dù Hòa Thượng nằm bịnh nhiều ngày, nhưng ngày môn đồ Pháp quyến vẫn thăm nuôi không nản chí. Thấy Hòa Thượng Trí Tịnh đến hỏi han nhắc nhở niệm Phật Di Ðà, Ngài niệm theo nghe rõ ràng tha thiết, niệm với tâm vui mừng cảm động, đến nỗi khóe mắt lệ rưng, vì còn gặp lại lần chót vị ân sư giáo huấn thuở nào!

Tăng, Ni, Phật tử vội vả về thăm, như đàn con thảo ở các nơi trùng phùng sum họp, tạo thành một tình đoàn kết càng thêm ấm áp. Tinh thần Hòa Thượng vẫn còn tỉnh sáng, nhưng cơn bịnh lại cứ tăng dần, làm cho thân suy yếu phải đến giờ kiệt quệ.

Áng mây bạc lạnh lùng sương bao phủ,

Lá vàng che ủ rủ khuất vừng trăng!

Ôi! Biết bao niềm thương tiếc trào dâng, đúng vào lúc 2 giờ, ngày 27 tháng 10 năm Tân Mùi (2-12-1991), Hòa Thượng đã từ từ nhắm mắt xả báo thân, theo Phật về miền Cực Lạc. Hưởng thọ 78 tuổi 42 Hạ Lạp.

Chư Tăng tại Viện đồng thanh niệm Phật vang rền theo hồi chuông trống Bát Nhã canh khuya, để tiễn đưa người cha lành trở về quê xưa cảnh cũ và viên thành hạnh nguyện.

Lễ cung tống kim quan Cố Hòa Thượng, được cử hành vào ngày 1-11 năm Tân Mùi (6-12-1991) nhập Bảo tháp uy nghiêm, đặt ở phía trước, bên phương trượng của Ngài.

VIII. Tổng Kết

Tóm lại, Hòa Thượng đã hiến trọn cuộc đời tu hành của mình vì đạo Pháp, để làm lợi ích cho Tăng Ni, Phật tử. Hơn 40 năm không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc, bằng tấm lòng vị tha bình đẳng bao dung, Hòa Thượng đem tình thương của người mẹ hiền để nuôi nấng vỗ về những đứa con ham tu hiếu học.

Về giáo dục, Hòa Thượng là một bậc lãnh đạo nhiều kinh nghiệm tâm lý, đủ lối nhìn thực tế vào hiện tại, nên hơn 25 năm qua đã đào tạo cho Giáo Hội những nhân tài hữu ích để phục vụ Ðạo Pháp và chúng sinh.

Thật xứng đáng là một bực chân tu thanh tịnh, Hòa Thượng cam chịu bỏ nguồn vui an lành nhập thất, đem thân ra gánh vác Phật sự lợi tha. Ðến lúc cơ duyên đã mãn, Hòa Thượng quyết định lui về Tịnh thất ngày xưa để tu dưỡng, trong quảng đời còn lại tuổi già. Không muốn ai biết đến bổn phận tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức của mình, Hòa Thượng thích sống bình thường như người ẩn dật.

Nhưng vì Ðại chúng tha thiết thỉnh cầu nhiều phen, Hòa Thượng phải đành ở lại trường, để làm tàng cây cổ thụ. Người Phật tử hay Tăng Ni, khi gặp Hòa Thượng là hoan hỷ phát tâm, vì đạo phong vòi vọi khả kính của Ngài.

Dù Hòa Thượng bịnh nhiều để trả nghiệp, nhưng căn cứ vào hạnh tu đức độ hiền hòa trong hiện tại, thì biết chắc rằng ở vị lai sẽ trọn nên Ðạo quả.

Than ôi! Hòa Thượng nhẹ gót về Tây, để lại một tình thương đức độ biển trời cao cả, khiến cho người con Phật và thân quyến, mãi ngậm ngùi kính quý tiếc thương!

Nam Mô Huệ Nghiêm đường thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập tam thế, huý thượng Tâm hạ Ba tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ đại lão Hòa Thượng giác linh thùy từ chứng giám.

---o0o---

Lời Di Ngôn của HT Bửu Buệ

---o0o---

Vi tính: Diệu Mỹ ; Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/07/2012(Xem: 9561)
Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (1685–1768) là vị Tổ trung hưng thiền Lâm Tế tại Nhật Bản. Xa rời phương thức đánh hét cùng các ngôn ngữ siêu tuyệt, Ngài cố công diễn tả Thiền bằng ngôn ngữ dễ hiểu để tầng lớp bình dân có thể hiểu được.
19/07/2012(Xem: 6762)
Qua hàng ngàn năm Lịch sử của Dân tộc, hơn 2000 năm có mặt trên đất nước, Phật giáo đã đóng góp cho Tổ quốc một thời gian dài trên dưới 400 năm an bình thịnh vượng, chưa nói đến những thời đại riêng lẻ ngắn ngủi.
03/07/2012(Xem: 11626)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-10-1917), tại làng Mỹ An Hưng (Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp).
30/06/2012(Xem: 10325)
Thành Kính Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Giác Lâm (1928 - 2012)
24/06/2012(Xem: 14338)
Kính lạy tôn dung Ngài Con xin tìm lại dấu xưa 39 năm, hai thế kỷ sao vừa Nín thở, lặng yên, đọc từng con chữ
12/06/2012(Xem: 6133)
Hòa thượng họ Đỗ, huý Châu Lân, sinh năm 1927 (Đinh Mão) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tú. Gia đình gồm năm người con, hai trai và ba gái; Hòa thượng Thích Đỗng Quán thứ ba, và Ngài là thứ tư. Gia đình Ngài đời đời thuần tín Tam bảo. Cha mất sớm, được mẹ chăm lo dạy dỗ. Với bẩm tánh thông minh và hiếu học, năm 11 tuổi Ngài thi đậu bằng Yếu lược. Việc này chưa xảy ra ở vùng quê của Ngài nên đích thân ông Lý trưởng đến thăm và chúc mừng. Đó là một vinh dự cho gia đình và quê hương Ngài lúc bấy giờ.
11/06/2012(Xem: 6240)
Sự nghiệp thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của Thầy mà ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu Việt Nam và tại trung tâm Kiến Nghiệp Trung Quốc ngày xưa. Tư tưởng thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức Bao giờ các chùa Việt Nam sẽ thờ tổ Khương Tăng Hội Hiện nay chúng ta đang ở thế kỷ XXI với nền văn minh rực rỡ, với nhiều thiết bị hiện đại, với mức sống rất cao, với vốn hiểu biết rất thien su khuong tang hoi.jpg
10/06/2012(Xem: 14729)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chù
06/06/2012(Xem: 14863)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp và thế danh là Lâm văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa...
30/05/2012(Xem: 8734)
Tín Nghĩa tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979, do nhị vị Hòa thượng Thích Thiên Ân và Hòa thượng Thích Mãn Giác bảo lãnh từ trại tỵ nạn Hongkong. Ngồi tính sổ thời gian thì cũng đã gỡ gần ba chục cuốn lịch. Giá như thời gian này mà ở trong tù thì cũng mục xương và chẳng bao giờ được thấy ánh sáng của thiên nhiên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]