Vì người vun bồi giống Phật
THÍCH PHƯỚC SƠN
---o0o---
Hữu hình hữu hoại lẽ thường,
Hoa Đàm dẫu rụng, mùi hương vẫn còn.
Công lao ghi tạc nước non,
Một đời vì đạo dấu son sáng ngời.
Sau đây tôi xin chân thành ghi lại đôi dòng cảm niệm đối với vị Thầy muôn vàn tôn kính đã suốt đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp vun bồi giống Phật và truyền trì tuệ mạng Phật đạo.
1. KẾT HỢP PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VÀ ĐẠI THỪA
Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ truớc đến nay vốn thiên về Phật giáo Phát triển hay Đại thừa; mãi đến năm 1959 lần đầu tiên bộ kinh Trường A Hàmdo Hòa thượng Thích Thiện Siêu phiên dịch được xuất bản thì Phật giáo Nguyên thủy mới được các Phật tử chú ý đến. Mặc dù bộ kinh này nằm trong Hán tạng thuộc hệ thống Phật giáo Phát triển, nhưng tinh thần của nó thì tương quan mật thiết với 5 bộ Nikàya trong giáo lý Nguyên thủy. Khoảng 6 năm sau đó (1965), 5 bộ kinh này mới được Hòa thượng Thích Minh Châu bắt đầu phiên dịch, nhằm giới thiệu hệ thống kinh điển Nguyên thủy, thì bấy giờ phong trào học Phật trở về nguồn mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta có thể tự hào là tình trạng học Phật tại Việt Nam đã thiết lập được thế quân bình. Mọi Phật tử Việt Nam đều có điều kiện tiếp thu được cả hai nguồn giáo lý của Đức Phật.
Tôi còn nhớ rõ câu ví dụ của một vị tôn túc nào đó: Phật giáo Nguyên thủy giống như gốc cây, còn Phật giáo Phát triển tựa hồ như hoa trái. Cây nào cũng cần có các bộ phận gốc rễ, cành lá, hoa trái thì mới đủ sức sống và tồn tại lâu dài. Cây đại thọ Phật giáo cũng phải gồm đủ Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển thì mới đạt đến viên dung và hoàn mỹ. Thiển nghĩ, người phất cờ mở màn cho phong trào học Phật trở về nguồn, bắc cầu nối liền giữa hai hệ thống giáo lý Nguyên thủy và Phát triển, tạo nên mối dung hòa giữa hai khuynh hướng cổ kim, hướng dẫn Phật tử nhìn toàn diện giáo pháp của Đấng Đại Giác không ai khác hơn là Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
2. QUÁN THÔNG TAM TẠNG THÁNH GIÁO
Thông thường hễ ai có sở trường về lãnh vực nào thì thường nỗ lực đầu tư vào lãnh vực ấy; và nhờ vậy mà đạt được trình độ uyên thâm và quảng bác. Có lẽ Hòa thượng Thích Thiện Siêu cũng thế. Dù có khiêm tốn cách mấy, chúng ta cũng phải công bằng thừa nhận rằng Hòa thượng quả là một vị thực học, hiểu biết vững chãi, sâu sắc Phật lý, một học giả Phật giáo uyên bác, tinh thông 3 tạng Thánh giáo. Vấn đề này rất dễ chứng minh khi chúng ta có cơ hội tham kiến và thưa hỏi Hòa thượng về những khúc mắc thuộc lãnh vực giáo lý. Nhưng càng dễ dàng khẳng định hơn nữa là qua những công trình mà Hòa thượng đã phiên dịch và trước tác. Về Kinh thì có kinh Trường A Hàm và kinh Pháp CuᮠKinh Trường A Hàmtiêu biểu cho các bộ A Hàm, chuyển tải tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy. Còn bộ kinh Pháp Cú vốn là đúc kết những tinh hoa của toàn bộ giáo lý Nguyên thủy. Về Luật thì Hòa thượng có soạn phẩm Cương yếu giới luật,xuất bản lần đầu năm 1996 và tái bản năm 2000. Soạn phẩm này về lượng thì chừng hơn 200 trang, nhưng về phẩm thì đã toát yếu được những điểm then chốt thuộc lĩnh vực giới luật, mang tính thực tiễn, sinh động, do đúc kết kinh nghiệm cả cuộc đời của một bậc giới hạnh cao nghiêm, nên có ảnh hưởng khá sâu đậm đối với toàn thể giới Tăng Ni. Về Luận có luận Thành Duy Thức, xuất bản 1995; đây là bộ luận chính yếu, trọng tâm của tông Duy Thức hay tông Pháp Tướng mà bất cứ người nào muốn tìm hiểu Duy thức học hay Tâm, Vật lý học Phật giáo đều không thể không tham khảo. Ngoài ra, Hòa thượng còn có dịch phẩm luận Đại Trí Đô嬠tiêu biểu cho hệ thống kinh Bát Nhã và luận Trung Quán,trình bày giáo nghĩa của Tánh không.
Xuyên qua một số công trình tiêu biểu trên đây, chúng ta thấy kiến thức Phật học của Hòa thượng rất quảng bác, hầu như quán triệt toàn bộ giáo điển của Đức Thế Tôn.
3. TẬN TỤY VỚI SỨ MỆNH GIÁO DỤC
Nét nổi bật nhất mà các môn sinh cũng như hậu thế thấy rõ nơi Hòa thượng chính là sứ mệnh trồng người; không hiểu hạnh nguyện này do Hòa thượng hoài bão hay do chư Phật bổ xứ, nhưng dù phát xuất từ bất cứ động cơ nào thì sự nghiệp giáo dục vẫn cao cả và thiêng liêng. Sự nghiệp ấy được diễn tiến liên tục theo định luật tiền nhân hậu quả, như cổ đức từng nói: Cổ sư kỷ độ tác kim sư (Bao lần thầy xưa trở lại làm thầy nay). Mà muốn làm một thầy giáo tốt thì trước hết phải là một học trò xuất sắc và gương mẫu. Xuất sắc gương mẫu và thông tuệ vốn là thiên bẩm của Hòa thượng. Điều này đã được minh chứng cụ thể qua kỳ thi tốt nghiệp tại học đường Báo Quốc năm 1945, với văn bằng tốt nghiệp hạng ưu, dưới sự giảng dạy và dìu dắt của Hòa thượng Trí Độ. Từ ưu thế sẵn có kết hợp với thiên hướng giáo dục nên năm 1957, mới 36 tuổi, Hòa thượng đã được bổ nhiệm chức vụ Đốc giáo Phật học viện Hải Đức Nha Trang. Thế rồi, như nguyện lực đưa đẩy, Hòa thượng luôn gắn bó đời mình với các Phật học viện từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn rồi Hà Nội, ròng rã suốt nửa thế kỷ. Trải qua thế cuộc thăng trầm, biết bao thế hệ môn sinh của Hòa thượng, người trẻ nhất cũng đã 20 tuổi, còn người già nhất hẳn đã vượt qua độ tuổi cổ lai hy. Trong số ấy, có những vị đang là viện chủ các tự viện, hoặc đang theo gương của Hòa thượng, gắn bó đời mình với bảng đen và phấn trắng tại các giảng đường Phật học. Ta có thể đơn cử vài vị hiện đang đóng góp công sức xây dựng Giáo hội hữu hiệu như các Hòa thượng Thiện Duyên, Từ Mẫn, Thiện Nhơn (Bình Định), Đổng Minh, Đổng Quán, Thiện Bình, Đức Chơn, Minh Tuệ v.v... Những ai đã từng ít nhiều thọ ân pháp nhũ của Hòa thượng, mỗi lần nhắc đến vị ân sư của mình đều biểu lộ niềm hãnh diện và bày tỏ lòng kính trọng tuyệt đối. Vì lẽ, Hòa thượng luôn thể hiện tác phong của nhà mô phạm, vị giáo thọ đích thực. Khi thuyết giảng cho môn sinh, Hòa thượng không những cung ứng kiến thức quảng bác cho họ, mà còn hoạt hiện sinh động thân giáo và đức giáo. Có thể nói, khi trình bày vấn đề gì Hòa thượng đều diễn đạt được nội dung sâu sắc, ý tưởng chuẩn xác và mạch lạc bằng âm thanh truyền cảm, khi êm dịu, lúc trầm hùng, làm cho người nghe hoan hỷ và thán phục. Phải chăng Hòa thượng là hiện thân của nhà giáo dục Phật giáo bản lĩnh và mẫu mực?
4. BIỆT TÀI BAN ĐẠO TỪ
Một vị giáo thọ lão luyện tất nhiên gồm cả tài năng đối đáp. Giảng dạy Phật lý lưu loát khiến thính chúng chăm chú lắng nghe, tỏ lòng thán phục đã là khó, mà đáp từ hấp dẫn lại càng khó hơn. Vì khi giảng dạy thì thời lượng và dung lượng của vấn đề tương đối rộng nên có thể triển khai để chinh phục thính giả, còn khi ban đạo từ thì thời gian hạn chế và chủ đề cố định nên phải trình bày thật cô đọng và súc tích, mới đạt được hiệu quả. Về phương diện này, hình như Hòa thượng đã đạt đến trình độ nhập diệu!
Một lần, nhân ngày về cội của anh em cựu học tăng các Phật học viện Báo Quốc, Phổ Đà, Nha Trang, Quảng Hương v.v..., anh em - phần lớn là chúng Dược Vương - thỉnh cầu Hòa thượng ban cho đôi lời chỉ giáo, và Hòa thượng đã nói đại khái: Anh em bây giờ đã trưởng thành mà đường đời thì vạn nẻo, anh em có thể tùy theo hoàn cảnh mà vận dụng trí tuệ để trang trải cho đời mình và cống hiến cho đạo pháp một cách có ý nghĩa nhất. Rồi Hòa thượng kể câu chuyện: Một con mèo mẹ nuôi đàn con lớn lên có thể tự mình kiếm sống, rồi một buổi tối, mèo mẹ bảo các con đi tìm mồi. Các mèo con lần mò đi đến sân hè của một nhà kia, cất lên tiếng kêu meo meo . Nghe tiếng mèo kêu, bà chủ nhà liền căn dặn các con: Mấy con nhớ đậy trách cá lại, kẻo để con mèo xơi mất . Thế là mèo con hiểu rằng cá chính là thức ăn của mình, nên từ đó về sau chúng đi tìm cá mà ăn. Đó là bài học đầu tiên về phương pháp mưu sinh mà mèo mẹ đã dạy cho con bằng cách tiếp cận với thực tế. Ở đây tựa hồ như Hòa thượng không trực tiếp dạy bảo điều gì, nhưng qua câu chuyện kể vừa vui, vừa dí dỏm, chứa đựng cả một bài học sâu sắc và thực tiễn, khiến ai nấy đều nhớ đời về một kỷ niệm đẹp khi được may mắn tiếp xúc với Hòa thượng. Điều này cũng nói lên sự lịch lãm và tế nhị của Hòa thượng mà tất cả anh em đều đồng cảm.
Một lần khác, nhân buổi lễ tốt nghiệp của Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM), Hòa thượng đã ban đạo từ cho Tăng Ni sinh tốt nghiệp qua ví dụ lõi cây mà kinh điển thường đề cập. Đại ý Hòa thượng phát biểu: Giờ đây, các vị đã nhận văn bằng tốt nghiệp, đó là chứng tích trình độ Phật học cao cấp của các vị, cũng như người đi tìm lõi cây mà đã được lõi cây. Thế nhưng, nếu sau này ra hành đạo và ứng xử với đời mà các vị còn thấy mình là người có bằng cấp cao, có học vị này nọ, khởi lên tâm tự phụ, ngã mạn, khen mình chê người, thì biết ngay mình chỉ mới nhận được vỏ cây, chứ chưa thực sự đạt được lõi cây.
Thỉnh thoảng tôi được nghe Hòa thượng ban đạo từ. Mỗi lần như vậy, tôi chăm chú lắng nghe, cảm thấy tâm đắc và vô cùng thích thú. Vì lời lẽ của Hòa thượng giản dị và trong sáng, ý tưởng ngắn gọn mà súc tích, không thiếu không thừa; trình bày mạch lạc, nội dung sâu sắc, làm nổi bật được trọng tâm của vấn đề, khiến ai nghe cũng dễ dàng lãnh hội và cảm thấy hoan hỷ.
5. BIỂU TƯỢNG ĐỔNG CHƠN NHẬP ĐẠO
Tác phong của nhà sư phạm nghiêm túc hay lời giáo huấn thâm thúy của vị đạo sư trí tuệ cũng chỉ là những đặc tính tất yếu phát xuất từ chân tướng của một bậc chân tu Đồng chơn nhập đạo . Hình như nội dung của một đoạn trong bài sám Quy mạngmà Tăng Ni các chùa thường tụng vào mỗi buổi sáng - vô hình trung - đã minh họa khá rõ nét hình ảnh Đồng chơn nhập đạo của Hòa thượng:
... Sinh phùng trung quốc,
Trưởng ngộ minh sư;
Chánh tín xuất gia,
Đồng chơn nhập đạo.
Lục căn thông lợi,
Tam nghiệp thuần hòa;
Bất nhiễm thế duyên,
Thường tu phạm hạnh.
Chấp trì cấm giới,
Trần nghiệp bất xâm;
Nghiêm hộ oai nghi,
Quyên phi vô tổn .
(... Sinh vào giữa nước,
Sớm gặp minh sư;
Chánh tín xuất gia,
Tu hành từ trẻ.
Sáu căn linh lợi,
Ba nghiệp thuần hòa;
Không nhiễm việc đời,
Thường tu phạm hạnh.
Giữ gìn giới cấm,
Trần nghiệp chẳng vương,
Thủ hộ oai nghi,
Mảy may không thiếu).
Rõ ràng Hòa thượng được diễm phúc sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Phật pháp. Từ bé, Hòa thượng đã tỏ ra dĩnh ngộ khác thường, sớm rõ lẽ mầu, quyết tâm cầu đạo, lại gặp được thầy lành, bạn tốt, nung chí kim cương, dồi mài kinh sử, ròng rã mười mấy năm trường. Thọ bẩm vốn thông minh lại thêm học hành chăm chỉ, kết hợp với đức tính nhu hòa, cẩn trọng và từ tốn nên được thầy yêu, bạn mến và Phật tử hết lòng quí kính. Hòa thượng sinh trưởng tại đất Thần kinh, nơi được xem là trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo tại các tỉnh miền Trung vào đầu thế kỷ XX. Hòa thượng ra đời vào một thời điểm Phật giáo đang chuyển mình lớn mạnh, đồng thời bản thân gặp những hoàn cảnh thuận lợi, hình như đó là kết quả của những thắng duyên từ tiền kiếp.
Ngoài những đức tính tất yếu của một bậc chân tu như đã minh họa, chúng ta còn có thể hình dung một số đức tính đặc biệt khác mà chỉ có những bậc cao tăng mới hiển lộ.
* MỘT LÒNG SON SẮT VỚI ĐẠO
Dốc lòng vì đạo và bảo vệ đạo thì Tăng sĩ nào cũng có, nhưng ít thấy ai nhiệt thành như Hòa thượng. Mỗi khi có vị thức giả nào trình bày về Phật giáo mà ngộ nhận, hoặc thiếu thận trọng, nêu vấn đề không chính xác thì Hòa thượng tỏ ra ái ngại và mong Tăng Ni tìm cách biện chính những sự kiện đáng tiếc như vậy. Tôi đã may mắn nhiều lần được hội kiến với Hòa thượng, và gặp những lúc Phật giáo bị ngộ nhận thì Người thường gợi ý với tôi, rồi thầy trò cùng trao đổi, bàn bạc, tìm phương án làm sáng tỏ vấn đề, khiến tôi vô cùng cảm kích và khâm phục nỗi lòng thương đạo của Hòa thượng.
Trong những dịp ấy, tôi thấy mình học được rất nhiều qua kiến thức bao la của Hòa thượng và có ấn tượng sâu đậm về đạo phong trang nghiêm của một bậc thạc học trong chốn rừng thiền.
* TRÂN TRỌNG HIỀN TÀI
Trong bài văn bia đề tên các Tiến sĩ khoa Đại Bảo năm 1484, quan Hàn lâm viện Thừa chỉ Thân Nhân Trung đã viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc Đế Vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là việc cần kíp . Đối với đời thì bậc hiền tài là nguyên khí của quốc gia, còn đối với đạo thì hàng Tăng tài được gọi là Pháp khí , nghĩa là dụng cụ tốt dùng để xiển dương Chánh pháp. Có lẽ ai cũng có thể nhận thức được nhân tài vốn là bảo vật của nước nhà, nhưng không phải ai cũng biết quí trọng nhân tài. Biết được nhân tài và yêu quí nhân tài họa chăng chỉ có những bậc đức độ và minh triết! Vậy mà Hòa thượng có sẵn bản chất ấy một cách rất tự nhiên. Mỗi khi Hòa thượng thấy Tăng Ni trẻ nào có những dịch phẩm, trước tác tương đối có giá trị thì Người trực tiếp, hoặc gián tiếp viết thư khen ngợi, cổ vũ tinh thần để họ vững tâm tiến bước. Vì những người trẻ rất cần sự động viên khích lệ của các bậc tôn túc, việc làm đó chẳng khác gì tiếp thêm sức mạnh, chắp thêm đôi cánh cho họ bay cao. Các pháp hữu cũng như chính bản thân tôi đã nhiều lần được Hòa thượng chân tình yêu thương động viên như vậy. Điều đó chứng tỏ đức độ của Hòa thượng, cũng như nhãn quan nhìn xa thấy rộng của một vị lãnh đạo Giáo hội giàu tâm huyết đối với tiền đồ của đạo pháp.
* PHÁT NGÔN CẨN TRỌNG
Trong kinh Pháp Cú có một câu kệ ca ngợi đức tính khiêm cung dung dị và nói năng cẩn trọng của hàng Tỷ kheo:
Tỷ kheo điều phục lưỡi,
Khiêm ái không cống cao
Diễn giải nghĩa kinh điển
Lời êm dịu ngọt ngào
(PC.363)
Các bậc cổ đức cũng từng dạy: Nhất ngôn khả dĩ an bang, nhất ngôn khả dĩ táng bang (Một lời nói có thể làm cho đất nước ổn định, và một lời nói cũng có thể làm cho đất nước suy vong).
Có lẽ vì thấm nhuần sâu sắc những lời dạy của Đức Phật, và các bậc Thánh Hiền nên Hòa thượng trở thành nổi tiếng trong chốn thiền lâm về lối nói năng thâm trầm, sâu sắc và cực kỳ thận trọng.
***
Giờ đây, theo định luật vô thường, Hòa thượng đã vĩnh viễn rời xa chúng ta, nhưng hồi tưởng lại hình ảnh của Hòa thượng vẫn vòi vọi như Thái Sơn, giới hạnh trắng trong như băng tuyết và trí tuệ rực rỡ như vầng thái dương. Đối với Tăng Ni và Phật tử Việt Nam thì tứ đại của Hòa thượng đã trở về với cát bụi, nhưng sự nghiệp giáo dục và phiên dịch kinh tạng của Hòa thượng vẫn còn đọng lại mãi mãi trong tâm khảm của những người con Phật
--- o0o ---