Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lý Công Uẩn, vị vua hộ pháp

09/04/201319:53(Xem: 7288)
Lý Công Uẩn, vị vua hộ pháp

LÝ CÔNG UẨN - VỊ VUA "HỘ PHÁP"
ĐẦU TIÊN CỦA TRIỀU ĐẠI NHÀ LÝ


Thích Phước Đạt



Mỗi khi tâm niệm đến hành trạng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không thể không đề cập đến con người và sự nghiệp Lý Công Uẩn. Giá trị lịch sử của một con người không chỉ ảnh hưởng đến tự thân mà dư âm giá trị lịch sử của con người đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và quả thật, Vạn Hạnh Thiền sư là người có công rất lớn trong việc khai sáng ra triều đại nhà Lý thì Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên thực thi tinh thần Vạn Hạnh bằng tất cả sự thể nhập "Đạo Pháp - Dân tộc" trong một thực thể duy nhất.

Tại đây, có thể hiểu rằng Lý Công Uẩn là vị vua được khai nghén từ trong bào thai Lạc Việt, được sinh ra trong triều đại nhà Lê đã đang trên đường suy vong, được lớn lên trong vòng tay giáo dục bởi một tinh thần Vạn Hạnh, không chỉ cầu giải thoát cho mình, cũng không thờ ơ với xã hội, mà chỉ tâm nguyện giải thoát mọi sự khổ đau cho đời. Lý Công Uẩn đã đi vào cuộc đời với sứ mệnh hồi phục và phát triển để mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc. Kỷ nguyên Độc lập - Tự do - Hạnh phúc với bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt lâu đời. Lý Công Uẩn không những là ông vua Hộ Quốc mà còn là vị vua "Hộ Pháp" đầu tiên của vương triều nhà Lý.

Đại Việt sử Lược quyển 2 tờ 1a 3 - 2a 8 viết :

"Tên Uẩn, họ Lý, người làng Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ Phạm Thị, sinh ngày 19 tháng 2 năm Thăng Bình thứ 5 (975). Thuở nhỏ thông minh, sáng trí, tính khí rộng rãi. Đến học ở chùa Lục Tổ, thầy Vạn Hạnh cho là khác thường, nói : "Đó là một người phi thường, lớn lên tất có thể giúp đời yên dân, làm chủ thiên hạ."".

Như vậy cũng đủ có cơ sở để nhận định rằng Lý Công Uẩn là một con người mang trong mình dòng máu đạo đời viên mãn, một tấm lòng yêu nước nồng nàn, một tâm hồn luôn ưu tư giải thoát cho đời.

Ông vốn sinh ra trong mảnh đất có nền văn hóa với một bề dày lịch sử, một vùng đất có truyền thống đạo Phật lâu đời, nơi đó lại gần trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Nơi đây chiếc nôi Phật giáo đã đúc kết bao nhiêu tinh túy đạo Phật để làm nên những con người lịch sử. Tục truyền Lý Công Uẩn đã được sinh ra như là một huyền thoại rất lịch sử nhưng cũng đầy hiện thực.

Truyền rằng Lý Công Uẩn không có cha, mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiêu Sơn, nằm mộng thấy Thần Sơn rồi về có thai sanh ra đứa con trai. Lên ba tuổi đem cho người Sư ở chùa Cổ Tháp tên là Lý Khánh Vân. Ông nhận làm con nuôi đặt tên là Lý Công Uẩn, là người thông minh, được Thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ, nên ông luôn được sự quan tâm, ủng hộ của mọi người.

Dưới thời tiền Lê, ông làm quan đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Khi Lê Long Đĩnh (1009) thì Lý Công Uẩn đã ngoài 35 tuổi. Bấy giờ Đào Cam Mộc cùng quan lại trong triều đưa ông lên làm vua (1009) đổi niên hiệu là Thuận Thiên, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô về Đại La thành lập nên thủ đô mới. Tại đây, nhà vua thấy rồng vàng hiện ra bèn đổi Đại La thành Thăng Long tức Hà Nội ngày nay, đổi Hoa Lư thành Trường An phủ và Cổ Tháp thành Thiên Đức phủ.

Việc dời đô ra Thăng Long là một việc làm có tính chiến lược lâu dài của vua Lý Thái Tổ trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đọc kỹ văn chiếu dời đô, mới thấy rõ tầm quan trọng của việc làm này.

"Xưa kia nhà Thương đến vua Bàng Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô, phải đâu các vua đời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý kiến riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của nhà Thương Chu cứ đóng yên đô thành ở nơi đây khiến cho triều đại không thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi".

"Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ra, chỉ nơi đây là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của các đế vương muôn đời". (1)

Với chiếu dời đô đầy đủ ý nghĩa "nghĩ sâu, ý xa, lý rành, khí mạnh, lời giàu, văn hay" Lý Thái Tổ muốn khẳng định chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước là nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc mang tính chất lâu dài và ổn định. Ông muốn mở một chiều hướng mới của lịch sử dân tộc : Quyền được sống hạnh phúc trong lãnh thổ toàn vẹn của đất nước, với toàn thể sự sinh hoạt theo phong tục tập quán của nền văn hóa lâu đời của dân tộc mà không bị một thế lực ngoại bang nào mà chi phối cả. Cho nên chiếu dời đô ban ra, nó có tác dụng tuyên truyền đường lối hoạt động triều Lý là đúng đắn. Một mặt nó gây tin tưởng sắt thép đối với người đáng lên ngôi thiên tử. Nó kín đáo, khéo léo so sánh nhà Lý với nhà Thương, nhà Chu để giành lấy chính nghĩa. Sau đó nó cảnh cáo nhà Đinh, nhà Lê và các thế lực phản động khác có mưu phản loạn ở Hoa Lư thông qua việc tin tưởng địa lý và lòng người. Mặt khác nó biểu hiện khía cạnh xây dựng đất nước trong ý nghĩa tích cực nhân hòa địa lợi : "trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân ; ở vào trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi". Thực tế Lý Thái Tổ đã thực thi tâm nguyện đó một cách thành công khi ông thừa hiểu đất Thăng Long là nơi nằm ở vị trí giữa đồng bằng sông Nhị, dân cư trù phú. Đặc biệt là toàn bộ dân chúng, nhất là vùng này đều thấm nhuần tư tưởng Phật giáo qua nhiều thế hệ. Ngay cả đội ngũ trí thức cũng như quần chúng lao động số đông đều theo Phật giáo. Đọc sử chúng ta có thể khẳng định rằng thời đó, đội ngũ trí thức nước ta không phải là Nho sĩ mà là Tăng sĩ. Theo Thượng tọa Mật Thể thì : "Ngày xưa mỗi khi tiếp Sứ Tàu, vua ta phải chọn những người lỗi lạc, uyên bác ra tiếp, mà hai vị Thiền sư cùng được cử vào việc ấy đủ biết văn hóa trong nước hầu hết đều do ở đám Tăng sĩ cả".

"Những Pháp sư ấy lại mở trường giáo hóa Tăng chúng nên ta có thể đoán thời ấy Phật giáo thịnh vượng nhất. Vua tin theo, triều đình ủng hộ, lại có sứ đi cầu kinh, tất nhiên ai cũng phải biết đến". (2) Khi đã được toàn bộ lòng dân hướng về mình, Lý Thái Tổ chỉ có trách nhiệm đứng ra thực thi thông điệp. Chấm dứt mọi đau khổ mà cuối triều đại nhà Lê trị vì, mở ra trang sử huy hoàng hơn. Hay nói cụ thể hơn là quần chúng nhân dân, chủ yếu là quần chúng Phật giáo số đông bấy giờ đang mong mỏi có vị vua xuất thân từ Phật giáo đem Chánh pháp vào đời. Để đạt được tâm nguyện ấy Lý Thái Tổ phải có chiến lược lâu dài như đã đề ra là xây dựng đất nước thịnh vượng không chỉ triều đại nhà Lý do ông lập nên mà cho cả muôn đời : "Cũng là nơi kinh đô bậc nhất của các đế vương lâu đời". Việc thành Đại La được trở thành kinh đô Thăng Long đã khẳng định sức mạnh tiềm ẩn của cả dân tộc đã và đang vươn lên không gì ngăn cản được. Sự kiện vua Lý Thái Tổ vừa tới kinh đô mới đã thấy rồng hiện, chứng tỏ vua đã khéo khơi sâu đến ý thức nguồn gốc dân tộc : Con rồng cháu tiên để vững niềm tin xây dựng đất nước. Trong ý nghĩa "Rồng" bay hiện trong sự phồn thịnh an lạc từ xưa cho đến nay. Tại đây, vua Lý Thái Tổ muốn xây dựng một trung tâm đầu não về văn hóa, chính trị, giáo dục, tôn giáo cho cả nước.

Khi đất nước thịnh vượng thì việc hoằng dương Chánh pháp mới thuận lợi và khi nào đạo pháp đã đi vào đời một các rộng rãi thì dân chúng mới an cư lạc nghiệp. Thực tế lịch sử đã chứng minh như vậy. Cho nên có thể khẳng định rằng nếu có nguyên nhân nào làm cho đạo pháp và dân tộc thịnh vượng thì nguyên nhân đó chính là chất liệu từ bi, giải thoát của đạo Phật và tấm lòng yêu nước nồng nàn của muôn người như một. Việc vua Lê Long Đĩnh (1005 - 1009) dùng chính sách cai trị dân chúng không đúng Chánh pháp đã chứng minh quy luật đó. Theo sử chép thì ông là người hạ lệnh "róc mía lên đầu chư Tăng, buộc cỏ vào lưng tù mà đốt, giam người vào chuồng rồi đẩy xuống nước cho chết ngộp, trồng cây sắt nung đỏ bắt leo..." đã tự đưa ông vào cửa tử trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, dẫn đến triều đại Nhà Lê phải sụp đổ, mở ra triều đại nhà Lý theo tâm nguyện của quần chúng nhân dân, cũng là tâm nguyện, tâm đạo của Lý Thái Tổ. Tại đây có thể đi đến kết luận dời đô ra Thăng Long là việc làm "Hộ Pháp" đầu tiên nằm trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt của vua Lý Thái Tổ.

Việc làm thứ hai của vua Lý Thái Tổ là đem đạo vào đời đi từ công cuộc xây dựng một xã hội nhân bản tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là tâm nguyện muôn đời của những con người theo đạo Phật, đúng như lời Thế Tôn dạy "Vì sự lợi ích, vì sự hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài người". Với ý tưởng đó thì mới chuyển hóa xã hội nhân bản sang xã hội Phật bản đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật. Chính lẽ sống này khi Lý Thái Tổ lên ngôi, ông đã thay đổi chính sách cai trị dân khác hẳn với các triều đại khác, đúng như lời nhận định của cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã viết : "Các vua vũ biền đời trước (nghĩa là trước nhà Lý) đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng thú". (3)

Chính sách trị dân mà Lý Thái Tổ ban hành và ứng dụng trong triều đại của ông được xây dựng trên cơ sở của một nền Phật học mà ông hấp thụ từ trong di sản văn hóa dân tộc, và trực tiếp Thiền sư Vạn Hạnh. Ở vào địa vị quyền ưu tuyệt đối, bậc đế vương mà Lý Thái Tổ đã đánh mất cái "Ta" thường tình, lại không quên vai trò Hộ Pháp của người Phật tử thuần thành là điều đáng ghi nhận muôn đời. Chính vua là người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong chốn Thiền lâm, chất liệu từ bi giải thoát đã thể nhập vào việc "bình thiên hạ" lúc nào chả rõ. Mới lên ngôi, ngoài việc dời đô ra Thăng Long vua đã cho dựng chùa, thỉnh kinh từ Trung Quốc, đúc chuông, tạo tượng, giảng kinh, truyền bá Chánh pháp, xá tội vong nhân... khiến cho cả triều đại nhà Lý bao trùm tinh thần Phật giáo "từ bi hỷ xả", vừa oanh liệt về chiến công, vừa nhân từ về chính trị hơn cả.

Sử chép "Năm Thuận Thiên" nguyên niên (1010) Thái Tổ sắc lệnh làm nhiều chùa ở phủ Thiên Đức, lấy tiền kho hai vạn quan để dựng 8 ngôi. Trong thành Thăng Long dựng chùa Hưng Thiên Ngự, gần điện Thái Thanh, dựng chùa Vạn Tuế, ngoại thành lại dựng chùa Thắng Nghiêm, Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Thiên Quang và Thiên Đức. Triều đình lại sắc đi khắp các làng hễ chùa nào đổ nát thì phải tu bổ lại.

"Sang năm thứ 9 (1010) Thái Tổ sai sứ là Phạm Hạc và Nguyễn Đạo Thanh sang Trung Quốc thỉnh kinh. Khi được vua Tống ban cho, ngài lại sắc một vị Thiền sư là Phi Trí đi sang tận Quảng Tây đón về và để vào kho sách Đại Hưng. Đó là lần thứ hai nước ta có sứ đi cầu kinh".

"Năm sau (1020) Ngài sắc lập đạo đường và phái Tăng sĩ đi diễn giảng Phật đạo khắp trong nước, lại sắc đúc mấy quả chuông để treo ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo, Thắng Nghiêm".

"Năm Thuận Thiên thứ 15 (1024) tháng chín, ngài lập chùa Chân Giáo ở trong thành và sắc các Tăng sĩ, Pháp sư đến đó tụng kinh và giảng đạo để ngài thường đến nghe". (4)

Tất cả những việc làm thành tựu trên thể hiện tinh thần Hộ Pháp của Lý Thái Tổ trong buổi đầu xây dựng phát triển triều đại nhà Lý, mở ra một giai đoạn mới cho dân tộc Việt Nam. Một giai đoạn lịch sử không còn giới hạn thay đổi ngôi triều, mà thật sự làm một cuộc cách mạng xây dựng con người giải thoát mọi khổ đau trong tự thân mỗi người. Kinh Duy Ma phẩm Phật Quốc dạy Bảo Tích rằng : "Thị cố Bảo Tích, nhược Bồ tát dục đắc Tịnh độ đương tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh đắc Phật độ tịnh".

"Cho nên này Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn được quốc độ thanh tịnh thì phải thanh tịnh chính bản tâm mình, tùy theo sự thanh tịnh của tự tâm mà cõi Phật được thanh tịnh". Theo tinh thần này, Lý Thái Tổ muốn xây dựng hình ảnh đất nước Đại Việt thịnh vượng hạnh phúc thì cần phải thực thi cuộc cách mạng tận căn rễ trong chính cội nguồn sâu thẳm nội tâm. Khi thế giới nội tâm không cáu bẩn thì thế giới ngoại tâm sẽ trong sạch hoàn toàn. Mọi cuộc cách mạng bên ngoài chỉ là những giai đoạn tiền đề mang tính thức thời. Phương tiện hữu hiệu nhất để kiến thiết con người xã hội có giá trị hạnh phúc vĩnh hằng là triển khai trí tuệ Phật đà triệt để trong cuộc cách mạng nội tâm. Việc xây chùa, thỉnh kinh, giảng kinh khắp nơi của Lý Thái Tổ là việc làm sống động thể nhập hình ảnh : "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt" mà cả dân tộc đã khát vọng từ lâu. Tại đây nhà chùa trở thành nhà trường, trở thành những trung tâm giáo dục, văn hóa phát triển theo tinh thần Phật giáo cho cả nước, thể hiện nếp sống đạo đức Phật giáo trong lòng mỗi người dân.

Do áp dụng đường lối dùng Chánh pháp để trị dân, vua Lý Thái Tổ đã thành công vai trò lãnh đạo đất nước, vai trò Hộ Pháp của người Phật tử đúng như lời nhận định "Về đời Lý Thái Tổ, trong nước đã cường thịnh, các nước ngoài như Chiêm Thành, Chân Lạp đều chịu triều cống, bên Tàu nhà Tống cũng giao hiếu không sanh sự, dân tình an lạc, vua và triều đình lại hết tâm ủng hộ, nên Phật giáo nước ta ở hồi ấy có thể gọi là cường thạnh nhất từ trước đến sau". (5)

Tóm lại, với vai trò nguyên thủ quốc gia, vị vua đầu tiên khai sáng ra triều Lý, Lý Thái Tổ đã làm tròn trách nhiệm người công dân đối với đất nước, một người Phật tử đối với đạo Pháp. Chính ông là đứa con dân tộc được kết tinh từ dòng máu đạo pháp và dân tộc để rồi lịch sử đã giao cho Lý Thái Tổ cái quyền tối hậu khai sáng ra triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị hơn 200 năm nhờ thực thi tinh thần Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt nam đúng như lời cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn : "Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất, vững chắc nhất nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật". Trong sự thành công rực rỡ này, chính Lý Thái Tổ là ông vua biết vận dụng giáo lý Phật đà để trị vì. Điều này cũng có nghĩa Lý Thái Tổ là vị vua Hộ Pháp đầu tiên của Phật giáo nước nhà. Nghiên cứu lời nhận định của nhà sử học Ngô Thời Sĩ thì ít nhiều sẽ hiểu rõ tấm lòng Hộ Pháp của ông đối với đạo Phật như sau : "Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ cửa Phật, được Khánh Vân nuôi lớn. Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu ở trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc đã sáng lập nhiều chùa, cấp điệp độ Tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nếp Phật, bất luận hiền ngu, muốn cho quy y Phật...". (6)

-------------------------------------

Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Viện Văn học. Thơ văn Lý Trần, tập I, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội 1977, trang 230, Nguyễn Đức Vân dịch.

Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược. Nxb Minh Đức 1960, trang 115.

Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Tu Thư Đại học Vạn Hạnh tái bản lần thứ I - 1966, trang 426.

Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược. Nxb Minh Đức 1960, trang 118.

Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử lược. Nxb Minh Đức 1960, trang 119.

(6) Nguyễn Đăng Thực, Khái quát tư tưởng thời đại nhà Lý - Tạp chí Vạn Hạnh số 1 - 1965 Phật lịch 2509.

-- o0o --

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/01/2021(Xem: 7300)
Hòa thượng họ Hồ, húy Đắc Kế, Pháp danh Nguyên Công, tự Đức Niệm, bút hiệu Thiền Đức, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn, sinh năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Minh Đạo tại chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, Ngài cầu học với Hòa thượng Trí Thắng chùa Thiên Hưng và Hòa Thượng Viện chủ chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa Thượng Thiện Hòa ở chùa Ấn Quang, Sàigòn, và Hòa Thượng Trí Thủ ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Vào năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật giáo tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang Sàigòn. Song song với Phật học, Ngài cũng c
25/01/2021(Xem: 4103)
Nói đến cụ Họa, hầu như người người dân thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, quận Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nếu sống cùng thời thì ai ai cũng biết cụ. Thật ra tên cụ là Võ đình Thụy, pháp danh Tâm Huệ sinh năm 1899 mất ngày 31 tháng 1 năm 1951 tại quê nhà. Cụ dáng người tầm thước. Sóng mủi cao cân xứng với khuôn mặt chữ điền. vầng trán cao rộng. Miệng hàm én. Đặc biệt hai mắt sáng quắt, biểu lộ đức tính ngay thẳng, lòng đầy quả cảm.
03/01/2021(Xem: 9141)
Một Số Danh Tăng Việt Nam Tuổi Sửu Thiền sư TRÌ BÁT (Kỷ Sửu 1049) Thiền sư TỊNH THIỀN (Tân Sửu 1121) Hoà thượng THÍCH ĐẠT THANH (Quý Sửu 1853) Hoà thượng THÍCH GIÁC NHIÊN (Đinh Sửu 1877) Thiền sư THÍCH CHƠN PHỔ - THUBTEN OSALL LAMA (Kỷ Sửu 1889) Hoà thượng THÍCH BỬU LAI (Tân Sửu 1901) Hoà thượng THÍCH THIÊN ÂN (Ất Sửu 1925) Hoà thượng THÍCH MINH THÀNH (Đinh Sửu 1937)
20/12/2020(Xem: 3965)
Kính lạy giác linh Tổ sư: Chúng con đã từng nghe: Đồng An xưa, thác sanh thai thánh Dòng Lương Thị, quang huy ấu đồng. Tuyền Châu hun đúc ngọn từ phong. Phước Kiến ân triêm nguồn pháp vũ. Rồi từ đó: THẾ giới bao la, sáng ngời tinh tú ÂN sư cao cả, bừng trổi đàm hoa. Tướng hảo dung hòa Từ trí viên mãn. Nghiệp bút nghiên sáng lạng Nếp nho gia miên trường.
13/12/2020(Xem: 11906)
lễ Cúng Dường Đại Tăng trong ngày Sinh nhật Lần Thứ 94 của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan. Thời gian: 1giờ 30 chiều ngày 01 tháng 01 năm 2021 Địa điểm: Chùa Hồng Danh 1129 Bal Harbor Way. San Jose, CA 95122. USA
12/12/2020(Xem: 5613)
Tu Viện Quảng Đức/Trang nhà Quảng Đức vừa nhận tin viên tịch (từ HT Thích Minh Hiếu): Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Phúc, Thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN Giáo phẩm chứng minh Hệ phái Khất sĩ Tăng trưởng Giáo đoàn IV Viện chủ Pháp viện Minh Đăng Quang, Thế danh: Lê Văn Xa Sinh năm: 15/04/1936 Xuất gia: 29/09/AL/1958 Thọ Sa di: Rằm/10/1959 Thọ Tỳ kheo: Răm/07/1963 Hạ lạp: 57 năm Trụ thế: 85 năm Viên tịch vào lúc: 07 giờ ngày 28/10/Canh Tý (tức 12/12/2020) tại Pháp viện Minh Đăng Quang Lễ nhập liệm: 19 giờ cùng ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang Lễ kính viếng sau đó tại lễ đường Pháp viện Minh Đăng Quang Lễ tưởng niệm di quan, trà tỳ vào lúc 06 giờ ngày thứ Ba, Mùng 02/11/Canh Tý (tức ngày 15/12/2020 tại Phúc An Viên, Q. 9 *** Cáo Phó và chương trình tang lễ sẽ được phổ biến chi tiết trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng con thành kính đảnh lễ Đức Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Lượng Tân viên Tịch nguyện cầu Giác Linh ngài Cao Đăng Phật Quốc. Na
04/12/2020(Xem: 7021)
Được biết, do niên cao lạp trưởng, Hoà thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 9g10' sáng nay, 4-12-2020 (nhằm ngày 20-10-Canh Tý), tại trụ sở văn phòng Ban Trị sự GHPGVN thị xã Ninh Hoà (chùa Đức Hoà, số 128 Trần Quý Cáp, P.Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà), hưởng thọ 73 năm, 50 hạ lạp. Hoà thượng tân viên tịch thế danh Trịnh Văn Bảo, sinh năm 1948 tại thôn Mỹ Lợi, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hoà), xuất gia với HT.Thích Viên Nhơn, trụ trì chùa Báo Ân (An Cựu, Huế). Ngài được Hoà thượng Bổn sư ban pháp danh Quảng Thường, tự Ngộ Tánh.
23/11/2020(Xem: 6776)
Phước duyên cho tôi khi được Me Tâm Tấn truyền trao gìn giữ một số thư từ còn lưu thủ bút & chữ ký của Chư tôn Thiền đức Tăng Ni vào những năm xưa xửa của thế kỷ trước. Trước, tôi đã có đôi lần giới thiệu thư từ bút tích của quý Ngài danh tăng Phật Giáo nước nhà như Ôn Trí Quang, Ôn Trí Thủ, Ôn Đỗng Minh, Ôn Đức Chơn, Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Thể Quán... Hôm nay, tôi xin cung kính giới thiệu đến chư vị thủ bút và chữ ký của một bậc tôn quý vốn là cột trụ quan trọng trong ngôi nhà Phật pháp, một vị hộ pháp đắc lực của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong những ngày đầu của phong trào phục hưng, một thành viên cơ yếu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất:
22/11/2020(Xem: 3679)
Trong đời sinh ra, ta may mắn được đầy đủ sáu giác quan, đó là đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi tay để cầm nắm, đôi chân để đi, cái miệng để nói và thọ dụng ăn uống, cái mũi để tập thở vào ra, tấm thân khỏe mạnh là không ốm đâu, từ những chức năng trên ta một dạ tri âm, Cha ta và Mẹ ta, vì chính họ cho ta có một cuộc sống bình an, chính là bậc thầy chính hiệu trong gốc rễ huyết thống. Ta sinh ra trên Trần thế, một dạ tri âm, các bậc Thầy giáo, Cô giáo, từ lớp lá, lớp mầm, lớp chồi, và cao quý hơn khi ta học từ cấp một đến Đại học trong trường, hay ở xung quanh, tất cả nhờ vào con chữ.
11/11/2020(Xem: 6605)
Mấy ngày mưa bão, rãnh rỗi ngồi soạn thư từ và hình ảnh, những kỷ vật mà Me Tâm Tấn luôn trân quý gìn giữ bao năm trời đã truyền trao lại cho tôi bảo quản làm tư liệu để tham khảo viết bài góp bút vào công tác hoằng pháp, tôi đã tìm thấy được những bức thư viết tay của một vị danh tăng Phật Giáo nước nhà: Cố Hòa thượng Thích Đức Tâm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]