Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhớ Sư Ông !

01/10/201410:45(Xem: 14552)
Nhớ Sư Ông !

 

Kính dâng Giác Linh Sư Ông Khánh Anh, kính tặng Mẹ .

 

Nhân duyên, hai từ giáo lý nhà Phật nghe thật giản dị và dễ thương. Từ ngày Sư Ông Khánh Anh viên tịch, tính đến nay đã hơn một năm. Trong ký ức của tôi không ngày nào, không nhớ về  hình bóng Sư  Ông. Hình bóng của Ngài cứ nhè nhẹ thẩm thấu trong tâm hồn tôi. Càng hồi tưởng, càng ngẫm nghĩ, sắp xếp  tất cả những sự kiện theo dòng thời gian, tôi mới  nhận ra rằng: Chắc nhiều đời, nhiều kiếp trước tôi đã có duyên và tín tâm với Phật, với Sư Ông rất nhiều, nên đến kiếp này tôi mới lại được làm con Phật, được là đệ tử ruột của Sư Ông. Hôm nay, ngồi viết những dòng tưởng niệm này là cả một quá khứ vui buồn, đau thương tràn về. Ngược dòng thời gian, tôi sinh ra ở miền Bắc, Sư Ông là người trong Nam . Năm 1968 khi Sư Ông đi du học bên Nhật ( kể từ đó Ngài chưa một lần trở về Việt Nam) tôi mới là cậu bé 6 tuổi chạy lon ton bước chân vào học lớp i, tờ. Thế hệ chúng tôi là thế hệ lớn lên dưới  chế độ cộng sản, vô thần - gian dối,  đói cơm rách áo - thèm bánh kẹo, nhưng luôn thừa khẩu hiệu ca ngợi Đảng và Bác . Tôi nhớ hồi nhỏ kể từ lớp học mẫu giáo cho đến lớp 5, lớp học của tôi toàn nằm ở miếu, đình và  trước cửa chùa. Ngôi chùa đối với tôi vừa gần gũi, vừa xa lạ huyền bí. Và rồi ngôi chùa chỉ thật sự gần gũi thân thương đối với tôi, khi tôi gặp được Sư Ông. Thực tình mà nói nếu tính theo thời gian và số lần tôi có duyên được gặp trực tiếp Sư Ông trong cõi Ta bà này, không dài và cũng không nhiều. Phần vì Sư Ông sống bên Pháp còn gia đình tôi sống bên Đức. Kể từ khi làm lễ Quy Y Tam Bảo dưới chân Sư Ông hồi lễ rằm Thượng Nguyên 2001 cho đến ngày 2.7.2013 âm lịch khi Ngài viên tịch vỏn vẹn có hơn 12 năm. Nhưng có điều lạ, lần đầu tiên và lần cuối cùng được gặp Sư Ông đều ở cùng một địa điểm, đó là ngôi chùa nhỏ ở  miền Nam nước Đức .

Sau khi Sư Ông viên tịch, tôi mới giật mình nhận ra điều sơ đẳng: Thì ra Ngài là Bồ Tát thị hiện dẫn dắt tôi về với ngôi Tam Bảo, cho nên tôi phải tu, phải tu rất nhiều, may ra các kiếp vị lai tới, tôi mới có duyên được gặp lại cha tôi. Và chắc chắn tôi chỉ gặp được cha tôi ở ngôi Già Lam, ở ngôi Tam Bảo, ở cõi Phật mà thôi. Và rồi trong chuyến hành hương về đất Phật hồi tháng 11.2013 vừa qua, tôi mới chợt nhận ra thêm một điều nữa:  Sư Ông là Phật. Chuyện là thế này: Chả là đúng vào dịp lễ tưởng niệm 100 ngày viên tịch của Sư Ông, tôi không sang được chùa Khánh Anh dự lễ, vì đúng ngày đó tôi đang đi hành hương trên đất Phật, nên tôi chỉ biết thỉnh di ảnh Giác Linh Sư Ông cùng tháp tùng. Theo thói quen cứ đến các thánh tích, đến tứ Động Tâm, nơi nào trên đất Phật tôi đều dâng di ảnh Giác Linh Sư Ông đặt lên cao, để cả đoàn cùng đảnh lễ. Lạ lắm, cứ mỗi lần quỳ xuống đảnh lễ Phật, khi ngước mắt lên thấy Phật là thấy hình ảnh Sư Ông liền. Tôi nhủ thầm chắc mình già rồi lẩn thẩn, phần vì quá thương xót Sư Ông nên thấy vậy thôi. Tôi cứ để bụng hoài không muốn chia sẻ với ai. Cho đến hôm cuối cùng trên đất Phật, trong lúc cúng lễ 100 ngày viên tịch của Sư Ông trong bảo tháp, tại Bồ Đề Đạo tràng, dưới chân pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng cao hơn 2 mét, có tuổi thọ hơn 1000 năm rất linh thiêng, với sự chủ lễ của Hòa Thượng Huệ Minh phương trượng chùa Giác Uyển tại Sài Gòn; lúc đó hai tay tôi đang dâng bát cơm lên Phật và Giác Linh Sư Ông; khi ngước mắt lên chiêm bái Phật, tôi mới ngộ ra một điều: À! thì ra những lần được gần gũi bên Sư Ông, tôi luôn thấy ở Ngài cách hành xử toát lên hai nhân tố Bình Đẳng - Thanh Tịnh, gieo trồng nhân đó chính là quả về cảnh giới của Phật. Cho nên tâm của Sư Ông và tâm Phật đều ở cảnh giới tương ưng, thấy Phật là thấy hình ảnh Sư Ông, đó là điều hiển nhiên. Có thế thôi mà tôi nghĩ mãi không ra.

Viết về Sư Ông thật dễ mà khó. Dễ là bởi vì có quá nhiều kỷ niệm để kể, nhưng khó là bởi vì Sư Ông là bậc Cao tăng Trưởng lão, bậc Thạch trụ của thiền gia, là nhà lãnh đạo tài ba của Giáo hội nhưng ở đời thường, Ngài giản dị, mộc mạc, chân thành  lắm. Cho nên nhiều khi viết không cẩn thận thành sai lệch, thi vị hóa Sư Ông. Điều đó không nên và tôi chắc là cha tôi không muốn thế. Chính vì thế tôi chỉ viết ra đây vài kỷ niệm vui buồn mà tôi có được trong những lần gặp, những ngày gần gũi bên Sư Ông mà thôi.

Nhớ hôm đầu tiên trong dịp lễ rằm Thượng nguyên 2001 tại Munich - Đức quốc, sau khi làm lễ Quy Y Tam Bảo, chúng tôi quỳ xuống đảnh lễ Sư Ông, tôi không biết những người khác ngộ ra điều gì, chứ trong thâm tâm, tôi chỉ muốn bay về ngay Việt Nam khoe với mẹ rằng: Con trai của Mẹ giờ đã là con Phật, là đệ tử ruột của Sư Ông Khánh Anh tận bên Pháp rồi đấy nhé! Và công việc tiếp theo tôi sẽ làm và dứt khoát phải làm là bắc thang trèo lên hạ ảnh ông Hồ xuống, thay vào đó là ảnh Phật. Ngày đó nghĩ và làm chỉ xuất phát đơn giản: Lòng kính Phật, nào đã hiểu kinh kệ gì đâu. Mãi sau này nghe quý Thầy, quý Cô giảng tôi mới hiểu. Hồi Đức Phật còn tại thế, Đức Phật đã từng nói và giảng kinh điềm lành, mà sau này mọi người khi dịch ra hay đặt tên: Kinh Phước Đức. Tôi thích nhất mấy lời dạy mở đầu của Đức Phật:

Lánh xa kẻ xấu ác

Được thân cận người hiền

Tôn kính bậc đáng kính

Là điềm lành lớn nhất

Theo thiển ý của cá nhân tôi, có lẽ cái bi kịch lớn nhất của phần lớn người Việt Nam, từ sau ngày 2.9.1945 và đặc biệt các gia đình ngoài Bắc sau năm 1954, là đã chọn nhầm người để tôn kính. Đó cũng là một nguyên nhân chính, dẫn đến những hậu quả khôn lường mà dân tộc Việt Nam nói chung và gia đình tôi nói riêng phải gánh nhận sau này. Ai đã từng sống ở miền Bắc chắc đều biết:  Để có tấm ảnh Phật ở trong nhà, trước những năm 1975 tại Hà Nội là điều không đơn giản. Ngoài đường các hiệu sách đầy những ảnh ông Hồ, nhưng tìm kiếm thỉnh được một bức ảnh Phật khó như mò kim dưới đáy biển. Thật ra trước năm 1954 khi đất nước chưa bị phân chia làm hai miền, hầu hết ở các làng vùng Bắc bộ đều có chùa. Nhưng khi cộng sản nắm chính quyền ở ngoài Bắc, họ cho rằng chùa, đình, miếu là những nơi thờ cúng mê tín, dị đoan nên họ chủ trương không cho sinh hoạt, phá bỏ dần dần, những nơi đây trở nên hoang vắng, thành những kho của hợp tác xã hoặc lớp học. Mãi đến đầu năm 1980, ông nội tôi mới vào được Sài Gòn thăm người cháu ruột gọi bằng cậu là nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa được ra tù, ngày đó đi vào Nam khó lắm, nghe đâu ông Nội tôi phải xin giấy chứng nhận có con là liệt sỹ mới vào được Sài Gòn đấy. Khi ra về trong tay nải hành lý của ông Nội, có bức ảnh Đại Bi Quán Thế Âm. Ông Nội cứ tiếc, trong đàn con của mình chả ai xây dựng được một dinh cơ trong đó. Nói là thờ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, chứ chỉ mùng một hay ngày rằm, mới có hoa quả tươi dâng lên Phật. Còn đồ thờ Ngài hàng ngày toàn là đồ nhựa, nến nhựa, hoa nhựa, táo cam nhựa. Ăn còn đói mờ mắt, lo chạy từng bữa lấy đâu ra hoa quả tươi cúng Phật. Nhưng đêm đêm trước khi đi ngủ bao giờ ông Nội cũng dặn tôi: Con nhớ kiểm tra cái đèn dầu, lau bóng đèn cho sạch. Dù nghèo dù đói nhưng đêm nào trên bàn thờ Phật, thờ gia tiên cũng có ngọn đèn dầu hiu hắt, cho ấm cửa ấm nhà. Chắc nhờ ánh sáng từ ngọn đèn dầu ngày đó, mà sau này đã dẫn dắt cho tôi đi tìm hai chữ tự do và may mắn đầu tiên là được gặp Sư Ông để tìm về cửa Phật. Và rồi tháng 5.2002, khi đón Mẹ tôi từ Việt nam sang Đức thăm chúng tôi sau hơn 10 năm xa cách, tôi có đưa Mẹ sang chùa Khánh Anh thăm và đảnh lễ Sư Ông, tiện thể đưa mẹ đi thăm thủ đô kinh thành ánh sáng Paris. Lúc chia tay Sư Ông trên Chánh điện, tôi xin với Ngài làm lễ chú nguyện giúp gia đình tôi bức ảnh Phật. Ngài hoan hỷ nhận lời, cả gia đình tôi quỳ dưới chân Phật. Sau 3 tháng thăm chúng tôi lúc trở về Việt Nam, Mẹ tôi cứ sợ thân già lọ mọ, tiếng tăm không biết, lần đầu đi nước ngoài không biết làm sao về được Việt Nam, vì lúc về chuyến bay phải chuyển đổi ở sân bay Paris. Ai đã bay qua Pháp thì biết, sân bay Paris Charles de Gaulle to và rộng vô cùng. Tôi dặn Mẹ: Mẹ đừng sợ cứ ôm bức ảnh Phật này mà Sư Ông đã chú nguyện vào trong lòng, cầu Phật, thế nào Phật, Bồ Tát cũng giúp Mẹ về đến nhà. Quả thật, về đến nhà an toàn, Mẹ chỉ biết tạ ơn Phật, tạ ơn Bồ Tát, tạ ơn ân đức Sư Ông mà thôi. Và rồi trong cái rủi, có cái may. Đầu năm 2003, Châu Âu bước vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng, tôi gia nhập hơn 1 tháng đoàn quân thất nghiệp. Tôi làm ngay một chuyến về thăm quê hương, bỏ mặc ngoài tai bao lời ngăn cản của người thân khuyên nhủ, không nên về, vì sợ an ninh không đảm bảo. Là con Phật, là đệ tử của Sư Ông mặc dù tôi chưa học được lời kinh, lời kệ từ Sư Ông là bao, nhưng cái tính vô úy, cái tính tự tại của Sư Ông đã ngấm vào tôi từ ngày nào tôi không hay. Cứ bắt chước Sư Ông, gặp khó khăn cứ từ từ tìm cách giải quyết, cứ nhất tâm niệm Phật gia hộ rồi đâu sẽ vào đó. Ngày thứ hai tại quê nhà sau thời công phu khuya tại gia, tôi sai ngay thằng cháu trai gọi bằng bác, sang hàng xóm mượn cái thang tre và tôi leo lên, hạ ảnh ông Hồ đang treo chính giữa ngôi nhà Từ đường xuống, thay vào đó là bức ảnh Phật mà Sư Ông đã chú nguyện hồi Mẹ tôi cầm về. Lúc hạ ảnh ông Hồ xuống, tôi cũng làm theo cách hành xử của Sư Ông, không phê phán, không trách móc, không giận dữ. Chỉ nhẹ nhàng nói: Thôi, mời Bác đi chỗ khác nghe. Bức ảnh ông Hồ sau khi hạ xuống không hiểu sao nó biến đi đâu mất lúc nào tôi không hay, hết duyên mà. Hình như mấy ngày sau đó các cô, chú ruột tôi biết chuyện, có người không vui. Người ta bảo: Tu là chuyển nghiệp, nhưng trước đó mình phải thanh toán trang trải những nghiệp cũ, thay vì kêu than oán trách. Mình sẵn sàng đón nhận chịu đựng với tâm hoan hỷ, nói thì dễ mà khi gặp phải thấy cay đắng, nghiệt ngã quá. Bức ảnh Phật đó đã chứng kiến không biết bao nhiêu những thăng trầm điên đảo trong gia đình tôi, nào là gia phong tập quán bị phá bỏ, luân lý bị đảo lộn....Nguyên nhân chính không ngoài hai yếu tố vô minh và lòng tham. Để rồi hôm nay ngồi viết những dòng chữ này, chỉ biết thốt lên: Tạ ơn Phật, tạ ơn Giác Linh Sư Ông, tạ ơn Tổ tiên. Nhờ bức ảnh Phật với uy lực của Phật, sự linh thiêng lời chú nguyện của Sư Ông đã che chở cho tôi, cho gia đình dòng họ Hoàng - làng Cót sau bao vận hạn trầm luân. Để rồi hôm nay mọi người mới nhận ra rằng (nói theo cách Mẹ tôi diễn tả): Không có con đường nào hơn, ngoài con đường về nương tựa Phật. Uy lực của Sư Ông đã dẫn dắt những người thân của tôi về với ngôi Tam Bảo. Bây giờ, mẹ tôi buổi sáng dậy và trước khi đi ngủ chỉ biết nhất tâm lần tràng hạt niệm Phật, cô em út đã là Phật tử  thuần thành, chị gái thứ hai, một kẻ cứng đầu can cường đã từng tuyên bố: Lễ lạy thờ cúng gì cứ chừa mặt chị ra. Vậy mà bây giờ nhà chị đã có bàn thờ Phật, trước khi đi làm chị tôi đã biết lễ Phật xin Ngài che chở cho bình an. Các thím dâu, các cháu dâu sống xung quanh ngôi nhà Từ đường ngày ngày đã biết tụng kinh niệm Phật rất đều đặn, tinh tấn. Đặc biệt ông chú ruột từng là sĩ quan quân đội cao cấp đã thốt lên: “Có những cái trước đây mình nghĩ sai”. Và chú kể với tôi Chú vừa đi chùa lễ Phật về. Quả thật, nếu không có uy lực của Phật, không có ân đức của Sư Ông gia hộ nhiều khi tôi bỏ cuộc, hai tay buông xuôi. Ơn Phật, ơn Bồ Tát, ơn Sư Ông, ơn Tổ Tiên thật vô biên.

Nhớ hôm lễ Tiểu tường của Sư Ông bên chùa Khánh Anh, tôi có làm cuộc phỏng vấn nho nhỏ với quý Thầy, quý Cô và bà con Phật tử bên đó rằng: Trước thời gian Sư Ông viên tịch, mọi người có cảm nhận điều gì khác thường không?

Riêng với tôi, trước khi Sư Ông viên tịch khoảng 9 tháng, tôi đã gặp được nhiều điềm báo ứng lạ lùng khác thường, nói theo ngôn từ dân dã quê tôi đó là điềm gở, báo rằng chúng tôi sẽ mất Sư Ông một ngày gần đây. Nhưng hồi đó vì chủ quan, cứ nhởn nhơ và dửng dưng với hai chữ vô thường nên không để ý, luôn nghĩ rằng Sư Ông còn thọ lâu. Nào ai đâu ngờ, con quỷ vô thường nó ập đến. Để rồi hôm nay tôi chỉ biết kể cho mọi người nghe, mấy điềm lạ mà tôi gặp trước khi Sư Ông viên tịch.

Điềm lạ đầu tiên là: Tôi đánh mất bảo vật quý trong chuyến đi làm thị giả cho Sư Ông sang Úc châu hồi tháng 11.2012.

 Trên bàn thờ Phật nhà tôi, hồi Sư Ông còn tại thế  tôi có một bảo vật quý giá đó là một chuỗi niệm Phật 21 hạt, trên mỗi hạt đều có khắc hình Phật và mật chú do Hòa Thượng Huệ Minh ban tặng (Hòa Thượng Huệ Minh, hồi trước đã từng là học trò của Sư Ông ). Chuỗi niệm Phật này Ngài Huệ Minh thường đeo trên tay, hôm Ngài xuống thăm gia đình chúng tôi, trước khi chia tay Ngài biết tôi có lòng kính Phật và tu theo pháp môn Tịnh Độ, Ngài lẳng lặng tháo ra và trao tặng lại cho tôi. Tôi cung kính dâng lên bàn thờ Phật, tôi quý vòng niệm Phật này vô cùng, vì nó là Pháp cụ của một bậc chân tu có lòng từ bi và trí huệ, tôi coi như vật bảo. Chỉ khi nào đi làm đêm, hoặc đi đâu xa với sự kiện trọng đại tôi mới đến trước bàn thờ Phật, thỉnh ba tiếng chuông lễ Phật xin Phật gia hộ, rồi mới dám đeo vào tay để lần tràng hạt niệm chú và niệm Phật. Và rồi trong chuyến đi làm thị giả cho Sư Ông đi sang Úc châu dự Ngày Về Nguồn - Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 6 tại chùa Pháp Hoa, trên chuyến bay từ Châu Âu sang Châu Úc hơn 20 tiếng, tôi ngồi xa Sư Ông và chỉ biết lần tràng niệm Phật gia hộ, thỉnh thoảng chạy lên xem Sư Ông có cần sai bảo gì không? Nhìn Sư Ông và Sư Ông Tánh Thiệt ngồi bên nhau thủ thỉ chuyện trò, nhiều khi hai Ngài mệt tựa vào nhau, thấy thương các Ngài vô cùng. Mình là thanh niên ngồi máy bay hơn 20 tiếng đồng hồ còn mệt oải cả người, huống chi các Ngài. Mà Sư Ông phải  đi nhiều lắm, Ngài đi Phật sự suốt, chả thế có người gọi đùa Sư Ông  là Hòa Thượng đi máy bay. Mãi sau này mỗi khi muốn tìm hiểu sức khỏe, sinh hoạt của Sư Ông, tôi cứ chắp tay hỏi nhỏ Ngài Tánh Thiệt: “Bạch Sư Ông, Hôm qua Sư Ông con có ngủ được không?” Thường thì Ngài trả lời mộc mạc: “Được, hôm qua khoảng 8 giờ tối (tức 20 giờ) đã thấy ổng nằm ngáy o o”. Nhiều hôm được ngồi đấm lưng bóp chân  cho Sư Ông. Ngài mới tâm sự, nằm vậy thôi chứ khoảng 1- 2 giờ sáng là Sư Ông tỉnh giấc rồi, không ngủ được. Tôi vội hỏi: “Khi ở chùa Khánh Anh  Sư Ông làm gì cho đến sáng?” Ngài bảo: “Thì Sư Ông dậy đi lễ Phật và  làm sổ sách.”

Kỳ lạ lắm, khi chỉ còn khoảng gần 1 tiếng nữa là máy bay hạ cánh xuống sân bay Melbourne kết thúc chặng đường bay, tự nhiên vòng niệm Phật tụt khỏi tay tôi biến mất, theo phản xạ tự nhiên tôi lần mò tìm kiếm, suốt gần 1 tiếng đồng hồ trong chỗ ngồi với diện tích rất nhỏ không quá 0,3 mét vuông kết quả đều vô vọng, bặt tín. Vòng niệm Phật biến mất - bảo vật quý ra đi, báo hiệu ngày Sư Ông chuẩn bị bỏ chúng tôi đi xa, tôi nào đâu có hay!

Điềm lạ thứ hai và cũng là kỷ niệm buồn, làm ray rức ân hận mãi trong tâm hồn tôi, đó là tết dương lịch 2013 (tết cuối cùng của Sư Ông ở cõi Ta Bà) chả hiểu làm sao ma chặn lối, quỷ chắn đường thế nào mà vào lúc giao thừa tôi không thể về được chùa chúc thọ Sư Ông?

Năm 2005, Sư Ông bị một trận ốm nặng ngày đó phương tiện liên lạc qua Internet chưa hiện đại như bây giờ, chúng tôi ở xa cũng không hay biết gì. Mà tính Sư Ông là vậy: Ngài ít muốn làm phiền đến người khác, ai phải có phước lắm mới được Sư Ông nhờ vả giao việc. Mãi sau này, khi chỉ còn hai cha con, Ngài mới tâm sự: “Đáng lý năm 2005 Sư Ông đã tịch rồi. Cũng may nhờ Phật gia hộ, Visa ở cõi Ta bà này gia hạn được ngày nào hay ngày đó. Thôi còn sống được bao lâu, chùa nào mời, đạo tràng nào thỉnh  dù ở xa Sư Ông sẽ cố gắng đến thăm, động viên, sách tấn việc tu học.” Tấm lòng Bồ Tát là vậy. Phát nguyện độ chúng sanh vô điều kiện, phụng sự Tam Bảo đến hơi thở cuối cùng. Giữa năm 2010, ở miền Nam nước Đức có ngôi chùa mới được hình thành, được sự che chở động viên tinh thần từ Sư Ông rất nhiều. Sư Ông là ngọn Hải Đăng chiếu sáng trong đêm, giúp cho những con thuyền đi giữa biển cả mênh mông để biết đâu là bến, là bờ.  Ngôi chùa này khá gần gũi với gia đình tôi, vì là Phật tử tại gia, mới bước chân học đạo. Trước  khi dốc lòng, dốc sức làm một việc gì đó, tôi chưa đủ thông tin, tôi viết thư tâm sự thỉnh ý kiến của Sư Ông. Thường thường tôi hay hỏi: “Liệu những suy nghĩ và những quyết định đó của chúng con là đúng hay sai? Sư Ông là cha, ngoài Sư Ông ra con biết hỏi ai bây giờ?” Thường thì Ngài im lặng, Ngài tập dạy cho chúng tôi cách suy nghĩ độc lập, hỏi tức là trả lời. Sư Ông luôn tôn trọng để sự việc chảy theo dòng tự nhiên, vấn đề tự nó giải quyết. Cách làm việc này, tôi học được ở Sư Ông rất nhiều: Không bao giờ áp đặt ý kiến của mình cho người khác, kể cả con cái trong nhà, luôn làm việc với thái độ: Tận nhân lực - tri thiên mạng, nhân lành cứ gieo - khi đủ duyên quả lành sẽ trổ, không vội vàng hấp tấp tu tập theo kiểu mì ăn liền. Thân giáo của Ngài đã độ tôi rất nhiều, nhờ thế dù ở xa Sư Ông, tôi vẫn cứ lửng thửng theo chân Ngài tu tập giữa dòng đời đầy nghiệt ngã. Mãi sau này, sau lễ Trà tỳ của Sư Ông, chúng tôi còn ngồi thảo luận, cắt nghĩa hai chữ Pháp danh Nguyên Cảnh của Ngài rất lâu mà vẫn chưa đến hồi hoàn kết, vẫn như đám mù - sờ Voi. Thường thì Sư Ông quan tâm giúp đỡ các chùa mới hay động viên các Tăng sĩ trẻ, hàng đệ tử hết sức tế nhị và kín đáo. Hai tết dương lịch cuối cùng ở cõi Ta bà, 2012, 2013  dù không được khỏe, mặc dù rất bận các công việc Phật sự khác, Ngài vẫn dành riêng thời gian sang thăm ngôi chùa mới này. Nghe tin Sư Ông về là cả chùa vui lắm, bà con Phật tử kéo về, thầy trụ trì lên chương trình trước, sau lễ Giao thừa là lễ Chúc thọ Sư Ông, Ban văn nghệ đã tập dượt trước các tiết mục đặc sắc để biểu diễn dâng lên Sư Ông. Có chứng kiến khung cảnh đó mới thấy ấm tình đạo. Sư Ông đi đến đâu là Ngài mang phước tu của mình ban tặng cho tha nhân đấy, Ngài luôn cảm hóa người đối diện. Thường thì tôi hay loanh quanh bên cạnh Sư Ông mỗi khi có cơ hội, phần vì muốn khoe với thiên hạ: Sư Phụ của tôi đó. Tết giao thừa 2012 tiến hành trôi chảy bình thường. Sau lễ Giao thừa, Sư Ông thấy tôi biến mất khỏi Chánh điện. Vài phút sau, Sư Ông và mọi người thấy tôi trở lại với bộ lễ khăn đóng áo dài, tất cả mọi người cười ồ lên rất vui. Chắc Ngài nghĩ: Không hiểu anh chàng Quảng Cáo có tiết mục vui văn nghệ gì đây? Thật ra tôi được vinh dự thay mặt mọi người trong chùa chúc thọ Sư Ông nhân dịp năm mới. Kể về tục danh Quảng Cáo cũng vui lắm, trong số đệ tử tại gia của Sư Ông, tôi nghĩ chắc mình là thằng láu cá, khôn lỏi nhất. Tâm lý chung là ích kỷ, đệ tử nào mà chả muốn Sư Phụ để ý và thương mình nhiều nhất. Có lần bên Sư Ông, tôi mếu máo nũng nịu nghĩ ra một mẹo ăn vạ, tôi bạch với Ngài: “Sư Ông à, con quy y với Sư Ông, được Sư Ông đặt cho Pháp danh là Quảng Trực. Nhưng ở ngoài đời họ toàn gọi con là anh Quảng Cáo. Thôi thì bây giờ Pháp danh con là Quảng Trực, tục danh là Quảng Cáo, Sư Ông nhé!” Ngài mỉm cười nhẹ nhàng bảo: “Không sao con!” Và rồi cái tục danh Quảng Cáo có hiệu nghiệm. Có lần Sư Ông sang chùa đúng dịp thọ Bát Giới Quan Trai, trước lúc làm lễ truyền giới, Ngài đưa mắt khắp chúng hỏi: “Anh Quảng Cáo đâu rồi?” cả chùa ngơ ngác không hiểu Sư Ông hỏi ai, mãi sau này vỡ nhẽ, mọi người cười ồ lên. Sư Ông là vậy, Ngài ít hay chấp tướng, luôn tùy thuận chúng sinh đúng như hạnh nguyện của Ngài Bồ Tát Phổ Hiền. Nhiều khi có việc cần, nhớ Sư Ông tôi gọi điện thoại vấn an Ngài. Tôi cứ bắt đầu: “Nam Mô A Di Đà Phật, kính bạch Sư Ông, con Quảng Cáo đây” là Sư Ông nhận ra tôi ngay. Ngài cười nhẹ nhàng hỏi: “Con đấy à, gia đình mọi người khỏe không?” Các câu đối thoại của Ngài, thường không thừa, không thiếu, đủ nghĩa, đủ nghe ngắn gọn dễ hiểu ấm tình, nhưng rất oai nghi - oai lực của nhà Phật.

Tết dương lịch 2013, cái tết cuối cùng của Sư Ông ở cõi Ta bà này. Ngài lại sang thăm đón tết với chúng tôi. Năm đó thời tiết mùa Đông, Châu Âu lạnh thế, buổi chiều cuối năm Tết dương lịch nhiệt độ ngoài trời lạnh âm gần 15 độ. Thường mỗi lần được đi đón Sư Ông ở sân bay, ngoài xe của chùa, bao giờ tôi cũng tự tay lái một Mercedes du lịch 9 chỗ ngồi rộng rãi của hãng, để Sư Ông có chỗ ngồi cho thoải mái. Thấy bóng Sư Ông hiện ra chúng tôi ùa đến tíu tít, đúng cảnh cha con gặp nhau. Mãi sau này khi Sư Ông viên tịch, tôi cũng có duyên được đi đón một số quý Thầy khác. Nhưng sẽ, và sẽ không bao giờ còn  có khung cảnh đầm ấm như ngày nào tôi được đón Sư Ông ở sân bay nữa. Nhìn hình ảnh Sư Ông mà rớt nước mắt, thân già lọ mọ đi Phật sự không có thị giả theo hầu, áo khoác sờn rách, hai tay già nua kéo hai valy nặng đầy kinh sách, da thịt Ngài tong teo. Tôi không hiểu Sư Ông lấy đâu ra sức lực mà đi, nếu không nói chỉ có Phật độ. Và rồi về đến chùa sau khi lễ Phật là giờ cơm chiều, tôi tung tẩy xuống bếp và nghĩ: Chắc Ban trai soạn sẽ nấu các món đại tiệc chay để cúng dường Sư Ông đây. Và tôi đã thất vọng, tôi lặng người trước mâm cơm đầy màu sắc sinh động trang trí đường diềm. Nào màu vàng nhạt của xu hào muối, màu đỏ của cà rốt, cà chua, màu xanh của rau xà lách, nằm bên cạnh đĩa bắp cải luộc cao có ngọn, một đĩa bánh đa nướng đặc sản của miền Trung. Sợ thiếu, Thầy trụ trì nói nhỏ với tôi thái thêm đĩa dưa chuột mang lên cho màu xanh đậm đà, toàn món ăn cứng. Nhìn mâm cơm tôi ân hận và buồn quá, mình là đệ tử ruột của Sư Ông còn tham công tiếc việc, không về sớm nấu dâng lên Sư Phụ một bữa cơm thịnh soạn trong chiều cuối năm, biết trách ai bây giờ. Ở gần Sư Ông mới thấy Sư Ông có nguyện tu khổ hạnh, cái ăn cái mặc với Sư Ông rất giản đơn, thế nào cũng xong.Và Ngài  cùng quý Thầy  dùng bữa rất vui vẻ, khoảng mấy phút sau tôi nói nhỏ bên tai Sư Ông: “Con lại làm món cổ truyền Sư Ông dùng nhé!” Ngài trả lời nhè nhẹ: “Ừ, con làm đi, nhớ làm hết cho quý Thầy nữa. Món cổ truyền của Ngài đó là bát mì chay ăn liền với ít rau cải hay xà lách mà thôi.

Sau bữa ăn tối tôi trốn Ngài về, vì phải đi làm đêm giao thừa. Trước lúc về Thầy trụ trì dặn tôi nhớ thu xếp đúng giao thừa lên chúc thọ Sư Ông, tôi trả lời “Con sẽ cố gắng”, vì từ thành phố tôi ở về chùa gần 80 km, cũng công việc đó mà năm ngoái tôi thu xếp về được chúc thọ Sư Ông. Vậy mà sao năm nay, cứ có ma lực nào ngăn cản, trên thúc dưới giục, không thể nào dứt ra, và rồi tôi không thể nào về chúc thọ Sư Ông được. Không về được để chúc thọ được Sư ông phải chăng đó là điềm gở, báo rằng cái tết này là cái tết cuối cùng của Sư Ông ở cõi Ta  bà? Chúng tôi mất Sư Ông, tôi nào đâu có hay!

Điềm lạ thứ ba: Lời chia tay khác thường, trong lần gặp cuối cùng của Sư Ông với chúng tôi tại sân bay Munich dịp lễ Phật đản 2013.

Nhớ lần cuối cùng gặp Sư Ông trong lễ Phật Đản 2013 ở ngôi chùa miền Nam nước Đức,  lúc chúng tôi về đến chùa đã là khoảng sau buổi trưa, bước chân lên tầng trên đã thấy Sư Ông đang ngồi, đắp Y sẵn sàng  chuẩn bị xuống Chánh điện thuyết  Pháp. Theo thói quen tôi bò trên sàn nhà như con cún con, lần về hướng Sư Ông. Tôi chắp tay quỳ dưới chân Ngài, ngước mắt lên mếu máo than trách và gặng hỏi: “Sao Sư Ông gầy thế?” Ngài phẩy tay trấn an: “Không sao đâu con, Sư Ông mới đi dự khóa tu học bên Mỹ về, chắc thời tiết bên đó nóng nên gầy vậy thôi”. Tôi thấy sắc da của Sư Ông hơi bị sạm, không được đẹp. Sau này khi đọc bài viết của Thầy Pháp Quang kể lại những giây phút cuối cùng bên Sư Ông, biết Ngài viên tịch nguyên nhân chính là bệnh thận, điều này đối với tôi không lạ. Hồi đi làm thị giả cho Sư Ông sang Úc châu, tôi suốt ngày than trách với Sư Ông: “Sư Ông uống ít nước quá!” Ai lại, tôi cầm theo chai nước ngọt có ít gas 0,33 lít, dạng như tôi uống ực một hơi là hết, vậy mà Sư Ông dùng cả ngày vẫn còn thừa. Chỉ khi nào khát lắm tôi ép, Ngài mới nhấp lấy một ngụm. Sau này nghĩ lại mới biết, chắc là trong công việc Phật sự, Sư Ông hay phải chủ trì các cuộc họp, làm lễ, giảng pháp với thời gian dài, ngay cả khi đi hành hương theo đoàn mấy chục người, Sư Ông không muốn vì nhu cầu tối thiểu cá nhân của mình mà làm đứt quãng, ảnh hưởng đến người khác. Cho nên ít uống nước dần dần thành thói quen. Sư Ông là vậy, Ngài sẵn sàng đánh đổi sức khỏe, mạng sống của mình cho công việc Phật sự chung. Có biết thế mới hiểu được tại sao trong cuộc họp của Giáo Hội trong Khóa Tu Học Phật Pháp Âu châu lần thứ 25 tại Phần Lan mặc dù đang bệnh, nhưng Sư Ông vẫn sẵn sàng ngồi tham dự chủ trì để giải quyết rất nhiều vấn đề căng thẳng mà hơn 5 tiếng đồng hồ không hề đứng dậy đi ra ngoài. Nào ngờ, đây là cuộc họp cuối cùng trong đời hoằng Pháp của Sư Ông ở cõi Ta bà này.

Sau giờ thuyết Pháp, chúng tôi giúp Sư Ông thu xếp hành lý để ra phi trường. Sau khi lễ tạ Phật, Sư Ông và chúng tôi rời ngôi chùa trong âm thầm lặng lẽ. Lúc bước chân ra khỏi cổng chùa hình như Sư Ông đã thấy ở tôi có cái gì đó hơi buồn - chạnh lòng. Ngài động viên nói nhỏ với tôi: “Thôi, đi đi con!” Không buồn sao được, bởi vì cũng ngôi chùa này thôi chỉ mấy năm trước mỗi khi đón và tiễn Sư Ông, quý Thầy, bà con trong chùa thường xếp thành hai hàng, cung kính đón chào - tiễn đưa  lưu luyến. Nay nhân sự thay đổi, nếp gia phong chốn thiền môn đó nằm ở đâu bây giờ?. Lên xe tôi thưa với Sư Ông: “Từ đây ra sân bay khoảng hơn 30 phút, con xin Sư Ông tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi.” Xe cứ chạy bon bon trên đường cao tốc rộng thênh thang, mà sao lòng tôi rối bời. Nhìn bàn tay Sư Ông da thịt nhăn nheo, nếp gân xanh nổi lên hằn rõ, hơi thở Ngài mệt nhọc tôi xót xa vô cùng. Nhiều khi tôi tự hỏi: Không hiểu Sư Ông lấy sức đâu mà đi, nếu không nói chỉ có Phật độ. Phật độ Ngài để có sức khoẻ là rõ rồi, nhưng tôi biết điểm tựa, nguồn tiếp sức động viên cho Sư phụ tôi trong công việc Phật sự đó chính là tình Pháp lữ bạn đạo và lòng hiếu kính của các đệ tử xuất gia, cũng như tại gia của Sư Ông trên toàn thế giới.  Các đệ tử của Sư Ông mà tôi đã gặp, ai ai cũng nhanh nhẹn hoạt bát vui vẻ giản dị. Nhớ hôm đi hành hương Úc Châu và dự lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 6 ở chùa Pháp Hoa. Buổi sáng ngồi trên xe Bus, tôi biết Sư Ông rất mệt, Ngài nằm thiêm thiếp. Vậy mà khi về đến chùa, sau khi lễ Phật, gặp quý Thầy, quý Ôn, bà con Phật tử đón chào Sư Ông rất vui, nhanh nhẹn, khỏe mạnh khác thường. Đoàn chúng tôi về đến chùa Pháp Hoa hơi muộn,  quý Thầy, quý Ôn đã dùng ngọ trai xong, lúc Sư Ông tôi dùng bữa, quý Ngài còn ngồi bên cạnh tiếp thêm thức ăn, ân cần thăm hỏi. Thấy Sư Ông xới được hai lần cơm, tôi  an tâm mừng vô cùng. Nhìn hình ảnh của quý Ngài, tôi  mới chợt hiểu phần nào của câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Quên làm sao được hình ảnh, lúc chờ đợi ở sân bay, Ni Sư Diệu Trạm nhìn thấy cái áo khoác cộc tay màu nâu đẹp quá, Ni Sư thỉnh Sư Ông ra mặc thử để mua ngay, tôi lon ton cắp tay nải đi theo sau để xách đồ, về đến nơi đã thấy Thầy Quảng Đạo đã chạy mua được tờ báo tiếng Pháp để Sư Ông đọc. Có áo khoác mới, Sư Ông vận thử, con cái đệ tử vây quanh trầm trồ vỗ tay khen. Viết đến đây, mới thấy thương các quý Thầy, quý Cô không có điều kiện được đi hầu cận Sư Ông những chuyến đi Phật sự xa. Tội nhất Sư Cô Diệu Liên, sau khóa tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 tại Phần Lan kết thúc, trên đường ra sân bay trở về Pháp, Sư cô thấy cái áo đẹp quá, mua ngay, đợi Sư Ông về để cúng dường. Đợi hoài...đợi mãi không thấy Sư Ông trở về, nào ngờ mấy ngày sau Sư Ông viên tịch. Chiếc áo đó Sư Ông chưa kịp mặc, nay Sư cô  để thờ .

Biết rằng hợp rồi lại tan, vậy mà sao lần chia tay này với Sư Ông, tôi buồn thế. Chúng tôi bước chầm chậm bên Sư Ông, mong thời gian kéo dài đôi phút. Chiều trên sân ga vắng lặng chỉ có Sư Ông và vợ chồng tôi. Chúng tôi tiễn Ngài vào tận cửa, chưa kịp cất lời tiễn biệt thì Sư Ông đã nói: “Sư Ông cảm ơn hai con!” Trong khoảng khắc ngắn ngủi, tôi giật mình nhận ra ngay sự khác thường này. Tôi kể ra điều này là bởi vì, thường những lần chia tay trước đây Sư Ông chỉ ra dấu hiệu vẫy chào, hay Sư Ông chỉ nói ngắn gọn: “Thôi, Sư Ông về nghe.” Lời chia tay khác biệt trong lần gặp cuối cùng, phải chăng đó là lời chào từ biệt của Sư Ông đối với chúng tôi trước khi Sư Ông về với Phật? Chúng tôi mất Sư Ông, tôi nào đâu có hay!

Kể từ ngày chia tay đó, linh tính mách bảo sẽ có điều không ổn sẽ xảy ra với Sư Ông. Tôi không dám chia sẻ với ai, vì nói ra sợ bị gở mồm. Khóa tu  học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 tố chức ở Phần Lan, chúng tôi không đi được. Tôi cập nhập hình ảnh, theo dõi tin tức khóa học hàng ngày. Hôm lễ khai mạc thấy có Sư Ông ngồi bàn chủ tọa, ban lời khai thị cho khóa học tôi mừng quá, mấy ngày sau giờ ngọ trai, thiền hành tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Sư Ông đâu, tôi đâm lo, tự hỏi hay Sư Ông có việc Phật sự đột xuất đi đâu xa, không, không thể thế được ... và rồi hôm cuối cùng trong lễ bế mạc của khóa học  lại thấy bóng dáng Sư Ông tươi cười phát quà và bằng chứng chỉ cho các cháu lớp đại học Oanh vũ. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nào có ai ngờ mấy ngày sau, buổi chiều u ám 8.8.2013 khi đi làm về, vừa bước chân vào nhà, U cháu đã bảo: “Sư Ông tịch rồi!” Trời đất quay cuồng, tôi mất tự chủ - màn đêm ập xuống. Sau này tôi được biết, giờ phút Sư Ông viên tịch, Ngài về với Phật rất nhẹ nhàng và thanh thoát.

Nay ngồi viết những dòng chữ này, Sư Ông bỏ chúng tôi đi đã hơn một năm. Nói là mất Sư Ông nhưng thật ra Ngài vẫn còn đó, chiều chiều đi làm về vào bàn thờ Phật có di ảnh Giác Linh Sư Ông trong nhà, sao thấy nó ấm cúng. Nhiều khi túng bấn khó khăn tôi lại vào xin Phật, mè nheo vòi vĩnh Giác Linh Sư Ông. Thôi con chả cầu mong gì nhiều, chỉ xin Phật, Bồ Tát, Giác Linh Sư Ông gia hộ cho con có đủ định lực tu tập, để rồi sống và chết phần nào được như Sư Ông. Nếu hết duyên ở cõi Ta bà này, hãy cho con được về với Ngài. Về với Sư Ông là về với Phật. Tôi luôn tin là thế!

Thành phố Ingolstad t- Tây Đức, những ngày đầu thu ảm đạm 2014, năm thứ hai vắng bóng Sư Ông.

Quảng Trực

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/04/2013(Xem: 18077)
Ba năm về trước, khi bổn-sư (và cũng là chú ruột) của tôi là cố Hòa-Thượng Ðại-Ninh THÍCH THIỀN-TÂM viên-tịch, trong buổi lễ thọ tang ngài tôi có dâng lời nguyện trước giác-linh Hòa-Thượng cầu xin ngài chứng-minh và gia-hộ cho tôi - vừa là đệ-tử và cũng là cháu ruột của ngài - được đầy đủ đạo-lực cùng minh-tâm, kiến-tánh thêm hơn để nối-tiếp theo gót chân ngài, hoằng-dương pháp môn Tịnh-độ nơi hải-ngoại ....
17/04/2013(Xem: 5981)
Con, Tỳ kheo ni Hạnh Thanh, vừa là môn phái Linh Mụ ; nhưng thật ra, Ôn, cũng như con và cả Đại chúng Linh Mụ đều là tông môn Tây Thiên pháp phái. Vì Ôn Đệ tam Tăng thống tuy Trú trì Linh Mụ quốc tự, nhưng lại là đệ tử út của Tổ Tâm Tịnh, Khai sơn Tổ Đình Tây Thiên, được triều Nguyễn dưới thời vua Khải Định sắc phong là Tây Thiên Di Đà tự. Ôn Cố Đại lão Hòa thượng Đôn Hậu có cùng Pháp tự chữ Giác với quý Ôn là Giác Thanh, trong Sơn môn Huế thường gọi là hàng thạch trụ Cửu Giác và có thêm một hàng gọi là bậc danh tăng thạc học Cửu Trí (Chỉ cho các ngài Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siệu v..v...) Cố đô Huế là vậy ; đó là chưa kể nơi phát sinh ra danh Tăng ưu tú ngũ Mật nhị Diệu (Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không) và cũng là nơi đào tạo tăng tài, xây dựng trường Đại học Phật giáo đầu tiên không những chỉ cho Huế mà cả miền Trung việt Nam nữa. Ở Huế thường kính trọng các bậc chơn tu thực học, đạo cao đức trọng nên thường lấy tên chùa để gọi pháp
11/04/2013(Xem: 11081)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
10/04/2013(Xem: 7683)
Ngày 15-2-1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học Tăng khác từ các nơi tập trung về Phật học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia Định đến, tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ trung 1
10/04/2013(Xem: 9568)
Kính dâng Hoà Thượng Thích Tịch Tràng, để nhớ công ơn giáo dưỡng - Tôi ra thắp nhang nơi tháp mộ của Người, ngồi bên tháp rêu phong, vôi vữa đã lở ra từng mảng, đường nét đơn sơ giản dị như cuộc đời giản dị của Thầy, lòng chợt bâng khuâng nhớ thương thầy vô hạn. Tôi tự hỏi: “Động cơ nào đã thôi thúc Thầy nguyên là một vị giáo sư Pháp văn ưu tú con nhà quý tộc ở xứ Quảng, lại cắt ngang con đường công danh sự nghiệp, để vào đây nối bước theo chân Tổ mà nối đuốc đưa mọi người qua khỏi bóng đêm vô minh dày đặc và biến nơi đây thành một quê hương tâm linh cho tất cả ngưỡng vọng hướng về”.
10/04/2013(Xem: 8854)
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm.
10/04/2013(Xem: 6682)
Cư sĩ Tâm Minh- Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam-nay là tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan.Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự đức.
10/04/2013(Xem: 7174)
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (1890), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Toán và cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình, bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi Ngài đã tinh thông Nho học rõ lẽ xuất xứ ở đời, nhưng với chí khí xuất trần, muốn vươn tới một phương trời cao rộng Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tầm sư học đạo.
10/04/2013(Xem: 11300)
Đại Lão Hoà Thượng Pháp danh Thượng Quảng Hạ Liên, Tự Bi Hoa, Hiệu Trí Hải thế danh Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1926 – Bính Dần tại Sông Cầu – Tỉnh Phú Yên, trong một gia đình túc nho, tiểu thương, giàu lòng kính tin tam bảo, Hoà thượng là con thứ 8 trong gia đình với 09 Anh Chị Em được thân phụ là Cụ Ông Nguyễn Văn Phân – PD. Nhựt Minh và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Dưỡng – PD.
10/04/2013(Xem: 6987)
Ngài thế danh là Nguyễn Xuân pháp danh Thanh Phong pháp tự Hoàng Thu hiệu Như Nguyện. Sinh ngày 01/06/1937 tai thôn Phú Cấp xã Diên Phú huyện Diên Khánh tinh Khánh Hoà. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ðối thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lẻo pháp danh Trừng Lan. Ngài là anh cả trong 4 anh em.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com