Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một Bậc Tôn Túc Tại Hải Ngoại

17/07/201408:23(Xem: 14236)
Một Bậc Tôn Túc Tại Hải Ngoại

Mùa Phật Đản năm 1994, năm ấy tôi vừa đến Na Uy từ trại tị nạn gần được hai năm. Thì chùa Khuông Việt ở Vương Quốc Na Uy, cử hành lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Ngôi Phạm Vũ. Tôi được hầu chư vị Tôn Túc, đó là Hòa Thượng Thích Hộ Giác đến từ Hoa Kỳ, Thượng Tọa Thích Minh Tâm đến từ Pháp quốc thủ đô Paris và Thượng Tọa Thích Tánh Thiệt đến từ thành phố Lyon nước Pháp. Sau bao năm dài, tôi được tiếp kiến và hầu chuyện với Hòa Thượng Thích Hộ Giác, mà lúc Ngài còn ở quê hương, tôi có được cái diễm phúc làm thị giả cho Ngài, khi Ngài quang lâm đến Phật Học Viện Giác Sanh thuyết pháp vào những dịp Đại Lễ Phật Đản (lúc ấy tôi chỉ là một chú sa di nhỏ tuổi còn để chỏm). Cho nên khi gặp lại Ngài trên xứ người, thì bao nhiêu hình ảnh tình cảm thân thương từ nơi chư bậc Tôn túc đến quý huynh đệ ở quê hương dâng trào trong lòng. Khi đảnh lễ Ngài bằng những dòng nước mắt tuôn rơi… Tôi không hiểu sao, nhưng khi thấy những bậc Tôn túc Cao Tăng, là lòng tôi chấn động và cảm kích quý Ngài vô cùng. Có lẽ, vì sự hy sinh cao cả của quý Ngài chăng?...

 

Sau đó, tôi được tiếp đón Thượng Tọa Thích Minh Tâm, hình ảnh đầu tiên, khi gặp Ngài, tôi liên tưởng đến Ôn Tâm Hướng viện chủ chùa Vạn Phước ở đường Sư Tuệ Tỉnh, quận 11 Sài Gòn, đối diện trường đua Phú Thọ hồi xưa (tôi có ở đó một năm để học nghi lễ). Tôi đảnh lễ Ngài xong và hầu Ngài bằng cách là đi vòng vòng khuôn viên chùa Khuông Việt, Ngài hỏi thăm vài ba điều và nói nhiều chuyện khác nhau… Lúc ấy, tôi có hỏi rằng: “Bạch Sư Ông, có biết Ôn Vạn Phước ở Sài Gòn Việt Nam không?” Sư Ông trả lời là biết… Tôi nói tiếp: “Con nhìn thấy Sư ông sao giống Ôn Vạn Phước của con quá!” Sư Ông nói: “À! Tôi cũng nghe nhiều người nói như vậy” Tôi không hiểu rõ tâm tôi như thế nào? Nhưng từ khi nhìn thấy Sư Ông Minh Tâm lần đầu tiên, lòng tôi rất cảm kích hình ảnh của Ngài. Có lẽ, do một phần vì Sư Ông có nét giống Ôn Vạn Phước, mà tôi được gần gũi thân cận hầu hạ cơm nước cho Ôn (một bậc Tôn túc đức độ hiền hòa thời bấy giờ tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung). Cũng từ đó dần dần tôi được gần gũi Ngài qua những khóa tu học và đại lễ trên xứ Âu Châu… Mỗi lần gặp, là mỗi lần được nghe những câu chuyện hài hước châm biếm, nhẹ nhẹ đó đây, mà Sư Ông lượm lặt từ những nơi có dấu chân của Sư Ông in lên đó… Đời sống Sư Ông thật giản dị, không màu mè, không kiểu cách, không khách sáo…. Có thể nói là không thích gì hết, mà cũng không chê gì hết… Sư Ông cứ nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy nhơn… Sư Ông rất mắc cở, khi phải đắp những bộ Đại Y và đội Mão Hiệp Chưởng để chứng minh các Đại Lễ… Nhưng dù mắc cở hay không thích, rồi Sư Ông cũng tùy thuận tất cả… Tôi nhớ có một lần Sư Ông qua Na Uy dự lễ Chu Niên hai mươi năm thành lập Chi Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Trondheim, chùa Đôn Hậu (một thành phố ở miền Trung, thuộc cố đô của Na Uy), buổi sáng có thời thuyết pháp của Sư Ông, tôi dâng cúng bộ y hậu gấm thêu rồng, rồi tôi bạch Sư Ông khoác cái hậu này để Sư Ông thuyết pháp… Sư Ông một mực từ chối… nhưng tôi thưa bạch Sư Ông khoác hậu này cho con được phước… cuối cùng Ngài cũng khoác lên, trong dáng vẻ ngại ngùng, sường sượng, bẽn lẽn khi từ phòng đi ra, quý Phật tử nam nữ thanh thiếu niên, vừa thấy Sư Ông đi ra, chúng đồng một lúc hùa lên “Wow Sư Ông hôm nay đẹp quá! Giống Hoàng Thượng quá!... Sư Ông cười rồi chỉ qua tôi, Thầy An Chí ép Thầy mặc đó… 

 

Sư Ông chúng ta là vậy đó! Cũng là Hòa Thượng, là bậc lãnh đạo cao cấp của Âu Châu nói riêng, ở hải ngoại nói chung. Sư ông đều có một vị trí khả kính, khả tín trong lòng Tăng Ni Phật tử hải ngoại. Nhưng Sư Ông rất bình dân và hòa đồng với mọi tầng lớp. Nói theo cách nói thiền môn Việt Nam, Sư Ông không ra vẻ kiểu Ôn, theo kiểu quý Thầy nào còn trẻ, mà ra dáng vóc kiểu quý Ôn cao niên của miền Kinh Đô xứ Huế….

 

Kính lạy Giác Linh Sư Ông!

Con An Chí giờ này đang lơ lửng giữa hư không, trên chuyến phi cơ từ phi trường Orly – Pháp trở về Thủ Đô Oslo nước Na Uy. Sau khi dự Đại Lễ Chung Thất của Sư Ông, vừa chấm dứt vào trưa chủ nhật hôm qua.

 

Con ngồi cạnh cửa sổ trên phi cơ, nhìn bầu trời Thủ Đô Pháp, khi hoàng hôn của mùa thu, buông phủ trên bầu trời Paris, với những tia nắng vàng cuối cùng của mùa hè vừa chấm dứt. Lòng con bỗng len lén trổi lên nỗi buồn man mác, từ tận tâm thức sâu xa và kế tiếp là nhè nhẹ giựt thót những nỗi đau quặn lòng, ruột con như thắt lại, hai khoé mắt bỗng xót cay và những giọt nước mặn cứ tuần tự tiếp nối rơi rơi trên má và chảy dài xuống tận cổ, tận cằm…

 

Kính lạy Sư Ông! Tất cả Tăng Ni phật tử khắp năm châu đều bàng hoàng, khi nghe tin Sư Ông đã trút bỏ gánh nặng trần gian một cách đột ngột…. cái điều mà tất cả không ai nghĩ đến, dẫu biết rằng sanh tử vô thường là chuyện mà người con Phật nào cũng thừa biết… Nhưng đối với sự ra đi của Sư Ông, con thấy sao sao trong cõi lòng, dường như không thể chấp nhận được trong con… Vì lẽ, Sư Ông còn quá nhiều phật sự để làm… Sư Ông còn nhiều nguyện vọng đối với Phật Pháp và Dân Tộc. Đặc biệt nhứt là Phật Pháp tại Hải Ngoại. Sư Ông mong muốn có một Tăng Đoàn Việt Nam đúng nghĩa ở hải ngoại. Tăng Ni khắp năm châu đều quy về một mối, hướng tâm tu học và hoằng dương pháp Phật đến với thế gian này, một cách rộng rãi, không còn thu hẹp trong giới hàng con Phật xuất gia và tại gia…. Cũng chính vì vậy, mà một số người tâm hồn ích kỷ hẹp hòi, mang đầy ba độc tham sân si, sợ uy danh Sư Ông ngày càng hào quang sáng chói, che lấp tất cả những bóng tối vô minh. Nên quân ma vô minh, tìm cách đánh phá, bằng cách khoác lên người Sư Ông bằng một tấm vải thành kiến và lợi dụng tinh thần cộng đồng tị nạn Việt Nam tại hải ngoại, để chà đạp bao công sức, mà Sư Ông đã bỏ quê hương, từ thuở còn là một thanh niên Tăng, du học xứ người, rồi theo vận nước ngả nghiêng, Sư Ông lưu lại hải ngoại suốt cả cuộc đời, với chí nguyện bảo vệ Đạo Pháp và Dân Tộc. Những thập niên bảy mươi, tám mươi, chín mươi, Sư ông chu du đó đây, từ Âu sang Mỹ, lặn lội đến những trại tị nạn Á châu, để thăm viếng, uỷ lạo, an ủi, đồng bào tị nạn của mình. Rồi những ngày tháng dầm mưa dãi nắng, ngồi trước những cơ quan chức năng có thẩm quyền giúp đỡ những yêu cầu, những đòi hỏi cho đất nước Việt Nam có Nhân Quyền, có sự tự do cho Tôn Giáo. … Lòng người sao nham hiểm quá hả bạch Sư Ông? Họ dùng những thủ đoạn để đánh phá một uy Tăng tài ba lãnh đạo tuyệt vời như Sư Ông. Nhưng ý chí Sư ông thật kiên cường bất khuất, không gục ngã trước đội quân ma vô minh ấy. Ngược lại Sư Ông càng hùng dũng khoác giáp nhẫn nhục, tiến lên dưới những làn tên nhọn tẩm đầy độc sân hận. Và Sư Ông cuối cùng đã thống hợp được một Tăng Đoàn của bốn Châu hải ngoại. Tăng Ni phật tử bốn châu đang hướng vọng về Sư Ông. Đặt hết niềm tin vào Sư Ông, có thể chuyển hóa tam độc tà kiến của nhân thế thành tam vô lậu học chánh chơn.

 

Chứng minh cho điều trên, là nguyện vọng Sư Ông xây dựng một đạo tràng có tầm vóc ở hải ngoại, cho bốn chúng con Phật Âu Châu, đồng quy về tu học, vào những khóa an cư kiết hạ, kiết đông và khóa tu học Phật Pháp Âu Châu vào mỗi hè… Những năm về sau này, mỗi khi Sư Ông quang lâm chứng minh Đại Lễ nơi đâu, cũng đều thiết tha kêu gọi Tăng Ni phật tử một lòng tu học, và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cho quê hương Việt Nam sớm có nhân quyền và tự do tôn giáo… Tất cả những nguyện vọng ấy, đã và đang đi đến sự thành tựu, nhưng ý nguyện chưa mãn, thì Sư Ông đã vội cất bước vân du về cõi Phật. Có lẽ, chính vì vậy, mà không ai trong hàng Tăng Ni Phật tử Âu Châu nói riêng, nói chung các Châu hải ngoại sẽ nghĩ rằng Sư Ông về với Phật sớm như vậy!!!....

 

Con thuyền vận mệnh Phật Pháp Việt Nam bốn châu hải ngoại nói chung và Âu châu nói riêng, đang lướt sóng giữa đại dương biển cả vô minh ngút sóng ngập trời. Sư Ông lại là một trong những thuyền trưởng can đảm tài ba đảm lược, hy sinh tất cả bản thân, để cứu vận mệnh con thuyền đang rơi vào bất cứ hoàn cảnh khốn khó khổ đau nào…. mà Ngạn ngữ Tây Phương có câu “Bình thường ai cũng là thuỷ thủ, nhưng những lúc gió to sóng lớn, mới biết ai là thuỷ thủ tài ba can đảm..” Thì Sư Ông là một trong những nhân vật ấy của ngạn ngữ Tây Phương đã định. Sư Ông đã không từ bì lao nhọc, sức yếu, bệnh tật, và hình như Sư Ông cũng không muốn biết mình có bệnh tật và sức yếu nữa thì phải. Sư Ông đã cố lờ đi, để dấn thân trong vai trò Sứ Giả Như Lai, không từ nan bất kỳ một việc gì, khi chúng sanh cần đến. Con thấy có những công việc, mà đúng ra Sư Ông không cần phải nhọc công. Ấy vậy mà Sư Ông thật từ bi quá! Sư Ông không chối từ việc nhỏ việc lớn, quan trọng hay không quan trọng… Thí dụ như theo con biết ở quê nhà, có những đám kỳ siêu ma chay thông thường, thì những bậc Thượng Tọa, Hòa Thượng chức sắc cao cấp trong Giáo Hội, không có thời gian để đi! Thế nhưng mà ở hải ngoại này, một bậc lãnh đạo cao cấp với tầm vóc bốn châu hải ngoại như Sư Ông. Vậy mà khi ai cầu thỉnh, Sư Ông cũng không khướt từ. Quả là Quán Âm chi từ tâm, Phổ Hiền chi nguyện hải.. Sư Ông ở cõi này, chuyển đến phương khác, nhằm lợi lạc quần sanh, gieo hạt giống Phật trong mảnh đất tâm thức của chúng sanh…..

 

Có lắm lúc con thầm nghĩ sao Sư Ông thích làm việc quá vậy? Sao Sư Ông không nghĩ ngơi cho khoẻ, vì cơn bệnh ngặt nghèo vốn có của Sư Ông? Con nghĩ Sư Ông tham công tiếc việc!...... Kính lạy Sư Ông trăm ngàn vạn lạy, con xin sám hối với Sư Ông. Kính Sư Ông trên cao chín phẩm liên đài, từ bi tha thứ cho con những ý niệm thiển cận trẻ con….Nhưng con nghĩ không sai! Nếu Sư Ông chịu tịnh dưỡng, nghĩ ngơi bớt, thì hôm nay, con đâu mất Sư Ông? Tăng Ni Phật tử hải ngoại bốn châu đâu chịu cảnh tang thương. Hàng con Phật Âu Châu đâu chịu cảnh lạc loài bơ vơ côi cút… Sư Ông đi rồi, con thật thấy trống trải làm sao! Còn Sư Ông như con trẻ còn cha mẹ ấm êm, không hãi sợ trước gió to sóng lớn của cuộc đời! Còn Sư Ông nhiều nơi con trẻ Âu Châu nương tựa, trên con đường hoằng dương Phật Pháp. Sư Ông đi rồi, điểm tựa vốn lung lay! 

 

Kính lạy Giác Linh Sư Ông!

Lúc tại thế, Sư Ông giải quyết công việc cũng rất quả quyết, khi Sư Ông từ bỏ cõi đời ô trược này, cũng rất quả quyết, không một chút do dự, không một lời trăn trối… không một niệm luyến tiếc! Lúc sống Sư Ông cũng rất mực từ bi quảng đại, không bao giờ Sư Ông có một sự thị phi nhân ngã. Tất cả Sư Ông đều ôm ấp vào lòng. Đặc biệt nhất là những thành viên cận sự với Sư Ông. Sư Ông đã đứng lên trên cái nhìn nhị nguyên, để dung chứa tất cả mọi đúng sai thiện ác của con người. Sư Ông chỉ mong sao mọi người đều hữu duyên với Phật Pháp, và mong sao tất cả đều có công đức với Phật Pháp, với sự nghiệp giác ngộ! Còn tâm chúng sanh vốn là ô nhiễm, Sư Ông không chấp trước! Vì Sư Ông thấy rõ sự ô nhiễm ấy, chỉ là hiện tượng không thật của tâm thức biến hiện theo dòng nhân duyên sinh diệt! Có lẽ vì vậy, Sư Ông đã trở thành bậc Tôn Túc lãnh đạo, mà tất cả Tăng Ni phật tử, đều quy ngưỡng kính mộ!

 

Kính lạy Giác Linh Sư Ông!

Giờ đây, nơi an dưỡng, Sư Ông được hội ngộ cùng chư thượng thiện nhơn. Chứng tam thân tứ trí, ngũ nhãn lục thông, cùng vô lượng bá thiên, Đà La Ni môn. Nhất thiết công đức, giai tất thành tựu.

 

Sư Ông thương chúng con mà thêm một lần, không từ chối cõi an dưỡng, nhưng vẫn hiện hữu Ta Bà, để phân thân vô số, biến cùng khắp cõi, dùng thần lực tự tại, không thể nghĩ lường, và vô số phương tiện, để độ thoát chúng sanh, xa rời ô nhiễm, trở về với tịnh tâm, khiến cho tất cả pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí.

 

Đệ tử con nhất tâm đảnh lễ Phụng vị tự Lâm Tế Chánh Tông, Liễu Quán pháp phái đời thứ 44, khai sơn viện chủ Khánh Anh tự tại Paris Pháp quốc, húy thượng Nguyên hạ Cảnh, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm trưởng lão Hòa Thượng Giác Linh Tôn Sư.

 

Đệ tử

An Chí kính bái

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 9486)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-l0-1917), tại làng Mỹ An Hưng ( Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Thân phụ là ông Nguyễn văn Cân và thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Cụ Ông qua đời lúc H.T lên ba, Cụ Bà cũng theo Ông lúc Ngài vừa lên bảy.
09/04/2013(Xem: 8185)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
09/04/2013(Xem: 12220)
Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.
09/04/2013(Xem: 7685)
Ôn Từ Đàm (Hòa thuọng Thích Thiện Siêu) với tôi vốn không có duyên nghĩa thầy trò; mặc dù, vào đầu thập niên 1960, Ôn là Giáo thọ tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trong khi tôi là một học tăng ở đó. Những tháng năm này, tôi là nguòi được theo học trường Võ Tánh nên thời khóa sinh hoạt của tôi không bị câu thúc chặt chẽ; và vì vậy, ít có cơ hội gần gũi với các bậc thầy lớn như Ôn.
09/04/2013(Xem: 7143)
Trúc Lâm Đại sĩ là vua thứ tư nhà Trần, con của Thánh Tông, lên ngôi ngày 12 tháng 2 năm Mậu dần (1278). Trước khi Đại sĩ ra đời, Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo : "Có lệnh của Thượng giới, cho phép ngươi được chọn lấy". Bỗng nhiên được kiếm, Thái hậu bất giác rất vui, nhân đó có thai. Những tháng dưỡng thai, nhà bếp dâng thức gì Thái hậu cứ dùng như thường, chẳng cần kiêng cử mà thai cũng chẳng sao.
09/04/2013(Xem: 8986)
Đọc qua các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, chưa thấy một người nào đã chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình như Thiền sư Pháp Loa. Sư là một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của Sư là ấn hành Đại Tạng kinh, do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra, Sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và Sư là người thứ nhất đúng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước.
09/04/2013(Xem: 7615)
Sư người làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang. Thỉ Tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành khiển dưới triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trải nhiều đời, đến Tổ phụ là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không không chịu ra làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ, và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên.
09/04/2013(Xem: 7257)
Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ truớc đến nay vốn thiên về Phật giáo Phát triển hay Đại thừa; mãi đến năm 1959 lần đầu tiên bộ kinh Trường A Hàm do Hòa thượng Thích Thiện Siêu phiên dịch được xuất bản thì Phật giáo Nguyên thủy mới được các Phật tử chú ý đến. Mặc dù bộ kinh này nằm trong Hán tạng thuộc hệ thống Phật giáo Phát triển, nhưng tinh thần của nó thì tương quan mật thiết với 5 bộ Nikàya trong giáo lý Nguyên thủy.
09/04/2013(Xem: 6738)
Phương Tây có câu tục ngữ "Hoạn nạn làm lớn con người". Phương Đông cũng có câu danh ngôn tương tự "Ngậm cay đắng trong cay đắng mới làm con người trên loài Người". Trường hợp của Trần Thái Tông sao mà ứng với hai câu này đến thế?
09/04/2013(Xem: 6660)
Hòa thượng Thích Thiện Châu Nguyên Đạo (Đọc tại buổi lễ tưởng niệm và lễ Trà Tỳ Hòa thượng Thích Thiện Châu) Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com