Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

HT Thích Thiện Trì

09/04/201318:29(Xem: 7002)
HT Thích Thiện Trì


Tưởng niệm Hòa Thượng Thiện Trì

****

hoathuongtthientri


Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thiện Trì

Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Văn Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự ThiệnTrì, Pháp hiệu Ấn Đạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Ngài sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Hàn, Pháp danh Như Đà. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Bùi Thị Thiệp, Pháp danh Như Cảnh. Ngài có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái. Trong đó có 3 người con trai đã xuất gia đầu Phật, là bản thân Ngài, Thượng Tọa Thích Thiện Hữu, và Đại Đức Thích Viên Mãn.

Nhờ túc duyên thù thắng nên khi vừa tròn 17 tuổi, ý thức được lẽ vô thường sinh diệt và thực trạng khổ đau của cuộc đời, Ngài đã phát tâm thế phát xuất gia để noi theo hạnh xuất trần thượng sĩ. Khởi đầu, Ngài xuất gia với Cố Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu trụ trì Tổ Đình Thập Tháp, Bình Định. Sau thời gia tu học tại Tổ Đình Thập Tháp, nhận thấy Ngài là bậc thông minh dĩnh duệ, nên Hòa thượng bổn sư đã gởi Ngài đến tu học tại Tổ Đình Sơn Long, Tuy Phước. Sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch năm 1965, Ngài cầu pháp y chỉ với Hòa Thượng thượng Kế hạ Châu là sư thúc của Ngài và được ban cho Pháp hiệu Thích Ấn Đạo. Hòa Thượng thọ Đại Giới năm 1968 tại Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng chương trình Phật Học Chuyên Khoa Liễu Quán tại Tổ Đình Linh Quang, Huế, năm 1971, Ngài được Giáo Hội bổ nhiệm làm Giảng Sư và Giáo Thọ cho nhiều Phật Học Viện tại các tỉnh miền Trung và miền Nam như Giám Thị và Giáo Thọ Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang; Giáo Thọ Phật Học Ni Trường Diệu Quang, Nha Trang; Giám Học Phật Học Viện Nguyên Hương tại Phan Thiết; Giảng Sư tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn v.v… Do đạo hạnh khả kính, Ngài được cung thỉnh làm trụ trì chùa Kim Quang tại Phan Thiết. Dù Phật sự đa đoan, Hòa Thượng vẫn cố gắng đầu tư thì giờ và tâm lực để phiên dịch và trước tác.

Những kinh điển mà Ngài đã dịch gồm có:

-Kinh Kim Quang Minh

- Kinh Dược Sư

- Kinh A-Di-Đà

- Kinh Di Lặc

- Kinh Bát Đại Nhân Giác

- Phật Thuyết Phân Biệt Kinh

- Bát Nhã Tâm Kinh

Ngoài những dịch phần trên, Hòa Thượng còn biên soạn nhiều bài nghiên cứu lịch sử Phật Giáo hết sức giá trị. Đã từng là Chủ Nhiệm Tạp Chí Nguyồn Sống và còn là một nhà thơ với những bài thơ thiền vị.

Sau thời gian gặp khó khăn dưới chế độ Cộng Sản và vì chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng đã vượt biển tìm tự do năm 1980 để tiếp tục lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc. Suốt thờigian tạm cư tại trại tỵ nạn Galang, Nam Dương, Ngài đã thành lập chùa Kim Quang, chùa Quan Âm và tận lực hướng dẫn đồ chúng tu học và đã trở thành một biểu tượng ngời sáng làm nơi quy hướng của những người con Phật đang bơ vơ lạc lõng tại xứ người. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1981 Hòa Thượng càng nổ lực hơn nữa trong vai trò của một Trưởng Tử Như Lai, tác Như Lai sứ, thừa Như Lai sự. Những chức vụ mà Ngài đã đảm nhiệm theo thời gian là:

- Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sacramento và Trụ Trì Chùa Kim Quang

- Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ

- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ

- Thành Viên Hội Đồng Đại Diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ-Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

- Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ-Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ-Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đồng thời lãnh đạo tinh thần các Hội và Chùa:

Chùa Vạn Hạnh, Rochester, NY.

Chùa Từ Hiếu, Buffalo, NY.

Chùa Quan Âm, Binghamton, NY.

Chùa Phổ Quang, Salt Lake City, UT.

Ngoài việc xiển dương Chánh Pháp cứu độ quần sanh, Ngài còn sát cánh với Giáo Hội tích cực vận động cho sự tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ngài là bậc Thầy đặc biệt thương yêu, hết lòng quan tâm nâng đỡ, giáo dưỡng và xây dựng tổ chức Màu Lam Của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Cuộc đời của Ngài là một tấm gương sáng ngời, một bài học sống vô giá qua nhiều khía cạnh nhất là thời gian Hòa Thượng bị bệnh để độ chúng. Dù trải qua thời gian dài với bệnh duyên đầy thức thách nhưng Hòa Thượng vẫn giữ được đạo phong tự tại, uy nguy, thanh thoát của mình và chứng tỏ được đạo hạnh khả kính của một bậc Tôn túc giáo phẩm thạc đức. Đây là thời gian mà đại chúng học ở Hòa Thượng những bài Pháp không lời đầy đủ khế cơ, khế lý.

Thuận thế vô thường Hòa Thượng đã an tường xả bỏ báo thân lúc 8 giờ 20 tối ngày 31 tháng 7 năm 2003, nhằm ngày mồng 3 tháng 7 năm Quý Mùi tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Thế thọ 69, Đạo lạp 52, Hạ lạp 36. Dù xác thân tứ đại huyễn hóa của Hòa Thượng không còn nữa nhưng những lời dạy cao quý nhất là những hành hoạt đầy vị tha vô ngã của Ngài đối với Dân Tộc và hình ảnh vấn thân tận tụy hy hiến cho Đạo của Hòa Thượng vẫn còn mãi trong trái tim của hàng triệu người con Phật

Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt, nhất tâm cầu nguyện giác linh Hòa Thượng thượng phẩm thượng sanh, bất vi bổn thệ, hồi nhập ta bà để hoàn thành hạnh nguyện độ sanh cao cả.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

---o0o---

Những lời dạy của
Hòa Thượng Thích Thích Thiện Trì
trong thời gian Ngài Lâm bệnh.

“Đức Phật A-Di-Đà, Ngài Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Quan Thế Âm luôn luôn ở trong Thầy, chúng ta hãy cố gắng giữ ba nghiệp thật thanh tịnh mà nhất tâm niệm Phật vì mạng sống này vô thường ngắn ngủi lắm”.

“Quý vị hãy tinh tấn tu học vì nếu không tu thì mình mãi mãi lẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi khổ lắm. Hãy chuyên cần tu tập.”

“… Thầy đâu có ngừng thuyết pháp. Mấy năm qua Thầy đã thuyết một pháp rất dài. Đó là bài Pháp KHÔNG LỜI, tùy theo trình độ, cơ cảm cao thấp mà hiểu, ai hiểu sao thì hiểu…”

“Các con sinh hoạt cho đàng hoàng, đi đâu cũng đàng hoàng, làm gì cũng đàng hoàng vì mình là người con Phật.”

“Từ cái mạnh đến cái mạnh thì rất dễ, từ cái yếu đến cái mạnh mới là cái mạnh thật sự.”

“Đến đi, còn mất là lẽ thường tình vì các pháp hữu vi luôn diệt sinh sinh diệt, nhưng với người biết tu thì đến đi còn mất chẳng phải là việc bận lòng.”

****

NHỚ MỘT BẬC THẦY
(bài tưởng niệm cố Hòa Thượng Thiện Trì)
hoathuongtthientri

Thích Viên Lý

Như một cõi riêng tư vô phiền nhiễm, Thầy ngồi đó với tất cả sự Trầm tỉnh. An lạc. Thanh thoát. Tự tại và Tươi mát. Thầy đã huân tập đạo phong khả kính này qua suốt cuộc đời tu tập của Thầy. Thầy đã dự kiến được cái ngày mà thế nào trong cuộc sống phù hư này, chắc chắn Thầy sẽ phải đối mặt! Thầy ngồi đó không nói năng gì mà thực sự Thầy đã nói lên tất cả. Không thiết tha với sự ăn uống. Không quan tâm đến cảnh mất còn. Có gì quan trọng trong đời sống tạm bợ này khi mà ở cuối cùng của lằn sống tất cả đều trở thành vô nghĩa ngoại trừ sự yên tỉnh tuyệt đối của tâm hồn!

Quả thật thời gian lao đi quá nhanh, nhanh hơn cả một đường tên bắn. Gần bảy mươi năm mà cứ tưởng mới như hôm nào.

Những hình ảnh thân thương ngày nào của Thầy nơi Tổ Đình Thập Tháp, Bình Định, rồi Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Sài gòn và, Galang, Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Âu và còn nhiều, nhiều địa danh khác nữa, thoáng chốc bị chìm dần vào quên lãng. Tất cả còn lại chỉ là cái quá vãng mà khi đối cảnh tâm thức thoạt hiện như một gợi nhớ mong manh về một mảnh đời không tên gọi. Cùng lắm thì cũng chỉ là kỷ niệm, một kỷ niệm tự nó không nói lên điều gì trừ những giả danh như những trò đùa trên sân khấu đời thường.

Cái giá của sự sống đắc quá. Sự giới hạn của sức người làm sao có thừa khả năng để vượt thoát. Càng không vượt thoát nổi khi những chất tố của tứ đại không được điều hòa. Ai cũng thừa biết, sự bất điều hòa của tứ đại nhiều lúc làm cơ thể Thầy đau lắm, nhưng vốn được trang bị sẳn những nhận thức thấu triệt về thật tướng của mọi hiện tượng, Thầy bình thản nhìn thẳng vào thực trạng khổ đau của cuộc đời, Thầy cười. Một nụ cười bao dung, hỷ xã. Nụ cười nở trên hiện thực khổ đau chẳng khác gì đóa sen tươi thắm, ngạt ngào nở trên vũng bùn lầy hôi tanh mà tự thân vẫn cứ là tịch nhiên vô nhiểm. Bằng tất cả sự An nhẩn. Tự tại. Rộng lượng. Khinh an, Thầy thấy rõ bản chất huyển hư của một kiếp người. Thầy Ung dung. Tự tại, vượt lên trên sự hành hạ của cái đau thể xác. Thầy thanh thản, an nhiên đối diện với những thách đố của cuộc đời. Lấy hỷ xả đáp lại hơn thua, đem bao dung đối trả hiềm khích. Phong thái cao vời đó của Thầy tự nó nói lên cái phẩm giá cao trọng của một bậc chân tu thạc đức, còn ngôn từ nào đẹp hơn để biểu đạt trọn vẹn phẩm hạnh cao quý vô giá ấy của Thầy.

Mỗi lần đến thăm Thầy, tôi cứ tưởng là mình đang đứng trước Ca Lợi Sắc Tra. Có thể nói Thầy là hiện thân của nhẩn nhục, bản thân của tuệ giác, trụ cột của chuyển hóa và chất liệu của thương yêu.

Những câu nói đầy ẩn dụ của Thầy là những câu nói có sức chuyển hóa người nghe rất lớn: “ Phật đang có mặt trong Thầy, Bồ Tát Quán Âm cũng đang có mặt trong Thầy”, “ Phật cho Thầy ăn, Chư vị Bồ Tát cho Thầy ăn. Đầy đủ, rất đầy đủ”, ấy vậy mà Thầy ít khi thấy đói dù có lúc Thầy nhịn ăn suốt cả tháng ròng. Nhịn ăn một thời gian dài mà có thể sống còn thì hiểu được, nhưng nhịn uống suốt cả tháng trường quả thật đã là một thắc mắc lớn và ngạc nhiên vô cùng đối với những người đang có thẩm quyền về y học.

Khi còn sinh tiền, có những câu Thầy nói mà tự nó biểu tỏ được sự thể chứng thể tính bất nhị của sắc không: “ Pháp hỷ thực, Thiền duyệt thực mới đích thật là món ăn quan yếu của sự sống, tôi đã và đang sống bằng và với những dưỡng tố quan yếu đó. Ăn mà không ăn, không ăn nhưng ăn, thế mới ngộ chứ”. Đã mấy ai hiểu được thực sự Thầy muốn nói gì! Thương Thầy, ai cũng thĩnh mời Thầy ăn uống. Nhưng không, rất nhiều lần Thầy nhẹ nhàng từ khước, vì hơn ai hết, Thầy tự biết Thầy đang cần gì.

Ở vào những tháng năm mà bối cảnh xả hội tác động mảnh liệt đến tình tự nhận thức của con người, viễn tượng dung hợp thật sự hãy còn chưa lộ dạng, Thầy ngồi đó như một gạch nối cần thiết. Thầy liễu triệt trọn vẹn rằng, đồng thuận thật sự và lâu dài phải là một đồng thuận dựa trên căn bản Lục hòa, không ai là người thua, kẻ thắng. Ý thức rõ điều đó, Thầy cố gắng giữ vững vai trò Trung đạo dẫu rằng đó là việc của Chùa hay Phật sự chung của Giáo Hội trong, ngoài …

Kỷ lưỡng, nghiêm túc, chừng mực, tận tụy là những đặc tánh nỗi bậc của Thầy ngoài những tâm hạnh căn bản như Tri túc, Thiểu dục, một lòng hy hiến cho đời, cho đạo với tinh thần vị tha, vô ngã triệt để.

Trước ngày Thầy vĩnh viễn từ giả cuộc đời, một cách âm thầm, chúng tôi vào thăm Thầy khi Thầy đang điều trị tại bịnh viện. Một mình. Tươi tỉnh. Thầy vẫn nhìn tôi và cười một cách an nhiên, đôn hậu, dù lúc ấy Thầy không còn nói được. Cơn đau nghiệt ngã đã cướp đi giọng nói ngọt ngào, từ ái đầy vị tha của Thầy, nhưng, có sá gì những chướng duyên bé nhỏ ấy, Thầy vẫn tiếp tục nói bằng ánh mắt thương yêu trìu mến, bằng những nụ cười thanh thoát, vô ưu. Thầy vẫn thản nhiên như chẳng việc gì xảy ra trên cõi trần đầy lao lung, tục lụy. Ôi đáng kính, đáng phục biết dường nào!

Thế rồi, ngày Thầy viên tịch, nơi ngôi Chùa mà Thầy đã khổ công xây dựng trong bao năm trời, lặng nhìn lên bàn thờ đầy hương trầm quyện tỏa, vẫn nụ cười bao dung hoan hỷ đó, Thầy như đang nhắn nhủ với đời: “ Hãy vui lên mà hành đạo, hãy buông bỏ, đừng thủ trước, vì thủ trước là vướn mắc. Có chi trường cửu trên thế gian tạm bợ này mà phải khổ sầu, vương vấn. Tất cả đều huyển hư, mọi hiện tượng đều sinh diệt, biến dị. Hãy sống với một cái tâm thật sự thanh tịnh, thật sự an lạc, vì chết đâu có nghĩa là chấm dứt mọi sự, ta sẽ trở về như một bắt đầu cho một hành trình mới, sẽ làm nhiều hơn, làm đến chổ rốt ráo không còn gì để làm và đi đến tận cùng nơi không còn chốn nơi để đến. Hãy vui lên và quên đi tất cả. Chỉ có tuệ giác siêu việt mới là cái vốn vô giá. Chúng ta đang và sẽ gặp nhau trong tuệ giác siêu việt này”. Cảm nhận được sự nhắn nhủ sâu sắc của Thầy qua nụ cười, ánh mắt, tôi cố gắng vui, nhưng những giòng cảm xúc thì cứ lại dâng trào, nhất là trong giờ phút Trà tỳ nhục thân Thầy giữa tiếng kinh cầu đầy thanh thoát! Chính những giây phút ấy, hơn lúc nào, tôi chợt nhìn ra được một thật tế đặc hữu: Thân người huyễn hóa, nhưng tình đạo thì thâm viễn mênh mông! Tự biết mình vượt nhưng vẫn chưa tự vượt, tôi sụp lạy trước giác linh Thầy, Thầy Thích Thiện Trì, bậc minh sư cao cả như một trọng kính vô biên.

Nhân ngày Lễ Tiểu Tường của Thầy, trong tâm tình của một người sư đệ, xin chân thành dâng lên Thầy mấy vần thơ quê kệch để thay thế cho nén tâm hương:

Từ cõi vô cùng vào nhân giới

Cửa Không hôm sớm trải lòng ra

Tử sinh một mái chèo lênh láng

Biển Pháp mênh mông trăng hiện đầy

Đùa vui đầu ngọn sóng sanh tử

Tự tại cuối giờ kiếp huyễn sinh

Đi đến cợt cười như gió thoảng

Chòm cây lùm trúc rộn niềm vui

Nguyện mãn quay về quê chốn củ

Tên gọi còn không há lũy cương

Không tánh chân thường siêu giới ngoại

Dạo chơi thơi thảnh cõi vô cùng.

Thích Viên Lý
(viết nhân lễ Tiểu Tường, 15-8-2004)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ
Vietnamses American Unified Buddhist Congress In The United States Of American

Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

Hội Đồng Điều Hành

311 E. Mission Rd, San Gabriel, CA 91776. U.S.A.
Tel: (626) 614-0566/ (626) 288-8437
E-mail: [email protected]

Điếu Văn Tiễn Biệt Cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì của GHPTVNTNHN-HK/VPIIVHĐ

Kính lễ Giác Linh Cố Hòa Thượng,

Lẽ sinh diệt còn-mất, hang trưởng tử Như Lai ai lại chẳng thẩm thấu. Chính vì thế-gian vô thường sinh diệt mà khởi phát hạnh nguyện xuất trần; một đời, nhiều đời hành Bồ-Tát đạo để cứu độ chúng sanh. Vậy mà, khi Người thị-hiện huyễn tướng sinh-diệt để rời bỏ trần gian này, lòng chúng tôi lại ngậm ngùi, xao xuyến.

Thâm tình huynh đệ, thầy trò, thường ngày không bày tỏ, không nói năng, mỗi người mỗi nơi tận tụy hành đạo, đến khi mất nhau, cảm giác như rơi rụng cả tay chân, buồn không nói được.

Giờ này gặp nhau, đốt tâm hương, khêu đèn tuệ, nói với nhau bằng ngôn ngữ của nhà Thiền, hiểu với nhau bằng tâm-ấn Tào-Khê, tưởng chừng tâm-tâm rọi chiếu vào nhau mà không cần khai ngôn phát ngữ. Nhưng nhìn ở giới hạn một đời qua nhân duyên pháp lữ tương phùng ngắn ngủi, chúng ta chỉ một lần đến, một lần đi; vậy, nếu người đã mượn lẽ mộng ảo phù-hư để thị hiện sự đến-đi, còn-mất, thì chúng tôi cũng xin mượn ngôn ngữ huyễn-hóa phi-chân để biểu lộ thâm tình pháp lữ trong giờ phút tiễn-biệt phân-ly.

Ôi, làm sao quên được, một đời người, một hành trình, năm mươi hai năm học đạo, hành đạo không biết mõi mệt, hạnh nguyện hộ đạo cứu đời gánh nặng hai vai, bước chân đến đâu đạo tràng nở hoa đến đó.

Người đã dịch kinh Kim Quang Minh, giáo lý Viên-đốn để lại cho đời không ai không nhớ. Công đức này, chẳng phải đã được cảm ứng với thân vàng Thế Tôn rọi chiếu để khai mở ngôi chùa Kim Quang! Từ Kim Quang Phan Thiết đến Kim Quang Hoa Kỳ, từ Vạn Hạnh, Từ Hiếu đến Quan Âm, Phổ Quang…? Ánh kim quang như soi sáng con đường Ngài đi.

Đâu chỉ Kinh Kim Quang Minh, Người còn để tâm phiên dịch những Kinh Đại Thừa khác để dẫn đạo quần chúng, góp phần hoằng dương Chánh Pháp. Nào Kinh Di Đà, Dược Sư, Di Lặc, cho đến Bát Nhã Tâm Kinh, Bát Đại Nhân Giác và Phật Thuyết Phân Biệt Kinh…

Một đời giáo dục, không chỉ dạy học, dịch kinh, mà còn đem thân giáo tiếp cận với mọi người, cảm hóa bao nhiêu môn đồ với thân tướng trang nghiêm, ngời sáng; nụ cười hiền hòa, bao dung, độ lượng. Đó chẳng phải là biểu hiệu của Trí tuệ và Từ bi đã từng được un đúc và phổ nhuận hay sao?

Được như vậy cũng nhờ đồng chơn xuất gia: tuổi trẻ đã sớm dấn thân vào cửa Thiền, rau dưa đạm bạc mỗi ngày, câu kinh tiếng kệ, nuôi lớn chí nguyện xuất trần của bậc đại trượng phu. Từ nền tảng này mà bước lên hàng cao tăng giới đức về sau.

Với chí nguyện kiên cường, lại thêm mẫn tuệ, siêng năng, người đã ghi lại những dấu tích cao đẹp trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh qua những chức vụ và trách nhiệm mà Giáo Hội trong nước, ngoài nước giao phó:

- Đạo học thâm viễn: Người đã từng được Giáo Hội tín nhiệm giao cho những trọng trách liên quan đến việc giáo dục và đào tạo Tăng tài. Nào là Giám-thị Phật học viện Hải Đức Nha Trang, nào là Giám Học Phật Học Viện Nguyên Hương Phan Thiết… nơi đâu cũng chu toàn trách vụ.

- Giới luật Nghiêm minh: Người đã từng là Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, và là Thành Viên Hội Đồng Đại Diện, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ… chức vụ nào cũng tích cực đảm nhận và hết lòng xây dựng.

Từ việc lớn đến việc nhỏ, đối với Tăng Ni cũng như đối với hàng cư sĩ, không phận-sự nào Người chối từ. Cho đến việc nâng đỡ và giáo dục cho tổ chức thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử, Người cũng dành cả tìm thương bao la như của một từ phụ.

Công đức to lớn như thế, Giáo Hội trong-ngoài ghi công mà Tăng Ni và Phật tử hậu học còn chưa có dịp đền đáp, thì Người đã hiện thân lão bệnh, buông xả mọi Phật sự để tĩnh tu trong hoàn cảnh khó khăn, nghịch chướng.

Đi, đứng, nằm, ngồi, bốn oai nghi thong dong tự tại trở thành sự khổ nhọc vô vàn trong thân bệnh vô thường. Vậy mà vẫn an nhẫn hành đạo, giữ đạo trong niềm an lạc vững chãi; kiên trì niệm Phật thiền quán để nêu gương sáng cho đồ chúng khắp nơi.

Ôi thương làm sao, một thân khổ bệnh mà nụ cười lúc nào cũng nở trên môi! Bài học nhẫn nhục, chẳng phải Người đã kinh qua đến chỗ kỳ cùng!

Suy niệm cuộc đời của người với hàng trạng tu tập và hoằng đạo như thế, bao công đức không ghi hết được, bao tiếc nhớ cũng không thay được niềm tri ân.

Thì thôi, nương nơi vần thơ cũ của người, xin ghi lại mấy câu tiễn biệt:

Biển rộng sáng ngời tâm sứ giả

Non cao vượt thoát chí trượng phu

Tĩnh tọa trong dòng đời khổ bệnh

Mây trắng bay giữa cõi hư phù.

Huyễn hóa vẽ vời cơn đại mộng

Một tâm bày hết thế gian âm

Ngồi yên, nghe rền cơn sóng vỗ

Sóng-nước: chẳng qua là một thôi.

Có đến, có đi, là việc huyễn

Chẳng ai tĩnh tọa trong dòng đời

Cũng không mây trắng trên trời biếc

Tịch lặng không bờ: tâm vô tâm.

Kính thưa Giác Linh cố Hòa Thượng,

Nói theo lý tánh tuyệt đối thì như thế. Nhưng dù sao thì giữa trần gian mộng mị, nơi lưng trời vẫn có vầng mây trắng bay; và, xin tiễn biệt vầng mây trắng ấy, bay qua vòm trời vô tận. Tiễn biệt một bậc Chúng Trung Tôn trở về nơi vô sanh, bất diệt…

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

---o0o---


Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Viện Tăng Thống

Phật lịch 2547 Số: 06 /VTT/XLTV

Khẩn Điện Phân Ưu

Phòng Thông tin Phật Giáo Quốc tế vừa khấp báo cho tôi biết tin buồn Hòa Thượng THÍCH THIỆN TRÌ, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, sau một thời gian lâm trọng bệnh đã xả báo an tường, thâu thần thị tịch tại thủ phủ Sacramento, bang California, Hoa Kỳ, vào lúc 20 giờ 20 ngày 31 tháng 7 dương lịch 2003, trụ thế 69 năm, lạp thọ 36 năm.

Tôi vô cùng thương tiếc một vị Trưởng tử của Như Lai đã ra đi trong khi Phật Pháp đang cần kẻ xiển dương đắc lực, và ngỏ lời tán thán công đức Hòa Thượng một lòng chia xẻ mọi chướng duyên với Thầy Tổ nơi quê nhà, dốc lòng vấn thân trong công cuộc giải trừ Pháp nạn, gây duyên hòa hợp trong Tăng chúng để cùng tiến bước. Nên tôi có lời kính điếu:

Trời mây nhẹ bước về quê Phật

Đất nước nặng tình nhớ bóng Thầy

Sự ra đi của Hòa Thượng là một mất mát lớn cho Cộng Đồng Phật Giáo, nhưng đồng thời dựng lên tấm gương sáng cho Pháp hữu và đàn hậu học noi theo.

Nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi chân thành gởi lời phân ưu đến Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ cùng môn đồ Pháp quyến, và nguyện cầu cho Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật quốc.

Tu Viện Nguyên Thiều, ngày 2.8.2003
Thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống
Tỳ Kheo Thích Huyền Quang

---o0o---

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Uùc Đại Lợi – Tân Tây Lan
The Unified Vietnamese Buddhist Congregation of Australia – New Zealand
Hội Đồng Điều Hành
Văn Phòng Hội Chủ – Chùa Pháp Hoa

20 Butler Avenue, Pennington, SA 5013 – AUSTRALIA.
Tel: (08) 8447 8477. Fax: (08) 8240 1758
Văn Phòng Tổng Thư Ký – Chùa Pháp Bảo.
154 Edensor Road, St. Johns Park, NSW 2176 – AUSTRALIA.
Tel: (02) 9610 5452. Fax: (02) 9823 8748

---o0o---

Thành kính cung tiễn

Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội PGVN Thống Nhất Hải Ngoại tại Uùc Đại Lợi - Tân Tây Lan thành kính cung tiễn cố Giác Linh:

Hòa Thượng
THÍCH THIỆN TRÌ

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật
Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất hải Ngoại tại Hoa Kỳ
Văn Phòng II Viện Hóa Đạo

- Giáo thọ sư của các Phật Học Viện tại miền Trung và miền Nam Việt Nam

- Tổng vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự GHPGVNTN/HN tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo

- Thành viên Hội Đồng Đại Diện GHPGVNTN/HN tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hóa Đạo

- Nhà dịch thuật kinh tạng Hán văn sang Việt văn

đã thuận thế vô thường viên tịch lúc 8 giờ 20 tối ngày 31 tháng 7 năm 2003 (nhằm ngày 3 tháng 7 năm Quí Mùi ) tại Sacramento, Tiểu bang California - Hoa Kỳ. Thọ thế 69 tuổi, hạ lạp 36.

- Lễ nhập kim quan lúc 5 giờ chiều ngày 2 tháng 8 năm 2003.

- Lễ trà tỳ lúc 12 giờ trưa thứ tư ngày 6 tháng 8 năm 2003 tại nghĩa trang East Lawn Memorial Park, Sacramento - Hoa Kỳ.

Thành tâm cầu nguyện giác linh Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc.

Thành thật phân ưu cùng Văn phòng II Viện Hóa Đạo; môn đồ pháp quyến chùa Kim Quang – Sacramento – Hoa Kỳ.

Hội Đồng Điều Hành, toàn thể Tăng Ni và Phật tử GHPGVNTNHN/ UĐL-TTL.

Úc châu ngày 3 tháng 8 năm 2003

---o0o---



Ai Văn Tiễn Biệt Ân Sư

của Môn Đồ Pháp Quyến

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lễ Giác Linh Thầy,

Bao năm nương Thầy tu học, chúng con từng nghe Thầy huấn thị rằng thế gian là vô thường mộng ảo, không gì tồn tại mãi mãi. Thầy nhắc nhở chúng con nên thường quán sát lý lẽ ấy. Nhờ vậy mà qua bao khó khăn, chướng ngại trên đường tu tập và tiếp xúc với cuộc đời, chúng con có thể vững chãi vượt qua. Bài học vỡ lòng cho đường tu học của chúng con, tưởng đã đủ lắm rồi, nào ngờ Thầy lâm trọng bệnh, bước vào gian đoạn thể hiện Chánh Pháp trong nghịch cảnh, gian truân… Kể từ lúc ấy, chúng con được chứng nghiệm một bài học sống động và đa dạng hơn: Chính đời sống của Thầy trực tiếp hướng dẫn chúng con về lòng từ bi, về sự nhẫn nhục, về năng lực của nhiếp tâm trong những hoàn cảnh khổ nhọc nhất. Nhưng để học được những bài học thân giáo này, quả thật chúng con đã phải vô cùng đau xót khi mỗi ngày nhìn thấy hoặc tưởng nghĩ đến Thầy trong cơn lão-bệnh nhọc nhằn… đến nỗi chúng con cũng tự thẹn không biết mình có xứng đáng để được chính Thầy thân hành thị hiện sự chịu đựng gian khó lâu dài như thế!

Bây giờ Thầy nằm xuống, chúng con bơ vơ lạc lõng như mất cả mặt trời. Nhớ nụ cười, giọng nói hiền hòa bao dung của Thầy, không sao ngăn được lệ trào. Cả những khi Thầy nghiêm khắc dạy răn, chúng con vẫn cảm nhận được lòng thương yêu của Thầy, của một bậc cha lành đối với đàn con thơ dại. Từng cử chỉ, từng bước chân, từng lời nói, Thầy luôn luôn từ tốn, khiêm cung, và lúc nào cũng chăm chút tỉ mỉ hướng dẫn chúng con học hành chánh đạo. Vậy mà chúng con cứ làm trái ý Thầy, chưa nỗ lực tu tập đúng mức hoặc mãi vô minh chạy theo dòng đời, không thực hiện được những lời dạy vàng ngọc của Thầy… Giờ này có thức tỉnh thì Thầy cũng đã lên đường về nơi tịch diệt. Trước linh đài, chúng con xin thành tâm sám hối và kính xin Thầy từ bi tha thứ như Thầy đã từng ban cho chúng con trong quá khứ mỗi khi chúng con lầm lỗi. Ân nặng của Thầy, chúng con muôn kiếp cũng không báo đền nỗi. Chỉ xin nguyện từ nay sẽ nỗ lực y theo giáo huấn của Thầy mà tu tập và góp phần hoằng dương Chánh Pháp.

Kính bạch Giác Linh Thầy,

Cũng theo lời dạy của Thầy, chúng con biết rằng ngay cả sự sinh diệt cũng là huyễn hóa không thật. Dù sao thì với tâm trí phàm phu cạn cợt, chúng con không sao đè nén được cảm xúc thường tình để khócthương và tiếc nhớ Thầy. Ở nơi tịch diệt vô sinh, xin Thầy chứng giám cho hàng môn đồ hiếu quyến của chúng con, xin cho chúng con được một lần cuối, tiễn biệt Thầy bằng cung cách của những đứa con thơ dại. Ba lạy này, xin tiễn đưa Thầy về cõi chân thường bất diệt.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo giác linh Hòa Thượng Ân Sư thùy từ chứng giám.

--- o0o ---

****

Xem tiểu sử cố Hòa Thượng Thiện Trì

Vi tính: Diệu Mỹ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/04/2023(Xem: 2397)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
19/04/2023(Xem: 2518)
Năm 1964, Hòa thượng thân làm Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội – Sài Gòn. Đây chính là tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh. Hòa thượng còn chủ trương các tập san như Tin Phật, Bát Nhã để gióng lên cho đời tiếng nói của pháp âm. Năm 1965, sau khi ổn định mọi Phật sự, Hòa thượng hành hương chiêm bái các danh lam Phật tích ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, giao thiệp với nhiều danh Tăng các nước.
11/04/2023(Xem: 2749)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Châu (1931-1998)
09/04/2023(Xem: 4221)
Tôi nhận được bản thảo cuốn sách “Phật pháp vấn đáp” của Hòa thượng Thích Giác Quang dày 500 trang và tôi đoc sơ ngay lập tức bản thảo này. Thú thật rằng là người đọc nhiều, nhưng ngay cả với tôi, nhiều điều được Hòa thượng giảng giải ở đây, bây giờ tôi mới hiểu, hoặc hiểu đúng. Bản thân tôi, dù mới tu tập chưa lâu nhưng vẫn thấy rằng rất nhiều người dân đất Việt, kể cả các Phật tử, nhất là miền Bắc, đang hiểu sai về Đức Phật và các giáo lý của Ngài. Hiểu sai một cách nghiêm trọng, thậm chí đang làm ngược lại cả những gì Đức Phật dạy. Vậy nên tôi đang cố công biên soạn cuốn sách hỏi đáp đơn giản và cơ bản nhất về Đức Phật và đạo Phật. Mừng thay, có bản thảo cuốn sách giá trị này, tôi hơn vớ được vàng.
09/04/2023(Xem: 1850)
HT Thích Chí Thiền ngài đã sớm thông tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão/Đạo giáo) từ truyền thống gia đình và trường lớp. Như chúng ta đã biết từ ngày những tôn giáo này du nhập vào Việt Nam hòa quyện cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, hình thành nên văn hóa dân tộc. Tông Lâm Tế vào Việt Nam từ thế kỷ 12, từng bước đã khác nhiều với thuở ban đầu tại Trung Hoa. Và vị quan trẻ Nguyễn Văn Hiển sau khi vào cửa Phật, nhận “pháp danh Như Hiển, hiệu Chí Thành” là thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia phổ. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, HT. Thích Chí Thiền từng bước trả ơn Tam bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ và ơn chúng sanh.
09/04/2023(Xem: 2797)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh (1926-2022) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2616)
Tiểu Sử Thượng Tọa Thích Tuệ Giác (1960-2021) 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷
09/04/2023(Xem: 2316)
Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Nguyên Trực (1943-2018)
08/04/2023(Xem: 3165)
#tieusuchutonduc, #phapamphatgiaotoancau ĐỂ XEM THÊM TIỂU SỬ CHƯ TÔN ĐỨC. BẤM VÀO PLAYPLIST: • Tiểu Sử Chư Tôn Đức 🌎 PHÁP ÂM PHẬT GIÁO TOÀN CẦU (Youtube & Facebook) 👉 / @phapamphatgiaoto... 🙏🏻 Chủ trương: Hoà Thượng Thích Thông Hải 🧘🏻‍♀️ Điều hành: Ca Nhạc Sĩ Thuỳ Linh 😀 Chân thành cám ơn quý vị đã ủng hộ và Subcribe cho đài PAPGTC. Trân trọng! Thanks for Subcribing to our channel. 😀 Nhấn chuông để được thông báo ngay khi có video mới nhất của đài PAPGTC. Press the bell to watch right away when we post a new video. 😀 YouTube: Pháp Âm Phật Giáo Toàn Cầu 👉 / @phapamphatgiaoto... 👉 Facebook: Pháp Âm Phật Giáo 👉 / @phapamphatgiaoto... 📧 Email: [email protected] ✏️ Mọi góp ý xin hãy comment bên dưới, chúng tôi sẽ phúc đáp nhanh nhất có thể. 👍 Thank you very much for watching videos. Remember to SUBCRIBE, LIKE, SHARE and COMMENT :-)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]