Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

63. 20 năm quỹ học bổng Thích Như Điển (Phan Thế Tập)

17/06/201408:49(Xem: 20628)
63. 20 năm quỹ học bổng Thích Như Điển (Phan Thế Tập)

blank

Thật khó có một tiêu đề hoàn chỉnh nói lên đủ nội dung bài báo này, vì ý muốn tổng kết một Quỹ Học Bổng hoạt động liên tục suốt 20 năm, năm sau phát nhiều hơn năm trước, phạm vi hoạt động ngày càng rộng lớn hơn, kéo dài trên mấy chục cây số: từ Duy Xuyên, nơi có thánh địa Mỹ Sơn, di sản văn hóa nhân loại, đến Đô thị cổ Hội An lại một di sản văn hóa thứ hai trong cùng một tỉnh, tỉnh nổi danh là đất học Quảng Nam.

Đúng ra là có hai quỹ học bổng:

- Quỹ Học Bổng Thích Như Điển: Ban đầu cấp học bổng cho con em của cựu học sinh trường tiểu học Xuyên Mỹ, con của những bạn đồng môn của trò Lê Cường - nay là Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Viên Giác tự Hannover, Đức Quốc; về sau cấp thêm hằng năm liên tục cho trường Trần Quý Cáp, Hội An, một trường danh tiếng, nơi đó 40 năm trước Ngài đã theo học những năm đầu của thời Trung học đệ nhị cấp.

- Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu Thích Bảo Lạc: Sư huynh Ngài là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xuất gia trước Thầy Như Điển, cả hai Thầy đều đã du học ở Nhật trước năm 1975, hiện là Phương Trượng Pháp Bảo tự- Sydney- Úc, cũng hướng về quê hương, muốn giúp đỡ cho các cháu học sinh trong xã quê nhà, lúc bấy giờ còn rất khó khăn. Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu do Thầy Bảo Lạc tài trợ, cấp hàng năm vào ngày 27 Tháng 3 âm lịch là ngày chánh kỵ thân mẫu hai Thầy.

Hai Quỹ Học Bổng hoạt động liên tục từ nửa thập kỷ cuối của thế kỷ 20 qua một thập kỷ rưởi của đầu thế kỷ 21, không gian thì cách xa hàng mấy chục cây số mà mạnh thường quân thì ở tận châu Úc, châu Âu, qua một trạm liên lạc là cựu Hiệu Trưởng trường Xuyên Mỹ, sinh sống tại Đà Nẵng, cách xa nơi cấp phát trên mấy chục cây số. Quỹ học bổng phát xuất từ một trường tiểu học khiêm tốn ở miền quê, mà trường chẳng còn trường, lớp cũng chẳng còn lớp, chỉ còn một đám đất hoang chằng chịt những hố bom, cây cỏ mọc đầy, bên dòng mương nước cũ. Đó là trường Tiểu học Xuyên Mỹ cũ.

Xuyên Mỹ là một xã miền quê thuộc huyện Duy Xuyên, bên tả ngạn sông Thu Bồn. Tây giáp xã Xuyên Châu có thôn Mã Châu ươm tơ dệt lụa đẹp nổi tiếng; Đông giáp quốc lộ 1A, áp sát đầu cầu Câu Lâu; Nam giáp tỉnh lộ 610 nối liền Bàn Thạch (bờ phía nam Cửa Đại Chiêm) đến mỏ than Nông Sơn, qua những địa danh vang bóng một thời: Trà Kiệu cố đô Chiêm Thành, chợ La Tháp (có từ thời Ô Châu cận lục), Thánh địa Mỹ Sơn, Trung Phước Đại Bường căn cứ địa của Nghĩa Hội Quảng Nam do Chí sỹ Nguyễn Duy Hiệu chỉ huy chống quân Pháp. Ai đã từng xuôi ngược Bắc Nam, hay thượng nguồn hạ biển, không thể nào quên được vùng đất phì nhiêu trù phú nầy. Hàng trăm giàn bí đao thấp thấp ngang đầu, trái tròn dài, treo lủng lẳng. Đến mùa thu hoạch hàng ngàn trái bí đao xanh rờn nhìn không chán mắt, từng đoàn xe bò chở về chất đầy nhà. Ngoài nghề nông trồng lúa nước– nước dẫn từ sông Thu Bồn vào, dân làng còn có nghề chằm nón. Nón lá Xuyên Mỹ đẹp nổi tiếng, không thua gì nón Huế:

Ta về đây, ta về thăm Xuyên Mỹ

Thăm những nàng chằm nón tuổi đôi mươi...

Nón lá Xuyên Mỹ rất được ưa chuộng tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Dân làng nhiều người giỏi nghề buôn bán, hồi đó mà đã có người sắm nổi xe pơ-lua chở nón lá Xuyên Mỹ vào bán tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Xuyên Mỹ còn là đất học trong tỉnh Ngũ Phụng Tề Phi. Dưới Triều Minh Mạng Tiến sỹ Lê Thiện Trị là bậc tiền bối đậu Tiến sỹ khai khoa không những của tỉnh Quảng Nam rộng bao la từ chân đèo Hải Vân đến Bắc sông Trà Khúc, mà là khai khoa của cả miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận! (Ngài là tổ tiên của đồng môn Lê Thiện Giao trong Ban Liên lạc Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ ngày nay). Thời Pháp thuộc cả Huyện Duy Xuyên rộng lớn chỉ có một trường tiểu học, đó là Trường Huấn trong xã Xuyên Mỹ, đến sau 1945 trường bị chiến tranh tàn phá.

Trường tiểu học Xuyên Mỹ được thành lập sau ngày đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi Việt Nam. Đến niên khóa 1961–1962 trường có đủ các lớp của một trường tiểu học hoàn chỉnh. Thầy Như Điển học lớp Nhất trong năm học nầy, cùng với các anh Nguyễn Văn Hùng, Đỗ Đáng, Nguyễn Văn Sửu, Lê Thiện Giao, Đoàn Bích Ngô Nghiệp... hai mươi năm trước đây đã lập nên Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ sinh hoạt đều đặn, góp phần tích cực vào sự thành công của Quỹ Học Bổng Thích Như Điển và Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu mà chúng ta đang tổng kết.

Nhiều người không tin nổi, làm thế nào một trường tiểu học nhỏ bé ở thôn quê, mà trường cũng không còn nữa, lại có thể xây dựng được một Quỹ Học Bỗng hoạt động liên tục đến hai mươi năm như vậy! Sự việc bắt đầu từ sau ngày Tổng Thống Mỹ Bill Clinton bải bỏ cấm vận đối với Việt Nam (03.02.1994). Phong trào về nguồn nổi lên rầm rộ, trường nào cũng có đông đảo cựu học sinh về thăm lại trường cũ, sau bao năm chiến tranh xa cách. Trong không khí thấm đậm nghĩa tình tôn sư trọng đạo đó, thầy trò Trường Xuyên Mỹ về thăm lại Trường xưa vào những ngày đầu năm Ất Hợi (04.02.1995) Nhưng than ôi! Trường cũ đã nát tan theo chiến cuộc, thầy trò kéo nhau ra chỗ nền trường, nay chỉ còn lại bãi đất hoang, lau sậy mọc đầy, chằng chịt hố đạn hố bom… bên kia nền trường là thôn Mỹ Hạc tiêu sơ, nơi chôn nhau cắt rốn của nhị vị Hòa Thượng kính mến. May thay! bóng chùa Hà Linh của Thôn Mỹ Hạc vẫn còn ẩn hiện sau lũy tre làng:

Nhớ mãi bóng đa tỏa mát chợ Đình

Đêm rằm vọng tiếng Hà Linh chuông chùa

... Bóng đa tỏa mát chợ Đình là cây đa đầu làng Xuyên Mỹ, cây đa nổi tiếng cả Huyện, có cả trăm năm tuổi, mười người nối vòng tay lớn ôm không xuể. Hồi đó mà dưới gốc đa to lớn như vậy đã được xây bọc bằng gạch, tráng xi mân láng bóng. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng có đông người ngồi nghỉ dưới gốc đa. Cây đa đứng án ngữ ngay trước cổng đình làng Xuyên Đông đồ sộ, nơi có bộ tam sự thờ Thành Hoàng làng, bốn người khiêng không xuể (của Trung Tướng Nguyễn Ngọc Lễ một người dân làng hiến cúng). Dưới bóng cây đa, chợ Xuyên Mỹ Đông hàng ngày hai buổi, nườm nượp kẻ bán người mua.

Cây đa linh thiêng hùng vĩ là vậy mà cũng bị đạn, bom chiến tranh cày nát. Chỗ gốc đa trở thành hố bom rộng mênh mông, sâu hàng mấy chục mét, choán cả nền chợ, nền đình. Chiến tranh tràn vào thôn xóm gây bao tan thương điêu tàn, dân làng chạy giặc tứ tán, vậy đó mà vẫn có những người dân nuôi mộng trồng lại cây đa khi mùa dứt chiến chinh.

Tháng Giêng năm Quý Sửu (1973) Hiệp định Paris chưa ráo mực, vẫn còn nghe tiếng đại bác nổ ì-ầm từ phía Nỗng Bồ, phía Cầu Chìm, nghĩa là mùa dứt chiến chinh chưa đến, chúng tôi đã được mời tham gia trồng lại cây đa. Đây là một vinh dự lớn lao, vì chúng tôi không phải người Xuyên Mỹ, quê chúng tôi ở Cổ Tháp, khu Tây Duy Xuyên, cách đấy mười mấy cây số. Vừa tốt nghiệp sư phạm, được cử về làm Hiệu Trưởng Xuyên Mỹ, lúc chúng tôi mới ngoài đôi mươi, nên mới có duyên được cựu học sinh Lê Cường tham gia trong phái đoàn học sinh đi dự đám cưới thầy Hiệu Trưởng. Chúng tôi được coi như là công dân danh dự của làng, điều này giải thích sự gắn bó của chúng tôi với quỹ học bổng Xuyên Mỹ hoạt động suốt mấy chục năm nay.

Tại lần họp mặt đầu tiên năm đó (Niên khóa 1994-1995), sau hơn 30 năm xa cách, được gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, không ai nén được nỗi xúc động, trong không khí đó, anh em hẹn gặp lại nhau vào mùa Hè tại nhà bạn Sửu, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, cũng là lúc lũ trẻ được nghỉ hè. Hôm đó nhằm vào ngày 28 tháng 6 năm 1995, bạn Sửu mời anh em ăn mì Quảng nhân kỷ niệm lần thứ 46 Sinh nhựt Thượng Tọa Thích Như Điển. Đồng môn Nguyễn Văn Sửu là người bạn đồng lớp với Thầy, là một Phật tử thuần thành, xuất thân từ một gia đình phát đức: có một bà chị và một người em đi tu đã lâu, đều đã lên Sư Bà: Sư Bà Diệu Chỉ, trụ trì chùa Bảo Vân ở Sài Gòn và Ni Sư Diệu Phước, trụ trì chùa Linh Thứu tại Bá Linh, Đức Quốc. Trước đó ít lâu, trong một dịp điện đàm với Thầy Phương Trượng Viên Giác, chúng tôi có gợi ý: Hai Thầy đã xây bao nhiêu chùa, bao nhiêu Trường từ Âu sang Á và trong nước, đã tài trợ cho nhiều tăng sinh đi du học tại Ấn Độ, Đài Loan, Đức... nếu được quý Thầy gởi cấp học bổng cho con em ở quê nhà, đang rất khó khăn thì thật quý báu vô cùng. Đề nghị đó đã được Thầy quan tâm, và ngay hôm đó (28.6.1995) Thầy Như Điển đã gửi 200 đô la Mỹ phát học bổng cho con cháu bạn đồng môn. Tính từ hôm đó đến nay vừa tròn 20 niên khóa. Vào thời điểm đó gia đình nào cũng có năm ba đứa con, nhà nào cũng nghèo, con cháu của các đồng môn vượt khó học giỏi thì rất nhiều, việc lựa chọn rất khó, phải phân ra nhiều phần như là phần thưởng hay trợ cấp chưa hẳn là học bổng ngay từ buổi đầu.

Hoạt động từ thiện này có tiếng vang xa. Thầy Bảo Lạc bào huynh Thầy Như Điển, xuất gia trước, cả hai Thầy cũng đã từng du học tại Nhật, hiện là Phương Trượng Pháp Bảo Tự, Úc châu. Thầy Bảo Lạc tài trợ và hướng dẫn Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ lập quỹ Học Bỗng Hiền Mẫu phát vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, là ngày chánh kỵ mẫu thân của hai vị Hòa Thượng. Học bổng này cấp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của tất cả các trường trong xã Xuyên Mỹ gồm Trường Trung học Chu Văn An, Trường Trung học Trần Cao Vân, Trường Nam Phước I, Trường Nam Phước II, và sau này có thêm trường trung học Sào Nam, trường cấp III của Huyện Duy Xuyên, một trường nổi tiếng dạy giỏi, học giỏi trong tỉnh Quảng Nam cùng ở trong địa bàn Xuyên Mỹ cũ. Học Bổng Hiền Mẫu được tổ chức mỗi năm tại mỗi trường khác nhau trong xã. Có năm tổ chức cấp phát tại Nhà Tộc Lê do hai Thầy tài trợ xây dựng trên mảnh đất của gia đình để thờ tiền Phật, hậu linh. Ngay từ những năm đầu Thầy Bảo Lạc đã cấp cho 400 đến 500 đô la Úc mỗi năm cho quỹ học bổng này. Càng về sau này học bổng Hiền Mẫu càng cấp nhiều tiền hơn. Từ năm 2010 trở lại đây, năm nào cũng cấp 500 đến 600 đô la Mỹ. Năm 2013 Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cấp cho học sinh nghèo các trường trong xã 24 suất học bổng, mỗi suất 500.000 đồng.

Ở thôn quê 500.000 đồng lớn lắm. Trời tháng Ba, nắng chưa oi bức, một đoàn học sinh ưu tú 24 em được lãnh Học Bổng Hiền Mẫu, mỗi em tay cầm một phong bì lớn, có in rõ số tiền học bổng được lĩnh là 500.000 đồng, đi giữa đồng lúa chín vàng, quang cảnh thật ngoạn mục!

blank

Năm nay (2014) ngân khoản trợ cấp học bổng của Thầy Bảo Lạc là 600 USD cấp cho hai sinh viên ưu tú, mỗi suất 1.000.000 đồng20 suất mỗi suất 500.000 đồng, tất cả đều là con em của xã Xuyên Mỹ đang học Đại học chính quy tại thành phố HCM và tại trường trung học Phổ thông Sào Nam, một trường lớn, có tiếng là học tốt, dạy tốt tại tỉnh nhà.

Ngày 24.5.2014 vừa qua, trường Phổ thông Trung học Trần Quý Cáp, Hội An tổ chức trọng thể Lễ Tổng Kết năm học 2013–2014 tại sân trường. Trong dịp nầy Thầy Hiệu Trưởng một lần nữa nhắc lại lời cảm ơn của Ban Giám Hiệu, của Hội Phụ huynh học sinh, của Hội Khuyến học của tập thể Giáo Viên và hàng trăm học sinh đã được hưởng Quỹ Học Bổng Thích Như Điển trong gần hai thập niên qua. Đây chỉ là nhắc lại hằng năm, kèm theo Thư Cảm tạ, còn báo cáo tổng kết các Quỹ Học Bổng đã gửi về hỗ trợ cho nhà trường trong nhiều năm qua thì Quỹ Học Bổng Thích Như Điển đã được vinh danh trong Đại Lễ Kỷ Niệm 60 năm thành lập trường, (tổ chức vào đầu tháng 10.2012) ngang tầm với các nhà hảo tâm danh tiếng khác.

blank

Trong năm 2014 nầy Quỹ Học Bổng Thích Như Điển cấp cho các học sinh Lớp 12 xuất sắc nhất, sắp thi Tú Tài 5 suất, mỗi suất 1.000.000 đồng. Trường Phổ thông trung học Trần Quý Cáp, Hội An là một trường danh tiếng suốt mấy chục năm nay, nơi đã đào tạo ra rất nhiều nhân tài làm rạng danh cho quê hương, cho tổ quốc, cho các cộng đồng người Việt tại các nước tiên tiến. Hằng năm, hàng trăm học sinh của trường đã đạt được những thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực, trong đó có nhiều em đã có lần được nhận học bổng Thích Như Điển. Năm nào trong Lễ Tổng Kết năm học cũng có đại diện của Thầy Như Điển về trường cấp học bổng cho những học sinh ưu tú (Nhà giáo Phan Thế Tập trong Ban Liên Lạc Cựu GV & HS Trường TQC–Hội An tại Đà Nẵng), có năm mỗi suất là một chiếc xe đạp (rất tiếc là các trận bão lụt lớn đã hủy hoại một số hình ảnh, không còn để minh họa).

Tại đô thị cổ Hội An còn có một Trường cấp III nữa được hưởng học bổng của Quỹ Học Bổng Thích Như Điển, đó là trường trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo. Trường nằm trên đường đi Cửa Đại (số 170 Đường Cửa Đại). Từ sau ngày được UNESCO công nhận là Đô thị cổ, di sản văn hóa nhân loại, Hội An phát triển ngoạn mục. Trường Trần Quý Cáp dù đã mở ra đến 36–40 lớp Đệ nhị cấp, vẫn không thu nhận hết số học sinh cấp III tăng nhanh theo đà phát triển thành phố. Hiệu Trưởng Trường Trần Hưng Đạo nguyên là Hiệu phó Trường Trần Quý Cáp, cùng là đồng môn (cựu học sinh TQC) đã gửi thư kêu gọi nhiều nguồn học bổng, trong đó có Thầy Như Điển. Liên tiếp mấy năm lại đây Quỹ Học Bổng Thích Như Điển đều có cấp phát học bổng cho trường nầy. Năm học 2013–2014 nầy Quỹ Học Bổng Thích Như Điển đã cấp cho trường 5 suất, mỗi suất 500.000 đồng.

Bình quân hằng năm hai Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu và Thích Như Điển cấp cho 8 trường (6 trường tại Huyện Duy Xuyên quê nhà và 2 trường tại Phố cổ Hội An) khoản 1.000 USA/một năm liên tục 20 năm qua, số tiền cấp phát học bổng tại quê nhà không nhỏ! Ngoài các đợt cấp phát học bổng hằng năm, lần họp mặt nào Thầy cũng đóng góp tích cực nhất. Lần họp mặt đầu tiên Tết 1995, anh em quy định 4 năm Họp mặt một lần, sau xuống còn 3 năm (lần thứ II vào năm 1998), sau xuống còn 2 năm, các năm gần đây thì Họp mặt năm một vì lần nào gặp nhau cũng rất vui vẻ, năm sau đông hơn năm trước, mỗi năm mỗi bạn đăng cai tổ chức tại nhà mình, được thế nhờ Ban Liên Lạc năng nổ, công tác tổ chức tốt và đời sống của gia đình các bạn đều khá hơn trước. Tính ra, mỗi năm các bạn có ba, bốn dịp gặp nhau. Có năm lên đến 5 lần gặp nhau, như năm 2012 vừa qua, Thầy tài trợ toàn bộ chi phí cho 10 bạn đi du lịch Thái Lan một tuần lễ... Các bạn đồng môn trường tiểu học Xuyên Mỹ cũ may mắn được tham gia chuyến lữ hành nầy, đại bộ phận là những anh chị em chưa một lần ra khỏi biên giới quốc gia. Các Anh chị: Văn Phú Á, Nguyễn Văn Sửu, Lê Thiện Quý, Ngô Thị Thái, Nguyễn Văn Quý đã tham gia trong chuyến lữ hành này. Chúng tôi làm công tác về nguồn nầy từ sau năm 1975 đến nay, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều Hội Ái Hữu (Chúng tôi coi việc được đi cấp phát học bổng như là đi trả nợ, vì suốt những năm đi học chúng tôi đều có học bổng toàn phần cả. Nếu không có nguồn tài trợ quý báu nầy, không biết chúng tôi có được như ngày nay chăng?) chưa hề thấy Hội Ái Hữu nào có được sự tài trợ đều đặn như Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ, một trường tiểu học ở miền quê, xa ánh sáng thị thành! Chính vì thế mà không bao giờ dám nghĩ tới chuyện Quỹ Học Bổng có thể được phát liên tục nhiều năm. Cũng vì thế mà phát năm nào gửi hết danh sách cùng hình ảnh đến quý ân nhân thay lời cảm tạ, không còn lưu giữ được gì, một số ảnh còn sót lại thì bị bão lụt làm hư hại…

Điều quý nhất là thành quả rất đáng khích lệ của Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu do Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tài trợ và Quỹ Học Bổng Thích Như Điển. Có rất nhiều học sinh ưu tú đã từng được hưởng hai quỹ học bổng nầy, đã vượt khó vươn lên, thành đạt, giúp ích cho đời. Có em được nhận mười hai năm liền như em Nguyễn Văn Phước hiện còn học năm thứ tư Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, sở dĩ được nhận nhiều năm liên tục vì Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu cấp cho con em học sinh tại các trường trong xã, mà những học sinh nầy lại là con em của các cựu học sinh trường tiểu học Xuyên Mỹ cũ. Có những học sinh được nhận 7, 8 năm liền như em Võ Thị Hoàng Oanh đang du học tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ. Có em cũng đã được nhận 6,7 lần hai quỹ học bổng nầy, sau đó đi du học về dầu khí ở Liên bang Nga, như em Nguyễn Trần Thanh tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu, về nước làm việc cho Vietso Petro tại Vũng Tàu, hay như em Nguyễn Văn Tuyên tốt nghiệp bằng Kỹ sư Xây dựng Đại học Belgique về làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng nhiều năm nhận được Học Bổng Thích Như Điển...

Tính nhân văn cao và tinh thần tôn sư trọng đạo của Quỹ Học Bổng Hiền mẫu do Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tài trợ và Quỹ Học bổng Thích Như Điển cấp liên tiếp hai mươi năm qua, đã loan tỏa khắp cả vùng quê hiếu học từ Duy Xuyên đến Hội An.

Hàng trăm học sinh từ các trường Trần Quý Cáp, Trần Hưng Đạo (Hội An), Trường Trần Cao Vân, Trường Chu Văn An, trường Nam Phước I, Nam Phước II, trường tiểu học Xuyên Mỹ cũ, trường cấp III Sào Nam Duy Xuyên đã từng được hưởng học bổng nầy. Phụ huynh các cháu, Ban Liên Lạc và toàn thể các đồng môn cựu học sinh trường Tiểu học Xuyên Mỹ cũ, chúng tôi và gia đình mãi mãi ghi tạc ơn đức của nhị vị Hòa Thượng đối với quê nhà.

Nguyện cầu quý Thầy pháp thể khinh an, Phật sự viên mãn!

● Như Thể Phan Thế Tập

(Cựu Hiệu Trưởng Trường Xuyên Mỹ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/09/2017(Xem: 4785)
Sương mù Đà lạt ngàn Thông, Xuân Hương in bóng, bụi hồng trăng thanh. Linh sơn gián vẽ như tranh, Giăng sầu mù trắng, bước chân an lành.
18/08/2017(Xem: 43740)
Thầy sinh vào giờ Thân, ngày 18 tháng 4, năm Nhâm Thìn. Ngày tháng năm sinh theo giấy tờ khai sinh ngày 19/5/1953. Quê quán Thành Công, Quảng Điền, Thừa Thiên. Xuất gia lúc 13 tuổi tại chùa Phước Duyên, Huế. Bổn Sư Thế Độ là Hòa thượng Thích Đảnh Lễ, khai sơn chùa Phước Duyên-Huế. Nghiệp sư là Hòa thượng Thích Lương Phương, Viện chủ chùa Phước Duyên – Huế. Năm 18 tuổi, thọ Sa Di tại Tổ đình Tây Thiên Huế, do Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Trú trì Tổ đình Thuyền Tôn làm Đàn đầu Hòa thượng và Hòa thượng Thích Mật Nguyện, Chánh Đại Diện GHPGVNTN, Miền Vạn Hạnh làm Đàn chủ. Năm 22 tuổi, thọ Tỷ khưu – Bồ tát giới tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại Phật Học Viện Trung Phần, Hải Đức Nha Trang, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Hộ làm đàn đầu Hòa thượng và Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Đàn chủ.
07/08/2017(Xem: 9705)
Ngày 04/08/2017, Thầy Thích Trí Chơn sang Trung tâm Làng Mai Quốc tế - Thái Lan thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai, tháp tùng Thầy có Đại đức Thích Quảng Thức - Quản chúng Tu viện. Vào lúc 13 giờ, Thầy có mặt tại Sân bay Quốc tế Don Mueang - Bangkok. Đón Thầy có Thầy Thích Pháp Tánh - Tri sự Trung tâm Làng Mai và một số quí thầy, cô.
07/08/2017(Xem: 6954)
Lúc đầu định đi vào các nhà tù cho biết, vậy mà suốt bốn năm qua, ròng rã hằng tuần, ông vào những nơi này để giúp cho các tù nhân. Từ lúc chỉ đi hai, ba nhà tù, đến nay ông đã đi bảy nơi ở Nam California. Dù đoạn đường từ nơi ông ở đến các nhà tù phần lớn đều trên 200 dặm, nhưng cứ mỗi lần rong ruổi, ông thầm cảm ơn Đức Phật đã đưa đường chỉ lối cho ông.
03/08/2017(Xem: 7232)
Thành Kính Tưởng Niệm Cố Giác Linh Hòa Thượng Thượng THIỆN Hạ TRUNG – Hiệu THÍCH THÔNG HIẾU (Chứng Minh Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Long Thành Trụ Trì THIỀN VIỆN ĐẠO HUỆ) Vừa Viên Tịch Mùng 07 Tháng 06 Nhuận – Đinh Dậu (29/07/2017) Trụ Thế 75 Năm – 50 Tuổi Hạ
13/07/2017(Xem: 9291)
Kỷ Yếu Tưởng Niệm HT Như Huệ (1934-2016)
07/07/2017(Xem: 33801)
Trang nhà Quảng Đức vừa nhận được email báo tin của HT Thích Minh Hiếu từ Hoa Kỳ: ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC NHIÊN - Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới - Viện Chủ Tổ Đình Tịnh Xá Minh Đăng Quang (Mỹ). Vị Đại đệ tử sau cùng của đức Tổ Sư Minh Đăng Quang vừa thu thần viên tịch vào lúc 10 giờ 32 phút tối ngày 03 tháng 08 năm 2015 (nhằm ngày 19/06/âm lịch) tại Orange Coast Memorial Medical Center (USA). Chương Trình Tang lễ sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
01/07/2017(Xem: 16298)
Cư Sĩ Long Quân Hồ Công Lộ là một Phật tử thuần thành, có công hộ trì Phật Pháp từ đầu thập niên 60 tại quê hương Việt Nam và đến Úc định cư đầu thập niên 80, làm Chủ Bút Tuần Báo Nhân Quyền tại tiểu bang Victoria, ông từng là một Luật Sư, một nhà báo có tâm với quê hương Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam tại Hải Ngoại, ông đã có những đóng góp thiết thực cho sự lớn mạnh của Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu. Thành tâm kính thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và quý Đồng Hương Phật tử góp lời cầu nguyện, niệm Phật tiếp dẫn Cư Sĩ Tâm Phước Hồ Công Lộ sớm vãng sanh Cực Lạc Quốc.
19/06/2017(Xem: 10353)
Đây là chương cuối cuốn sách tôi dự định cho ra đời như một lời ngỏ chân thành cảm ơn đến với mọi nhân duyên, mọi tình thân mà tôi may mắn nhận được suốt bốn mươi năm ở xứ Mỹ. Tình sâu nghĩa nặng canh cánh trong lòng bấy lâu nhưng cho dù có nói khéo, có viết hay cũng không thể bày tỏ trọn vẹn, nói hết những điều mình muốn nói. Những lời rào đón dông dài nào có nghĩa gì chi bằng hãy thành thật với lòng và xin mời người cùng ngồi ôn lại chuyện cũ không khác chi những lời bộc bạch bên nhau.
12/06/2017(Xem: 11906)
Vô Nhất Đại Sư Thích Thiền Tâm - Một cao tăng cận đại - Biên soạn: Bảo Đăng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]