Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

54. Hạnh ngộ (Trần Thị Hương Cau)

17/06/201408:37(Xem: 16649)
54. Hạnh ngộ (Trần Thị Hương Cau)

Buổi lễ Ra Mắt Sách lần thứ 2 này của những cây bút nữ chúng tôi được sắp xếp vào Lễ Thượng Nguyên. Từ tám phương trời rải rác khắp châu Âu, các cánh chim ríu rít bay về hội ngộ tại chùa Viên Giác để giới thiệu tới bạn đọc đứa con tinh thần thứ hai. Đây không phải là áng văn tuyệt phẩm gì, đơn giản chỉ là trọn vẹn tâm tình của các tỷ muội bút nữ, như một kiếp tằm khao khát được nhả tơ, đăm đắm bên lòng nặng nợ với nghiệp văn chương, nay đến ngày đơm bông kết trái, trân trọng góp vào làng văn một đóa vô thường.

Chùa ưu ái xếp cho nhóm bút nữ trong những ngày đại lễ được trọ tại các phòng của Tây đường. Giường tôi nằm nhìn xéo lên cửa sổ mái nghiêng, nên trong những đêm trăn trở vì lạ nhà, tôi có thể ngắm được cả bầu trời thăm thẳm với ánh trăng vằng vặc.

Trăng sáng vô ngần, ừ nhỉ, rằm tháng giêng mà. Lòng nao nức sao ngước mặt nhìn trời vẫn cảm nhận được nỗi bàng bạc, cô quạnh của trăng. Mây cứ thanh thản ngao du ngang trời khiến trăng khi mờ khi tỏ. Mây qua rồi, trăng lại tự tại chiếu ngời vũ trụ bao la như ngàn năm trước đến ngàn năm sau. Trong thiên nhiên tĩnh mịch, tôi liên tưởng đến Hòa Thượng Thích Như Điển. Và thầm hỏi, nếu Người trụ trì ở Nhật, không du hành sang Đức thì từ bao năm qua cho đến tận khoảnh khắc này, chúng ta làm sao hưởng được phước duyên là có một mái chùa Viên Giác thân thương để tìm về (?)

Mỗi người về chùa đều mang theo một ước nguyện ấp ủ trong tim, tôi cũng thế, chỉ cần về quỳ dưới chân Phật, đảnh lễ cũng đủ thấy hoan hỷ an nhiên biết là bao. Lo âu, ưu phiền nặng trĩu như một hành trang đè nặng trên vai được tháo xuống, bỏ ngoài chánh điện, thong dong bước vào, chân tâm thanh tịnh vì biết có Phật trên cao, đang nhìn mọi chúng sinh với đôi mắt từ bi vô lượng. Lòng từ bi của Phật càng thị hiện rõ nét hơn khi gửi Hòa Thượng Thích Như Điển đến với Phật tử tại Đức. Giáo lý duyên sinh có ghi rành rành: Nếu cái này có thì cái kia hình thành. Nếu không có Hòa Thượng thì không có chùa Viên Giác. Không có chùa Viên Giác thì sẽ không có báo Viên Giác. Không có báo Viên Giác thì sẽ không có tỷ muội bút nữ thân thương quây quần như hôm nay. Các mối quan hệ tương tác trong đời này dù thuận hay nghịch, đều đã được mầu nhiệm đan xen, được kết nối từ rất nhiều đời trước, như một lưới nhện, thoạt nhìn trông rối ren bí ẩn nhưng vẫn diễn tiến theo một hệ thống vô cùng thâm sâu, chặt chẽ. Ngày Hòa Thượng đến chỉ với hai bàn tay trắng, đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Mùa đông đầu tiên ở Đức, Người cơ hàn đến độ không có một đôi găng tay ra hồn nên phải cho hai tay vào hai bao ny lông chống lạnh! Gần 40 năm sau, mùa đông năm nay lại càng giá buốt hơn mùa đông năm trước, sau hôm ra mắt sách, Hòa Thượng vội vã chia tay chúng tôi để lên đường đến khóa tu tại Bắc Âu với một chiếc mũ nâu sờn cũ. Người là vậy đó, trước sau như một.

Mấy tháng trước, khi Sư ông Minh Tâm viên tịch, nhà

văn Vĩnh Hảo có viết: Một mặt trời vừa rụng, nhưng may mắn trong dải ngân hà vẫn còn vô số mặt trời đang rực sáng, đang bao dung ban phát năng lượng cho trần thế loạn động, u mê này. Các năng lượng vật lý mà con người đo đếm được đều là phương tiện giúp cho đời sống bớt nhọc nhằn hơn nhưng chắc chắn sẽ không làm cho thân tâm an lạc, mà chỉ khi nhận được năng lượng tâm linh, con người mới được thắp sáng, được vững lòng, không còn lo buồn trước mọi nghịch cảnh. Và một trong những mặt trời mà tôi muốn nói đến là Hòa Thượng Thích Như Điển.

Đặt chân đến chùa để cầu xin tài lộc, cầu xin mọi điều khao khát, tính chuyện được mất coi như còn chạy vòng vòng ngoài cửa chùa. Vài ngàn năm trước Phật đã từ bỏ nhung gấm không phải để đi tìm ma thuật phù phép úm ba la, hay như các nhà giả kim thuật (Alchemy) thời trung cổ mông muội ôm giấc mơ chế biến ra vàng để có được cuộc sống đế vương, hoặc tìm cách luyện đan chế thuốc trường sanh bất tử... mà Phật đi, chân không giày dép, đầu không mũ nón, ép xác khổ hạnh cho đến ngày chứng ngộ ra được chân lý chính xác tuyệt đối: Chính những tham lam chấp trước, những sân si cuồng nộ cùng lối sống vô minh là căn nguyên đưa đẩy con người vào cực khổ, lầm than. Phật đã ngộ ra con đường có cảnh giới khoa học, có xác tín của vũ trụ thường hằng song hành cùng cõi tâm linh lóng lánh màu sắc mầu nhiệm trong sự tỉnh thức, trong vô lượng từ bi. Đó là con đường của chúng sinh nên tìm đến nhưng chúng sinh còn đắm chìm trong bể trầm luân, vậy thì ai sẽ đưa tay ra kéo chúng sinh thoát khỏi cảnh phù trầm nếu không là những Tăng Ni đã giác ngộ, đã vứt bỏ hồng trần, lòng thanh ý tịnh, thong dong dưới mái nhà Như Lai như Hòa Thượng Thích Như Điển đã từ lâu làm người chèo đò chăm chỉ, đưa chúng ta ra khỏi bến mê. Trong phòng Bi Trí Dũng dành cho sinh hoạt Gia Đình Phật Tử có treo một bức thư pháp của Thượng Tọa Thích Thiện Thuận cung tặng Hòa Thượng Thích Như Điển, chỉ với một chữ Thầy và hai câu thơ đầy đạo vị để ca tụng công đức vô biên của Người:

Đón đưa bao kẻ qua sông

Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò

Tuy tổng số Phật tử chỉ đứng hạng năm so với các tôn giáo khác trên toàn thế giới nhưng đạo Phật ngày lại càng lan rộng không ngừng, đến tận cả các nước có nền văn minh khoa học tiên tiến tại Mỹ và châu Âu, đơn giản vì Phật Pháp đã hóa giải được mọi khúc mắc của đời sống vốn loạn động này. Phật Pháp không mâu thuẫn rối rắm- không triết lý vu vơ mà đó là một con đường khách quan để đi đến tận cùng chân lý. Đạo Phật cũng không dùng bạo lực để cưỡng bức mọi người phải tin theo, không ép buộc phải tôn thờ một giáo chủ, không pha trộn bất cứ lòng mê tín dị đoan nào, vì tu trước nhất là lợi cho chính mình, cho chính tôi rồi sau đó mới hành thiện giúp đỡ kẻ khác.

Trong lời kinh tiếng kệ chúng ta vẫn tụng rốt ráo hằng ngày cầu xin sự trợ duyên của ba ngôi Tam Bảo có câu:“Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại „ do đó theo truyền thống gia đình, tôi luôn được giáo huấn lòng kính trọng trước những vị Tăng Ni chân chánh, trí tuệ. Nhưng trước đây, lòng cảm xúc này chỉ dừng ở bậc thềm tôn trọng khi ngước lên một bề trên tinh thần; vẫn còn thiếu đâu đó cảm ứng của nhịp tim rất người ấm áp trong lồng ngực. Mang tiếng là ở gần chùa Viên Giác nhất, tham gia viết bài cho báo Viên Giác từ hơn 15 năm nay, nhưng tôi lại có rất ít diện kiến với Hòa Thượng. Tôi nỗ lực trong việc sáng tác nhưng tự bó rọ cung cách sống của bản thân, thậm chí hằng năm đều đặn về chùa dự các đại lễ, thấy bóng Hòa Thượng Thích Như Điển thấp thoáng, tôi đã vội lẫn tránh vào đám đông. Người đang gồng gánh bao nhiêu là công việc Phật sự đa đoan, trong khi mình chỉ là hạt cát lao xao thì lăn đến làm chi cho cộm chân bậc cao tăng.

Hòa Thượng vào chùa từ khi mới 15 tuổi, đến năm nay vừa đúng 50 năm xuất gia hành đạo. Cái tuổi 15 là cái tuổi « ăn chưa no, lo chưa tới », cái tuổi còn bồng bột ham chơi, thế mà Người đã chí quyết chọn con đường xuất gia, dù cả gia đình cha mẹ anh chị đều rất buồn bã quyến luyến nhưng Người vẫn thanh thản xem đó như một định nghiệp tiếp nối từ nhiều đời kiếp trước. Viết về Hòa Thượng Thích Như Điển thì bao nhiêu cũng không thừa. Cuộc đời Người như một huyền thoại, Người đã chọn con đường chánh pháp và chắc chắn sẽ đến đích. Xuất gia khi hãy còn rất trong trắng ngây thơ, cả đời chỉ chuyên cần học hành, tu niệm, dịch kinh viết sách, hoằng truyền chánh pháp, xây chùa, tu viện, giúp đỡ tịnh tài cho bao Tăng Ni có cơ hội học đạo thâm sâu, về mặt đối ngoại lúc nào Người cũng giữ vững lập trường quốc gia... nên tôi tin chắc 60, 70 hay 80 năm có vần vũ trôi qua đi nữa, Người luôn luôn là một thạch trụ kiên định của Phật Giáo Việt Nam hải ngoại. Sáu mươi lăm năm nhìn lại như bóng câu qua cửa, vòng đời cứ thản nhiên quay, hết xuân đến hạ rồi sẽ sang thu, quán niệm được mình như cá bơi trong ao mà nước mỗi ngày mỗi cạn dần, Người vẫn tự tại, vẫn chuyên cần làm Phật sự như ngày đầu phát nguyện, vẫn sắt son đạo hạnh như một đóa sen vô nhiễm, như một viên bảo ngọc không tì không vết.

blank
(Hương Cau đảnh lễ HT. Phương Trượng)

Trong lần Ra Mắt Sách này, ngoài niềm vui của người cầm bút, nhóm bút nữ chúng tôi còn may mắn có nhiều thiện duyên tiếp xúc trao đổi với Hòa Thượng, được phép cùng Người dùng bữa, thăm viếng thư phòng mà Người đang sống... Tất cả những cận cảnh đó đã lay tỉnh sự trì trệ bấy lâu lưu giữ trong đầu tôi. Tỉnh ra để hiểu biết về Thầy mình rõ nét hơn: Sự từ ái trong khi chuyện trò, sự chân chất với nụ cười bao dung, sự thanh bần dung dị trong các nhu cầu đời sống cũng như gìn giữ giới hạnh nghiêm ngặt của Hòa Thượng suốt từ 50 năm qua đã là câu trả lời đúng đắn nhất trước mọi thị phi vốn có của đời, mà đã gọi là đời thì phần lớn ai ai cũng bị bóng đen của bản ngã chi phối, đưa đến chỗ mê lầm, vô minh. Ngày xưa bỡ ngỡ mới đến Đức, trong một lần kiểm tra, cô giáo không đọc chính tả, không dò hỏi văn phạm hóc búa Dativ, Akkusativ… mà chỉ yêu cầu học sinh liệt kê các tính xấu của chính mình và các tính tốt của người bạn thân, ai cũng cắn bút rất lâu vì theo thói quen, con người có thể soi gương mỗi ngày hàng chục lần nhưng lãng quên chuyện bỏ ra ít phút ra để soi tâm mình đang đục hay trong! Tâm trong hay đục nhiều khi chỉ là một cách biệt vi tế, vô cùng mong manh. Khó quá, làm sao mà giữ cho tâm tĩnh lặng một ngày, không có lúc bị xao động, u mê!

Cuộc hạnh ngộ với Hòa Thượng Thích Như Điển tuy ngắn ngủi, thoáng chốc nhưng lưu lại trong tôi bao cảm kích trào dâng. Như gió mát trưa hè, như mưa giông sau mùa hạn hán. Tình cảm, cái cảm tính tự nhiên nhất đều có trong mọi người, có là một bất biến? Chắc chắn là không! Tình cảm không bao giờ trụ lại như một hằng số, ngược lại, chúng luôn dao động với tần số nào đó, khi nhịp nhàng khi sôi động, và lên đến biên độ mạnh nhất lúc cộng hưởng với niềm tin chánh Pháp. Mặt trời lên, xuyên sương mù dầy đặc, ánh trăng vàng soi lớp bụi thời gian. Mọi cánh cửa bấy lâu bít bùng đều được mở toang, xua đi những mơ hồ, ngộ nhận. Từ ấy chữ Thầy trở nên thật gần gũi chứ không còn xa cách, cao vời như tôi vẫn ngại ngùng lẫn tránh. Thầy Thích Tánh Tuệ đã diễn đạt được cảm xúc này qua hai câu lục bát bình dị rất phù hợp với tâm tình cảm phục mà tôi đang trải qua:

Bây chừ, dừng lại, hiểu ra

Phật âm giữa tiếng sơn ca trước chùa

Được là Phật tử, đó đã là một may mắn vô biên cho chúng ta rồi, nhưng Phật đã tạ thế hơn 2000 năm, chúng ta vẫn chưa bị lâm vào cảnh mạt pháp vì đã có những vị sứ giả của Phật mang hạnh nguyện độ sinh, mà Hòa Thượng Thích Như Điển là một điển hình ngời sáng.

Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65 của Hòa Thượng Thích Như Điển, Người đã đặt nền tảng Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên nước Đức, từng bước chân nhọc nhằn trong gió tuyết mùa đông xứ người để hoằng pháp, để xây dựng nên mái chùa cho những người con Phật tìm về. Chúng con chỉ biết tán thán công đức của Thầy, tri ân những hy sinh và nỗ lực mà Người đã âm thầm từ những buớc đi đầu tiên cho đến ngày hoàn mỹ, chúng con cầu mong Thầy luôn khỏe mạnh tinh tấn để làm chỗ dựa cho các thế hệ Phật tử đã và đang theo Thầy học đạo, nương tựa vào chánh pháp để có thêm sức mạnh và niềm tin cho một hành trình tu sửa bản thân, thoát khỏi vô minh, phiền não để những tháng ngày còn sống trên trần gian đều là những ngày thân tâm vô cùng an nhiên tự tại.

Có người con Phật nào không mơ ước điều này ?

Trần Thị Hương Cau

(Nhân mùa Phật Đản 2014
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/07/2010(Xem: 10982)
-Người đi tiên phong và nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển trí tuệ, từ bi và hòa bình- -Nhà lãnh đạo toàn cầu trong phong trào vì hòa bình, nhân quyền và sức khỏe cộng đồng-
14/06/2010(Xem: 5862)
Hòa Thượng Thích Bích Nguyên là một trong những bậc cao Tăng thạc đức của Phật giáo Lâm Đồng. Ngài họ Nguyễn, húy là Tùng, sinh năm 1898 tại làng Duy Hòa, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, đĩnh ngộ. Thời tráng niên, lập nghiệp ở Lào, Hòa Thượng nhân đọc báo Từ Bi Âm mà ngộ đạo, thấy rõ cuộc đời vô thường, nuôi chí xuất gia. Đến năm 29 tuổi (1927), Hòa Thượng mới có đủ nhân duyên đầu sư thọ giáo với Hòa Thượng PHƯỚC HUỆ, Trú trì chùa Hải Đức, Huế và đắc giới Sa di năm 1934. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới với pháp hiệu BÍCH NGUYÊN, rồi theo học ở các lớp Phật học tại các Phật học viện Hải Đức, Bảo Quốc và Ấn Quang.
15/05/2010(Xem: 5364)
Thiền sư Khánh Hòa sinh năm 1877 tại làng Phú Lễ tỉnh bến Tre, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Khải Tường. Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của ông phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ông du hành khắp các tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc.
19/03/2010(Xem: 7423)
Một cặp kính trắng với sợi dây vòng ra sau cổ, năm ba con khỉ nhảy tung tăng trên vai, trên đầu, tóc tai rối rắm, áo quần cái dài, cái ngắn, kiểu đàn ông, đàn bà, đầy màu sắc sặc sỡ …đây là dáng người anh Bùi Giáng chúng ta thường gặp trên những nẽo đường Sài Gòn năm 1975 … Sau năm 1975 , anh Bùi Giáng về ở chung với chúng tôi trong nội xá viện Đại học Vạn Hạnh cũ (222 Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sĩ). Vào thời điểm này, Đại học Vạn Hạnh không còn hoạt động, nên nội xá chỉ còn một số ít người ở lại với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu. Chúng tôi quản lý chung, chú Chơn Thuần đi chợ và thị giả cho Hòa thượng Viện trưởng, anh Trần Châu phụ trách an ninh, anh Bùi Giáng thì nhận nhiệm vụ đi mua lương thực.
10/03/2010(Xem: 6174)
Bản thân tôi (Tín Nghĩa), rất ít có dịp thân cận với Ôn Già Lam. Điều dễ hiểu, vì tôi không xuất thân từ Phật Học Viện. Vả lại, mỗi lần Ôn về Huế (Bảo Quốc), thường vào dịp đầu xuân, thì đa phần Ôn hay đàm luận Phật sự với quý Ôn lớn như Ôn Linh Mụ, Ôn Trúc Lâm, Ôn Linh Quang, Ôn Từ Đàm và Ôn Bảo Quốc, . . . Đầu năm, Ôn thường hay nghe Đại luật (tức là dạy luật Tứ phần) cho hai chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì tôi đạp xe ra học rồi về lại chùa. Vả lại, bổn phận của tôi ở chúng Trúc Lâm cũng tương đối bề bộn. Tuy thế, chính tôi lại có với Ôn ba kỷ niệm khó quên.
10/03/2010(Xem: 8932)
Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
10/03/2010(Xem: 7248)
Ôn Già Lam, chỉ ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp Tăng sinh của các Phật Học Viện: Báo Quốc - Huế, Phổ Đà - Đà Nẵng, Hải Đức - Nha Trang, Già Lam - Sài Gòn. Ba tiếng nói ấy như trái tim của Mẹ ấp ủ đàn con qua suốt quãng đời dãi dầu mưa nắng. Ôn Già Lam, người đã hy sinh suốt đời mình để phụng sự cho Phật pháp, đào tạo Tăng tài qua nhiều thế hệ. Ôn đã khai phóng tinh thần thế học cho Tăng sinh các Phật Học Viện.
10/03/2010(Xem: 13891)
Sau năm 75 các Phật Học Viện đều đóng cửa. Các tăng sinh tại các Phật Học Viện đều trở về chùa cũ của Thầy Tổ để sinh sống và tu học. Thật tế, tu thì có mà học thì hầu như không. Có chăng là Thầy dạy đệ tử trong chùa. Những chùa có ruộng đất thì thầy trò tự túc canh tác để sinh sống. Sinh hoạt giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ đã không còn.
05/12/2008(Xem: 9453)
Hình ảnh Mừng Sinh Nhật Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Ngày 5-12-2008 tại Cao Hùng , Đài Loan tại Nhà Hàng 200 Món Đồ Chay Do Đạo Hữu Tony và quý Phật tử trong phái đoàn Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ tổ chức
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]