Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. 50 năm chặng hành trình bất tận (Song Thư TTH)

17/06/201407:37(Xem: 18254)
25. 50 năm chặng hành trình bất tận (Song Thư TTH)

Thầy bậc chân tu tiếng ngát hương

Thích đâu bao cảnh vốn vô thường

Như Lai tịnh độ, người hồi hướng

Điển Giác hoằng dương khách rõ tường

Viên mãn muôn đời tâm bất diệt

Giác tường trọn kiếp đạo vô cương

Bổn sanh hồi hướng về luân kiếp

Tự ngã thân tâm vốn thiện lương

Kính bạch Thầy,

Khi viết những dòng thơ trên, con không hề ngại ngùng, rằng đã vinh danh Thầy thái quá, vì đó là sự thật như câu: "không có gì mạnh bằng sự thật".

Mặc dù trong dịp ra mắt sách "Những Cây Bút Nữ 2" con có nhân duyên cùng Anh Chị Chủ Bút Phù Vân và những Cây Bút Nữ khác được hân hạnh Thầy cho hầu chuyện, cùng sự hiện diện của vợ chồng Bác Sanh, Thư Ký tòa soạn báo Viên Giác; sau cùng, Thầy đã nhắn nhủ chúng con: "Các con viết về Thầy cũng đừng ca tụng gì Thầy hết, Thầy chỉ muốn có một cái gì đó làm kỷ niệm, chứ không phải để tự tôn vinh mình. Chỉ cần các con viết những kỷ niệm - chẳng hạn như ngồi ăn chung, Thầy ăn nhanh quá, các con ăn không lại v.v...". Cũng như Thầy nói rằng, mong muốn đọc những cảm nghĩ chân thật của mọi người về Thầy khi Thầy còn sống hơn là đến lúc chết đi mới... Ô hô! Ô tai! Ô một vì sao Bắc Đẩu rụng rơi! (hàng này không phải nguyên văn của Thầy mà do con diễn đạt theo ý) thì Thầy có biết gì đâu!!!

Con không thể nào quên được lời dạy của Thầy khi nhìn vào ánh mắt từ hòa của Thầy lúc ấy, và giọng nói ôn tồn chân thành xuất phát tự đáy lòng khiến con thật sự xúc động, xót xa nhận ra rằng, những mong ước đơn giản của Thầy chính là tâm trạng tìm về hoài niệm của người đang tuổi về chiều.

Cái tuổi mà: "Nước chảy đá mòn".

Thời gian như dòng nước chảy có thể làm con người cằn cỗi, già nua, bạc màu theo sương gió - song song với câu: "Nhân sinh tự cổ thùy vô tử"- Xưa nay, có ai thoát được tử sinh bao giờ!

blankThì đây, đây là dịp để con trải tâm tư đến vị Thầy đáng kính, viết lên những sự thật một cách khái quát về dòng đời xuất gia và hành đạo của Người.

Trải qua chặng đường suốt 50 năm đằng đẵng, cuộc hành trình dấn bước đường tu thoát vòng nhân thế phải có sự khởi đầu. Hãy nhìn lại "Dưới bóng đa chùa Viên Giác" Thầy đã viết về cuộc đời mình để có thể thấy được sự khởi đầu.

Ngày 15.05.1964 cách đây 50 năm một chú bé đã giã từ gia đình, giã từ đồng nội, giã từ dòng sông Thu Bồn êm ả nơi quê nhà để tìm về mái chùa Viên Giác Hội An với chí nguyện xuất gia.

Chú bé ấy chính là Thầy Phương Trượng Thích Như Điển ngày nay.

Lúc ấy Thầy chỉ vừa 15 tuổi!

blankMột nhánh rễ con vừa nhú ngầm trong cội đa già chùa Viên Giác.

Nguyên do nào ở vào tuổi đời non nớt Thầy đã có ý nguyện xuất gia? Khi 10 tuổi, Thầy thường theo mẹ đi chùa. Lời kinh câu kệ, tiếng mõ hồi chuông khiến "chú bé" thích thú vô cùng. Chỉ có thế! Thầy tiếp; đó chính là những nhân duyên trùng chéo từ bao kiếp, cũng như trước ngày Thầy từ giã gia đình bước vào cửa Phật, cách đó 7 năm bào huynh Thầy là Hòa Thượng Bảo Lạc đã xuất gia tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng. Tất cả tạo thành duyên khởi đưa đẩy, thôi thúc một đứa trẻ ở tuổi 15 ý niệm xuất gia.

Để rồi nhằm lễ vía Quan Thế Âm ngày 19 tháng 6 Âm lịch 1964 Thầy chính thức được làm lễ xuất gia bởi Sư phụ Thích Long Trí.

Nhìn lại chặng đường suốt 50 năm xuất gia và hành đạo của Thầy, có thể chia ra thành hai giai đoạn:

Giai đoạn xuất gia và học tập (1964- 1977)

Giai đoạn này được thể hiện trong nước và ngoài nước.

- Trong nước:

Đó là thời gian đầu Thầy vừa nhập tu tại chùa Viên Giác Hội An. Ngoài việc học kinh kệ, phụ giúp công việc trong chùa, Thầy còn theo học chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Hội An.

Trong thời gian này có hai biến cố đến với Thầy.

  • Biến cố thứ nhất:

Đối với Phật Giáo đó là thời kỳ Pháp nạn (tranh đấu cho Đạo Pháp và Dân Tộc tự quyết) và Thầy lúc ấy tuy chỉ là chú tiểu áo nâu cũng bị lôi cuốn vào cơn bão Pháp nạn này vì quyết theo sư phụ cho trọn đạo khi Người bị chính quyền dẫn đi. 90 ngày trong chốn lao lung tù ngục đó, Thầy đã ví như mình vừa trải qua "90 ngàn mùa thu"... lá bay.

  • Biến cố thứ hai:

Cũng là biến cố đau thương nhất trong cuộc đời Thầy. Đầu năm 1966, sau gần 2 năm xuất gia, Thầy trở về thăm nhà lần thứ hai. Những tưởng sẽ là ngày đoàn viên hạnh phúc, không ngờ trên đường gần về nhà, Thầy nhận hung tin mẹ mất vì bom đạn oan nghiệt của chiến tranh. Niềm đau và nước mắt đã thấm sâu tận đáy lòng qua làn áo nhật bình của một chú tiểu tuổi đời còn non nớt chưa đủ sức mạnh tâm linh để hiểu thấu vô thường khi phải nhìn thi thể người mẹ yêu quí nhất đời không còn trọn vẹn!!!

Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi như dòng sông Thu Bồn êm ả, đâu biết rằng bao nhiêu tang thương, đổ nát đã đang xảy ra chung quanh khung cảnh nên thơ ấy. Để rồi Thầy cũng đành gạt nước mắt ra đi, trở về mái chùa Viên Giác tiếp tục tu hành và học tập.

Với chí cao nhìn xa, cộng với tinh thần hiếu học triệt để, Thầy chuẩn bị hành trang cho con đường học vấn mở rộng như con cá bé trong ao lạch muốn thoát ra sông dài bể rộng. Mùa hè 1969 Thầy chuyển vào Sài Gòn nối tiếp 2 năm cuối bậc Trung học và lần lượt đậu Tú Tài bán và Tú Tài toàn phần.

- Ngoài nước:

Thời gian này với những nỗ lực và sự giúp đỡ của Hòa Thượng Bảo Lạc tại Việt Nam, bào huynh của Thầy và Thầy Như Tạng du học sinh tại Nhật 1968 (ở Tokyo) mọi giấy tờ thủ tục xuất ngoại du học được hoàn tất, và Thầy chính thức du học tại Nhật vào năm 1972.

Tại Nhật, khắc phục ngôn ngữ một cách mau chóng, Thầy tốt nghiệp cử nhân Giáo dục và đỗ vào Cao Học Phật Giáo tại Nhật Bản cùng năm 1977. Sau đó học một thời gian tại Đại Học Phật Giáo Risso.

Giữa thời gian đó, cơn bão thời thế 30.4.1975 ập đến tại quê nhà, không những làm dao động toàn bộ miền Nam thân yêu mà âm hưởng của nó làm rúng động tất cả chư Tăng Ni du học nước ngoài ở khắp nơi theo đó bị xao động mãnh liệt ảnh hưởng hoàn toàn vào sinh hoạt đang bình thản. Thầy cũng bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi nguồn tài trợ chấm dứt, và đó là thời gian thật cam go thử thách từ vật chất đến tinh thần. Thầy phải vất vả vừa kiếm sống, vừa học vẫn kiên trì hoàn thành cử nhân Giáo dục, đỗ vào Cao Học Phật Giáo như trên đã nhắc đến.

Cùng năm đang theo cao học tại Đại Học Phật Giáo Risso Nhật Bản 1977 thì Thầy định cư tại Đức. Sau 1 năm khắc phục tiếng Đức, thứ ngôn ngữ rất khó về văn phạm, Thầy tiếp tục học Cao Học Giáo Dục tại Đại Học Hannover và hoàn thành luận án.

Giai đoạn xuất gia và hành đạo (1977-2014)

Tiêu biểu trong giai đoạn này nổi bật nhất hai điểm son:

. Chùa Viên Giác Hannover

. Tờ báo Viên Giác.

Ngôi chùa Viên Giác tại Hannover đã được xây lên từ những viên gạch công đức của chúng sinh thập phương phát tâm cúng dường và tâm huyết bao năm của Thầy mới kiến tạo được ngôi chùa nguy nga, hoành tráng ngày nay. Nhưng ý nghĩa và giá trị không đặt trọng tâm tại điểm này mà phải nói đến người điều hành- là linh hồn của ngôi chùa; không ai có thể phủ nhận chính là Thầy Phương Trượng Thích Như Điển.

Thật vậy; Thầy đã khai mở trong quá khứ và trong hiện tại, tương lai con đường hạnh phúc, con đường đúng đắn để dẫn dắt chúng sinh đi đến bờ an lạc, giải thoát mọi khổ đau của kiếp nhân sinh qua các Pháp tu, Pháp học và Pháp hành. Đó cũng là hạnh nguyện của Thầy, của một bậc chân tu xả thân cống hiến cho tha nhân.

Song song với ngôi chùa từ thuở ban sơ, tờ báo Viên Giác được ra đời vào năm 1978. Từ một tờ báo nhỏ lúc ban đầu, dần dần đi vào quỷ đạo và đạt được vị trí vững vàng như ngày nay. Từ nhiều năm nay, dưới sự điều hành của Thầy với tư cách Chủ Nhiệm, và Anh Phù Vân với tư cách Chủ Bút đã thu hút sự chú ý của các vị nhân sĩ mọi ngành nghề khắp nơi trên thế giới gởi bài cộng tác. Điều đó nói lên sự tin tưởng, uy tín của tờ báo, "Đất lành chim đậu" vậy.

Ngoài ra tâm huyết của Thầy còn đổ dồn vào việc đào tạo 132 vị Tiến sĩ, không phân biệt Nam- Trung- Bắc, Tông phái, biểu hiện sự bình đẵng nơi Thầy theo đúng tinh thần và lời Phật dạy, trong vòng hơn 19 năm với chi phí ngoài 1 triệu Mỹ kim (không quên công lao của quý Bác, Anh Chị làm công quả để có nguồn tài chánh dồi dào cũng như sự cúng dường của khách thập phương mà Thầy vẫn nhắc đến).

Không những thế Thầy còn đi sâu sát vào cuộc sống, chăm lo cho các Tăng Ni du học từ lọ xì dầu mà chính Thầy cặm cụi xách mang. Hình ảnh ấy khiến người ta liên tưởng đến bậc từ phụ, mà ngoài đời một số cha mẹ còn chưa hy sinh, nuôi dưỡng con mình được vậy.

Điều đó không lạ với tâm lý nung nấu phát xuất từ thuở còn niên thiếu của Thầy, một người hiếu học, cần mẫn, chí cao để bây giờ hoài bão ấy được đặt lên tương lai các vị Tu sĩ nhằm tạo một thế hệ trẻ có kiến thức vững vàng, cao rộng song song với việc tu dưỡng phẩm hạnh để nối tiếp bảo tồn, chấn hưng Phật giáo, phát huy văn hóa Việt Nam tại hải ngoại cũng như theo gót người trước tranh đấu tự do Tôn giáo, Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam!

Tiếc thay, chính từ tinh thần đó, từ sự hạnh phúc, vui mừng bộc phát một cách tự nhiên đã khiến có sự hiểu lầm Thầy trọng bằng cấp (cũng như những người ác ý gièm pha, chỉ trích mọi điều). Thầy đã từng viết trong tác phẩm "Dưới bóng đa chùa Viên Giác":

"Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ v.v... cũng đều giả. Chỉ có Tu sĩ mới là điều đáng nói và đáng lưu tâm hơn. Vì đã có biết bao nhiêu kẻ sĩ trong đời đã từ bỏ địa vị của mình để đi tìm cái sĩ ẩn dật, cái sĩ an bần lạc đạo, cái sĩ của người lấy nẻo Đạo làm vui cho cuộc sống để thật sự được giải thoát về sau này. Người cư sĩ tu vẫn có thể giải thoát sinh tử được, nhưng khó hơn cuộc sống xuất gia rất nhiều. Vì lẽ người xuất gia không nặng nợ tang bồng".

Thôi thì, như trong Kiều của Nguyễn Du có một câu nổi tiếng đượm màu triết lý nhân sinh "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần".

Luận về nhân sinh; dù người xuất gia hay người trần tục đều là con người, nên câu “Nhân Vô Thập Toàn" không thể nào tránh khỏi. Khi nhận định về ai hãy lấy tâm khoan hòa, khoảng khoát và hãy nhìn những thành quả, công lao mà người ấy đã cống hiến cho tha nhân. Những công đức to tát bao trùm khắp mọi nơi có thể khỏa đắp, thậm chí xóa nhòa một vài khiếm khuyết nhỏ nhặt.

** Ngược dòng lịch sử, xin nhìn lại tình sử giữa vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Nguyên Phi (con nhà trồng dâu) đã đưa bà đến ngôi vị tuyệt đỉnh. Sau khi vua băng hà, Thái Tử Càn Đức con ruột của Ỷ Lan Nguyên Phi lên ngôi tức Lý Nhân Tông. Theo luật nhà Lý chỉ phong Hoàng Hậu lên làm Hoàng Thái Hậu, nên mặc dù chính con ruột lên làm vua, nhưng Ỷ Lan Nguyên Phi chỉ được tôn là Ỷ Lan Hoàng Thái Phi. Chính lý do này đã nảy sinh lòng ganh ghét tị hiềm khiến bà ra lệnh cho con là vua Lý Nhân Tông nhốt giam Thượng Dương Hoàng Thái Hậu cho đến chết.

Nhưng lịch sử không hề lên án hành động thất nhân tâm này của Ỷ Lan Hoàng Thái Phi vì bà đã có công lao to tát sinh dưỡng Thái Tử, ban cho triều đình một vị vua anh minh đem lại sự thịnh vượng, ấm no cho toàn dân. Ngoài ra chính bà cũng là một nhà chính trị tài giỏi, buông rèm phụ chính cùng với Thái Sư Lý Đạo Thành khi vua Lý Nhân Tông còn nhỏ.

Đó là chuyện thâm cung bí sử, chuyện quốc gia đại sự, nhưng chuyện xã hội đời thường tưởng cũng nên hành xử tương ứng. Thiết nghĩ Ỷ Lan Hoàng Thái Phi nhờ vào công lao to tát mà khi bà phạm phải lỗi lầm ám hại Thượng Dương Hoàng Thái Hậu, chỉ vì tị hiềm riêng tư; một hành động ác đức, thất nhân tâm vẫn không bị lịch sử lên án chê trách, phê bình thì những người dù không có bối cảnh thuộc hoàng gia, nhưng đã xả thân quên mình cống hiến cho tha nhân, một vài khiếm khuyết nhỏ nhặt hoàn toàn vô hại tại sao lại bị chê trách, phê bình nặng nề, thậm chí còn xuyên tạc vu khống những điều không có.

Xin hãy lấy công tâm, xóa bỏ định kiến cá nhân và một lần nữa xin nhấn mạnh rằng câu "Nhân Vô Thập Toàn" mãi mãi là chân lý. Ai có thể vỗ ngực mình là người thập toàn, thập mỹ.

Trở lại chặng đường 50 năm Thầy đã trải qua, gót chân Thầy đã đạp trên chông gai, sỏi đá mà đi. Nếu không có những nghị lực phi thường thì cuộc hành trình có thể đành dang dở. Nhưng không! Con người vẫn thường có cái mốc kỷ niệm nào đó để ký ức quay về và đó, chính là sức mạnh tinh thần. Những chiếc lá đa khô rụng từ cội Đa già bóng chùa Viên Giác xưa đã kết thành chiếc thảm vô hình nâng bước chân Thầy thêm vững mạnh tiến bước. Nhánh rễ con ngày nào của cội Đa Viên Giác Hội An giờ đây đã thành Cội Rễ để bảo bọc, nuôi dưỡng những nhánh rễ con khác để tạo thành, không những bóng Đa rợp một góc trời Âu (chùa Viên Giác Hannover) mà còn rợp bóng nơi nơi.

Tất cả sẽ đi theo một hành trình từ thế hệ này đến thế hệ khác mãi mãi không ngừng vì con đường Thầy đã đang đi 50 năm đó chính là "Đường Không Biên Giới"* của cuộc hành trình bất tận như Phật Pháp Vô Biên.

Ngôi chùa cổ kính Viên Giác Hội An xưa, dòng sông Thu Bồn êm ả xưa vẫn đợi Chú Tiểu, Chú Bé của 50 năm về trước.

Như đâu đây tiếng chuông ngân vọng của ngôi chùa cổ kính đó, tiếng thì thầm của dòng sông Thu Bồn êm ả trôi một lần nữa như nhắn gọi Chú Tiểu, Chú Bé 50 năm về trước!

Năm mươi năm cuộc đời chìm nổi!

Kiếp phù sinh, bao đổi phân ly.

Niệm tâm đời chẳng có chi

Tu là Cội Phúc, có gì hơn chăng?

Ngày tháng niệm dành dâng Đức Phật

Cõi Ta Bà chất ngất khổ đau

Hộ trì Tứ Chúng, lao xao

Thoát qua bể khổ, cùng nhau quy về

Tam Bảo, cội Bồ Đề tỏa bóng

Ánh hào quang lánh lóng Đạo Mầu.

Năm mươi năm ấy mặc dầu

Phế hưng thế sự, con tàu ra khơi

Rẽ sóng nước ngời ngời, tay lái

Vững tay chèo xuôi mái bình an.

Sống!

Là sống

Vị tha nhân!

Tâm kia bất diệt, kính dâng Di Đà.

Kính dâng Thầy

nhân kỷ niệm 50 năm xuất gia và hành đạo.

Song Thư TTH

viết xong ngày 27.03.2014

Ghi chú:

* Tác phẩm của Thầy (Việt và Đức ngữ), năm 1987.

** Tài liệu từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

- Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ toàn thư, quyển3)

- Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cùng một nhóm Văn hữu soạn do Lê Ngọc Trụ hiệu đính.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2008(Xem: 9480)
Hình ảnh Mừng Sinh Nhật Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Ngày 5-12-2008 tại Cao Hùng , Đài Loan tại Nhà Hàng 200 Món Đồ Chay Do Đạo Hữu Tony và quý Phật tử trong phái đoàn Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ tổ chức
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]