Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

HT Thích Trí Nghiêm, một tinh thần Kim Cang

06/04/201416:35(Xem: 7692)
HT Thích Trí Nghiêm, một tinh thần Kim Cang

blank


Lược sử cuộc đời Hòa thượng Trí Nghiêm

Hòa thượng thế danh Phan Diệp, sinh ngày 09 tháng Giêng năm Tân Hợi (1911) tại huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu), tỉnh Phú Yên.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống, nhiều đời quy tín Tam Bảo, năm 15 tuổi, Ngài đã xuất gia thọ giới với Vĩnh Hảo đại sư tại chùa Phước Long - Phú Yên. Năm 22 tuổi, Ngài thọ đại giới tại chùa Bảo Sơn - Phú Yên, do Hòa thượng Vạn Ân - Tổ đình Hương Tích làm Đàn Đầu, với pháp húy là thượng Tâm hạ Bổn, tự Truyền Lai, hiệu Trí Nghiêm, thuộc dòng Lâm Tế, đời thứ 43. Năm 27 tuổi, Ngài được trúng tuyển và tu học 8 năm tại Phật Học đường Báo Quốc do Hòa thượng Trí Độ làm Đốc giáo.

Sau khi mãn học, Ngài bắt đầu công việc hoằng hóa, lưu hành diễn giảng giáo lý tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Năm 35 tuổi (1945), Ngài về trụ trì chùa Thiên Tôn ở Tuy An 9 năm và tham gia Phật Giáo Cứu Quốc, thuộc Liên khu 5. Kể từ 1955, là một Giảng sư kỳ cựu của Hội Phật học miền Trung, Ngài tiếp tục công cuộc hoằng hóa tại các Tỉnh hội Phật học Khánh Hòa, Phú Yên... xây dựng các trường Bồ Đề, Cô Nhi Viện ở Phú Yên. Năm 1957, Ngài ra giữ chức Hội trưởng Hội Phật học Thừa Thiên Huế. 3 năm sau, Ngài vào thường trú tại chùa Long Sơn, Nha Trang - trụ sở Tỉnh hội Phật Giáo Khánh Hòa. Kể từ đây, nhiều trọng trách Phật sự của Giáo hội được đặt lên đôi vai đảm đương của bậc thạc đức. Ngài đã làm các Phật sự lớn lao như Thành viên Hội đồng Giáo Phẩm Trung Ương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chánh Đại Diện Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Khánh Hòa, sau đó là Chứng minh Đạo sư của Tỉnh hội. Năm 1980, trước yêu cầu thống nhất Giáo hội, Ngài được mời làm thành viên Ban vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc, rồi là thành viên Hội Đồng Chứng Minh Trung Ương Giáo hội. Với lòng từ bi và luôn chăm lo cho tiền đồ Phật Pháp, Ngài đã thí giới tại các đại Giới đàn từ 1968, nhất là liên tục làm Hòa thượng đàn đầu trong ba Giới đàn mang tên vị cao tăng tiền bối của Ngài - Giới Đàn Trí Thủ I, II, III - Nha Trang.

Mặc dù gánh vác nhiều trọng trách lãnh đạo, hoằng hóa nhưng để tiếp dẫn hậu lai, Ngài vẫn tinh tấn chăm lo việc phiên dịch kinh luận, như:

- Kinh Lời Vàng, nguyên danh là Phật Giáo Thánh Kinh, 01 quyển, do nữ cư sĩ Dương Tú Hạc biên soạn.

- Luận Thành Thật, 20 quyển, do Ngài Ha Lê Bạt Ma Tát soạn.

- Kinh Phổ Môn Giảng Lục, do Bảo Tịnh Pháp Sư giảng.

- Kinh Pháp Hoa Giảng Lục, do Thái Hư đại sư giảng.

- Và quan trọng nhất, đáng cung ngưỡng nhất là bộ Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa,gồm 24 tập, 600 quyển, 5 triệu chữ, do pháp sư Huyền Trang Hán dịch.

Đáng lưu tâm hơn là những tư tưởng, những tinh túy, những cốt tủy tinh thần trong toàn bộ kinh đã được Ngài tiếp thu, thể nghiệm và làm chất sống trong suốt cuộc đời truyền đăng tục diệm của mình. Tinh thần này, chúng ta sẽ dần dần tìm hiểu ở phần sau.

Năm 1996, tứ đại huyễn thân của Ngài đã thọ cơn bạo bệnh, có lẽ đối với Ngài đây là cơ hội để tạm gác các Phật sự, đình chỉ sự dao động thân tâm bởi trần cảnh. Hơn 6 năm để chiêm nghiệm thật tướng các pháp thật là một thời gian khá dài, lúc này, Ngài vẫn tiếp tục dùng thân giáo để chỉ thị Pháp thật tướng bằng những bài pháp vô ngôn trường kỳ, miên mật. Đến ngày 13/01/2003 (tức 11 tháng 12 năm Nhâm Ngọ), Ngài đã an nhiên thị tịch, trụ thế 92 tuổi, 70 hạ lạp.


Tinh thần Kim Cang Bát-nhã của Ngài

Dù theo tôn ý của Ngài là “Thiện hành vô triệt tích” (khéo đi qua không để lại dấu vết), nhưng với bề dày những Phật sự Ngài đã làm được cũng như đức độ vô lượng, vô ngôn thuyết của Ngài, chúng ta cũng nên “dĩ giả thị chơn”, mượn lời giả huyễn để ca dương tán thán, hầu mong tiếp nối gương cao, trạch pháp tu hành.

Gương Bát Nhã thấm nhuần vạn thể

Tâm Kim Cương triệt phá lầm mê

An nhiên, thật tướng Bồ Đề

Khứ lai tự tại, đi về Chơn Như.

Trong suốt cuộc đời mình, Ngài đã để lại trong tâm thức của đàn hậu bối biết bao nhiêu hình ảnh cao quý, tuyệt vời: khi thuyết pháp lúc dịch kinh, khi trang nghiêm giáo giới hay lúc dí dỏm vui tươi với những ngôn từ toát ra những tiếng cười nhẹ nhàng thanh thoát, trước thực tại nhiêu khê, nhiễu loạn giữa cái giả và cái chân. Ngài lại là một người hết sức bình dân, giản dị, bình đẳng thương yêu ngay cả con chó lai Nhật, con mèo tam thể, con cá tai tượng, hay cả con thằn lằn cũng được làm bạn thân và được chia phần cơm mỗi ngày. Những hình ảnh ấy cho chúng ta nói rằng: Ngài là một bậc tu hành Giới đức viên dung, lòng từ bi và đức độ bao dung thật diệu kỳ, một trí tuệ giải thoát luôn lần theo mạng mạch Phật pháp để tìm về tận nguồn Niết bàn.

Trong tư tưởng văn chương bình dân Ấn Độ, Bồ tát là một mẫu người lý tưởng, là những tấm gương minh triết, dũng liệt, xả thân cứu đời... Công hạnh của một vị Bồ tát thường được thể hiện ở việc bố thí, nhẫn nhục, và có tuệ giác lớn... Nhưng quan trọng nhất là phát Bồ Đề tâm, phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh và phát huy tự lợi, lợi tha song hành. Theo kinh Kim Cang, hình ảnh vị Bồ tát được nêu ra dưới hai đặc điểm lớn: hành trì Bát nhã và không ngã chấp. Hành trì Bát nhã là nỗ lực đạt đến không tánh, an trụ và hàng phục tâm trong tánh không rốt ráo ấy. Không ngã chấp là hoàn toàn vắng mặt bốn ngã tướng:

- Ngã, tức là khái niệm tự ngã;

- Nhân, tức khái niệm tái sinh;

- Chúng sanh, tức khái niệm một sinh thể liên tục;

- Thọ giả, tức là khái niệm có đời sống tồn tại.

Điểm qua một số nét đời Ngài, ta sẽ thấy đây chính là hình ảnh đích thực của một vị Bồ tát đang du phương đây đó để thực hành công hạnh dẫn dắt chúng sanh đến bến bờ an vui giải thoát.

Trước hết, xin nói về đặc điểm chính của phong cách sống trong suốt cuộc đời Ngài: giản dị, bình dân nhưng toát ra ngoài một điều gì đó trang nghiêm thanh thoát. Nếu ai đã từng đến am Hoàng Trúc - nơi cư trú của Ngài - để trực tiếp cảm nhận, thì mới biết đó thật sự là tịnh địa Niết bàn của một bậc cao Tăng.

Cốc của Ngài được xây dựng rất đơn sơ, nằm trên đồi Trại Thủy - tấm bình phong của chùa Long Sơn - ẩn mình trong các hàng cây cổ thụ, khuất sau trường Trung Cấp Phật Học Khánh Hòa. Muốn đến được cốc Ngài phải leo lên con đường cấp ngoằn ngoèo bọc quanh sườn núi giống như cánh con dơi đang xoè ra, có nhiều lớp để bước. Khi hết con đường “đăng sơn” ấy, một “trận địa” đa dạng sẽ hiện ra trước mắt: bao nhiêu là bầu rượu, vỏ ốc, hộp bánh, nhánh cây, đĩa mẻ, chén bể... trông vừa ngộ nghĩnh, mà vừa thấy hay hay chi lạ. Chỉ bao nhiêu đó, vị Bồ tát “Nhất thiết chúng sanh hỷ kiến” đã thuyết cho người khác một bài pháp thế nào là thiên nhiên, cách sống và tiếp xúc với thực tại hiện hữu?! Thế là một niềm vui nho nhỏ vị Bồ tát đã ban cho đời. Đúng, lên đến cốc Ngài, người ta đã thấm mồ hôi, cảm giác mệt mỏi xuất hiện, nhưng bước vào trận địa của Ngài, xoay một vòng để nhìn, nghe lá rừng xào xạc, chim hót ríu rít và đón nhận làn gió nhè nhẹ thoáng qua, ta sẽ thấy lòng mình gạn đi bao nhiêu phiền não, âu lo, muộn phiền.

Còn cuộc sống của Ngài ? Rất mộc mạc, mộc mạc vô cùng, mộc mạc đến độ có khi chúng ta thấy rất vui, nhưng cũng dễ ứa nước mắt. Cánh cửa không cần kín gió, chỗ nằm rất đơn sơ, chiếc võng cũ mèm, đặc biệt cái giường đầy rệp như một tấm nệm đen, mà bọn rệp này chỉ sống chung với Ngài, hay là phát nguyện trải thân cúng dường ngọa cụ cho Ngài thôi, chứ không hề thấy một dấu cắn hay hút máu nào trên thân Ngài. Mảnh áo sờn Ngài mặc cũng rất hay: một cái mặc đủ hai mùa, khi trời nóng thì Ngài xé lưng cho mát, trời lạnh thì khâu lại cho ấm. Bữa ăn nào Ngài cũng chia bốn phần cho: Thiền sư, hai thằng điệu (con chó và con mèo theo cách Ngài gọi), con thằn lằn và con cá tai tượng. Con cá này to lắm, nó ăn cũng rất khoẻ. Ai lên thăm, Ngài cũng gọi nó lên cho xem. Bạn thân của Ngài nhiều lắm, mà có lẽ cây bạch đàn phía trước là bạn thân lâu nhất. Có lần anh em học Tăng lên hầu thăm, Ngài chỉ cây bảo (rặt tiếng nẫu, giọng Phú Yên): “Lúc tui mới dìa đây là tui trồng nó. Hơn ba chục năm rầu, ngày nào nó cũng hát cho tui nghe. Nó trung thành lắm!”.

Phong cảnh và cuộc sống của Ngài đúng là thiền vị. Một anh cư sĩ cùng gia đình, khi lên cốc Ngài liền xin quy y. Khi được hỏi, họ trả lời: “Nơi ở và cách sống của Ôn đúng là bậc thầy, đơn sơ mà cao cả. Thân giáo của Ôn là bài học không lời nhưng mà đọng lại trong lòng người những niềm vui bất tận.”

Ngoài cuộc sống bề ngoài, người khác còn cảm nhận đức độ thanh đạm của Ngài từ những cư xử rất mực vị tha. Những vật dụng tứ sự hằng ngày, như chúng ta biết Ngài không còn vướng bận, thủ trước, cho nên có những câu chuyện rất đáng học tập. Ai cúng dường gì Ngài cũng nhận, nhưng chỉ cần một hai ngày, vật dụng ấy sẽ được Ngài cho lại người khác ngay. Nếu như chúng ta không hiểu được công hạnh đầu đà, vị tha phổ độ phát xuất từ tấm lòng từ bi vô hạn nơi một vị Bồ tát, có lúc chúng ta sẽ cảm thấy buồn phiền, khó chịu vì cảm tưởng như vật cúng dường của mình bị chê bai vậy.

Có một vị Tăng trẻ trú dưới chân núi, gần thiền thất của ôn Thiện Bình, khi lên cốc quét dọn thấy vị lão sư với chiếc áo mỏng manh, sắp đến mùa đông chắc sẽ không chịu nỗi lạnh, nên phát khởi ước nguyện “ước gì mình có một chiếc áo ấm để dâng cúng Ôn”. Lòng thành như thẩm thấu đến chư Phật, hay là nhờ đức gia hộ của Ngài, qua ngày hôm sau, vị Tăng được một Phật tử dưới phố cúng dường một chiếc áo len mới tinh. Một ngày sau khi dâng cúng lên Ngài phẩm vật như sở nguyện, vị ấy ra trường Trung cấp, thấy một Tăng sinh đang mặc chiếc áo len giống hệt chiếc hôm qua. Hỏi ra mới biết chiếc áo ấy chính Ngài đã cho lại. Cả hai việc cho và nhận trên cho thấy hạnh bố thí của Ngài đúng nghĩa Ba-la-mật. Chỉ một pháp nhỏ thôi, khi qua tay Ngài, nó đã đem lại lợi lạc cho rất nhiều người. Ngài đã thực hành đầy đủ “tài pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt, đàn Ba-la-mật, cụ túc viên mãn”. Chúng ta nhìn nhận và áp đặt cho Ngài một cái gọi là “bố thí”, chứ thật ra đó là công hạnh thủ xả tùy duyên, đã trở thành một pháp thường tại, mặc nhiên thị hiện của Ngài, đúng theo tinh thần kinh Kim Cang: “Tu Bồ Đề, Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu Bồ Đề, Bồ tát ưng như thị bố thí, ... kỳ phước đức bất khả tư lượng

Những lời dạy của Ngài tuy rất bình thường, ngắn gọn, không giáo điều cao siêu mà chỉ là những xúc sự hằng ngày, những từ ngữ hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhưng có công năng khai ngộ rất hiệu quả tùy căn cơ, thời điểm khác nhau. Với Ngài, bất cứ lúc nào, đối tượng nào cũng có thể dạy Phật Pháp được cả.

Buổi chiều nọ, khi đang chăm sóc mấy chậu vạn thọ, nhặt bỏ lá úa trước sân, thấy một chú Tăng sinh bước lên cấp vái chào mình, Ngài liền hỏi:

- Chú có biết trên thế gian này, cái gì là thường còn không?

Hết sức bất ngờ, nhưng nhờ nụ cười “móm mà tươi, nhăn mà đẹp” trên khuôn mặt ung dung của bậc chân nhân, chú ấy liền chắp tay trả lời:

- Bạch Ôn, có ạ, đó là vô thường.

Ngài lại mỉm cười, không trả lời, vào trong lấy ra cho chú một cục xà phòng và một chai thuốc nhỏ mắt của Pháp, hình như của ai mới cúng hồi sáng.

Thầy Minh Tâm, khi còn ở Phật học viện Hải Đức, lên thăm và chào Ngài để về Huế. Ngài hỏi: “Đã thăm và chào bà Bảy dưới bếp chưa?” “Bạch Ôn, chưa ạ”. Ngài mỉm cười: “Một thiếu sót lớn!” Chỉ một câu nhắc khéo thôi mà sao chí chơn chí tình và sâu sắc, nhớ đời đến thế.

Hay theo lời Thầy Trí Viên kể: Một lần, Ngài cùng chúng Hải Đức đi dự lễ kỵ Tổ ở Vạn Ninh. Ghé thăm chùa Pháp Hoa, khi lên viếng chánh điện, lễ Phật xong, Ngài dạy: “Thế này là không được!”. Chúng hỏi cái gì không được, Ngài tiếp: “Nơi chánh điện tôn nghiêm mà viết chữ Hán thảo là chưa hiểu gì hết”. Thật hiếm có vị Giáo thọ sư nào chỉ dạy tỉ mỉ, cặn kẽ như vậy.

Có một anh cư sĩ tên Phiệt cư trú trong khuôn viên chùa Long Sơn, buổi trưa lên cốc, thấy Ngài đang nghỉ, anh ta quay ra cố tình đi thật nhẹ, nhưng vừa qua khỏi giậu trúc thì nghe một lời nói rất hỏm hỉnh: “Con trong quá khứ có lần làm thân bướm, hay lạc vào vườn buổi trưa”. Anh ta biết Ngài còn thức, liền đến chào. Ngài hỏi: “Con có biết thâm ý của cha con khi đặt cho con tên Phiệt không?” Quá bất ngờ trước vấn đề hơn 50 năm chưa nghĩ đến, anh ta thưa: “Bạch Ôn, con nghĩ Phiệt có nghĩa là tài giỏi, giàu mạnh như tài phiệt, thế phiệt vậy”. Ngài cười bảo “Không đúng, phiệt có nghĩa là dấu phẩy, còn về tượng hình nó là một chiếc bè”. Đúng thế, cái tấm thân tứ đại giả tạo này sớm còn tối mất như một dấu phẩy để chuyển sang ý văn khác trong câu vậy. Nhưng nó lại là một chiếc bè chở hành khách vượt qua con sông mê, tìm về nguồn chơn trong vắt, vắng mặt tất cả tham ái, vô minh.

Câu chuyện kể nghe rất đơn giản như thế, nhưng nhân vật chính trong câu chuyện chắc chắn phải luôn hun đúc, thể nghiệm một hình ảnh hết sức đặc sắc, mang đậm nét triết lý, thường được nêu ra trong các kinh điển Phật giáo. Đó chính là hình ảnh chiếc bè được dùng để ví dụ cho Pháp của Phật trong Kim Cang: “Như Lai thường thuyết, nhữ đẳng Tỳ kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả. Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”.

Cao cả hơn những giai thoại mang tính chất ứng cơ giáo dục ấy, ta còn thể nghiệm được ở Ngài “quá trình trọn vẹn hóa các phạm trù giác ngộ (Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn) của một vị Bồ tát đang phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Thế nào là Bồ tát phát tâm? Theo tinh thần Kim Cang, một vị Bồ tát phát tâm, phải nói cho đủ 3 lĩnh vực là: phát tâm, trú tâm và hàng phục tâm.

- Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là phát khởi, phát huy lòng mong cầu cái tuệ giác biết rõ, biết hết, biết thấu suốt và biết hơn tất cả. Cái tuệ giác ấy gọi là “Bát nhã” - cái tuệ giác của chư Phật đã phát nguyện và đã đạt được. Nếu vị Bồ tát phát huy trọn vẹn cái tuệ giác ấy tức nhiên cũng là thành Phật. Đối với một vị Bồ tát thị hiện trong cõi ngũ trược ác thế này, sự phát tâm lưu xuất từ hai động cơ: 1, thương xót nỗi đau của chúng sanh mà nỗ lực cứu đời; 2, thương xót sự suy tàn của chánh pháp mà nỗ lực duy trì.

- Trú tâm là đứng vững nơi sự phát tâm đó, tâm được phát từ chỗ không trụ, cho nên trú tâm ở đây là một trạng thái không dính mắc, không trú vào đâu. Đó chính là ý nghĩa “ứng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

- Hàng phục có nghĩa là buộc đối phương đầu hàng, tức là chiến thắng được, sửa chữa được, hay hủy diệt được sự chấp ngã chấp tướng.

Hai lĩnh vực trú tâm và hàng phục tâm sở dĩ thực hiện được là nhờ vận dụng được trí tuệ Bát nhã một cách rốt ráo. Ở đại lão Hòa thượng, mọi nơi mọi lúc Ngài đều vì lợi lạc quần sanh, nêu cao chí nguyện xả kỷ vị tha làm đích để thú hướng. Một niệm không rời hạnh nguyện độ sanh, một đời tinh chuyên vun bồi hạt giống Bồ Đề rải khắp nhân gian. Đó không phải là trú tâm Vô thượng Bồ Đề chăng? Vả lại, quá trình trú tâm đó hoàn toàn ở trong trạng thái “PHI” - tức không vướng kẹt, rời khỏi tất cả các tưỡng về ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Trạng thái “PHI” khiến Ngài luôn có tâm trí rỗng không như không gian, tâm hồn phong phú như hoa lá. Khi đã phi, cái gì Ngài cũng phi, cả cái “PHI” cũng phi luôn. Cả hai đối tượng siêu nhiên và tục lụy, bậc hiền nhân đều không vướng kẹt. Đối với cuộc đời, Ngài phi tức mà cũng phi ly. Do hàng phục được tâm như vậy, nên Ngài thong dong đi vào cuộc đời như kẻ vô tâm thỏng tay vào chợ, trạng thái thích ứng như con mèo từ trên không trung rơi xuống đất, luôn chuyển mình để bốn chân được tiếp xúc mặt đất một cách nhẹ nhàng.

Đó chính là trạng thái thích ứng của tâm Kim Cang vào cuộc đời thật thiện xảo quyền biến. Thế nào là tinh thần thích ứng của Kim Cang? Chúng ta hãy đọc lại một số pháp thoại về Ngài sẽ thấy rõ ràng bằng trực giác, không cần qua ngôn ngữ bình phẩm, diễn phân. Dẫu biết rằng thật tướng các pháp là không tướng, là phi, nhưng khi đã đạt được chân lý, thẩm thấu được chánh pháp của chư Phật, một vị Bồ tát sẽ không đặt chánh pháp ra ngoài lợi ích cuộc đời, không đặt sự toàn giác ra ngoài chí nguyện độ sinh. Một người thấy được thật tướng không tánh mà còn cho rằng “ta thấy rõ không tướng”, như vậy người này cũng chưa thật sự thấy thật tướng. Bởi vì, thấy có, thấy không đều do bản năng, phát xuất từ tự ngã của một chủ thể nhìn nhận. Với cái thấy như vậy, giả sử nêu cao lòng vị tha đến mức như lý tưởng thì cũng trở thành đỉnh cao của vị kỷ mà thôi. Ngược lại, nếu biến mọi hoạt động của bản năng thành cái thể tự nhiên của nó, không có sự giao xen của ngã tướng, thì cái bản năng lúc này lại là pháp khí đại thừa, có lợi ích lớn cho chúng sanh.

Nhận thức thấu suốt vấn đề như vậy, nên Hòa thượng tuy biết là hữu vi không thật, việc làm của hữu lậu chỉ đạt đến phước báo nhơn thiên, nhưng Ngài vẫn tùy thuận mọi cơ duyên, không từ bỏ bất cứ một việc thiện nhỏ nào. Ý tưởng này của Ngài thể hiện hầu như mọi nơi mọi lúc. Trong lời Đạo từ của Đàn Đầu Hòa thượng trong Giới Đàn năm 1993 tại Nha Trang, Ngài dạy: “... Hỡi các Giới tử! Thiết lập một Giới Đàn như thế này, từ nhà trên đến nhà dưới, từ bàn Phật đến bàn Tổ, từ nhà khách đến nhà trù, mỗi người đều có môt trách nhiệm. Nhiệm vụ nào, trách nhiệm nào cũng đều quan trọng cả ... Không có sự phân biệt cao thấp, tốt xấu. Không phải người ngồi trên cao là đệ nhất, còn người dưới bếp là không phải là đệ nhất. Vì không có người nấu nướng dưới bếp, thì người ngồi trên cao cũng không yên được. Nghĩa là tất cả mọi việc đều có tương quan nhân duyên sanh...”.Thật là khế lý khế cơ và thấu suốt nhân tình thay!

Giữa lúc đất nước lâm nguy, dân tộc bị chìm trong khói lửa chiến tranh, tiếng gọi Từ Bi tận tâm can của mẫu từ vang lên thúc giục Ngài phải làm gì đó thiết thực để giảm bớt nỗi đau của chúng sanh. Để thực hiện nghĩa vụ cứu độ chúng sanh, Ngài đã đi khắp các tỉnh miền Trung. Hạt cơm Ngài thọ dụng lúc này là hạt cơm vì đạo nghiệp, vì nghĩa tình dân tộc. Đôi dép cao su ngày ấy đã mòn theo dặm đường hóa độ, thể hiện tấm lòng chung thủy và cái khí phách của một Đại Mục Kiền Liên, cái trí dũng song toàn của một Phú Lâu Na, cũng như cái tinh thần Đại Thừa Kim Cang đã hun đúc nên Ngài. Cái tên gọi “Phật Giáo cứu quốc” nghe sao vang vọng thiết tha, gắn bó nghĩa tình non sông đất nước này với những người con Phật Việt Nam. Với nghĩa cử vị tha tột bực, việc tham gia phong trào xả thân vì Đạo của Ngài như thế đã thể hiện trọn vẹn tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, hộ quốc an dân, đẹp Đạo tốt đời, gióng trống lôi âm, vang rền tiếng Pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà. Ngài đã vận dụng tùy duyên bất biến để truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Phật đà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Đức tính vị tha vô ngã của Ngài đã dễ dàng nhiếp hóa tất cả Tăng Ni, Phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, tu hành tinh tấn, vững bền đạo nghiệp, tiến bước trên đường giải thoát.

“Công Ngài đổ xuống đất này

Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”.

Đây là tinh túy của tinh thần vô trụ trong Kim Cang mà Ngài đã từng thọ trì, ứng dụng. Tinh thần này có một mãnh lực kỳ diệu, làm đảo lộn tâm trí của các bậc sĩ nhân, thúc đẩy họ lên đường hành động theo chí nguyện Bồ đề một cách hiên ngang tự tại giữa đời ngũ trược, không có gì có thể làm vướng chân.

Lòng Từ bi vô hạn của một vị Bồ tát như Ngài cũng đã thể hiện rõ qua nhân duyên khởi dịch tác phẩm đầu tiên (Kinh Lời Vàng). Trong lá thư Ngài viết gởi cho Biên giả của bản kinh (bà Dương Tú Hạc) để xin phép được dịch sang Tiếng Việt, Ngài đã thể hiện tính cách cẩn trọng và sự kính nể đối với một học giả; đồng thời Ngài còn cho biết: lý do dịch kinh là để xuất bản và ủng hộ cho Cô nhi viện đang thiếu hụt tài chánh trong thời cuộc quá đỗi tang thương.

Ngài viết: “... Nếu được Bà hoan hỷ việc này là Bà đã ban cho hàng ngàn vạn lon sữa cam lồ pháp nhũ, các em được hân hạnh bú mút ngày đêm ... Lại nữa, nếu Bà đồng ý thời có hai điều lợi ích: một là truyền bá Giáo lý của đức Phật; hai là cứu độ những đứa con bạc phước của loài người. Vậy là chúng ta thờ phụng lòng Từ Bi của đức Phật bằng cách cứu người như Ngài đã làm...”

Với tâm nguyện và lời lẽ thuần từ như vậy, chắc chắn tác giả quyển kinh không dám từ chối mà còn vô cùng nể phục. Tưởng cũng nên đọc vài dòng lá thư hồi âm của Bà để thấy lòng tôn kính của người Phật tử nước ngoài đối với Hòa thượng: “... Kính Ngài Trí Nghiêm Thượng nhơn! Đọc bức thư Pháp giáo của Ngài, đệ tử lấy làm vui sướng vô cùng. Ngài là bậc Đức trọng Đạo cao, được bốn chúng trong nước tôi kính mến từ lâu; riêng chỉ vì tôi nhân duyên còn lận đận nên chưa có dịp vượt non quá bể để đến hầu Pháp với Ngài thật nghĩ cảm cho kẻ phước mỏng này... Còn về việc biên chép quyển kinh, nếu Ngài chẳng cho là vụng về mà phát tâm dịch sang chữ Việt và đem cho Cô nhi viện quý xứ ấn hành, để góp phần tài chánh mà nuôi các em, ấy là một nghĩa cử cao cả. Đệ tử rất tán đồng, không có gì trở ngại, chỉ xin sau khi dịch xong gởi cho vài quyển để làm kỷ niệm...”

Không chỉ lúc tình thế đất nước đảo điên, nhân tâm tán loạn, Ngài mới ra tay hành sự; mà cho đến lúc nước nhà thống nhất, nhưng con thuyền Phật giáo còn đang lênh đênh khi có quá nhiều người chèo chống, Ngài lại thể hiện tinh thần nhập thế, ứng dụng tư tưởng vô trụ vô trước để tiếp tục vì sự nghiệp hoằng dương chánh Pháp. Đó là những năm cuối thập niên 70 - thời kỳ Phật giáo đang có một nhu cầu cấp bách đặt ra là cần phải thống nhất các hệ phái lại trong một tổ chức. Nhưng thống nhất thế nào đây? Một câu hỏi gần như bị bế tắc, nhưng với trí tuệ Kim cang năng đoạn tất cả phiền não, Hòa thượng đã trả lời thỏa đáng câu hỏi trên, trút được gánh nặng cho các bậc kỳ túc trưởng lão có cùng chung thao thức. Năm 1979, cuộc họp tại Sài Gòn diễn ra gần một ngày mà vẫn chưa tìm ra được phương hướng và mô hình thống nhất. Trước tình trạng bế tắc ấy, Ngài phát biểu: “Chúng ta thống nhất ý chí và lãnh đạo, thống nhất tổ chức và hành động, còn nếp sống tu hành thì giáo phái nào giữ nguyên giáo phái đó”. Thế là Đại Hội được khai thông. Đến nay, câu này được ghi vào lời nói đầu của Hiến chương Giáo Hội. Khi họp xong, ông Nguyễn Văn Linh đến bắt tay Hòa thượng, mừng rỡ và tán thán: “Hòa thượng có sáng kiến tuyệt vời!”

Có lẽ đây không phải là sáng kiến, mà nó là một trong những những biểu hiện thật tướng Kim Cang của Ngài. Nó chứng tỏ giá trị siêu việt, vĩnh cửu của tinh thần Bát Nhã. Bởi chỉ có Bát Nhã tánh không mới đưa tâm hồn hành giả ra khỏi cái vỏ ốc ngã chấp vị kỷ, để làm việc lợi lạc quần sanh, không hề vì một mục đích nhỏ nào là để phô trương cái ngã trong đó.

Với tất cả những tâm nguyện vị tha tột bực ấy, Ngài đã thi ân bố đức khắp cả thế gian, nơi nơi đều nương nhờ pháp nhũ, nhưng Ngài luôn tự tại, không hề vướng kẹt bởi đối tượng chúng sanh nào mình đã ra ân cứu bạt. “Chung nhật đô sanh, vô sanh khả độ”, đúng theo tinh thần kinh Kim Cang dạy:“... Ngã giai linh nhập vô dư Niết Bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ, vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thật vô chúng sanh đắc diệt độ giả”. Tinh thần tự tại ấy thêm một lần chứng thực ở Ngài thân giáo, khẩu giáo vẹn toàn.

Đối với hàng hậu tấn, Ngài cũng là một vị Thiện tri thức lớn, thường ân cần nhắc nhủ, sách tấn con đường tu tập. Là những học tăng có duyên được gần gủi Ngài, khó ai có thể quên những lời Ngài thường nhắn nhủ: “Người tu cũng giống như người tài xế. Nếu người tài xế không cẩn thận, hay lái xe không vững sẽ đưa mọi người đi lạc đường, nguy hiểm hơn nữa sẽ đưa người ta đến chỗ chết”. Đó là một trong những ví dụ rất súc tích, hàm ẩn nhiều ý nghĩa giáo dục tinh thần trách nhiệm cao. Có lúc, Ngài lại sử dụng những ví dụ rất thông thường, nghe như chuyện tiếu lâm nhưng xuất phát từ kim khẩu của một Thân giáo sư đại nhạo thuyết biện tài, thì nó lại là những bài học vô giá. Có lần chúng lên đảnh lễ Ngài nhân dịp mãn hạ, sau khi nhắc nhủ, khuyến tấn về học tập hành đạo, Ngài kể câu chuyện:

Có anh chàng nọ rất thích chơi xỏ "ngừ" khác (Ngài kể bằng tiếng “nẫu” - Phú Yên - rất vui và lôi cuốn). Một hôm anh ta thấy một anh điếc đến chơi, anh ta bèn cầm trái ớt lên hỏi:

- Ăn cư... không? (Ngài đưa ngón tay út lên để minh họa).

- Không, cay lắm! - Anh điếc lắc đầu trả lời.

Cả chúng không dám phá lên cười mà chỉ nhìn nhau khúc khích. Ngài nghiêm nghị dạy: “Các “ngư” biết “cừ” là tốt “rầu”, nhưng nếu không khéo thì “ngừ” ta sẽ “cừ” lại các “ngư” đấy” Cả chúng đều kinh ngạc, Ngài dạy tiếp: “Các “ngư” không chịu học thì có khác nào anh chàng điếc kia, có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy được. “Ngừ” ta đọc một câu chữ Hán, mình nghe âm mà không hiểu; “ngừ” ta đưa một bài “quại” ngữ, mình đọc vào chẳng biết nghĩa ra sao. Như dzậy không phải là điếc, là mù ư?” Lúc này cả chúng mới vỡ lẽ ra và hiểu được cái yếu chỉ về sự khuyến tấn học tập của Ngài.

Tinh thần tự tại của Ngài thể hiện càng siêu đẳng hơn trong thời gian thọ bệnh. Có một môn đệ về viếng thăm bệnh, Ngài dạy: “Thời gian trước, Thầy cũng đã tu và hành đạo, song hành đạo nhiều hơn tu. Còn bây giờ đang thọ bệnh, Thầy có thời gian nhiều hơn để phản quan tựkỷ, để mình được sống với chính mình”. Quả thật, trải sáu năm sàng ngọa, thế mà tinh thần và thể lực Ngài vẫn đầy đủ, sáng suốt; diện mạo luôn lạc quan, không não phiền, than thở. Ngài luôn tịch mặc tự nhiên cho đến giờ tịch diệt. Giờ phút lâm chung của Ngài được ôn Đỗng Minh kể lại: “Tôi vô đứng bên giường Ôn, hơi thở từ từ chấm dứt, ... tuyệt nhiên không có sự trăn thở, rên rỉ nào, mặc dù mấy chỗ khoét nơi lưng và mông của Ôn mấy bữa nay rất nguy kịch. Thế là Ôn giữ chánh niệm rất tốt! Diện mạo của Ôn sau khi trút hơi thở rất tự nhiên, có tánh thuyết phục cao cho những người đến thăm và nhìn tận mắt về gương mặt Ôn! ... Thế là sự sống bấp bênh, cái chết bảo đảm!”.

Và như vậy, Ngài đã thong dong gậy trúc vân du. Ngài đã về với bản thể chân như thanh tịnh, để tiếp tục tùy cơ thị hiện độ sanh như bao lần Ngài đã đến và đi qua nhiều phương thế giới. Để kết thúc, xin trích ghi đoạn thơ của một Phật tử viết về Ngài:

“... Khi nương gậy trúc dìu tay

Dấu hài phương trượng còn đầy lối rêu.

Lặng yên tịnh thất sớm chiều,

Ung dung hoa nở chim kêu cúng dường.

Nâu sòng hòa nếp rau tương

Y vàng nhuận thể hoằng dương trọn đời...

Trăng đêm man mác vườn Thiền

Hoa Ưu đàm rụng về miền Chân Như

Thềm xuân tiễn bước nghiêm từ,

Thong dong gậy trúc vân du phương nào”.

(thơ của Tôn Nữ Thanh Yên)


Tác giả: Thích Đạo Quang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/01/2024(Xem: 554)
Trong tôi là cả một đại dương sóng dậy, sau khi đọc bài viết của anh Quảng Diệu Trần Bảo Toàn. Tôi cảm phục anh vô cùng, một trí thức đúng nghĩa, một tài năng thực thụ, một Phật tử đầy nhiệt huyết và đạo tâm. Anh đã dùng khả năng và các mối quan hệ rộng rãi của mình với các bác sĩ tài giỏi nhất để chữa bệnh cho thầy. Anh đã lo lắng chăm sóc sức khỏe cho thầy với tất cả tâm thành và khả năng của anh. Tôi ước gì được gặp anh để một lần bày tỏ sự khâm phục và cảm ơn anh.
06/01/2024(Xem: 812)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
03/01/2024(Xem: 652)
Vào lúc 11 giờ ngày 01/01/2024, tại chùa Kiều Đàm số 1129 S Newhope Street, thành phố Santa Ana, miền Nam California, Đạo tràng Khánh Anh cùng chùa Kiều Đàm đã tổ chức Lễ Khánh tuế lần thứ 97 Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan. Quang lâm Chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã, Santa Ana; Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, viện chủ chùa Phật Đà, San Diego và Hòa thượng Thích Thông Đạt, viện chủ chùa Đại Nhật Như Lai, San Jose. Đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử từ nhiều thành phố ở Hoa Kỳ đã về chùa dự lễ.
30/12/2023(Xem: 1630)
Thông Bạch Lễ Chung Thất Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVN Thống Nhất
21/12/2023(Xem: 1400)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
24/11/2023(Xem: 3747)
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng đạo hiệu Thích Tuệ Sỹ, Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, đời thứ 44 thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội PGVN Thống Nhất, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567, tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm & 51 đạo lạp. Chúng con kính nguyện Giác Linh Đức Trưởng Lão Hoà Thượng tân viên tịch Cao Đăng Phật Quốc và sớm tái hiện Đàm Hoa, hồi nhập Ta bà, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.
20/11/2023(Xem: 1103)
Nói đến bậc Tôn sư của chúng ta, bản thân của mỗi chúng tôi đều là học trò, và đã thọ ân giáo dưỡng của bậc Tôn sư rất là nhiều, cho nên hôm nay ngồi ở nơi đây với vị trí chứng minh cũng chỉ là Tăng sai, Tăng đã sai thì không thể không phụng hành, do đó mà tôi xin thay mặt cho chư Tôn đức tăng hiện tiền, có vài lời chia sẻ đến toàn thể Huynh đệ, cũng như các Pháp hữu, các Anh chị em GĐPT hiện diện trong và ngoài nước, cùng tất cả các Phật tử đã có duyên với Thầy, bậc Tôn sư của chúng ta.
09/11/2023(Xem: 922)
Đức Phật dạy trong Phật giáo có bốn hội chúng là chúng xuất gia (Tỳ kheo và Tỳ-kheo-ni) và chúng tại gia (nam nữ cư sĩ). Chúng xuất gia là trưởng tử của Như Lai, sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn, bậc thầy mô phạm thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp. Chúng tại gia tu tập ở nhà, làm lành tránh ác, bồi công tạo phước, hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ hai hội chúng này mà giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
06/11/2023(Xem: 2155)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
27/10/2023(Xem: 1153)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567