Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

HT Thích Phước Thành (1918-2014)

21/01/201409:48(Xem: 14450)
HT Thích Phước Thành (1918-2014)
ht_thich_phuoc_thann

Tiểu sử Trưởng Lão
Hòa Thượng Thượng Phước hạ Thành
Viện chủ Tổ đình Thiên Phước.

1.Thân thế xuất xứ:

Hòa thượng họ Phạm, húy Quảng Động, Pháp danh Quảng Động, Pháp tự Chủng Quả, Pháp hiệu Phước Thành, đời pháp thứ 45 dòng kệ Liễu Quán.

Thân phụ Ngài là Cụ ông Phạm Lộ, Pháp danh Quảng Lộ, thân mẫu là Cụ bà Phạm Thị Phi, Pháp danh Quảng Thí. Sinh ngày rằm tháng 10 năm Mậu Ngọ ((1918) tại thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Gia đình gồm có chín người con, bốn trai năm gái, Ngài thứ bảy nên bà con Phật tử trong vùng quen gọi Ngài là “Thầy Bảy” hay “ Ngài Bảy”. Em út Ngài là Phạm Thiện Huệ, Pháp danh Quảng Chư, cố Hòa thượng Trú trì chùa Ngưỡng Quan, Bá Canh, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định.

Gia đình Ngài có truyền thống đạo đức, hiếu học. Song thân là Phật tử thuần thành. Ngài bẩm tính hiền lương, chất trực, siêng năng, kham nhẫn.Từ nhỏ được chú ruột tận tình dạy dỗ. Ngài được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Đến năm 12 tuổi, Ngài thông thạo chữ Hán, Tứ thư, Ngũ kinh và nhiều kinh sách Nho giáo khác.

  1. 2.Xuất gia học đạo:

Thuở nhỏ sớm có nhân duyên thâm sâu với Phật pháp, được thân cận với nhiều bậc Cao đức, năm 12 tuổi (1930), Ngài xuất gia tại chùa Phước Hải cùng thôn xã do thiền sư Nguyên Quì, hiệu Trí Minh làm lễ qui y và thế độ.

Từ đó theo Bổn sư tu học, nhờ căn trí mẫn tiệp nên chóng thông hiểu kinh luật để rồi bảy năm sau (1937) được truyền Tam đàn thọ cụ tại Đại giới đàn chùa Tịnh Lâm, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Huyền Giác, trú trì chùa Tịnh Lâm, tổ chức và làm Đường Đầu Hòa thượng. Hòa thượng Giác Nhiên làm Yết Ma A Xà Lê, Hòa thượng Hoằng Thông làm Giáo thọ A Xà Lê. (Căn cứ tờ Hộ giới điệp cấp ngày 13 tháng 6 năm Đinh Sửu tức 20/07/1937). Lúc ấy, Ngài 19 tuổi.

Ngài siêng năng học tập, tụng kinh, lễ sám, trao dồi công đức, đặc biệt là học chữ quốc ngữ vì thời bấy giờ chữ Quốc ngữ rất cần thiết cho Ngài trong quan hệ nghiên cứu, học tập, thọ trì kinh luật luận. Ngài đi bộ hàng chục cây số, theo học chữ quốc ngữ với thầy Thanh Bình ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Năm 22 tuổi (Canh Thìn- 1940), Ngài cùng Bổn sư đến đảm nhiệm Phật sự chùa Thiên Phước (tiền thân là Phước An Thiền Tự) do Hương Chức cùng đồng bào Phật tử trong vùng yêu thỉnh, vì nhiều năm trước đây chùa không có trụ trì trở nên hoang vắng. Ngài giúp Bổn sư tu bổ rồi ở lại trông coi chùa này để Bổn sư trở về Phước Hải tự.Từ giai đoạn này trở đi, Ngài liên tục nỗ lực trông nom và tu bổ chùa Thiên Phước do Bổn sư giao phó. Nhiệm vụ nặng nề, Ngài không có điều kiện tham học tại các trường xa. Nhưng sự hiếu học, khiêm tốn đã làm động lực giúp Ngài luôn luôn học hỏi, nghiên tầm kinh luật, tự trao dồi giới đức ngày càng trang nghiêm, thanh tịnh.

Năm Ngài 50 tuổi, Ngài có duyên được Hòa Thượng Thọ Sơn (Phước Sơn) truyền dạy pháp Du già, Chẩn thí khoa nghi.

  1. 3.Thời hóa đạo (Hành đạo):

Đến năm Nhâm Thìn (1952), Bổn sư qui tịch thì Ngài chính thức làm trú trì Thiên Phước tự khi Ngài tròn 34 tuổi.

a. Về công tác Giáo Hội: Từ ấy đến nay, Ngài từng đảm nhiệm các chức vụ như sau:

- Từ năm 1947- 1948, Ngài đã tham gia Hội Phật giáo Cứu quốc quận Phù Mỹ với cương vị Chủ tịch.

- Từ năm 1956- 1963, Ngài làm tuần chúng (lãnh tuần chúng) Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định. (Căn cứ Chứng minh thư do Ngài Đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết ký cấp).

- Năm Quí Mão (1963), chưa biết Ngài có tham gia Ủy ban Bảo vệ Phật giáo tỉnh, huyện gì hay ko?

- Từ năm 1957- 1963: Ngài cùng với Hòa Thượng Thích Đổng Quang đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Phật giáo quận Phù Mỹ.

- Từ năm 1963- 1981: Ngài nhiều lần làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Phù Mỹ.

- Từ năm 1991- 1995, Ngài làm Phó trưởng ban Trị sự đặc trách Tăng sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định.

- Năm Nhâm Thân (1992), Ngài được cung thỉnh làm Cố vấn Giáo thọ trường Cơ Bản Phật học Nguyên Thiều, Bình Định.

- Năm Bính Tý (1996), sau khi Hòa Thượng Thích Kế Châu, Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định viên tịch, chư Tăng suy cử Ngài tiếp nối lãnh đạo Phật giáo tỉnh.

- Năm Đinh Sửu (1997), Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

- Từ năm 1997- 2002, Ngài làm Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ II.

- Từ năm Nhâm Ngọ (2002) đến nay, Ngài được cung thỉnh làm chứng minh Ban Trị Sự GHPG tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, Ngài còn được cung thỉnh vào các Đại giới đàn trong và ngoài tỉnh, ngoài nước:

- Năm Nhâm Thìn (1952), Tôn chứng Giới đàn chùa Thiên Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Năm Mậu Thân (1968), Đệ nhất Tôn chứng Đại giới đàn Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Kỷ Tỵ (1989), Chánh chủ đàn Đại giới đàn Nguyên Thiều, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Giáp Tuất (1994), Yết Ma A Xà Lê Đại giới đàn Phước Huệ, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Canh Thìn (2000), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Chánh Nhơn, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Quí Mùi (2003), Đường đầu Hòa thượng Đại giới Đàn A Nan Đà Giác Tánh, tại Tu viện Vạn Hạnh, thủ đô Canbera, Úc Châu.

- Năm Giáp Thân (2004), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Huệ Chiếu, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Mậu Tý (2008), Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Giác Tánh, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn.

- Năm Canh Dần (2010), Chứng minh Đại giới đàn Cam Lộ, chùa Minh Thành, Tp. Pleyku, tỉnh Gia Lai.

- Năm Quí Tỵ (2013), Chứng minh Đại giới đàn Kế Châu, Tổ đình Long Khánh, Tp. Qui Nhơn, Bình Định và Đại giới đàn Bồ Tát Quảng Đức, chùa Long Sơn, Tp. Nha Trang, Khánh Hòa.

b. Về công tác xã hội:

Trong những năm 1965- 1977, Ngài mở trường Tiểu học Tư thục Bồ Đề Pháp Vân trong khuôn viên chùa, hơn mười năm tổ chức dạy miễn phí, vừa để giúp con em học sinh trong vùng không có điều kiện đi học xa, góp phần xóa nạn mù chữ, vừa để có phương tiện tiếp Tăng độ chúng.

Suốt cuộc đời hành đạo, Ngài tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động với mục đích an sinh xã hội nên vào năm 2006, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam quyết định trao tặng Ngài Kỷ Niệm Chương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nhân đạo xã hội nhiều năm liền.


c. Về công đức trùng tu xây dựng:

- Năm Đinh Dậu (1957), Ngài trùng tu Đại Hùng Bảo Điện chùa Thiên Phước, xoay hướng về Nam phương (trước kia chùa xoay về hướng Đông), đồng thời tu bổ các bảo tích phù đồ. Cuối năm Ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành.

- Năm Mậu Tuất (1958), Ngài đúc Đại hồng chung, Báo chúng chung, Gia trì chung và các pháp khí khác. Trong năm này, Ngài còn tạc tượng, sơn son thiếp vàng kim thân Phật Tổ, chạm khắc long vị, liễn đối.

- Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài khai sơn chùa Phổ Đà Quan Âm, thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cùng năm này, Ngày trùng kiến chùa Tịnh Quang, thôn Thái An, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và đổi tên thành chùa Giác Viên như hiện nay.

- Năm Nhâm Dần (1962), Ngài xây cất nhà Hậu Tổ, nhà Đông, nhà Tây, nhà chúng và nhà trù.

- Năm Quí Dậu (1993), Ngài tái lập chùa Phổ Đà Quan Âm và đổi tên thành chùaVạn Đức.

- Năm Mậu Dần (1998), Ngài xây dựng tường thành xung quanh chùa và tôn dựng Quan Âm Các.

- Từ năm 2000 đến nay, mọi công việc tu bổ, xây dựng ngôi phạm vũ Thiên Phước đều do Hòa thượng đương kim trú trì Thích Quảng Xả đảm nhiệm.

Đệ tử xuất gia từ năm 1975 về trước có hơn 40 vị, sau năm 1975 tất cả đã hoàn tục. Hiện còn 2 vị nhập môn từ 1980 về sau này.

Phật sự nào cần, Ngài đều có mặt, không ngại gian nan, không từ khó nhọc. Đức độ của Ngài vang xa, ai nghe đến cũng đều kính ngưỡng.

Thật đúng là:

Hương các loài hoa thơm

Không thể bay ngược gió

Hương của người đức hạnh

Ngược gió bay muôn phương.

Những tháng ngày cuối cùng.

Phật sự Tổ đình Thiên Phước xây cất còn đang dang dở, Hoà thượng đã thuận thế vô thường, xả báo an tường, tịnh nhiên thị tịch trong sự hộ niệm của tứ chúng đệ tử và Tăng Ni vào lúc 05 giờ ngày 18 tháng 01 năm 2014 (nhằm ngày 18 tháng chạp năm Quý Tỵ) tại Tổ đình Thiên Phước, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Trụ thế 101 năm, 72 năm Hạ lạp.

Môn Đồ Pháp Quyến


ht_thich_phuoc_thann


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG thượng PHƯỚC hạ THÀNH

Húy QUẢNG ĐỘNG hiệu CHỦNG QUẢ

Ngày 19 tháng 01 năm 2014 (ngày 19/12/Quý Tỵ)

07h00: Cung an chức sự đạo tràng

08h00: Niêm hương Cáo Tổ - bạch Phật

08h30: Lễ nhập kim quan

10h00: Lễ thọ tang

11h00: Lễ phúng điếu và luân phiên tụng niệm

17h00: Dược thực

19h30: Lễ sơ dạ

20h30: Luân phiên tụng niệm

Ngày 20 tháng 01 năm 2014 (ngày 20/12/Quý Tỵ)

04h00: Công phu khuya

06h00: Tiểu thực

07h30: Lễ tiến trà

08h30: Lễ phúng điếu và luân phiên tụng niệm

10h00: Cúng ngọ và cung tiến Giác linh

13h30: Lễ phúng điếu và luân phiên tụng niệm

17h00: Dược thực

19h30: Luân phiên tụng niệm

Ngày 21 tháng 01 năm 2014 (ngày 21/12/Quý Tỵ)

04h00: Công phu khuya

06h00: Tiểu thực

07h30: Lễ tiến trà

08h30: Phúng điếu & luân phiên tụng niệm

10h00:Cúng ngọ & cung tiến giác linh

13h30: Lễ Phúng điếu & luân phiên tụng niệm

17h00: Dược thực

19h30: Luân phiên tụng niệm

Ngày 22 tháng 01 năm 2014 (ngày 22/12/Quý Tỵ)

04h00: Công phu khuya

06h00: Tiểu thực

07h30: Lễ tiến trà

08h30: Lễ phúng điếu & luân phiên tụng niệm

10h00: Cúng ngọ & cung tiến Giác linh

13h30: Lễ Phúng điếu & luân phiên tụng niệm

17h00: Dược thực

19h30: Lễ phụng Linh mô yết Phật & yết Tổ

20h30: Lễ thắp nến truy niệm Ân sư

Ngày 23 tháng 01 năm 2014 (ngày 23/12/Quý Tỵ)

04h00: Công phu khuya

06h00: Tiểu thực

08h00: Lễ tưởng niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng tân viên tịch (có chương trình riêng)

09h00: Lễ phụng tống Kim quan nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ Đình Thiên Phước.

10h30: Lễ thượng chân dung tại Tổ Đường Tổ Đình Thiên Phước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định




A_Di_Da_Phat_8

letterhead-giaohoiucchau



Số 41-4/HĐĐH/TKTN PHẬT LỊCH 2557, Úc Châu ngày 22 tháng 01 năm 2014

THÀNH KÍNH TƯỞNG NGUYỆN

Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão Hòa Thượng, Chư Hòa Thượng Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý Đệ tử, Môn đồ, Pháp quyến.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan vừa nhận Cáo Phó biết được Trưởng lão Hòa Thượng thượng Phước hạ Thành, pháp danh Quảng Động, pháp tự Chủng Quả, họ Phạm húy Quảng Động, sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại Thôn Đức Phổ, Xã Cát Minh, Quận Phù Cát, Tỉnh Bình Định, đã an nhiên thâu thần thị tịch lúc 5 giờ sáng ngày 18 tháng Chạp năm Quý Tỵ, nhằm Thứ Bảy 18-01-2014 tại Tổ Đình Thiên Phước, Xã Mỹ Hiệp, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định, Việt Nam. 72 Hạ Lạp. 101 thế tuế. Lễ Nhập Kim Quan, Kính bái Tưởng nguyện và Lễ Cung tống nhập Bảo Tháp được trang trọng tổ chức tại Tổ Đình Thiên Phước.

Đức Trưởng lão Hòa Thượng thượng Phước hạ Thành, cả một cuộc đời hơn thế kỷ trụ thế, đạo cao đức trọng, Phật lý thượng thừa, thế trí uyên thâm, bổn tâm bản nguyện từ hòa độ lượng, dung nhiếp 2 giới Phật gia Thế gia. Ngài quả thật là một bậc Thiền môn Thạch trụ. Ngài quả thật là một bậc Thượng đức Phật môn. Công đức của Ngài không thể nghĩ bàn. Cuộc đời của Ngài ngôn từ khó lượng.

Là Trưởng Tử Như Lai, mặc áo sắc không thị nhập Ta Bà, hành trạng và cuộc đời như nhạn quá trường không, sinh tử như quán trọ vô thường để đăng trình bản hoài hạnh nguyện. Tuy nhiên, Đức Trưởng lão Hòa Thượng quy ẩn thường lạc ngã tịnh là sự mất mát lớn lao đối với Phật Giáo tỉnh nhà, nhất là Đệ tử, Môn đồ, Pháp quyến không những riêng tỉnh Bình Định, các tỉnh Miền Trung, mà còn lưu lại niềm kính thương lan tỏa 3 Miền và khắp phương trời Hải ngoại.

Để góp phần tri tán công đức, Phật Giáo Úc Châu xin cơ cảm chia sẻ cùng Chư Tôn Thiền Đức, phân ưu với Đệ tử Môn đồ tại quê nhà và Chư Pháp quyến đang hành đạo cùng Giáo Hội tại Úc Châu. Khuyến thỉnh các Tự Viện trong Giáo Hội tùy nghi thiết lễ tưởng nguyện.

Nhất tâm cầu nguyện Giác Linh Cố Hòa Thượng cao đăng Phật quốc, sớm hồi nhập Ta Bà, xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh.

NAMMÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Đồng thành kính tưởng nguyện,

- Chư Tôn Đức Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương

- Chư Tôn Đức Hội Đồng Điều Hành

- Chư Tăng Ni và Thành viên Tự Viện trong Giáo Hội.

A_Di_Da_Phat_4
letterheadqd

Điện Thư Phân Ưu
của Tu Viện Quảng Đức

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Thành Kính Phân Ưu

Kính gởi: HT Thích Nguyên Phước

cùng Môn Nhơn Pháp Quyến tại Tổ Đình Thiên Phước, Bình Định


Tu Viện Quảng Đức vừa nhận được tin viên tịch:

TRƯỞNG LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH PHƯỚC THÀNH

- Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
- Viện chủ Tổ Đình Thiên Phước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

vừa viên tịch lúc 05g00 sáng ngày 18.01.2014 nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Quý Tỵ.

Trụ thế : 101 năm
Hạ lạp : 72 năm

Từ Úc Quốc xa xôi, thay mặt toàn thể Tăng Tín đồ Phật Tử Tu Viện Quảng Đức, một nơi mà chính Trưởng Lão HT Thích Phước Thành đã về chứng minh lễ Khánh Thành năm 2003, Chúng con thành kính ngưỡng vọng về Thiên Phước Tổ Đình, Quy Nhơn, Bình Định, nhất tâm đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng, Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao Đăng Phật Quốc, thượng phẩm thượng sanh, hồi nhập ta bà, phân thân hóa độ, lợi lạc quần sanh.
Kính nguyện Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.
Thành kính chia buồn đến HT Thích Nguyên Phước
cùng chư Tôn Đức & Môn Đồ Pháp Quyến trước sự mất mát lớn lao này.

Nay Thành kính Phân Ưu

Tỳ Kheo Thích Tâm Phương
Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức
Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Phó Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức
Nguyên Lượng Nguyễn Văn Độ
Steve Lowe Nguyên Thiện Bảo
Ban Trị Sự & Hộ Trì Tam Bảo Tu Viện Quảng Đức
Nguyên Dũng Phạm Thanh Hùng
Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Quảng Đức
Quảng Tịnh Nguyễn Kim Phương
Ban Quảng Đức Đạo Ca

ht_thich_phuoc_thann

TÂM HƯƠNG CUNG TIỄN ÂN SƯ

Thành kính đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư Thíchthượng Phước ­­hạ Thành!

Hôm nay vọng hướng quê hương

Tắm mình suối mát tình thương dạt dào

Người ra đi thật rồi sao?

Trăm năm có lẻ xiết bao ân tình.

Nay nhân dịp cuối năm, nhiều Phật tử đến chào tạm biệt con để về thăm quê hương, trong Chùa cũng đang sắp đặt trang trí đón Xuân, lòng con như người lữ thứ hướng về Tết cổ truyền, cội nguồn, ngày đoàn viên với những người thân thương nhất. Chính trong thời điểm này con lại hay tin Hòa Thượng đã xả báo thân trở về cõi Phật. Tại thế hơn 100 năm quả là một kỳ tích thị hiện dài lâu vì lòng thương tưởng cho đời, Đức Phật nhập niết bàn ở tuổi 80, vẫn biết cuộc thế dâu bể vô thường, có sanh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, cho nên, nay cũng đến lúc Hòa Thượng nên thuận thế vô thường tùy duyên buông xả, Thế nhưng Hòa Thượng ra đi trong lúc con đang dự tính về hầu thăm một lần nữa, trong lúc mọi người đang vui Xuân sum họp thì tránh sao khỏi những nỗi thương cảm bùi ngùi, thồn thức, bàng hoàng,…

Hòa Thượng với con có những nhân duyên đặc biệt vì Hòa Thượng là bậc Tôn Túc hàng đầu xuất thân từ Phù Cát quê con, thậm chí Hòa Thượng lại thuộc dòng họ Phạm cùng Xã Cát Minh với gia đình con nữa. Con vẫn thường gặp được Hòa Thượng trong mỗi lần cúng giỗ Tổ tại Chùa Phước Hải. Khi con xuất gia tu học, làm thị giả của Sư Phụ con, Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thíchthượng Đồng ­­hạ Thiện, mỗi lần đến chứng minh Lễ Hội tại Trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều (TCPHNT) Bình Định và các chuyến Phật sự gần An Nhơn, Tuy Phước, Hòa Thượng thường đến am thất của Sư Phụ con thăm viếng và đàm đạo, con dâng trà cho hai Ngài và lắng nghe học hỏi những câu chuyện ý vị. Nhất là kể từ khi con đi học xa, đến Saigon rồi Ấn Độ, Hoa Kỳ mỗi lần về chùa xưa dịp Tết, có vài lần con tháp tùng chuyến xe của Trường TCPHNT để viếng thăm chư Tôn Túc Tỉnh nhà, con thường làm “thổ địa” để nhắc nhở tài xế rẽ phải sau khi qua chợ và đến dốc để vào Chùa Thiên Phước đảnh lễ Ngài. Nếu lái xe đi riêng, con cũng thường khởi hành sáng mồng một Tết đầu năm bằng việc đến thăm Ngài. Lý do cho sự ưu tiên chọn lựa này là thật dễ hiểu : thuận tuyến đường đến kính viếng Ngài, rồi thăm Chùa Linh Ẩn, Phước Hải, thăm gia đình, Chùa Phước Long, rồi thăm các Chùa từ Phù Cát đến Đập Đá, An Nhơn, Tuy Phước trong chuyến về Nguyên Thiều. Hơn nữa, Ngài có uy đức thật lớn lao : hiền từ, phúc hậu, từ bi, bình dân, gần gũi, quan tâm đến đàn hậu học và Ngài thường tặng món “quà Xuân”,đó là vật kỷ niệm, dấu hiệu tốt đẹp mở đầu cho năm và kinh phí mang theo hành trình xa tu học. Con từng nghe những câu chuyện như “huyền thoại”thời xưa “Việt Minh kháng chiến”,Ngài canh tác trồng củ mì và tấm lòng quảng đại, từ bi bảo bọc, che chở, nuôi nấng cho dân tản cư đến Chùa Thiên Phước trú tạm tản cư. Tình yêu thương vô bờ bến của Ngài trải rộng đến mọi đối tượng có duyên với Người.

Ngài không nói nhiều, không quá nhanh nhẹn, linh hoạt nhưng được diện kiến Ngài là phước đức rất lớn. Con có cảm giác như thăm lại người cha hiền với giọng nói chậm rãi thâm trầm, nụ cười đôn hậu, đôi mắt nồng ấm yêu thương, gần gũi,…tất cả thấm nhuần Thiền vị, đúc kết từ năng lực dồi dào của một bậc Cao TăngThạc Đức suốt đời tinh cần tu tập,tận tuỵ dấn thân phụng sự cho Đạo Pháp, Dân Tộc và Chúng Sanh. Chúng ta như tắm trong dòng suối mát mẻ, bình an, thư thản, dễ chịu và không muốn rời xa Người. Lời khuyến tấn của Người, tuy đơn sơ nhưng lại thật thâm thúy và ấn tượng, canh cánh, vang vọng mãi trong lòng con : “Con à, con có duyên xuất gia tại Tu Viện Nguyên Thiều, rồi đi học đây đó, Phù Cát mình có được một người như con thật quý hóa quá! Thầy tin là con tiến xa hơn thế hệ của Thầy. Hãy cố gắng tu học bồi dưỡng để sau này kế tục Đạo nghiệp quý Thầy mà lo việc hoằng Pháp độ sanh nghen con!”. Cho đến bây giờ, giọng nói ấy, cử chỉ ân cần ấy, hình bóng thân thương ấy hiển hiện rõ mồn một trước mặt con.

Không phải riêng con do có những duyên gần gũi và nhận được tình thương chăm chút của Người mới cảm phục mà toàn thể Tăng Ni Phật Tử Bình Định đều kính quý Người. Hành trạng tu học và hành Đạo của Ngài thật khó ai sánh kịp : xuất gia lúc vừa 12 tuổi, thọ giới Cụ Túc lúc 19 tuổi, thời Ngài còn trẻ, nhà giàu lắm mới có xe đạp, cho nên mỗi ngày Ngài đi bộ hàng chục cây số đến Thầy Thanh Bình, An Lương, Mỹ Chánh để học Đạo và học chữ quốc ngữ, vừa 22 tuổi Ngài đã được giao phó đảm đang Phật sự tại Chùa Thiên Phước Phù Mỹ, vốn lúc ấy còn hoang sơ. Giáo Pháp dồi mài ngày càng tinh thông, giới đức trọn đời cẩn cẩn mô phạm trang nghiêm. Là một bậc Tôn Đức, để đáp ứng nhu cầu ứng phó đàn tràng, lúc 50 tuổi, Ngài vẫn tầm cầu, thọ học Pháp Du Già, Chẩn Thí Khoa Nghi với Hòa Thượng Thọ Sơn (Phước Sơn). Chỉ mới 38 tuổi thôi (1956), Ngài đã được Ngài Đệ Nhất Tăng thống Thích Tịnh Khiết ký cấp Chứng minh thư cho Ngài làm tuần chúng (lãnh tuần chúng) Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Định, vậy đủ biết uy đức của Ngài ảnh hưởng như thế nào. Thế rồi, kể từ đó đến khi viên tịch, Ngài là Tòng Lâm Thạch Trụ của Chi Hội Phật Giáo huyện Phù Mỹ và Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Định trải qua nhiều nhiệm kỳ với nhiều cương vị khác nhau, trong đó có cương vị Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định, là Chánh chủ đàn, Đường đầu Hòa thượng qua nhiều giới đàn tổ chức tại Quy Nhơn, Gia Lai, Nha Trang, Canbera (Úc Châu).

Y Báo được trang nghiêm tương thích với tâm nguyện và công đức của Chánh Báo. Nương nơi uy đức của Ngài mà các ngôi chùa : Thiên Phước, Phước Hải, Giác Viên, Vạn Đức trải qua nhiều công cuộc xây dựng trùng tu từ thô sơ, hư nát trở thành Thiền môn Phạm Vũ huy hoàng trang nghiêm để tiếp Tăng độ chúng vân tập tu học. Ngài quang lâm chứng minh cầu nguyện cho các Lễ Trùng Tu, Lạc Thành, Giỗ Tổ, sinh hoạt Lễ Hội,..hầu hết các Tự Viện trong tỉnh để trùng chấn Thiền môn, hưng long Tam Bảo, không khí sinh hoạt Phật Giáo sống động, nở rộ, nhuận sắc khắp nơi nơi.


Hạnh nguyện của Ngài vời vợi thậm thâm, suốt đời với sứ mệnh hoằng pháp độ sanh, không phút giây ngừng nghỉ, xen hở, xao lãng, không mệt mỏi, cho đến những năm tháng cuối đời cho dù tuổi cao sức yếu suy hao nhưng Ngài vẫn không từ nan, quản ngại chấn tích quang lâm chứng minh tham dự các Phật sự Lễ Hội Phật Giáo khắp nơi trong Tỉnh nhà. Mỗi lần diện kiến Người là ấn tượng mãi không phai, mỗi lời nói là bài học sâu xa, mỗi cử chỉ biểu lộ từ tâm vô hạn. Ngài luôn khiêm cung, hòa nhã, bình đẳng thương yêu quan tâm đến khắp mọi người, chưa bao giờ trong cuộc đời, chúng ta bắt gặp Ngài “nổi sân” hay nói lời nặng nề với ai. Ngài rất mộc mạc đơn sơ gần gũi nhưng cũng thật là cao cả, kỳ vĩ,tuyệt vời, sừng sững. Hành trạng của Ngài quả là :

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Thiền Sư Hương Hải

Dịch:

Nhạn bay qua vút tầng không,

Bóng chìm đáy nước lạnh lùng trôi đi.

Nhạn không để bóng làm gì,

Nước không giữ lại làm chi bóng hình.

Công hạnh ấy bút mực ngôn ngữ nào có thể mô tả cho hết được. Điểm xuyết về những nét son như trên chỉ là vài nét khái niệm để kính tưởng người xưa một thời vang bóng mà thôi. Người chưa gặp được Ngài có thể cho đây là những lời ca tụng đề cao quá đáng, thế nhưng với những ai có duyên diện kiến Ngài sẽ cảm thông trọn vẹn và giờ này không biết nói gì,viết gì có thể biểu đạt trọn vẹn hình ảnh cao quý và ân tình vời vợi với Người.

Những năm gần đây, chư Tôn Đức Bình Định mà con có duyên hầu cận thọ giáo ra đi khá nhiều : ĐLHT Thích Huyền Quang, HT Kế Châu, HT Đổng Minh, TT. Thích Đồng Hạnh, HT Bảo An, HT Đổng Quán, HT Thiện Nhơn, HT Tịnh Nhãn, HT Sơn Long, …giờ đến lượt Hòa Thượng ra đi khiến cho hàng Cao Tăng Thạc Đức thêm phần thưa thớt, vắng bóng. Chúng con đồng hương Bình Định mỗi lần gặp nhau ôn nhắc về Chư Tôn Đức, mới vừa nhắc nhở đến Ngài là bậc niên cao lạp trưởng, đại thọ Bồ Đề tầm vóc nhất của Phật Giáo tỉnh nhà, con cũng đang sắp xếp về thăm quê và đến kính viếng Ngài thêm lần nữa. Nhưng than ôi! Vậy là đã trễ rồi, con không còn cơ hội để diện kiến từ dung của Người nữa rồi, ngày về con chỉ có thể thắp nén hương nơi Bảo Tháp và Tổ Đường Chùa Thiên Phước mà thôi.

Con ghi sâu trong tâm khảm về duyên hội ngộ kỳ diệu quý giá với những bậc Cao Tăng như Ngài, cho dù chỉ với vài lần trong cuộc đời thôi vẫn có sức chuyển hóa nhiệm mầu, ấn tượng lớn lao không thể phai mờ là một nguồn động lực vô biên cho con trên khắp mọi nẻo đường trong hành trình “Đường xưa Mây trắng” theo dấu Như Lai, hướng về bảo sở. Giờ này đây, tứ chúng nơi quê xưa đang bàng hoàng rơi lệ, sụt sùi tiễn đưa Người, Chùa Thiên Phước vắng bóng Hòa Thượng Viện Chủ dày công bồi đắp, Tỉnh Hội Phật Giáo không còn một bậc Tôn Đức chứng minh, Chư Tăng mất đi một bậc Thầy quý kính, hàng Phật tử mất đi một chỗ dựa nương vững chắc, những người khốn khổ mất đi một Bồ Tát kề cận sẻ chia,… đây quả là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được cho Tỉnh Bỉnh Định nói chung. Rồi đây, từng chòm cây, kẽ đá Tồ Đình Thiên Phước mãi sột soạt, xì xào kể lể ca tụng công đức Người, đạo tràng nơi nơi vẫn còn lưu mãi dấu tích quang lâm ứng hiện của Người, hình ảnh của Người vẫn mãi bàng bạc khắc ghi trong dòng tâm thức mọi người trải qua nhiều thế hệ.

Giờ này con không thể về để thọ tang, phủ phục trước Kim quan, tiễn đưa Người về xứ Phật, vô tung bất diệt. Từ phương xa, con vọng hướng về Thiên Phước đường thượng để đảnh lễ bái biệt Tôn Sư. Rồi đây con không còn cơ hội để gặp Ngài với vóc dáng hình hài như xưa nữa, nhưng hình bóng thân thương ấy, lời khuyên nhủ ân tình ấy, món quà thiêng liêng ấy, tất cả đã thấm sâu vào tâm khảm, mạch sống của đời con, là chất liệu hành trang con đi suốt chặng trình kiếp nhân sinh, hướng đến Chân Thiện Mỹ, làm tốt Đạo đẹp Đời. Cầu nguyện Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc, niết bàn tịch tĩnh, lồng lộng Pháp thân, hồi nhập Ta Bà hoá độ nhất thiết chúng sanh. Ngưỡng nguyện Giác Linh Hòa Thượng chứng giám và luôn gia bị cho con.

Người đã đến từ miền quê gốc rạ

Như phù sa vun mạch sống cho đời

Chân dung đẹp - một Như Lai Sứ Giả

Mang tình thương ban rải khắp nơi nơi

Cảm ơn Người trong nhân duyên tri ngộ

Tiếp cho con thêm nghị lực đường trường
Đưa sanh chúng vượt sông mê bể khổ

Một thuyền từ tách bến hướng Tây Phương.

NAM MÔ TỪ LÂM TỪ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, THIÊN PHƯỚC ĐƯỜNG THƯỢNG, NGUYÊN TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH BÌNH ĐỊNH, VIỆN CHỦ TỔ ĐÌNH THIÊN PHƯỚC, HÚY THƯỢNG QUẢNG HẠ ĐỘNG, TỰ CHỦNG QUẢ, HIỆU PHƯỚC THÀNH, TÂN VIÊN TỊCH TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG ÂN SƯ GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Hướng về Quê Hương Xuân Giáp Dần

Khể Thủ

Con, Thích Minh Tuệ

(Thích Đồng Trí)

hoasen-quangduc_tg
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 4571)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 4514)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 4447)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 10378)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
18/03/2013(Xem: 5187)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 6003)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 6553)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 7851)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 9047)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
07/02/2013(Xem: 14535)
Nửa thế kỷ Tôn Sư vắng bóng, Ánh Đạo Vàng tỏa rộng muôn phương Hôm nay tổ chức huy hoàn Hằng năm kỷ niệm, đàn tràng tôn nghiêm. Môn đồ Tứ chúng ngưỡng chiêm,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567