Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoà thượng Thiện Siêu

18/08/201308:41(Xem: 6495)
Hoà thượng Thiện Siêu

Hoà thượng Thiện Siêu

"người không chấp trước những thị phi thế trị"

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

ht-thien-sieu_4

Di ảnh cố HT Thiện Siêu tháng 8-2001

Hồi nhỏ ba tôi đưa tôi lên qui y với Hoà thượng Đôn Hậu tại chùa Thiên Mụ (1956), nhưng sau lớn lên học Đại học, vào Đoàn Sinh viên Phật tử (1963), tôi lại tham gia "tranh đấu Phật giáo" tại chùa Từ Đàm (1963-1966). Hoà thượng Thích Thiện Siêu là một trong những vị lãnh đạo của tôi lúc ấy.

Trong đoàn Sinh viên Phật tử, tôi thuộc vào loại actif (thích động) như các bạn Tôn Thất Kỳ, Nguyễn Văn, Nguyễn Thiết, Lê Minh Trường . . . ít khi chịu gò mình vào cái chủ trương bất bạo động của Phật giáo. Chúng tôi hay bày trò khiêu khích công an cảnh sát, tổ chức biểu tình, tuyệt thực tranh đấu khi chưa được lịnh của quý thầy. Vì thế tôi hay bị thầy Thiện Siêu quở trách. Biết mình có lỗi nên mỗi lần bị thầy kêu lên là tôi vái ngay và xin nhận lỗi, hứa từ ấy về sau sẽ không dám hành động "trật đường rầy" (cụm từ HT Thiện Siêu hay dùng) nữa. Khi hứa, tôi hứa rất thành thực, nhưng sau đó chứng nào lại tật ấy, tôi tái phạm đều đều. Thấy thấy tôi ít "phục thiện" nên thấy không thèm quở trách nữa mà đổi qua biện pháp "giận". Hoà thượng vốn bản tánh rất hiền, nên thấy thầy giận tôi rất sợ và tìm cách lẩn tránh thầy. Đầu tháng tư năm 1966, do yêu cầu "chi viện cho Đà Nẵng" sinh viên Huế lập ra đoàn Sinh viên Quyết tử và "bầu" tôi làm Đoàn trưởng lo tổ chức cho sinh viên đi học quân sự để đánh nhau với quân đội Thiệu Kỳ. Tin ấy lên đến chùa Từ Đàm, quý thầy lãnh đạo phong trào gọi tôi lên. Linh tính báo cho tôi biết lên chùa Từ Đàm lúc ấy là mệt lắm nên tôi lần lữa khất chưa dám lên. Các thầy lại gọi, cuối cùng tôi tìm được một giải pháp là tìm cách trình diện với thầy Thiện Siêu trước. Dù sao thầy cũng không nỡ kỷ luật tôi một cách nặng nề. Và quả như thế.

Thấy tôi dẫn xác đến, thầy nén cơn giận hỏi ngay:

- Anh là Đoàn phó đoàn Sinh viên Phật tử, Phật tử là bất bạo động, tại sao lại đi tổ chức Sinh viên quyết tử gây bạo động ?

Câu hỏi như một trái núi đổ xuống trước mặt tôi, biết không thể vượt qua nên tôi tìm cách chạy quanh:

- Bạch thầy, con biết như rứa là sai, do anh em sinh viên họ bầu nên con không nỡ từ chối. Nhưng tụi con mà chiến đấu chi được, đi học quân sự để tự vệ thôi. Kính mong quý thầy xá tội !

Thầy bảo tôi rất nhỏ nhẹ nhưng nội dung thật cứng rắn giống như một quyết định:

- Anh là sinh viên anh muốn tranh đấu theo kiểu gì tùy anh, nhưng Phật tử thì phải theo Phật, phải bất bạo động. Anh muốn theo sinh viên thì phải từ chức Đoàn phó sinh viên Phật tử và ra khỏi đoàn Sinh viên Phật tử ngay !

Là một phật tử, dù sao tôi cũng phải thực hiện cái nguyên tắc tối thiểu là "qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng" cho nên tôi không thể làm trái ý thầy Thiện Siêu- người đại diện cho quí vị Thiền sư lãnh đạo Phong trào tranh đấu năm ấy. Tôi chắp tay hứa với thầy sẽ thực hiện theo quyết định của quý thầy. Nhưng may sao, nhiều sinh viên Phật tử tham gia đoàn Sinh viên quyết tử không ai đồng ý việc tôi ra khỏi đoàn Sinh viên quyết tử cả. Tiếp đến nhiều sự kiện tranh đấu ác liệt diễn ra liên tục, Thiệu Kỳ với sự ủng hộ của chính phủ Mỹ Johnson ngày một ngày hai đe dọa "làm cỏ phong trào miền Trung". Không những đoàn Sinh viên Quyết tử không giải tán mà nhiều giới khác như công chức Phật tử, Giáo chức Phật tử, Hoc sinh Phật tử, Nữ sinh Đồng Khánh cũng đoàn ngũ hoá để tự vệ. Ngay cả gia đình Phật tử thuần túy Phật giáo cũng phải tổ chức thành các đội "Bách nhân" (Bách nhân đội) để học quân sự đối phó với sự đe dọa của quân đội Thiệu Kỳ. Tôi thoát được việc thi hành quyết định giải tán đoàn Sinh viên quyết tử của thầy Thiện Siêu. Nhưng không lâu sau đó, Thiệu Kỳ và chính quyền Thừa Thiên Huế (đứng đầu là tỉnh trưởng Phan Văn Khoa) làm áp lực với Phật giáo đòi để họ vào các chùa bắt ba người là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân. Thầy Thiện Siêu cùng các thầy lãnh đạo ở chùa Từ Đàm phản đối quyết liệt yêu sách của chính quyền Thiệu Kỳ. Thầy Thiện Siêu hỏi tỉnh trưởng Phan Văn Khoa:" Anh là Phật tử, các cậu ấy cũng là Phật tử tại sao anh lại đòi bắt họ ?" Bị hỏi bất ngờ, Phan Văn Khoa đành ngậm miệng rút lui.

Biết không thể có mặt ở Huế thêm nữa, hai anh em Hoàng Phủ liên lạc được với Thành ủy rồi thoát ly. Còn tôi thì phải ẩn mình trong chùa Diệu Đế để tiếp tục công việc trong đài phát thanh Cứu nguy Phật giáo đặt ngay trong chùa. Sau đó được tin Thiệu Kỳ sẽ truy bắt tôi, các thầy bảo tôi phải rời chùa Diệu Đế ngay để tránh khỏi bị bắt như hồi tháng 8.1963 nữa. Tôi mượn áo cà-sa mặc vào, giả làm một ni-cô và được hai sinh viên Quyết tử (cũng là sinh viên Phật tử) là Phạm Văn Rơ và Cao Hữu Điền (*) "hộ tống" lên chùa Từ Đàm. Lên chùa được hai hôm, thầy Thiện Siêu gởi tôi vào ẩn ở chùa Kim Tiên của thầy Chánh Trực. Ở Kim Tiên được một tuần, tôi lại chuyển qua ở chùa Tường Vân. Để có thể thoát được sự theo dõi của bọn tình báo, tôi được thầy Chơn Tế cạo đầu cho giả làm một nhà sư của chùa. Nhưng rồi ở Tường Vân cũng không yên, nhiều lần tôi bị lính Nùng của Thiệu Kỳ vây bắt. Nếu không có sự che chở của các thầy chùa Tường Vân thì tôi đã nát thây với lính Thiệu Kỳ từ cuối tháng 6. 1966 rồi. Không ngờ chùa Tường Vân năm trong "địa bàn lõm" của Thành ủy Huế. Tất cả những căng thẳng đe dọa diễn ra hằng ngày đối với tôi ở chùa Tường Vân, Thành ủy Huế đều biết. Đến đầu tháng 7.1966, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Thành uỷ Huế trên chiến khu gởi thư rủ tôi ra bưng nghỉ một thời gian chờ tình hình đàn áp của Thiệu Kỳ lắng xuống rồi sẽ trở lại Huế. Sống với các thầy nhiều năm, ranh giới giữa Phật giáo và Mặt trận giài phóng trong tôi rất mờ nhạt cho nên khi nhận được thư anh Tường từ chiến khu gởi vào tôi thấy không có gì bất ngờ cả. Hơn nữa, trước đó không lâu (5.1966), hai ông bạn tôi là N.N.L. và Trịnh Công Sơn đã trao đổi với tôi về lối thoát cho các cuộc tranh đấu lúc đó là "Con đường của Mặt trận giải phóng". Cho nên cái thư của anh Tường trở thành lối thoát của tôi. Mấy hôm sau tôi ra đi trong bộ áo cà-sa của một nhà sư (10.7.1966). Không chỉ "một thời gian ngắn" như anh Tường viết mà rong ruỗi xuôi ngược Trường Sơn đến chín năm (1966-1975).

Lên rừng tôi có nhiều dịp kể lại vai trò của Hoà thượng Thiện Siêu trong các Phong trào tranh đấu ở đô thị. Các vị lãnh đạo Thành ủy (đứng đầu là ông Lê Tư Minh) bảo tôi :"Sẽ mời Hoà thượng Thích Thiện Siêu tham gia Mặt trận Liên Minh của Thành phố Huế". Sau mùa Xuân 1968, tôi được biết người được cử đi mời Hoà thượng Thiên Siêu không hoàn thành nhiệm vụ. Người thay vào vị trí dự kiến của Hoà thượng Thiện Siêu là Hoà thượng Thích Đôn Hậu - bổn sư của tôi.

Từ sau năm 1975, vì công tác tôi không có nhiều dịp được hầu chuyện Hoà thượng Thiện Siêu. Nhưng những lần gặp Hoà thượng ít ỏi đó cũng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Những kỷ niệm nầy đã sống dậy trong tôi suốt thời gian Hoà thượng nằm chữa bệnh rồi viên tịch cách đây (12.2001) vài tháng.

Vào năm một ngàn chín trăm tám mấy tôi không nhớ, vô tình tôi được xem một cuộc trưng bày về văn hóa Phật giáo Thừa Thiên Huế ở Nhà giảng chùa Từ Đàm. Vốn là một Phật tử nhưng tôi không ngờ các chùa Huế còn giữ được những hiện vật văn hóa Thuận Hoá Phú Xuân phong phú, quí hiếm đến như thế. Ví dụ như chiếc chuông đồng đúc thời Cảnh Hưng, bản Kinh Kim Cương thêu trên gấm đời Cảnh Thịnh.. . . Bên cạnh những cổ vật còn có những chậu cảnh cổ thụ hàng trăm năm, những Bonsai hết sức mỹ thuật. Cuộc trưng bày gợi cho tôi viết được một bài báo ngắn đăng trên Người Du Lich Thành phố Hồ Chí Minh với nhan đề " Chùa Huế - nơi gìn giữ những báu vật quốc gia". Sau đó tôi xin gặp Hoà thượng Thiên Siêu đề nghị Phật giáo nên xin phép Nhà nước thành lập một Bảo tàng văn hóa Phật giáo tại Huế để cho khách du lịch trong và ngoài nước thưởng lãm. Hoà thượng Thiện Siêu bảo tôi với tất cả sự dè dặt của một vị lãnh đạo tinh thần đã trải qua biết bao thăng trầm sóng gió:

- Xin nhà nước cũng được thôi. Phật giáo không cầm quyền, không có thế lực gì trong việc truyền bá đạo Phật cả. Nếu có cơ hội dùng văn hóa để hoằng dương đạo pháp thì không có chi tốt cho bằng. Nhưng ai làm, lấy tiền đâu mà làm, làm rồi ai coi ngó ? Bây giờ thầy cúng thì nhiều chứ tìm thầy coi sóc nhà Bảo tàng văn hóa đâu phải chuyện dễ. Chưa có con người thì chưa tính được chi cả.

Tôi rất thấm thía lời chỉ dạy của Hoà thượng. Chuyện thiếu người có đạo đức có chuyên môn để làm việc đâu phải chỉ riêng của Phật giáo ! Người làm việc thì hiếm nhưng người chưỡi bới vu khống nhau thì tràn đầy. Tôi được đọc nhiều bài báo, nhiều buổi phát thanh của đài ngoại quốc vu khống Hoà thượng là "sư quốc doanh", tay sai của chính quyền xã hội chủ nghĩa. Tôi phản ảnh chuyện ấy lại với Hoà thượng. Hoà thượng cười :" Họ nói tôi là sư quốc doanh còn may. Anh không biết có người đã gởi thư đe dọa tôi, thậm chí gởi kèm theo cả vài viên đạn nữa. Thế tục người ta có thể làm như thế, còn một người xuất gia như tôi thì . . .chẳng có gì quan trọng cả".

Đến đầu năm 1990, sau khi chia lại ranh giới hành chính ba tỉnh Bình Tri Thiên, báo chí dư luận quan tâm đến Trung tâm văn hóa du lịch Huế. Tôi nghĩ văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng của Trung tâm văn hóa du lịch Huế, với tư cách là Phóng viên tạp chí Sông Hương (bút danh chung cho mục nầy là Người Sông Hương), tôi thực hiện một cuộc gặp gỡ Hoà thượng Thiện Siêu nói về vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch Huế. Hoà thượng đã nhiệt tình trả lời những câu hỏi của tôi rất thẳng thắn. Hoà thượng không ngại phê phán những hiện tượng tiêu cực của thanh niên Huế hồi ấy. Tôi rất thú vị những câu trả lời thẳng thắn của Hoà thượng. Tôi muốn qua cuộc gặp gỡ nầy trả lời cho dư luận thấy sự đứng đắn của Hoà thượng Thiện Siêu. Bài được đăng vào số tháng 5/1990. Không ngờ tình hình chính trị lúc bấy giờ có nhiều phức tạp, một số người có trách nhiệm không hiểu hết chủ trương của Ban biên tập tạp chí Sông Hương và không hiểu con người đích thực của Hoà thượng Thiện Siêu nên đã ngăn chặn việc phát hành số tạp chí trên. Điều đó làm cho tôi hết sức đau khổ. Tôi khổ tâm nhất là đã làm rầy rà đến Hoà thượng. Dù Hoà thượng không gọi tôi lên như hồi năm 1966, nhưng tôi vẫn dẫn xác lên và trăm lạy thầy mong thầy thông cảm cho việc số tạp chí có đăng bài trả lời bài phỏng vấn của Hoà thượng không phát hành được. Tôi không ngờ Hoà thượng xem việc đó là chuyện bình thường. Hoà thượng bảo tôi:

- Anh hỏi thì tôi nói. Còn đăng hay không, phát hành được hay không là việc của các anh. Tôi chỉ sợ vì những câu trả lời của tôi gây khó khăn cho anh thôi. Còn đối với nhà chùa thì . . A-di-đà Phật !

Tôi có bị khó khăn thật, bị đưa ra khỏi tạp chí Sông Hương nhưng tôi cam chịu. Biết Hoà thượng không than phiền gì tôi rất yên tâm.

Sau đó ít lâu, Hoà thượng nhờ người gọi tôi lên để nghe Hoà thượng nói một chuyện quan trọng. Tôi lên ngay và Hoà thượng hỏi tôi:

- Lãnh đạo và Mặt trận tỉnh đề nghị tôi ra ứng cử Đại biểu Quốc Hội, anh thấy có nên ra không ?

Tôi không giấu được sự mừng rỡ, thưa ngay:

- Trước kia lãnh đạo tỉnh chưa hiểu Hoà thượng nên chưa tin, bây giờ quí vị đã hiểu muốn vời Hoà thượng ra ứng cử thì Hoà thượng nên ra để Phật tử có được một tiếng nói giữa Quốc Hội.

Hoà thượng đã ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đã trúng cử với số phiếu lớn. Không những ứng cử một khóa mà đến hai khoá liền. Đúng như điều anh Hoàng bạn tôi đã viết :"Hoà thượng Thiện Siêu là người không chấp trước những thị phi thế trị". Những Phật sự trong quyền hạn của Hoà thượng thì Hoà thượng làm, mặc cho cuộc đời thích hay không thích.

Sau ngày hưu trí (1998), tôi có điều kiện thời gian để thăm viếng Hoà thượng nhiều lần hơn. Tôi được nghe Hoà thượng kể chuyện thành lập Phật học viện ở Huế, đại trùng tu chùa Thuyền Tôn . Có hôm Hoà thượng kể cho tôi nghe chuyện khi khai mạc Phật học viện tại Huế, Hoà thượng đã bị những người cùng mặc áo cà-sa với Hoà thượng rượt đánh Hoà thượng như thế nào. Điều lạ là nhắc lại một chuyện đau thương đến thế mà Hoà thượng kể với một nụ cười trên môi. Tôi có cảm giác như Hoà thượng đã quá quen với những oan trái của đời mình. Phải chăng vì thế mà có người viết điện chia buồn với Phật giáo bảo rằng Hoà thượng Thiên Siêu viên tịch là đã "giải nghiệp". Hoà thượng viên tịch là giải được cái nghiệp đầy nghịch cảnh của Hoà thượng chăng ?

. . .Sau thời gian nằm cấp cứu ở Bệnh viện Huế nhưng không hy vọng cứu được, vào cuối tháng 9 năm 2001, Hoà thượng được đưa về Từ Đàm để tiếp tục chăm sóc trong tinh thần "con nước còn tát". Lòng dạ các đệ tử của Hoà thượng ở khắp nơi đều hướng về Từ Đàm cầu nguyện cho Hoà thượng bớt nỗi đau đớn về bệnh tật để tinh thần được thanh thoát bước vào cõi Niết bàn. Vào chiếu ngày thứ 6, 27.9. 2001, tôi hân hạnh được các học trò của Hoà thượng cho phép vào bên giường bệnh hầu Hoà thượng lần cuối. Lúc đó Hoà thượng đang nhắm mắt niệm Phật. Biết tôi vào lạy thầy, Hoà thượng mở mắt và nở một nụ cười chào tôi. Tôi hết sức ngạc nhiên, cứ tưởng là Hoà thượng đã mê man rồi, không ngờ Hoà thượng vẫn thanh thản vui tươi, không có gì tỏ vẽ đau đớn và bi thảm trước lúc từ giả cuộc đời cả. Tôi chúc mừng Hoà thượng đã viên mãn được những việc lớn là đại trùng tu chùa Thuyền Tôn và tổ chức thành công Phật học viện để đào tạo tăng tài cho Phật giáo trong tương lai. Hoà thượng ngúc đầu khe khẻ và bất ngờ bảo tôi: "Chuyện khu bảo tàng văn hóa Phật giáo ở Huế cũng đã được chính quyền quan tâm. Chính quyền đang đi tìm địa điểm thích hợp. Tôi không còn cơ hội để đóng góp nữa, hy vọng ở những người còn tại thế . . ." Tôi sụp lạy Hoà thượng, xin Hoà thượng hãy yên nghĩ. Những chuyện phải làm thế nào cũng sẽ trở thành hiện thực.

Chuyện Bảo tàng văn hóa Phật giáo đề cập đến đã mười mấy năm, không ngờ Hoà thượng vẫn nhớ và vẫn theo đuổi cho đến lúc khả thi. Hoà thượng đã thanh thỏa điều bận tâm cuối cùng với tôi vào lần cuối cùng tôi được gặp Hoà thượng.

Sự thanh thảng, sáng suốt của Hoà thượng Thiện Siêu trước lúc lâm chung làm cho tôi ngộ ra nhiều điều. Làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến nơi đến chốn. Thấy việc đúng cần phải làm thì làm và làm đến cùng, không sợ trở ngại từ đâu đến. Là một người xuất gia, sống thì Hoà thượng làm việc cho cho Đạo và cho dân, chết thì vễ cõi vô thường không có điều gì phải bi thương, hối tiếc cả. Hiểu được cuộc đời của Hoà thượng Thiện Siêu tôi hiểu hơn về những nghịch cảnh của đời tôi.

Ba mươi tám năm (1963-2001) được gần gũi Hòa thượng, tôi chưa làm được bất cứ điều gì để cho Hoà thượng vừa lòng. Trái lại với cái phong cách actif của tôi, tôi đã gây cho Hoà thượng quá nhiều phiền muộn. Hôm nay chắp tay sám hối trước bàn thờ Hoà thượng, tôi nẩy ra một điều tâm niệm : Nếu được mời tham gia xây dựng Bảo tàng văn hóa Phật giáo Huế, tôi xin đề nghị Bảo tàng ấy nên đặt tên Bảo tàng văn hóa Phật giáo Thiện Siêu".

Gác Thọ Lộc, một ngày chớm Đông năm Tỵ, 2001
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Ghi chú (*): Hiện nay Phạm Văn Rơ là bác sĩ ở Đà Nẵng, Cao Hựu Điền là hướng dẫn viên du lịch Quốc tế thường xuyên đi lại giữa Huế và các điểm du lịch khác ở VN.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6724)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
09/04/2013(Xem: 11071)
Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.
09/04/2013(Xem: 6675)
Ôn Từ Đàm (Hòa thuọng Thích Thiện Siêu) với tôi vốn không có duyên nghĩa thầy trò; mặc dù, vào đầu thập niên 1960, Ôn là Giáo thọ tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trong khi tôi là một học tăng ở đó. Những tháng năm này, tôi là nguòi được theo học trường Võ Tánh nên thời khóa sinh hoạt của tôi không bị câu thúc chặt chẽ; và vì vậy, ít có cơ hội gần gũi với các bậc thầy lớn như Ôn.
09/04/2013(Xem: 6360)
Trúc Lâm Đại sĩ là vua thứ tư nhà Trần, con của Thánh Tông, lên ngôi ngày 12 tháng 2 năm Mậu dần (1278). Trước khi Đại sĩ ra đời, Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo : "Có lệnh của Thượng giới, cho phép ngươi được chọn lấy". Bỗng nhiên được kiếm, Thái hậu bất giác rất vui, nhân đó có thai. Những tháng dưỡng thai, nhà bếp dâng thức gì Thái hậu cứ dùng như thường, chẳng cần kiêng cử mà thai cũng chẳng sao.
09/04/2013(Xem: 8130)
Đọc qua các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, chưa thấy một người nào đã chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình như Thiền sư Pháp Loa. Sư là một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của Sư là ấn hành Đại Tạng kinh, do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra, Sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và Sư là người thứ nhất đúng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước.
09/04/2013(Xem: 6723)
Sư người làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang. Thỉ Tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành khiển dưới triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trải nhiều đời, đến Tổ phụ là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không không chịu ra làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ, và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên.
09/04/2013(Xem: 6131)
Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ truớc đến nay vốn thiên về Phật giáo Phát triển hay Đại thừa; mãi đến năm 1959 lần đầu tiên bộ kinh Trường A Hàm do Hòa thượng Thích Thiện Siêu phiên dịch được xuất bản thì Phật giáo Nguyên thủy mới được các Phật tử chú ý đến. Mặc dù bộ kinh này nằm trong Hán tạng thuộc hệ thống Phật giáo Phát triển, nhưng tinh thần của nó thì tương quan mật thiết với 5 bộ Nikàya trong giáo lý Nguyên thủy.
09/04/2013(Xem: 5478)
Phương Tây có câu tục ngữ "Hoạn nạn làm lớn con người". Phương Đông cũng có câu danh ngôn tương tự "Ngậm cay đắng trong cay đắng mới làm con người trên loài Người". Trường hợp của Trần Thái Tông sao mà ứng với hai câu này đến thế?
09/04/2013(Xem: 5528)
Hòa thượng Thích Thiện Châu Nguyên Đạo (Đọc tại buổi lễ tưởng niệm và lễ Trà Tỳ Hòa thượng Thích Thiện Châu) Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần.
09/04/2013(Xem: 28656)
Hòa thượng pháp danh Thiền Tâm, pháp hiệu Liên Du, tự Vô Nhất thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại xã Bình Xuân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Nguyễn Văn Hương và cụ Trần Thị Dung pháp danh Giác Ân. Ngài là người thứ 10 trong số 13 anh em, 4 trai, 9 gái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567