Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Một ngày để nhớ

05/06/201112:01(Xem: 7326)
15. Một ngày để nhớ

BÓNG ÁO NÂU
TẬP SÁCH VỀ CUỘC ĐỜI THƯỢNG TỌA THÍCH CHƠN THANH

Phần II: Truyện ký Bóng áo nâu
Đồng tác giả:
Thu Nguyệt - Đỗ Thiền Đăng - Thiện Bảo

Một ngày để nhớ

Hôm nay Minh Thuận và Huệ Nghiêm thi đậu vào Học viện Phật giáo khóa V. Thầy nảy ra ý muốn chiêu đãi cho tụi nhỏ một bữa để khích lệ động viên tinh thần bọn trẻ. Sống trong chúng, không có không gian riêng, đành phải ra nhà hàng. Hồi nào giờ thầy chưa từng chủ động đi ăn bên ngoài, nhưng hôm nay thầy mời cả nhóm tăng ni sinh vừa mới thi đậu và thầy Thiện Phát cùng đi. Mấy thầy trò chọn một quán chay lịch sự. Thầy vui vẻ lắm. Nhìn hàng đệ tử của mình bắt đầu trưởng thành, thầy vừa vui nhưng cũng vừa lo. Thầy nói với thầy Thiện Phát, là người có nhiệm vụ phụ trách nhân sự ở văn phòng:

- Vậy là bốn năm nữa tui có hai đứa, thầy có thể sắp xếp cho chúng nó công việc gì đó để chúng có cơ hội phục vụ .

Thầy Thiện Phát cười to, nói đùa:

- Không có xí chỗ, dựa hơi “bà con” đâu à nghen! Phải giỏi thì người ta mới tin tưởng chớ.

Mấy thầy trò cùng cười. Thầy bỗng trầm ngâm nói:

- Hồi nào đến giờ thầy sống trong chúng, không nghĩ đến việc nhận chùa. Bây giờ các đệ tử lớn rồi, thầy mới bắt đầu suy nghĩ. Chắc cũng phải có một chỗ để sau này các con ổn định mà tu và làm phật sự.

Trong ánh mắt của thầy thoáng nét âu lo. Đệ tử lớn của thầy là thầy Quảng Long còn đang du học ở Ấn, thầy Hạnh Giác vừa xong Cao đẳng Phật học cũng đang theo học đại học ở ngoài. Minh Thuận, Minh Nhẫn và Huệ Nghiêm đều còn đi học. Thầy thấy trách nhiệm của mình thật nặng. Đã không nhận đệ tử thì thôi, thu nhận rồi phải lo cho nó đến nơi đến chốn. Thầy cảm thấy mình chưa lo được gì nhiều cho đệ tử ngoài những lời sách tấn khuyên răn bình thường. Mong sao chúng nó biết nghe, đủ phước, ít gặp phải nhiều chướng duyên để đi cho đến đích. Trò phải hơn thầy mới được. Có năm đứa thì cả năm đã học hành tốt. Thầy tạm thấy có chút yên lòng, hy vọng.

Thấy hôm nay thầy vui, Minh Thuận hồn nhiên liếng thoắng:

- Mai mốt sinh nhật sư phụ, mình lại đi ăn mừng như vầy nữa nghen sư phụ!

Thầy cười, trách yêu:

- Ông thầy là ham bày vẽ lắm đó! – Thầy gắp cho Minh Thuận một miếng thức ăn rồi ôn tồn nói: - Tính con ham hoạt động, tuổi trẻ như vậy là tốt, nhưng phải biết phân bố thời gian hợp lý. Thời gian dành cho học, cho tu không được lơ là, không được “ăn gian” vào thời khóa. Làm phật sự nhiều, tâm động, nếu không tu để giữ tâm thì sẽ sinh phiền não hoặc chạy theo vọng tưởng luôn. Vọng tưởng gì con biết không? Nếu làm được việc sẽ sinh ngã mạn, nếu làm không được việc sẽ sinh phiền toái cho mình cho người. Tuổi trẻ các con khi làm được việc là dễ quên tu lắm, cứ ỷ lại vào cái phước mà mình tạo được trong khi làm phật sự, coi đó là của hồi môn, bảo đảm cho đường tu. Không nên nghĩ vậy. Phước chỉ giúp cho mình tu hành thuận duyên hơn, chớ phước không đồng nghĩa với tu chứng. Phải tu. Đó là thầy còn chưa nói đến việc đôi khi mình vì sở thích lung tung, lại quơ vào, viện lý do là làm phật sự để thỏa mãn vọng tưởng chạy theo việc ngoài đời. Phải biết nhìn vào vi tế tâm mình mà khiển chúng quay trở lại. Thầy nói vậy con có hiểu không?

Minh Thuận gật đầu lia lịa:

-Dạ con hiểu, con hiểu.

Thầy cười bao dung nhìn đứa đệ tử có chút hảo tướng của mình. Mặt mũi sáng sủa như vầy là thuận duyên nhưng cũng là nghịch duyên đây. Thông minh, học giỏi, tu tốt thì có thể tiến xa, nhưng nếu nhãng ra là cũng dễ bị rất nhiều chướng ma vây lấy. Thầy nói tiếp:

-Hiểu lia hiểu lịa như vậy là còn chưa hiểu hết đó. Con phải ráng giữ lấy mình. Làm gì làm, phải tu chí tử thì mới được!

Cả đám cười vui hòa theo lời thầy: “Phải rồi đó thầy, Minh Thuận là phải tu chí tử mới được!”. Minh Thuận bị mấy huynh đệ chọc quê thì cười đỏ mặt, cúi nhìn xuống đất. Trong lòng chú dâng lên niềm thương thầy vô kể. Chú nhớ mỗi lần ra thăm thầy đều được thầy sách tấn kiểu như vậy. Nhờ đó mà mỗi lần gặp trường hợp tương tự lời thầy răn, chú kịp thời tự điều chỉnh lại mình. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, thầy như thấu hiểu từng ngóc ngách ý nghĩ của từng đứa đệ tử.

Thầy quay qua Huệ Nghiêm, lại nói:

- Còn con - con gái út - cũng vậy nghen! Môi trường ni chúng nghiêm mật, đó là điều kiện tốt để tiến tu. Việc học hành của bên ni các con khó khăn hơn, cần phấn đấu nhiều hơn bên tăng. Con ráng vươn lên. Thầy thương bên ni các con nhiều lắm! Sinh thân làm nữ giới thiệt thòi nhiều. Có phước làm tăng rồi thì ráng cố gắng vượt qua chính mình.

Rồi thầy vui vẻ nói với tất cả:

- Đề nghị của Minh Thuận hồi nảy thầy thấy như vầy: Người phương Đông mình không quan tâm ngày sinh bằng ngày mất. Thôi thì bây giờ thầy còn sống, ngày ngày đã có thầy quan tâm nhắc nhở các con. Mai mốt thầy chết rồi, cứ mỗi ngày đám giỗ, không cần lễ lạt gì cả, chỉ cần ngày đó các con để ra vài phút, ngồi nhớ lại tất cả những điều thầy dạy, rồi kiểm điểm coi mình đã làm được những gì. Vậy thôi. Vậy là thầy cũng vui rồi.

Bữa tiệc hôm ấy kết thúc thật vui vẻ. Thầy đã lưu lại trong tâm tưởng những người đệ tử trẻ dấu ấn về một bậc thầy không thể nào quên.

An cư kiết hạ

nguồn sinh lực của tăng già

An cư kiết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi tăng đoàn Phật giáo hãy còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ có vẻ khác hơn Việt Nam hay Trung Quốc cũng như các quốc gia khác: Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ qui định vào những tháng mưa gió nên an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khoẻ và tăng cường đạo lực. Giáo đoàn Phật giáo hợp thức hoá thông lệ này bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này lang thang du hoá khắp nơi không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi hay những loài côn trùng vừa sanh nở. Cư sĩ chê trách hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì luông tuồng không biết nghỉ chân vào mùa nào cả. Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra liền ban hành quyết định cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà (Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4). Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này nhưng thời gian có khác một chút. Nghĩa là thời tiết Việt Nam tuy thể hiện rõ rệt chỉ có hai mùa nắng và mùa mưa, nhưng vẫn qui định theo bốn mùa như Trung Quốc: xuân, hạ, thu, đông. Như vậy thời điểm để tu sĩ Phật giáo Việt Nam an cư là bắt đầu từ ngày rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư. Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 17 - 4 cho đến 17 - 5, và kết thúc dĩ nhiên cũng phải đủ 90 ngày như tiền an cư (cùng làm lễ Tự tứ, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày). Riêng hệ phái Nguyên Thuỷ chọn thời điểm kiết hạ vào ngày rằm tháng 6 cho đến ngày rằm tháng 9. Tuỳ theo quốc độ, địa phương mà có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Vì sao lại phát sinnh thêm kiết đông thay vì chỉ có kiết hạ? Có phải an cư là thời gian để tăng già tích luỹ nguốn sinh lực hay không?

Hàng xuất gia trong giáo đoàn Phật giáo bao giờ cũng tâm niệm hai nhiệm vụ cần phải sớm thành tựu: thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Song lộ trình tiến đến quả vị Phật hay Thánh quả thật gian truân cách trở, không phải là vấn đề một sớm một chiều hay một kiếp. Vì vậy việc tự lợi là một nhu cầu cần thiết cho bất cứ một hành giả nào còn vương mang pháp hữu lậu, chưa có phần dự vào dòng Thánh. Nếu như thời gian dành cho việc đi lại bên ngoài quá nhiều, mà căn bản phiền não vẫn còn sâu kín bên trong thì kết quả hoàn toàn sai với tinh thần hóa độ của đức Phật. Người bị trói tất nhiên không bao giờ cởi trói được cho người khác. Người có thật nhiều hạnh phúc, vượt lên trên những khổ đau triền phược mới có thể đưa người ra khỏi dòng tục bến mê. Hóa độ thì xem như chia phần, bớt đi. Mặc dù một ngọn đèn có thể thắp sáng hàng trăm nghìn ngọn đèn khác. Song một khi ngọn đèn ra trước gió, thì sự an nguy cũng giống như một người hành đạo chưa liễu đạo mà phải đương đầu với ngũ dục trần lao. Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Ngoài ra việc tránh ngộ sát côn trùng hay không ảnh hưởng mùa màng của người thế tục cũng là một duyên cớ để trưởng dưỡng lòng từ bi. Song lý do trước mới là tinh thần chính yếu của việc cấm túc an cư.

Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắc khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn. Cũng như bác nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì bác sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng Bí Sô nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hoà hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khoá an cư là Tự Tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Một lần, sau mùa an cư các thầy tỳ kheo lần lượt về vấn an đức Phật và trình bày công phu tu tập của mình. Đức Phật hỏi:

- Vừa qua các ông có được an lạc không?

- Thưa an lạc lắm ạ!

- Thế trong ba tháng ấy các ông tu tập pháp gì?

Các thầy tỳ kheo vui vẻ trả lời:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thực hành pháp tịnh khẩu, tự mỗi người giữ im lặng tuyệt đối.

- Đức Phật quở trách:

- Các ông thật vô trí, được sống chung sao không chịu trao đổi hay nhắc nhở nhau tu tập mà lại thực hiện pháp câm như thế, vậy an cư được lợi ích gì chứ? Các ông phải luôn sinh hoạt trong niệm đoàn kết, trên dưới thuận hoà, cùng thống nhất ý kiến, cùng bàn bạc trao đổi và học hỏi lẫn nhau, lẽ nào không thấy được giá trị của thấy, nghe và nghi làm tiêu chuẩn để thanh lọc mỗi người. Các ông đã bỏ phí một mùa an cư. Các ông đã hành động phi pháp.

Năng lực của đại chúng quả thật như biển (Đức chúng như hải) sẽ nâng đỡ những con thuyền lành tốt, khôn khéo chiều theo từng đợt sóng, và sẽ đào thải tất cả những con thuyền hư thủng ra khỏi lòng đại dương. Tăng đoàn muốn hòa hợp theo đúng bản chất của nó như nước với sữa thì buộc mỗi cá nhân phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính mình. Ngày nay, những người trí thức ở phương Tây luôn tranh thủ cho mình một khoảng thời gian một tháng hay nhiều hơn trong năm để tu nghiệp, tức là bồi dưỡng thêm nghề nghiệp. Người tu sĩ Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp lẽ nào không đầu tư vào công phu thiền định. Không có thời gian để cùng nhau nhắc nhở giới luật. Tứ niệm xứ, Tứ thánh chủng… Một mình một cõi du hóa lơ lỏng trong nhân gian thì rất khó cho việc thành tựu tuệ giác, hóa độ viên mãn.

Cũng như những giáo hội khác, ngày nay ở Việt Nam không còn giống như thời Phật ở Ấn Độ là hàng xuất gia không phải mỗi người du hóa một phương, mang theo ba y một bình bát và ngủ dưới gốc cây, nhưng lối sống theo từng tông phái, chùa riêng, tổ đình riêng, thầy riêng đệ tử riêng thì cũng xem như rời rạc, chưa đoàn kết hoà hợp. Vì lẽ chưa dung hoà đó mà Kiết hạ an cư đã trở thành qui luật rất cần thiết để làm phương thuốc hồi sinh, làm sống lại tình Linh Sơn cốt nhục mà lắm lúc vì những nguyên do gì đó, vì bệnh nghiệp cá biệt nào đó đã làm cho anh em cùng nhà phải bút chiến, khẩu chiến phân tranh cao hạ, làm cho sư tử phải trọng thương chỉ vì loài trùng ăn gặm trong thân sư tử. Hơn nữa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hôm nay nhắm vào tinh thần thống nhất về tổ chức (thống nhất ý chí và hành động) thì Kiết hạ an cư là một phương tiện thuận lợi cho giáo hội xây dựng tăng đoàn đoàn kết hòa hợp và thống nhất mọi mặt theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - chủ nghĩa xã hội”.

Rõ ràng, ba tháng an cư, cửu tuần tu học đích thực là nguồn năng lực quí báu làm nóng lại và bền vững hơn tinh thần thanh tịnh hòa hợp của tăng-già. Chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự hưng thịnh của Phật pháp khi chốn tòng lâm ngày ngày giới luật nghiêm minh, đêm đêm toạ thiền niệm Phật, trên dưới hoà hợp, tu tập trong niệm đoàn kết an hoà.

Mùa An Cư - PL 2544

Thích Chơn Thanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 8239)
Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23/12/1921 (Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Cụ Ông Vũ Đức Khanh, thân mẫu là Cụ Bà Đỗ Thị Thinh. Hoà thượng có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.
09/04/2013(Xem: 6222)
Lý Càn Đức (Bính Ngọ 1066 - Mậu Thân 1128) là vua thứ 4 nhà Lý, con trai duy nhất của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân tức Linh Nhân hoàng hậu. Càn Đức sinh ra ở Cung Động Tiên, gác Du Thiềm (gác thưởng Trăng) vào tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Chương Thánh năm thứ 8 (23-2-1066), hồi vua Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi. Một ngày sau ngày sinh thì được lập làm Thái tử, 6 tuổi vua cha mất, được tôn làm vua, tức vua Lý Nhân Tông. Vua có tướng hảo, tâm hiền, bản chất thông minh dũng lược.
09/04/2013(Xem: 7245)
Mỗi khi tâm niệm đến hành trạng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không thể không đề cập đến con người và sự nghiệp Lý Công Uẩn. Giá trị lịch sử của một con người không chỉ ảnh hưởng đến tự thân mà dư âm giá trị lịch sử của con người đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và quả thật, Vạn Hạnh Thiền sư là người có công rất lớn trong việc khai sáng ra triều đại nhà Lý thì Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên thực thi tinh thần Vạn Hạnh bằng tất cả sự thể nhập "Đạo Pháp - Dân tộc" trong một thực thể duy nhất.
09/04/2013(Xem: 13851)
Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ.
09/04/2013(Xem: 7245)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
09/04/2013(Xem: 8579)
Từ ngày 18-23/5/1996 HT.Thích Minh Châu, Phó CT kiêm Tổng thư ký GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hiệu trưởng trường CCPHVN... đã lên đường đến Thái Lan để nhận bằng Tiến Sĩ Phật Học Danh Dự (Honarary Doctorate Degree in Buddhist studies) tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajvidyalaya, Thủ đô Bangkok, Thái lan.
09/04/2013(Xem: 10839)
Thiền sư THÍCH ĐỨC NHUẬN, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quí hợi (thứ bảy, ngày 19 tháng giêng, 1924). Chính quán : làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục (cả hai vị đều đã mãn phần). Là con thứ tư trong một gia đình thanh bần - dòng quí tộc. Ngài có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
09/04/2013(Xem: 5667)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
09/04/2013(Xem: 7840)
Hòa Thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Thông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Thuở thiếu thời Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật Giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này. Sẵn có túc duyên Phật pháp nên vào năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông. Sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà (Dhatanga) suốt mười hai năm. Năm 1951 Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy
09/04/2013(Xem: 7050)
Hòa thượng thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhỏ, Ngài theo học Nho, luôn tỏ ra là một Nho sinh xuất sắc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]