Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14: Trở Về Chùa Xưa

25/12/201006:51(Xem: 8095)
Chương 14: Trở Về Chùa Xưa

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN NĂM:
CƯ TRẦN LẠC ÐẠO


Chương 14: Trở Về Chùa Xưa


Cuối tháng 5, 1975: Hòa Thượng Ðôn Hậu từ Trung Quốc bay về Huế.

Giữa tháng 10, 1975: Hòa Thượng đến thăm Hội Ðồng Lưỡng Viện tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

Ngày 22-11-1975: 12 tu sĩ Phật Giáo tự thiêu tại Cần Thơ.

Ngày 28-11-1975: Viện Hóa Ðạo lên tiếng về vụ tự thiêu ở Cần Thơ.

Cuối năm 1975: Hòa Thượng gửi kiến nghị đến Tổng Bí Thư Lê Duẩn, Chủ Tịch Nước Tôn Ðức Thắng, Chủ Tịch Quốc Hội Trường Chinh, Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Văn Ðồng đề nghị mô hình thống nhất Phật Giáo Việt Nam.

Ngày 2-7-1976: Bầu cử Quốc Hội, thống nhất hai miền Nam Bắc. Thủ đô đặt tại Hà Nội.

Ngày 23-1-1977: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức Ðại Hội VII tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

Ngày 9-2-1977: Viện Hóa Ðạo lên tiếng về việc 19 tu sĩ Phật Giáo bị bắt.

Ngày 3-3-1977: Cô Nhi Viện Quách Thị Trang bị chiếm.

Ngày 6-4-1977: Các vị lãnh đạo Phật Giáo bị bắt.

Ngày 9-5-1977: Hòa Thượng Thiện Minh gửi thư cho Hòa Thượng Ðôn Hậu xin từ chức Cố Vấn Viện Hóa Ðạo.

Ngày 20-9-1977: Việt Nam được nhận vào tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Tháng 12-1977 đến ngày 8-1-1978: Quân đội Việt Nam tấn công Cao Mên sau khi quân đội của Pol Pot nhiều lần đánh phá vùng biên giới Việt Mên.

Ngày 13-4-1978: Hòa Thượng Thiện Minh bị bắt.

Tháng 3 đến tháng 7, 1978: Sau chiến dịch quốc hữu hóa thương nghiệp (đánh tư sản mại bản) hàng nghìn người Việt gốc Hoa trốn khỏi Việt Nam. Trung Quốc trả đũa bằng cách cắt mọi viện trợ cho Việt Nam.

Tháng 9 năm 1978: Trận lụt lớn hoành hành Việt Nam và các nước Ðông Nam Á. Hòa Thượng Ðôn Hậu gửi thư cho Hội Phật Giáo Á Châu vì Hòa Bình yêu cầu giúp đỡ nạn nhân thiên tai.

Ngày 23-10-1978: Hòa Thượng Thiện Minh chết trong tù.

Ngày 26-10-1978: Hòa Thượng Ðôn Hậu lên tiếng về vụ các nhà lãnh đạo Phật Giáo bị bắt và về cái chết của Hòa Thượng Thiện Minh.

*

* *

Theo lời cụ Nguyễn Thúc Tuân, người có nhiệm vụ “săn sóc” Hòa Thượng Ðôn Hậu suốt 10 năm, từ năm 1968 cho đến năm 1978 cho biết thì Hòa Thượng đi máy bay từ Trung Quốc đến Huế vào tháng 5 năm 1975, sau khi Huế đã thành lập xong Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng. Cụ Nguyễn Thúc Tuân cùng đi chuyến máy bay với Hòa Thượng.

Thầy Hải Tạng cho biết Hòa Thượng về Huế vào cuối tháng 5, 1975. Hòa Thượng được ở trong một ngôi nhà gần trường Ðại Học Huế chứ chưa được về chùa Linh Mụ. Tiểu Sử cho biết Hòa Thượng khi trở về Huế phải ở tại Viện Ðại Học Huế một tháng, sau mới được phép về chùa Linh Mụ. Sau khi về chùa,

Hòa Thượng muốn vào Sài Gòn để thăm Hội Ðồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nhưng chưa được đi. Trong cuốn băng Hòa Thượng cho biết ước mong lớn nhất của Hòa Thượng là được vào Sài Gòn thăm quí Hòa Thượng, Thượng Tọa trong Hội Ðồng Lưỡng Viện mà Hòa Thượng đã xa cách trên 8 năm. Cuốn băng ghi “Nhưng làm sao vào được. May nhờ ông Nguyễn Hữu Thọ đánh điện mời vào Sài Gòn. Tôi vào Ðà Nẵng để đi Sài Gòn. Ðợi hoài đợi mãi một tuần lễ mới vào được. Mặt Trận đánh điện vào Sài Gòn nói đi đón. Ðại diện Mặt Trận tại Sài Gòn cho người đến Tân Sơn Nhứt đón mấy lần mà không gặp (vì lúc ấy bị kẹt tại Ðà Nẵng). Khi vào được thì không thấy ai ra phi trường đón. Anh Tôn Thất Dương Tiềm rất bực mình. Anh thuê taxi đưa tôi về nhà ông Tôn Thất Dương Kỵ. Anh Tiềm có vẻ bực bội. Về nhà ô. Kỵ ăn cơm, nghỉ xả hơi trong khi nghe nói xe Mặt Trận đến đón tại Tân Sơn Nhất lại không gặp! Ðại diện Mặt Trận đến Ấn Quang hỏi thăm. Ấn Quang dò hỏi. Hai ngày sau mới biết tôi ở nhà ô. Tôn Thất Dương Kỵ Các vị lãnh đạo Ấn Quang lần lượt đến thăm. Suốt cả tuần lễ tôi vẫn chưa được đến Ấn Quang

Hòa Thượng gặp ông Nguyễn Hữu Thọ, được ông cho biết hiện nay chính phủ cách mạng đang gặp sự khó khăn với Phật Giáo Ấn Quang, nhờ Hòa Thượng làm trung gian. Vì lý do ấy mà Hòa Thượng được mời vào Sài Gòn.

Hòa Thượng được mời tham dự Hội Ðồng Cố Vấn Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam tại Dinh Thống Nhất (dinh Ðộc Lập cũ). Tại Hội Nghị này Hòa Thượng nhắc lại lời nói trước đây khi còn ở Trường Sơn được mời tham gia Cách Mạng là sau khi đất nước thanh bình, xin được trở về nếp sống thuần túy của người tu hành, nhưng Hội Nghị không chấp thuận, yêu cầu Hòa Thượng tiếp tục đóng góp.

Hòa Thượng vẫn chưa được phép viếng thăm Hội Ðồng Lưỡng Viện, Cuốn băng ghi:

“Tôi phải đợi 7, 8 ngày sau mới được đến Ấn Quang. Khi đến tôi chỉ thấy Thượng Tọa Thiện Minh và Thượng Tọa Huyền Quang. Một lúc sau mới thấy Hòa Thượng Trí Thủ và toàn thể Hội Ðồng Viện.

“Sau lời chào mừng, Hòa Thượng Trí Thủ cho biết Hội Ðồng Lưỡng Viện ngày đêm trông nhớ, vui mừng được gặp lại. Hòa Thượng yêu cầu tôi cho biết Phật Giáo nên làm gì và làm thế nào để có thể duy trì tổ chức, bảo vệ đạo pháp?”

Tiểu Sử ghi:

“Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo sau khi nói lời chào mừng, thì Hòa Thượng mới yêu cầu tôi nói:

– Hòa Thượng đi tám năm trường, ở nhà, chư vị trong Hội Ðồng Lưỡng Viện hết sức là trông và nhớ. Hôm nay thấy Hòa Thượng về, Hội Ðồng Lưỡng Viện rất là vui mừng. Bây giờ trong buổi gặp gỡ này, xin Hòa Thượng cho biết ý kiến, Phật Giáo nên làm thế nào để có thể duy trì đạo pháp, duy trì tổ chức?

Tôi nói:

“Trước hết, tôi thành thật cám ơn Hội Ðồng Lưỡng Viện. Hội Ðồng Lưỡng Viện là tiêu biểu cho các Tỉnh Giáo Hội, các Khuôn Giáo Hội. Theo tôi biết thì sau sau khi tôi đi, từ Hội Ðồng Lưỡng Viện cho đến các Tỉnh, các Khuôn, tất cả đều làm lễ cầu an cho tôi, cầu cho trên bước đường phụng sự đạo pháp, dân tộc của tôi được luôn luôn vững bước, an lành. Ðể đáp lại mối đạo tình thắm thiết đó, tôi không biết nói gì hơn, tôi thành thật cám ơn và xin nguyện tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ đao pháp, dân tộc.

“Hòa Thượng Viện Trưởng có hỏi tôi bây giờ làm thế nào để bảo vệ đạo pháp, bảo vệ tổ chức. Theo ý tôi:

“Ðiều thứ nhất: Là cấp lãnh đạo, chúng ta phải củng cố Bồ Ðề tâm. Bồ đề tâm mà không củng cố thì không làm gì hữu ích cho đạo được. Các cấp lãnh đạo mà không củng cố Bồ Ðề Tâm thì thôi hết nói, không lãnh đạo được ai hết.

“Ðiều thứ hai: Phải giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, thật trang nghiêm. Nếu giới hạnh không trang nghiêm, tự mình đã không được lợi ích thì làm sao tổ chức được lợi ích?

“Ðiều thứ ba: Xiển dương Chánh Pháp. Có lúc chúng ta có thể giảng cho hàng vạn người, hàng ngàn, hàng trăm người. Khi không có cơ hội như vậy, chúng ta có thể giảng cho năm người, mười người. Nhiều lần năm người, mười người, nhiều chỗ năm người, mười người thì nó cũng thành đông như là một lần giảng trăm người, ngàn người.

“Ðiều thứ tư: Chúng ta cố gắng tìm người thừa kế. Phật có dạy rằng: “Phật Pháp Nhị Bảo Do Tự Tăng Hoằng”. Phật Bảo, Pháp Bảo nhờ Tăng Bảo mà hoằng dương. Nếu thiếu Tăng Bảo thì tất nhiên là thiếu Phật, thiếu Pháp. Không có Tăng Bảo là không có Phật Pháp. Có người thừa kế thì Phật Pháp chưa tàn.

“Ðiều thứ năm: Chúng ta cố gắng kiên trì phương pháp mình đã lựa chọn. Nếu đã chọn pháp môn Tịnh Ðộ thì cố gắng hành trì niệm Phật, nếu chọn Thiền Quán thì kiên trì tham thiền nhập định, nếu chọn Mật Tông thì kiên trì trì chú, quán đảnh. Không nên bữa nay hành trì phương pháp này, ngày mai hành trì phương pháp khác. Ðứng núi này trông núi nọ. Ðiều đó rất đáng tiếc. Cho nên phương pháp nào mình đã chọn thì cố kiên trì thực hành.

“Ðiều thứ sáu: Cuối cùng cố gắng dìu dắt tín đồ. Chúng ta hướng dẫn cho họ, cho tín đồ biết đạo, tin Phật một cách chắc chắn. Hướng dẫn họ trong ngày Bát Quan Trai, vào ngày rằm, ngày mồng một... Giao phó cho tín đồ một nhiệm vụ quan trọng là họ phải làm thế nào biến gia đình của họ thành gia đình Phật hóa.

“Tôi thấy vừa qua có đôi vợ chồng trong một gia đình rất là thuần thành, lo lắng cho đạo hết sức, nhưng lại bỏ lơ con cái không dạy dỗ gì cả. Có lẽ các đạo hữu ấy nghĩ rằng mình là cha mẹ, mình theo Phật thế này thì con cái mình đâu dám lơ là, nhưng mà họ không ngờ được rằng, vì bỏ lơ không dạy dỗ, nên con cái đi theo con đường khác, trở lại phản bội, khi đó thì họ kêu trời không thấu. Cho nên phải dạy vẽ con cái, biến gia đình của mình thành một gia đình Phật hóa. Phải dạy cho con từ khi ba tuổi. Ðời có câu: “Dạy con từ thuở lên ba”. Mình dạy dỗ con cái của mình về lòng tin Phật lúc ba tuổi. Dạy cho nó biết chấp tay trước bàn thờ Phật. Dạy cho nó biết ăn chay. Dạy cho nó biết cung kính Tam Bảo. Lớn lên một chút, dạy cho nó biết nhân quả, tội phước. Lần lượt dạy cho nó biết đạo lý. Nếu mình không có khả năng, thì nhờ các đạo hữu khác hướng dẫn cho nó.

“Như vậy bên Tăng Ðồ hết thế hệ này đến thế hệ khác. Bên tín đồ cũng vậy. Thế hệ này qua thì có thế hệ khác thừa kế, tiếp nối. Bao giờ cũng có người duy trì đạo pháp.

“Duy trì đạo pháp có khi ồ ạt, có khi âm thầm. Biết đâu những lúc âm thầm lại lợi lạc hơn, mang lại kết quả nhiều hơn là ồ ạt.

“Tôi có đôi lời vắn tắt trả lời câu hỏi của Hòa thượng Viện Trưởng. Tôi xin hết lời.”

Nói đến đây Thượng Tọa Thiện Minh hỏi:

“Thưa Hòa Thượng. Trước kia thì không nói, nhưng từ nay sắp đi, Hòa Thượng tham gia với tư cách gì? Cá nhân hay đoàn thể?”

Tôi nói:

“Tôi làm với tư cách cá nhân thôi. Trước kia cũng vậy, từ nay sắp lui cũng vậy, luôn luôn là với tư cách cá nhân.”

Thượng Tọa Thiện Minh nói:

“Sao Hòa thượng không nhân danh đoàn thể?”

Tôi nói:

“Tôi không nỡ nhân danh đoàn thể vì Thượng Tọa cũng như quí Thượng Tọa khác đều biết Ðôn Hậu này từ khi xuất gia, sau khi học đạo cho đến ngày nay, không làm một việc gì cho riêng mình mà chỉ làm cho Ðạo thôi. Ở ngoài tham gia cách mạng cũng vì đạo. Làm điều gì, nói điều gì có lợi cho đạo tôi mới làm, tôi mới nói. Làm cái gì, nói cái gì có tổn hại cho đạo, tôi không làm, tôi không nói. Tôi làm, tôi nói với tư cách cá nhân nhưng có lợi thì Ðạo nhờ, không có lợi thì cá nhân tôi chịu. Nếu tôi nhân danh đoàn thể mà tham gia, nếu làm cái gì sai thì đoàn thể, tổ chức bị thiệt hại. Tôi không nỡ để cho tổ chức, đoàn thể chịu thiệt hại nên không nhân danh đoàn thể mà tham gia.”

Nghe nói vậy, Thượng Tọa Thiện Minh gật đầu cúi sát bàn. Thượng Tọa hỏi thêm:

“Thưa Hòa Thượng, Hòa Thượng tham gia với tư cách cá nhân. Hòa Thượng tham gia một mình hay muốn người khác cùng tham gia với Hòa Thượng?”

Tôi nói:

“Tôi chỉ biết tôi là nhiều rồi. Tôi tham gia là nhiều rồi. Còn ai nữa tham gia thì tôi không dám biết mà dầu có ai tham gia chăng nữa, thì mình cứ lo chuyện mình, đừng bắt người khác phải làm theo.”

Thượng Tọa Thiện Minh hỏi:

“Vì sao vậy? Hòa Thượng nói rõ cho một chút!”

Tôi nói:

“Là thế này: Tôi tham gia với tinh thần bảo vệ đạo pháp, người khác không tham gia cũng với tinh thần bảo vệ đạo pháp. Ðứng ngoài cũng bảo vệ đạo pháp. Ðứng trong cũng bảo vệ đạo pháp. Trong hay ngoài đều như nhau. Cho nên tôi không rủ rê người nào đi theo với tôi cả.”

Thượng Tọa Thiện Minh nói:’

“Ði lâu mới biết đường dài,

Ở lâu mới biết con người phải chăng.”

Hội Ðồng Lưỡng Viện cung thỉnh Hòa Thượng vào Hội Ðồng Trưởng Lão.

Trở về Huế, Hòa Thượng bắt đầu giảng dạy Kinh, Luật cho các lớp học tăng tại chùa Báo Quốc, Linh Quang và Linh Mụ.

*

* *

Tại Cao Mên, ba ngày sau khi tiến chiếm Phnom Penh, sáng ngày 20-4-1975, Pol Pot trở về thành phố cũ mà ông đã xa cách 12 năm. Khi ông từ giã Phnom Penh, ông nằm trốn trong một chiếc xe chở hàng đi về phía Việt Nam. Giờ đây ông trở lại từ thôn Sdok Toel trên một chiếc xe bọc sắt lấy được của quân đội Lol Non, chung quanh có những chiếc xe jeep chở các nhân vật chỉ huy cuộc tấn công Phnom Penh tháp tùng. Vừa đến Phnom Penh, Pol Pot ra lệnh tản cư toàn thể dân chúng ra khỏi thủ đô.

Sihanouk vào mùa hè năm 1975 sống những chuỗi ngày nhàn hạ tại Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Ðặng Tiểu Bình bàn thảo với Pol Pot khuyên Sihanouk về Cao Mên cùng với Khmer Ðỏ tái thiết quốc gia. Ngày 9-9-1975 Sihanouk trở về Cao Mên được chư tăng đón rước tại sân bay, được nữ cán bộ Khmer Ðỏ rải hoa. Pol Pot nấp sau hàng rào dân chúng quan sát tình hình. Tháng 10 Sihanouk đại diện cho Cao Mên nói chuyện trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc, rồi du hành sang các nước Phi Châu, Trung Ðông, Âu Châu trên đường về Bắc Kinh.

Ngày 31-12-1975 sau bữa tiệc tiễn đưa do Ðặng Tiểu Bình khoản đãi, Sihanouk lên chiếc máy bay Boeing 707 của hãng Hàng Không Trung Hoa trở về Nam Vang. Không khí tại phi trường lần này hoàn toàn khác hẳn kỳ trước. Không có chư tăng đón rước, không có cán bộ phụ nữ Khmer Ðỏ rải hoa, không có thảm điều, thảm đỏ. Sihanouk chấp nhận tất cả, không muốn chịu chung số phận như Bảo Ðại. Ông hy vọng sẽ có cơ hội phục hồi vương vị do tổ tiên để lại. Nhưng sau khi Phó Thủ Tướng Ieng Sary của chính phủ Pol Pot gửi đại sứ đến Bắc Kinh, Hà Nội, Bình Nhưỡng mà không tham khảo ý kiến của ông là Quốc Trưởng, ông từ chức.

Chủ Nhật ngày 25-2-1976 một loạt súng nổ làm rung động thành phố Siem Reap. Ngày 2 tháng 4 lúc 4 giờ sáng một trái lựu đạn nổ ngoài hoàng cung, nơi Sihanouk và gia đình cư trú. Tháng 5, hai phái đoàn Việt Mên gặp nhau thảo luận vấn đề biên giới nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Nhiều sĩ quan bị bắt, bị buộc tội là thân Việt Nam. Vào nửa năm đầu 1976, bốn trăm người bị bắt giam tại S-21, nửa năm sau trên một nghìn. Ðến mùa xuân năm 1977, mỗi tháng một nghìn người bị thủ tiêu. Son Sen, Phó Thủ tướng đặc trách quốc phòng tuyên bố: Việt Nam trước đây là bạn của chúng ta, nhưng giờ đây là kẻ thù. Trước đây chúng ta không biết kế hoạch của chúng như thế nào nhưng giờ đây chúng ta biết rõ chúng thành lập phe nhóm để đánh phá chúng ta...

Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng giúp giải quyết xung đột Việt Mên, không đứng vào phe nào nhưng không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ Cao Mên. Kim Nhật Thành, thủ lãnh Bắc Hàn tuyên bố: Việt Nam quá tàn ác. Tôi không ngờ Việt Nam lại muốn làm bá chủ vùng Ðông Nam Á.

Việt Nam bị cô lập trong thế giới cọng sản. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn ém nhẹm những cuộc tấn công của Cao Mên. Có lẽ vì không muốn Việt Nam bị xáo trộn, bị khuynh loát bởi nhiều phe nhóm, nhiều khuynh hướng trước tình hình chính trị và quân sự giữa Việt Nam và Cao Mên lúc bấy giờ, nên Hà Nội đã vội vàng cho tổ chức Quốc Hội, thống nhất hai miền Nam Bắc, loại bỏ Mặt Trận Giải Phóng, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam v. v...

Bầu cử Quốc Hội được dự trừ tổ chức vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Ông Trưởng Ban Tổ Chức Bầu Cử Quốc Hội, đơn vị Thừa Thiên lên chùa Linh Mụ mời Hòa Thượng ra ứng cử đại biểu quốc hội khóa VI. Hòa Thượng viện dẫn nhiều lý do để từ chối nhưng không được, cuối cùng cũng phải ra ứng cử.

Anh Trần Hoàng Phi hiện nay ở Irvine, Califoria cho biết khi Hòa Thượng vào Sài Gòn sau 1975, lúc ấy anh đi tu tại chùa Trúc Lâm, Gia Ðịnh với Pháp danh là Quảng Phương. Hai lần thân phụ của anh là ông Trần Tường Châu, đệ tử của Hòa thượng Linh Mụ, thành hôn với người cháu ruột gọi Hòa Thượng bằng bác, nhờ chú mang cơm chay cho Hòa Thượng. Lần thứ nhất chú mang cơm đến một ngôi biệt thự trên đường Trần Quốc Toản, có bộ đội canh gác, có bác sĩ săn sóc. Bác sĩ nhận cơm và món ăn chay đem lên trên phòng thí nghiệm xem có an toàn không rồi mới đưa cho Hòa Thượng dùng. Lần thứ hai mang cơm chay đến chùa Già Lam, chú thấy Hòa Thượng đang ngồi tiếp chuyện với ba ông cán bộ mặc áo chemise trắng. Họ đến gặp Hòa Thượng, vận động Hòa Thượng ra Dân Biểu trong kỳ bầu cử Quốc Hội sắp đến. Chú đứng lại nghe. Hòa Thượng nói với họ là Hòa Thượng muốn trở lại đời sống thuần túy của một nhà sư, Hòa Thượng muốn về với Giáo Hội. Hai bên lời qua tiếng lai có vẻ hơi lớn tiếng, chú ngại quá không dám đưa cơm vào, trở về nhà báo cho thân phụ biết.

46

Hòa Thượng làm Ðàn Ðầu Hòa Thượng tại Ðại Giới Ðàn Báo Quốc, Huế (Tiểu Sử, tr. 19)

Dù từ chối nhiều lần tại Sài Gòn cũng như tại Huế, nhưng không được. Hòa Thượng phải ra và Hòa Thượng đã được đắc cử với 60% số phiếu, số phiếu thấp nhất ở Huế theo chỉ thị của Trung Ương.

Trên Những Chặng Ðường đại ý ghi: “Trong một phiên họp Tiểu Ban của Quốc Hội, bàn về kết quả bầu cử, Hòa Thượng phát biểu: Trên bảy mươi tuổi, tôi chưa thấy có cái nền dân chủ nào trên thế giới mà lạ lùng như vậy. Dân chủ gì mà chính phủ ra lệnh bỏ cho người này, đừng bỏ cho người kia. Dân chủ gì mà chính phủ đã định đoạt trước tỷ lệ số phiếu cho từng ứng cử viên... Lúc ấy đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi họp trong một Tiểu Ban bên cạnh nói chen vào: Này Ðôn Hậu, tôn giáo mà được bầu như vậy là cao lắm rồi đó biết chưa”. Hòa thượng nghe mà bực mình, nhưng tự kiềm chế, lặng thinh không trả lời.

Chính phủ đưa Hòa Thượng vào Mặt Trận Tổ Quốc với chức vụ Ủy Viên Trung Ương.

Chuyện Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng vào Huế.

Quí thầy ở chùa Linh Mụ cho biết hàng năm vào dịp Tết, chính phủ cử đại diện đến thăm Huế. Năm ấy Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng vào Huế ngày mồng hai Tết. Xe chính phủ đến đón Hòa Thượng mời hòa Thượng xuống tòa Ðại Biểu đón tiếp Thủ Tướng. Hòa Thượng nghĩ nếu xuống làm hàng rào đón Thủ Tướng thì kỳ quá với thân phận của một nhà tu, “bất bái quân vương, bất bái phụ mẫu”, nhưng không xuống cũng kẹt. Hòa Thượng kiếm cách hoãn binh. Khi xe đến đón, Hòa Thượng cho mời anh tài xế ăn mứt, đi quanh chùa thăm hoa đào, vườn cảnh, chờ Hòa Thượng hạ bớt cơn suyễn. Sau hơn nửa giờ, Hòa Thượng mặc áo đi về Tòa Ðại Biểu. Ðến nơi thì Thủ Tướng đã ngồi trong phòng khách. Hòa Thượng đi vào, tay cầm cái xách có dầu thoa. Thấy Hòa Thượng vào, Thủ Tướng đứng dậy bắt tay. Hòa Thượng xin lỗi đến trễ vì bệnh tình, nhưng không thể không xuống chào Thủ Tướng.

Ông Ðồng cám ơn. Hòa Thượng đã khéo léo chuyển biến tình thế, không bao giờ chống đối, nhưng không làm sai trái giới luật nhà tu.

Chiều hôm ấy Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng lên Linh Mụ thăm chùa, thăm Hòa Thượng. Hòa Thượng tiếp khách nhưng không bao giờ ra sân tiếp, mà chỉ đón khách khi vào đến chùa. Hòa Thượng ra khỏi phòng để đón, trong khi chúng tăng ra tận xe đón khách. Khi tiễn đưa khách cũng vậy. Quí trọng khách nhưng không trái qui luật nhà chùa. Hòa Thượng làm việc và hành xử rất có kỷ luật, đúng khuôn mẫu.

Ngoài việc đón tiếp Thủ Tướng, Hòa Thượng còn có nhiều dịp đón tiếp các nhân vật quan trọng khác như Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trường Chinh, trung tướng Lê tự Ðồng, ông Xuân Thủy v.v... Hòa Thượng rất trọng khách, nhưng luôn luôn biết mình là nhà tu, phải hành xử như một nhà tu, đúng theo qui luật của nhà tu.

Ngày 5 tháng 12 năm Bính Thìn tức ngày 23-1-1977 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức Ðại Hội VII tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Trong kỳ Ðại Hội này Hòa thượng được mời làm Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống.

Hòa Thượng tiếp tục dạy tại các Phật Học Viện Huế, biên soạn bộ Ðồng Mông Chỉ Quán và làm Ðàn Ðầu Hòa Thượng tại Ðại Giới Ðàn Báo Quốc Huế.

Các nhà lãnh đạo Phật Giáo như Thượng Tọa Huyền Quang, Quảng Ðộ, Ðức Nhuận Thiền Ấn, Tuệ Sỹ, Trí Siêu, Thông Bửu, Thông Huệ, Thanh Thế, Ni sư Trí Hải... các Tăng sĩ Phật Giáo ở các cấp địa phương bị chính quyền giam giữ. Hòa Thượng rất quan tâm, tìm cách giải cứu.

Vào tháng 5 năm 1977, Hòa Thượng nhận được bức thư của Thượng Tọa Thiện Minh, xin từ chức Cố Vấn Viện Hóa Ðạo. Bức thư như sau:

Sài Gòn ngày 9-5-1977

Kinh gửi Hòa Thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống

Kính thưa Hòa thượng:

Nhân có người ra Huế, tôi kính lời vấn an Hòa Thượng được sức khỏe. Tôi thật lấy làm cảm kích khi nghe được quan điểm của Hòa Thượng đối với Giáo Hội trong tình huống bi đát hiện nay. Như Hòa Thượng đã biết vận mệnh của Giáo Hội và Ðạo Pháp có liên hệ mật thiết trước tình trạng hiện thời. Sự kiện xảy ra trong mấy tuần nay cũng chỉ là một hiện tượng tất yếu và nếu có chút ý thức thì ai cũng đoán biết không thể tránh được. Tuy nhiên nhìn thẳng vào vấn đề và những dữ kiện xung quanh nó thì thấy nó làm sao đâu, nếu không nói là ấu trĩ, phũ phàng, ngang ngược v.v... và cũng vì vậy nên không đánh lừa được ai cả.

Qua sự kiện xảy ra, đôi khi tự kiểm điểm thấy Phật Giáo cũng như các vị có trách nhiệm chưa làm một điều gì đi ngước lại quyền lợi của bất cứ ai chứ đừng nói đến nhân dân đất nước! Thôi thì đành dùng câu thơ của cụ Tiên Ðiền mà ngâm:

Ðã mang lấy nghiệp vào thân

Ðừng còn trách lẫn trời gần trời xa

để mà an ủi vậy.

Riêng tôi sự kiện đã không những đem lại những bài học thực quí báu khách quan mà thấy rõ thêm những yếu tố nội tại thực là chua xót, khác nào như chịu đựng cơn bão cát giữa sa mạc vậy!

Tôi thấy thú vị khi đọc lại câu thơ của một thi sĩ nào đó:

Tiền bất hiến cổ nhân

Hậu bất tri lai giả

Kiến thiên địa chi du du...

Vì vậy tôi quyết định gửi đơn đệ lên Ðức Tăng Thống xin phép được nghỉ chức vụ Cố Vấn, một hư vị mà có phương hại đến Giáo Hội! Ðơn tôi viết chưa kịp vì có người ra gấp, xin trình với Hòa Thượng biết, nay mai sẽ gửi đơn ra sau.

Hòa Thượng, thực là chua xót cho số phận mình, hôm qua được nghe bốn điều của Hòa Thượng đưa ra không dè lại là một nguồn an ủi lớn cho chính mình. Tôi đã nói với ngài Viện Trưởng: Như vậy đó, đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết con ngài dại khôn là vậy!

Thôi kính thăm Hòa Thượng pháp thể khương an, chúng sinh dị độ.

Kính bái,

Thích Thiện Minh

(Tôi hiện ở Già Lam vì trên kia không ở nổi)

Thượng Tọa Thiện Minh bị bắt ngày 13-4-1978 trên đường đáp xe đò đi Nha Trang. Ông Vương Vũ Văn cho biết trước khi Thượng Tọa bị bắt, ông có gặp Thượng Tọa đi bộ trên đường Cao Thắng, Sài Gòn. Theo ông Văn, Thượng Tọa lúc bấy giờ gầy ốm lắm. Thượng Tọa mặc áo nâu ngắn, đầu đội nón, phải nhìn kỹ mới biết đó là Thượng Tọa Thiện Minh.

Tháng 9 một trận lụt lớn hoành hành Việt Nam, Ðông Dương, các nước Ðông Nam Á. Với tư cách là thành viên của Hội Phật Giáo Á Châu, Hòa Thượng gửi thư cho vị Chủ Tịch kêu gọi các thành viên giúp đỡ nạn nhân bão lụt:

Linh Mụ, Huế ngày 14-10-1978

Kính gửi:

Ngài Hambo Lamsgombojav

Chủ Tịch Hội Phật Giáo Á Châu vì Hòa Bình

Ulan Bator, Mongolia.

Kính thưa Ngài:

Như Ngài biết, những trận bão lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại Ðông Dương và nhiều nước khác ở Châu Á. Những thiên tai này đã nhận chìm hàng trăm nhân mạng, hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, đã lôi cuốn đi hàng vạn ngôi nhà, hàng triệu gia súc và để lại hàng triệu người không nhà ở, không cơm ăn, không áo mặc. Mất mát thật lớn lao, đau thương lắm chồng chất. Những khó khăn này nhân dân mỗi nước khó có thể khắc phục được nếu không có sự giúp đỡ tự bên ngoài.

Là một thành viên của Hội Phật Giáo Á Châu vì Hòa Bình, chúng tôi xin đề nghị ngài Chủ Tịch kêu gọi các thành viên của Hội vận động đồng bào Phật Tử trong nước mình gửi tặng phẩm cứu trợ nhân dân các nước gặp thiên tai nói trên. Sự giúp đỡ của chúng ta chắc chắn sẽ giúp cho nhân dân các nước đó sớm khắc phục được khó khăn để xây dựng đất nước.

Chúng tôi rất mong sự đề nghị này được Ngài lưu tâm và nghiên cứu thực hiện.

Chúng tôi xin chúc Ngài sức khỏe và nhờ Ngài chuyển lời thăm hỏi của chúng tôi đến quí vị trong Chủ Tịch Ðoàn và các thành viên của Hội.

Trân trọng kính chào đoàn kết và xây dựng.

Kính,

Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu

Thành Viên Hội Phật Giáo Á Châu Vì Hòa Bình.

Thiên tai lũ lụt xong, đến nhân họa. Ngày 23-10-1978 đài phát thanh Hà Nội loan tin Thượng Tọa Thiện Minh từ trần vì đứt mạch máu đầu. Nghe tin nhiều người sửng sốt, thương tiếc cho một nhà tu suốt 17 năm tranh đấu cho Hòa Bình, giờ đây đã qua bên kia thế giới. Thượng Tọa đã từng bị chính quyền Ngô Ðình Diệm cầm tù, bị thương nặng trong vụ ám sát hụt dưới thời Nguyễn Cao Kỳ, bị chính quyền Nguyễn văn Thiệu kết án 15 năm tù khổ sai, giờ đây ở tù, rồi chết trong tù.

Phật Giáo gặp quá nhiều bi thảm!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/01/2022(Xem: 9776)
Cố trưởng lão Tịnh Đức thế danh Tôn Thất Toản, sinh ngày 01/08/1944 tuổi Giáp Thân tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Gia đình dòng tộc Hoàng gia, thuộc Đệ bát hệ, Đệ nhị phòng, dòng dõi Chúa Nguyễn Phúc Thụ (Túc Tông Hiếu Đinh Hoàng Đế). Thân phụ là ông Tôn Thất Nhường, sinh năm 1897, mất năm 1982, thọ 85 tuổi. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Bàng, sinh năm 1903, mất năm 1963, thọ 61 tuổi. Gia đình có 5 anh em, Ngài là người con út. Xưa, gia đình ngụ tại Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Sau vào ở tại phường Thạc Gián, Đà nẵng.
16/01/2022(Xem: 4969)
Ni Trưởng Thích Nữ Đạt Hương, vừa viên tịch tại Chùa An Tường, Nha Trang, Khánh Hòa
07/01/2022(Xem: 5054)
Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Đầy, sinh năm 1932, tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, xuất gia năm 17 tuổi; thọ giới Sa-di-ni, năm 1952 thọ giới Thức-xoa tại chùa Huê Lâm (quận 11, Sài Gòn). Năm 1958, Ni trưởng theo học Trung Đẳng Phật học do quý Hòa thượng Ấn Quang tổ chức, nhập học Ni trường Dược Sư. Năm 1959, Ni trưởng tấn đàn thọ Tỳ-kheo-ni tại Dược Sư. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, Ni trưởng được theo học dự bị khoá Đại học Vạn Hạnh (1968), được cử làm Thư ký Ni trường Dược Sư. Năm 1971, Ni trưởng theo dự học khóa thiền hàng tháng tại tu viện Chân Không (Vũng Tàu). Năm 1976, Sư bà Bạch Vân viên tịch, di chúc Ni trưởng kế thế trụ trì, kế thừa phận sự chăm sóc Ni chúng và hướng dẫn Phật tử.
30/12/2021(Xem: 6996)
Tối ngày 11/02 âm lịch (03/03/2012), vào lúc 10 giờ tối, lúc đó tôi niệm Phật ở dưới hai cái thất mà phía trên là phòng của Sư Ông. Khi khóa lễ vừa xong, bỗng nghe (thấy) tiếng của đầu gậy dọng xuống nền phát ra từ phòng của Sư Ông. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên, vừa thấy tôi, Ông liền bảo: “Lấy cái đồng hồ để lên đầu giường cho Sư Ông và lấy cái bảng có bài Kệ Niệm Phật xuống” (trong phòng Sư Ông có treo cái bảng bài Kệ Niệm Phật). Khi lấy xuống Sư Ông liền chỉ vào hai câu: Niệm lực được tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh, rồi Sư Ông liền chỉ vào mình mà ra hiệu, ý Sư Ông nói đã được đến đây, sau khi ngồi hồi lâu Sư Ông lên giường nghỉ tiếp.
26/12/2021(Xem: 3866)
Tổ Liễu Quán sinh ngày 18 tháng 11 năm 1667 tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên . Ngài mồ côi mẹ lúc lên 6 tuổi. Năm 12 tuổi theo cha lên chùa Hội Tôn lễ Phật. Vì cảm mến cảnh chùa nên xin cha ở lại tu học. Duyên lành đến, hòa thượng Tế Viên xuống tóc và ban cho ngài pháp danh Thiệt Diệu. Năm ngài 19 tuổi, bổn sư viên tịch. Ngài tìm đến núi Hàm Long chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với tổ Giác Phong. Năm 1695 thọ Sa Di giới với hòa thượng Trường Thọ Thạch Liêm. Năm 1697, thọ Cụ Túc giới với hòa thượng Từ Lâm và năm 1699 ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm, tâm thường suy nghĩ: Pháp nào là tối vi đệ nhất ta quyết xả thân mạng y theo pháp tu hành. Nghe chư thiền đức cho biết hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khéo dạy pháp tham thiền. Ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Hòa thượng Tử Dung cầu pháp. Tổ Tử Dung dạy pháp tham cứu công án " Muôn pháp quy về một, một quy về đâu?" . Một hôm nhân xem Truyề
18/12/2021(Xem: 4242)
Thượng Tọa Thích Phước Hựu vừa viên tịch tại Victoria, Úc Châu
16/12/2021(Xem: 4142)
Sáng qua, 22- 4, tại chùa Hội Phước (P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 50 ngày HT.Thích Giải Hậu viên tịch. HT.Thích Trí Thắng, Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi; chư tôn giáo phẩm trong Thường trực BTS, Thường trực Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Quảng Ngãi, cùng đại diện chính quyền và gần 200 thiện nam tín nữ gần xa tham dự. HT.Thích Giải Hậu thế danh Đỗ Minh Đường, sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại làng Sung Tích, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, xuất gia năm 1935 tại tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn, đệ tử của cố HT.Diệu Quang - Đệ lục Tổ.
15/12/2021(Xem: 6595)
Thành Kính Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Tuấn, Viện Chủ Chùa Phổ Hiền, Strasbourg, Pháp Quốc
09/12/2021(Xem: 22926)
Cách đây vài ngày đọc trên một tờ báo tại Sydney , khi nói về chủng thể Omicron vừa phát tán và lây lan do xuất phát từ các nước Nam Phi , tôi chợt mỉm cười khi đọc được câu này " Chúng ta đã học từ nạn đại dịch một điều rằng : Đừng nên hy vọng một điều gì , vì chắc chắn điều mình hy vọng ấy sẽ chỉ là THẤT VỌNG " If there’s one thing COVID has taught us , it is to expect nothing, except disappointment . What it comes to that COVID really delivers
06/12/2021(Xem: 4409)
Thông minh tam học thảy am tường Viên Chiếu thiền sư tham vấn nương Yếu chỉ thiền na thầm lãnh hội Huyền tâm thể tánh khéo thừa đương Đối cơ ứng vật thông nguồn diệu Gặp cảnh hoà tâm mở suối lương Thiền mạch tuôn trào ra mọi nẻo Non sông cẩm tú đạo soi đường .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]