Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời: ​Một cuộc đời viên mãn

24/06/201504:37(Xem: 17802)
Giáo sư Trần Văn Khê qua đời: ​Một cuộc đời viên mãn

Giao Su Tran Van Khe-2

Bài tưởng niệm Giáo Sư Trần Văn Khê
do Phượng Hoàng (SBS Radio Úc Châu) thực hiện 25-6-2015




Giao Su Tran Van Khe

 

Bài tưởng niệm Giáo Sư Trần Văn Khê
do Xuân Ngọc (SBS Radio Úc Châu) thực hiện 29-6-2015


****

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời rạng sáng 24-6

GNO - Nhập viện ngày 27-5-2015, được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tận tình cứu chữa, tuy nhiên do bệnh nặng, tuổi cao sức yếu, Giáo sư Trần Văn Khê đã từ trần vào lúc 2g55 sáng 24-6, thượng thọ 94 tuổi.

 

tran_van_khe_QHPV.jpg
GS.Trần Văn Khê

Về việc hậu sự của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã sắp đặt trước, theo bản di nguyện của ông, chủ tang sẽ là GS.Trần Quang Hải - con trai trưởng của Giáo sư. Bên cạnh đó còn có một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

Đặc biệt, Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức truyền thống Phật giáo với sự chủ sự của TT.Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của ông, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ. 

Linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.

Giáo sư Trần Văn Khê cũng mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại Việt Nam sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.

gs-tran-van-khe-hoa-thuong-thich-minh-chau (4)[9].jpg
Giáo sư Trần Văn Khê và HT.Thích Minh Châu tại Viện Đại học Vạn Hạnh (1974) 
- Ảnh tư liệu của Giáo sư cung cấp cho Giác Ngộ

Sinh tiền, Giáo sư Trần Văn Khê là người có mối thâm giao với chư tôn giáo phẩm như cố  HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Thiện Châu, HT.Thích Minh Châu...; ông là người có công rất lớn trong việc giới thiệu âm nhạc tâm linh - thường gọi là lễ nhạc Phật giáo Việt Nam ra cộng đồng nghệ thuật quốc tế, đồng thời là người đã có những nghiên cứu sâu sắc, nhiều buổi thuyết trình sinh động về nhạc lễ truyền thống của Phật giáo tại nhiều nơi, chỉ ra những nội dung dân tộc trong nền âm nhạc đặc thù đó.

Với khả năng đặc biệt có một không hai, Giáo sư là người đã không mệt mỏi truyền cảm hứng yêu thích, đam mê âm nhạc dân tộc đến mọi người, mọi lứa tuổi; từ đó, ý thức hơn trong việc giữ gìn kho tàng âm nhạc dân tộc một cách trân trọng.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc - là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. 

Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.

Trở về nước vào năm 2006, Giáo sư Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để ông tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.

Ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.

Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về Âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương Cấp Officier, Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Năm, 1995), Tiến sĩ danh dự về Dân tộc Nhạc học Đại học Moncton (Canada, 1999).

P.V

Lễ nhập quan GS.TS Trần Văn Khê

GNO - 10g sáng nay, 26-6, tại tư gia số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã trang nghiêm diễn ra lễ nhập quan GS.TS Trần Văn Khê theo nghi thức Phật giáo, với sự chủ trì của TT.Thích Lệ Trang, Phó ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ PG TP.HCM và chư tôn đức Tăng trong ban nghi lễ, thể theo di nguyện của Giáo sư.

Linh cữu GS.TS Trần Văn Khê được quàn tại nhà riêng số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.


Vu Giang  (4).JPG
Di ảnh cố GS.TS.Trần Văn Khê 

Lễ viếng bắt đầu từ 12g trưa nay, 26-6-2015 (11-5-Ất Mùi); lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6g sáng29-6-2015 (14-5-Ất Mùi). Linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Được biết, trong suốt thời gian diễn ra lễ tang của Giáo sư (từ ngày 26 đến 29-6-2015), về phần nghi lễ sẽ do TT.Thích Lệ Trang đảm trách, với các nghi thức: nhập quan, thành phục, tiến linh vào mỗi buổi trưa. Đêm cuối trước khi di quan hỏa táng sẽ có lễ sơ dạ tiến chơn linh và lễ khiển điện di quan.

Không gian linh đường được trang trí dòng chữ “Thiên nhạc vinh quy” bày tỏ niềm kính tiếc về sự ra đi của một đại thụ của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đông đảo trí thức, đồng sự, thân quyến và nhiều thế hệ học trò đã không cầm được nước mắt, bày tỏ niềm tiếc thương, kính trọng với một bậc thầy về lĩnh vực âm nhạc đã vắng bóng.

Vu Giang  (1).JPG
TT.Thích Lệ Trang và chư Tăng Ban Nghi lễ PG TP.HCM chủ trì buổi lễ

Vu Giang  (2).JPG

Vu Giang  (5).JPG
Thân quyến của Giáo sư lặng người bày tỏ niềm tiếc thương

Theo thông tin từ Ban Tổ chức lễ tang, có chuẩn bị vòng hoa luân lưu để phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đến viếng và chia buồn cùng gia đình GS.Trần Văn Khê. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của ông sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ với sự điều phối của nhạc sĩ Nhất Dũng.

Được biết GS.Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), nguyên Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của nước Cộng hòa Pháp - Thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền là Chủ tịch Ban Tuyển chọn Quốc tế của Diễn đàn âm nhạc Châu Á - Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn Chương và Nghệ thuật Châu Âu - Huân chương Lao động hạng nhất của Nước CHXHCN Việt Nam. Đã từ trần vào lúc 2g55 sáng 24-6-2015 (9-5-Ất Mùi), thượng thọ 94 tuổi.

Giác Ngộ online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về lễ di quan của GS.Trần Văn Khê đến bạn đọc.

Vu Giang  (3).JPG
TT.Thích Lệ Trang thực hiện gia trì nghi thức sái tịnh

Vu Giang  (6).JPG
Sái tịnh linh quan

Vu Giang  (7).JPG
Linh đường - nơi diễn ra tang lễ cố GS.TS Trần Văn Khê đến 29-6-2015

Vu Giang  (8).JPG

Vu Giang  (9).JPG
Thiên nhạc vinh quy

Vu Giang  (10).JPG
NSND Kim Cương thương tiếc GS.TS Trần Văn Khê

Vu Giang  (11).JPG
Ngậm ngùi tiễn biệt một bậc thầy về âm nhạc, nhà văn hóa lớn của đất nước

Vu Giang  (12).JPG
Nhiều người thân, trí thức, học trò và những người thương mến Giáo sư đã đến dự lễ

Vu Giang  (13).JPG
Dàn nhạc truyền thống do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách sẽ phục vụ trong suốt thời gian tang lễ

Vu Giang  (14).JPG

Vu Giang  (15).JPG

Vu Giang  (16).JPG
Lễ thành phục do TT.Thích Lệ Trang chủ trì

Vu Giang  (17).JPG
Ông Trần Bá Thùy phát tang đến thân quyến Giáo sư


Tin, ảnh: Q.Hậu - Vũ Giang
http://giacngo.vn/

Giao Su Tran Van Khe-8

Lời ngỏ tang lễ GS Trần Văn Khê :
1/ Lễ tang xin miễn nhận vòng hoa vì theo di nguyện của GS Trần Văn Khê mong muốn dùng tiền phúng điếu lập Quỹ học bổng. 
2/ Các đoàn thể văn nghệ sĩ chỉ một đại diện khấn lạy và thắp hương, những người khác bái theo hướng dẫn. Không đoàn thể nào thực hành lễ quá 2 phút
3/ Đề nghị không viết sổ tang quá một phút. 
4/ Giữ trật tự yên tĩnh là món quà quý nhứt.

Linh cữu Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê được quàn tại nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12 giờ trưa thứ sáu ngày 26 -6-2015.
Lễ truy điệu và lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, thứ hai ngày 29-6-2015.
Ngay sau lễ động quan, linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Nguồn GS Trần Văn Khê


      Bài Thơ Kính Tiễn Biệt GS.TRẦN VĂN KHÊ (Hình chủ đề)THL


Bài Thơ Kính Tiễn Biệt

Giáo Sư TRẦN VĂN KHÊ!

THÍCH HUYỀN LAN

 



Cung đàn rớt nhịp biệt li
Nhân sinh một cõi tử sinh kiếp người
Cội nguồn âm nhạc quê hương
Vút cao thánh thót một trời yêu thương

Bôn ba đất khách xứ người
Người Con quê Việt viết lời Dân gian
Để cho người biết Việt Nam
Bằng tình âm nhạc thiết tha cội nguồn

Giữ gìn gia bảo cha ông
Tinh thần âm nhạc gọi hồn nước non
Thanh cao nếp sống tổ tông
Tiếng đàn Dân Tộc trường tồn dài lâu

Hợp tan dời đổi bể dâu
Tiếng đàn Dân Tộc hát câu chân tình
Đó là tâm nguyện thiêng liêng
Giáo Sư âm nhạc Trần Khê một đời

Phố buồn như những câu thơ
Hạt mưa mùa hạ chơi vơi thật buồn
Cung đàn sâu lắng cội nguồn
Tự tình Dân Tộc thiên thu bên người!

Sài gòn mưa hạ tháng 05/2015

T.H.L

 

tranvankhe-2

ĐÔI DÒNG TIỄN BIỆT
GIÁO SƯ TIẾN SĨ TRẦN VĂN KHÊ

 

                               Cong lao đđóng gop cho nền âm nhạc cổ truyền dân tộc của Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Văn Khê (từ đây xin phép  dùng từ Ông)trong gần cả đời người, tất cả  chúng ta ai cũng đểu nhận rõ. Đó còn là những lợi ích rất quan trọng, làm  tiền đề dấn thân của  rất nhiều thế hệ  văn nghệ sĩ có tấm lòng thiết tha với  âm nhạc dân tộc.

 

                           Với riêng cảm nhận cá nhân, có bốn dấu ấn đặc biệt khi nghĩ về Ông mà có lẽ trong suốt cuộc đời mình  luôn phải ghi ơn và nhớ mãi.

 

                            Thứ nhất: Vào đầu  thập niên tám muơi thế kỷ trước, khi mà cuộc sống  còn chật vật với những lo toan trước mặt; thì những buổi nói chuyện của Ông về  niềm tự hào  âm nhạc dân tộc trên sóng truyền hình trắng đen, vẫn có sức lôi cuốn nhiều tầng lớp người dân một cách lạ kỳ. Những lúc ấy Ông đi và về Việt Nam như con thoi chỉ để  hỗ trợ và vực dậy  giá trị  truyền thống  của nền âm nhạv dân tộc. Bắt đầu từ buổi nói chuyện về cuộc thi âm nhạc Châu Á (CIM) do Ủy ban Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa  Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức. Chính Ông là người  tổ chức thu âm và đưa tiết mục Hát Bội “Yến Phi Long Tiễn Chồng” đến với cuộc thi mang tầm cở châu lục này. Kết quả tiết mục ấy đoạt giải nhất trong số 77 tiết mục của 10 quốc gia tham dự. Sở dĩ Ông chọn tiết mục này gởi tham dự  là vì tình tiết độc đáo và bố cục  nội dung  vỡ diễn. Tuy chỉ có 15 phút âm thanh và chỉ với hai nhân vật, nhưng  gói gọn nhiều chi tiết đặc sắc nhất của một câu chuyện, một vở hát. Đó là nhân vật nữ Phi Long, do cố NSND Năm Đồ (1916 – 1992)thủ diễn, với ba ly rượu tiễn chồng là Ô Hắc Lợi do cố nghệ sĩ Châu Kỷ (1926 – 1991) thủ diễn. ba ly rượu ấy  có đủ đầy những hỷ nộ, ái , ố. Cười đó rồi khóc đó và rồi mạnh mẽ lên trước mặt chồng  ngày ra trận; đã thuyết phục được  Ban Giám Khào cũng như các quốc gia có tiết mục  tham gia.

                          Giữa lúc phải chạy gạo ăn từng bữa ấy mà  Nhà Nước cũng không quên trân trọng những gia trị quý báu  của gia sản  nghệ thuật dân tộc,  đã hết lòng  hổ trợ, giúp đỡ Ông thực hiện hoài bảo cao quý ấy, nên mới có những thành tựu quả ngọt như ngày hôm nay. Thật vô cùng đáng quý biết bao.

                           Thứ hai: Trong kho tàng âm nhạc dân tộc  khắp cả ba miến Bắc-Trung-Nam Ông đều có những mối quan tâm, chia sẽ đặc biệt. Nhưng nổi bật nhất là  sự am tường về  âm nhạc  trong nghi lễ Phật giáo (Tán Tụng). Trong những lần nói chuyện Ông không ngần ngại  so sánh  những cách tán tụng của Phật giáo  Trung Quốc với cách tán tụng của Phật giáo VN, và minh họa hết sức sinh động. Điều này  làm tăng thêm niềm tự hào về một  duyên mối của Phật giáo gắn liền với dân tộc trong nghệ thuật.

 

                            Phật giáo VN chúng ta bây giờ mới cảm thấy  tiếc nuối  khi suốt  một thời gian  dài, với hàng trăm buổi  nói chuyện như thế của Ông, ở  hội trường, sân khấu hoặc tại các chùa v…v…không nhanh nhạy ghi hình hoặc  tối thiểu ghi âm lại để  trao truyền cho các thế hệ  Phật giáo mai sau. Cũng phải thôi vì  Phật giáo VN chúng ta chưa có một đài phát thanh hay truyền hình đúng nghĩa để có thể  thực hiện  được những điều mình mong muốn, quá đáng tiếc biết bao!

 

                            Thứ ba: Cách phát âm  của Ông  trong  diễn thuyết hay  nói chuyện bình thưởng, nếu chú ý kỹ chúng ta sẽ thấy sự  chính xác có chủ ý của Ông  rất tinh tế. Ông là người con của Nam Bộ, điều đó chưa quan trọng  bằng cách làm sao để  người nghe không cảm thấy khó chịu về  mỗi lời nói  ngọng nghịu và trật lất chính tả. Là một người sống, học tập, định cư ở nước ngoài  hơn nữa đời người mà Ông không  hề để mất  đặc tính  quan trọng này thì thật đáng kính biết bao.

 

                            Như đã nói  phẩn thứ nhất trên, có lẽ một phần người ta thích nghe những buổi nói chuyện của ông trên tivi  lúc ấy chính là ở điểm này, và từ đó  dạy bảo em cháu trong nhà  thuận tiện hơn vì  “có chứng cớ” đàng hoàng. Thế hệ chúng tôi  ở lứa tuổi mẫu giáo, và ngay cả khi  ở nhà , mỗi lần phát âm  “ngọng” TR thành CH là  bị vả mồm ngay. Cho nên nếu  trên  các phương tiện truyền thông  không chú trọng điểu này thì sẽ rất khó cho  các cô mẫu giáo và gia đình dạy em cháu mình phát âm đúng nhất.

 

                             Có nhiểu ý kiến cho rằng các Phát thanh viên, Biên tập viên của  phát thanh hay truyền hình nên học tập cách phát âm của Ông. Sự cầu toàn thái quá, không theo một tiêu chuẩn nào sẽ gây  khổ lụy cho không ít  người xem - nghe đài, và đương nhiên trong giáo dục  con cái trong nhà nếu chúng có ngồi cùng xem.

 

                             Giáo sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê khi phát âm từ TR hay TRUYỀN đều rất rõ. Ngay cái chữ VÀ cũng thế, Ông không nói  theocách người  miền ngoài mà vẫn  phân từ rõ ràng bằng cách đáng đầu lưỡi  phía trên, khi đến chữ DÀ thì thỉ lại khác,  để  chiếc lưỡi nằm  sát cầm dưới .v..v…Khi Ông nói “CHƠN Lý” (hoặc chơn chánh) để tránh chữ CHÂN là  chân của chi dưới…Chữ TRƯƠNG nó phài khác chữ CHƯƠNG, Ông  nói rất rõ ràng, không  nhầm lẫn.

 

                         Thứ tư: Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê  không phài diễn viên nhưng trong các bộ môn kịch hát dân tộc, thậm chí trong lãnh vực ẩn thực, mỗi lời nhận xét của Ông cũng đều được  trân trọng. Những cách minh họa hùng hồn của ông, những cách thị phạm của Ông cũng  khiến  giới mô phạm  nghệ thuật kính nễ. Cái tâm của Ông đã là của  dân tộc cho nên cung cách trong cuộc sống, trong giáo dục âm nhạc cũng đã là linh hồn dân tộc. Đó chính là bản chất  sống, tận tụy của Ông

 

                         Tất cả những điều đó đã thể hiện trong bản di nguyện của Ông trong những ngày cưối đời  ở bệnh viện. Và hãy cứ nhìn lễ tang Ông, nhìn những người đến viếng linh cữu của Ông, để thấy hết cả cuộc đời  cao đẹp ấy.

 

 

 

                                                                  Sài gòn 26/6/2915

                                                                 Dương Kinh Thành

 






GS.TS. Trần Văn Khê qua đời

Khoảng 2g50 sáng nay - 24/6, GS.TS. Trần Văn Khê, cây đại thụ của văn hóa dân tộc đã tạ thế sau gần một tháng nằm viện điều trị nhiều căn bệnh tuổi già.

Theo tường thuật của chị Nguyễn Thị Na - người giúp việc nhiều năm tận tụy bên GS. Trần Văn Khê thì khoảng hơn 1g sáng nay, trong lúc đang nằm bên ngoài phòng điều trị cách ly của GS. Trần Văn Khê, chị và cháu của giáo sư Khê đã được gọi vào nhìn mặt ông lần cuối.


 blank

GS.TS. Trần Văn Khê diện Âu phục, sử dụng đàn cò - Ảnh chụp năm 1952 mà Trần Văn Khê

rất trân quý vì là kỷ niệm của ông với người bạn tại Viện dưỡng lao sinh viên Aire sur l'Adour tại Pháp

Tin GS.TS. Trần Văn Khê qua đời đã như một cú sốc đối với các học trò ông cũng như công chúng mộ điệu. Trên khắp các trang mạng về âm nhạc dân tộc là những lời tiếc thương cho một tài năng lớn, một nghệ sĩ tài hoa.

GS. Trần Văn Khê ngâm bản Nhớ rừng của Thế Lữ


Kiến trúc sư Trần Quang Minh, con trai GS. Khê hiện đang chuẩn bị hậu sự cho ông trong lúc GS.TS. Trần Quang Hải đang đáp máy bay từ Pháp trở về.

GS. Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc cả hai bên nội ngoại với những tên tuổi lừng lẫy như Trần Văn Trạch (em trai), Trần Văn Triều (cha), Trần Ngọc Viện (cô ruột - người sáng lập gánh hát Đồng nữ ban - đoàn cải lương duy nhất của Việt Nam với các thành viên đều là nữ), Trần Quang Diệm (ông nội), Nguyễn Tri Khương (cháu nội danh tướng Nguyễn Tri Phương)...


 blank

Trần Văn Khê - Phạm Duy - Vĩnh Bảo mang nhạc đi đánh xứ Cờ hoa năm 1971


Con trai và con dâu của ông - GS.TS. Trần Quang Hải và danh ca Bạch Yến cũng là những tên tuổi lớn trong làng nhạc. Phía sui gia cũng không kém phần lẫy lừng với các nhân vật như Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Phạm Duy...

Cả cuộc đời GS.TS. Trần Văn Khê đã có những đóng góp to lớn cho âm nhạc Việt Nam qua những nghiên cứu, tác phẩm và đặc biệt là những chuyến đi khắp thế giới để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Trần Văn Khê - Nguyên Lê ngẫu hứng Chiều tiễn đưa

Những năm tháng gần đây, tuy tuổi cao sức yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng GS. Trần Văn Khê vẫn thường xuyên có các buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc dân tộc với khán giả trẻ, góp phần hun đúc tình yêu của tuổi trẻ với nghệ thuật nước nhà.

PHẠM THÀNH NHÂN
http://phunuonline.com.vn/

 


Giáo sư Trần Văn Khê tán và tụng bài Dương Chi Tịnh Thủy

 

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời: ​Một cuộc đời viên mãn...

24/06/2015 15:53 GMT+7
  •  Dẫu biết sinh tử là lẽ thường nhưng khi nghe tin giáo sư Trần Văn Khê qua đời sáng 24-6, nhiều người yêu kính giáo sư vẫn không khỏi bàng hoàng, tiếc nhớ.
Giáo sư Trần Văn Khê về thăm quê nhà tại Vĩnh Kim, Tiền Giang năm 2009 - Ảnh: Duy Anh
Giáo sư Trần Văn Khê về thăm quê nhà tại Vĩnh Kim, Tiền Giang năm 2009 - Ảnh: Duy Anh




* Một cuộc đời viên mãn...

Gần gũi, thâm trầm, nghiên cứu uyên thâm, mang âm nhạc dân tộc ra phổ biến với bạn bè thế giới, GS Trần Văn Khê khiến ta thêm yêu âm nhạc Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông đã sống một cuộc đời viên mãn, ít gây tranh luận hơn nhưng cũng đầy thăng trầm, nhiều hoài bão.

Ông chạm tay vào những đỉnh cao nhất của cuộc đời nghiên cứu, đã để lại hậu thế một di sản đồ sộ, đã nếm trải nỗi cô đơn tận cùng của một vĩ nhân. Xin thành kính phân ưu cùng gia quyến và mong thầy yên nghỉ.

(Nhà báo Trần Minh, báo Bóng Đá)




Giao Su Tran Van Khe


* Giúp ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt

Hơn 2 giờ sáng đêm qua, Sài Gòn đổ một cơn mưa lớn. Mình tỉnh dậy đóng cửa sổ, cảm thấy mát dịu và thư thái. Sáng ra mới đọc tin GS Trần Văn Khê vừa qua đời vào khoảng thời gian đó ở Sài Gòn...

Trong bài điểm sách Những câu chuyện từ trái tim của giáo sư Trần Văn Khê, tôi đã chia sẻ rằng: “Ông làm cho ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt, từ những chi tiết ứng xử rất nhỏ, như khi ông từ chối lời mời ăn của ông thủy sư đề đốc Pháp muốn chuộc cái lỗi đã dám coi thường âm nhạc Việt: "Người Việt Nam chúng tôi không phải ai mời ăn cơm cũng ăn, bởi chúng tôi chỉ ăn với những người mình thương yêu, tâm đầu ý hiệp".

 Về tình yêu, ông quan niệm rõ người đàn bà của mình phải như thế nào, "tôi không đặt cái đẹp lên hết thảy, nhưng ít nhất phải dễ coi.Tôi thích cái duyên hơn cái đẹp. Cái duyên làm cho mình mến, mình muốn gần...".

 Ông dành nhiều trang để kể về cuộc tình một đêm với một cô vũ nữ, hay mối tình ngắn ngủi với một người bạn gái, chỉ để nói rằng ông cũng biết mở lòng ra để tận hưởng tình yêu, nhưng không bao giờ để tình yêu vượt qua lý trí.

Ông thuật lại cách đối xử sao cho trọn vẹn với người bạn gái, cô vũ nữ và ngay cả với người vợ cũ (mà ông gọi là mẹ của các con tôi), vì thế họ vẫn giữ được tình cảm và quan hệ tốt đẹp với ông.

Ông chia sẻ rằng "hạnh phúc tuy không phải bao giờ cũng hoàn toàn nhưng vẫn là hạnh phúc". Tuy ông và vợ đã chia tay, nhưng hai người vẫn quý trọng nhau, các con ông đều trưởng thành và thành đạt.

Phải chăng cuộc sống quanh ta đầy rẫy số phận, những hoàn cảnh tương tự, những cái rất không trọn vẹn nhưng vẫn đẹp và đáng trân trọng. Những bí mật như vậy thật đáng tìm hiểu, chứ đâu phải là những mảng tối khác của đời sống mà không ít lần ta trà dư tửu hậu để chuyện phiếm với bạn bè. 

Những câu chuyện từ trái tim vượt qua tầm của một cuốn tự truyện để trở thành một tác phẩm văn học có giá trị, khi ta mở bất cứ trang nào cũng thấy những chi tiết thấm đậm tình người. 

Tôi vẫn tin rằng duyên may trong cuộc sống không phải bao giờ cũng tới và nếu tới chưa chắc đã trọn vẹn, nhưng trái tim vẫn đập hằng ngày. Lắng nghe nhịp đập của trái tim sẽ khiến ta sống khoan dung, bình an và có hi vọng.

(Chị Lã Hoa - Saigon)


Giáo sư Trần Văn Khê cùng NSND Kim Cương hát cùng bạn bè thân thuộc và cháu thiếu nhi - Ảnh: Duy Anh
Giáo sư Trần Văn Khê cùng NSND Kim Cương hát cùng bạn bè thân thuộc và cháu thiếu nhi - Ảnh: Duy Anh



* Người thầy tận tình...

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời rồi, mong thầy yên nghỉ và bình yên trên đường về cõi thiên thu. Mình cũng có may mắn được làm việc với thầy nhiều lần, lâu nhất chắc là hồi làm CD thầy trích đọc hồi ký nhân dịp tái bản.

Không phải lúc nào cũng ở trạng thái vui vẻ, nhưng công việc là vậy mà, đọng lại sau tất cả là sự trân trọng và quý mến. Dù chẳng phải thấy người sang bắt quàng nhưng nếu gọi điện nói dạ con là... thì thầy nhớ ra và rất tận tình giúp đỡ nếu cần.

Gần đây nhất là buổi nói chuyện về bài Tình ca (Phạm Duy) rất cảm động. Điều mình mong là giờ đây các công trình nghiên cứu của thầy, cả sách lẫn âm nhạc, có thể được xuất bản vì chúng là vô giá.

Hồi ký của thầy cũng hay nhưng những người chấp bút quá lệ thuộc vào nhật ký của thầy nên trừ phần thời thơ ấu, còn lại hầu hết đều sơ sài, phải nói là tiếc vô cùng. Sự tiếc ấy nên được bù đắp bằng những gì thầy đã viết ra, về âm nhạc - sự nghiệp và lẽ sống của thầy.

(M.C Minh Đức - SG)

* Nói chuyện gì cũng duyên...

Tôi đã dõi theo ông và chụp ông cùng NS Hải Phượng hơn 20 năm qua, nghe ông về Việt Nam tôi lại lên, ông về thăm quê Vĩnh Kim tôi lại đến, ông có tài hùng biện nói chuyện gì cũng duyên...

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/am-nhac/20150624/giao-su-tran-van-khe-qua-doi-mot-cuoc-doi-vien-man/766164.html



Giao Su Tran Van Khe-6


Sách gồm 12 câu chuyện, 1 bài phỏng vấn và phụ lục “GS.TS Trần Văn Khê - Một hồn thơ rộng mở”, được "chấp bút" bằng đúng chất giọng Nam Bộ mộc mạc của GS.TS Trần Văn Khê.

12 câu chuyện là những trải nghiệm sinh động của GS.TS Trần Văn Khê, trải dài từ thưở ấu thơ ở làng Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang), sớm mồ côi cha mẹ, đến tuổi thanh niên ấp ủ bao hoài bão, từ chuyến đi rời xa đất nước vào năm 1949 đến hành trình khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam (Do chính Giáo Sư Trần Văn Khê diễn đọc kính mời nghe).




Giao Su Tran Van Khe-4
Giao Su Tran Van Khe-1
Giao Su Tran Van Khe-2Giao Su Tran Van Khe-1



Cuộc đời, sự nghiệp GS. Trần Văn Khê qua hồi ức của con trai (I)

Dân trí "Cái khó nhất của tôi là viết về cha tôi,một người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu nhạc Việt Nam và Á châu. Nếu viết khen nhiều hơn chê thì thiên hạ sẽ cho là thiên vị, là người trong nhà khen lẫn nhau".

 

 LTS: Sau gần một tháng vào viện, rạng sáng nay 24/6, GS Trần Văn Khê đã qua đời tuổi ở 94. Ông được coi là một tài năng lớn, một nhân cách lớn của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô bờ. Chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết của GS Trần Quang Hải - con trai của GS Trần Văn Khê viết về người cha kính yêu của mình.

Giáo sư Trần Quang Hải - Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Quang Hải và cha mình - Giáo sư Trần Văn Khê (phải)
Dù ai có muốn nói gì, nghĩ gì, đối với tôi không quan trọng. Tôi viết về cha tôi cũng như tôi đã viết về nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác. Tôi chỉ ghi những gì tôi biết về cha tôi với một cái nhìn khách quan tối đa. Nhân dịp Lễ Các Người Cha (Father's Day), tôi ghi lại một số hình ảnh của một người cha, một người thầy và một nhà nghiên cứu âm nhạc đã mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những hào quang rực rỡ chói sáng trên thế giới mà chưa có ai có thể làm được cho tới ngày hôm nay.
Thời thơ ấu
Đêm rằm tháng 6 âm lịch năm Tân Dậu (1921), chú bé Trần Văn Khê chào đời trong một gia đình bốn đời nhạc sĩ.
Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách Thần kinh. Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đờn nhiều cây, mà đặc biệt nhứt là đờn độc huyền (đàn bầu), và đờn kìm (đàn nguyệt). Với đờn độc huyền, Ông Bảy Triều đã bắt chước tiếng đào thán, tiếng ca nỉ non, nũng nịu của một người con gái, và ông đã chế ra cách lên dây đờn kìm mà ông gọi là "dây Tố Lan", thuộc hò nhì, lấy chữ xự làm hò mà dây Tồn cao bằng giọng hò trầm, thường dùng để đờn Văn Thiên Tường và Tứ đại oán, mà giới tài tử trong Nam đều biết và còn sử dụng . Người cô thứ ba Bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, trước dạy nữ công tại trường áo tím, năm 1926 vì để tang Cụ Phan Châu Trinh nên bị sa thải , về Vĩnh Kim lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng, đàn tranh rất hay và đã truyền ngón cho Trần Văn Khê trong những bài Nam Xuân, Nam Ai .
Cụ cố ngoại là Nguyễn Tri Phương, đã làm đến chức Khâm sai Kinh Lược Nam Kỳ, tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm thành Hà Nội lúc Cụ đang giữ chức Tuyên sát đồng sức Đại thần miền Bắc . Ngoại tổ là Nguyễn Tri Túc, lúc sinh thời đã nuôi rất nhiều nhạc sĩ danh tiếng vùng Cần Đước, Vĩnh Kim để cho hai người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương học các thứ đờn . Ông Nguyễn Tri Khương, cậu thứ năm của Trần Văn Khê mà cũng là thầy dạy Trần Văn Khê đánh trống nhạc lễ và trống hát bội, đã sáng tác nhiều bản nhạc theo truyền thống như "Yến tước tranh ngôn", "Phong xuy trịch liễu" mà Trần Văn Khê đã ghi âm vào dĩa hát CD OCORA số C 56005. Mẹ là Nguyễn Thị Dành không được Cha cho học nhạc, nhưng thường thích nghe hòa nhạc trong gia đình .
Trần Văn Khê và thân mẫu (1924)
Trần Văn Khê và thân mẫu (1924)
Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sanh trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ , mà lại được "thai giáo" một cách rất đặc biệt. Nhà phía bên nội ở gần lò heo, nên người cậu thứ năm làÔng Nguyễn Tri Khương đã xin phép nội tổ được đem mẹ Trần Văn Khê về dưỡng thai trong miếng vườn riêng có trồng nhiều thứ hoa đẹp lại xa lò heo, không nghe tiếng heo kêu la khi bị thọc huyết . Mỗi ngày ông lại thổi sáo và đàn tranh cho người em gái là thân mẫu Trần Văn Khê nghe mỗi sáng, trưa, chiều . Mắt không xem hát bội, không xem đá gà, chỉ thường đọc những sách như "Nhị Thập Tứ Hiếu", "Gia Huấn Ca". Sau khi chào đời, mỗi ngày Trần Văn Khê vẫn tiếp tục được nghe đàn sáo của cậu Năm Nguyễn Tri Khương, và cậu Mười Nguyễn Tri Ân cũng là người thổi ống tiêu rất hay .
Sau khi cúng thôi nôi, được ông nội rước về ở gần Ông và hàng ngày nghe ông đờn tỳ bà, cha đờn độc huyền, cô đờn tranh, chú bé đã sống trong một không khí đầy nhạc . Khách tới, ông nội đờn bài Lưu Thủy, để cho chú bé Trần Văn Khê nhảy cà tưng trong tay người cô hay người khách, cho thấy chú bé biết theo nhịp , hễ ông đờn mau, thì nhảy mau, ông đờn chậm thì nhảy chậm .
Sáu tuổi đã biết đờn kìm (đàn nguyệt) , đờn mấy bản dễ như "Lưu Thủy", "Bình Bánvăn", "Kim Tiền", "Long Hổ Hội" .Bảy tuổi đã tập cho các chị diễn viên gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện hát bài "La Madelon" để chưng màn đầu cải lương . Tám tuổi biết đờn cò. Mười hai tuổi biết đờn tranh và đánh trống nhạc, biết cùng với người anh họ, anh Ba Thuận, con của cậu Năm Khương chơi trò làm chai, xô giàng, khai xá, đề phang .
Trần Văn Khê và thân mẫu (1924)

Nhưng Trần Văn Khê lại bị mồ côi rất sớm. Ba tuổi ông ngoại qua đời . Năm tuổi đến phiên ông nội . Mẹ mất năm 9 tuổi, và năm sau 10 tuổi cha từ trần . 
Cô Ba Viện nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương đến ngày khôn lớn. Tuy mới lên 10 tuổi, mà cô ba đã lo việc đào tạo con người cho cháụ Trước hết phải biết đi xe đạp, phải đa.p đi lần từ nhà ra ngả ba chim chim, rồi đi đến Xoài hột, rồi tới Mỹ Tho cách nhà 14 cây số. Phải biết lội . Hàng ngày cô nhờ mấy anh em bà con tập cho lội lần đến lúc bỏ bập dừa lội sang sông, cô mới cho tắm sông . Rồi cho học võ Thiếu Lâm với anh Ba Thuận, với mấy thày dạy võ trong vùng . Cho học để tự vệ, để khỏi sợ ma, mà không cho đi đấu . Cô lại mua cho một cây đờn kìm nhỏ vừa tay như bên Châu Âu con nít phải đờn violon 2/4 để khỏi hư ngón . Lúc nào đờn chơi, cô cũng nghe và vừa sai là sửa liền .
Thời kỳ học tập
Sơ học
10 tuổi đậu Tiểu học . Sang Tam Bình Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi . Đến Tam Bình , Trần Văn Khê được học chữ Hán trong ba năm với Nhà thơ và nhà nho Thượng Tân Thị và trong kỳ Sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu Sơ Học có phần Hán Văn . Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đâ.u bằng chữ Hán .
 
Trung học
Vào trường trung học Trương Vĩnh Ký năm 1934, được cấp học bổng. Năm nào cũng đứng đầu lớp, và năm thứ tư học Pháp văn với ông Champion, được chấm đậu kỳ thi tuyển một học sinh xuất sắc nhứt trong năm đệ tứ để được du lịch trên chiếc xe lửa xuyên Việt năm 1938 từ Saigon đến Hà nội, ghé qua Phan Thiết, Tourane (Đà Nẳng), Nha Trang, Huế. Thêm một cái may trong đời học sinh là được học Việt văn và Hán văn với Giáo sư Phạm Thiều .
Đậu tú tài phần nhứt năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, và nhờ vậy được Giải thưởng đặc biệt của Đô Đốc Decoux, để đi viếng cả nước Cao Miên (Kampuchea) xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích và trên đường vềViệt Nam, ghé Hà Tiên. Nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, được nhà thơ Đông Hồ tiếp đãi trong một tuần, dẫn đi xem thập cảnh mỗi nơi được nghe một bài thơ hay do thi sĩ Đông Hồ đọc để vịnh cảnh đẹp .
Trong lúc học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký, đã cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong Câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của Hội SAMIPIC (Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ) . Trần Văn Khê chỉ huy hai dàn nhạc đó, vừa phối khí dàn nhạc dân tộc có chen đàn Tây như mandoline, ghi-ta (guitar), vừa diễn trong khuôn khổ dàn nhạc Scola Club, những bài hát Tây loại "Les Gars de la Marine", "Sunset in Vienna", vv…làm trưởng ban tổ chức lễ Ông Táo trước ngày lễ nghỉ vào dịp Tết Ta, Tổng thư ký hội Thể Thao, và giữ tủ sách của trường trong ba năm Tú Tài .
Được học bổng của chánh phủ thuộc địa, lại được bổng đặc biệt của hội SAMIPIC , Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa .
Đại Học
Tại Đại Học Hà Nội, cùng với các bạn Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng Hội Sinh Viên mà Chủ tịch là Dương Đức Hiền và sau này là Phạm Biểu Tâm.
Trần Văn Khê đứng trong ban tổ chức đêm hát trường đại học hằng năm, không được học nhạc Tây phương bao giờ, chỉ học dương cầm (piano) vài giờ với Bình Minh , con gái của Đốc Công Đức, sau tự học piano, mà dám phê bình các nhạc sĩ trong dàn nhạc trường đại học, mà phê bình đúng, nên được các nhạc sĩ cử làm chỉ huy dàn nhạc trường đại học . Trần Văn Khê thừa dịp đó để có thể , ngoài những bản thông thường của nhạc Tây phương như «La Veuve Joyeuse», «Marche Turque», «Monument Musical»,v.v. giới thiệu những bài hát thanh niên và lịch sử của Lưu Hữu Phước .
Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước tập cho học sinh trường Thành Nhân hát bài hát «Thiếu Sinh», các cô trường Đồng Khánh hát bài «Thiếu Nữ Việt Nam», sinh viên Đại Học Hà Nội hát bài "La Marche des Etudiants", và đầu năm 1943, dựng ca nhạc kịch "Tục Lụy" (Thơ của Thế Lữ, nhạc phổ Lưu Hữu Phước) với nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội, hè 1943, dựng ca kịch "Tục Lụy" với nữ sinh trường áo tím Nữ học đường (sau đổi thành trường Gia Long cho tới năm 1975 đổi thành trường Nguyễn Thị Minh Khai) .
Trần Văn Khê tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ trong ban của Bà Hoàng Xuân Hãn, "Truyền bá vệ sinh" của các sinh viên trường Thuốc, và cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến "Đi Hội Đền Hùng", và đi viếng sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà .
Lập Gia Đình và Hoạt Động Xã hội
Năm 1943 , Trần Văn Khê lập gia đình với Nguyễn Thị Sương, người bạn gái học cùng lớp Triết ở trường Pétrus Ký. Bà Sương là một trong bốn nữ sinh học ban Tú Tài của trường con trai Pétrus Ký vì lúc đó trường Áo Tím không có lớp trình độ trung học nhị cấp như bây giờ. Nguyễn Thị Sương rất giỏi về triết lý, bài viết đã từng được trên đài phát thanh . Lúc đó còn đang học trường thuốc, Trần Văn Khê nghe lời người cô Trần Ngọc Viện, người đã lo cho ăn học từ nhỏ tới lớn, để lập gia đình, với hy vọng có con trai nối dòng họ Trần . Trong gia đình họ Trần, thân phụ Trần Văn Khê đã qua đời sớm , để lại hai trai là Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch (từ trần năm 1994 tại Paris, Pháp) . Nếu không may hai cậu trai ấy qua đời mà chưa có con trai nối dòng thì dòng họ Trần sẽ tuyệt . Nghe theo lời của cô , Trần Văn Khê chịu lập gia đình. Trần Văn Khê yêu cô Nguyễn Thị Sương, bạn học cùng lớp Tú tài ở trường Pétrus Ký, người con gái thùy mị, dễ thương, học giỏi nhứt bên phía nữ, con gái đầu lòng của ông Hanh (Nguyễn Văn Hanh), giáo viên tại Saigon và sau đó làm đốc học tại Thủ Đức . 
Vào mùa hè năm 1943, sau mấy năm đeo đuổi hình bóng người con gái miền Nam kiều diễm, hiền hòa, Trần Văn Khê đã cùng Nguyễn Thị Sương sánh duyên, mang lại cho dòng họ Trần 4 đứa con: hai trai (Trần Quang Hải hiện là nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris, Trần Quang Minh hiện là kiến trúc sư ở Saigon) và hai gái (Trần Thị Thủy Tiên hiện sống tại Paris, và Trần Thị Thủy Ngọc, nữ nhạc sĩ đàn tranh và làm việc cho một ban nghiên cứu Đông Nam Á của trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học ở Paris) . Sự hy sinh cao cả của người vợ hiền suốt thời gian tranh đấu cho đất nước đã giúp cho Trần Văn Khê làm tròn sứ mạng của một thanh niên yêu nước có đủ thì giờ tranh đấụ Từ 1949 khi Trần Văn Khê lên đường sang Pháp để lại quê nhà một vợ, 3 con thơ dại và một đứa con còn nằm trong bụng mẹ , người vợ đã trở thành cô giáo dạy Pháp văn vàAnh văn để nuôi và dạy dỗ 4 con cho tới ngày trưởng thành . Sự hy sinh đó đã được đền bù xứng đáng là các con ngày nay đều thành danh, mang lại cho đất nước những tiếng thơm tốt đẹp qua những thành quả gặt hái khắp năm châu bốn biển của con trai đầu lòng Trần Quang Hải .
Hình cưới Trần Văn Khê và Nguyễn Thị Sương (1943)
Hình cưới Trần Văn Khê và Nguyễn Thị Sương (1943)
Mùa thu năm 1943, sau khi thi đậu đầu từ năm thứ nhứt đến năm thứ nhì trường Thuốc, đã bắt đầu chuẩn bị thi ngoại trú (Externe des Hơpitaux) thì nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về Nam . Thứ nhứt là tại vấn đề sức khỏe: bị rét rừng rất nặng. Trần văn Khê không có vi trùng lao trong cơ thể thử theo cách tiêm dưới da (intra dermo) cũng không thấy có vi trùng, thì khi học đến những bịnh truyền nhiễm , thì không đủ sức để kháng cự
Thứ hai là lúc đó có phong trào "Xếp bút nghiên". Lưu Hữu Phước đặt nhạc và Huỳnh Văn Tiểng viết lời bản nhạc "Xếp bút nghiên" đã được các sinh viên thời đó hát hăng say .
….Lúc quê hương cần người
Dứt là tơ vương
Giã trường lên yên …
Nhiều bạn trong đó có Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng đã rời nhà trường, không phải lên yên ngựa mà lên xe đạp đi về Nam bằng xe đạp . Trần Văn Khê lúc đó đau rét rừng mới hết, còn yếu, nên về Nam bằng xe lửa .
Lý do thứ ba là lúc ấy bắt đầu có nạn đói tại miền Bắc . Trần Văn Khê và Lưu Hữu Phước định về Nam để lập một gánh hát sinh viên đi các tỉnh vừa giới thiệu bài hát thanh niên, lịch sử của Lưu Hữu Phước, vừa góp tiền mua gạo gởi ra cứu đói ngoài Bắc . Và gánh hát không chuyên nghiệp và lưu động của sinh viên đã đi trong mấy tháng tại các tỉnh miền Đông và miền Tây để hát .
Về Nam, cùng với các bạn sinh viên , Trần Văn Khê tham gia tổ chức "Đêm Lam Sơn" tại Saigon, để ủng hộ học sinh trại "Suối Lồ Ồ". Rồi tham gia phong trào "Thanh Niên Tiền Phong".
Đầu năm 1944, Trần Văn Khê dạy học tại hai trường tư lớn nhứt tại Saigon: trường Lê Bá Cang và trường Nguyễn Văn Khuê .
Ngày 13 tháng 5 dương lịch, năm 1944, Trần Quang Hải , con trai đầu lòng của Trần Văn Khê ra đời tại nhà bảo sanh Thủ Đức . Lưu Hữu Phước đã viết một ca khúc «Trần Quang Hải bao nỗi mừng» để chào mừng con trai đầu tiên của người bạn chí thân của mình .
Trần Văn Khê và Nguyễn Thị Sương (1949)
Trần Văn Khê và Nguyễn Thị Sương (1949)
Ba tháng sau, cô Ba Viện, người cô và cũng là người ơn đã nuôi nấng, dạy dỗ Trần Văn Khê từ lúc mới mồ côi đến khi trưởng thành, qua đời, chưa kịp thấy mặt đứa cháu trai nối dòng họ Trần .
Các trường tản cư xuống tỉnh. Trường Pétrus Ký do Giáo sư Đặng Minh Trứ làm Giám đốc, được chuyển về Bến Tre. Trần Văn Khê trong khi chuẩn bị dạy trường ấy, dạy học trường tư thục của bác sĩ Nguyễn Văn Còn .
Lúc ấy, ngoài việc dạy học, còn tham gia Ban tuyên truyền của tỉnh Bến Tre cùng với Đặng Ngọc Tốt, đi các nơi trong tỉnh Bến Tre, Sa Đéc. Anh Đặng Ngọc Tốt diễn thuyết, Trần Văn Khê hát các bài nhạc của Lưu Hữu Phước để nhắc lại những trang lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam...
Băng Châu
(Ghi)


Giao Su Tran Van Khe-7

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2010(Xem: 6466)
Đức Phật dạy: Ai muốn tin Ta, làm đệ tử Ta, cần phải đủ trí quán sát, mới tin; không rõ nguyên nhân Ta, mà tin Ta ấy là phỉ báng Ta. Ý câu này, Ngài bảo đệ tử của Ngài, ai muốn tu, muốn hành theo hạnh Ngài thì phải rõ các hành vi của ngài. Nghĩa là: xét rõ nguyên nhân của Ngài, sẽ tin và làm theo, chớ đừng làm càn, tin bướng thì khác nào không phải lương y mà giả xưng là lương y, cách đó rất tai hại. Chúng ta nên biết: "Bồ Tát thị hiện phàm phu, chính phàm phú đó là hóa thân Bồ tát; còn phàm phu giả xưng Bồ tát thì Bồ tát ấy là Bồ tát của phàm phu". Nếu đem tâm phàm phu đó hành xử thì chỉ chuốc lấy phiền não khổ đau.
03/10/2010(Xem: 9527)
HT Minh Tâm (Khinh Anh) , 50 năm một đời người - Một đời đạo Pháp - phần 1 - Ngày Vía Quan Âm sắp đến.. 19 tháng 2 năm Giáp Ngọ . Chùa Phật Ân Tổ chức lễ Hoàn Nguyện , sau hai năm trùng kiến Ngôi Chánh Điện lần cuối và một số hạng mục khác. Vì nhân duyên đó , xin giới thiệu đến với quý thiện nam tín nữ , Phật tử gần xa , các Bậc Thiện Tri Thức . Một chuỗi hình ảnh của thầy Minh Tâm đã chuyển thể qua video , từ năm 1963 - 2014 . với nhan đề : THẦY MINH TÂM , 50 NĂM MỘT ĐỜI NGƯỜI - MỘT ĐỜI VÌ ĐẠO PHÁP . Trong quá trình sưu tầm , dàn dựng . Sai sót là điều khó tránh khỏi , kính mong quý vị hoan hỷ . NAM MÔ HOANG HỶ TẠNG BỒ TÁT .
29/09/2010(Xem: 9955)
Tác-phẩm của Trần-Thái-Tông còn lưu truyền đến nay chỉ gồm có Bộ-Khóa-Hư-Lục và hai bài thơ sót lại của quyển Trần-Thái-Tông ngự-tập đã thất-lạc.
28/09/2010(Xem: 7843)
Hòa Thượng THÍCH QUẢNG TÂM (1947 - 2010), húy Như Hảo, thế danh Lê Tấn Quang, sinh ngày 12 tháng 8 năm Đinh Hợi (1947) tại làng Thạch Trụ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo và có truyền thống xuất gia tu học.
23/09/2010(Xem: 6643)
Hòa Thượng Thích Phước Huệ sanh năm 1922, tại ấp Mỹ Thủy, xã Thạnh Mỹ Lợi, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hoạch, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ngọc.
19/09/2010(Xem: 8198)
Ngay từ hồi nhỏ tâm hồn tôi đã hướng về đạo Phật. Tôi it nói, sống trong trầm lặng, ham đọc sách, nhất là những sách về đạo Phật viết cho trẻ em. Tôi chỉ có vài đứa bạn cũng giống tính tôi, gặp nhau thì vào buồng thủ thỉ thù thì nói chuyện với nhau. Cha tôi buôn bán lớn, giao thiệp nhiều, và cũng như phần đông các nhà kinh doanh hồi đó, đều quen biết các vị sư và đóng góp nhiều cho chùa chiền. Khi các thầy đến thăm cha tôi, lúc nào tôi cũng đứng gần nghe ngóng say sưa và dâng trà cho các thầy.
04/09/2010(Xem: 5904)
"Cây héo vào xuân hoa nỡ rộ Gió đưa nghìn dặm nức hương thần." Thiền Uyển Tập Anh ( Anh Tú Vườn Thiền) ghi về sư như sau: " Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) thuộc thế hệ thứ bảy dòng Vô Ngôn Thông.Thiền Sư họ Mai, tên Trực người huyện Long Đàm châu Phúc Điền, là con người anh thái hậu Linh Cảm đời Lý. Thuở nhỏ ông thông minh mẫn tuệ, hiếu học. Nghe tiếng trưỡng lão ở chùa Mật Nghiêm giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ.
21/08/2010(Xem: 10495)
Tại một ngôi chùa Việt ở Bangkok (Thái Lan), nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái vẫn còn nguyên vẹn hình hài sau hơn 50 năm kể từ khi ngài viên tịch. Tọa lạc tại khu Yaowarat (khu phố Tàu) ở Bangkok, ngôi chùa mang tên rất Việt Nam là Khánh Vân có một lịch sử lâu đời do các Hòa thượng người Việt thành lập. Đây là một trong những ngôi chùa Việt thuộc hệ Annamnikaya hay còn gọi là An Nam Tông ở Bangkok. Chính tại chùa Khánh Vân này, nhục thân của Hòa thượng Thích Phổ Sái (pháp danh Giác Lượng), một nhà tu hành gốc Việt, được lưu giữ và thờ cúng.
18/07/2010(Xem: 7509)
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp liều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Sư Tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý. Xuất thân từ làng Trung Kiên – một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư Tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư Tổ có chí khí của một bậc Xuất trần nên Sư Tổ được Bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ: Nhất Định chiếu quang minh Hư không nguyệt mãn viên Tổ tổ truyền phú chúc Đạo Minh kế Tánh Thiên.
04/07/2010(Xem: 10981)
-Người đi tiên phong và nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển trí tuệ, từ bi và hòa bình- -Nhà lãnh đạo toàn cầu trong phong trào vì hòa bình, nhân quyền và sức khỏe cộng đồng-
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]