Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Điều Nhớ Lại Từ “Phật Giáo 1963” Của Một Chứng Nhân

23/06/201304:01(Xem: 7558)
Những Điều Nhớ Lại Từ “Phật Giáo 1963” Của Một Chứng Nhân
dailetuongniem

NHỮNG ĐIỀU NHỚ LẠI TỪ “PHẬT GIÁO 1963”
CỦA MỘT CHỨNG NHÂN
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả

blank

Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT
Nam Mô Viên Mãn Báo Thân LÔ XÁ NA PHẬT
Nam Mô Thiên Bá Ức Hóa Thân THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Nam Mô Vị Pháp Thiêu Thân THÍCH QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT
Nam Mô Đại Hùng, Đại Lực CHƯ BỒ TÁT Vị Pháp Thiêu Thân

- Kính Bạch Chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng Chứng Minh
- Kính Bạch Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni
- Kính Thưa Quý vị Quan Khách, Quý vị Thiện Tri Thức, Quý vị Truyền Thông Báo Chí, Quý vị Đạo Hữu cùng toàn thể Pháp Hội hôm nay.

Trước hết, tôi xin cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi cơ hội phát biểu hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức“Vị Pháp Thiêu Thân”vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Tôi xin nói lên những lời chân thật qua tâm sự chắt chiu ngày đó, đứng ở vị trí một quân nhân Phật tử nhìn biến cố “Phật Giáo - 63” trên lập trường Dân Tộc như một chứng nhân thời đại. Sở dĩ tôi dám nói thế là vì vào lúc đó, cá nhân tôi cùng một số bạn đồng ngũ là những người “vì lý tưởng Quốc Gia”, đem xương máu mình bảo vệ Quê Hương, đích thực là những người làm lịch sử, rồi đến sau tháng 4-1975 trở thành nạn nhân của lịch sử- tù đầy khốn khổ - và đến khi sang đây tỵ nạn thì là nhân chứng của thời đại.

I. VIẾT SỬ THI:

- Kính Bạch Chư Tôn Đức
- Kính Thưa toàn thể Quý vị,

“Hôm nay tôi nói chuyện đời
Chuyện về thế sự đầy vơi, vui buồn
Chuyện về lịch sử còn vương
Chuyện Ngài Quảng Đức yêu thương Đạo, Đời
Chuyện về ngọn đuốc sáng ngời
“Trái tim Bất Diệt” ngàn đời còn đây
Xa quê tình gửi gió mây
Về hồn sông núi tràn đầy lòng tôi.”

Nói về một biến cố lịch sử có liên quan đến Đạo Pháp và Dân Tộc không chỉ là đơn thuần kỷ niệm mà là “Ôn cố nhi tri tân” tức là “nhắc lại chuyện cũ để thấy việc mới”, là làm sống lại cái cũ để tiếp nối cái mới lúc này. Cho nên:

“Lên đây để nói tình thương
Lên đây ôn lại gió sương cuộc đời
Lên đây tiếp đuốc rạng ngời
Lên đây nói thật tình người với nhau
Nói mà lòng vẫn quặn đau
Nói về thấy cảnh trước sau bất hòa
Nói mà lệ vẫn tuôn ra
Năm mươi năm sử Việt ta nhạt nhòa
Thời gian nửa thế kỷ qua
Hôm nay nhìn lại thấy ta đã già
Quê người sống tạm là nhà
Nghĩ về chuyện cũ chan hòa tình ta
Đuốc Thiêng Quảng Đức sáng lòa
Trái tim bất hoại thành hoa tặng đời.”

Hoa mà Bồ Tát Quảng Đức tặng đời lúc đó là “Hoa Sen trong biển lửa”là hiện tượng xảy ra do Phật Giáo bị nhà cầm quyền đối xử bất công, lấy uy quyền mà áp chế. Từ tình cảm đó mà có việc “Tự Thiêu”và có chuyện hôm nay nói lại.

Để diễn tả sự kiện đặc biệt này, ngay vào dịp sự việc xảy ra, Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương đã làm bài thơ “Lửa Từ Bi”với nhập đề ba câu đầu tiên thế này:

“Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống”

Những lời này đã khiến tôi nghĩ tới “Ngọn Lửa và Trái Tim Bồ Tát”đã viết thành “Bài thơ Lịch Sử Việt”gọi là “Sử Thi”giống như ở Hy Lạp Thi Hào Homère vào 800 năm trước Công Nguyên cũng đã viết “Sử Thi”vào thời đó của nước ông để lại cho đời.

Bài “Lửa Từ Bi”còn có đoạn sau đây:

“Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét TỪ BI
Rồi đây, rồi mai sau còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với Thời Gian lê vết máu qua đi,
Còn mãi chứ! Còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ”

Và như vậy, sự việc này, biến cố đó đã tác động vào lòng người Việt và trở thành dấu ấn lịch sử dân tộc mãi mãi về sau.

II. NHỮNG DIỄN BIẾN TỪ 1957 ĐẾN 1963:

Khi muốn viết bài này, muốn nói lên lời chân thật và hòa ái, tôi đã ngồi một mình lắng đọng tâm tư, suy niệm về quá khứ, tô đậm lại hình ảnh đã mờ đi trong ký ức, làm sống lại những gì đang chết và đã trôi xa. Đối với tôi chế độ cầm quyền lúc đó đã giải quyết các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo, v.v… trong vị trí chủ quan của người chấp chánh, vì mục đích và hướng đi của họ. Sự nhận định của người “nhìn lại”là không để dĩ vãng thành một ám ảnh vô bổ và phải thật sự khách quan trước các vấn đề đánh giá vì thế giới vẫn đang chuyển hóa và lịch sử vẫn còn đây, dù có những điều chưa bạch hóa.

Đến đây thì tôi thấy được vị trí lúc này của mình trong cuộc khảo sát và đánh giá là một chứng nhân trong vai trò của người “Công dân yêu nước”nhìn về các mặt chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo chứ không còn chỉ là Phật Tử bênh vực Đạo của mình bị đàn áp. Tôi thấy rằng vấn đề Phật Giáo lúc đó chỉ là giọt nước tràn ly và Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hóa thân thành “Đuốc Soi Đường”cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam mới.

Thật vậy, nếu nhìn qua những biến cố lịch sử chống lại chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc đó kể theo thứ tự thì diễn biến như sau:

1.-Vụ ám sát hụt Tổng Thống Diệm ở Ban Mê Thuột vào tháng 2-1957 tại Hội Chợ Xuân Tây Nguyên bởi một tín đồ Đạo Cao Đàitên là Hà Minh Trí nói là để trả thù cho Tướng Trình Minh Thế và chống lại vụ đàn áp Cao Đài khiến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Cam Bốt.

2.-Vụ chống chính quyền của Đại Việt Quốc Dân Đảngvào tháng 5-1957 trong việc thành lập “Chiến Khu Ba Lòng” tại Quảng Trị, sau bị chính quyền đánh phá và tiêu diệt.

3.-Những nhân sĩ Độc Lập Miền Namđược gọi là Nhóm Caravelle tháng 4 năm 1960 ra tuyên ngôn chống chính quyền đòi thay đổi cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Quốc Gia. Kết quả 18 nhân sĩ này đều bị bắt trong đó có 10 vị đã từng cộng tác với chính phủ Ngô Đình Diệm. Một điều quan trọng cũng cần lưu ý là cũng trong năm này Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập do chế độ CS Miền Bắc giật dây.

4.-Ngày 11 tháng 11-1960 lực lượng Nhảy Dù làm đảo chánh không thành, đằng sau là các đảng phái Quốc Gia trong Liên Minh Dân Chủ Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết. Mục đích đòi hỏi “cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa dân tộc và nâng cao hiệu năng chiến đấu của Quân Dân Miền Nam”.

5.-Tháng 2-1962 hai phi cơ Skyrider A-1 oanh kích và ném bom Dinh Độc Lập. Hai phi công là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, ông Quốc bị bắn nhảy dù ra bị bắt còn ông Cử thì sang tị nạn ở Cam Bốt. Biến cố này do Đảng Đại Việt Quốc Dân Đảngđứng đằng sau.

Năm vụ vừa kể là biến cố chính trị quan trọng, vụ Hòa Thượng Thích Quảng Đức Tự Thiêu là thứ sáu mang danh Tôn Giáo. Về mặt Tôn Giáo trong suốt chín năm cầm quyền có hàng triệu người bị bắt đổi đạo từ nơi các Ấp Chiến Lược đến các làng quê hẻo lánh, còn tại các tỉnh thành thì các công chức, quân nhân được kêu gọi theo Công Giáo sẽ được thăng quan, tiến chức và họ đã tự nguyện làm vì danh lợi cá nhân.

Sở dĩ tôi nói dài dòng như vậy là vì muốn vẽra một bức tranh toàn cảnh về tình hình, để những ai từ trước tới giờ ít quan tâm đến chuyện đất nước và không sống trong thời đại Đệ Nhất Cộng Hòa hiểu rõ. Chúng tôi chỉ trình bày ở đây những dữ kiện lịch sử đã xảy ra thời đó một cách trung thực, để tùy sự nhận định của người nghe hay đọc. Giờ đây xin đi vào thời gian trọng điểm 1963.

III. BIẾN CỐ PHẬT GIÁO 1963 VÀ NHỮNG HỆ LỤY:

Tôi còn nhớ vào năm 1963 về mặt quân sự và chính trị tại Miền Nam VN đều lên cao độ, lúc đó tôi đang ở Tiểu Đoàn Súng Cối 106 ly đóng tại Thủ Thừa, Long An, vào tháng 2 Dương lịch đã yểm trợ trận đánh Ấp Bắc là trận nổi tiếng lớn trong chiến sử VNCH. Thế rồi đến tháng 5 thì biến cố Phật Giáo xảy ra.

1. Nguyên Nhân:

Khởi phát từ Huế, khi chính phủ ra lệnh cấm treo cờ Phật Giáo tại các cổng chào ngoài đường phố mà chỉ được treo trong phạm vi tự viện bên cạnh quốc kỳ và nhỏ hơn, lệnh từ Phủ Tổng Thống ký ngày 6-5-1963 theo Công Điện số 5159. Đối với Phật tử Huế thì đây là một lệnh mới, vì năm trước các cổng đón mừng Phật Đản ngoài đường phố có treo cờ Phật Giáo không bị cấm. Đến ngày 7-5-1963 thì cảnh sát đã đến một số nơi bắt hạ bỏ cờ Phật Giáo xuống vì trái quy định, kể cả tại tư gia, đó là trước Phật Đản một ngày. Thế là các Tu sĩ và Phật tử Huế đều phản kháng, họ đã lập phái đoàn lên gặp Tỉnh Trưởng và Đại Biểu Chính Phủ để yêu cầu bãi bỏ lệnh đó.

Trước khi có lệnh từ Phủ Tổng Thống, người ra lệnh trực tiếp cho Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng Thừa Thiên lại là Ngài Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, vì trên đường từ La Vang về Huế đã thấy khắp nơi ở dọc đường các cổng đón mừng Phật Đản của Phật tử Quảng Trị và Huế trang hoàng rất đẹp đã được dựng lên với đầy cờ Phật Giáo năm mầu.

Đúng ngày Phật Đản là 8-5-1963 không khí đấu tranh về vụ treo cờ rất ồn ào, nhất là tại Chùa Từ Đàm, trong đám rước có vài ngàn Phật tử, các biểu ngữ phản đối được trưng ra. Vì không muốn nổ lớn, Ban Tổ Chức đã tự động thu hồi các biểu ngữ có tính cách quá khích rồi mới cho diễn hành.

Chuyện tranh đấu đến đó tuy chưa yên nhưng cũng tạm lắng xuống, các Phật tử ra về mà lòng ấm ức.

2. Cao Điểm:

Đúng tối ngày rằm theo thông lệ Phật tử đến chung quanh Đài Phát Thanh Huế để nghe phát lại buổi lễ Phật Đản tại Chùa Từ Đàm và nghe Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp. Thính giả mỗi lúc càng đông, ước khoảng 10,000 người, nhưng Đài chưa phát sóng. Khoảng 10 giờ 00 tối thì Thầy Trí Quang và ông Tỉnh Trưởng đến. Họ vào trong rồi mà Đài cũng chưa phát thanh, dân chúng la ó. 10 giờ 35 TT Trí Quang nói chờ 35 phút vì phải nghe lại băng. Dân chúng la ó, đập cửa, bỗng có hai tiếng nổ lớn và tiếng súng nhỏ, tiếng thiết giáp đi vào giải tán đám đông. Khi đó mọi người tán loạn và kết quả là 8 chết và 14 bị thương. Một số đồng bào tại chỗ cho biết sự tàn sát này do phía lực lượng chống biểu tình gây ra, đúng 12 giờ 00 đêm trật tự mới vãn hồi.

Từ đó, cuộc đấu tranh của Phật Giáo bắt đầu. Từ Huế tràn vào Sài Gòn và lan đi nhiều tỉnh thuộc Miền Nam. Chính quyền thông báo là Việt Cộng đã gây ra cuộc thảm sát ở Đài Phát Thanh. Một nhân chứng ngoại quốc là Bác Sĩ Erich Wulf dạy tại trường Đại Học Y Khoa nói rằng, ông thấy tại nhà xác 7 xác kẻ bị văng óc vỡ đầu, kẻ bị tan xác không nhận ra. Có 3 xác bể đầu do súng lớn từ thiết giáp bắn v.v… Ông này sau đó bị chính phủ trục xuất vì việc mô tả này. Ông có mặt tại chỗ vì đi xem cùng một sinh viên Y khoa người Việt tên Tôn Thất Kỳ và khi vụ nổ xảy ra thì đến bệnh viện để giúp cứu thương.

Về phía Phật Giáo thì ngay ngày hôm sau 9-5-1963 đã ra Tâm Thư, 10-5 ra Tuyên Ngôn xin chính phủ thực thi 5 điểm: 1/ Thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật Giáo. 2/ Cho Phật Giáo được hưởng quy chế giống Công Giáo trong Dụ số 10. 3/ Xin chấm dứt bắt bớ Tăng Ni và tín đồ Phật Giáo. 4/ Xin cho Phật Giáo được tự do hành đạo và truyền đạo. 5/ Xin bồi thường xứng đáng cho những người vô tội bị chết oan.

Bản Phụ Đính giải thích quan điểm của Phật Giáo như sau: 1/ Phật Giáo không chủ trương lật đổ chính phủ. 2/ Phật Giáo không xem ai là kẻ thù, không chống Công Giáo mà chỉ tranh đấu cho sự bình đẳng tôn giáo. 3/ Đây là cuộc tranh đấu bất bạo động. 4/ Mục đích là bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội. 5/ Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận cho bất cứ ai lợi dụng cuộc tranh đấu này kể cả Cộng Sản và những kẻ mưu toan địa vị.

- Ngày 25-5-1963: Cuộc đấu tranh ngày một lan rộng và được mọi tầng lớp đồng bào ủng hộ, về phía Phật Giáo có Ủy Ban Liên Phái và phía chính phủ có Ủy Ban Liên Bộ đứng ra giải quyết những mâu thuẫn.

- Ngày 31-5-1963: Các sinh viên Huế và Sài Gòn nhập cuộc đấu tranh.

- Ngày 1-6-1963: 300 Tăng Ni Huế và 800 Tăng Ni ở Sài Gòn tuyệt thực 24 giờ.

- Ngày 3-6-1963: Chính phủ ra lệnh cấm biểu tình và bao vây cô lập các chùa tranh đấu cả Huế lẫn Sài Gòn.

- Ngày 4-6-1963: Chính phủ ra lệnh cấm trại 100% những tổ chức cảnh sát và quân đội chống biểu tình. Tình hình rất căng thẳng tại hai đô thị lớn và một số thành phố nhỏ.

3. Tự Thiêu:

Năm ngày sau khi chính phủ ban hành lệnh chống biểu tình và bao vây các chùa tranh đấu thì một sự kiện lớn xảy ra là vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11-6-1963.

Cuộc hy sinh của Hòa Thượng Quảng Đức đã được Ngài tự ý phát tâm dâng hiến từ trước. Ngài đã bày tỏ ý định trong một buổi họp kín ở Chùa Xá Lợi, sau đó có làm đơn xin với Tổng Hội và đã bị bác, nhưng sau cùng vì sự đàn áp của chính quyền quá mạnh nên vẫn được thực thi.

Để tránh sự để ý của chính quyền, Ban Tổ Chức đã biến cuộc biểu tình của Tăng Ni thành cuộc tự thiêu và phải thông báo đi đường Trần Quốc Toản, để đánh lạc hướng cảnh sát, sau đó mới chuyển về đường Lê Văn Duyệt để Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu. Địa điểm là ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, thời gian vào khoảng 10 giờ sáng, kéo dài khoảng gần nửa tiếng, sau đó đem thi hài Ngài về lại Chùa Xá Lợi. Chúng tôi thấy không cần nói rõ thêm chi tiết ở đây vì các sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam đã mô tả rõ. Trong bài này chúng tôi chỉ kể lại những điều mà các chứng nhân thuật lại ngay khi đó, những gì diễn biến sau đó và ảnh hưởng cùng biểu tượng của sự hy sinh đã đưa đến hậu quả gì? Xa hơn nữa là sau đó để dấu ấn gì và ngày nay nhắc lại câu chuyện này, chúng ta còn lại gì, nghĩ gì và học được gì?

Kính thưa toàn thể Quý vị,

Quá Khứ - Hiện Tại và Vị Lai, qua hệ quả của một sự hy hiến vô tiền khoáng hậu của “Đuốc Thiêng Quảng Đức”ra sao sẽ nói tiếp sau này.

Trước hết chúng tôi xin nói về thái độ của Ngài Quảng Đức khi sắp tự thiêu đã để lại Lời Nguyện như thế này:

“Đệ tử hôm nay tự đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thức thần nương về giúp sinh linh
Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình”

8 tháng 4 nhuần Quý Mão 1963

Và trong lá thư để lại đã nhắc chính quyền như sau: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.”

Đọc qua những phần lưu bút kể trên của Ngài đã thể hiện đúng tinh thần của một người con Phật, Từ Bi Hỷ Xả, tâm luôn rộng mở bao la. Ngoài ra lại còn tỏ ra là một công dân yêu nước có trách nhiệm, muốn thức tỉnh cấp lãnh đạo đất nước. Sự hy hiến của Ngài đã xác nhận tinh thần nhập thế của Đạo Phật. Sau cùng là đã gửi một thông điệp làm thức tỉnh lương tri thế giới cùng cả hai bên lâm chiến rằng bạo lực nào cũng sẽ không tồn tại chỉ có niềm tin, sự thật và tình thương là làm sống mãi cuộc đời. Cũng vì vậy mà Ngài để lại “Trái Tim Bồ Tát” là tình thương bất hoại, còn hoài…

Sau sự hy hiến của Bồ Tát Quảng Đức 6 giờ thì hai bên Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ đi đến một thỏa hiệp hòa hoãn để làm dịu tình hình.

4. Những Lời Nhận Xét Về Vụ Tự Thiêu

Nhìn từ những nhân chứng ngoại quốc có mặt trong vai trò ký giả và lời phát biểu từ bên ngoài của các giới chức cầm quyền của các nước bạn để thấy thế giới lúc đó xúc động ra sao?

1. Ông Malcolm Browne thuật lại: “Khi đoàn Tăng Ni đi đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt thì chiếc xe đi đầu dừng lại mở nắp xe như để sửa máy rồi một vị cao tăng bước ra khỏi xe, sau này tôi mới biết đó là Thích Quảng Đức, và thêm hai vị sư trẻ tuổi khác dìu ông ấy ra giữa vòng tròn, đặt một cái gối lên đường trải nhựa. Quả là ký ức kinh hoàng! Một người quay lại xe và lấy ra một can nhựa polyethylene đầy mầu hồng, sau này tôi mới biết là có pha thêm xăng máy bay phản lực để cháy lâu hơn, rồi người này đổ xăng từ trên đầu xuống và lùi lại mấy bước.

Ngay lúc đó, vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt lửa rồi thả rơi vào lòng, ngọn lửa phựt lên trùm kín cả thân người. Mặt ông ấy nhăn nhúm lại, nhìn nét mặt ấy thì biết ông ấy đang đau đớn lắm, nhưng không kêu lên tiếng nào. Tôi nghĩ ông tự thiêu khoảng 10 phút hoặc hơn một chút, nhưng cảm thấy như kéo dài đến vô tận vậy! Cả giao lộ nồng lên mùi thịt cháy trong tiếng kêu gào than khóc của Tăng Ni. Xe cứu hỏa tới, định len vào nhưng các Tăng Ni đã nằm dài ra trước bánh xe để cản đường nên xe không tiến lên được, nếu không muốn cán qua người cản. Sự việc này đã xảy ra khi tôi đang chụp ảnh…”Bức ảnh tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức đã được M. Browne gửi về trụ sở AP ở Phi Luật Tân và lập tức được phổ biến toàn thế giới.

2. Tổng Thống Kennedy khi nhìn thấy bức ảnh đã nói: “No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one” (Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo nhiều cảm xúc như bức ảnh đó).

3. Ông John Mecklin, nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã phát biểu như sau: “Đây là một biến cố gây chấn động tai hại không lường được trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo, nó đã trở thành một vấn đề quốc gia quan trọng nhất phải đối diện tại Việt Nam.”

4. Sử gia Seth Jacobs nói: “Cuộc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức đã đốt thành tro kinh nghiệm của người Mỹ về nhà Ngô và không có sự viện trợ nào có thể giúp cho ông Diệm lấy lại uy tín vì bức ảnh của M. Browne đã khắc sâu vào tiềm thức của quần chúng thế giới.”

IV. ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN:

Những nhà quan sát và bình luận thế giới, khi vụ tự thiêu của HT Quảng Đức xảy ra thì đều thấy rõ nguy cơ và ảnh hưởng cho chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ông William Colby lúc đó đã được thuyên chuyển từ Việt Nam sang coi Tình Báo CIA của Á Châu, đã có ý kiến: “Tổng Thống Diệm đã giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo vô cùng vụng về, chính vì vậy đã cho nó cơ hội để bùng nổ. Nhưng, tất cả coi như đã xong, họ đã không còn có thể làm gì được nữa, sau khi vị sư này tự thiêu!”

Về tình hình tại Huế, Sài Gòn và các nơi lúc đó, Phật Giáo bị theo dõi, bắt bớ và tiếp tục đàn áp. Tuy đã có Thông Cáo Chung được công bố để làm dịu tình hình nhưng chính quyền vẫn không muốn thật lòng giải quyết, mà chỉ là kế hoãn binh. Chứng cớ không thể chối cãi được là Mật Điện số 1383/VP/TT ngày 18-6-1963 do ông Đổng Lý Văn Phòng Quách Tòng Đức ký gửi cho các giới chức chính phủ cả dân sự lẫn quân sự và ngành Công An - Cảnh Sát như sau: “Để tạm thời làm êm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni và Phật Giáo phản động. Tổng Thống và ông Cố Vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ – Các nơi hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh – Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gửi đến sau – Ngay từ giờ này chuẩn bị cho giai đoạn tấn công mới. Hãy theo dõi điều tra thanh trừng những phần tử Phật Giáo bất mãn và trình thượng cấp kể cả sĩ quan và công chức cao cấp.”

Đây là sự thật về việc chính quyền không thực tâm giải quyết vấn đề và nói lên sự độc tài và kỳ thị tôn giáo nặng nề.

KẾ HOẠCH ĐỐI PHÓ THÍCH NGHI là tối 20-8 rạng ngày 21-8 lực lượng quân đội và cảnh sát đã đột nhập tất cả các chùa trong toàn quốc bắt hết các tăng ni đấu tranh (xin xem ở trang sau).

Đúng vào lúc tình hình căng thẳng thì chính quyền đã gửi Bà Ngô Đình Nhu đi sang Mỹ để giải độc. Vào một dịp thuyết trình về biến cố Phật Giáo Việt Nam cho người Mỹ ngay tại Los Angeles này bà đã gọi vụ tự thiêu là “nướng thịt” (barbecue). Bà đã nói như sau: “Let them burn and we shall clap our hands.” (Hãy để cho họ tự đốt và chúng ta sẽ vỗ tay),rồi bà nói thêm rằng bà sẽ“cung cấp thêm dầu và diêm cho các nhà sư Phật Giáo vì sự nướng này không đủ nóng vì dùng dầu nhập cảng.”Sử gia Howard Jonesnói rằng chính những lời nói này đã khai tử chế độ Diệm.

Do chủ trương của chính phủ là không thỏa hiệp và sẽđàn áp, nên tình hình về mặt thực tế là tu sĩ cùng tín đồ Phật Giáo vẫn bị bắt và theo dõi nên càng ngày càng nặng nề hơn.

Tiếp sau vụ tự thiêu của HT Quảng Đức đến ngày 7-7-63 có vụ tự tử của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tamrồi liên tiếp còn thêm 6 vụ tự thiêu nữa, đó là:

1. Ngày 4-8-1963 Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu lúc 12 giờ 00 trưa trước Tòa Tỉnh Phan Thiết.

2. Ngày 13-8-1963 Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu lúc 2 giờ 00 đêm tại Chùa Phước Duyên, Hương Trà, Thừa Thiên.

3. Ngày 15-8-1963 Sư Cô Diệu Quang tự thiêu lúc 8 giờ 30 sáng tại Ninh Hòa.

4. Ngày 16-8-1963 Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu lúc 4 giờ 00 sáng tại Chùa Từ Đàm, Huế.

5. Ngày 5-10-1963 Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu lúc 12 giờ 25 tại bùng binh Chợ Bến Thành, Sài Gòn.

6. Ngày 27-10-1963 Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu lúc 10 giờ 00 tại Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Đại Đức Thích Thiện Mỹ là người hy hiến cuối cùng trong chiến dịch chống lại chính quyền Tổng Thống Diệm.

NGÀY ĐẶC BIỆT TẤN CÔNG các chùa: Đêm 20-8 rạng ngày 21-8-63, chính quyền mở chiến dịch“Nước Lũ” ở khắp các tỉnh bắt giữ toàn bộ các Tăng Ni tranh đấu trong toàn quốc vì bảo vệ Đạo Pháp.

Sau đợt đàn áp này thì phong trào chống đối của Phật Giáo bị tê liệt vì các Tu Sĩ lãnh đạo phần lớn đều bị bắt giam, chỉ trừ những người trốn thoát không bị bắt. (Quý vị tăng ni chỉ được thả sau ngày lật đổ Ông Diệm). Tuy nhiên phong trào sau lại phục hồi, chứng cớ là ở Sài Gòn vào tháng 10 vẫn có 2 vụ tự thiêu của ĐĐ Quảng Hương và Thiện Mỹ như vừa kể ở trên.

Liệt nữ Quách Thị Trang bị súng của lực lượng chống biểu tình bắn chết tại bùng binh Chợ Bến Thành trong cuộc biểu tình ngày 25-8-63 (năm ngày sau Chiến Dịch Nước Lũ tấn công các chùa của chính quyền).

V. NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ SAU:

“Tạm ngừng tường thuật ở nơi đây
Để lắng nghe đời luận gió mây
Chờ tâm thanh tịnh và trí sáng
Sẽ lại trở về tình đong đầy”

Kính thưa toàn thể Quý vị,

Âm vang của câu chuyện “tự thiêu”đã được thuật lại bởi Mục Sư Harrington vào một buổi giảng tại New York ngày 30 tháng 6-1963, như sau:

“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11 tháng 6, vị sư Thích Quảng Đức đã ngồi theo theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Người cầm xâu chuỗi và bắt đầu niệm Phật, còn áo cà sa thì đã tẩm đầy xăng. Các Tăng Ni lùi lại kính cẩn và kinh sợ, còn khách bộ hành thì đoán rằng sắp có việc gì đặc biệt diễn ra nên dừng lại chờ đợi.

Với vẻ yên tĩnh và bình thản trên khuôn mặt, Ngài niệm lớn “Nam Mô A Di Đà Phật”, rồi bật diêm châm lửa, ngọn lửa bốc lên phủ khắp toàn thân. Ngài ngồi thẳng, không rên la lay động trong 10 phút chìm trong khối lửa, khi lửa tàn, nằm xuống bất động…

Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình Thương”“Hòa Bình”, quyết chí tự thiêu?

Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời này đến chỗ tự tử thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhấtmột đôi khi cũng đã sản xuất những NGƯỜI TỬ ĐẠO quả cảm nhất trong lịch sử…

Hòa Thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng Thống Diệm và lưu ý toàn thế giới!”

Tờ báo Le Journal de Genèvethì nói rằng: “Người ta có thể tuyên truyền rằng đó chỉ là cuộc nổi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện với chính phủ chỉ là một thiểu số bó kết chặt chẽ với nhau, mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc. Nhưng dù sao việc hy sinh của Ngài Thích Quảng Đức cũng cho thấy Phật Giáo Việt Nam đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ.”

Đó là dư luận bên ngoài còn trong nước thì vô số kể, không thể nào dẫn chứng hết được. Riêng đối với tôi, một người quan sát, một chứng nhân thời đại thì xin nêu ra 7 điểm sau đây do Ngọn Lửa Thiêng Quảng Đức sinh ra:

1. Tạo ra một siêu nhân, một vị Bồ Tát Việt Namtrong thời đại thế giới ở thời kỳ “Chiến Tranh Lạnh”.

2. Sản xuất ra “một Trái Tim Bất Diệt”biểu tượng của xá lợi Đại Bi.

3. Hành động đánh thức Lương Tri Nhân Loại.

4. Nói lên Phật Giáo tranh đấu cho Bình Đẳng và Hòa Bình, cùng đồng hành với Dân Tộc.

5. Thắp sáng ngàn vạn trái tim kẻ khác.

6. Soi rọi con đường điêu linh của dân tộc kêu gọi đoàn kết và thương yêu.

7. Đưa đến một ngả rẽ về chính trị của Mỹ.

Đây chỉ là những nhận xét cá nhân, nếu quý vị thức giả thấy có điều gì sai sót thì xin chỉ dạy, tôi xin vô cùng cảm tạ.

Về nhận xét của các vị thức giả Việt Nam thời đó thì tóm gọn 4 điều đánh giá chính quyền Đệ Nhất VNCH như sau:

- Thứ nhất: Kể từ ngày cầm quyền đã có những hành động tiêu diệt các đảng phái và đối lập với chủ trương độc tài chính trị và độc tôn Thiên Chúa Giáo La Mã.

- Thứ hai: Lập Đảng Cần Lao Nhân Vị và các tổ chức ngoại vi như: Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới v.v… để làm công cụ chính trị, hậu thuẫn cho chính quyền cai trị Miền Nam.

- Thứ ba: Điều hành đất nước theo tinh thần quan liêu, gia đình trị, và muốn Ki Tô hóa đất nước.

- Thứ tư: Không tạo được sức mạnh đoàn kết quốc gia để chống Cộng hiệu quả.

Cực chẳng đã chúng tôi mới ghi lại những điều này vì biết rằng nói ra có thể đụng chạm một số người còn thương quý nhà Ngô bởi ơn nghĩa hay cùng quan điểm hoặc cùng tôn giáo. Nhưng vì những thế hệ đi sau, chúng ta phải nói ra sự thật vì lịch sử vẫn là lịch sử. Nhìn lại lịch sử là coi những diễn biến trung thực của dân tộc và đất nước một cách khách quan, không thiên vị, không ai có quyền bóp méo, xuyên tạc lịch sử. Và nhất là không một người nào hoặc đoàn thể hay đảng phái hoặc tôn giáo nào có thể dựa vào lịch sử để nhận công hay chạy tội cho phe phái mình. Lịch sử bao giờ cũng công chính!

Nhân nói đến chuyện âm mưu xuyên tạc lịch sử, chúng tôi xin cảnh báo quý vị thường dùng Internet là trong hai năm gần đây, ngay việc Tự Thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức cũng đã bị xuyên tạc bằng hai DVD tung lên You Tube:

- Một vào ngày 3-5-2010 nói về Vụ Mất Miền Nam Sài Gòn 1975 có đề cập đến vụ tự thiêu 1963 của HT Quảng Đức. Họ nói rằng tên sư giả là Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Công Hoan lúc đó do âm mưu của CIA đã tiêm thuốc an thần quá độ để Ngài thành cái xác không hồn, rồi đem ra thiêu, đó là bịa đặt. Tên này theo tìm hiểu của chúng tôi thì tên thật là Huỳnh Văn Thạnh, sinh năm 1944 (như vậy năm 1963 mới 19 tuổi), sau này là dân biểu của Việt Cộng vùng Khánh Hòa. Người đổ xăng lên Ngài Quảng Đức chính là Đại Đức Chân Ngữ nay đã 80 tuổi sống ở San Jose California.-

- Vụ thứ hai xuyên tạc là video mang tên “A Shot in “Mondo Cane”” phát lên You Tube ngày 24-7-2011 nói là của hai người Ý quay được dài 7 phút 8 giây. Trong video này họ trộn lẫn đóng giả và một vài cảnh thật lấy từ ảnh chụp. Cái sai của nó là đóng cảnh đồng bào chung quanh, rồi có cảnh sát cản không cho đến gần. Đây là màn đóng ở Cam Bốt vì có cả người mặc xa-rông và chùa theo kiến trúc Thái-Cam Bốt.

Tôi nêu ra ở đây để chúng ta cẩn thận, vì đây là tập đoàn những người buôn thù hận và cực đoan tôn giáo làm ra, họ có mục đích riêng của họ ngoài việc xuyên tạc và bôi nhọ Phật Giáo.

“Họ là những chuyên gia bán buôn thù hận
Lấy việc đời đem bôi bẩn bùn nhơ
Xin Ơn Trên hãy thứ tha cho họ
Vì họ làm trong u muội, mê mờ”

VI. KẾT LUẬN:

Về cuộc cờ Việt Nam từ 1954 đến 1975, cả Miền Bắc lẫn Miền Nam đều bị động giữa hai thế lực lớn là Tư Bản và Cộng Sản. Họ đã lấy đất Việt Nam là chiến trường và dùng xương máu Việt để tranh chấp. Những người bận rộn không nhìn thấy việc này. Người Việt vì những khó khăn trong cuộc sống nên quên cả thương nhau và đoàn kết. Vấn đề Phật Giáo bị lôi cuốn vào sự tranh chấp với chính quyền Ngô Đình Diệm cũng là bị đặt trong bàn cờ lớn.

Đứng ở vai trò của một chứng nhân thời đại, thuộc thế hệ lớn lên trong nạn nước, đã đi suốt chiều dài lịch sử của chiến tranh tan nát và mất mát trên quê hương mình. Từ Bắc vào Nam rồi trải qua một giai đoạn đầy bi kịch của lịch sử, đất nước chia đôi, quê hương tan nát. Tôi đã trưởng thành trong khói lửa, cứ tưởng mình cầm súng giữ quê hương. Nhưng, đến khi cuộc cờ tàn thì bị tù đầy rồi lưu vong tỵ nạn. Nhìn thấy quê hương cho đến giờ vẫn chưa theo kịp trào lưu thế giới, thật buồn thương khôn xiết. Vì cuộc đời là bi hài kịch nên thắng thua chỉ là giai đoạn, chỉ là mộng tưởng mà thôi! Nếu nhìn sâu trên bàn cờ thế giới thì thân phận nhược tiểu vẫn là thua thiệt. Và kẻ thắng có thể là thua và người thua chưa chắc là thua thật. Nếu nhìn sâu từ 30-4-75, Miền Bắc thắng Miền Nam về quân sự, nhưng về mặt thực tiễn và tâm lý họ đã thua hoàn toàn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và nhân phẩm nên đã sinh ra một Dương Thu Hương và nhiều cán bộ tỉnh ngộ xét lại như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v..

Tôi xin kết luận bằng ba đoạn thơ thế này:

Một là NHỚ XƯA

“Hôm nay nhắc lại chuyện ngày qua
Tôi vẫn buồn thương việc nước nhà
Vẫn thấy quê hương tan nát quá!
Khóc cười cuộc mộng… vẫn đi xa…

Hai là VẪN

Tôi vẫn yêu đời thương quê hương
Vẫn cười nhân thế, ngắm vô thường
Vẫn mong Đạo Pháp trường tồn mãi
Buông bỏ mộng đời chẳng vấn vương!

Ba là CÁM ƠN

Cám ơn Quý vị lắng nghe tôi
Phải-Trái, Đúng-Sai cũng thế thôi
Lịch sử muôn đời là bài học
Học thành giọt nước… cuốn sông trôi!

Và cuối cùng là bài thơ XIN CHÀO để kính chào Chư Tôn Đức cùng toàn thể Pháp Hội, xin hẹn một lần sau sẽ trình bày những vấn đề khác của một chứng nhân:

XIN CHÀO

Ta vẫn còn đây, vẫn sống đây
Vẫn cười, vẫn hát với trời mây
Vẫn chào cuộc sống đang trôi chảy
Vẫn thấy hoa cười, vẫn vỗ tay

Ta thấy kiếp người một phút giây
Tại sao không biết sống ngay đây
Mặc trời mưa nắng hay giông bão
Ta vẫn cùng đi tay nắm tay

Hôm nay hội ngộ ở nơi đây
Ôn lại chuyện xưa thương xót đầy
Cùng nhau, buông hết mà vui sống
Ta cũng mừng ta biết phủi tay

Lịch sử ngàn đời cất cánh bay
Đời thực ngay đây chính phút này
Quá khứ vị lai đều ảo ảnh
Sống Đạo nơi đời vui lắm thay!.

Xin Cảm Tạ Chư Tôn Đức và Cám Ơn Quý Vị Thính Giả.

Kính Chào Pháp Hội hôm nay.

Cali ngày 23-6-2013

Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả




w
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/04/2013(Xem: 5992)
Con, Tỳ kheo ni Hạnh Thanh, vừa là môn phái Linh Mụ ; nhưng thật ra, Ôn, cũng như con và cả Đại chúng Linh Mụ đều là tông môn Tây Thiên pháp phái. Vì Ôn Đệ tam Tăng thống tuy Trú trì Linh Mụ quốc tự, nhưng lại là đệ tử út của Tổ Tâm Tịnh, Khai sơn Tổ Đình Tây Thiên, được triều Nguyễn dưới thời vua Khải Định sắc phong là Tây Thiên Di Đà tự. Ôn Cố Đại lão Hòa thượng Đôn Hậu có cùng Pháp tự chữ Giác với quý Ôn là Giác Thanh, trong Sơn môn Huế thường gọi là hàng thạch trụ Cửu Giác và có thêm một hàng gọi là bậc danh tăng thạc học Cửu Trí (Chỉ cho các ngài Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Siệu v..v...) Cố đô Huế là vậy ; đó là chưa kể nơi phát sinh ra danh Tăng ưu tú ngũ Mật nhị Diệu (Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không) và cũng là nơi đào tạo tăng tài, xây dựng trường Đại học Phật giáo đầu tiên không những chỉ cho Huế mà cả miền Trung việt Nam nữa. Ở Huế thường kính trọng các bậc chơn tu thực học, đạo cao đức trọng nên thường lấy tên chùa để gọi pháp
11/04/2013(Xem: 11232)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
10/04/2013(Xem: 7733)
Ngày 15-2-1965, tôi và thầy Chơn Thanh cũng như các học Tăng khác từ các nơi tập trung về Phật học viện Huệ Nghiêm dự thi tuyển vào khóa II của Phật học viện. Thầy thì từ Phật học đường Phổ Quang Gia Định đến, tôi thì từ Phật học đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh lên, tất cả cùng một chí hướng, một mục đích và một ước nguyện là thi đậu vào Phật học viện. Kết quả, thầy thi đậu lớp Sơ trung 2, tôi thi đậu vào lớp Sơ trung 1
10/04/2013(Xem: 9637)
Kính dâng Hoà Thượng Thích Tịch Tràng, để nhớ công ơn giáo dưỡng - Tôi ra thắp nhang nơi tháp mộ của Người, ngồi bên tháp rêu phong, vôi vữa đã lở ra từng mảng, đường nét đơn sơ giản dị như cuộc đời giản dị của Thầy, lòng chợt bâng khuâng nhớ thương thầy vô hạn. Tôi tự hỏi: “Động cơ nào đã thôi thúc Thầy nguyên là một vị giáo sư Pháp văn ưu tú con nhà quý tộc ở xứ Quảng, lại cắt ngang con đường công danh sự nghiệp, để vào đây nối bước theo chân Tổ mà nối đuốc đưa mọi người qua khỏi bóng đêm vô minh dày đặc và biến nơi đây thành một quê hương tâm linh cho tất cả ngưỡng vọng hướng về”.
10/04/2013(Xem: 8905)
Một sinh thể đã xuất hiện trong cuộc đời như chưa từng có, đến lúc từ giã ra đi cũng thật nhẹ nhàng như cánh nhạn lưng trời. Vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, được bẩm thụ cái gen của tổ phụ từng nổi tiếng văn chương, lại hấp thụ tinh hoa của địa linh sông Hương, núi Ngự - một vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Phật giáo miền Trung. Khi trưởng thành, thể hiện phong thái của một bậc nữ lưu tài sắc vẹn toàn, nhưng túc duyên thôi thúc, sớm rõ lẽ vô thường, dễ dàng từ bỏ cảnh phú quí vinh hoa, hâm mộ nếp sống Thiền môn thanh đạm.
10/04/2013(Xem: 6714)
Cư sĩ Tâm Minh- Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam-nay là tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan.Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự đức.
10/04/2013(Xem: 7186)
Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, sinh ngày 17 tháng 11 năm Tân Mão (1890), tại làng Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Toán và cụ bà Tôn Nữ Thị Lý. Ngài là con trai thứ ba trong gia đình, bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi Ngài đã tinh thông Nho học rõ lẽ xuất xứ ở đời, nhưng với chí khí xuất trần, muốn vươn tới một phương trời cao rộng Ngài đã xin phép song thân được xuất gia tầm sư học đạo.
10/04/2013(Xem: 11320)
Đại Lão Hoà Thượng Pháp danh Thượng Quảng Hạ Liên, Tự Bi Hoa, Hiệu Trí Hải thế danh Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1926 – Bính Dần tại Sông Cầu – Tỉnh Phú Yên, trong một gia đình túc nho, tiểu thương, giàu lòng kính tin tam bảo, Hoà thượng là con thứ 8 trong gia đình với 09 Anh Chị Em được thân phụ là Cụ Ông Nguyễn Văn Phân – PD. Nhựt Minh và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Dưỡng – PD.
10/04/2013(Xem: 7002)
Ngài thế danh là Nguyễn Xuân pháp danh Thanh Phong pháp tự Hoàng Thu hiệu Như Nguyện. Sinh ngày 01/06/1937 tai thôn Phú Cấp xã Diên Phú huyện Diên Khánh tinh Khánh Hoà. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Ðối thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Lẻo pháp danh Trừng Lan. Ngài là anh cả trong 4 anh em.
10/04/2013(Xem: 12136)
Viết thêm một bài về Ngài Thiện Minh, dù nhiều vị đã viết - Viết, vì thấy thêm một bài của Tâm Nguyên trên diễn đàn baovechanhphap - Viết, vì Mùa Hạ 2009, tịnh niệm An Cư, tưởng nhớ tiền nhân, làm gì cho hôm nay, và nhắc nhở hậu bối mai sau Tương chao nhà quê Tăng Lữ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]