Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thích Tâm Giác (1917 - 1973)

21/02/201304:06(Xem: 7585)
Hòa Thượng Thích Tâm Giác (1917 - 1973)
HT Thich Tam Giac
HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM GIÁC
(1917 - 1973)

Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. 

Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo. 

Được biết thuở nhỏ, Ngài cứ yếu đau, quặt quẹo luôn, rất khó nuôi. Theo tập quán địa phương, Ngài được hai cụ thân sinh đem “bán khoán” cho vị Tăng trú trì tại ngôi chùa trong thôn và ở luôn trong chùa. Đến khi lên 7 tuổi, vì đã quen sống cuộc đời chay tịnh, nên Ngài xin với song thân cho xuất gia đầu Phật. 
Được sự chấp thuận của hai cụ, bước đầu Ngài thụ nghiệp với Hòa thượng Thích Trí Hải tại chùa Mai Xá thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (nay là Nam Hà). 

Vào đầu thập kỷ 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp nước. Tại Nam kỳ Hội Nghiên cứu Phật học ra đời năm 1931 ở Sài gòn. Tại Trung kỳ Hội An Nam Phật Học thành lập ở Huế năm 1932. Các Phật học đường được tổ chức khắp nơi. Các tạp chí Phật học xuất bản đều đặn để hoằng dương đạo pháp, gieo vào tâm hồn chư Tôn đức, Tăng Ni và Phật tử cả nước niềm phấn khởi chưa từng có. 
Trước phong trào rầm rộ ở Nam và ở Trung, năm 1934 Hòa thượng Trí Hải (chùa Mai Xá) bèn từ giã bản tự lên thủ đô Hà Nội, cùng với chư Tôn đức và các cư sĩ thuần thành đầy tâm huyết như các ông Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Đại, Bùi Thiện Căn, Bùi Thiện Cơ vận động tổ chức hội Bắc kỳ Phật giáo. Hội đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Hanh là Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thuyền gia Pháp chủ, mở đầu kỷ nguyên chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc.

Bấy giờ Ngài 17 tuổi, được Bổn sư cho theo lên Hà Nội hầu hạ và đóng góp sức mình vào công việc hoằng dương đạo pháp. Thuở ấy Ngài chỉ mới thọ giới Sa Di, nhưng được các Tổ Tế Xuyên, Tế Cát, Trung Hậu, Hương Tích và Tuệ Tạng rất thương yêu. 

Nhờ Ngài có sẵn căn bản Nho học hấp thụ được trong gia đình, lại được Hòa thượng Trí Hải dày công huấn giáo và các Tổ ân cần bảo ban, dẫn dụ, nên về mặt giáo lý và thuyền hạnh, Ngài được coi là hàng tân tiến khả dụng, có nhiều triển vọng trong tương lai, làm trụ cột cho tòa nhà Phật giáo. 

Năm 1937, sau khi tốt nghiệp lớp Trung đẳng Phật học tại trường Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, Ngài được các Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo giới, lúc đó Ngài tròn 20 tuổi. Đại giới đàn này do các vị Tôn túc thủ tọa chứng minh như Tổ Tế, Tổ Trung, Tổ Hương, Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ (1) và các Hòa thượng Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên tác chứng. 

Từ đó Ngài được vào hàng sứ giả của Như Lai, được cử giữ những chức vụ trọng yếu trong trụ xứ cũng như làm Duy Na trong các kỳ kiết hạ an cư tại chùa Quán Sứ (số 74 đường Quán Sứ - Hà Nội). 
Sau năm 1945, vừa tốt nghiệp xong lớp Đại học Phật học tổ chức tại chùa Quán Sứ, Ngài cũng như các sinh viên Tăng và dân chúng phải tản cư khỏi thành phố vì thời cuộc. Ngài phải di cư lên vùng Thái Nguyên, sau lại trở về Ninh Bình. Được ít lâu, Ngài trở về Mai Xá nơi chùa cũ tiếp tục tu học và chăm lo nuôi dưỡng sáu trăm em cô nhi đang bơ vơ vì đạn lửa chiến tranh. 

Năm 1949, nhân một cơ duyên tốt, Ngài hồi cư về Hà Nội và được cử giữ chức Phó Giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, phụ bút nguyệt san Phương Tiện, cơ quan của Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt do Hòa thượng Tố Liên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong thời gian này Ngài còn tham gia các công tác từ thiện xã hội, hợp sức cùng Hội Việt Nam Phật Giáo do Cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng, trông nom Cô nhi viện ở trại Tế Sinh lên đến một trăm sáu mươi em. Ngài còn nhận làm Ủy viên trong trại nuôi dưỡng đồng bào hồi cư ở Ngọc Hà. Hàng năm cứ vào mùa kiết hạ an cư tại chùa Quán Sứ, Ngài đều được cử giữ chức Duy Na, một chức vụ quan trọng trong thất chức tùng lâm. 
Vốn đã thông thạo Hán tự, biết qua Pháp văn, lại ôm ấp hoài vọng xuất dương tu học và tham khảo Phật sự các nước, nên lúc còn học tại chùa Quán Sứ, Ngài đã cùng bạn đồng môn là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm rủ nhau tranh thủ đi học thêm Anh văn và Nhật ngữ. 
Cơ duyên tốt lành đã đến. Năm 1953, trong một cuộc họp liên hội gồm Hội Việt Nam Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, hội nghị đã công cử Ngài cùng Hòa thượng Thanh Kiểm sang Nhật Bản để nghiên cứu về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại quốc gia đó. 
Tại Nhật Bản, hai vị đều kiên tâm, trì chí, chuyên tu chuyên học cả về Phật pháp và thế học. Riêng Ngài thường ôm ấp chí nguyện cải tạo nếp sống cho thế hệ tương lai, cần theo chiều hướng của thời đại là có khỏe mạnh về thể xác mới mong tiến hóa về mặt tinh thần. Do đó, ngoài việc học Phật pháp và thế pháp, Ngài còn hàng ngày đến luyện tập nhu đạo (Judo) tại Trung tâm Nhu đạo KODOKAN. 
Sau chín năm tu học tại Nhật, Ngài đã tốt nghiệp Đại học Phật pháp tại Tokyo, lãnh cấp bằng Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông Phương và Tam đẳng huyền đai tại viện Nhu đạo KODOKAN. 
Năm 1962, hai vị trở về nước hoằng pháp. Bước qua năm 1963, Phật giáo Việt Nam gặp pháp nạn, Ngài đã cùng chư Tôn đức, Tăng Ni tham gia tích cực trong mọi công cuộc hô hào Phật tử chống lại bạo quyền áp bức, kỳ thị tôn giáo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhờ sự đồng tâm nhất trí của hàng triệu con Phật đứng lên bảo vệ tín ngưỡng của dân tộc, được sự đồng tình của mọi tầng lớp đồng bào, của các tôn giáo bạn, của dư luận thế giới, nhờ sự hy sinh cao cả của chư Tăng Ni đã dùng sanh thân đốt lên ngọn lửa bi trí dũng, trong đó có ngọn lửa của Bồ Tát Thích Quảng Đức, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam thắng lợi. 

Năm 1964, nhờ thắng lợi đó, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Ngài được cử giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính. Trong hiến chương của Giáo hội có ghi: “Những đồng bào Phật tử Bắc Việt di cư được thành lập một miền trong Giáo hội mệnh danh miền Vĩnh Nghiêm”. Do đó, Ngài được bầu làm Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm. Ngày 1-7-1964, Ngài được Giáo hội ủy cử đảm trách chức vụ Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo.Cuối năm 1964, thực hiện giấc mộng hằng ôm ấp từ lâu là tạo lập cho thanh niên Việt Nam có một thể lực tự vệ, thể hiện ý chí kiên cường của thế hệ trẻ có đủ ba đức Bi Trí Dũng, Ngài thành lập viện Nhu đạo Quang Trung, đào tạo được hàng trăm nghìn thanh niên đủ các đẳng cấp đai, mà dư âm của trường Nhu đạo này còn vang đến ngày nay trên các võ đài quốc gia cũng như quốc tế. 

Với hoài bão Phật giáo cần có cơ sở hạ tầng đúng với tầm vóc, Ngài muốn xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một đại tòng lâm Phật giáo giữa một thành phố lớn vào bậc nhất cả nước, thành một Trung tâm văn hóa Phật giáo và một Trung tâm du lịch. Trước hết Ngài cho tiến hành xây ngôi bảo tháp 9 tầng, vươn cao giữa bầu trời Sài gòn. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài đã viên tịch, rồi tiếp theo các biến cố của thời cuộc, nên công việc phải đình lại. 

Ở cương vị đại diện miền Vĩnh Nghiêm, Ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, là ngôi chùa lớn và đẹp nhất Sài gòn, mà ngày nay du khách trong và ngoài nước thường đến tham quan lễ bái công trình văn hóa tín ngưỡng này. Và cũng để cho những Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù, ngôi chùa này đã trở thành Tổ đình của Tăng Ni Phật tử đất Bắc ở tại miền Nam.

Ngoài các Phật sự kể trên, Ngài còn dành thì giờ trước thuật các tác phẩm Phật giáo và võ đạo: 
- Duy thức học tập I. 
- Duy thức học tập II. 
- Hộ thân thuật. 
- Nage - Nokata. 
- Nhu đạo. 
- Biến thể Nhu đạo. 
- Nhật ngữ tự học. 
- Phương pháp ngồi thiền. 
- Zen và Judo. 

Trong lúc các Phật sự được tiến triển một cách tốt đẹp, thì một cơn bệnh “vô thường” chợt đến, mặc dầu các Bác sĩ trong và ngoài nước đem hết tài năng và phương tiện hiện đại ra tận tình chữa trị, nhưng chiếc xe hữu tình vẫn cứ lăn nhanh về nơi tịnh cảnh. Ngài viên tịch vào ngày 20 tháng 10 năm Quý Sửu, tức ngày 15-11-1973. Nhục thân của Ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, huyện Hóc Môn.

Chú thích : 
(1)Tổ Tế: Tế Xuyên; Tổ Trung: Trung Hậu; Tổ Hương: Hương Tích; Tổ Cồn: Quần Phương; Tổ Quảng: Quảng Bá ; Tổ Ngũ: Ngũ Xá.

Danh Tăng Việt Nam, Tập I, Thích Đồng Bổn chủ Biên – Thành Hội Phật Giáo, Thành Phố Hồ Chí Minh Xuất Bản 1997

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/12/2013(Xem: 8023)
Hòa thượng pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh (1) đời thứ 42. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904 trong một gia đình trung nông tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ Lê Uyển, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sử. Ông bà có bốn người con, cả ba người con trai đều xuất gia đầu Phật. Ngày xuất gia năm 12 tuổi ở chùa làng. Ðến năm 19 tuổi, được Hòa thượng Giải Tường chùa Phước Sơn thế độ làm đệ tử và học tại đây. Năm 22 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới và giữ chức thư ký trong chùa.
27/11/2013(Xem: 10657)
Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm thế danh là Phan Diệp, sinh ngày 9 tháng Giêng năm Tân Hợi (1911) tại Thôn Chánh Lộc, Xã Xuân Lộc, Huyện Đồng Xuân, (thuộc Huyện Sông Cầu ngày nay), Tỉnh Phú Yên. Thân phụ là Cụ Ông Phan Châm. Thân mẫu là Cụ Bà Nguyễn thị Tham. Ngài là người con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em. Gia đình Ngài là một gia đình có truyền thống nhiều đời uy tín Tam Bảo.
10/11/2013(Xem: 43476)
9780975783085, Cách phi trường quốc tế Melbourne 15 phút lái xe, theo Western Ring Road và exit vào Hume High Way, sau đó quẹo trái từ đường Sydney road, đi vào con đường Lynch thân thương, khách hành hương sẽ nhìn thấy một quần thể kiến trúc nổi bật trong vùng cư dân này, đó là Bảo Tháp Tứ Ân và cổ lầu của chánh điện Tu Viện Quảng Đức, tọa lạc tại số 105 Lynch Road, vùng Fawkner
21/10/2013(Xem: 11022)
Suốt thời gian nhập thất là 3 năm, tuy ăn uống đạm bạc nhưng nhờ sức chuyên tu bệnh tật của thầy cũng được tiêu trừ và trí tuệ khai minh, nguồn tâm sáng tỏ. Khoảng thời gian này, nhiều tác phẩm KINH – LUẬT – LUẬN được thầy dịch thuật và chú giải từ bản Hán văn sang Việt văn như: kinh Phổ Môn, kinh Di Đà, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Hồng Danh, kinh Thập Ác Báo - Thập Thiện Nghiệp, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng Chiêm Sát, kinh Trường Thọ Diệt Tội, kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật, kinh Khiệp Bảo Ấn Đà La Ni, kinh Bồ Tát Thiện Giới, kinh Văn Thù Vấn Phật, Phật Học Giáo Khoa Thư, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Hạnh Nghi Người Tu Học Phật …
19/10/2013(Xem: 7404)
Trưởng Lão Hòa Thượng thế danh Tôn Thất Thuế, sinh năm 1924 tại thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngài thuộc dòng dõi hoàng gia Đệ cửu hệ, Tứ phòng. Phụ thân là Cụ ông Tôn Thất Tích, pháp danh Nguyên Phước, mẫu thân là Cụ bà Phan Thị Cưỡng, pháp danh Nguyên Thâm, đều là những nông dân hiền lương, chất phác. Ngài có tất cả năm anh chị em, hai trai, ba gái. Hiện tại, một gái đã mất, còn Ngài và hai em gái đều theo Phật xuất gia. Hai thân Ngài đều đã khuất núi.
15/10/2013(Xem: 25530)
(Báo Viên Giác, Số 197, tháng 10-2013, Số Đặc Biệt tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1940-2013)
10/10/2013(Xem: 15239)
Phạm Thiên Thư, Phạm Công Thiện, Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ, Phạm thế Mỹ, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Trí Hải...
06/10/2013(Xem: 71575)
Trước khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã có một thời gian dài sống tại Lăng Cha Cả, gần nhà thờ Tân Sa Châu. Để đến được trung tâm Sài Gòn, từ Lăng Cha Cả phải đi qua những con đường Trương Minh Ký – Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ). Ở đoạn chân cầu Trương Minh Giảng có một cái chợ mang cùng tên và sau này
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]