THỜI GIAN TRÔI MAU
Điều ngự tử Tín Nghĩa
Tín Nghĩa tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979, do nhị vị Hòa thượng Thích Thiên Ân và Hòa thượng Thích Mãn Giác bảo lãnh từ trại tỵ nạn Hongkong.
Ngồi tính sổ thời gian thì cũng đã gỡ gần ba chục cuốn lịch. Giá như thời gian này mà ở trong tù thì cũng mục xương và chẳng bao giờ được thấy ánh sáng của thiên nhiên.
Tuy thế, đã gần ba chục năm qua, tuổi đời chồng chất, thân thể cũng đã từ từ mục rữa theo như lời đức Phật dạy là thành, trụ, hoại, không. Có lẽ, bản thân vật lý của mình đang ở trong thời kỳ tàn hoại. Bấm theo sổ đời cũng thuộc loại cổ lai hy ; thế nhưng, cảm nhận được rằng chưa làm được những gì cho Đạo, cho Đời.
Giai đoạn ban đầu : Một ngày như mọi ngày, sớm chuông chiều mõ. Ngày còn ở quê nhà được theo chân quý ngài Thạch trụ, Long tượng của Phật pháp, của Giáo hội nên được học hỏi thêm những gì từ quý ngài từ giáo lý đến kinh nghiệm. Khi mang thân phận lưu đày xa xứ, nhận nơi này làm quê hương thứ hai vừa mưu sinh vừa hành đạo. Có bao nhiêu học được từ tuổi trẻ, mang xuống thuyền, đến trại tỵ nạn, đi định cư cũng vơi đi một số vốn liếng Phật pháp. Đã thế, lại chẳng được gần gũi các bậc Tôn túc là bao, phần lớn ở xứ văn minh này, đất rộng, hàng con Phật xuất gia cũng như tại gia không bao nhiêu trong thời gian trên hai mươi năm trước đó. Ngày tôi bước chân đến Los Angeles, một số Đại đức mà nay là ngôi vị Hòa thượng : Hòa thượng Nguyên Đạt, Hòa thượng Tịnh Từ, Hòa thượng Minh Đạt và chúng tôi, không quá năm ngón tay của bàn tay; sau này có thêm các ngài như Trí Tuệ, Nguyên An, Nguyên Trí, Thiện Trì và Phước Thuận. Còn các ngài như Đức Niệm, Thiện Thanh, Trí Chơn đều là ngôi vị Thượng tọa. Bên trên có hai ngài Thiên Ân và Mãn Giác. Tinh thần sinh hoạt huynh đệ pháp lữ thật nhịp nhàng. Lúc ban đầu, năm anh em chúng tôi, gánh vác việc đạo nơi quê hương mới này là tùy duyên và tùy cơ. Rất ít khi có dịp gặp nhau, ngoại trừ những ngày họp thường niên tại chùa Việt Nam, Los Angeles. Mái ấm êm đềm được một thời gian thì chướng duyên lại đưa vào một khúc quanh khác ; mặc dầu ai nấy chùa chiền cũng chưa được như nguyện.
Trong cùng một lúc thì : Thầy Tịnh Từ đang sinh hoạt chùa Từ Quang, San Francisco, lại có phước báo đứng ra tạo lập Tu viện Kim Sơn thật to rộng, Tăng chúng lại đông, tiền hô hậu ủng rất nhịp nhàng ; thầy Minh Đạt đang sinh hoạt tại Từ Quang lại có cơ duyên về hóa độ và tạo lập chùa Quang Nghiêm, Stockton, thầy Nguyên Đạt lên lập Tu viện Liễu Quán vùng San Bernadino, tôi (Tín Nghĩa) đang cùng chung lo Phật sự với ngài Đức Niệm ở Phật Học Viện Quốc Tế thì lại có túc duyên với hàng Phật tử vùng Dallas - Fort Worth, nên về đây tạo dựng ngôi Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại. Từ đây, mấy anh em pháp lữ chúng tôi đều phải gánh lấy trách nhiệm mà mình đã khai sáng ra nó. Bốn anh em chúng tôi ai nấy cũng có cơ sở ; tuy thế, riêng ngài Nguyên Đạt ít khi ba chúng tôi (Tịnh Từ, Minh Đạt và Tín Nghĩa) được gặp ; kể từ khi có Phật sự riêng thi chỉ được găp hai lần. Lần thứ nhất là trong tang lễ của Hòa thượng Thiện Trì, tại chùa Kim Quang trong giờ phút tiễn đưa kim quan đến nơi trà tỳ ; lần thứ hai là tang lễ của Hòa thượng Đức Niệm thì cũng trong giờ phút tương tự, rồi thôi. Phật sự tuy đa đoan, nhưng tình đời nghĩa đạo của ba chúng tôi vẫn sắt son, như môi hở răng lạnh vậy.
Giai đoạn hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ : Mặc dầu đã có đường hướng sinh hoạt giáo hội nhịp nhàng rồi, nhưng Khâm thừa Di huấn của cố Ðại lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Chánh thư ký Xử lý viện Tăng thống ; vâng lời Giáo chỉ của Hòa thượng Thích Huyền Quang, quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để thành lập Ðại hội vào các ngày 25, 26 và 27 tháng 09 năm 1992 tại thành phố San Jose, miền Bắc của tiểu bang California với tinh thần tương thân, tương kính, tương sám và tương thuận như Giáo Hội Mẹ tại quê nhà đang mong mỏi.
Khi thành lập Giáo Hội vào tháng 9-1992 thì Hòa thượng Thích Thiện Thanh đã hầu Phật, chỉ còn Hòa thượng Thích Đức Niệm và Hòa thượng Thích Trí Chơn.
Hòa thượng Thích Đức Niệm trong nhiệm vụ Chánh Văn Phòng Hội đồng Đại diện, mà những trọng trách như Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản quy tụ trên 20,000 người ; Đại hội Khoáng đại nhiệm kỳ 8 do Giáo Hội Mẹ giao phó, vì hoàn cảnh quê nhà khó khăn ; Lễ truy niệm đức Chánh thư ký Viện Tăng Thống Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu ; kể cả những Đại hội bất thường, Thường niên ; Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Phật giáo Hải Ngoại của Giáo hội, gánh vác luôn cả viết bài, gọi điện thoại xin bài ; trong khi đó, một số lớn có học vị, có điều kiện viết lách kể từ hàng Chủ tịch cho đến Hội đồng Điều hành không đóng góp bài vở, tịnh tài ; bao nhiêu phí tổn từ ấn phí cũng như cước phí đều do một tay Hòa thượng Chánh Văn Phòng ; có nghĩa là Hòa thượng Thích Đức Niệm phải lo liệu hết từ A đến Z. Hòa thượng và Phật Học Viện Quốc Tế lo cho đến lúc không còn lo được, Giáo hội phải chấp nhận đình bản, và Hòa thượng cũng bắt đầu thân bệnh cho đến ngày hầu Phật. Tính đến hôm nay, năm Quý tỵ là vừa tròn mười năm. Cũng phước báo cho Hòa thượng là khi Giáo chỉ số 9 giáng xuống thì không có Hòa thượng. Giá như Hòa thượng còn trụ thế không biết Hội đồng Lưỡng viện tại quê nhà cũng như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Đạo xử sự ra sao ? Và, giá như Hòa thượng không bị Giáo chỉ số 9 đánh gục, thì ba phần tư nhân viên Đồng sự Pháp lữ chung quanh Ngài bị gánh chịu như thế, liệu Ngài có được yên tâm mà thừa hành Phật sự ? Hay là Ngài cũng hoan hỷ rút về với Đại khối Tăng ni Phật tử chỉ biết trọn đời lo cho Đạo, cho Đời mà không một mảy may vì danh vì lợi,…
Phải thật tâm mà nhìn nhận rằng : Cuộc đời hy hiến của Hòa thượng cho Đạo pháp và Dân tộc qua hình ảnh vừa thân giáo vừa bố giáo bằng cách in ấn tất cả những kinh sách rãi đều khắp toàn cầu, kể cả trên 50,000 bộ kinh Pháp hoa cúng dường cho các chùa ở miền Bắc Việt Nam sau năm 1975. Thân bệnh mà tâm không bệnh. Ngày thường tâm sự cùng anh em đồng môn cũng như môn đệ xuất gia do chính ngài giáo dưỡng rằng:
. . . “Chúng ta cố gắng làm những gì mà đức Bổn sư Từ phụ cũng như chư Tổ đã răn dạy, đừng vì danh văn lợi dưỡng một cách hèn mạt mà đánh mất chơn tâm, bản tánh cao minh của mình; đừng bao giờ cô phụ chí nguyện xuất gia lúc ban đầu để đắc tội với Phật và Phật tử đang trông ngóng. . . .”
Chúng tôi cũng đã từng ngồi nghe khi Hòa thượng dạy kinh luật cho đồ chúng.
Riêng về hạnh nguyện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Chơn, khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Hoa Kỳ; trong lúc hàng hàng lớp lớp Phật tử và Tăng ni đứng dậy niệm Phật, cung thỉnh ngài vào ngôi vị Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Ngài đứng dậy vừa từ chối vừa khóc và than rằng :
. . . “Chính bản thân chúng tôi không nghĩ lại có ngày này và gánh lấy một khúc quanh nghiệt ngã của Phật giáo chúng ta. Chính trong thâm tâm chúng tôi khi đứng ra vận động để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1992 vừa qua, trong suốt một thời gian dài như thế, hùng mạnh như thế, cuối cùng anh em chúng ta nay lại phải ra đi. Lịch sử sẽ không tha thứ những ai đã tạo nên oan nghiệt của khúc quanh này. . . .”
Lời phát biểu ngậm ngùi đã làm cho Đại hội phải nín thở.
Kể từ khi đến đất Hoa Kỳ để thừa hành Phật sự, bao nhiêu hy hiến không ngừng nhất là về mặt Văn hóa, dịch thuật và tạo lập cơ sở, đào tạo và bảo trợ Tăng Ni trẻ. Ngài đã hành xử với câu : Cô thân vạn lý du. Con người nhỏ thó. Vai mang đãy y bạc thếch với một bộ đồ nâu đã phai màu, lủi thủi lên xuống với những chuyến xe bus, với cuốn tự điển nhỏ loại bỏ túi đã mục bìa, một tập bản nháp thô sơ. Ngài Trí Chơn quả là con người kỳ bí. Có ai đó nói nặng hoặc không đàng hoàng với ngài, thì ngài nhoẻn miệng cười thay cho câu trả lời.
Hai ngài Đức Niệm và Trí Chơn, đúng là những bậc Bồ tát hóa thân, giáng trần độ chúng sanh. Giáng trần làm xong một số hạnh nguyện đã phát từ nhiều kiếp, giống như hoa Linh thoại đúng thời mới nở. Hạnh nguyện đã xong, người trước người sau quãy gót đăng trình. Giờ này hai ngài đã đi xa và xa lắm. Thời gian thấm thoát tựa thoi đưa, nó đi mãi, có chờ chờ ai. Ngài Đức Niệm mười năm tròn, ngài Trí Chơn cũng đã hai năm. Hôm nay môn đồ pháp quyến và chư Tôn đức Tăng ni cung tựu trước Tổ đường Phật Học Viện Quốc Tế để làm lễ tưởng niệm công hạnh của hai ngài. Đúng là thời gian trôi qua mau, không chờ không hẹn.
Trước Tổ đường, hương trầm quyện, khói trầm bay, nhìn lên thấy di ảnh của quý ngài tiền bối, cận đại mà bản thân chúng tôi cảm thấy tê tái lòng; bởi vì, tự thân không làm nên những gì ra hồn. Thôi thì cố giữ tâm bình thản, không phân tranh và cố gắng làm được những gì cho đời, cho đạo để không cô phụ Giáo hội và các bậc long tượng mà đã một thời có phước báo theo học, hoặc thân cận tùng sự.
Nguyện cầu Nhị vị Trưởng lão Giác linh chứng giám.