Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoài niệm về HT Thích Trí Thủ

22/10/201003:30(Xem: 5543)
Hoài niệm về HT Thích Trí Thủ

thichtrithu

HOÀI NIỆM

Quách Tấn

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt. Xa xa nơi bìa sân, một nhà sư áo nâu đứng lần chuỗi dưới gốc cây Bồ đề xanh tươi. Những hạt chuỗi đón ánh mặt trời như những vì sao óng ánh, nối nhau mọc rồi lặn, lặn rồi mọc, đều đặn ung dung.

Hồi lâu nhà sư lặng lẽ đi ra sau chùa, lên Viện phật học cất trên hông đồi cao. Lòng tôi lâng lâng, và tôi có cảm giác rằng tôi là nhà sư. Đứng im một chỗ, nhưng tôi tưởng chúng tôi đương bước lên đầu non vừa đi vừa lần chuỗi. Cao hứng tôi sáng tác được một luật ngũ ngôn:

LẦN CHUỖI

Chuông ngân chùa xẩm nắng
Hương quyện áo tràng bay
Trăm tám vì sao rạng
Xoay tròn đôi 1óng tay

Mười phương cây lặng gió
Năm sắc hồ trôi mây
Làn nước lên đầu núi
Ánh vàng tràn đó đây.

Sau, biết được nhà sư lần chuỗi đó là Thượng tọa THÍCH TRÍ THỦ Giám đốc Viện Phật Học Hải Đức, tôi bèn chép bài Lần Chuỗi tặng Thượng tọa.Từ ấy chúng tôi trở nên quen nhau.Thượng tọa tuổi Kỷ-Dậu, tôi cũng tuổi Kỷ-Dậu. Thượng tọa lại thích thơ Đường-luật, tôi lại mộ Đạo Phật. Cho nên những lúc gặp gỡ thường hay quên thì giờ trôi nhanh, lâm lúc cũng quên rằng Đạo cũng như thơ không đứng hẳn ra ngoài vòng thế sự.

Lúc bấy giờ Phật Học Viện Hải Đức được phép mở một lớp học cho giới Sa- di, Sa-di-ni Khánh-Hòa học để thi tú tài. Thượng tọa mời tôi giúp môn Việt văn. Tôi nhận giúp vào ngày chủ nhật vì tôi đương làm công chức ở Nha Trang. Tôi dạy từ niên khóa 1958 - 1959 đến nửa niên khóa 1962 – 1963 .

Năm 1963, Thượng tọa về Huế, gặp Pháp nạn, bị chánh phủ Ngô Đình Diệm bắt, lành dữ thế nào; người Nha Trang không mấy người biết rõ! Tháng 9 năm ấy, nhớ cảnh nhớ người, tôi theo trăng lên chùa Hải Đức.

Tứ bề vắng lặng. Không thấy một bóng người, không thấy một bóng đèn. Chỉ nghe văng vẳng như có như không tiếng chuông ngân trong hơi sương anh ánh màu trăng lờ lợt! Tôi ngẫu chiếm một tuyệt ngũ ngôn:

Trăng lên đồi Trại Thuỷ
Chuông khuya ngời ánh ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân Bồ-đề sương sa.

Sau ngày chánh phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Thượng tọa mới trở về Nha Trang đọc mấy vần ngũ tuyệt tôi chép tặng, Thượng tọa rơm rớm nước mắt. Thượng tọa Thích Trí Thủ vào Sài Gòn được ít lâu thăng chức Hòa thượng và trụ trì chùa Già Lam. Chùa Hải Đức và Viện Cao Đẳng Phật Học giao cho Thượng tọa Thiện Siêu và Đại đứcTrừng San, quản lý, thỉnh thoảng Hòa thượng mới về Nha Trang, tôi chỉ đến thăm có một lần. Vì mỗi lần Hòa thượng về, phần thì lo Phật sự, phần phải tiếp khách hết lớp này đến lớp khác, không mấy lúc được rảnh rang.

Mãi đến năm 1968 Hòa thượng về Nha Trang, nghe tôi thoát chết vì bệnh mạch lươn phải mổ đi mổ lại đến sáu lần bèn cùng Đại đức Trừng San xuống nhà thăm. Mừng quá đỗi mừng. Thân tâm tôi vui khỏe như được uống một chén sâm Cao Ly. Trong dịp này Hòa thượng đã giúp tôi xuất bản tập XỨ TRẦM HƯƠNG.

Năm 1973, tôi lại bị bệnh Thanh quang nhãn (Glaucome) đui hết một mắt. Được tin không vui ấy, một lần nữa Hòa thượng cùng Đại đức Trừng San tìm đến thăm.Trong hai lần đến thăm, tôi không nhớ lần thứ nhất hay lần thứ hai Hòa thượng khen là "thơm dịu' bài Chuông Khuya trong tập Đọng Bóng Chiều:

Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền,
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tình thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.

Tôi thưa:

- Chuông đó là chuông chùa Hải Đức, chùa đó là chùa trên Trại Thủy in bóng xuống Cù Giang.

Đoạn kể tiếp:

- Sau hiệp định Genève, tôi hồi cư về Nha Trang. Từ ấy đến nay trên 15 năm (1957 - 1973) cứ mỗi buổi sáng lúc 4giờ 30, tôi thức dậy nằm nghe chuông, chuông chùa Hải Đức gióng trước rồi đến chuông chùa Sư Nữ. Có một điều là chùa Sư Nữ ở cách nhà tôi một khoảnh đầm rộng không đến 500 thước, còn chùa Hải Đức ở tận Trại Thủy cách xa hơn một cây số, thế mà tôi lại nghe tiếng chuông Hải Đức rõ hơn chuông Sư Nữ.

- Hòa thượng cười:

- Có gì lạ đâu, chuông Hải Đức đã lớn lại ở trên cao, còn chuông Sư Nữ vừa nhỏ thưa vừa ở dưới thấp, bị nhà cửa vây bọc tứ phía...

- Tiếng chuông Hải Đức có tiếng ngân vừa dài vừa ấm, dài ấm mà rất trong. Nhưng... Nhưng trong khoảng gần đây thỉnh thoảng tôi nghe tiếng chuông có hơi rè.

Hòa thượng giải thích: Đó là do mấy chú điệu còn ngái ngủ, không động chùy vào cục u mà lại động trật ra thành chuông.

Đại đức Trừng San cải chính:

- Con e không phải thế. Sợi dây da cột chuông đã quá cũ, con sợ lâu ngày rũi đứt nên đã lấy dây xích sắt thay vào. Khi đánh chuông cạ vào dây xích nên có tiếng rè.

- Mấy tuần sau, gặp tôi, Đại đứcTrừng San nói: Tai bác thính quá! Tôi về coi kỹ lại thì tiếng chuông rè không phải vì dây xích, mà vì trên đỉnh chuông có một đường nứt. Chùa chuẩn bi đúc một quả chuông mới...

Tôi chưa có dịp đến xem quả chuông mới, nhưng vẫn được nghe tiếng ngân vào mỗi buổi sáng. Tiếng ngân vẫn ấm, vẫn trong vẫn dài nhưng lại có phần lớn hơn tiếng chuông cũ. Quả chuông mới không treo nơi Viện như quả chuông cũ mà đem lên trên đỉnh đồi, gần Kim Thân Phật Tổ. Nghe nói lúc làm lễ treo chuông mới, Hòa thượng Thích Trí Thủ có về dự. Nhưng biết rằng khách đến thăm Hòa thượng đã quá đông rồi, mình đến nữa chỉ làm rầy Hòa thượng thôi, nên không tìm gặp. Năm 1974, nhân có việc vào SàiGòn tôi tìm đến chùa Già Lam...

...Tôi vào Hòa thượng mừng rỡ.

Tôi được tiếp nơi phòng khách rộng mát, bài trí rất trang nhã. Hòa thượng đối với tôi vẫn ân cần niềm nở như xưa... .. Tôi vừa nhớ, một buổi sáng chủ nhật, mặt trời vừa mọc tôi vừa đến sân chùa. Thưọng tọa Giám Viện đương đứng bên khóm tường vi, thấy tôi, lấy tay ngoắt. Tôi đến cùng Hòa thượng lặng lẽ đứng thưởng hoa. Hoa đầy cành, lớp búp, lớp nở. Cánh thắm ươn ướt sáng mai, mùi hương ngọt dìu dịu...Lòng tôi lâng lâng... Đoạn Thượng tọa hái hai đóa hoa bán khai và mời tôi lên cốc. Cảnh yên tịnh. Thượng tọa tự tay chế trà với hoa tường vi, cùng tôi ngồi đối diện, vừa uống trà vừa nói chuyện.Tôi khen: “Hương ngát vị ngọt”. Thượng tọa nói: "Nhất sen, nhì sói, thứ ba mới đến tường vi". Rồi phân tích hương vị từng mỗi thứ trà ướp hoa. Tôi tuy không nghiện trà, nhưng nhờ lúc nhỏ được nghe ông nội và bà thân tôi thường bàn về trà, lớn lên lại được đọc đôi quyển sách Nhật nói về Trà Đạo, đôi quyển sách của Tàu nói về nghệ thuật chế trà và pha trà, nên ngồi với nhà sư rành trà, tôi không đến nỗi phải làm"con cò ngóng cổ nghe kinh". Nhân nói về hoa trong trà, chúng tôi nói sang đến hoa trong thơ rồi đến thơ trong đạo, rồi đến đạo trong hoa... Chuyện thao thao bất tuyệt : Một chú điệu ngồi trên chiếc đôn nơi góc phòng, thiu thỉu ngủ

Lại một hôm nữa tôi đến Hải Đức vào buổi chiều. Thượng tọa Giám Viện nằm trên võng cột dưới giàn hoa bạch chỉ cạnh hiên phía đông chùa. Ông TRẦN ĐÌNH LẠC một người bạn đồng sự với tôi và là đệ tử thân tín của Thượng tọa, ngồi bên võng, trên mé thềm hiên chùa. Thấy tôi Thượng tọạ ngồi dậy bảo ông Lạc đi bưng ghế. Tôi không ngồi ghế mà ngồi ngay nơi chỗ ông Lạc đã ngồi. Thượng tọa vui vẻ nằm lại xuống võng, cùng tôi nói chuyện. Nhân thấy ông Lạc cầm quyển kinh DUY MA CẬT, tôi nhớ đến bài từ TÔ ĐÔNG PHA tặng TRIỆU VÂN:

Bạch phát thương nhan
Chánh thị Duy Ma cảnh giới,
Không phương trượng tán hoa hà ngại
Chu Thần trợ điểm
Cánh kế hoàn sinh thái.

- Tôi cao hứng ngâm khẽ. Ông Lạc yêu cầu tôi giải nghĩa. Tôi giảng:

Tóc bạc da mồi, chánh là cảnh giới của Duy Ma Cật. Nơi phương trượng trống không, nàng thiên nữ tán hoa, ngại gì mà không điểm giúp một nụ cười thơm thắm, để cho mái tóc già này xanh xanh trở lại.

Một khay trà bưng ra. Mùi hoa sói thơm ngát làm cho hương vị thêm nồng.

- Biết rằng Thượng tọa Giám Viện là một nhà sư giữ giới rất nghiêm, nhưng tâm hồn luôn phóng khoáng, nên tôi không ngần ngại, đem câu chuyện tình giữa TÔ ĐÔNG PHA và TRIỆU VÂN kể cho ông Lạc nghe, rồi nói:

- Ông Tô sánh Triệu Vân với Thiên Nữ Tán Hoa của Duy Ma Cật. Thượng tọa Giám Viện liền kể sự tích Duy Ma Cật cho ông Lạc và tôi nghe... Câu chuyện nối tiếp từ Duy Ma Cật-Đông Pha đến Đông Pha-Phật Ấn... Khách đến Đại đức Trừng San ân cần mời vào nhà tiếp tân. Nhờ vậy mà câu chuyện phong lưu dưới giàn hoa không bị gián đoạn... Trí óc tôi đương cặm cụi quay lại cuốn phim "Chùa Hải Đức" thì tai vụt nghe “Bạch Hòa thượng". Phim đứt. Tôi giựt mình nhìn quanh: Bên cạnh Hòa thượng Trí Thủ, một Sa di đương đứng khép nép và ngoài sân có bốn, năm vị khách đàn ông có đàn bà có, đương đứng chờ. Tôi vội vàng đứng dậy. Hòa thượng cũng đứng dậy đưa tôi ra cửa...

Từ ấy cho đến ngày Hòa thượng viên tịch, trên 10 năm trời (1974 - 1985), tôi không gặp lại Hòa thượng lần nào nữa.

Không gặp nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ Hòa thượng và tin tức về Hòa thượng tôi vẫn biết được đại cương...

Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ đã qua đời, nhưng tình Hòa thượng còn mãi trong lòng tôi. Hình ảnh Hòa thượng thường hiện rõ trong tâm trí tôi, với mùi hoa tường vi, mùi hoa sói với phong cảnh chùa Hải Đức tuy quen thuộc song luôn luôn mới mẻ trong bầu không khí u tịch thanh cao.

Và ngày hôm nay, 1 tháng 9 năm Bính Dần, tức 21 tháng 10 năm 1986, lúc 4 giờ 30 sáng, nằm nghe chuông chùa Hải Đức như thường lệ, tự nhiên tôi nhớ Hòa thượng da diết. Hai hàng lệ chảy ròng ròng!

Người già hạt lệ như sương
Mình già hạt lệ lại thường như mưa!

Để dâng lên Giác linh Hòa thượng, tôi viết chương ký ức này. Nhớ gì viết nấy, nhớ đến đâu viết đến đó, không lập ý, không bố cục. Chăm chỉ viết từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Viết với tấm lòng kính cẩn chân thành.

Ý kiến bạn đọc
12/12/201716:55
Khách
Good and sweet memory
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 8036)
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh ngày 02 tháng 09 năm Đinh Tỵ (17-l0-1917), tại làng Mỹ An Hưng ( Cái Tàu Thượng) huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp). Thân phụ là ông Nguyễn văn Cân và thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Cụ Ông qua đời lúc H.T lên ba, Cụ Bà cũng theo Ông lúc Ngài vừa lên bảy.
09/04/2013(Xem: 6696)
Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài.
09/04/2013(Xem: 11042)
Hòa Thượng Pháp danh thượng Tâm hạ Ba, tự Nhựt Quang, hiệu Bửu Huệ thuộc đời 41 dòng Lâm Tế (chữ Nhựt) và đời 43 thuộc phái Thiên Thai (chữ Tâm). Húy danh: Nguyễn Văn Ba, sanh năm Giáp Dần (1941), tại Xã Tân Hương, huyện Bến Tranh, Tỉnh Ðịnh Tường (Nay là Tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là Ông Ðặng Văn Cử, thân mẫu là Bà Nguyễn Thị Thu. Hòa Thượng theo họ mẹ, cũng là người con thứ ba trong gia đình gồm hai anh em.
09/04/2013(Xem: 6653)
Ôn Từ Đàm (Hòa thuọng Thích Thiện Siêu) với tôi vốn không có duyên nghĩa thầy trò; mặc dù, vào đầu thập niên 1960, Ôn là Giáo thọ tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang trong khi tôi là một học tăng ở đó. Những tháng năm này, tôi là nguòi được theo học trường Võ Tánh nên thời khóa sinh hoạt của tôi không bị câu thúc chặt chẽ; và vì vậy, ít có cơ hội gần gũi với các bậc thầy lớn như Ôn.
09/04/2013(Xem: 6343)
Trúc Lâm Đại sĩ là vua thứ tư nhà Trần, con của Thánh Tông, lên ngôi ngày 12 tháng 2 năm Mậu dần (1278). Trước khi Đại sĩ ra đời, Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi kiếm bảo : "Có lệnh của Thượng giới, cho phép ngươi được chọn lấy". Bỗng nhiên được kiếm, Thái hậu bất giác rất vui, nhân đó có thai. Những tháng dưỡng thai, nhà bếp dâng thức gì Thái hậu cứ dùng như thường, chẳng cần kiêng cử mà thai cũng chẳng sao.
09/04/2013(Xem: 8118)
Đọc qua các Thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay, chưa thấy một người nào đã chinh phục được các hàng vương tôn, quý tộc, khiến cho họ tín nhiệm, quy y và ủng hộ hết mình như Thiền sư Pháp Loa. Sư là một con người tích cực hoạt động, suốt đời tận tụy phục vụ đạo pháp cho đến hơi thở cuối cùng. Điều đặc biệt quan tâm của Sư là ấn hành Đại Tạng kinh, do đó đã đề xuất, tiến hành và in xong bộ Đại Tạng kinh Việt Nam. Ngoài ra, Sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo, thiết lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên của Việt Nam, và Sư là người thứ nhất đúng ra thiết lập sổ bộ Tăng, Ni và tự viện trên khắp cả nước.
09/04/2013(Xem: 6709)
Sư người làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang. Thỉ Tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành khiển dưới triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trải nhiều đời, đến Tổ phụ là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không không chịu ra làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ, và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên.
09/04/2013(Xem: 6112)
Truyền thống Phật giáo Việt Nam từ truớc đến nay vốn thiên về Phật giáo Phát triển hay Đại thừa; mãi đến năm 1959 lần đầu tiên bộ kinh Trường A Hàm do Hòa thượng Thích Thiện Siêu phiên dịch được xuất bản thì Phật giáo Nguyên thủy mới được các Phật tử chú ý đến. Mặc dù bộ kinh này nằm trong Hán tạng thuộc hệ thống Phật giáo Phát triển, nhưng tinh thần của nó thì tương quan mật thiết với 5 bộ Nikàya trong giáo lý Nguyên thủy.
09/04/2013(Xem: 5461)
Phương Tây có câu tục ngữ "Hoạn nạn làm lớn con người". Phương Đông cũng có câu danh ngôn tương tự "Ngậm cay đắng trong cay đắng mới làm con người trên loài Người". Trường hợp của Trần Thái Tông sao mà ứng với hai câu này đến thế?
09/04/2013(Xem: 5506)
Hòa thượng Thích Thiện Châu Nguyên Đạo (Đọc tại buổi lễ tưởng niệm và lễ Trà Tỳ Hòa thượng Thích Thiện Châu) Hòa thượng họ Hồ Đắc, tên Cư, Pháp danh Tâm Thật, Pháp hiệu Thiện Châu, sinh ngày 23 tháng 2 năm 1931 tức ngày 7 tháng 1 năm Tân Mùi tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ Thầy là Cụ Hồ Đắc Phách, thân mẫu là Cụ Nguyễn Thị Cần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567