Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đệ Tứ Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang (1920-2008)

04/05/202006:21(Xem: 10039)
Đệ Tứ Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang (1920-2008)

hthuyenquang

TIỂU SỬ VÀ CÔNG HẠNH
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUYỀN QUANG,
ĐỆ TỨ TĂNG THỐNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.

Ngài vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Ông nội và thân phụ của Ngài cũng là người Nho gia nổi tiếng trong vùng. Nhờ vậy, từ lúc còn bé Ngài đã theo Ông nội và thân phụ học chữ Nho, tuổi còn nhỏ nhưng học đâu nhớ đó và Ngài được nổi tiếng là thông minh có trí nhớ siêu việt.

Năm 1934: Vì thấy tư chất thông minh của Ngài, cụ thân sinh cho Ngài đến Chùa Vĩnh Khánh học thuốc Đông y với Cố Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo, hiệu Chí Tâm, là một vị Đông y nổi tiếng. Hòa Thượng thấy Ngài có khả năng chữ Nho giỏi lại viết chữ đẹp, thông tuệ khác thường nên không dạy thuốc lại dạy Kinh Luật, rồi cho Ngài xuất gia quy y Tam Bảo.

Năm 1935: Ngài đầu giáo với Cố Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo cho pháp danh Như An, pháp tự Giải Hòa, Ngài thọ Sa Di Giới tại đại giới đàn năm 1935 và đậu thủ khoa trong tập chúng, cũng trong năm này Bổn Sư của Ngài là Hòa Thượng thượng Chơn hạ Đạo viên tịch ngày 30-9-1935.

Năm 1937: Ngài đầu giáo với Hòa Thượng thượng Chơn hạ Giám, hiệu Trí Hải trụ trì Chùa Bích Liên làm Bổn Sư và được phú pháp hiệu Huyền Quang, pháp danh Ngọc Tân, pháp tự Tịnh Bạch. Ngài được thọ Giới Cụ Túc tại giới đàn Chùa Hưng Khánh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, do Hòa Thượng thượng Chơn hạ Hương, hiệu Chí Bảo làm đường đầu. Lúc này Ngài chưa đủ tuổi để thọ giới nhưng vì với tư chất thông minh đặc biệt nên ban kiến đàn đã cho đặc cách miễn tuổi để Ngài thọ Cụ Túc Giới và Bồ Tát Giới. Kỳ khảo hạch giới tử lần này Ngài cũng đứng đầu trong chúng (đậu thủ khoa). Bắt đầu từ đó Ngài lấy pháp hiệu Thích Huyền Quang làm danh xưng phổ thông.

Năm 1938-1945: Ngài theo học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, tỉnh Trà Vinh. Sau khi học xong Ngài ra Huế học với Hòa Thượng Trí Độ. Lúc bấy giờ là Phật Học Đường Chùa Báo Quốc, đồng học với Ngài có quý Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, v.v… Vào mùa hè năm 1945 Ngài về quê nghỉ hè, định sau rằm tháng 7 ra học lại, nhưng bị kẹt chiến tranh, lúc đó Nhật đổ bộ đe dọa tại Sa Huỳnh, nên không đi được. Vậy là chuyến ra Huế học của Ngài bị hoãn lại.

Tháng 8-1945 Ngài tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và thành lập Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Lúc bấy giờ Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 tổ chức hàng ngũ quy mô và quản lý chặt chẽ, vì nguyên nhân đó mà chính quyền Việt Minh lâm thời nghi kỵ và theo dõi Ngài. Năm 1951 vì chống đối chính sách can thiệp vào nội bộ Phật Giáo của Việt Minh cho nên, ngài đã bị bắt và an trí ở Phù Mỹ, rồi Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi, cho đến trước Hiệp Định Geneve (ngày 20 tháng 7 năm 1954) một tháng ngài mới được thả tự do.

Năm 1955: Ngài hướng dẫn đoàn Tăng sinh Bình Định vào Phật học đường Chùa Long Sơn, Nha Trang, gồm 12 vị đó là quý Hòa Thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Đồng Từ, Thích Tâm Hiện, Thích Liễu Không, Thích Nguyên Trạch, Thích Đổng Tánh, Thích từ Hạnh, Thích Thiện Nhơn, Thích Thiện Duyên và Thích Tâm Lâm. Cũng từ năm 1955 đến 1957, Ngài được thỉnh cứ làm Giám Đốc Phật Học Đường này thay thế vị tiền nhiệm là Ngài Thích Định Tuệ. Do sự phát triển, từ năm 1957, Phật Học Đường Long Sơn Nha Trang và Phật Học Đường Báo Quốc Huế hợp nhất thành Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang, nơi đào tạo Tăng tài cho cả nước.

Năm 1958, cùng với chư Tăng Bình Định, Ngài khai sơn Tu Viện Nguyên Thiều và thành lập Phật học viện Nguyên Thiều. Từ đó, Ngài giữ vai trò Giám Viện cho đến cuối đời.

Năm 1962: Ngài làm phó Hội Trưởng Hội Phật Học Trung Phần kiêm Hội Trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên, Huế.

Năm 1963: Ngài tham gia cuộc vận động cho quyền bình đẳng tôn giáo dưới chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm và đòi hỏi yêu sách xóa bỏ Dụ số 10 (Dụ số 10 quy Phật giáo là một hiệp hội như thế tục). Lúc bấy giờ Ủy ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo ra đời, lãnh đạo tối cao của cuộc vận động này là Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Thích Tâm Châu làm Chủ Tịch, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm phó chủ tịch và Ngài làm Tổng Thư Ký kiêm trưởng khối soạn tài liệu đấu tranh phổ biến ra toàn quốc. Chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm vì muốn dập tắt cuộc vận động nên đã tấn công vào các chùa chiền và bắt hầu hết Tăng, Ni trong đêm ngày 20-08-1963. Ngài cũng bị bắt trong biến cố này, mãi đến ngày 01-11-1963 Ngài mới được thả tự do.

Ngày 31-12-1963 đến ngày 04-01-1964 Đại Hội Phật giáo toàn quốc tổ chức tại thành phố Sài Gòn, qua đại hội này GHPGVNTN ra đời. Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ.

Năm 1964: Ngài đến thủ đô Thái Lan để thăm viếng và tiếp xúc một số Chùa Việt Nam nhân chuyến hành hương các thánh tích, thắng cảnh của Phật giáo Thái Lan.

Năm 1970: Ngài đại diện Viện Hóa Đạo tham dự Đại Hội Các Tôn Giáo Thế Giới vì hòa bình lần thứ nhất tại Nhật Bản.

Năm 1971: Ngài hành hương Ấn Độ, chiêm bái các Phật tích.

Năm 1972: Ngài tham dự Đại hội Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới tại Geneve, Thụy Sỹ.

Năm 1973: Ngài đi Thái Lan gặp đại diện GHPGVNTN hải ngoại để bàn các việc tái thiết Việt Nam sau khi hòa bình.

Đại hội kỳ 6 của GHPGVNTN, tổ chức vào ngày 27-12-1974, Ngài được cung thỉnh vào chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.

Năm 1975-1978: Với tư cách Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Ngài cho tiến hành điều tra và phúc trình các vụ bắt bớ, chiếm dụng chùa chiền và cơ sở Giáo Hội một cách trái phép, phá hủy các tượng Phật, các di tích Phật Giáo của chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Ngày 06-04-1977, Ngài bị bắt cùng lúc với Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Thích Thuyền Ấn, và Cố HT Thích Thông Bửu, v.v… và bị biệt giam tại nhà số 4 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Sau 18 tháng tù, Ngài bị đưa ra tòa xét xử, kêu án 2 năm và quản chế tại chỗ.

Dù bị quản thúc, Ngài vẫn cùng với các vị Hòa Thượng lãnh đạo trong Viện Hóa Đạo cương quyết phản đối việc chính quyền Cộng Sản Việt Nam cho thành lập GHPGVN. Vì vậy Ngài bị chính quyền Cộng Sản bắt ngày 25-02-1982 rồi trục xuất khỏi thành phố Sài Gòn để đưa về an trí tại Chùa Hội Phước, tỉnh Nghĩa Bình, còn Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì bị đưa đi an trí tại tỉnh Thái Bình. Tại Nghĩa Bình, Ngài đã bị án lệnh: Cấm hành nghề tôn giáo, cấm phiên dịch kinh và các nghề nghiệp khác.

Năm 1983-1995: Ngài chí thành đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh, tính trước sau trong vòng 16 năm, vì trước đó, lúc còn ở Sài Gòn, Ngài đã bắt đầu đọc và nghiên cứu Đại Tạng Kinh.

Ngày 23 tháng 4 năm 1992: Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch. Ngài xin chính quyền Quảng Ngãi ra Huế dự lễ tang, nhưng chính quyền Quảng Ngãi không cho Ngài đi. Ngài tuyên bố! “Nếu nhà cầm quyền Quảng Ngãi không cho tôi đi dự tang lễ, tôi sẽ tuyệt thực vô thời hạn và sẵn sàng cúng dường thân này lên Chư Phật và tạ lỗi lên Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, vì tôi đã không làm tròn nhiệm vụ mà Hòa Thượng giao phó”. Chính quyền nghe Ngài tuyên bố như vậy nên đành để Ngài đi. Tại tang lễ này, Hòa Thượng Thích Nhật Liên, là trưởng tử của Cố Hòa Thượng Đệ Tam Tăng Thống đã trao lại cho Ngài ấn tín của Giáo Hội và lời di chúc của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Đứng trước Kim quan Đức Đệ Tam Tăng Thống, Ngài dâng lời tác bạch, thể hiện nội dung đầy đạo tình đối với bậc lãnh đạo tối cao của Giáo Hội và trình bày khẩn thiết tâm nguyện phục hồi GHPGVNTN. Lời tác bạch có đoạn Ngài viết như sau: “Dầu có muôn ngàn khó khăn đi nữa, con vẫn không bao giờ chùn bước, quyết đòi hỏi nhà nước phải để GHPGVNTN phục hồi và được sinh hoạt bình thường như trước năm 1975”. Qua sự kiện này đã gây được sự phấn khích đối với Chư Tôn Đức Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước, khởi đầu cho cuộc vận động đòi hỏi quyền sinh hoạt tự do tôn giáo, trong đó có sự phục hoạt GHPGVNTN.

Cũng theo di huấn của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Hiến Chương của Giáo Hội, Ngài đã tiếp tục Phật sự trong cương vị là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Xử Lý viện Tăng Thống.

Trở về Quảng Ngãi sau khi nhận di chúc và ấn tín ủy thác Giáo Hội của Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Ngày 25 tháng 6 năm 1992, Ngài viết yêu sách 9 điểm gởi các cơ quan cao nhất của chính quyền Cộng Sản Việt Nam nhằm mục đích nói lên thảm trạng của GHPGVNTN đang bị nhà nước Cộn Sản đàn áp, khủng bố các hàng giáo phẩm của Giáo Hội và các Phật tử trong nước. Lên án đảng, nhà nước lập ra GHPGVN làm công cụ chính trị chia rẽ nền Phật giáo dân tộc.

Sau đó liên tục nhiều năm, Ngài viết tuyên cáo gởi cho nhà cầm quyền Việt Nam phô bày những sai lầm nghiêm trọng mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam; viết tâm thư kêu gọi Tăng, Ni, Phật tử nổ lực hy sinh gian khó để bảo vệ chánh pháp, phục hoạt Giáo Hội; viết Bản tự Thuật để nói lên hành trạnh sinh hoạt của Ngài đã bị nhà nước Cộng Sản đối sử bất công tệ hại trong kháng chiến chống Pháp và sau 1975. Tất cả các văn bản này Ngài đều gởi trung ương chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Nhưng không được nhà nước hồi đáp.

Do các văn kiện đó mà nhà nước Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng nổ lực khống chế, khủng bố tinh vi đối với bản thân Ngài và Chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni của Giáo Hội.

Ngày 05-11-1994: Ngài bị chính quyền Quảng Ngãi dời chỗ ở từ Chùa Hội Phước thị xã Quảng Ngãi lên Chùa Quang Phước huyện Nghĩa Hành là một miền núi xa sôi để họ dễ quản lý hơn. Lúc này Ngài bị sự quản thúc khắc khe và khó khăn về mọi mặt. Trong thời gian ở Chùa Quang Phước Ngài đã soạn hoàn tất bộ Pháp Sự Khoa Nghi và dịch một số kinh khác nữa.

Tháng 3-2003, vì bị khối u gần mắt Ngài được nhà nước cho phép ra Hà Nội để chữa bệnh. Nhân thời gian này Ngài có dịp tiếp kiến thủ tướng Phan Văn Khải vào ngày 02-04-2003. Trong cuộc gặp trực tiếp giữa Ngài và thủ tướng, Ngài yêu cầu chính phủ giải quyết về sự đình chỉ sinh hoạt của GHPGVNTN gần 30 năm qua, sự quản chế của Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng một số Tăng Ni Phật tử khác. Nhưng thủ tướng không đáp ứng được những yêu cầu của Ngài.

Ngày 02-05-2003: Ngài thực hiện chuyến viếng thăm Sài Gòn, trong thời gian này với mục đích thẩm định quan điểm quần chúng và Tăng Ni Phật tử đối với GHPGVNTN như thế nào. Qua chuyến thăm viếng này Ngài nhận định rằng: “Tinh thần Tăng Ni Phật tử vẫn còn niềm tin ở GHPGVNTN mặc dù gần 30 năm Giáo Hội không sinh hoạt”. Rồi Ngài trở về Tu Viện Nguyên Thiều đúng ngày Phật Đản 14-04 Quý Mùi (2003).

Tại Tu Viện Nguyên Thiều thời gian cuối đời, tuy tuổi già sức yếu nhưng lúc nào Ngài cũng thao thức cho tiền đồ Phật giáo, nên Ngài đã vận động Chư Sơn thành lập ban trích lục Đại Tạng Kinh để làm công tác phiên dịch và dự định xây một trường Đại học Phật giáo tại Tu Viện Nguyên Thiều. Nhưng vì hoàn cảnh Giáo Hội chưa phục hoạt và bản thân Ngài chưa được tự do, nên trong thời điểm này bản nguyện của Ngài không thực hiện được.

Vào cuối tháng 9 năm 2003, phái đoàn của Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn đầu ra thăm Ngài tại Tu Viện Nguyên Thiều. Trong khi đó chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa ở Huế và các tỉnh khác cũng đồng đến Tu Viện Nguyên Thiều với mục đích thăm Ngài và thưa thỉnh việc củng cố nhân sự Hội Đồng Lưỡng Viện trong mục đích phục hoạt lại Giáo Hội. Kết quả ngày 01-10-2003 (tháng 9 năm Quý Mùi âm lịch) Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã tổ chức được Đại Hội với danh xưng là Đại Hội Bất Thường GHPGVNTN tại Tu Viện Nguyên Thiều. Đại Hội này thành công một cách tốt đẹp. Sau Đại Hội Bất Thường này Ngài và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị nhà nước gây khó dễ không ít. Riêng Hòa Thượng Thích Quảng Độ và phái đoàn bị áp lực của chính quyền phải trở về Sài Gòn vào ngày 08-10-2003. Nhân sự kiện này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ mời Ngài vào Sài Gòn để chửa bệnh và triển khai các Phật sự của Giáo Hội, nhưng khi xe vừa ra khỏi Tu Viện thì bị các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định gây cản trở. Ngài cũng bị dẫn độ cùng với 2 thị giả về huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định lúc 13 giờ ngày 09-10-2003, quan chức công an tỉnh Bình Định thay phiên hỏi cung đến khi Ngài kiệt sức mới đưa về Tu Viện Nguyên Thiều vào lúc 23 giờ 30 phút khuya cùng ngày. Từ thời điểm này, Tu Viện Nguyên Thiều gần như bị phong tỏa, bản thân của Ngài cũng như tất cả quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni Phật tử tham gia vào GHPGVNTN đều bị theo dõi chặt chẽ.

Sau Đại hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều ngày 01-10-2003, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủy thác cho các GHPGVNTNHN tổ chức Đại Hội Bất Thường GHPGVNTN tại hải ngoại. Thừa hành ý chỉ này, chư tôn đức Giáo Phẩm Tăng Ni và Phật tử lãnh đạo GHPGVNTN hải ngoại đã tổ chức Đại Hội Bất Thường mở rộng tại Tu Viện Quảng Đức thành phố Melbourne Úc Châu, ngày 10/12-10-2003. Chính Đại hội này công bố đầy đủ nhân sự lãnh đạo Giáo Hội trong nước và hải ngoại. Cũng trong Đại Hội này, toàn thể Tăng, Ni và Phật tử hải ngoại suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN.

Ngoc Han va truyen thong tai UC (31)
Duc De tu Tang Thong Thich Huyen Quang
Lễ suy tôn Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang
tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, ngày 10/12-10-2003. 




Ngày 29 tháng 9 năm 2006, Ngài bị suy tim, nên chư Tăng tại Tu Viện Nguyên Thiều đã đưa Ngài vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để chữa bệnh. Trong thời gian này, Hòa Thượng Thích Quảng Độ và chư vị giáo phẩm trong Viện Hóa Đạo đã thường xuyên thân cận chăm sóc cho Ngài.

Ngày 16 tháng 10 năm 2006, vì bệnh tình đã thuyên giảm, nên Ngài được bệnh viện cho phép xuất viện. Chư Tăng trong Viện Hóa Đạo đã đưa Ngài về an tịnh tại Chùa Giác Hoa. Không bao lâu sau đó Ngài đã trở về lại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định.

Kể từ sau khi trở về lại Tu viện Nguyên Thiều, mỗi ngày hai thời, Ngài lên tháp chuông của Tu Viện để thỉnh chung cầu nguyện quốc thái dân an và chúng sinh tỉnh ngộ.

Ngày 27 tháng 5 năm 2008, vì bệnh tim tái phát, lại trong phổi có nước, nên Ngài đã được đưa vào Bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, để điều trị. Dù chư tôn đức Tăng, Ni của Viện Hóa Đạo và Tu viện Nguyên Thiều, cũng như các bác sĩ tại bệnh viện đã hết lòng chăm sóc và chữa trị, nhưng như cỗ xe đã già cỗi, thân tứ đại suy kiệt vì tuổi đời đã cao, bệnh hoạn thường xuyên, cho nên sức khỏe của Ngài không thể bình phục.

Biết trước không tránh khỏi cơn vô thường, Ngài đã tỏ ý muốn về lại Tu Viện Nguyên Thiều để an tịnh. Ngày 4 tháng 7 năm 2008, lúc 3 giờ chiều, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cùng chư tôn giáo phẩm Viện Hóa Đạo và môn đồ pháp quyến đã cung đón Ngài về lại Tu Viện Nguyên Thiều.

Đến 1 giờ 15 phút chiều ngày 5 tháng 7 năm 2008, Ngài đã an nhiên thâu thầu thị tịch tại Phương Trượng Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định. Ngài trụ thế 89 năm và 69 hạ lạp.

1.ht huyen quang (2)1.ht huyen quang (3)1.ht huyen quang (4)

Dù bận rộn Phật sự của Giáo Hội, Ngài vẫn không quên thường xuyên thực hiện hai tâm nguyện mà xem là trọng đại trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp để cứu khổ sinh dân. Đó là: mở trường lớp để dạy dỗ Tăng, Ni hầu ươm mầm tương lai cho đạo pháp, và phiên dịch trước tác kinh luật luận và giáo nghĩa phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn.

Chính vì tâm nguyện đó, mà Ngài đã tinh cần tụng đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh trong suốt mười mấy năm lao tù và quản chế. Đồng thời Ngài đã phiên dịch và trước tác nhiều tác phẩm như:

- Thiền Môn Chánh Độ,

- Sư tăng và Thế nhơn,

- Nghi cúng chư Tổ và Chư vị Cao Tăng,

- Đạo Tràng Công Văn Tân Soạn,

- Thiếu Thất Lục Môn,

- Phật Pháp Hàm Thụ,

- Pháp Sự Khoa Nghi,

- Nghi Thức Cúng Giao Thừa,

- Phật Pháp Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng ngày, v,v…

(xem tác phẩm của HT Thích Huyền Tôn)

 

Suốt cuộc đời thị hiện trên thế gian tròn 89 năm, Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống đã thể hiện trọn vẹn công hạnh xuất trần thượng sĩ và cứu khổ quần sinh của một vị Bồ tát. Ngài đã đem thân mạng ra để gánh chịu bao khổ não thay cho dân tộc và Phật Giáo Việt Nam.

Với nếp sống giản dị, thanh bần, với tâm lượng bao dung khoáng đạt, với chí nguyện cao cả thiêng liêng, với trí tuệ mẫn duệ sâu sắc, Ngài là một nhà lãnh đạo vừa đắc nhân tâm, vừa bản lãnh và sáng suốt. Với biển học mênh mông và tầm nhìn thấu triệt mọi sự, với giới hạnh trang nghiêm, Ngài là bậc cao Tăng thạc đức hy hữu trong chốn thiền lâm mà hàng trăm năm không dễ có được.

Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất một vị Thầy tôn kính, Giáo Hội mất một nhà lãnh đạo tối cao tài đức vẹn toàn, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng, Ni và Phật tử.

Dù biết rằng, sinh tử như phù vân, bậc thượng sĩ đến đi như cánh nhạn giữa trời xanh bát ngát, nhưng làm sao chúng ta tránh khỏi sự tiếc thương vô hạn đối với một bậc Thầy tôn kính hiếm khi xuất hiện giữa thế gian.

Chúng con xin hướng về Tu Viện Nguyên Thiều, nơi nhục thân Ngài còn được tôn trí, cuối đầu đảnh lễ Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN thượng Huyền hạ Quang. Nguyện Ngài từ bi bất xả bổn thệ hồi nhập ta bà để tiếp tục giáo hóa chúng sinh.

Nam Mô tự Lâm Tế chánh tông tứ thập nhất thế, Nguyên Thiều Tu Viện Khai Sơn Phương Trượng, Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống, húy thượng Như hạ An, tự Giải Hòa, hiệu Huyền Quang Đại Lão Hòa Thượng Giác linh. 

Môn Đồ Hiếu Quyến (đồng kính soạn)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 4533)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 4491)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 4420)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 10316)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
18/03/2013(Xem: 5158)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 5975)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 6514)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 7816)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 9011)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
07/02/2013(Xem: 14487)
Nửa thế kỷ Tôn Sư vắng bóng, Ánh Đạo Vàng tỏa rộng muôn phương Hôm nay tổ chức huy hoàn Hằng năm kỷ niệm, đàn tràng tôn nghiêm. Môn đồ Tứ chúng ngưỡng chiêm,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567